2. Biến cố thăm bà Elisabeth.[1]
“Mẹ sống để phục vụ, Mẹ đi để trao Chúa Giêsu” (Malneih).
Con Thiên Chúa, từ ngày truyền tin, lại còn là con Đức Maria. Hồng ân ấy, Đức Maria không giữ cho riêng mình, Người đã vội vã lên đường, đi thăm người bà con để chia sẻ cho nhau. Ở Nazareth, Đức Maria là người đầu tiên được mạc khải cho biết sự mang thai lạ thường của Elisabeth, một người chị họ ở làng Ain Carem (cách Giêrusalem 9km và cách Nazareth hơn 100km). Khi được thiên sứ Gabriel tiết lộ về việc bà Elisabeth đã mang thai được 6 tháng, đã gợi lại hình ảnh những cuộc sinh hạ lạ thường trong Cựu Ước, đem lại những nhân vật có vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ, như sự sinh hạ của Sara, sự sinh hạ của mẹ ông Samson, đặc biệt sự sinh hạ Samuel của bà Anna, là cảm hứng cho bài ca Magnificat bất hủ mà Đức Maria hoan hỷ hát lên với bà chị họ Elisabeth[2].
Biến cố thăm viếng trước hết làm nổi bật lên hình ảnh Đức Maria là vị truyền giáo đầu tiên khi đem Chúa đến cho người khác. Sự xuất hiện của Mẹ sau tiếng chào đã làm cho bà Elisabeth được tràn đầy Thánh Thần và Gioan Tẩy Giả được cứu độ. Cũng tựa như Phêrô được sai đến nhà Cornêliô, khi ông vừa nói thì Thánh Thần ngự xuống trên nhà ông. Biến cố gặp gỡ giữa Maria và Elisabeth đã làm nổi bật lên ba đặc trưng: Đức tin, sự trao ban, phục vụ và đứng về phía những người nghèo hèn nhỏ bé.
a, Đặc trưng niềm tin[3].
Như đã nói ở trên, với khoảng cách giữa Nazareth và Ain Carem với liên lạc thời đó, tin tức về một phụ nữ mang thai ở cách xa nhau như thế, Maria chỉ biết được nhờ tin vào Lời Chúa qua miệng thiên sứ Gabriel mà thôi. Niềm tin của Đức Maria được khẳng định khi Mẹ thưa “xin vâng” một cách dứt khoát và điều này được chính bà Elisabeth đã thốt lên lời ca ngợi “phúc cho bà là kẻ đã tin…” (Lc 1, 45).
Lúc nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, Đức Maria cũng chưa biết Thiên Chúa sẽ đưa mình tới đâu, nhưng Đức Maria chắc chắn tin vào Thiên Chúa và chương trình của Người. Chính lòng tin sắt đá ấy đã làm cho Đức Maria xứng đáng được đón nhận Chúa Giêsu Kitô vào trong dạ mình, thông chia cho Người bản tính nhân loại để Người trở nên một phần tử loài người mới, và bắt đầu từ đó, một nhân loại mới đã được thai sinh[4]. Chức vụ làm mẹ này là kết quả của lòng tin nơi Đức Maria vào Thiên Chúa. Đức Maria không những được tôn vinh về chức vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế về mặt thể xác, nhưng Mẹ còn cao trọng hơn mọi người về mặt đức tin. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Đức Maria là người môn đệ đầu tiên trọn hảo nhất của Đức Kitô và trọn hảo nhất về mặt đức tin”. Nếu Abraham là “tổ phụ những kẻ tin” (x. Rm 4, 12), thì Đức Maria là hiện thân sự hoàn hảo của đức tin. Abraham ra đi còn có một lời hứa “đất và dân”; Đức Maria đón nhận trách nhiệm trong một niềm tin phó thác mạng sống mình vào tay Thiên Chúa. Dù không có bất cứ một lời hứa nào, Đức Maria vẫn phó thác và đi hết con đường vâng phục của mình trên trần gian. Thiên Chúa còn sai sứ thần nắm bàn tay sát tế của Abraham để khỏi hạ gươm giết con một mình, còn Đức Maria không thấy bàn tay nào ngăn cản các lý hình giết chết Người Con yêu dấu[5].
