Ngày 25 tháng 03
LỄ TRUYỀN TIN
Lễ trọng
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,26-38
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
II. SUY NIỆM
“XIN VÂNG”
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật về một cuộc đối thoại quan trọng nhất cho vận mạng loài người – cuộc đối thoại giữa Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel với cô thôn nữ làng Nazareth là Đức Maria.
Cuộc truyền tin này mang một ý nghĩa sống còn khi tạo vật nín thở chờ tiếng “xin vâng” của Đức Maria để Con Thiên Chúa nhập thể đi vào trần gian.
Nơi biến cố này, chúng ta có nhiều điểm đặc biệt để suy tư, như: “Nữ Tỳ Khiêm Hạ, Đấng Đầy Ơn Phúc, Đấng đầy Thánh Thần và đặc biệt là lời “Xin Vâng” của Đức Trinh Nữ.
Ở đây, chúng ta chỉ tập chú suy niệm về đức vâng phục của Mẹ qua lời “Xin Vâng”:
Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38).
Như thế, Mẹ đã ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.
Lời xin vâng – xác tín
Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ thụ thai”, mà Giuse không biết gì cả. Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (x. Đnl 22, 22- 23).
Lời xin vâng – phó thác
Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa .
Lời xin vâng – tự do
Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng trong sự “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do, Người được thiên sứ Gabriel giải thích ý nghĩa công trình của Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi con người của Mẹ. Thật vậy, ý định của Thiên Chúa luôn được thi hành và chương trình của Thiên Chúa luôn được thực hiện, nhưng không phải bằng cách cưỡng bách hay ép buộc. Khi chương trình Thiên Chúa liên can đến con người mà Thiên Chúa trang bị cho được tự do, thì có thể nói, chương trình ấy phần nào lệ thuộc vào sự cộng tác của con người. Nếu Thiên Chúa sử dụng con người như những “con tốt” trên bàn cờ hay như những vật vô tri trong vũ trụ, thì mọi sự sẽ diễn ra trong trật tự và ổn định, nhưng Thiên Chúa đã không muốn thế, vì như vậy sẽ tước đi sự tự do -điều quí giá nhất trong tình yêu- con người, làm cho sự đáp trả mất đi ý nghĩa và giá trị của nó. Cũng thế, Đức Maria, với cả “nhân vị” của mình, Người đã thưa tiếng “xin vâng” với sự cộng tác cao nhất, trong sự tự do và trách nhiệm, cùng với một tình yêu không mức độ.
Như vậy, qua lời “xin vâng”, Đức Maria để lại cho chúng ta một mẫu gương chói ngời về sự vâng phục và tín thác hoàn toàn trong tay Thiên Chúa, với cả ý thức tự do tận hiến cho Chúa. Mẹ trở thành một khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Mẹ đã qui về Thiên Chúa tất cả mọi đặc ân và vinh quang nhận được, khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn” và tất cả là do Thiên Chúa. Đặc biệt Mẹ đã can đảm thưa tiếng “xin vâng” để suốt cuộc đời âm thầm chấp nhận phó thác mình cho Thiên Chúa hầu cộng tác cứu độ loài người.
Lạy Mẹ Maria, xin mẹ cầu bầu cho chúng con luôn bước đi trong ân sủng, khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Đặc biệt, luôn phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa trong sự vâng phục thánh ý Người, để nên hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa hầu mưu ích cho các linh hồn. Amen
Hiền Lâm
GIẢNG LỄ TRUYỀN TIN
Lịch sử Phụng Vụ, ban đầu các ki-tô hữu chủ yếu chỉ mừng Mầu Nhiệm Phục Sinh. Sau đó dần dần với ý nghĩ không có ngày sinh thì cũng chẳng có ngày tử, và rồi bắt đầu việc mừng ngày Chúa Giáng Sinh. Ngày Chúa Giáng Sinh đã mượn ngày 25/12 mà thế giới ngoại giáo lúc bấy giờ mừng thần mặt trời, cùng với ý nghĩa Chúa Giê-su là Mặt Trời Công Chính và là Ánh Sáng thế gian. Tính ngược lên chín tháng, chúng ta có lễ Truyền Tin mà chúng ta kính hôm nay.
Có một thời gian người ta từng tranh cãi là Lễ Truyền Tin là lễ về Chúa hay là lễ về Đức Mẹ. Và cũng từng có hai trường phái thần học nhấn mạnh theo hai khía cạnh này. Những người nhấn mạnh hơn về phía Đức Mẹ thì nhấn mạnh đến mức cho rằng: Ba Ngôi Thiên Chúa nín thở chờ và muôn thụ tạo trên trời dưới đất cầu xin Mẹ nhận lời “Xin Vâng” (trích lời thánh M.G.Monfort). Trường phái còn lại thì cố bám sát hơn với các bản văn phụng vụ của Giáo Hội, tập chú suy tự về Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Ki-tô, mà trong đó, Mẹ Maria trở nên hiệp công cứu độ qua lời thưa “Xin Vâng”.
Trích lược một chút về sử tính để chúng ta có một cái nhìn bao quát hơn về ý nghĩa ngày Lễ Truyền Tin, chứ ở đây không có ý tranh luận gì về thần học, mà chỉ dựa trên các bài đọc Lời Chúa để cùng tìm bài học mà Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay thôi.
Các bài đọc lời Chúa cho ta thấy về việc tự hạ của Con Thiên Chúa, của Mẹ Maria và cũng mời gọi chúng ta cũng sống mầu nhiệm hủy thân (kénosis) qua sự khiêm tốn và xin vâng:
Bài đọc I, sách ngôn sứ Isaia nói tới một trong ba lời tiên báo về sự hạ thân nhập thể của Con Thiên Chúa nơi một Người Trinh Nữ sinh con.
