CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN, NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 20,1-16
“Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.”Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? ” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho! ” Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất. “Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? ” Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
II. SUY NIỆM
“LÒNG TỐT CỦA THIÊN CHÚA”
Để hiểu được bài Tin Mừng này trước hết cần phân biệt: Sự CÔNG BÌNH theo cách nghĩ của con người và LÒNG TỐT của Thiên Chúa.
Phải, nếu theo suy nghĩ của chúng ta trong lãnh vực làm kinh tế thì sạt nghiệp vì cách trả lương kiểu không giống ai của ông chủ trong dụ ngôn và cũng chẳng còn công nhân nào dám bén mảng vào làm cho mình nữa.
Tuy nhiên, đây là một dụ ngôn (Parable) là một câu chuyện giả tạo có thể xảy ra trong thực tế, để chuyển đạt ý niệm về một thực tại cao siêu xuyên qua việc so sánh với một thực tại thường nhật. Chúa Giê-su dùng câu chuyện vườn nho để diễn tả về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.
Chúng ta là những người thợ vinh dự được Thiên Chúa mời gọi vào vườn nho Giáo hội. Có thể trong chúng ta, có những người được may mắn gia nhập vào vườn nho Chúa rất sớm, ngay từ khi ban mai của cuộc đời; cũng có những người vì hoàn cảnh hay lý do nào đó, họ chỉ được mời gọi vào vườn nho Giáo hội trong thời điểm của ngày tàn. Nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng là chúng ta đã được Chúa yêu thương mời gọi vào vườn nho Giáo hội của Chúa, nên hãy ý thức cố gắng làm việc hết mình và hết tình trước tình yêu mời gọi của Người.
Mỗi người chúng ta được kết nạp vào Giáo hội, có người được vinh dự làm con Thiên Chúa ngay từ lúc cha mẹ đem đến rửa tội (buổi sáng), có người được tham gia lớp dự tòng hoặc trở lại khi xây dựng hôn nhân (giờ thứ 9 – trưa), có người trở lại lúc tuổi già bệnh tật (giờ thứ 11 – chập tối), nhưng có người được ơn trở lại lúc hấp hối (giờ phút chót)… nhưng phần thưởng chung cho mọi người là cùng một Đức Tin, cùng một Phép Rửa, một Thánh Thần, một ơn Cứu Rỗi, một Nước Trời. Người gia nhập đạo tin nhận Chúa từ lúc khởi đầu hay giờ lâm chung thì cùng chung một ơn Cứu Độ là Chúa Giê-su Ki-tô, cùng chung một Thiên Đàng và cùng chiêm ngưỡng một Thiên Chúa duy nhất. Đó là ý nghĩa “một đồng” cho mọi thành phần dân Chúa khi làm con Giáo hội, con dân Nước Trời.
Đã thương xót thì không còn đứng trong ranh giới công bình, người thu thuế, kẻ đàng điếm, kẻ sinh trước, người sinh sau, Thiên Chúa đều cho tự do chen nhau hưởng ơn cứu độ. Thiên Chúa thì rộng rãi và giàu lòng xót thương như thế, còn chúng ta?
Thiên Chúa đối xử với chúng ta không theo sự công bình của chúng ta, vì công trạng chúng ta chẳng là gì so với những tội lỗi xúc phạm đến sự chí thánh của Thiên Chúa. Trái lại, tất cả chúng ta được hưởng ơn cứu chuộc không phải do công trạng chúng ta giữ đạo mà là do Lòng Tốt của Người. Đây là cốt lõi của việc “công chính hóa” – con người không thể dựa vào điều được cho là công trạng của mình để buộc Thiên Chúa phải thưởng công và phân bì với người khác trước mặt Thiên Chúa, nhưng được ơn cứu độ là do bởi Thiên Chúa ban – Điều quan trọng là luôn biết chu toàn bổn phận của mình trước mặt Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, mọi ân huệ là đến từ lòng yêu thương của Chúa chứ không do công trạng của chúng con, để chúng con luôn biết tri ân cảm tạ Chúa và không kiêu căng tự phụ hay ganh tỵ với tha nhân. Amen
Hiền Lâm
Giảng lễ:
Các bài Lời Chúa hôm nay, cách riêng bài Tin Mừng,
nếu chúng ta ai cũng theo cách làm của Chúa (hiểu theo nghĩa đen thực tế), thì chắc sạt nghiệp hết.
