Ngày 01 tháng 05
THÁNH GIUSE LAO CÔNG
(Lễ nhớ)
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,54-58
Đức Giê-su về quê, giảng dạy dân chúng trong hội đường của họ, khiến họ sửng sốt và nói: “Bởi đâu ông ta được khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế? Ông không phải là con bác thợ sao? Mẹ của ông không phải là bà Ma-ri-a; anh em của ông không phải là các ông Gia-cô-bê, Giô-xếp, Si-môn và Giu-đa sao? Và chị em của ông không phải đều là bà con lối xóm với chúng ta sao? Vậy bởi đâu ông ta được như thế? ” Và họ vấp ngã vì Người. Nhưng Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” Người không làm nhiều phép lạ tại đó, vì họ không tin.
II. SUY NIỆM
“NGƯỜI ĐƯỢC GỌI LÀ CON BÁC THỢ MỘC”
Mặc dù ngày hôm nay Phụng Vụ chỉ đặt bậc lễ nhớ tự do (Ad lib.), nhưng nhiều nơi trong Giáo hội Việt Nam vẫn cử hành kính trọng thể mừng “thánh Giuse thợ”, hay còn gọi là “thánh Giuse lao công”.
Tước hiệu “thánh Giuse lao công” do Giáo hội đặt thánh cả Giuse làm bổn mạng mọi thợ thuyền công giáo nhân ngày quốc tế lao động.
Bài Tin Mừng về lễ thánh Giuse lao công hôm nay, kể chuyện Chúa Giêsu về thăm quê hương, vào hội đường giảng một bài về khai mạc năm hồng ân thật hấp dẫn, làm cho mọi người trầm trồ thán phục, nhưng rồi vì thành kiến về nguồn gốc gia đình nhân loại của Người (nghèo khó và ít học) nên họ đã vấp ngã về Người.
Tuy nhiên, qua những nhận xét của người dân Nazareth mà chúng ta có được lịch sử chắc chắn về người cha nuôi của Chúa Giêsu chính là thánh cả Giuse. Nói đúng hơn, thánh cả Giu-se là người cha “pháp lý” của Chúa Giê-su trong sự kiện nhập thể, giáng sinh và thời thơ ấu của Chúa Giê-su.
1. Thánh Giuse, người cha pháp lý của Con Thiên Chúa nhập thể.
Thiết nghĩ, nhân ngày mừng kính thánh cả Giuse và qua những dữ kiện Tin Mừng, tưởng cũng nên tìm hiểu đôi nét về vai trò của thánh Giuse trong vai trò “cha pháp lý” của Con Thiên Chúa làm người:
Quan niệm Phương Đông, việc đặt tên cho con trẻ nói lên quyền pháp lý của một người cha hợp pháp, chịu trách nhiệm dưỡng dục và khai sinh cho con từ dân sự đến tôn giáo.
Xét theo Thánh Kinh và nòi giống lưu truyền trong nhân loại, Chúa Giê-su nhập thể “làm người”, Người cần có một gia phả trong gia đình nhân loại. Đồng thời, để lời các ngôn sứ được ứng nghiệm nguồn gốc vương đế thuộc dòng tộc Đa-vít, mà trong đó, chính thánh Giu-se là con cháu của vua Đa-vít. Xét theo tính pháp lý, Chúa Giê-su cần một sự hợp pháp trong việc khai sinh, mẹ Maria cần có một người chồng pháp lý về mặt dân sự, nếu không sẽ bị khai trừ khỏi đời sống tôn giáo lúc bấy giờ và bị người đời khinh miệt.
Lại nữa, Chúa Giê-su và mẹ Ma-ri-a cần một mái ấm và một nơi nương tựa, cần được bảo vệ và chăm sóc, nhất là trong thời kỳ thơ ấu của Chúa Giê-su.
Như vậy, vai trò của thánh Giu-se thật cao cả, dù chỉ là cha nuôi, nhưng thánh nhân đã chu toàn trách nhiệm dưỡng dục bảo vệ tính hợp pháp cho “bản tính nhân loại” của Chúa Giê-su, cũng như trở nên nơi nương tựa tuyệt vời cho mẹ Maria và Chúa Ngôi Hai.
2. Ngôn sứ bị rẻ rúng ở quê hương mình.
Tiếc thay, những người ở quê hương Chúa Giêsu trong cái nhìn đầy thành kiến, vì họ biết quá rõ nguồn gốc nhân loại của Người, là con một bác thợ mộc Giuse nghèo nàn ở Nazareth, học hành chỉ ở trường làng, nhất là trong thâm tâm họ, Đấng Kitô phải là con cái trong hoàng tộc, sống nơi thành phố hoa lệ và được học hành nơi các bậc thầy danh giá… Chính vì thế, khi thấy Chúa Giêsu nổi tiếng giảng dạy thì bắt đầu họ gièm pha chê bai.
Đây cũng là một thực trạng nơi mỗi quê hương chúng ta, chúng ta thường khinh miệt, yên trí và gièm pha những người con nơi quê hương chúng ta thành công trở về, vì trong chúng ta luôn bị cái tính thành kiến cha này, thầy nọ, soeur kia con ông này bà nọ không ra gì… Ngược lại, một vị nào đó từ nơi khác đến, dù xét về tài năng, về đạo đức, về giảng dạy đôi khi còn thua kém xa một người trong quê hương, thì chúng ta lại rất hồ hởi tung hô vì chúng ta không yên trí hay thành kiến gì về họ.
Nhưng đó là một thực trạng mà Chúa Giêsu từng trải qua, thì những người môn đệ của Người cũng thế, hãy biết vui vẻ chấp nhận. Là cha, là thầy, là dì, là giáo lý viên hay các cử nhân đại học… chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận và luyện tập đức khiêm tốn…
Lại nữa, “gần chùa kêu bụt bằng anh”, khi người Nazareth quá gần gũi nên đã sinh ra lơ là và coi thường. Chúng ta cũng thế, thích đi hành hương nơi này, cầu xin nơi nọ, nhưng ngay nơi giáo xứ mình, chúng ta lại bê trễ việc đến gặp Chúa trong các Thánh Lễ và Giờ Kinh…
Thiết nghĩ, khi được mặc khải làm cha nuôi của Đấng là Thiên Chúa, thánh Giuse có quyền đòi hỏi Thiên Chúa cho mình một vị thế đáng được trân trọng. Nhưng không, ngài khiêm tốn chiêm ngắm Chúa Giêsu trong thân phận con người nhỏ bé và ngài trung thành lao tác trong nghề nghiệp thợ mộc để nuôi dưỡng và bảo vệ Chúa Giêsu và mẹ Maria theo ý Thiên Chúa.
Lạy Chúa, khi chúng con chiêm ngưỡng tấm gương thánh cả Giuse, là một người công chính, một người gia trưởng mẫu mực và là một con người của niềm tin luôn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Xin cho chúng con cũng biết sống công chính thánh thiện trước mặt Chúa, tận tuỵ phục vụ tha nhân, và đặc biệt khi gặp khó khăn nguy khốn cũng biết chạy đến cùng thánh Giuse, để được ngài hướng dẫn và bầu cử cho trước mặt Chúa. Amen.
Hiền Lâm
Discussion about this post