7. Từ núi Oliu trở về.
Sách Tông Đồ Công Vụ ghi: “Bấy giờ các Tông Đồ từ núi Oliu trở về Giêrusalem. Về tới nơi, các ông lên lầu trên. Tất cả các ông… siêng năng cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu”(Cv 1, 14). Đó là một chứng cớ chắc chắn rằng, Đức Maria hiện diện trong cộng đoàn đầu tiên, bắt đầu là Nhóm Mười Hai, cầu nguyện và chờ đợi lời Chúa Giêsu đã hứa là sẽ ban Chúa Thánh Thần đến để hướng dẫn cho công cuộc truyền giáo. Từ đó ta có thể tìm hiểu hình ảnh Đức Maria trong ý nghĩa truyền giáo ở đây là: đặc trưng hiệp nhất và chờ đợi Chúa Thánh Thần.
a, Đặc trưng hiệp nhất.
Trình thuật Đức Maria ở giữa các Tông Đồ cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần mặc nhiên gợi lên một hình ảnh rất đẹp về sự hiệp nhất, mà trước hết là sự đồng tâm nhất trí nơi cộng đoàn Hội Thánh đầu tiên này (x. Cv 1, 14). Thật vậy, Ngay từ buổi bình minh của Hội thánh, khởi đầu cuộc hành trình thật dài trong đức tin, được khai mở nhờ ngày lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem, Đức Maria hiện diện cùng với tất cả những người tạo thành nền tảng cho “dân Israel mới”. Mẹ hiện diện giữa họ như chứng nhân đặc biệt cho mầu nhiệm Chúa Kitô. Hội Thánh kiên tâm cầu nguyện cùng với Mẹ, đồng thời chiêm ngắm Mẹ trong vinh quang của Ngôi Lời Nhập Thể (LG 65). Mẹ trở nên biểu tượng cho sự hiệp nhất trong một chủ chiên duy nhất là Đức Kitô và đó cũng là tâm nguyện của Đức Kitô khi cầu xin Chúa Cha cho mọi người luôn hiệp nhất nên một.
Với hành trình dài của đức tin, Hội Thánh đã có những lần bị chia rẽ thành các Giáo Hội khác nhau. Điều Hội thánh mong muốn bây giờ là mọi Kitô hữu trong mọi tôn giáo cùng một nguồn gốc ý thức rằng, chỉ có thể tìm lạiđược sự hiệp nhất, khi dựa trên sự hiệp nhất đức tin. Phải vượt qua những khác biệt nghiêm trọng trên bình diện giáo lý về mầu nhiệm và chức vụ của Hội Thánh cũng như về vai trò Đức Maria trong công cuộc cứu độ. Những cuộc đối thoại của Hội Thánh Công Giáo với các Giáo Hội và các cộng đoàn Giáo Hội Đông Phương, đã được bắt đầu ngày càng quy về hai khía cạnhgắn liền với nhau của một mầu nhiệm cứu độ. Nếu mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể hé mở cho thấy mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa và nếu việc chiêm ngắm Mẹ Thiên Chúa giúp hiểu sâu hơn mầu nhiệm Nhập Thể, thì điều này cũng đúng khi nói về mầu nhiệm Hội Thánh và về vai trò của Đức Maria trong công trình cứu độ. Khi tìm hiểu sâu các mầu nhiệm này và được mầu nhiệm này soi sáng mầu nhiệm kia, các Kitô hữu ao ước thực thi điều Chúa sẽ nói với họ – như Đức Maria căn dặn họ – để có thể cùng nhau tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, mà Đức Maria luôn là gương mẫu: Mẹ sẽ dẫn họ đến sự hiệp nhất mà Chúa duy nhất của họước muốn và tất cả những người chăm chỉ lắng nghe “điều Thánh thần nói với các Hội Thánh ngày hôm nay” (Kh 2, 7; 11, 17) cũng ước muốn mãnh liệt như vậy[1].
b, Đặc trưng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Chính lúc Hội Thánh khai sinh và tỏ hiện cho thế giới, cho thấy sự liên tục trong vai trò làm Mẹ của Đức Maria: Thiên Chúa không muốn tỏ bày mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Người đổ tràn Thánh Thần Chúa Kitô đã hứa, nên các Tông Đồ, trước ngày Hiện Xuống “đã đồng tâm nhất trí siêng năng cầu nguyện cùng với Đức Maria, Thâm Mẫu Chúa Giêsu”. Đức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần là Đấng đã bao trùm Mẹ trong ngày truyền tin.
Vậy, trong kế hoạch ân sủng, được thực hiện dưới tác động của Thánh Thần, có một mối tương quan độc nhất giữa thời điểm Ngôi Lời Nhập Thể và thời điểm Hội Thánh khai sinh. Người nối kết hai thời điểm này là Đức Maria: Đức Maria ở Nazareth và Đức Maria trong Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem. Trong cả hai trường hợp, sự hiện diện âm thầm, nhưng thiết yếu của Mẹ, đã chỉ cho thấy con đường của việc sinh ra nhờ Thánh Thần. Vậy, Đức Maria đã hiện diện trong mầu nhiệm Đức Kitô với tư cách là Mẹ, cũng hiện diện trong mầu nhiệm Hội Thánh, nhờ thánh ý của Chúa Con và nhờ Thánh Thần[2].
Biến cố từ núi Oliu trở về là bắt đầu cho một chuỗi dài ý thức của các Tông Đồ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ truyền giáo, mà hình ảnh đầu tiên về Đức Maria ở giữa các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly như là một mẫu gương và nhắc nhủ sự cần thiết của ơn Chúa Thánh Thần, đồng thời là một lời mời gọi tất cả những ai lo việc truyền giáo cần biết cầu xin ơn soi sáng của Thánh Thần hướng dẫn, sức mạnh Thánh Thần nâng đỡ và quyền năng Thánh Thần tác sinh.
Discussion about this post