Một ông chủ công ty xí nghiệp mà trả lương anh buổi mai như chị buổi chiều thì công nhân nào làm cho,
mở một quán cà phê mà trả lương cho đứa làm cả ngày bằng đứa làm một ca chiều thì ma nó đến làm.
Chúng ta cần biết, dụ ngôn thì không nhất thiết đó là chuyện thật.
Dụ ngôn là Parable, nghĩa là một câu chuyện được nói ra có thể có thật và cũng có thể không có thật,
nhằm chuyển tải một ý nghĩa tinh thần nằm sau câu chuyện đó.
Vì thế, câu chuyện dụ ngôn ông chủ thuê mướn nhân công làm vườn nho thỏa thuận trả một đồng,
không quan trọng ở chỗ nói lên sự CÔNG BẰNG theo kiểu con người,
mà là nói đến LÒNG TỐT của ông chủ là Thiên Chúa.
Ông chủ trả mỗi ngày một đồng, tương đương với một ngày công mà người Do-thái trả cho một người, để đủ ăn tiêu chi phí trong một ngày.
Mỗi người dù tìm được việc vào giờ nào, nhưng họ cần đủ sống với gia đình vợ con trong một ngày vì thế mà ông chủ thương mọi thân phận, nên ông quan trọng TÌNH THƯƠNG hơn là CÔNG BÌNH giao hoán.
Hơn nữa, ông đã ra giá là mỗi ngày 1 đồng, không hề nói ai làm trước hay làm sau hơn kém.
Đó là cách đối xử của Thiên Chúa dành cho chúng ta, nếu Chúa đòi hỏi ai cũng phải lập công cho Chúa bằng nhau thì mới được cứu độ, thì hỏi được mấy người?
Vậy thì, 1 đồng mà Chúa trả đây là gì? Công trạng của chúng ta thế nào?
Một đồng đây là: Mỗi người chúng ta được vào Giáo hội,
có người được vinh dự làm con Thiên Chúa ngay từ lúc cha mẹ đem đến rửa tội (buổi sáng),
có người được tham gia lớp dự tòng hoặc trở lại khi xây dựng hôn nhân (giờ thứ 9 – trưa),
có người trở lại lúc tuổi già bệnh tật (giờ thứ 11 – chập tối),
nhưng có người được ơn trở lại lúc hấp hối (giờ phút chót)…
nhưng phần thưởng chung cho mọi người là cùng một ĐỨC TIN,
cùng một PHÉP RỬA,
một THÁNH THẦN,
một ƠN CỨU RỖI,
một NƯỚC TRỜI.
Người gia nhập đạo tin nhận Chúa từ lúc khởi đầu hay giờ lâm chung thì cùng chung một ơn Cứu Độ là Chúa Giê-su Ki-tô,
cùng chung một Thiên Đàng và cùng chiêm ngưỡng một Thiên Chúa duy nhất.
Đó là ý nghĩa “một đồng” cho mọi thành phần dân Chúa khi làm con Giáo hội, con dân Nước Trời.
Chúng ta có được đòi công bình ư?
Ơn Cứu Độ là do Chúa ban, chứ sức chúng ta chẳng là gì.
Chúng ta lấy gì để so đo trước mặt Thiên Chúa?
Thiên Chúa đối xử với chúng ta không theo sự công bình của chúng ta,
vì công trạng chúng ta chẳng là gì so với những tội lỗi xúc phạm đến sự chí thánh của Thiên Chúa. Trái lại, tất cả chúng ta được hưởng ơn cứu chuộc không phải do công trạng chúng ta giữ đạo
mà là do Lòng Tốt của Người.
