Ngày 01 tháng 11
LỄ CÁC THÁNH NAM NỮ
Lễ trọng
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,1-12a
Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên.Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
II. SUY NIỆM.
« TÌM GIÁ TRỊ VĨNH CỬU »
Hằng năm, khi Lễ Các Thánh đến, tôi lại nhớ tới câu nói của thánh Augustino: “Ông này bà nọ hay anh ấy chị kia làm thánh được thì tôi cũng làm thánh được”. Vâng, các thánh không là ai xa lạ, mà là tất cả những ai minh nhiên hay mặc nhiên đón nhận ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu Kitô, đã giặt sạch áo mình trong Máu Con Chiên là thông dự vào Mầu Nhiệm Thập Giá và Tử Nạn của Chúa Giêsu Kitô. Bắt đầu từ Thánh Mẫu Maria đến hàng hàng lớp thánh nhân thuộc đủ mọi tầng lớp trong xã hội, thuộc mọi màu da và mọi ngôn ngữ mà thánh Thánh Gioan được nhìn thấy trong thị kiến với con số tượng trưng một trăm bốn mươi bốn ngàn người (x. Kh 7,9).
Hôm nay Giáo hội tôn kính tất cả các thánh, nếu một số trong các ngài đã được chính thức tôn phong hiển thánh để làm gương cho chúng ta, thì Giáo hội cũng vẫn biết rằng còn có nhiều người đã từng sống trung thành với Tin Mừng và phục vụ tha nhân. Vì thế vào ngày lễ các Thánh Nam Nữ các Kitô hữu mừng kính tất cả các thánh, những vị đã từng được biết đến, cũng như những vị còn chưa được biết đến. Các ngài là những tiền nhân, trong đó có ông bà cha mẹ anh chị em chúng ta đã ra đi trước chúng ta. Các thánh đã từng sống kiếp người như chúng ta trong từng thân phận, hoàn cảnh, địa vị… Từ vua quan đến nô lệ, từ hoàng tước đến bần cố nông, từ ông chủ xí nghiệp đến công nhân thợ thuyền; từ giáo hoàng đến tín hữu, từ tu sĩ đến bậc sống gia đình, từ đồng trinh đến goá phụ… tất cả đã nên thánh ngay trong chính kiếp người và bậc sống của mình, biến những sự bình thường thành phi thường, thánh hoá đời sống thường nhật thành cuộc sống thiên thần, qua các mối phúc (được gọi là “Hiến Chương Nước Trời) mà Chúa Giêsu dạy qua bài Tin Mừng hôm nay:
Qua Bát Phúc, cho thấy con đường nên thánh rất đa dạng và phong phú. Mỗi mối phúc là mỗi phương pháp ta có thể chọn để nên giống Chúa Giêsu và là một phương thế nên thánh. Những mối phúc này xem ra không hợp với những quan niệm của cuộc sống thông thường. Nhưng đó lại là một nghịch lý mà không vô lý. Nghĩa là trong khi thế gian chạy theo mọi thứ có giá trị tạm thời, thì người theo Chúa dám đi ngược dòng, là tìm những giá trị vĩnh cửu ngay trong những thứ trần thế ấy.
Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó. Là không lo tìm vật chất hưởng thụ và bị vật chất che khuất, để rồi lo chạy theo vì lòng tham và thủ đoạn mà lãng quên Nước Trời.
Phúc thay ai hiền lành. Ngày nay sự ác đang tràn lan, đạo đức xuống cấp, dễ dàng giết người không nương tay, thì người theo Chúa biết khiêm nhu hiền hậu.
Phúc thay ai sầu khổ. Biết kết hợp với đau khổ của Chúa Kitô và dâng hết cho Người.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính. Nên thánh là một cuộc chiến đấu trường kỳ, một ước muốn mãnh liệt, một ý chí cao; phải ước muốn mãnh liệt chứ không phải chì là mơ ước. Muốn nghĩa là phải tiến tới hành động, phải thành công mới thôi.
Phúc thay ai xót thương người. Là biết vui với người vui, khóc với người khóc, cảm thông với nỗi đau của tha nhân. Thay vì lo thu vén gom góp cho mình, người theo Chúa biết sống trao ban và chia cơm sẻ áo cho nhau.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch. Giữa một thế giới xuống cấp về đạo đức luân lý, buông mình theo dục tính khoái lạc, thì người theo Chúa phải biết sống tiết chế, chừng mực và trong sạch.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình. Tránh sự gây gỗ hận thù và đem bình an đến cho nhau.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính. Vì đức tin và lòng mến Chúa, dám làm chứng nhân trong mọi hoàn cảnh, dù đôi khi phải chịu thiệt thòi vì danh người có đạo.
