Ngày 22 tháng 08
ĐỨC MARIA TRINH NỮ VƯƠNG
Lễ nhớ
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,26-38
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! “
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng của lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương hôm nay làm nổi bật lên với ba nét đẹp của Đức Maria là Đấng đầy ân sủng, là nữ tỳ khiêm hạ và lời đáp trả “xin vâng”:
1. Đặc trưng đầy ân sủng.
Từ sau lời chào của thiên thần Gabriel: “Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng”, Đức Maria được mang tên là Đấng Đầy Ân Sủng. Tước hiệu này được hiểu theo hai khía cạnh:
Thiên Chúa đổ tràn đầy ân sủng. Ân sủng không do công nghiệp của con người, nhưng hoàn toàn là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn chọn cho Con Mình một người Mẹ trần thế để thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã chuẩn bị cho người được chọn là Đức Maria “được tràn đầy ân sủng”. Chính việc tràn đầy ân sủng này làm cho các giáo phụ liên tưởng đến đặc ân vô nhiễm, Thiên Chúa gìn giữ Đức Maria khỏi tội, từ lúc được thụ thai… như thế mới xứng đáng đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội là gì, vào trong cung lòng mình.
Hồng ân được ban để giúp cho nhân vật chu toàn một trách nhiệm do Thiên Chúa thiết đặt. Nói như thánh Phaolô “Hồng ân là để xây dựng nhiệm thể”. Ở đây còn cao trọng hơn: Đức Maria được trang bị hồng ân để làm Mẹ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa.
Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, ân sủng là một ân ban đặc biệt, và theo Tân Ước, ân ban này có nguồn gốc từ Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là tình yêu, mà hoa trái của tình yêu là sự tuyển chọn. Sự tuyển chọn thuộc về kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa muốn cứu độ loài người bằng cách cho tham dự vào đời sống của Người trong Đức Kitô (x. 2Pr 1,4).
Đặc ân “đầy ơn phúc” cũng hướng đến toàn bộ hồng ân siêu nhiên mà Đức Maria đã lãnh nhận, chỉ vì Mẹ được tuyển chọn và được xác định làm Thân Mẫu Chúa Kitô, và sự tuyển chọn này có thể nói là độc nhất và phi thường, đưa đến đặc tính duy nhất của vị trí Đức Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ. “Vinh quang của ân sủng” được biểu hiện nơi Mẹ Thiên Chúa qua sự kiện Mẹ được cứu độ lạ lùng. Nhờ ân sủng sung mãn của Người Con chí ái, dựa vào công nghiệp cứu độ của Đấng trở thành con của mình, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố của nguyên tội. Như thế, ngay từ giây phút đầu tiên thành thai, ngay lúc khởi đầu hiện hữu, Đức Maria thuộc về Đức Kitô, được thông phần vào ân sủng cứu độ và thánh hoá, và vào tình yêu xuất phát từ Người Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng qua mầu nhiệm Nhập Thể đã trở thành Con của Mẹ. Vì thế, trên bình diện ân sủng, nghĩa là việc tham dự vào bản tính thần linh, Đức Maria, nhờ Chúa Thánh Thần, nhận lãnh sự sống từ Người Con mà Mẹ sinh ra, và Đức Maria đón nhận “sự sống mới” này cách tràn đầy, thích ứng với tình yêu của Con dành cho Mẹ- và thích ứng với phẩm giá Mẹ Thiên Chúa- nên thiên thần đã gọi Mẹ lúc truyền tin là “Đấng đầy ân sủng”.
2. Đặc trưng khiêm hạ.
“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38a). Đức Maria muốn sống đúng ơn gọi của mình trước Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của người nữ tỳ như Mẹ đã đáp lại lời thiên sứ truyền tin. Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Đức Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat). Bởi vì Thiên Chúa có một đường lối hành động rất đặc biệt. Đó là “hạ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng và suy tôn những người khiêm hạ” (x. Lc 1,48-52; Gc 4,6). Ơn gọi của “người nữ tỳ Thiên Chúa” đối ứng cách kỳ diệu với hình ảnh “người tôi tớ Yavê” vốn được ngôn sứ Isaia phác hoạ cách đầy đủ trong Cựu Ước (x. Is 42,1-4; 49,1-6; 50,4-9; 52,13; 53,12). Nếu Đức Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Đức Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.
Có thể nói, dù vô tội, nhưng Đức Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1,38).
3. Đặc trưng vâng phục (fiat).
Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Thời điểm đầu tiên của sự vâng phục… Đức Maria ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.
Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ thụ thai”, mà Giuse không biết gì cả. Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (x. Đnl 22,22-23). Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa.
Lạy Mẹ Maria, toàn cảnh của bài Tin Mừng chúng con vừa suy niệm hôm nay gói gọn trong hai chữ “xin vâng” mà Mẹ đã sống trọn cuộc đời vâng theo ý Chúa, xin cho chúng con luôn biết xin vâng như Mẹ để trong mọi sự chúng con cũng luôn biết thuận theo ý Chúa, để mai ngày chúng con cũng được cùng với mẹ chiêm ngưỡng tôn nhan Chúa. Amen.
Hiền Lâm
Đức Maria Trinh Nữ Vương.
