Chương II.
MỘT
SỐ
VẤN
ĐỀ
THÁNH
KINH.
1, Ngôn ngữ, chất liệu chép Thánh Kinh [1].
Ngôn ngữ: Hiện nay, các thủ bản (bản gốc) nguyên thủy của Thánh Kinh phần lớn đã bị thất lạc và chỉ còn lại các bản sao lục, nghĩa là những bản được sao chép từ bản chính. Căn cứ vào những bản sao lục, thì Thánh Kinh được chép bằng các loại ngôn ngữ sau đây:
Híp-ri (Do Thái): Hầu hết các sách Cựu Ước được chép bằng tiếng Do Thái, nhất là các sách lịch sử.
Hi Lạp: Một số ít sách được viết bằng tiếng Hi Lạp, nhất là các sách thuộc văn chương khôn ngoan và viết vào thời kỳ văn hoá Hi Lạp bành trướng (khoảng -333).
A-ram: Chỉ có một số đoạn và rất ít sách chép bằng tiếng A-ram. Aram là thứ ngôn ngữ gần với tiếng Híp-ri, nó được dùng làm tiếng quốc tế được sử dụng trong khắp đế quốc Ba Tư trong công việc thương mại và ngoại giao (như tiếng Anh ngày nay). Ở Giuđêa, tiếng Aram dần dần thay thế tiếng Híp-ri là thứ tiếng chỉ còn dùng trong phụng vụ. Thời Đức Giêsu dân nói tiếng Aram và không còn hiểu tiếng Híp-ri nữa.
Riêng các sách Tân Ước đều chép bằng tiếng Hi Lạp. Một số học giả cho rằng, Tin Mừng Matthêu được chép bằng tiếng Aram trước khi được dịch ra tiếng Hi Lạp[2].
Chất liệu viết: Nghệ thuật in ấn mới được phát minh vào thế kỷ XV sau Chúa Giáng Sinh. Thế nhưng, từ thời thượng cổ, con người cũng đã tìm ra những cách để lưu lại, như khắc trên gỗ, trên đá, trên đất sét…
Các chất liệu được dùng để chép Thánh Kinh là chỉ thảo và da thuộc.
– Chỉ thảo (papyrus): Là loại chất liệu làm bằng ruột cây sậy chẻ mỏng và ép chồng lên nhau rồi phơi khô làm giấy để viết.
– Da thuộc (Parchment): Là chất liệu làm bằng da thú vật ngâm nước vôi, phơi khô và đánh nhẵn ra để làm giấy viết. Loại này xuất hiện vào khoảng thế kỷ VII Trước CSS.
2. Vấn đề quy điển Thánh Kinh.
Quy điển Thánh Kinh là tất cả những sách được nhìn nhận là có Linh Hứng và chứa đựng những chân lý mặc khải về Ơn Cứu Rỗi.
Vấn đề quy điển: Có thể nói việc đưa ra khảo sát và phán quyết về đặc tính linh hứng để một cuốn sách được xếp vào quy điển là rất phức tạp và để lại nhiều vấn đề tranh cãi.
Trước hết, Thánh Kinh không phải là một cuốn sách, do một tác giả chép, xuất hiện cùng một thời kỳ và được in ấn thành sách như ngày nay. Trái lại, là một sưu tập nhiều cuốn sách, do nhiều tác giả khác nhau chép, xuất hiện vào nhiều thời kỳ đôi khi cách xa nhau và hơn nữa còn được sao chép nhiều lần chứ không phải in ấn một lần như ngày nay. Vì thế, việc sưu tầm các tài liệu đó, rồi gom lại thành tập và sao lục lại các tài liệu ấy đã tạo ra nhiều nghi vấn về tính chính xác của một cuốn sách. Chẳng hạn: Cuốn sách ấy có được sao lục đúng với bản gốc không? Có thực sự có linh hứng không…? Cho nên, vấn đề quy điển được đặt ra là nhằm loại bỏ những cuốn sách không thực sự có Ơn Linh Hứng và không được kể là Kinh Thánh.
Thứ đến, là do trong Kinh Thánh có những câu chuyện thiếu phần kết thúc, hoặc thiếu những tình tiết lãng mạn, ly kỳ. Thế rồi có những đầu óc giàu tưởng tượng, hoang đường, đã viết bổ sung nhằm thoả mãn tính hiếu kỳ. Chẳng hạn người ta đã viết thêm truyện kể về cuộc đờiẩn dật của Chúa Giêsu, chuyện về thánh Giuse… vì cho rằng trong Kinh Thánh nói quá ít và quá thiếu. Những sách mang nhiều tình tiết ly kỳ, hoang đường và hư cấu này được xếp vào các sách gọi là Nguỵ Thư [3].
Sau cùng, có những sách được một số cộng đoàn Do Thái hoặc cộng đoàn Kitô Giáo nhận là Thánh Kinh, nhưng một số cộng đoàn khác lại không nhìn nhận. Vì thế vấn đề quy điển được đặt ra để phán quyết sách nào là có Linh Hứng và sách nào là không?
a, Sự khác biệt về quy điển trong Công Giáo và Tin Lành.
Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành không nhìn nhận một quy điển Thánh Kinh như nhau.
Cụ thể, 7 cuốn sau đây được Giáo Hội công giáo nhìn nhận là Thánh Kinh, trong khi Tin Lành thì không:
1. Sách Tobia.
2. Sách Giuđita.
3. Sách Khôn Ngoan.
4. Sách Huấn Ca.
5. Sách Baruc.
6. Sách Macabê I.
7. Sách Macabe II.
Ngoài ra, Tin Lành cũng không nhìn nhận một số chương trong sách Ette và sách Đanien vào quy điển.
b, Thẩm quyền phán quyết về quy điển Thánh Kinh.
Khi phán quyết về một cuốn sách không thể căn cứ vào hình thức văn chương để chân nhận tính linh hứng của nó, vì nhiều cuốn có hình thức văn chương tuyệt tác mà không được công nhận vào quy điển, trong khi một số cuốn có hình thức văn chương rất nghèo nàn và vụng về lại được xếp vào quy điển. Cũng không thể căn cứ vào nội dung cao siêu để phán quyết là có linh hứng, vì không thiếu những tác phẩm viết về những suy luận cao siêu như các tác phẩm của Socrate, Platon, Aristote… nhưng không thể gọi là Thánh Kinh.
