Giảng lễ LỄ ĐỨC MẸ FATIMA 13/10
Ngày 13/10 hôm nay, chúng ta kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra lần thứ 6 và cũng là lần hiện ra cuối cùng tại Fatima – Bồ Đào Nha trong năm 1917, cách chúng ta hôm nay 107 năm (1917-2024).
Lần hiện ra 13/10 này, Đức Mẹ tuyên bố một tước hiệu mới của Mẹ: “Ego sum Domina Nostra Rosarii – Ta là Đức Mẹ Mân Côi”. Đây phải chăng là một trong những lý do, Giáo Hội chọn tháng 10 làm tháng mân côi, sau lý do nhắc tới trận hải chiến tại vịnh Lépante ngày 7/10/1971?
Vậy thì Mân Côi là gì? Tại sao tràng hạt lại gọi là tràng mân côi hay chuỗi mân côi?
Tương truyền rằng, sở dĩ gọi là Kinh Hoa Hồng là do tích truyện một thầy tu khi đọc kinh Kính Mừng, Đức Mẹ đã lấy những nụ hoa hồng trên môi của thầy tu ấy kết thành vòng hoa đội lên đầu mình.
Tiếng Latinh, chuỗi hạt gọi là Rosarium, nghĩa là hoa hồng, và cũng có nghĩa là chuỗi ngọc. Và trong các ngôn ngữ phổ biến trên thế giới, tràng hạt đều mang ý nghĩa là “hoa hồng” hay “chuỗi ngọc”.
Do vậy tràng hạt tượng trưng cho tràng hoa hồng Đức Mẹ đội trên đầu được gọi là Tràng Mân Côi, Văn Côi, Mai Khôi hay Môi Khôi. Tất cả các từ ngữ chỉ là biến thể và cách đọc trại ra mà thôi, nhưng có lẽ từ Mân Côi được chúng ta dùng phổ biến hơn cả.
Vậy thì, chúng ta lần hạt, là chúng ta đang dâng lên Mẹ những đóa hồng tươi đẹp là lòng yêu mến và những hạt ngọc của sự hy sinh mỗi ngày.
Thập niên trước, chúng ta thường nghe ca sĩ Ái Vân hát bài: “Triệu Bông Hồng”, câu chuyện anh chàng họa sĩ muốn tặng triệu bông hồng cho nàng ca sĩ. Thiết nghĩ, triệu bông hồng chắc phải mua cả nhà vườn Đà Lạt, và phải chở cả xe tải, nhưng liệu có đủ tiền mua, và triệu bông hồng dù “khoe sắc khóe” cũng sẽ tàn héo sau vài ngày… Còn chúng ta, một Kinh Kính Mừng là một bông hồng miễn phí, một hạt ngọc tinh tuyền dâng cho Đức Mẹ, dễ quá, đọc được mọi lúc mọi nơi. Nói thế, để cho chúng ta có động lực mà siêng năng lần hạt mân côi dâng cho Mẹ Maria của chúng ta.
Thưa Quý ÔBACE!
Trong lần hiện ra ngày 13/10 này, Đức Mẹ như nhắc lại tất cả những gì Người đã dạy trong năm lần hiện ra trước đó. Đức Mẹ đã muốn xây một nơi để tôn kính Mẹ, cùng với minh chứng là phép lạ mặt trời nhảy múa. Đức Mẹ nói với ba trẻ Lucia, Giaxinta và Phanxico 3 điều:
– Hãy tiếp tục lần hạt hằng ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt và binh sĩ sẽ trở lại gia đình.
– Cần cải thiện đời sống và xin ơn tha thứ mọi tội lỗi.
– Ðừng phạm đến Chúa nữa vì Chúa đã bị xúc phạm nhiều rồi.
Bà điều này, là ba mệnh lệnh mà chúng ta ai cũng nhớ, cũng biết, nhưng đã thực hiện thế nào?
Liên quan đến ba mệnh lệnh của Mẹ: Lần chuỗi mân côi, ăn năn đền tội và tôn sùng Mẫu Tâm, chúng ta cũng tìm hiểu qua các bài đọc Lời Chúa hôm nay.
1. Lần hạt mân côi
Đức Mẹ nói với Lucia: “Ta là Ðức Mẹ Mân Côi. Hãy tiếp tục lần hạt hằng ngày. Chiến tranh sẽ chấm dứt và binh sĩ sẽ trở lại gia đình”.
Lời Chúa trong bài đọc I, sách ngôn sứ Is 9,2-7 tiên báo sự xuất hiện của “Hoàng Tử Bình An” và một thời kỳ hòa bình được mở ra, khi “dân tộc bước đi trong u tối đã nhìn thấy ánh sáng chứa chan…”. Thế giới của năm 1917 đang khủng hoảng trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918) và Nga-xô tà độc của chế độ cộng sản vô thần. Mẹ Maria kêu gọi lần hạt và tiếp tục lần hạt để chiến tranh chấm dứt và nước Nga trở lại.
