SUY TƯ THẦN HỌC: THẬP GIÁ ƠN CỨU ĐỘ
Vác thánh giá theo chân Chúa, đóng đinh tính xác thịt vào thánh giá Chúa, hay sống tự hủy được coi là cách diễn tả nổi bật của các tác giả Thánh Kinh Tân Ước: Theo các Tin Mừng Nhất Lãm, Tin Mừng Gio-an và thư gửi giáo đoàn Phi-lip của thánh Phao-lô.
1. Theo các Tin Mừng Nhất Lãm (hàng ngang – trục hoành).
Các Tin Mừng có một điểm chung khi tường thuật Cha Giê-su tiên báo ba lần về cuộc thương khó: Chúa Giê-su dẫn đầu các môn đệ lên Giê-ru-sa-lem để chịu thương khó, và đặc biệt với lời kêu gọi: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24-28).
Lựa chọn con đường thập giá là mạo hiểm tất cả. Đó là mở lòng mình ra với sự đau khổ, thất vọng và phản bội. Nhưng đó cũng là trải nghiệm một tình yêu sâu sắc hơn và bền bỉ hơn bất kỳ mối quan hệ trần thế nào. Đó là khám phá ra một mục đích mang lại ý nghĩa và định hướng cho cuộc sống.
Trong khi tín đồ Hồi Giáo tin Đấng Ala có khả năng cất đi đau khổ, và các phật tử (Đại Thừa) tin Đức Phật có khả năng diệt khổ; còn Ki-tô Giáo nhìn lên Đức Ki-tô chị đóng đanh, là đón nhận đau khổ và đối diện với nó để từ đó đưa đến sự giải thoát. Thật ra, nói cất đi đau khổ hay diệt khổ là không thể, bởi khổ là bản chất của phận người, chỉ có dám đối diện với đau khổ và qua đau khổ mới vào vinh quang. Khi Chúa Giê-su kêu gọi chúng ta vác thập giá, Người không mời chúng ta tìm kiếm đau khổ. Thay vào đó, Người đang chuẩn bị cho chúng ta đối mặt với những thách thức và thử thách không thể tránh khỏi mà cuộc sống sẽ mang lại. Chính trong những khoảnh khắc này, khi chúng ta cảm thấy cô đơn và choáng ngợp nhất, chúng ta thực sự khám phá ra chiều sâu tình yêu của Chúa.
Thập giá là lời nhắc nhở rằng chúng ta không đơn độc trong cuộc đấu tranh của mình. Chúa Giê-su đã đi trên con đường này trước chúng ta, mang trên mình gánh nặng tội lỗi của thế giới. Người hiểu nỗi đau, nỗi sợ hãi và sự yếu đuối của chúng ta. Trong đau khổ của Người, chúng ta tìm thấy sức mạnh và sự an ủi. Vác thập giá của mình là chấp nhận sự yếu đuối. Đó là thừa nhận những hạn chế của mình và dựa vào ân sủng của Chúa. Đó là từ bỏ lòng kiêu hãnh và sự kiểm soát, và tin tưởng vào kế hoạch hoàn hảo của Người. Đó là một hành trình đòi hỏi lòng can đảm, đức tin và sự kiên trì. Bởi lẽ, ngay cả trong những thời điểm đen tối nhất, Chúa vẫn ở bên chúng ta và tình yêu của Người không bao giờ thất bại.
Tóm lại, lời mời gọi của Chúa Giê-su theo các Tin Mừng Nhất Lãm, là chúng ta vác thập giá theo Người, cùng vác với Người, để biến thập giá thành Thánh Giá và mục đích cuối cùng là cùng Người chiến thắng vinh quang.
2. Theo Tin Mừng Gio-an (hàng dọc – trục tung).
Khác với Tin Mừng Nhất Lãm, Tin Mừng thứ IV đòi hỏi một cách quyết liệt hơn, không những chỉ vác thập giá, mà còn phải bị treo lên, phải được giương cao lên, nghĩa là phải đóng đinh mình vào thánh giá Chúa.
Có thể nói, ba lần Chúa Giê-su nói “bị giương cao lên”, hay bị “treo lên”, là ba lần tiên báo thương khó theo cách nói của Gio-an, khác với Nhất Lãm (x. Ga 3,14; 8,28; 12,32). Ba lần Chúa Giê-su nói “giương cao Con Người lên…” tính quyết liệt tăng lên một cấp độ mới.
– Lần 1: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy” (Ga 3,14). Điều này cho thấy, khi Chúa Giê-su được treo lên, thì Người đã làm ứng nghiệm những gì được tiên báo về Người. Cũng vậy, người đi theo Chúa phải được treo lên, lúc đó mới làm ứng nghiệm điều Chúa dạy.
Lần 2: “Khi các ông giương cao Con Người lên, bấy giờ các ông sẽ biết là Tôi Hằng Hữu” (Ga 8,28). Tôi hằng hữu, Ta là Ta, Ta Có (chỉ có Chúa Giê-su mới lặp lại điều này như Đức Chúa nói với Mô-sê trong sách Xuất Hành 3,14)… Nghĩa là khi Chúa Giê-su được treo lên, Người mới thật là Đức Chúa. Cũng thế, người theo Chúa khi và chỉ khi được “treo lên”, thì mới thật là Ki-tô hữu. Tu sĩ mới là tu sĩ, tôi mới là tôi…
Lần 3: “Phần tôi, một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12,32). Chúa Giê-su chấp nhận bị treo lên thì Người mới kéo được mọi người lên với Người. Cũng vậy, chúng ta không thể kéo được mọi người lên nếu chúng ta chưa chấp nhận “treo lên”. Truyền giáo không gắn liền với thập giá, thì đừng mong cứu được ai.