Từng câu từng chữ trong lời ca tụng của bà Elisabeth đều mang đầy ý nghĩa, nhưng điều bà nói cuối cùng mới thực quan trọng: “Em thật có phúc, vì đã tin…” (Lc 1, 49)[6]. Cầu nói này có thể đặt cận kề với tước hiệu “đầy ơn phúc” trong lời chào của thần sứ. Qua lời chào của thiên sứ Gabriel và lời tán dương của bà Elisabeth dành cho Đức Maria, cho thấy chân lý về Đức Maria hiện diện trong mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ vì Mẹ đã tin[7].
Công đồng Vaticano II dạy: “Phải bày tỏ sự vâng phục của đức tin (Rm 16, 26; 2Cr 10, 5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải, nhờ đó con người hoàn toàn tự nguyện phó thác vào Thiên Chúa”[8]. Cách diễn tả đức tin này đã được Đức Maria thực hiện nơi bản thân mình cách trọn vẹn. Giây phút quyết định là lúc truyền tin, và các lời của bà Elisabeth: “Em thật có phúc vì đã tin” được áp dụng vào giây phút chính xác đó[9]. Với cả lý trí và ý chí, Đức Maria đã đáp lại tiếng Chúa bằng cả con người trọn vẹn đầy nhân tính và nữ tính, và lời đáp trả của đức tin nàybao một sự cộng tác hoàn hảo với hồng ân trợ lực của Thiên Chúa và một sự sẵn sàng trọn vẹn cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng dùng hồng ân của mình làm cho đức tin luôn hoàn hảo[10].
Những lời của bà Elisabeth khen ngợi “Em thật có phúc vì đã tin” không chỉ liên hệ đến giây phút truyền tin; câu này cho thấy đỉnh cao niềm tin của Đức Maria trong sự chờ đợi Đấng Cứu Thế, nhưng cũng là điểm xuất phát, khởi điểm của một cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa trọn con người đức tin. Tin có nghĩa là hoàn toàn trao phó bản thân mình cho chân lý của Lời Thiên Chúa hằng sống, khi biết và nhận thức một cách khiêm hạ rằng “quyết định của Thiên Chúa ai dò thấu được” (Rm 11, 3). Có thể nói, Đức Maria nhìn thấy, theo thánh ý muôn đời của Đấng tối cao, mình đang hiện diện ở giữa “con đường không thể hiểu được” và “quết định không thể dò thấu được” của Thiên Chúa, đã được thích ứng mình theo bóng tối của đức tin khi mở rộng tâm hồn đón nhận tất cả những gì chương trình Thiên Chúa đòi buộc[11].
Như vậy, Đức Maria luôn hiện diện trong mầu nhiệm Chúa Kitô vì được “đầy ơn phúc” thì cũng “nhờ đức tin”, Đức Maria chia sẻ vào mầu nhiệm này trong tất cả chiều kích của cuộc đời trần thế của Người. Mẹ tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, đồng thời một cách âm thầm, Mẹ làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện nơi con người.
b, Đặc trưng đức ái (trao ban và phục vụ)[12].
Việc Đức Maria vội vã ra đi đến Ain Carem khi vừa được báo tin là người chị họ trong lúc tuổi già đã mang thai được sáu tháng, được thôi thúc bởi ba động lực là để chia sẻ niềm vui, trao ban “ân sủng” và tinh thần đức ái: Đức Maria đến chia sẻ niềm vui kép đôi vì vừa được cưu mang Chúa Giêsu, vừa vui mừng cho bà Elisabeth được Thiên Chúa cất đi nỗi nhục son sẻ của bà; Đức Maria đến để đem Chúa Giêsu đến cho Gioan được nhảy mừng và bà Elisabeth được tràn đầy Chúa Thánh Thần; và Đức Maria đến để giúp đỡ bà Elisabeth trong thời kỳ thai nghén. Tất cả được gói gọn trong một động lực duy nhất là đức ái tuyệt hảo của Mẹ Con Thiên Chúa.