Và lời ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm, lời hứa của Mẹ Maria đã hiện thực, và kinh Mân Côi đã trở thành vũ khí chiến thắng. Lời kinh Mân Côi tuyệt hảo đã giải trừ chiến tranh mà không phải xông pha chiến trường hay sử dụng đao binh lửa đạn, hoàn cải Nước Nga không phải ra đi truyền giáo mà là lần chuỗi mân côi ở bất cứ nơi nào hay lúc nào.
Nói tới đây, tôi lại nhớ câu chuyện “CŨNG TẦM NĂM CHỤC”, mà có lẽ tôi đã từng kể ở đâu đó:
Lần đầu đến xứ đạo kia, bị lạc, may mắn gặp một cụ bà mặc áo dài chống gậy đi bên đường, bần đệ dừng xe hỏi cụ:
– Bà ơi! Cho con hỏi từ đây đến nhà thờ X còn bao xa ạ?
Cụ bà ngước lên bảo:
– Cũng tầm năm chục đó chú.
Úi chết, trời tối, mưa dầm mà còn năm chục cây nữa chết tui rồi ! Hic
Nhưng… thì ra là hàng ngày cụ bà đi lễ, cụ lần hạt từ đó đến nhà thờ khoảng năm chục hạt.
Chuyện vui về bà cụ đo chiều dài quãng đường từ nhà mình đến nhà thờ bằng tràng hạt, nhưng mỗi lần kể, làm tôi phải suy nghĩ: Ngày xưa khi chưa có điện về làng, hay khi chưa có internet và mạng xã hội, thì ngày đêm sớm tối lời Kinh Kính Mừng được vang vọng nơi các gia đình và nhà thờ chật ních người đến lần hạt, trên xe trên tàu hay nơi bán hàng cũng có thể lẩm nhẩm lần hạt. Còn hôm nay, cứ rảnh một chút là lướt lướt zalo – facebook, lướt mọi lúc mọi nơi, thậm chí giới trẻ vài phút mà chưa ngó fb một lần tưởng chừng như trời sập; tối về không còn những giờ kinh gia đình và bữa cơm đầm ấm, mà thay vào đó là mỗi người một góc: cha iphone, mẹ Ipad, con game thủ…
Thế giới ngày nay không khác gì những năm 1917, chiến tranh xảy ra khắp nơi trên thế giới, như: Nga – Ukraina, Isrel – Liban… Lời Mẹ Maria hơn lúc nào hết, ngay hôm nay, lúc này, nơi này, khẩn thiết mời gọi anh chị em chúng ta siêng năng lần hạt để cầu cho hòa bình và cho những người lạc lối.
2. Ăn năn đền tội.
Đức Mẹ nói với Lucia: “Mọi người cần cải thiện đời sống và xin ơn tha thứ mọi tội lỗi”.
Bài đọc II, trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma 5,12.17-19, thánh Phao-lô nói: “… do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội”.
Như thế, không ai trong chúng ta không có tội, phải, tất cả đều là tội nhân, bắt đầu từ tội nguyên tổ và sự xuống cấp để rồi sự dữ tràn lan.
Trong nghi lễ an táng nhà vua nước Áo và Bồ Đào Nha, linh cữu nhà vua được đưa đến nhà thờ, cửa đóng kín.
Khi linh cữu nhà vua được rước tới cửa nhà thờ thì phải dừng lại trong khi cửa nhà thờ vẫn đóng kín.
Trưởng đoàn nghi thức sẽ dùng vương trượng của vua để gõ cửa, từ bên trong sẽ có người hỏi: “Ai đó?”
Nghi trưởng đáp: “Hoàng đế ngự lâm!”
Bên trong không trả lời và cửa vẫn đóng kín.
Nghi trưởng gõ cửa lần hai.
Bên trong có tiếng hỏi: “Ai đó?”
Nghi trưởng: “Hoàng đế ngự lâm.”
Bên trong không trả lời và cửa không mở.
Nghi trưởng gõ cửa lần ba.
Bên trong hỏi: “Ai đó?”
Nghi trưởng đáp: “Một tội nhân!”
Khi đó cửa nhà thờ sẽ mở rộng để người ta rước quan tài vào.
Nghi thức này diễn tả sự khiêm nhường. Trước mặt Thiên Chúa thì chẳng ai là vua, tất cả là thụ tạo yếu đuối, tội lỗi.