Cần biết rằng, đã nhìn nhận Thánh Kinh là bộ sách chứa đựng các chân lý mặc khải của Thiên Chúa, thì đương nhiên cũng chỉ có mình Thiên Chúa mới là tiêu chuẩn và có thẩm quyền để phán quyết mà thôi.
Tuy nhiên, Thiên Chúa, qua mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu sau khi về trời đã uỷ thác quyền bính cho các Tông Đồ và ban Thánh Thần cho họ, rồi từ các Tông Đồ thông truyền đến cho Giáo Hội của Người. Chúa Thánh Thần hướng dẫn và gìn giữ Giáo Hội khỏi mọi sai lầm về giáo lý và luân lý, vì: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16).
Tóm lại, vì được Chúa Kitô uỷ thác để bảo tồn và truyền bá giáo lý mặc khải của Chúa, nên Giáo Hội có đủ thẩm quyền để phán quyết tính cách linh hứng của một cuốn sách. Tiêu chuẩn để Giáo Hội phán quyết có được xếp vào quy điển hay không, chính là sách có phù hợp với giáo lý của các Tông Đồ hay không.
Ngoài ra, tiếng nói của một số các sử gia và chuyên viên nghiên cứu sách thánh cũng góp phần quan trọng, nhưng chỉ có giá trị làm sáng tỏ vấn đề, chứ không có tính quyết định.
3. Thánh Kinh và Khoa Học.
Nếu nhìn theo khao học, chúng ta thấy trong Thánh Kinh có rất nhiều điều trái với khoa học.
Ví dụ:
Trình thuật tạo dựng trong 6 ngày (x. St 1).
Nước được chứa trên trời trong một cái vòm rắn chắc (x. St 1,7; G 37, 18).
Thỏ rừng là động vật thuộc loài nhai lại (x. Lv 11,6; Đnl 14,4).
Trái đất bằng phẳng, có cột chống đỡ và bên dưới là nước (Tv 136,6).
Mặt trời xoay quanh trái đất (Tb 2,7; Et 11,11); Giosuê cho mặt trời đứng lại (Gs 10,12).
Trước những mâu thuẫn với khoa học như thế đã dẫn đến các lập trường sau đây:
a, Các lập trường cực đoan.
Phái cực tả: Chủ trương rằng, vì trái ngược với khoa học nên Thánh Kinh hoàn toàn sai lầm, vì thế không đáng tin.
Phái cực hữu: Chủ trương Thánh Kinh hoàn toàn phù hợp với khoa học. Chủ trương này cố gắng giải thích những sự kiện Thánh Kinh cho hợp với khoa học. Chẳng hạn: Để giải thích việc con người trong Thánh Kinh hợp với thuyết tiến hoá theo khoa học, họ giải thích rằng, ông bà nguyên tổ ban đầu ở trần truồng trong vườn địa đàng, chịu tác động của sương gió… nên vẫn lông lá mọc nhiều trên da, và đó là dấu vết còn lại ngày hôm nay nơi con cháu. Hoặc, chuyện sáng tạo vẫn đúng là 6 ngày, nhưng ngày ở đây được hiểu là một thời kỳ có thể kéo dài hàng trăm triệu hoặc tỉ năm. Những giải thích của phái cực hữu nhiều khi rất gượng ép và bế tắc. Chẳng hạn, họ không thể lý giải việc thứ tự sáng tạo: ngày đầu tiên có ánh sáng, nhưng tới ngày thứ tư mới tạo dựng mặt trời mặt trăng… (x. St 1).
b, Lập trường của Giáo Hội Công Giáo.
Giáo Hội chủ trương Kinh Thánh không phải là bộ sách dạy về khoa học, lịch sử hay văn phạm, nhưng là bộ sách chứa đựng những chân lý mặc khải về Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa muốn nói với loài người bằng tiếng nói con người. Nhờ đó người ta mới có thể hiểu và đón nhận được Lời Chúa[4]. Vì vậy, những quan niệm như “mặt trời xoay quanh trái đất” là quan niệm thông thường của người đương thời và việc tác giả Thánh Kinh thời đó sử dụng quan niệm bình dân để chép thì sẽ giúp người ta dễ hiểu và dễ chấp nhận. Còn nếu ai cũng quan niệm như thế mà có người nói ngược lại thì sẽ bị coi là gàn dở điên khùng nên chẳng thèm tin. Ngay cả ngày nay, quan niệm về việc “mặt trời xoay quanh trái đất” vẫn còn tồn tại như chúng ta vẫn thường nói “mặt trời mọc ở phía đông và lặn ở đàng tây” mà không ai đặt vấn đề sai đúng, và ai cũng biết đó là theo quan sát của mắt thường.
Tóm lại, Thánh Kinh không phải là bộ sách có mục đích dạy về khoa học, nên có thể có những mâu thuẫn về khoa học, do các tác giả dùng chính quan niệm bình dân để chép, hoặc phản ảnh những sai lầm của thời đại lúc ấy.
4. Các chủ thuyết.
a, Vấn đề sáng tạo.
Cần biết rằng, tường thuật về sáng tạo không phải là một sự tích lịch sử, nhưng là một cách dựng truyện để diễn tả về những chân lý mặc khải Ơn Cứu Độ. Có nghĩa là, xuyên qua các tường thuật về sáng tạo có vẻ huyền thoại này, mời gọi chuyển đạt những chân lý sau đây:
* Vũ trụ vạn vật từ đâu mà có?
– Do Thiên Chúa sáng tạo nên.
* Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ lúc nào và bằng gì?
– Thiên Chúa tạo dựng từ khởi thuỷ và từ hư vô.
* Thiên Chúa tạo nên vũ trụ thế nào?
– Bằng Lời quyền năng, chỉ phán một lời là có.
* Tình trạng của vũ trụ từ lúc tạo thành thế nào?
– Hoàn toàn tốt đẹp.
* Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ để làm gì?
– Để biểu lộ sự tốt lành của Người.
* Thiên Chúa sáng tạo hay liên tục sáng tạo?
– Liên tục sáng tạo vì sau khi sáng tạo, Thiên Chúa chúc phúc cho các sinh vật tiếp tục sinh sản ra nhiều.
* Có nhiều thần sáng tạo không?
– Chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo duy nhất. Các thần dân ngoại tôn thờ như: Ai Cập có thần mặt trời, Babilon có thần mặt trăng, Assiry có thần các tinh tú… chỉ là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên mà thôi, chứ không phải là thần minh.
b, Vũ trụ quan theo Thánh Kinh.
Người xưa quan niệm cơ cấu vũ trụ giống như một cái bát lớn úp xuống mặt đất (chân trời). Có các tinh tú được gắn chặt cố định trên vòm trời. Vì thỉnh thoảng có mưa nên tin rằng có nước được ngăn lại trên trời, khi mưa thì các con đập được mở ra để nước tuôn xuống. Mặt đất thì bằng phẳng như mặt bàn, bên dưới là nước và mặt đất có các cột chống đỡ. Trong lòng đất là Âm Phủ (sheol) là nơi cư ngụ của người chết….
Để trả lời cho những điều trên, cần hiểu rằng thời thượng cổ, người ta chưa phát minh ra các phương tiện hiện đại như kính lúp và các phương tiện khám phá không gian, mà tất cả chỉ dừng ở việc quan sát các sự luân chuyển trong vũ trụ bằng mắt thường. Tất cả chỉ dừng lại ở mức quan niệm hơn là những thí nghiệm khám phá. Chính vì thế, những quan niệm cổ xưa được chép ra so với thời nay sai với khoa học chứng minh được, nhưng lại rất hợp lý và cho đến ngày nay bằng việc quan sát thường ngày cũng vẫn hợp lý. Người đương thời dùng để chuyển đạt Lời Chúa cũng sử dụng tiếng nói và quan niệm như thế. Vì vậy, cần nắm bắt được điều này để không rơi vào những phán xét cực đoan cho rằng Thánh Kinh là sai lầm.
c, Độc nguyên và đa nguyên.
Ngày nay, khi xuất hiện các nghiên cứu về tiến hoá, về các chủng loại người cũng như những khám phá về dấu vết của sự sống sinh vật có thể có nơi các hành tinh ngoài trái đất, người ta bắt đầu đặt vấn đề nguyên tổ: Độc nguyên hay đa nguyên?
Thuyết độc nguyên (Monogenisme) chủ trương con người phát sinh từ một cha mẹ duy nhất.
Thuyết đa nguyên (Polygenisme) lại chủ trương phải có nhiều nguyên tổ khác nhau. Thuyết này cho rằng, vì có rất nhiều chủng loại người khác nhau trên các châu lục, cũng như có sự tiến hoá theo nhiều thời kỳ để hình thành con người thông minh. Đồng thời, biết đâu có một chủng người khác ở một hành tinh khác trong vũ trụ ngoài trái đất (người ngoài hành tinh). Vì thế, có nhiều nguyên tổ.
Vấn đề được đặt ra là câu chuyện về nguyên tổ Ađam – Eva là một sự tích mang màu sắc huyền thoại, mà nguồn văn J để lại không thể hiểu theo nghĩa đen, và như vậy có buộc phải tin là độc tổ hay không?
Trong khi những bản văn Tân Ước như Rm 5,12-21 và 1Cr 15,21tt xác định về độc tổ: “Vì một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian và vì tội lỗi mà người ta phải chết…”. Giáo Lý của Giáo Hội nói về tội nguyên tổ…. Vậy làm sao dung hoà được chuyện độc tổ hay đa tổ quả là một điều hết sức khó khăn.
Đức Pio XII trong thông điệp Humani Generis phản bác thuyết đa nguyên vì cho rằng thuyết này không thể dung hoà được tội nguyên tổ.
Nhà thần học người Đức Karl Rahner cho rằng thuyết đa nguyên có thể chấp nhận được một vài hình thức.
Dự trù cho vấn nạn tội nguyên tổ, một số nhà thần học ngày nay không không coi Tội Nguyên Tổ như một hành động do Nguyên Tổ loài người phạm một lần và gây ra hậu quả có ảnh hưởng đến toàn nhân loại, nhưng họ đồng hoá tội đó với TỘI TRẦN GIAN nơi thần học Gioan (x. Ga 1,29), nghĩa là do lạm dụng tự do Nguyên Tổ đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, rồi một khi tội lỗi bắt đầu xuất hiện thì đà xuống dốc không thể dừng lại được và kéo theo một môi trường hay một tình trạng hư hoại. Trải qua từ thế hệ này đến thế hệ khác, tội lỗi cứ thêm chồng chất và mọi người đều đóng góp vào “tội trần gian” ấy. Đó là tình trạng khi một người sinh ra đã ở trong môi trường tội lỗi và rồi lệ thuộc tình trạng sẵn có này. Với khả năng nhỏ bé con người không thể lướt thắng mãnh lực tội lỗi nên cần đến Ơn Cứu Rỗi.
Nếu hiểu tội nguyên tổ theo nghĩa “tội trần gian” thì không còn khó khăn về vấn đề độc tổ hay đa tổ. Tín điều Giáo Hội là vấn đề thuộc đức tin, nhưng việc phát sinh từ một cha mẹ duy nhất thì không thuộc đức tin.
Đó là những dự trù cho những giải thích có thể trong tương lai, chứ cho đến ngày nay vẫn chưa ai có thể chứng minh được cách chắc chắn là đa nguyên.
5. Thánh Kinh và thời gian.
Cách tư duy theo lối Tây Phương, quan niệm thời gian như một thực tại có thể đo lường được. Thật vậy, khi muốn nhắc đến thời gian, người ta dùng các dụng cụ trắc lượng như đồng hồ hay quyển lịch để có thể xác định một thời đại hoặc một biến cố. Thời gian trở thành đặc tính có thể đo lường.
Nhưng đối với người Do Thái, biết thời gian không phải là cho nó một thời biểu, mà biết thời gian được nói đến là thời gian nào: Đó là thời gian của tiếng cười hay thời gian khóc lóc, thời gian của hoà bình hay thời gian chiến tranh, thời gian để gieo hay thời gian để gặt…
“Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :
một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ;
một thời để giết chết, một thời để chữa lành ;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ;
một thời để than van, một thời để múa nhảy ;
một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ;
một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi ;
một thời để xé rách, một thời để vá khâu ;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ;
một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà” (Gv 3,1-8).
Giống như khi nói: “thời gian tốt”, thời gian xấu”, “thời kì tân tiến”, “thời kỷ khó khăn…” có nghĩa là đánh giá những gì xảy ra trong thời gian, đánh giá phẩm tính của kinh nghiệm con người chứa đựng trong đó.