Bài Đáp ca Tv 39 và Bài đọc II thư gửi tín hữu Do-thái đã nói đến việc con Thiên Chúa đến trần gian là một hành động tự hủy và vâng phục.
Và Bài Tin mừng theo thánh Luca đã tường thuật biến cố truyền tin, là sự ứng nghiệm các lời tiên báo về mầu nhiệm nhập thể. Và Thiên Chúa đã thực hiện công trình cứu độ nơi Chúa Giê-su, Đấng đã hạ thân đi vào lòng Trinh Mẫu Maria. Thiên Chúa cao sang tuyệt đối đã hủy thân trở nên một thụ tạo mong manh thấp hèn.
Tắt một lời, nét chung nhất mà chúng ta tìm thấy nơi Phụng Vụ Lời Chúa hôm nay, chính là sự KHIÊM TỐN vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
Khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7).
Khi được chọn làm Mẹ Thiên Chúa, mẹ Maria thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, tôi xin vâng…” (Lc 1,38).
Ôi ! Mọi của lễ và hiến tế chẳng có ý nghĩa gì, nếu không có sự vâng phục.
Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Đức Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat). Bởi vì Thiên Chúa có một đường lối hành động rất đặc biệt. Đó là “hạ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng và suy tôn những người khiêm hạ” (x. Lc 1,48-52; Gc 4,6). Ơn gọi của “người nữ tỳ Thiên Chúa” đối ứng cách kỳ diệu với hình ảnh “người tôi tớ Yavê” vốn được ngôn sứ Isaia phác hoạ cách đầy đủ trong Cựu Ước (x. Is 42,1-4; 49,1-6; 50,4-9; 52,13; 53,12). Nếu Đức Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Đức Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.
Đức Giêsu nhận mình là Đấng thiên sai khiêm tốn, và sự khiêm tốn là châm ngôn sống của Người. Người đã dạy về vẻ đẹp của sự khiêm tốn chân thật. Người mời gọi các môn đệ “Hãy học cùng Ta” không phải là các phép lạ, hay những chuyện phi thường tạo dựng thế giới, mà là học “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Đức Maria đã học được bài học đó từ trời, linh hồn của Mẹ đã hít thở sự khiêm tốn đó bởi Thánh Thần của Thiên Chúa. Thánh Bernard nói: “Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa bởi đức trinh khiết của Mẹ, nhưng bởi sự khiêm nhường Mẹ đã thụ thai Người”. Sự khiêm tốn của Đức Maria đã kéo Ngôi Lời Thiên Chúa từ bên hữu của Chúa Cha xuống với vực sâu hư vô của nhân loại mà cứu vớt nhân loại.
Dù vô tội, nhưng Đức Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1,38).
Có thể nói được rằng: Chúa Giê-su Ki-tô cứu chuộc con người bằng con đường KHIÊM TỐN vâng phục, và mẹ Maria hiệp công cứu chuộc với Chúa Giê-su cũng bằng sự khiêm hạ xin vâng.
Có thể loại suy như sau: Khi nguyên tổ chưa phạm tội, giữa con người và Thiên Chúa như có một con đường nối liền với nhau. Thánh Kinh cho thấy chiều chiều trong cơn gió hiu hiu thổi, Thiên Chúa đến đến thăm và trò chuyện với con người nơi vườn địa đàng (x. St 3,8). Và rồi tội nguyên tổ như một quả bom nguyên tử được làm bằng thuốc nổ KIÊU NGẠO (vì ma quỷ là tổ của kiêu ngạo, và nó phạm tội vì kiêu ngạo mà bị đuổi khỏi thiên quốc. Thánh Gioan gọi nó là cha đẻ của kiêu ngạo và dối trá) đã rơi xuống nổ tung cắt đứt con đường nối liền Thiên Quốc và Địa Đàng, tạo nên một hố sâu vực thẳm và con người không thể đến với Thiên Chúa được nữa.
Bởi khiêm tốn tự hủy và vâng phục mà Chúa Giê-su đến, Người bắc cây câu cầu thập giá làm bằng gỗ KIHIÊM TỐN, bắc qua cái hố sâu vực thẳm nguyên tội ấy, và từ đây con người đến được với Thiên Chúa qua cây cầu thập giá là con đường duy nhất. Và cũng qua thập giá mà Thiên Chúa đến với nhân loại.
Như vậy: Nhờ khiêm hạ mà Mẹ Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa và cũng nhờ khiêm tốn vâng theo thánh ý Chúa Cha mà Chúa Giê-su trở nên Đấng Cứu Độ, như trong thư Philip 2,6-11 thánh Phao-lô đã diễn tả như một đường Parabol: Chúa Giê-su Ki-tô từ đỉnh cao tuyệt đối nơi Thiên Chúa đã hủy thân đến tận cùng và rồi được tôn vinh lên tới đỉnh tuyệt đối toàn năng. Thánh Biển Đức cũng dạy các Đan sĩ: “Tự cao là đi xuống, tự hạ là đi lên”.
Mừng lễ Truyền Tin, chúng ta được mời gọi sống mầu nhiệm Nhập Thể khi biết noi theo Chúa Giê-su và Mẹ Maria, sống khiêm tốn và vâng phục thánh ý Chúa. Đó là của lễ đẹp lòng Chúa nhất. Bởi vì: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài”. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post