VẤN ĐỀ TRUYỀN GIÁO
LÀM SAO CHO DÂN TỰ TÌM ĐẾN CHÚA?
Có lẽ trong việc truyền giáo, người thực hiện hầu hết nặng tính cơ chế và có phần áp đặt từ một phía, nghĩa là khá gò bó trong cơ cấu phẩm trật và phép tắc, phương pháp thì lo giảng lo dạy đạo, làm từ thiện thu hút, thậm chí đem lương thực tiền bạc lôi kéo… nhưng mấy ai có thể làm cho đối tượng tự thắc mắc về đạo và tự nguyện tìm đến để học hỏi về Chúa. Trong mọi cách đều có thành công nhất định, nhưng cũng nhiều bất cập và hiệu quả không cao:
– Cứ đến là giảng là dạy. Cách này hiện nay hiệu quả rất thấp, vì như mang tính áp đặt mà thiếu lắng nghe, không biết gì về tín ngưỡng, văn hóa và đời sống của đối tượng.
– Thu hút bằng các chương trình từ thiện. Với thời đại mạng xã hội, dễ bị thao túng, lạm dụng, khoe khoang, lăng xê… và đối tượng nảy sinh nghi ngờ, chẳng biết do động lực nào, vinh danh ai?
– Dùng vật chất để lôi kéo. Những nơi khó khăn khi còn có tiền của cho thì người ta tin theo, đến lúc hết thì đạo cũng thôi, người ta vì cái ăn chứ không phải vì yêu mến. Cách này thành công nhanh thì thất bại cũng nhanh không kém.
– Đồng hành trong cuộc sống và công việc. Người truyền giáo đến ở lại nơi vùng xa, đồng hành trong các công việc và nơi làm việc, thậm chí trong các bữa ăn, quán nước… Làm quen thân thiện trước, dần già tìm cơ hội nói về đạo cho họ. Cách này tuy chậm, đòi hỏi sự dấn thân hết mình nơi các người đi truyền giáo, nhưng nay khá thành công.
Cha T và cha khác ở Sơn La (Giáo phận Hưng Hóa) khởi đầu bằng cách đến từng bản làng, vào một nhà nào đó tiếp cận làm quen, ban đầu thì giúp cho họ biết ngăn nắp và vệ sinh nhà cửa, vì ở các bản, bên trong một căn nhà vừa là chỗ để ăn uống, tiếp khách, thay quần áo, ngủ nghỉ, nấu ăn, không hề có vách ngăn hay màn che, bề bộn lộn xộn và rất bẩn. Sau khi đã thân thiện, các cha nhờ gia đình đã quen đi mời những gia đình xung quanh mỗi tuần một buổi (thường là buổi tối) tập trung về nhà mình, nghe các cha nói chuyện về cách cải tạo đời sống an sinh, văn hóa, môi sinh, rồi dần dần nói chuyện về đạo, những câu giáo lý sơ cấp, tập đọc chung những kinh nguyện cơ bản, dĩ nhiên sau những buổi sinh hoạt có kèm theo ăn nhẹ (bánh kẹo, uống nước…). Và khi đã hình thành được một nhóm nhỏ, những buổi gặp gỡ này các cha sẽ cử một thầy hay một Giáo Lý Viên đến đọc kinh, đọc Lời Chúa, suy niệm và cầu nguyện, cho đến khi có thể, các cha sẽ sửa một căn phòng tại ngôi nhà của gia đình đóng cửa cẩn thận và xứng đáng để thỉnh thoảng đến dâng lễ…
– Làm cho người ta tự tìm đến với đạo?