Khi nghĩ đến lịch sử, người ta tìm lại quan niệm lượng số về thời gian. Riêng người Do Thái thời xưa không tự đặt mình vào một chỗ nhất định, mà phối trí các biến cố, địa điểm, các thời đại và thấy mình lư thông trong đó. Nguyên tố duy nhất và độc nhất của biến cố đối với Do Thái là Thiên Chúa, vì Người là chủ lịch sử, là Đấng tổ chức thời gian: “… Một thời để ăn chay, một thời để vui chơi, một thời để phán xét, một thời để cứu rỗi…”
Mười một chương đầu của sách Sáng Thế tường thuật tuổi đời rất dài của các tổ phụ, như: Ađam 930 tuổi (St 5,5), Mơthusêlac 969 tuổi, Nôê 950 tuổi (St 9,29)… Điều này cho ta những thắc mắc:
Có phải người xưa sống thọ hơn ngày nay?
Người xưa đã biết tính tuổi (365 ngày) như ngày nay?
Làm thế nào các tác giả Thánh Kinh biết được tuổi những người sống trước họ hàng trăm thế kỷ?
Thiết nghĩ, Thiên Chúa không mặc khải những điều như thế, nhưng các tác giả chép thánh Kinh đã định tuổi của họ với những dụng ý sau:
– Cố gắng bắc nhịp cầu nối liền giữa thời đại đương thời của tác giả với các tổ phụ thời đại xa xưa, để nói lên tính liên tục của lịch sử và chứng tỏ Thiên Chúa là chủ lịch sử và hiện diện hoạt động trong mọi thời đại. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho các tác giả là sử liệu truyền khẩu về các vĩ nhân và các biến cố không nhiều trong khoảng thời gian lịch sử rất dài, nên các vị đã phải phân phối tuổi tác các vĩ nhân làm sao cho bao trùm hết được khoảng thời gian lịch sử ấy. Dĩ nhiên, các tác giả Thánh Kinh cũng không biết rõ lịch sử nhân loại bắt đầu từ bao giờ và các vị cũng chỉ dùng quan niệm bình dân của thời đại các vị để chép mà thôi.
– Quan niệm người xưa cho rằng sống lâu là một ân huệ Chúa ban. Vì thế, việc gán cho các tổ phụ có tuổi đời trường thọ, ngụ ý cho thấy rằng các tổ phụ kia đã sống cuộc sống đầy ân nghĩa với Thiên Chúa.
Tóm lại: Tuy các tác giả Thánh Kinh thực sự không biết chắc về tuổi thọ của các tổ phụ, nhưng việc gán cho các tổ phụ có tuổi đời rất lớn là nhằm cho thấy dù các vị sống từ thời xa xưa vẫn thuộc gia đình nhân loại, và Thiên Chúa của chúng ta hôm nay cũng là Thiên Chúa của các tổ phụ xưa. Thiên Chúa duy nhất.
6. Ngày tháng trong Thánh Kinh.
Người Do Thái tính năm tháng theo hai loại lịch khác nhau:
Năm: Tính theo dương lịch, nghĩa là mỗi năm có 365 ngày.
Tháng: Tính theo âm lịch, nghĩa là tính theo chu kỳ mặt trăng xoay quanh trái đất một vòng gồm 29 ngày. Như thế, 12 tháng trong 1 năm chỉ có 348 ngày. Vì sự chênh lệch của năm âm lịch và dương lịch, nên cứ hai hoặc ba năm lại phải thêm một tháng nhuận. Cách thêm tháng nhuận do các tiến sĩ luật họp và nghiên cứu thêm vào sau tháng cuối cùng (Adar thứ hai).
Trước khi về định cư tại Canaan, người Do Thái dùng tên tháng của người Canaal, nhưng sau lưu đày, họ dùng tên tháng của Babilon như sau:
1. Nisan (khoảng tháng 3 và 4).
2. Iyyar (khoảng 4 và 5).
3. Siwan (khoảng 5 và 6).
4. Tammuz (khoảng 6 và 7).
5. Ab (khoảng 7 và 8).
6. Alul (khoảng 8 và 9).
7. Tiishri (khoảng 9 và 10).
8. Marsheshwan (khoảng 10 và 11).
9. Kisleu (khoảng 11 và 12).
10. Tebet (khoảng tháng 12 và tháng giêng).
11. Shebat (khoảng tháng giêng và 2).
12. Adar (khoảng 2 và 3).
Năm nhuận có thêm tháng Adar thứ hai.
Ngày: Ngày của người Do Thái được tính từ lúc mặt trời lặn. Vì thế, Đức Giêsu chịu chết vào ngày thứ sáu, Người ta phải cho tháo xác Người xuống trước khi mặt trời lặn để khỏi vi phạm ngày Sabát (x. Ga 19,31). Ngày được chia thành 12 giờ và đêm có 4 canh. 7 ngày một tuần, 4 tuần 1 tháng, ngày thứ 7 là sabat – ngày nghỉ.
7. Các ngày lễ.
Shabbat (tiếng Hebrew: ÇĐÌ) , là ngày nghỉ hàng tuần, bắt đầu từ lúc trước khi mặt trời lặn ngày thứ sáu và kết thúc sau khi mặt trời lặn vào ngày thứ bảy, tưởng nhớ ngày nghỉ của Thiên Chúa sau sáu ngày tạo dựng vũ trụ.[13] Ngày lễ này rất quan trọng trong việc thực hành đạo và được quy định trong giáo luật. Lúc mặt trời lặn ngày thứ sáu, người phụ nữ trong gia đình đón ngày Shabbat bằng cách thắp hai hoặc nhiều cây nến và đọc lời chúc lành. Bữa tối bắt đầu với Kiddush, lời chúc lành trên chén rượu, và Mohtzi, lời chúc lành trên bánh mì. Ngoài ra, trên bàn ăn còn có thể bày thêm challah, hai ổ bánh mì xoắn. Trong ngày Shabbat, người Do Thái bị cấm làm những việc như đã quy định trong 39 danh mục hoạt động bị cấm trong ngày Shabbat. Những hành động bị cấm bao gồm: đốt lửa, viết lách, sử dụng tiền bạc hoặc mang vác ở nơi công cộng. Việc cấm đốt lửa trong thời kỳ hiện đại là cấm lái xe (vì có đốt cháy nhiên liệu) và sử dụng điện.
