Ngày 31 tháng 05
LỄ ĐỨC MẸ ĐI THĂM BÀ ELIZABETH
Lễ kính
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,39-56
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”
Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.
II. SUY NIỆM
“MẸ SỐNG ĐỂ PHỤC VỤ, MẸ ĐI ĐỂ TRAO GIÊSU”
Con Thiên Chúa, từ ngày truyền tin, lại còn là con Đức Maria. Hồng ân ấy, Đức Maria không giữ cho riêng mình, Người đã vội vã lên đường, đi thăm người bà con để chia sẻ cho nhau.
Biến cố gặp gỡ giữa Maria và Elisabeth đã làm nổi bật lên hai đặc trưng: Đức tin và sự trao ban – phục vụ.
1. Đặc trưng niềm tin
Với khoảng cách giữa Nazareth và Ain Carem (khoảng 100km) với liên lạc thời đó, tin tức về một phụ nữ mang thai ở cách xa nhau như thế, Maria chỉ biết được nhờ tin vào Lời Chúa qua miệng thiên sứ Gabriel mà thôi. Niềm tin của Đức Maria được khẳng định khi Mẹ thưa “xin vâng” một cách dứt khoát và điều này được chính bà Elisabeth đã thốt lên lời ca ngợi “phúc cho bà là kẻ đã tin…” (Lc 1,45).
Từng câu từng chữ trong lời ca tụng của bà Elisabeth đều mang đầy ý nghĩa, nhưng điều bà nói cuối cùng mới thực quan trọng: “Em thật có phúc, vì đã tin…” (Lc 1,49). Câu nói này có thể đặt cận kề với tước hiệu “đầy ơn phúc” trong lời chào của thần sứ.
Qua lời chào của thiên sứ Gabriel và lời tán dương của bà Elisabeth dành cho Đức Maria, cho thấy chân lý về Đức Maria hiện diện trong mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ vì Mẹ đã tin. Công đồng Vaticano II dạy: “Phải bày tỏ sự vâng phục của đức tin (Rm 16,26; 2Cr 10,5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải, nhờ đó con người hoàn toàn tự nguyện phó thác vào Thiên Chúa”. Cách diễn tả đức tin này đã được Đức Maria thực hiện nơi bản thân mình cách trọn vẹn. Giây phút quyết định là lúc truyền tin, và các lời của bà Elisabeth: “Em thật có phúc vì đã tin” được áp dụng vào giây phút chính xác đó . Với cả lý trí và ý chí, Đức Maria đã đáp lại tiếng Chúa bằng cả con người trọn vẹn đầy nhân tính và nữ tính, và lời đáp trả của đức tin này bao hàm một sự cộng tác hoàn hảo với hồng ân trợ lực của Thiên Chúa và một sự sẵn sàng trọn vẹn cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng dùng hồng ân của mình làm cho đức tin luôn hoàn hảo.
2. Đặc trưng đức ái (trao ban và phục vụ)
Việc Đức Maria vội vã ra đi đến Ain Carem khi vừa được báo tin là người chị họ trong lúc tuổi già đã mang thai được sáu tháng, được thôi thúc bởi ba động lực là để chia sẻ niềm vui, trao ban “ân sủng” và tinh thần đức ái: Đức Maria đến chia sẻ niềm vui kép đôi vì vừa được cưu mang Chúa Giêsu, vừa vui mừng cho bà Elisabeth được Thiên Chúa cất đi nỗi nhục son sẻ của bà; Đức Maria đến để đem Chúa Giêsu đến cho Gioan được nhảy mừng và bà Elisabeth được tràn đầy Chúa Thánh Thần; và Đức Maria đến để giúp đỡ bà Elisabeth trong thời kỳ thai nghén. Tất cả được gói gọn trong một động lực duy nhất là đức ái tuyệt hảo của Mẹ Con Thiên Chúa.
Niềm vui trước hết và trên hết mà Đức Maria muốn chia sẻ chính là niềm vui được Thiên Chúa cứu độ. Được cứu độ là niềm vui lớn nhất mà bao thế hệ đợi chờ, chính vì thế mà Đức Maria, người được cứu độ đầu tiên, tràn ngập niềm vui, vừa cất tiếng chào thì Gioan trong dạ bà Elisabeth cũng nhảy lên vui sướng vì ơn cứu độ đã đến. Đức Maria mang đến cho gia đình bà Elisabeth ân sủng của Thiên Chúa, vì Mẹ tràn ngập ân sủng, nên ân sủng đó trào tràn trên bà Elisabeth làm cho bà cất lớn tiếng và ca ngợi Mẹ Thiên Chúa.
Đức Maria mang trong mình Đấng là ân sủng và được bao quanh bằng ân sủng của Thánh Thần, Mẹ hiểu rõ bản chất của ân sủng không cho phép tích trữ và giữ lấy như của riêng, mà cần phải trao ban, ân sủng không dừng lại nơi Mẹ mà được tặng ban cho con cái loài người. Thật vậy, nếu ân sủng là để phân phát, thì người làm đầu chỉ có thể là để phục vụ (x. Mt 23, 11), và thế giới ân sủng còn là thế giới của tình thương.
Tình thương bao la và cao thượng vốn được xây dựng trên hy sinh và dâng hiến. Nơi đó, không chờ đợi để nhận lãnh hay để được phục vụ, mà là luôn tìm cách trao ban, chia sẻ và hiến tặng.
Tóm lại, qua biến cố Đức Maria thăm viếng bà Êlizabeth, Chúa muốn dạy chúng ta sống tinh thần của Mẹ Maria là sống trong ơn nghĩa của một tâm hồn đầy Chúa, cưu mang Chúa trong trái tim mình, để rồi mau mắn đem Chúa đến cho tha nhân. Đặc biệt cụ thể hoá việc làm chứng cho Chúa qua chính đời sống phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con niềm tin phó thác, để chúng con biết xin vâng như Mẹ Maria; xin cũng tăng thêm cho chúng con đức ái, để chúng con biết sống trao ban và phục vụ như Mẹ Maria. Nhờ đó, cùng với Mẹ Maria, chúng con xứng đáng là những người con thảo của Cha trên trời. Amen.
Hiền Lâm
Discussion about this post