Như thế, dù xem ra phải sống ngược đời và lội ngược dòng, nhưng nếu chúng ta thực thi với cái nhìn đức tin thì chúng ta sẽ tìm thấy hiệu quả đích thực trong cuộc sống. Nội dung của các mối phúc hướng chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân, chứ không phải chỉ sống ích kỷ cho riêng mình. Nhờ sống vì Chúa và sống cho người khác mà chúng ta cảm nhận hạnh phúc thiêng liêng và đích thực. Lời kêu gọi của Chúa Giêsu đã trở nên lý tưởng phấn đấu cho biết bao tín hữu. Họ đã chiến thắng gian khổ, vượt lên những khó khăn để sống một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi. Phải: “ông này bà nọ nên thánh được, thì tôi cũng nên thánh được” khi tôi biết thực thi giáo huấn Tin Mừng qua Bát Phúc mà Chúa dạy hôm nay.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, quê hương đích thực và vĩnh hằng của chúng con ở trên trời, để khi đang sống giữa cõi tạm thế gian này, chúng con luôn biết hướng vọng về quê trời vinh phúc, hầu chúng con không ngại khó ngại khổ mà sống trọn vẹn tám mối phúc thật Chúa đã dạy chúng con hôm nay. Amen
Hiền Lâm
NÓI VỚI NGƯỜI TRẺ ƠN GỌI NÊN THÁNH,
NÊN THÁNH LÀ ĐIỀU CÓ THỂ
Thời Trung Cổ trở về trước, người ta quan niệm rằng: Ngăn cách về trời tựa như một con sông lớn mênh mông, mà các giáo sĩ thì như những người đi trên cầu chắc chắn; các tu sĩ thì như những người vượt sông bằng thuyền cũng khá là an toàn dù ít nhiều bị sóng cuốn, trăm người may ra mất một; còn giáo dân thì như những người bơi lội lóp ngóp dưới sông, cheo leo lắm, mười người thì mất bảy mất tám… Nói như thể chỉ “con nhà Đức Chúa Trời” – các đấng các bậc và những ai đi tu thì mới được làm thánh, chứ giáo dân và “quân bên đời” thì khó lòng lắm mới được cứu. Tư tưởng này bây giờ tuy đã được loại bỏ, nhưng vẫn ít nhiều ảnh hưởng nơi chúng ta, như lần nọ có ông nói với tôi: “Chỉ có các cha các thầy các sơ đi tu mới thánh thiện, cứ như chúng con thì chỉ mong không mất linh hồn, chịu đền tội nơi luyện ngục chờ đợi là may lắm rồi”.
Không đâu, nên thánh thì đâu độc quyền của riêng ai, và cũng đâu phải phân cấp giáo sĩ giáo dân và “giáo nào…” mới làm thánh được? Nên thánh không phải là đặc ân dành cho một số người, nhưng nên thánh thuộc về ơn gọi Kitô hữu (x. Ep 1,4). Nên thánh không phải là một nỗ lực của con người nhưng là do sức hút của Thiên Chúa thánh thiện. Đóng góp của con người chỉ là để cho mình được Chúa cuốn hút vào thế giới thần linh của Ngài mà không cưỡng lại.
Chúng ta còn nhớ, tháng 8-2001 thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã phong Chân Phước cho cặp vợ chồng Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi; hay ngày 18-10-2015 thì Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho hai ông bà cố của thánh Têrêsa Lisieux là Louis Martin và bà Zélie Guérin. Như thế, đâu phải cha linh hướng của thánh Têrêsa (giáo sĩ) được phong thánh, soeur bề trên của thánh Têrêsa (tu sĩ) được phong thánh, mà là ông bà cố thánh Têrêsa (giáo dân) sống bậc vợ chồng được phong thánh.