Niềm vui trươc hết và trên hết mà Đức Maria muốn chia sẻ chính là niềm vui được Thiên Chúa cứu độ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Thật vậy, Đức Maria là người đầu tiên được Thiên Chúa thương cứu độ, giữ gìn cho khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ, như con người thuở ban đầu được tạo dựng, nghĩa là sống trong sự sống siêu nhiên, trong ơn thánh sủng. Được cứu độ là niềm vui lớn nhất mà bao thế hệ đợi chờ, chính vì thế mà Đức Maria, người được cứu độ đầu tiên, tràn ngập niềm vui, vừa cất tiếng chào thì Gioan trong dạ bà Elisabeth cũng nhảy lên vui sướng vì ơn cứu độ đã đến.
Đức Maria mang đến cho gia đình bà Elisabeth ân sủng của Thiên Chúa, vì Mẹ tràn ngập ân sủng, nên ân sủng đó trào tràn trên bà Elisabeth làm cho bà cất lớn tiếng và ca ngợi Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria mang trong mình Đấng là ân sủng và được bao quanh bằng ân sủng của Thánh Thần, Mẹ hiểu rõ bản chất của ân sủng không cho phép tích trữ và giữ lấy như của riêng, mà cần phải trao ban, ân sủng không dừng lại nơi Mẹ mà được tặng ban cho con cái loài người. Thật vậy, nếu ân sủng là để phân phát, thì người làm đầu chỉ có thể là để phục vụ (x. Mt 23, 11), và thế giới ân sủng còn là thế giới của tình thương. Tình thương bao la và cao thượng vốn được xây dựng trên hy sinh và dâng hiến. Nơi đó, không chờ đợi để nhận lãnh hay để được phục vụ, mà là luôn tìm cách trao ban, chia sẻ và hiến tặng. Đức Maria đã thực hiện trọn vẹn tinh thần đức ái khi hạ mình làm người tôi tớ phục vụ.
Dù được diễm phúc hơn mọi người phụ nữ vì đã cưu mang Con Thiên Chúa, cưu mang Đấng Cứu Thế mà cả dân Israel và muôn dân trông đợi, nhưng Đức Maria đã không tự coi mình cao trọng trong phẩm vị “Hoàng Thái Hậu” mà hạ mình để phục vụ, mà người đầu tiên được diễm phúc Mẹ Thiên Chúa đến phục vụ là bà Elisabeth. Nếu Đức Giêsu là Chúa và là Thầy mà đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ, thì trươc đó chính Mẹ Người là Mẹ Thiên Chúa đã hạ mình phục vụ một thụ tạo, và với một công việc rất thấp hèn suốt một thời gian ba tháng theo lời kể của Luca (x. Lc 1, 56).
c, Lời kinh Magnificat: Đặc trưng đứng về phía những người bị áp bức.
Xuất xứ của lời kinh Magnificat cho đến nay vẫn chưa hết những tranh luận của nhiều nhà thần học, nhưng dựa theo chính những lời được thốt ra trong lời kinh “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” mà đặc ân “đầy ơn phúc” lúc này chỉ có nơi Đức Maria và được khẳng định qua sứ thần Gabriel cũng như của bà Elisabeth, nên ta không nghi ngờ gì nữa mà chắc chắn lời kinh này được hát lên từ môi miệng Đức Maria, ca ngợi lòng thương xót của Chúa đã thực hiện lời hứa cứu chuộc dân Người. Tuy lời kinh hoạ lại tâm tình của bà Anna mẹ của Samuel (x. 1Sm 2, 1- 10) cùng với những chắt lọc ý nguyện của các lời kinh Cựu Ước đương thời, nhưng quan trọng hơn cả là được đọc trong một tâm tình của một người nữ tỳ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa và cộng tác trực tiếp trong chương trình cứu độ.
Kinh Magnificat được khởi đầu bằng niềm vui của một con người được cứu độ (x. Lc 1, 47), kế đến nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những ai hèn mọn (x. Lc 1, 48- 53)[13]. Đặc biệt, điều được nói đến nhiều nhất là sự đối nghịch giữa thế lực giàu và người nghèo bị áp bức, và Thiên Chúa đã yêu thương cứu giúp người nghèo khó khiêm hạ.