CẦN HIỂU ĐÚNG
Ngày nay trên thế giới hầu như không còn chế độ phong kiến và rất ít quốc gia còn giữ thể chế quân chủ. Nói chung, chỉ còn một số ít các đảo quốc hay bộ tộc giữ chế độ phong kiến và một ít nước lớn vẫn còn vua trên danh nghĩa hơn là thực quyền. Chính vì thế, ý niệm về vua cũng mất dần trong giới trẻ, và thế hệ hôm nay không ít người còn nhầm lẫn các chức danh triều đình xưa.
Vì vậy, nhân ngày lễ Trinh Vương, xin được bàn đến một số tước danh mà Giáo Hội và cách riêng các giáo phụ dành cho Mẹ Maria:
– Nữ Vương, hoặc Nữ Hoàng,
– Hoàng Hậu,
– Thái Hậu.
Hoàng Hậu là vợ vua, Thái Hậu là mẹ vua, Nữ Hoàng hay Nữ Vương là vua bà, là người phụ nữ làm vua.
Như vậy, theo triều đình thế gian này, Hoàng Hậu hay Thái Hậu không có quyền trị vì, nhưng vương quốc và quyền lực là của ông vua. Còn Nữ Hoàng hay Nữ Vương thì là một vua bà cai trị vương quốc và thần dân.
Sở dĩ dừng lại một vài phân tích như vậy vì đã có không ít những cách dùng từ không thật sự chính xác. Chẳng hạn trong một số bài hát một số ns đã trích câu thánh vịnh 44,10 và sáng tác: “Nữ Hoàng bên hữu Đức Vua…” trong khi Thánh vịnh 44,10 ghi rõ: “Bên hữu Ngài, hoàng hậu sánh vai…”. Trong một nước thì không có chuyện vua và nữ hoàng cùng một lúc, vì thế trích dẫn thánh vịnh và sửa lại làm sai nguyên nghĩa và ý nghĩa. Ns khác trong bài hát: “Con Đến” trong phần Điệp khúc có câu: “Nước Mẹ thống trị chiến sĩ lên đường mới, xây đắp vinh quang Nước Cha muôn đời”. Thấy không ổn “Nước Mẹ – Nước Cha” nên một ns đã chỉnh lại: “Có Mẹ dắt dìu chiến sĩ lên đường mới…”. Như vậy, khi ca ngợi Mẹ Maria yêu dấu, chúng ta cần hiểu đúng hơn về ý nghĩa TRINH VƯƠNG:
Một nước không thể có hai “vua”
Khi Đức Giáo Hoàng Pio XII tuyên bố và đưa vào Phụng vụ Lễ Đức Maria Trinh Nữ Vương (1954), không có nghĩa là một Nước Thiên Đàng có hai vua (Là Thiên Chúa và Đức Mẹ), nhưng tước hiệu này cần hiểu không phải là cai trị mà là trổi vượt, làm chủ và vinh dự:
– Trổi vượt: Ví dụ, trong thể thao có vua điền kinh, vua bóng đá, vua quần vợt… không có nghĩa là vua bóng đá (Pele) có quyền cai trị môn bóng đá mà là Liên đoàn FIFA (có quyền) đã phong tước danh dự cho Pele. Mẹ Maria không phải là vị Nữ Hoàng cai trị Nước Trời (trên cả Chúa), nhưng mẹ là Nữ Hoàng trên tất cả chư thần chư thánh về thần thế, vinh dự, nhân đức và công nghiệp (Chẳng hạn: Mẹ là “Nữ Vương các thánh Tử Đạo” là vị Mẹ chịu đau khổ trong sự hiệp thông cứu chuộc hơn hẳn các vị tử đạo…).
– Làm chủ: Ví dụ: Vua thì có quyền làm chủ trên các thần dân. Khi được về “cùng hiển trị bên Chúa Ki-tô”, Mẹ Maria cũng như các thánh nhân đã chiến thắng hoàn toàn ma quỷ, tội lỗi, sự chết… và những thứ đó không còn làm gì được trên Mẹ nữa, mà Mẹ đã đạp tất cả dưới chân và giúp mọi con cái mẹ làm chủ trên những thứ đó.
– Vinh dự: Đức Maria được Thiên Chúa tuyển chọn và gìn giữ từ đời đời trong kế hoạch của Thiên Chúa để làm Mẹ Con Thiên Chúa. Cũng như một vị vua khi lên ngôi đã phong thân mẫu làm Thái Hậu và thái hậu rất có thần thế trong việc khẩn cầu với vị vua con mình, chứ chính thái hậu không có quyền ra quyết định bắt vua theo. Chúa Giê-su vua vũ trụ đã phong Mẹ làm Nữ Vương, và Mẹ rất có thần thế cầu bầu cho nhân loại trước mặt Chúa, chứ Mẹ không thay thế Chúa để quyết định ơn cứu độ của nhân loại.
Tóm lại, Mẹ Maria có vị trí vượt trên mọi chư thần chư thánh, nhưng Mẹ cũng là một thụ tạo ưu tuyển của Thiên Chúa chứ không phải Mẹ là một Nữ Thần. Mẹ khiêm tốn vâng phục Thiên Chúa chứ không lấn quyền Thiên Chúa và làm ngược lại Lời Thiên Chúa và những chân lý mà Chúa Giê-su truyền lại cho Giáo Hội. Vì thế, chúng ta yêu mến và tôn kính Mẹ thật là chính đáng và phải đạo, nhưng đừng vì sùng thượng quá đáng mà mù quáng sai lạc chân lý đức tin.
Bài viết: Hiền Lâm.
Discussion about this post