Đặc biệt thần đồng Internet là Carlo Acutis 15 tuổi, được phong chân phước ngày 10-10-2020 và sắp tới đây được phong hiển thánh như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Bộ Phong Thánh hôm 23-4-2024. Như thể thì đâu chỉ thánh là phải tu kín, giữ nhiệm nhặt, đổ máu tử đạo, suốt ngày phải chắp tay cao hơn lỗ mũi để cầu kinh… mà là lướt lướt mạng như Acutis cũng có thể làm thánh mà! Đâu phải đi tu mới làm thánh, mà bậc nào cũng có thể nên thánh và đâu phải phải ở trong dòng tu mà sống giữa đời cũng nên thánh được. Bởi vì, mỗi người được Thiên Chúa tạo dựng một cách huyền nhiệm và độc đáo, không ai giống ai cả về thể xác lẫn tâm hồn, tính tình cũng như tài năng: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Chúa Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1, 11- 12). Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. Và, “Mỗi người tùy theo ơn Chúa ban mà phục vụ kẻ khác, như những người quản lý trung tín giữ mọi ân sủng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10). Ơn gọi là lời mời để sống trong tình yêu với Thiên Chúa dù người đó sống bậc hôn nhân hay tu trì thánh hiến. Tài liệu đúc kết của Công đồng Vatican II đã cho thấy ơn gọi nên thánh là ơn gọi phổ quát, bởi “Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình…” (x. LG 11, 42).
Có những vị thánh nổi tiếng, nhưng cũng không thiếu những vị thánh bình thường, vô danh. Đường lối nên thánh cũng không phải chỉ có một con đường độc điệu, mà là nhiều con đường khác nhau… Câu nói của thánh Augustino: “Ông này bà nọ hay anh ấy chị kia làm thánh được thì tôi cũng làm thánh được”. Vâng, các thánh không là ai xa lạ, mà là tất cả những ai minh nhiên hay mặc nhiên đón nhận ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu Kitô. Họ là những tiền nhân, trong đó có ông bà cha mẹ anh chị em chúng ta đã ra đi trước chúng ta. Họ đã từng sống kiếp người như chúng ta trong từng thân phận, hoàn cảnh, địa vị… Từ vua quan đến nô lệ, từ hoàng tước đến bần cố nông, từ ông chủ xí nghiệp đến công nhân thợ thuyền; từ học sinh đến nhà giáo; từ giáo hoàng đến tín hữu, từ tu sĩ đến bậc sống gia đình, từ đồng trinh đến goá phụ… tất cả đã nên thánh ngay trong chính kiếp người và bậc sống của mình, biến những sự bình thường thành phi thường, thánh hoá đời sống thường nhật thành cuộc sống thiên thần qua các mối phúc (được gọi là “Hiến Chương Nước Trời”) mà Chúa Giêsu dạy.
Chúng ta ngưỡng mộ tài cao đức rộng, cuộc sống phi thường của các thánh hẳn không sai, nhưng không phải là tuyệt đối đúng, vì thực tế, trong số các thánh, nhiều đấng cũng không hơn gì chúng ta. Có khi các ngài cũng là nhưng người tội lỗi một thời như Maria Mađalêna, Phêrô, người trộm lành, Phaolô, Augustinô… Điều đáng nói ở đây chính là: các ngài thuộc những người đã trải qua kinh nghiệm về yếu đuối, sa ngã và tội lỗi, nhưng các ngài đã sám hối, ăn năm, canh tân đời sống theo ánh sáng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Các ngài có thể là những người 99 lần ngã, nhưng lần thứ 100 thì đứng dạy và đứng luôn trong ân sủng.
Đức Thánh Cha Phanxico trong tông huấn “Đức Ki-tô đang sống” đã liệt kê ra một tiến trình và là lời mời gọi người trẻ nên thánh, bao gồm: Mời gọi làm vinh danh Thiên Chúa, kết bạn với Chúa Giêsu và trở nên nhân chứng cho Chúa Giêsu.
Làm vinh danh Thiên Chúa là nên thánh trong ý thức nỗ lực hoàn thiện mình. Ý thức trở nên giống Chúa từng ngày trong những nỗ lực của bản thân là người trẻ làm vinh danh Chúa. Tất nhiên, trên con đường này, người trẻ cần đến ơn Chúa và sự mạo hiểm của bản thân. Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ hãy đan kết cuộc đời mình với cuộc đời của Đức Giêsu bằng con đường phục vụ. Nhờ việc phục vụ tha nhân, người trẻ đem lại niềm vui Tin Mừng đến cho những người họ có dịp gặp gỡ. Qua những công việc mà người trẻ dấn thân phục vụ, họ có dịp thể hiện hình ảnh của Đức Giêsu trong cung cách phục vụ, trong sự nhiệt huyết chu toàn trách nhiệm và trong sự xả thân giúp đỡ người khác. Chính vì tuổi trẻ đại diện cho một tầng lớp người có tiềm năng, nhiều người trong số họ luôn nuôi dưỡng những khao khát và ước mơ để có cơ hội cống hiến hết khả năng của mình, mang lại cho xã hội và Giáo Hội một tương lai tươi sáng hơn.