Lời của Mẹ Maria nhắn nhủ và kêu gọi chúng ta ăn năn đền tội, không chỉ riêng cho chúng ta, hay là thay thế đền tội cho thế giới, mà còn là một sự liên đới trách nhiệm. Chúng ta phạm tội không chỉ phá vỡ tương quan với Chúa và với nhau, mà còn liên đới trách nhiệm làm hư hoại thế giới này và kéo theo sự xuống cấp ngày càng trầm trọng hơn. Một sự dữ, một tội lỗi cá nhân góp vào trong toàn thể tạo nên một quả bom khủng khiếp của sự dữ hủy hoại đạo đức cả nhân loại này.
3. Tôn sùng Mẫu Tâm
Đức Mẹ buồn rầu nói với Lucia: “Ðừng phạm đến Chúa nữa vì Chúa đã bị xúc phạm nhiều rồi”. Trước đó, ngày 13/7 Đức Mẹ cũng đã dặn: “Các con đã nhìn thấy hỏa ngục nơi linh hồn các kẻ có tội bị giam cầm. Ðể cứu các linh hồn khỏi sa hỏa ngục, Thiên Chúa muốn phát động lòng tôn sùng Trái Tim Vẹn Sạch Ðức Mẹ trên hoàn cầu. Nếu các con thi hành các điều Ta phán dạy thì rất nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi và sẽ có hòa bình. Cuộc chiến này sẽ chấm dứt, nhưng nếu nhân loại không ngừng xúc phạm tới Thiên Chúa, một cuộc chiến tàn khốc nữa sẽ xảy ra và trong một đêm nào đó khi các con nhìn thấy bầu trời rực sáng bởi luồng ánh sáng kỳ lạ thì lúc đó các con sẽ hiểu đó là dấu chỉ Thiên Chúa sẽ trừng phạt nhân loại bằng chiến tranh và nghèo đói”.
Lời Chúa trong Tin Mừng Lu-ca 2,27-35 tường thuật lời ông Si-mê-on tiên báo: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều người được biểu lộ”. Nói lên trái tim Mẹ Maria phải chịu tan nát thương đau vì sự tội lỗi của nhân loại, khi Mẹ thông phần với cuộc Tử Nạn của Chúa Giê-su – Con của Mẹ.
Như vậy, việc tôn sùng Trái Tim vẹn sạch Mẹ Maria, là phương cách để cứu nhân loại thoát cảnh sa đọa, diệt vong của nhân loại, và cứu các linh hồn khỏi sa hỏa ngục đời đời.
Tôn sùng Trái Tim vẹn sạch của Mẹ Maria còn là mặc lấy một con tim như Mẹ, biết yêu thương, chia sẻ, phục vụ, và cùng với Mẹ mang lấy nỗi ưu sầu lắng lo của nhân loại và cộng tác cứu độ nhân loại.
Tóm lại: Mừng kỷ niệm ngày Mẹ hiện ra tại Fatima hôm nay, chúng ta thực thi ba mệnh lệnh của Mẹ là ăn năn đền tội, tôn sùng Mẫu Tâm và lần hạt mân côi. Xin cho con noi gương Mẹ, biết dấn thân phục vụ tha nhân, yêu thương chân thành. Xin cho con noi gương Mẹ, biết xin vâng tuân theo ý Cha, luôn sống vị tha. Amen.
——————————-
Bài chia sẻ 2:
ĐỨC MẸ FATIMA
Lc 11,27-28
Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !” Nhưng Người đáp lại : “Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”
*
* *
Chúng ta thường nói và đọc vào các ngày Chúa Nhật về 8 cái phúc – “Phúc thật tám mối”. Nhưng hôm nay, cái phúc thứ 9 mà chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng, tóm lại hết mọi mối phúc, là “phúc cho ai lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”.
Cái phúc này nó lớn đến nỗi, biến người Lắng Nghe và Thực Hành Lời Chúa trở thành Mẹ và Anh Em của Chúa.
Trước hết và trên hết, Đức Mẹ là người có trọn vẹn mối phúc này: Nhất Mẹ Maria luôn, chẳng ai lắng nghe Lời Chúa hơn Mẹ, chẳng ai tuân giữ Lời Chúa hơn Mẹ… và Mẹ là người phụ nữ duy nhất làm Mẹ Thiên Chúa trong bản tính nhân loại. Mẹ có đặc ân Theotokos. Trước khi Mẹ Cưu Mang Thiên Chúa Nhập Thể, thì Mẹ đã cưu mang Lời Thiên Chúa khi Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa, Mẹ đã ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Vậy thì mừng Kỷ niệm Me Fatima, và với sự hướng dẫn của Lời Chúa, chúng ta cùng suy tư về việc LẮNG NGHE, TUÂN GIỮ để TRỞ THÀNH MẸ CỦA CHÚA của Mẹ Maria và cũng là của chúng ta.