Có lẽ cách này được coi là không chính thống, bởi người ra đi không phải là người truyền giáo chính danh; nhóm làm việc này cũng không thực sự là nhóm vì không đăng ký thành lập phép đạo cũng như phép đời mà chỉ âm thầm liên kết với nhau qua mạng để đi làm việc bác ái; thành viên của nhóm là bất kỳ ai: sinh viên, học sinh, nhân viên bán hàng, nhân viên quán café…; cũng không có một phương pháp nào cụ thể mà là tùy cơ ứng biến trong từng hoàn cảnh và tình huống: không rao giảng, không nhất thiết làm từ thiện, không dùng vật chất lôi kéo… nhưng khi có được một đối tượng nào cảm kích muốn tìm hiểu về đạo, họ sẽ liên hệ gửi cho nơi giáo xứ hoặc nhà dòng nào đó đang có lớp dự tòng thích hợp giờ giấc đối tượng có thể học, và chẳng cần ai biết đến công lao của họ sau từng kết quả.
Và đã từng có một nhóm như thế. Thành viên âm thầm hoạt động dưới sự hướng dẫn qua Email của một huynh trưởng mà các thành viên gọi là “huynh”. Con số thành viên nay đã khá đông, thành viên phần lớn là sinh viên và nhân viên quán café, ít nhất mỗi tỉnh thành có vài thành viên, phần nhiều có mặt ở Sài Gòn và Hà Nội. Các thành viên không tự đi tìm kiếm đối tượng, mà là phát hiện những tình huống “bất thường” nơi họ làm việc hay nơi học đường, rồi tìm cách tiếp cận để tìm giải pháp cho đối tượng, khi tình huống chính họ khó xử, thì họ có thể liên hệ với các thành viên gần nhất để cùng tìm phương cách. Tuy nhiên, dù không đi tìm kiếm, nhưng những ngày cuối tuần được nghỉ nơi học đường, một số thành viên cũng có thể đi tìm những công việc phục vụ giúp những người già nua neo đơn.
Dưới đây là một vài ví dụ điển hình mà nhóm đã thực hiện:
Trường hợp 1: Tại GV, có bạn A… và T…, cuối tuần, hai em đã tìm đến nhà của một cụ bà neo đơn bệnh tật, các em chỉ vào dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ quần áo và đi chợ mua đồ ăn giúp bà. Các em không giảng dạy hay khuyên răn gì cả, nhưng rồi vì thấy các em tự nguyện đến phụ giúp cách vui vẻ công không như vậy, bà đã hỏi thăm các em, biết các em là “người con Chúa”, bà đã xin được nói về Chúa cho bà… Kết quả là khi gần chết, bà đã được cha sở gần đó rửa tội và ban bí tích sau hết.
Trường hợp 2: Hôm đó, tại quán café M.C.&T… bé KT thấy một thanh niên chạy xe Grab Bike ngồi uống café một mình, nghe điện thoại mà bé KT nghe đoán được ai đó hẹn giao cái gì đó rất bí mật (hàng cấm) lúc mấy giờ ở phía sau nhà xe NL…? Bé KT liền tiếp cận anh ta, vận dụng hết cái “dễ thương” của em để làm quen, rồi nụng nĩu đòi anh ta phải chở em đi về Coop… Quận 7, vì bé biết rằng, quãng đường từ Bến xe Miền Đông về Quận 7 đủ để làm cho anh grab trễ giờ. Anh này có lẽ do bị hút hồn bởi người đẹp nên sẵn sàng chở đi ngay, dọc đường bé KT còn bày cách dừng chỗ này chỗ kia nhằm câu giờ. Đến nơi, anh grab vẫn chưa thấy bên kia gọi đt, anh tạm biệt bé KT và xin số điện thoại của bé, bé cho số và nói chỉ gặp lại nếu anh vứt ngay cái sim đt đang xài và thoát một kiếp nạn sau đó. Và sự việc đã xảy ra là hôm đó cái nhóm giao ma túy kia đã bị công an mật phục bắt gọn… Thế rồi, họ đã gặp lại nhau và người thanh niên sau khi biết lý do bé KT quen anh để giúp anh bởi bé là “người có đạo”. Tò mò, cảm kích, rồi xin học đạo… anh đã được giới thiệu theo học lớp dự tòng ở Kỳ Đồng.