Kết bạn với Đức Giêsu để nên thánh: Sự chân thành và thân tình luôn là những yếu tố đặc trưng để tạo nên một tình bạn lý tưởng. Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ đừng ngần ngại kết bạn với Đức Giêsu để có cơ hội đáp lại tiếng gọi của Ngài với trọn niềm hạnh phúc và bình an. Tình bạn mà Chúa Giêsu mở ra không phải là mối tương quan ích kỷ hay chiếm hữu mà là mối tương quan mở ra những chia sẻ và trao ban. Thế nhưng, ngày nay khá nhiều người trẻ dễ có khuynh hướng chọn lựa theo những lợi ích trước mắt mà không thể lường trước những hậu quả về sau. Giữa những lời mời thực dụng, người trẻ như bị lấn át khiến họ không còn thời gian và không gian dành cho Chúa. Để tránh rơi vào những vòng xoáy nguy hiểm này, Đức Thánh Cha nói đến tính dứt khoát trong sự chọn lựa và tính triệt để trong sự từ bỏ, là cách người trẻ mạnh dạn nói “không” với những mối tương quan không mang lại niềm hạnh phúc đích thực. Chính khi mở ra một tình bạn với Đức Giêsu, người trẻ như đang mở ra một kế hoạch, một định hướng, một lý tưởng và một cuộc sống có mục đích, hướng cuộc sống của cá nhân mình trở nên nguồn cảm hứng cho tha nhân, minh chứng sự trẻ trung đầy nhiệt huyết và đầy năng lượng bằng những mối tương quang lành mạnh theo mẫu tương quan tình bạn mà họ đã mở ra với Đức Giêsu.
Trở nên nhân chứng cho Đức Giêsu là con đường nên thánh: Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục chỉ ra cho người trẻ một con đường nên thánh căn bản mà ai cũng cần phải đi qua, đó là nên thánh bằng cách chọn cho mình một công việc để tìm kế mưu sinh và bằng con đường xây dựng một gia đình để đi tìm hạnh phúc. Ý thức sống tinh thần trách nhiệm nhằm mang lại hoa trái phong phú thiêng liêng nơi gia đình và nơi môi trường làm việc chính là cách mà người trẻ biến cuộc đời mình thành những nhân chứng sống động của Thiên Chúa giữa trần gian này. Tuy nhiên, khi sinh ra và lớn lên trong một xã hội như hôm nay, người trẻ đã phải nhìn thấy không ít những hình ảnh bất hạnh từ đời sống gia đình, chứng kiến không ít những bạo lực, những bế tắc xảy ra để lại hậu quả là sự đổ vỡ và ly tán đem lại bất hạnh và đau khổ. Thảm cảnh này khiến người trẻ không còn dám tự tin tạo lập một gia đình cho riêng mình, vì thế, mời gọi người trẻ chiếu tỏa niềm hạnh phúc gia đình bằng những đức tính nhẫn nại, khoan dung, đối thoại, tha thứ giúp họ trở nên điểm tựa vững chắc cho gia đình.
Tóm lại: Nên thánh là điều nằm trong tầm tay của chúng ta, vì Chúa muốn ban cho ta đủ ơn để nên thánh, bởi từ khi được rửa tội, được xức dầu thánh, chúng ta đã thuộc trọn về Thiên Chúa rồi, nên đã là thánh rồi. Điều cần và đủ bây giờ là chúng ta làm cho ơn gọi nên thánh nên triển nở và sống động. Phải, nên thánh không phải là việc ngày một ngày hai là xong, nhưng là một tiến trình từ từ tiệm tiến. Nên thánh không phải là phải có được những điều vĩ đại, mà là từ việc tập sống những điều nho nhỏ hàng ngày với nhiều tình yêu, khiêm tốn, vâng lời và thanh thoát. Đặc biệt có long khao khát nên thánh mãnh liệt, biết mình và chiến thắng chính mình. Tắt một lời, là trong tất cả mọi sự làm chỉ vì yêu mến Chúa.
Hiền Lâm
Discussion about this post