Có thể nói, Đức Maria đã cất lên bài ca của những người bị áp bức, mà trong đó Mẹ và bà Elisabeth diễn tả mối bận tâm của mình dành cho dân Israel. Đức Maria đã nhận vào trong con người của Mẹ một cảm thức và mối bận tâm của bà Anna sau khi bà này sinh hạ Samuel, và ca ngợi về tất cả những điều này vào trong một bài ca biết ơn. Luca giữ lấy cảm thức này cho chúng ta trong kinh Magnificat mà ngài đặt như là một lời dẫn cho việc công bố của Đức Giêsu về sứ mạng của Người là giải phóng người nghèo và những kẻ bị bỏ rơi (Lc 4, 18- 19).
Cụm từ tapeinoi (tapeinoi) hoặc anawim (anawim) theo ngôn ngữ Hy Lạp muốn nói về một người nghèo bình thường, không quyền hành, không ảnh hưởng. Khi hát lên lời này, Đức Maria như muốn tuyên bố, Thiên Chúa không đánh giá con người theo tiêu chuẩn trần thế. Những con người thành đạt, giàu sang và leo lên đỉnh cao quyền lực, có lẽ sẽ làm cho mọi người kính nể và sợ sệt, nhưng đối với Thiên Chúa thì không. Giàu sang và quyền lực trần thế chỉ là thứ chóng qua như “con người chóng qua như cỏ”. Thiên Chúa chú tâm đến người góa bụa, trẻ mồ côi, người hèn mọn, những con người không có chút quyền hành gì, những con người vô tích sự trước mắt người đời. Kẻ giàu sang quyền thế thường thoả mãn về mình; người nghèo hèn chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Kinh Magnificat là tuyên ngôn: Thiên Chúa là Thiên Chúa của người nghèo và người bị áp bức; phúc cho người nghèo vì có Thiên Chúa là Đấng luôn chăm sóc họ. Đức Maria là mẫu gương sự nghèo khó và lời kinh Magnificat mà Mẹ hát lên phản ánh việc Mẹ đứng về phía những người bị áp bức. Điều này làm cho lời kinh này mang một tính cách mạng vĩ đại: cần phải thay đổi vị trí xã hội để mọi người được bình đẳng trước mặt Thiên Chúa[14].
Tóm lại: Như đã nói ở trên, biến cố thăm viếng bà chị họ Elisabeth là hành trình truyền giáo đầu tiên với đầy đủ tính năng của một cuộc truyền giáo thực thụ, khi Mẹ đem Chúa Giêsu đến cho người khác và trao ban Chúa Giêsu để những người lãnh nhận được tràn ngập niềm vui vì được cứu độ. Điều này cũng tựa như việc Phêrô cho anh què ở Cửa Đẹp Đền Thờ chính Chúa Giêsu và anh được chữa lành để rồi anh nhảy nhót tưng bừng ca ngợi Thiên Chúa. Biến cố thăm viếng làm nổi bật lên đặc trưng của người môn đệ là: Đức tin, đức ái và cảm thông -nghĩa là người truyền giáo mang trên mình niềm tin phó thác cho công trình cứu độ của Thiên Chúa, thực hiện đức ái Kitô bằng việc dấn thân phục vụ và trao ban niềm vui, đồng thời cảm thông và bênh vực cho những người nghèo hèn và những người bị áp bức trong xã hội.
[1] xem thêm: LG 57; RM 12-14; Giáo Lý Công Giáo 148; 495; 523; 717; 2676-2677.
[2] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 12.
[3] Đọc thêm THÁNH MẪU HỌC của Lm Aug. Nguyễn Văn Trinh, tr. 112
[4] x. Karl Rahner, MARIA KEU ĐÃ TIN, tr 29.
[5] x. Lm Augustino Nguyễn Văn Trinh, Thánh Mẫu Học, tr 102.
[6] x. Augustino, DE SANCTA VIRGINITATE, III, 3: PL 40,398; Sermo 25,7.
[7] Xem thêm THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER số 36.
[8] x. Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ DEI VERBUM, số 5.
[9] x. Saint Irene, EXPOSITIO DOCTRINAE APOSTOLICAE, 33.
[10] x. Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 56.
[11] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 19.
[12] x. E. Neubert, ĐỨC MARIA TRONG TÍN LÝ, tr. 375-378.
[13] Xem thêm Giáo Lý Công Giáo, số 2619.
[14] Tham khảo Lm. Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr. 113- 114
Discussion about this post