Ba lễ hành hương
Các ngày lễ thánh (haggim), để kỷ niệm các mốc trong lịch sử Do Thái giáo, như việc thoát khỏi đất Ai Cập, sự mạc khải của Thiên Chúa trong sách Torah, hoặc đôi khi đánh dấu sự chuyển mùa hoặc lúc giao mùa giữa các chu kỳ trồng trọt. Có ba lễ chính, đó là Lễ Vượt qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều tạm. Trong ba dịp lễ này, các tín hữu thường hành hương về Jerusalem để dâng sự hy sinh trong Đền Thánh.
Lễ Vượt qua là ngày lễ nghỉ kéo dài một tuần, bắt đầu vào chiều tối ngày thứ 14 của Nisan (tháng thứ nhất theo lịch Do Thái), để tưởng nhớ ngày thoát khỏi Ai Cập. Các nước khác ngoài Israel, Lễ Vượt qua được mừng trong tám ngày. Thời xưa, lễ này trùng vào mùa gặt lúa mạch. Đây là lễ duy nhất tập trung cho các nghi thức được thực hiện ngay tại nhà, đó là “Bữa tối lễ Vượt qua”. Thực phẩm có men (chametz) được mang ra khỏi nhà trước ngày lễ và suốt tuần sẽ không dùng thực phẩm có men. Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ để bảo đảm không còn bánh mì trong nhà và vào buổi sáng của ngày lễ, người ta sẽ đốt tượng trưng chiếc bánh có men cuối cùng trong nhà. Bánh không men (Matzo) sẽ được dùng thay cho bánh mì.
Lễ Ngũ Tuần (Shavuot) kỷ niệm sự mạc khải của sách Torah cho Con cái Israel trên núi Sinai. Đây còn được gọi là Lễ Bikurim, (Hoa quả đầu mùa), lễ này trùng với mùa thu hoạch lúa mì. Trong ngày lễ Shavuot, người ta tổ chức học suốt đêm (Tikkun Leil Shavuot), ăn thực phẩm làm từ sữa (bánh phô-mai và bánh kếp mỏng được đặc biệt yêu thích), đọc Sách Ruth, trang trí nhà cửa và đền thờ thành màu xanh lá cây, mặc quần áo trắng, tượng trung cho sự thanh khiết.
Lễ Lều tạm (Sukkot) tưởng nhớ Con cái Israel phải mất 40 năm đi qua sa mạc để trở về miền Đất Hứa. Lễ này kỷ niệm việc dựng các lều tạm (sukkot) khi dân Israel lưu đày trên đất Ai Cập. Lễ này trùng với mùa thu hoạch hoa quả và đánh dấu sự kết thúc một chu kỳ trồng cấy. Người Do Thái khắp nơi trên thế giới ăn ở trong sukkot trong 7 ngày 7 đêm. Lễ Lều tạm kết thúc bằng lễ Shemini Atzeret (lễ người Do Thái cầu mưa) và lễ Simchat Torah, là lễ đánh dấu sự kết thúc của sách Torah và bắt đầu một chu kỳ sách mới.
Lễ trọng
Lễ trọng (Yamim Noraim) là các lễ về sự phán xét và tha thứ.
Rosh Hashanah, (còn gọi là Yom Ha-Zikkaron (“Ngày tưởng niệm,”) và Yom Teruah (“Ngày tiếng kèn Shofar”). Rosh Hashanah là lễ Năm mới của Do Thái giáo, mặc dù nó là ngày thứ nhất của tháng thứ 7 Tishri, theo lịch Do Thái. Rosh Hashanah đánh dấu bắt đầu thời gian 10 ngày để đền bù tội lỗi chuẩn bị cho lễ Yom Kippur, trong thời gian này, người Do Thái sửa soạn tâm hồn, sám hối và làm việc đền bù tội lỗi đã phạm một cách vô tình hay cố ý trong suốt năm qua. Trong ngày lễ này, người ta thổi kèn shofar (kèn sừng cừu), trong đền thờ, người ta ăn táo và uống mật ong, đọc các lời chúc lành trên thực phẩm tượng trưng như quả lựu chẳng hạn.
Yom Kippur, (“Ngày đền tội”) là một trong những lễ trọng của Do Thái giáo. Đó là ngày cộng đoàn tụ họp lại và cầu nguyện xin tha thứ tội lỗi đã phạm. Các tín hữu cầu nguyện suốt ngày trong đền thờ, đọc kinh từ sách Mahzor, thỉnh thoảng có nghỉ một tí vào buổi chiều. Vào đêm lễ Yom Kippur, trước khi thắp nến, người ta ăn nhẹ (suhoor). Nghi thức trong các đền thờ vào đêm lễ Yom Kippur bắt đầu với lời kinh Kol Nidre. Vào dịp lễ này có thể mặc quần áo trắng nhưng không được mang giày da. Ngày tiếp theo, người ta cầu nguyện từ sáng đến tối. Khi buổi cầu nguyện kết thúc (“Ne’ilah,”) người ta thổi một hồi dài kèn shofar.
Các ngày lễ khác
Hanukkah, (tiếng Hebrew: çð ), còn gọi là Lễ hội Ánh sáng, là lễ kéo dài tám ngày bắt đầu từ ngày thứ 25 của tháng Kislev theo lịch Do Thái. Trong dịp lễ này, người Do Thái sẽ thắp thêm một ngọn đèn theo số tăng dần của mỗi đêm lễ, đêm thứ nhất thắp một ngọn đèn, đêm thứ hai thắp hai ngọn đèn…cho đến đêm cuối cùng là tám ngọn đèn.
Lễ Hanukkah có nghĩa là “dâng hiến” vì nó đánh dấu việc tái dâng hiến Đền thờ sau khi đền thờ bị Đức vua Antiochus IV Epiphanes báng bổ. Trong đức tin, Hanukkah nhằm tưởng nhớ “Dầu kỳ diệu”. Theo sách Talmud, khi tái dâng hiến Đền thờ Jerusalem sau chiến thắng của phong trào Macabê đối với Đế chế Seleucid, chỉ còn đủ dầu thánh để đốt lửa vĩnh cửu trong Đền thờ trong một ngày. Kỳ diệu thay, lửa đã cháy trong tám ngày – đó là thời gian đủ để ép, chuẩn bị và thánh hoá dầu mới.