Như vậy, theo cách diễn tả của Gio-an, theo Chúa cần phải đóng đinh chính mình vào thập giá Chúa, phải chấp nhận sự treo lên: chấp nhận bị treo lên mới giống Chúa, treo lên mới là chính mình với bản chất Ki-tô hữu và ơn gọi của mình, và có chấp nhận treo lên mới lôi kéo được người khác đến với Chúa.
3. Theo thánh Phao-lô (Parabol).
Thánh Phao-lô trong thư Phi-líp chương 2,6-11, viết:
6Đức Giê-su Ki-tô
vốn dĩ là Thiên Chúa
mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì
địa vị ngang hàng với Thiên Chúa,
7nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ,
trở nên giống phàm nhân
sống như người trần thế.
8 Người lại còn hạ mình,
vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết,
chết trên cây thập tự.
9 Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người
và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
10 Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su,
cả trên trời dưới đất
và trong nơi âm phủ,
muôn vật phải bái quỳ;
11 và để tôn vinh Thiên Chúa Cha,
mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng:
“Đức Giê-su Ki-tô là Chúa”.
Ki-tô học theo thánh Phao-lô trình bày như một đường Parapol, đi từ đỉnh điểm là Thiên Chúa nhưng Người đã hủy mình ra không (Kenosis) và đến nơi tận cùng là cái chết (câu 8, ở số 0), và từ đó từng bước đi lên đến tột đỉnh vinh quang là Thiên Chúa. Qua biến cố tự hạ, Con Thiên Chúa đã đi đến tận cùng của kiếp nhân sinh để cùng chung chia những vui buồn của kiếp người.
Vì tự bản chất, con người chỉ là thụ tạo, chỉ là hư vô, mà Con Thiên Chúa đã chấp nhận mang lấy kiếp người. Người đã tự hạ mình để nâng con người lên “thần hóa con người”. Và khi tự hạ, Đức Giêsu cũng chấp nhận mang nơi mình sự hư vô đó, để chia sẻ với chúng ta sự thấp hèn, đau khổ phát sinh tự bản tính hư vô ấy để trở nên nguồn ơn Cứu Độ cho nhân loại.
Người theo Chúa cũng từng bước khiêm tốn, vâng phục, tự hạ, hủy mình ra không (kénosis) và từ đó cùng với Đức Ki-tô từng bước đạt đến chiến thắng vinh quang.
4. Từ thập giá đến vinh quang (cây cầu nối nhân loại với thiên giới).
Có thể nói, toàn bộ các bản văn Tân Ước chứng minh chân lý “muốn đạt tới vinh quang phải kinh qua thập giá”. Chân lý này không chỉ đúng với nghĩa tôn giáo mà còn là đúng với mọi lãnh vực trong cuộc sống: Chẳng có thành công nào mà không qua khổ luyện, chẳng có chiến thắng nào mà không qua chiến đấu, chẳng có đỗ đạt nào mà không qua dùi mài kinh sử…
Khi tội lỗi chưa xâm nhập thế gian, giữa thiên quốc và địa đàng như một con đường và Đức Chúa đến đàm đạo với A-đam lúc chiều gió hiu hiu thổi (x. St 3,8). Tội nguyên tổ giống như một quả bom nguyên tử làm bằng chất nổ “kiêu ngạo” rơi xuống cắt đứt con đường nối nhân loại với Thiên Chúa, tạo nên một hố sâu ngăn cách đôi bên. Khi Đức Giê-su đến, Người đã bắc qua cái hố sâu (do tội lỗi gây ra) ấy một cây cầu thập giá làm bằng gỗ “khiêm tốn”. Từ đây ai muốn từ hạ giới đến với thiên quốc đều phải bước đi trên “cây cầu thập giá” này; cây cầu thập giá cũng là cầu nối để Thiên Chúa đến với nhân loại.
Tuy nhiên, cây cầu chứ không phải là mặt đất bằng phẳng, nên ít nhất xảy ra ba trường hợp:
1) Người đã quá quen với cuộc sống thế gian, lười, cố tình sống trong tội, họ không chịu bước đi qua cầu thập giá. Những người này không được cứu độ, không phải vì Chúa phạt họ, mà vì họ không chịu đi, không chịu hoán cải, thì Chúa cũng chịu không thể cứu vì sự tự do họ chọn.
2) Người chấp nhận bước đi, nhưng trên cầu vẫn bị lôi cuốn với đam mê hoa thơm cỏ lạ bên đường, nên vẫn có thể rơi xuống, nhưng điều quan trọng là dù có yếu đuối ngã xuống mà biết đứng lên tiếp tục hành trình thì họ vẫn đạt tới đích. Có lẽ đây là trường hợp rất nhiều trong chúng ta.
3) Những người can đảm bước đi trên đường thập giá, luôn hướng nhìn về phía trước, tiến thẳng về quê trời mà không mảy may bị đam mê tội lỗi cản bước. đó là những bậc thánh nhân.
Thần học còn chứng minh: qua thập giá còn đưa địa vị con người lên một vị trí cao hơn, thay vì phục hồi trở lại tình trạng nguyên thủy, mà còn trở thành Nghĩa Tử của Thiên Chúa (x. “tội hồng phúc”).
Tóm lại, muốn được cứu độ, muốn đạt đến chiến thắng cuối cùng, muốn về thiên quốc… không thể có con đường nào khác ngoài con đường thánh giá Chúa Giê-su Ki-tô.
Lm. Pet. Nguyễn Hữu Đào (Hiền Lâm)
Discussion about this post