Trường hợp 3: Tại trường Đại học X… ở Sài Gòn, có anh sinh viên tên A… là trưởng lớp, học giỏi và năng động. Bỗng nhiên anh tỏ ra suy sụp, uể oải, học hành sa sút và cáu gắt khác thường. Với sự nhạy bén, bé TD là sinh viên cùng lớp đã tiếp cận và biết được sự tình: Chuyện là anh A… có bạn gái ở một vùng xa dưới Bình Dương, mỗi cuối tuần anh chạy xe máy về BD thăm người yêu. Nhà bạn gái anh là một gia đình gia giáo và còn nặng tính phong kiến, ngoài bố mẹ còn có ba chị em, hai gái một trai. Anh A… yêu D… là chị cả, mỗi lần chạy xe máy từ SG về BD thăm cô D…, anh D… có thói quen cứ đến nhà là vào ngay nhà vệ sinh để rửa trước khi ra ngồi tiếp chuyện, căn nhà ông bà S thiết kế nhà vệ sinh đa năng (rửa, tắm, WC 3in1). Anh A… vốn yêu thề non hẹn biển với chị D, nhưng đến nhà nhiều anh cũng không hay biết là cô em của D cũng thầm yêu anh và nhiều lần tìm cách tiếp xúc với anh. Thế rồi một ngày như bao lần trước, anh đến và đẩy cửa nhà tắm vào rửa tay, thì gặp cô em đang tắm (không biết vô tình hay hữu ý mà không cài cửa), anh A… bỏ ra ngoài, một lát sau cô em mặc đồ đi ra và ngồi khóc. Chuyện khó xử này làm cho anh không biết đối mặt làm sao với bạn gái (là cô chị) và bố mẹ của bạn gái. Trở về SG, anh bỏ ăn bỏ ngủ và học lực sa sút… Và bé TD đã lắng nghe anh, nhưng chính bé cũng không biết phải làm thế nào, bé đã liên hệ nhờ “huynh trưởng” giúp, và ông chú sư huynh này đã xuống tận nhà, tư vấn tâm lý cho mọi người vượt qua rào cản của ý thức hệ xã hội và hóa giải êm thuận chuyện tình yêu cho cặp đôi… Kết quả cuối cùng là nay có một gia đình tân tòng đạo đức ở PC.
Trường hợp 4: Tại NG, một TT thuộc tỉnh BRVT, có bé PN. Bé là con gái trong một gia đình truyền thống làm giáo viên. Bé có chú ruột là GV của ĐH ở SG, anh trai cũng là giáo viên. Cả gia đình và thậm chí dòng họ và cả cô Chủ Nhiệm 12 đều mong muốn bé nối nghiệp nhà giáo, hoặc chọn thi vào trường ĐH nào đó khi ra trường không phải làm việc nặng nhọc về tay chân, vì bé là cô gái bé bỏng, có phần yếu ớt và xinh xắn. Thế nhưng, bé PN quyết tâm chọn vào đại học Nông Lâm (mà theo lý giải của gia đình thì sau này ra trường chỉ đi trồng và cạo mủ cao su). Thế rồi, bé thi trượt ĐHNL. Bé trở về, thay vì an ủi động viên bé sau cú sốc đầu đời, thì từ bố mẹ, anh chị, họ hàng đến cô chủ nhiệm đều lên án, trách móc và thậm chỉ mắng chửi. Bé rơi vào trầm cảm và hơn một lần đã trốn ra cầu Cỏ May để quyên sinh, nhưng bị phát hiện bắt về. Rồi gia đình sợ bé liều mình nữa, nên nhốt trong phòng và bắt thằng út trông chừng. Từ đó, bé trở thành lầm lì, trở thành người câm điếc, không bao giờ nói hay trả lời ai, bức xúc cào cấu đứa út. Biết chuyện, chính “huynh trưởng” đã đến thăm. Ban đầu bé xua đuổi ném gối tạt cả ly nước vào huynh, nhưng huynh đã dùng phương pháp “đổ hết nước trong ly lòng cô đã đầy, mới rót những gì mới vào được”, nghĩa là huynh trở thành cái giỏ rác cho bé trút hết sự dồn nén bấy lâu vào, và khi để bé nói ra được hết sự ấm ức thì đã thành công 50% rồi. Sự thật là, huynh đã lắng nghe cho bé nói ra hết sự thất bại của bé, sau đó huynh “bịa” ra câu chuyện cuộc đời của huynh từng thất bại gấp ba lần của bé, kích thích bé tò mò cách huynh vượt qua, và làm cho bé có động lực đứng lên sau thất bại. Vấn đề là sau tất cả, cha mẹ và mọi người đã biết họ sai, nhưng bé căm giận không cho họ cơ hội để tiếp cận xin lỗi và sửa sai với bé. Lúc này, huynh đã chỉ cho bé “còn trẻ thua keo này ta bày keo khác”, khuyên bé xin bố mẹ lên Sài Gòn một thời gian cho khuây khỏa, vào xin ở lưu xá sinh viên, đăng ký làm công việc gì đó không quan trọng tiền lương cao thấp (vì gia đình bé có điều kiện), rồi tận dụng ôn thi năm tới. Kết quả là huynh gửi bé vào lưu xá các sinh viên công giáo (của các soeur) ở TĐ, ở chung với các em CG, bé tập đọc kinh, dự lễ chung… và nay bé PN đã “có đạo” và còn là một mini-soeur…
Trích ra mấy trường hợp trong nhiều nhiều tình huống không có mẫu số chung, cho thấy cách “truyền giáo” này không có một phương pháp nhất định, tự do sống chứng nhân mà không bị một cơ chế nào gò bó, cũng không rao giảng cho ai để phải “có phép”, bị cho là phô trương hay lạc đạo. Họ chỉ làm những gì lương tâm thúc đẩy trong lúc đó phải làm, rồi để đối tượng tự cảm kích, tự hỏi và tìm đến với Chúa (nơi những lớp dự tòng “có phép”).
Nói là không phương pháp, nhưng ít nhất, có 3 cách tiếp cận:
– Thay thế: Ly nước đã đầy thì rót gì vào cũng trào ra, phải đổ hết nước cũ trong ly mới rót cái mới vào được. Tâm hồn đối tượng đã dồn nén quá đầy, không giúp họ xả ra thì không thể giúp họ.
– Lấn át: Những tệ nạn và điều xấu như cỏ gấu rễ cắm sâu dưới lòng đất không dễ gì nhổ hết được vì rễ cỏ đứt ở dưới lại mọc lên cách mãnh liệt hơn, chỉ bằng cách trồng cây khoai lang mạnh hơn phủ kín đất và lấn át dần làm chết. Chừa tội vốn khó, nhưng tập nhân đức sẽ lấn át… (Hiện nay các cha xứ và các cha lo về giới trẻ hay áp dụng, dùng những môn thế thao lành mạnh làm cho lớp trẻ lo tập luyện và thi đấu mà quên đi những tệ nạn).
– Tiệm tiến: Dục tốc bất đạt. Nếu cầm xô nước trút mạnh vào thau thì nước tung tóe ra ngoài chỉ vào được thau tầm phân nửa, nhưng đổ từ từ thì thau sẽ đầy nước. Cần kiên nhẫn từ từ, kết quả rồi sẽ đến. Phao-lô trồng, A-pô-lô tưới, Chúa làm cho lớn lên.
…
Ai còn cách nào hay xin viết tiếp…
Hiền Lâm
Discussion about this post