Hanukkah không được đề cập đến trong Phúc âm và cũng chưa bao giờ được xem là lễ chính của Do Thái giáo nhưng lễ này đã được mừng rộng rãi ở nhiều nơi, chủ yếu là do lễ cũng trùng vào dịp Lễ Giáng sinh.
Purim (tiếng Hebrew: ơí Prỵm) là lễ mừng, tưởng nhớ việc giải thoát dân Do Thái gốc Iran (Persian Jews) khỏi bị truy sát của Haman, người đã tìm để tiêu diệt họ, theo như Sách Esther đã ghi chép. Trong ngày lễ này, người ta đọc Sách Esther ở nơi công cộng, trao tặng nhau thực phẩm và thức uống, làm việc từ thiện cho người nghèo, và ăn mừng (Esther 9:22). Các tập tục khác bao gồm uống rượu, ăn bánh “hamantash”, mang mặt nạ, tổ chức diễu hành (carnival) và tiệc mừng.
Purim được kỷ niệm hàng năm vào ngày thứ 14 của tháng Adar theo lịch Do Thái, tương đương với tháng hai hoặc tháng ba của dương lịch.
8. Ý nghĩa các con số trong Thánh Kinh.
Trong Thánh Kinh thường sử dụng những con số có tính tượng trưng, cách riêng thể văn khải huyền hay dùng các con số ám chỉ một thực tại nào đó, như:
– Số 7 ám chỉ sự hoàn hảo.
– Số 6 ám chỉ sự bất toàn.
– Số 12 ám chỉ dân Israel.
– Số 40 ám chỉ sự đầy đủ.
– Số 1000 ám chỉ tính bao la rộng lớn.
Ví dụ: “Samson vớ được cái hàm lừa tươi và dùng nó đánh chết một ngàn người Philitinh” (Tl 15,15). “Có một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn” (Kh 7,4)…
Thực ra các tác giả chép Thánh Kinh không chủ tâm cung cấp cho độc giả những con số chính xác, nhưng nhằm cho thấy về tầm mức quan trọng của vấn đề được nói tới mà thôi.
[1] CÁC BẢN DỊCH CỦA NGƯỜI DO THÁI
Người Do Thái có thể đã bắt đầu có các văn bản Kinh Thánh từ thế kỷ 12 trước Công Nguyên (B.C.) và việc hệ thống hóa các văn bản ấy được tiếp diễn liên tục trong khoảng một ngàn năm. Cuối cùng các văn bản ấy được công nhận cách chính thức là giáo huấn của Chúa đã mạc khải cho dân của Ngài qua sự linh ứng cho người viết. Toàn bộ những “quyển sách” được công nhận này được gọi là Qui Điển (Canon).
Kinh Thánh được tồn tại và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là nhờ công sức của những người sao chép (Copyists hay Scribes) mà một vài dịch giả gọi là “Ký Lục.” Truyền thống này còn được tiếp tục sang thời Tân Ước cho đến khi nhân loại có các ấn bản Kinh Thánh đầu tiên vào thế kỷ thứ 15 sau Công Nguyên (A.D.)
Tuy nhiên các văn bản cổ thời nhất đã bị thất lạc hay bị hủy hoại vì thời gian hoặc chiến tranh. Quyển sách thánh được coi là cổ nhất là sách của tiên tri Isaiah và một số văn bản rời rạc của các sách khác đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN
Ngoại trừ một vài bản được viết bằng tiếng A-ram (Aramaic), toàn bộ Cựu Ước của người Do Thái đã được viết bằng tiếng Do Thái (Hebrew). Đến sau thời lưu đày (thế kỷ thứ VI TCN) tiếng Aram đã trở nên thông dụng trong những cộng đồng Do Thái do đó các bản dịch Kinh Thánh đã chuyển qua tiếng Aram.
Đến thời vua Alexander Đại Đế (Thế Kỷ IV TCN) và về sau, tiếng Hi Lạp đã trở nên thông dụng trong khắp miền Địa Trung Hải (Mediterranean Sea). Các bản dịch Kinh Thánh lại được chuyển qua tiếng Hi Lạp. Văn bản Kinh Thánh bằng tiếng Hi Lạp nổi tiếng nhất là bộ Ngũ Kinh (Pentateuch) năm quyển sách thánh đầu tiên trong Cựu Ước mà người Do Thái gọi là “Torah” hay Lề Luật. Bản dịch này có tên là “Septuagint” mà tiếng Việt gọi là bản “Thất Thập” hay bản “Bảy Mươi.” Chữ Septuagint được dùng trong Cựu Ước để chỉ 70 nhân vật đứng đầu trong dân (Kỳ Mục) được tuyển chọn để làm phụ tá cho ông Môi-Sen (Xuất hành 24:1). Tương truyền rằng bản dịch này đã được hoàn tất bởi 70 hay 72 học giả thuộc cộng đồng Do Thái ởAlexandria (Ai cập) vào khoảng năm 250 TCN.
Cũng vào thời này, một số sách khác đã xuất hiện và được các cộng đồng Do Thái công nhận. Đó là các quyển: Tôbia, Judith, Macabê 1 và 2, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruch, và một ít văn bản bổ túc cho các sách Esther và Daniel.
Sang thế kỷ đầu tiên của Công Nguyên, người Kitô giáo đã công nhận toàn bộ Cựu Ước theo bản dịch Hi Lạp cùng với những sách mới. Tuy nhiên, vào khoảng cuối thế kỷ này, hội đồng Do Thái đã có khuynh hướng dùng lại bản Hebrew và vì có tinh thần bài Kitô giáo, nên họ đã họp ở Jamnia và quyết định rằng chỉ có các sách viết bằng tiếng Hebrew và cho đến quyển Ezra là được cho vào qui điển. Như vậy là họ đã không công nhận 7 quyển sách mới có trong bản dịch Hi Lạp. Ít nhiều họ đã xử dụng những quyển sách thánh nói trên trải qua hơn ba thế kỷ. Sau này người ta còn tìm biết được rằng có nhiều phần trong các quyển sách được kể là có trước Ezra. Như vậy tính theo thời gian, Ezra đã được viết cùng lúc hay sau những quyển sách mới!
