Ngày 19 tháng 03
THÁNG GIUSE BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA
Lễ trọng
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 1,16.18-21.24a
Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy
II. SUY NIỆM.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 1,16.18-21.24a
Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo. Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.” Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy
II. SUY NIỆM.
Ở trong Thánh Kinh, tên gọi biểu thị con người. Chẳng hạn như, Evà: mẹ của chúng sinh; Abraham: cha của vô số dân tộc; Xarai: mẹ của các công chúa, vua chúa; Isaác: nó cười; Môsê: được đưa ra khỏi (nước) Gioan: ân huệ của Đức Chúa,…
Chia sẻ về thánh lễ mừng thánh Giuse hôm nay, trước hết chúng ta cũng cần biết một chút về ý nghĩa của danh gọi JOSEPH có nghĩa là gì?
Dựa trên sáu mẫu tự là tinh làm nên tên gọi JOSEPH, người ta nhận thấy sáu nhân đức nổi bật của ngài như sau:
Justitia (công chính),
Obœdientia (vâng lời),
Sapientia (khôn ngoan),
Experientia (kinh nghiệm),
Patientia (kiên nhẫn//trọn đời),
Humilitas (khiêm nhu).
Và người ta tổng kết 6 chữ này thành một câu thơ về 6 nhân đức của thánh Giuse:
Giuse công chính, vâng lời,
Khôn ngoan, kinh nghiệm, trọn đời, khiêm nhu.
Dựa theo các bài đọc Lời Chúa hôm nay soi sáng, chúng ta chỉ cùng chia sẻ với nhau về hai nhân đức đầu tiên thôi, đó là: CÔNG CHÍNH và VÂNG PHỤC
1. Thánh Giuse – Người Công Chính (Justitia).
Có nhiều định nghĩa về đức công chính dựa theo thái độ và hành vi của con người trước Thiên Chúa.
Trong gia phả, khi thánh ký Matthêu nối kết Giuse ở cuối gần với Đức Giêsu lên với Apraham ở đầu danh sách, chắc chắn đã liên tưởng sự công chính của Giuse với Ápraham: “ông Ápraham đã tin Ðức Chúa, và vì thế, Ðức Chúa kể ông là người công chính” (St 15,6). Như thế, có thể nói điểm nổi bật nói đức công chính của Giuse là đức tin. Giuse là người có đức tin ưu việt như Ápraham, tin theo tiếng gọi của Thiên Chúa và sẵn sàng thực hiện sứ vụ Thiên Chúa giao phó để cộng tác vào chương trình cứu độ của Người.
Trong thời Cựu Ước, xuất hiện một vĩ nhân có tên là Giu-se (con của tổ phụ Gia-cóp, bị bán qua Ai-cập), người được mệnh danh là “người công chính” khi từ chối thoả mãn xác thịt với bà vợ của một vị quan trong triều đình, và chấp nhận án oan rồi bị tống giam; rồi sau khi giải mộng cho vua Pha-ra-ô, Giu-se được cất nhắc lên chức tể tướng và quản lý lương thực của Ai-cập; để rồi khi dân đói đến kêu xin vua Pha-ra-ô thì vua bảo: “Hãy đến cùng Giu-se”.
Danh hiệu “người công chính” gán cho ông Giu-se thời Cựu Ước, nay được thánh ký Mát-thêu dành cho thánh cả Giu-se, và câu nói của vua Pha-ra-ô “hãy đến cùng Giu-se” xưa cũng được Người Công Giáo xưa nay dành cho thánh cả Giu-se, khi làm biểu ngự đặt dưới chân tượng thánh Giu-se: “Ite ad Joseph”.
Thế nhưng, trong sự kiện mà bài Tin Mừng hôm nay tường thuật, câu “Giu-se là người công chính” (Mt 1,19) phải hiểu như thế nào?
Có người vì đạo đức đã suy tư rằng, vì thánh Giu-se cảm thấy mình không xứng đáng với Đức Mẹ và Chúa Ngôi Hai nên đã tìm cách rút lui. Điều này có lẽ không thật chính xác, vì vậy cần đọc hết cả đoạn Tin Mừng để có cái nhìn toàn diện hơn.
Khi đọc tiếp phần Tin Mừng, sẽ thấy chuyện Giuse muốn dùng kế “đào vi” để “rút êm” khi chưa được thiên thần báo mộng cho biết bào thai từ lòng Đức Mẹ là do đâu. Cho đến khi được thiên thần giải thích: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần” (Mt 1,20). Khi biết được rõ ràng cái bào thai không do “tác giả” nào khác, mà là do quyền năng Chúa Thánh Thần, thánh Giuse đã đón Đức Mẹ về (không biết có làm đám cưới không nữa?).
Chuyện như thế, tại sao, thánh sử Mát-thêu lại gọi thánh Giu-se là người công chính? Tin Mừng giải thích rằng: “Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo” (Mt 1,19).