Đây này: Mẹ của Chúa đây này, anh của Chúa đây này, em của Chúa đây này. Nói vậy là vì ông, bà, anh, chị, em… đang sốt sắng ngồi đây để LẮNG NGHE Lời Chúa, để rồi từ nơi đây, ACE ra đi đem Lời Chúa vừa nghe đi vào trong cuộc sống chúng ta !!!
Câu chuyện ba bức tượng:
Hồi trạng Quỳnh đi sứ nhà Thanh. Nhà Thanh muốn thử tài sứ giả nước Việt đã bày ra ba pho tượng tiểu đồng giống hệt nhau và bảo Trạng Quỳnh phải tìm ra pho tượng nào giá trị nhất.
Trạng Quỳnh quan sát ba pho tượng tiểu đồng, kích thước bằng nhau, đúc chất liệu như nhau, sơn màu giống nhau, cân nặng như nhau, nói chung là không có gì khác bọt cả. Trạng Quỳnh liền lấy một sợi dây xỏ vào tai: pho tượng thứ nhất xỏ vào tai này xuyên qua tai kia, pho tượng thứ hai sợi dây đi từ tai xuống miệng ra ngoài, còn pho tượng thứ ba sợi dây xuyên từ tai xuống bụng và dừng lại. Trạng Quỳnh chọn pho tượng thứ ba là quý giá nhất.
Kể xong không cần giải thích thì mọi người cũng đã hiểu rồi.
– Nghe mà vào tai này ra tai kia thì vứt, như nước đổ lá môn – đầu vịt. Những kẻ như hạt giống bên vệ đường, bị giẫm đạp hoặc chim trời ăn mất. Nghe đọc Lời Chúa, nghe giảng dạy, nghe nhắc nhở đều bỏ ngoài tai, như không !!!
– Nghe vào tai nhưng liền lum loa lét phét nói ra liền, thậm chí thêm mắm thêm muối, buôn chuyện, nghe chưa đầu đuôi và chưa hiểu đã vác đi nói, chưa nắm bắt được rõ ràng đã phản ứng… sợ nhất là “con nghe nói” nhưng chẳng chắc chắn gì đã mang đi mách lẻo tám chuyện. Lời Chúa chẳng sinh hoa kết quả gì với loại này, chỉ thêm tội.
– Nghe và để cho thấm xuống tim, xuống bụng. Nghĩa là phải biết suy đi nghĩ lại trong lòng, rồi đem ra thực hành mới là đáng quý nhất.
Và hơn ai hết, Mẹ Maria của chúng ta đã được Tin Mừng thánh Luca 2,16-21 viết: “Đức Maria hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Chúng ta không nghe được là vì chúng ta bận rộn với đủ thứ ồn ào, đặc biệt với thời đại công nghệ hôm nay: Tối về đã mất đi bữa cơm thân mật của ngày xưa, ông một iphone, bà một ipad, con một galaxy… mỗi người mỗi góc nhà. Ngay cả việc đến nhà thờ, vẫn chia trí vì cái smartphone chụp choẹt hay xem tin nhắn facebook, zalo, telegram, tiktok.
Ngày này năm xưa cách đây 107 năm, tại Fatima Bồ Đào Nha, Đức Mẹ dặn chúng ta điều gì?
Ba mệnh lệnh Fatima, chúng ta nghe nhiều nhiều lần lắm rồi đúng không?
Có ai không nhớ không?
– Ăn năn đền tội,
– Tôn sùng mẫu tâm,
– Lần chuỗi mân côi,
Chúng ta đã giữ được đến đâu? Và thực hành như thế nào?
– Ăn năn đền tội là luôn noi gương Mẹ để luyện tập nhân đức, sống thánh thiện xứng đáng là con cái Mẹ.
– Tôn sùng trái Tim Mẹ, là nên giống Mẹ với một con tim nồng nàn mến Chúa và biết yêu thương phục vụ tha nhân.
– Lần chuỗi mân côi trong bất cứ lúc nào có thể, chứ không phải 5 phút xem smartphone một lần tiktok, zalo, messenger.
Lắng nghe và thực hành Lời Chúa, chính là biết làm những điều mà Mẹ Fatima nhắn nhủ chúng ta: “Mẹ nhắn nhủ người đời, hãy mau ăn năn đền tội, hãy tôn sùng mẫu tâm, hãy năng lần hạt mân côi”.
Chính vì thực thi ba mệnh lệnh này mà Đức Mẹ đã ban lại hòa bình cho thế giới và nước Nga trở lại.
Hôm nay, trên thế giới đang xảy ra bao nhiêu cuộc chiến tranh: Nga-Ukraina; Hamas-Israel… Chúng ta hãy năng lần hạt mân côi, xin mẹ thương chấm dứt chiến tranh, để mọi người được sống an bình.
Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post