Toàn bộ Tân Ước gồm 27 quyển đã được viết bằng tiếng Hi Lạp, cho đến ngày nay vẫn được tất cả các Kitô hữu, (gồm Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống v.v…) công nhận.
BẢN DỊCH TIẾNG LA TINH
Trong thời đế quốc Rôma (Rôman Empire) tiếng La Tinh đã là ngôn ngữ thông dụng. Một vài sách trong Kinh Thánh đã được dịch qua tiếng La Tinh, nhưng thiếu đồng nhất và nhiều sơ sót. Do đó, năm 382, Đức Giáo Hoàng Damasus I đã “sai” thánh Jerome, (tiếng Việt có người phiên âm là Hiêrônimô, có lẽ theo tiếng Tây Ban Nha) nghiên cứu và dịch toàn bộ Kinh Thánh qua tiếng La Tinh.
Thánh Jerome đã phải làm việc ròng rã trong hơn 20 năm. Tương truyền rằng có khi ngài đã xử dụng một căn hầm ngay dưới nền nhà thờ nơi Chúa sinh ra ởBethlehem để dịch thuật. Thánh nhân đã xử dụng bản Cựu Ước tiếng Do Thái, bản Hi Lạp Septuagint, những bản đã được dịch qua tiếng La Tinh. Phần Tân Ước, ngài đã dịch từ nguyên bản tiếng Hi Lạp. Công trình dịch thuật của thánh Jerome đã hoàn tất vào năm 405 và bản dịch này được gọi là Vulgata “the Common Version” (Bản dịch Thông Dụng). Kể từ đó bộ Kinh Thánh Vulgata đã được xử dụng cách chính thức trong giáo hội Công Giáo. Năm 1546, trước những cao trào cải cách (Reformation) và dịch thuật Kinh Thánh khác, các nghị phụ trong công đồng Trent đã tuyên dương thánh Jerome và tái xác định sự chính thức của bộ Vulgata trong giáo hội Công Giáo Rôma.
PHÂN ĐOẠN TRONG THÁNH KINH
Kỹ thuật phân đoạn (chương) và đánh số câu trong mỗi đoạn cho Kinh Thánh như hiện nay không dựa trên truyền thống bản văn cổ đại, mà là một phát kiến thời trung cổ. Về sau chúng được chấp nhận bởi nhiều người Do Thái, có tính tham khảo cho các bản văn Do Thái.
Sự phân chia các sách trong Kinh Thánh thành nhiều đoạn chương đã dấy lên những chỉ trích từ những người chuộng truyền thống và các học giả hiện đại. Họ lập luận rằng các bản văn bị phân chia thành nhiều đoạn trở nên thiếu mạch lạc, giảm sức thuyết phục, và khuyến khích việc trích dẫn ngoài văn mạch, có thể biến Kinh Thánh trở nên những phần trích dẫn phục vụ các mục tiêu khác. Tuy nhiên, việc phân chia các sách trong Kinh Thánh thành các đoạn và đánh số câu cho mỗi đoạn đã trở nên không thể thiếu cho công việc tham khảo trong nghiên cứu Kinh Thánh.
Stephen Langton (sau này là Tổng Giám Mục Canterbery) được cho là người đầu tiên phân đoạn cho ấn bản Vulgate của Kinh Thánh vào năm 1205. Sau đó, trong thập niên 1400, kỹ thuật này được ứng dụng cho các bản sao tiếng Hi Lạp của Tân Ước. Robert Estienne (Robert Stephanus) là người đánh số câu cho mỗi đoạn, kỹ thuật này được ứng dụng cho các bản in năm 1565 (Tân Ước) và năm 1571 (Kinh Thánh Hebrew).
[2] Ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, truyền thống vẫn nhất mực coi thánh Mátthêu là tác giả của Tin Mừng thứ nhất. Chứng từ trực tiếp và cũng cựu trào nhất là lời Giám Mục Papiát (Hiêrapôli, quãng năm 110-120), do sử gia Êusêbiô ghi lại. Theo sử gia này, thì Giám Mục Papiát viết: “Ông Mátthêu đã xếp đặt theo thứ tự bằng tiếng Híppri, những lời (Chúa) nói, và mỗi người tùy khả năng của mình mà phiên dịch (hoặc giải thích)”. Theo các nhà bình luận nhận xét, thì “Những lời (Chúa) nói” không chỉ hiểu về giáo huấn của Chúa, mà về cả sự nghiệp của Người nữa. Tóm lại, là về một cuốn Tin Mừng trọn vẹn từ khi Chúa chịu phép rửa cho đến Phục Sinh. Giám Mục Papiát nói thánh Mátthêu viết bằng tiếng Híppri, thì phải hiểu là tiếng Aram người Dothái dùng thời ấy, chứ không phải Híppri cổ điển của Cựu Ước.
Tiếc rằng tác phẩm bằng Aram đó đã thất truyền rất sớm, một phần vì tình trạng rối ren ở vùng Xyria Paléttin vào những thập niên cuối của thế kỷ thứ nhất, trước và sau biến cố năm 70; phần khác cũng vì bản Mátthêu Hylạp được phổ biến mau lẹ tại các giáo đoàn.
Thật ra thì Giáo Hội chỉ nhìn nhận tác phẩm Hylạp này như là chính lục. Ai là tác giả bản Mátthêu Hylạp này? Dựa vào chứng từ của Giám Mục Papiát người ta phỏng đoán rằng ngay từ khi tác phẩm Aram mới ra, đã có nhiều bản dịch ra Hylạp khác nhau, trong đó có bản chính lục ngày nay. Nói cho cùng thì lời Giám Mục Papiát có thể chỉ hiểu về những bản giải thích hoặc dịch miệng. Căn cứ vào nội dung của bản Hylạp hiện nay, có người cho rằng so với Mátthêu Aram, thì bản Mátthêu chính lục là một sáng tác mới, chứ không phải một bản dịch. Dầu sao thì ai cũng phải nhận Tin Mừng thứ nhất mang mầu sắc Dothái hay Sêmít rất rõ; người thực hiện bản này phải là một người Dothái sống ở Đất Thánh hay trong vùng Xyria.