Để giải thích, chúng ta cần biết rằng, Tin Mừng nói rõ mẹ Maria đã thành hôn với ông Giu-se (x. Mt 1,18), dù chưa về chung sống, nhưng nếu Maria có thai với “ai khác” thì bị kết vào tội ngoại tình, mà theo luật Do-thái, tội ngoại tình sẽ bị đưa ra giữa thanh thiên bạch nhật và bị ném đá chết. Có lẽ đây là một dằn vặt lớn nhất cho thánh Giuse, bởi nếu tố cáo thì chắc chắn Maria sẽ bị ném đá chết. Thế rồi, Giu-se chọn cách rút êm, sẵn sàng nhận cho mình “án oan vô trách nhiệm” không thừa nhận đứa con và người vợ, chấp nhận chịu tiếng xấu của người đời, chứ không tố cáo vợ để Maria phải chịu tử hình ném đá. Khi tìm hiểu đến đây, chúng ta thấy phảng phất lại hình ảnh của Giuse-“người công chính” trong Cựu Ước đã chấp nhận án oan, chứ không tố cáo người khác. Đấy là cách mà thánh sử Mát-thêu khôn khéo so sánh.
Như vậy, biệt danh công chính của thánh cả Giu-se, bắt đầu từ việc chấp nhận phần thiệt cho mình để cứu người khác, dĩ nhiên cả cuộc đời của thánh cả Giu-se là một Đấng Công Chính rồi.
2. Thánh Giuse – Con người vâng phục (Obœdientia)
Khi đã được thiên thần giải thích, thánh Giuse đã mau mắn vâng phục thiên ý mà đón nhận sứ vụ để cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa đang thực hiện nơi Maria, nơi Thai Nhi và nơi chính mình. Trong Kinh Thánh, có 4 lần thuật lại việc sứ thần truyền cho một sứ mạng trong giấc mơ thì ngài liền trỗi dậy và làm theo: đó là thái độ vâng phục triệt để, một nhân đức đặc trưng của của thánh Giuse.
Nếu một lời xin vâng của Mẹ Maria mà Mẹ trở thành Mẹ của Con Thiên Chúa, thì cũng nhờ sự vâng phục tuyệt đối thánh ý Thiên Chúa mà thánh Giuse trở thành người cha pháp lý của Chúa Giê-su.
Quan niệm Phương Đông, việc đặt tên cho con trẻ nói lên quyền pháp lý của một người cha hợp pháp, chịu trách nhiệm dưỡng dục và khai sinh cho con từ dân sự đến tôn giáo.
Xét theo Thánh Kinh và nòi giống lưu truyền trong nhân loại, Chúa Giê-su nhập thể “làm người”, Người cần có một gia phả trong gia đình nhân loại. Đồng thời, để lời các ngôn sứ được ứng nghiệm nguồn gốc vương đế thuộc dòng tộc Đa-vít, mà trong đó, chính thánh Giu-se là con cháu của vua Đa-vít.
Đối với người Do-thái, vua thì phải xuất thân từ dòng tộc Đa-vít; tư tế thì phải mang nguồn gốc chi tộc Lê-vi (vì thế mà họ chưa bao giờ công nhận dòng họ Macabe, dù anh em nhà Macabe từng giải phóng giúp họ dành chủ quyền). Khi vâng phục nhận làm cha pháp lý của Chúa Giê-su, thánh Giu-se đã thỏa mãn điều kiện mà dân Do-thái mong chờ là Chúa Giê-su đến từ dòng tộc Đa-vít.
Xét theo tính pháp lý, Chúa Giê-su cần một sự hợp pháp trong việc khai sinh, mẹ Maria cần có một người chồng pháp lý về mặt dân sự, nếu không sẽ bị khai trừ khỏi đời sống tôn giáo lúc bấy giờ và bị người đời khinh miệt.
Lại nữa, Chúa Giê-su và mẹ Ma-ri-a cần một mái ấm và một nơi nương tựa, cần được bảo vệ và chăm sóc, nhất là trong thời kỳ thơ ấu của Chúa Giê-su.
Như vậy, qua đức vâng phục, vai trò của thánh Giu-se thật cao cả. Là một người cha pháp lý, thánh nhân đã chu toàn trách nhiệm dưỡng dục bảo vệ tính hợp pháp cho “bản tính nhân loại” của Chúa Giê-su, cũng như trở nên nơi nương tựa tuyệt vời cho Mẹ Maria và Chúa Ngôi Hai.
Cuối cùng, một điều rất đặc biệt của thánh Giuse mà có lẽ tác giả viết Tin Mừng cũng chào thua là không tìm được một lời nào của thánh Giuse, dù trong khi tường thuật về một cuộc truyền tin quan trọng như thế. Được thiên thần hiện ra tỏ tường giữa ban ngày mà Giacaria còn vặn hỏi, mẹ Maria còn đối đáp, còn thánh Giuse thì toàn bộ Thánh Kinh không tìm được lời nào của ngài. Điều này cho thấy, thánh Giuse là một con người của niềm tin và sự chiêm ngắm kết hiệp với Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc, thậm chí nhận ra cả ý Chúa trong giấc mơ. Ngài tin tưởng tuyệt đối vào ý định của Thiên Chúa, và từ đó tin tưởng người bạn đời là Đức Maria. Niềm tin thể hiện bằng hành động, khi ngài vui vẻ đón nhận mẹ Maria và tận tuỵ lo cho gia đình Thánh Gia được êm ấm. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post