Đây là cốt lõi của việc “công chính hóa” –
con người không thể dựa vào điều được cho là công trạng của mình để buộc Thiên Chúa phải thưởng công và phân bì với người khác trước mặt Thiên Chúa,
nhưng được ơn cứu độ là do bởi Thiên Chúa ban –
Điều quan trọng là luôn biết chu toàn bổn phận của mình trước mặt Thiên Chúa.
Như vậy, hôm nay Chúa muốn nói với chúng ta 2 bài học:
Bài học thứ nhất: – Tư tưởng của chúng ta không phải là tư tưởng của Thiên Chúa:
Như trong bài đọc I sách ngôn sứ Isaia:
“Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy”. (Is 55, 7-9)
Nghĩa là, chúng ta hãy đối xử với mọi người theo tình thương, hơn là đòi hỏi họ phải như ý mình, đối xử với nhau bằng lòng thương xót hơn là đòi hỏi sự công bằng đáp trả có qua có lại. Chúng ta không thể đòi hỏi một người nghèo phải thế này thế kia như một người có khả năng đền đáp.
Bài học thứ hai: Chúng ta sống và làm việc vì Chúa:
Thánh Phao-lô nói trong bài đọc II, thư gửi tín hữu Philipphe:
“Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi” (Pl 1,20c).
Nghĩa là, chúng ta làm điều gì đó cho cuộc sống hay giúp đỡ ai, là làm vì danh Chúa
Thì chúng ta không đòi hỏi đền đáp 1 đồng hay là phân bì với người này người kia.
Bởi như đã chia sẻ ở trên:
Chúng ta dù trước dù sau, dù hơn dù kém, dù đủ dù thiếu…
Thì cũng chỉ chung 1 đồng
Là một Chúa, một Đức Tin, là con cùng một Cha trên trời và… một Nước Trời mai sau.
Amen.
* Cách chuẩn bị các Bản văn và Bài đọc trong Phụng Vụ Thánh Lễ:
1. Lễ trọng:
Theo vị thánh mừng kính: Ca Nhập Lễ, Lời nguyện Nhập lễ, Bài đọc I, Đáp ca, Bài đọc II, xướng trước Phúc Âm (Alleluia), Phúc Âm, Lời nguyện Tiến lễ, Kinh Tiền tụng, Ca Hiệp Lễ, Lời nguyện Hiệp lễ. (Có kinh Vinh danh và kinh Tin kính).
2. Lễ kính:
Tất cả như lễ trọng, nhưng không có Bài đọc II (trừ Lễ kính Chúa) và không có Kinh Tin kính.
3. Lễ nhớ bắt buộc:
– Theo vị thánh: Ca Nhập Lễ, Lời nguyện Nhập lễ, Lời nguyện Tiến lễ, Kinh Tiền tụng, Ca Hiệp Lễ, Lời nguyện Hiệp lễ.
– Bài đọc theo ngày.
* Trường hợp đặc biệt trong Lễ nhớ:
– Lễ nhớ về Đức Mẹ: (trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, Đức Mẹ sầu bi…) có bài đọc riêng.
– Lễ nhớ các vị thánh được nhắc tới trong Thánh kinh: Mát-ta, Gioan Tẩy Giả, Ti-mô-thê, Ti-tô… thường có bài đọc riêng.
– Lễ nhớ các vị thánh có liên hệ đến cuộc đời trần thế Chúa Giê-su: Thánh Gio-a-kim, An-na… có bài đọc riêng.
* Hiện nay, nhóm CGKPV có soạn sẵn một số lễ nhớ có bài đọc, nên hiểu có thể áp dụng khi Đấng Bản Quyền sở tại nhắc lên bậc lễ kính để mừng dịp bổn mạng hay dịp kỷ niệm, chứ không phải “thích là làm”.
Discussion about this post