Theo kết quả nghiên cứu hiện nay của việc phân tích văn chương và những đặc điểm có màu sắc Dothái trong nội dung Mátthêu, người ta đồng ý kết luận rằng sách Tin Mừng này dựa trên những tài liệu gốc Aram. Nhưng các nhà nghiên cứu không nhất trí với nhau về việc coi bản văn Mátthêu Hylạp là bản dịch của Mátthêu Aram hay là một công trình biên soạn dựa trên tài liệu gốc Aram. Do đó truyền thống coi thánh Mátthêu là tác giả sách Tin Mừng này vẫn chưa bị bác bỏ.
[3] Các sách được coi là qui điển, đã thành những bản văn thánh và ngay từ ngày người ta chấp nhận, đã hưởng thụ một thứ đặc miễn, khiến cho được bảo toàn trong tình trạng tốt mãi cho tới thời phát triển nghề in. Còn những sách không đi vào qui điển, thì không được như thế. Tuy một vài cuốn trong số đó (sách Đađikê hoặc thư Thánh Banabê) được mọi người quí trọng, và nhờ đó được bảo toàn hẳn hoi, mặc dầu bị loại ra ngoài qui điển, nhưng mấy cuốn khác thì trái lại, vì không được yêu chuộng bằng, nên đã bị gạt ra ngoài vòng xử dụng của Giáo Hội cách tàn nhẫn hơn, và do đó rất dễ bị thương tổn. Đó là lý do giải thích vì sao phần lớn những sách ấy chỉ còn lưu lại dấu vết mà thôi.
Người ta đã dành tiếng ngụy thư tức là sách thiếu chính nghĩa, cho một số sách, tuy giống phần nào với các văn thư qui điển trong Tân Ước, nhưng bị coi là bao hàm những ý tưởng ngoại lai đối với tư tưởng chính đàng hoàng của Giáo Hội, và xét chung thì chỉ dành riêng cho môi trường “phe đảng” nào, và chỉ một mình họ mới có thể dùng, hầu đạt tới sự hiểu biết thật gọi là “ngộ đạo” mà thôi. Về sau người ta kể là ngụy thư các sách Giáo Hội từ chối, không căn cứ giáo lý và đức tin của mình vào đó, và vì vậy không ban phép đọc công khai trong giờ phụng tự ngày Chúa Nhật. Các sách này, cả khi được khuyên giáo hữu đọc riêng vì đặc tính xây dựng của nó, nhưng trong giờ phụng tự công khai thì không được dùng. Đó là ý nghĩa thông thường người ta sẽ hiểu về ngụy thư, trước khi tiếng này sẽ dùng, vào lúc kết thúc qui điển, để gọi các sách được gán ngụy tạo cho các Tông Đồ. Từ ngày đó, tiếng ngụy thư hàm ý rõ ràng là xấu. Các ngụy thư bị coi là truyền bá sự sai lầm.
Dù giá trị văn chương của nó thế nào đi nữa, các ngụy thư Tân Ước vẫn là sách tuyệt vời quí báu, giúp nghiên cứu đà tiến hóa các tư tưởng tôn giáo trong thế kỷ thứ 2 và thứ 3.
Có thể phân biệt rất thô sơ trong phạm vi các ngụy thư bốn loại sách, tương ứng với các loại văn thư qui điển. Nghĩa là có những Phúc Âm, những Công Vụ Tông Đồ, những Thư và Khải Huyền ngụy tạo. ở đây, chỉ nhắc đến ít nhiều cuốn trong số ấy mà thôi.
Mấy Phúc Âm Nadarét, Hi Bá và Ai Cập, thì ta chỉ biết những câu trích dẫn của các Giáo Phụ Giáo Hội mà thôi. Theo như ta có thể nhận xét, đó là mấy cuốn có họ khá gần với những Phúc Âm qui điển. Phúc Âm Thánh Phêrô, mà ta mới tìm thấy một khúc vào cuối thế kỷ vừa rồi, đã bao hàm những dấu vết của thuyết “ngộ đạo” sẽ xuất hiện hoàn toàn đầy đủ trong những sách ta biết rõ hơn, từ ngày gần đây mới tìm thấy, vẫn ở bên Ai Cập, những sách như Phúc Âm Chân Lý, Phúc Âm Thánh Philíp và Tôma, cuốn chót này có nhiều điểm chung với mấy Phúc Âm Nhất Lãm. Tuy nhiên, các sách này rõ rệt là khác với những Phúc Âm qui điển, vì thực tế nó không bao hàm nguyên tố kể truyện nào. Cuốn sách tên là Tiền Phúc Âm Thánh Giacôbê có một tường thuật quảng diễn về những tin mừng liên quan tới Chúa Hài Nhi, lưu ý đặc biệt về tiểu sử Đức Maria và các biến cố chung quanh việc Giáng Sinh của Đức Giêsu.
Những công vụ ngụy thư, xét chung, là những tác phẩm xây dựng cho người bình dân, cảm ứng theo sách Công Vụ qui điển một cách xa xa vậy. Mấy sách ấy ưa quảng diễn cách riêng những yếu tố lạ lùng, trong đời sống các Tông Đồ mà tác giả muốn tôn vinh. Dù sao, đó cũng là cảm tưởng, sau khi đọc Công Vụ Thánh Gioan, Thánh Phaolô, Thánh Anrê.
Đừng kể trường hợp Thư các Tông Đồ, viết vào khoảng năm 150, và thuộc loại khải huyền, thì không có chi đáng nói về các Thư ngụy tạo. Những tác phẩm này thực không thể sánh được với những Thư qui điển: chúng không giống những bức thư cho bằng những khảo luận vắn về thần học, và chỉ có giá trị tầm thường.
Còn những khải huyền ngụy thư, thì ngoài sách Chủ Chăn của ông Hécmát, có thể nói tới khải huyền Thánh Phêrô (một lý thuyết về đời sau, thiên đàng và hỏa ngục) và khải huyền Thánh Phaolô, muốn kể chi tiết về thị kiến thời danh nhắc lại ở 2C 12, trong đó Thánh Phaolô được cất lên tận tầng trời thứ ba.
Mọi sách này đều viết sau các văn thư qui điển, mà thường chúng chỉ bắt chước theo. Xét chung, chúng không ghi lại một tập truyền cổ sử nào, vì thế không giúp bao nhiêu cho việc nghiên cứu Tân Ước, mặc dầu đàng khác chúng có lợi cho lịch sử tư tưởng Kitô Giáo thời kỳ sau (TOB).
[4] Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần, DẪN VÀO THÁNH KINH.
Discussion about this post