Nói với người trẻ về ƠN GỌI THÁNH HIẾN
Thời gian gần đây bên nhà Phật xuất hiện thầy Thích Minh Tuệ đầu trần, chân đất, y vải chắp vá và tay mang ruột nồi cơm điện thay bình bát, rong ruổi khắp các tỉnh thành Việt Nam. Hiện tượng của thầy Thích Minh Tuệ như một cuộc cách mạng đánh vào lối sống có thể nói đã xuống cấp trầm trọng về Phật Pháp của không ít những “thầy tu” Phật Giáo. Đồng thời thầy Thích Minh Tuệ cũng làm cho nhiều Phật tử khắp nơi tỉnh ngộ về những lầm lẫn do những “thượng tọa – đại đức” đã mê hoặc họ bấy lâu nay. Cách sống của thầy Thích Minh Tuệ trở thành một chứng từ sống động giác ngộ Phật tử hơn ngàn bài thuyết pháp.
Qua mạng xã hội, giới trẻ Công Giáo cũng biết nhiều về thầy Thích Minh Tuệ: sự hâm mộ của các Phật tử dành cho thầy, cũng như những vạch trần lối sống giả dối, xa hoa, tham tiền của những sư được mệnh danh là “Thích Chuyển Khoản, Thích Cúng Dường, Thích Đủ Thứ…” vô hình chung đặt ra cho các bạn trẻ Công Giáo ưu tư thao thức về những ai sống đời thánh hiến mà giới trẻ coi họ như “idol” để họ noi gương, cách riêng đối với những bạn trẻ đang muốn dấn thân bước theo ơn gọi tu trì.
Có một bạn Thiếu Nhi Thánh Thể từng hỏi tôi: “Liệu trong đạo chúng ta có những cha – thầy – sơ sống kiểu như mấy ông sư ‘Thích kiểu đó’ không? Liệu có vị nào dám từ bỏ như sư Thích Minh Tuệ không?” Câu trả lời không phải là “có” hoặc “không”, mà là “không vơ đũa cả nắm, cào bằng ai cũng như ai”, nhưng là phận người thì có người này người kia. Điều quan trọng là hiểu biết về con đường mình chọn cùng với cái tâm dấn thân của mình. Hiểu Đời Sống Thánh Hiến là gì, và mình chọn Đời Sống Thánh Hiến với mục đích gì?
1. Đời sống thánh hiến là gì?
Toát Yếu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo minh định: “Đời Sống Thánh Hiếnlà lời tự nguyện đáp trả tiếng gọi đặc biệt của Ðức Kitô, qua đó những người được thánh hiến hoàn toàn tự hiến cho Thiên Chúa và hướng tới sự hoàn hảo của đức ái dưới tác động của Chúa Thánh Thần” (số 192). “Ðời sống thánh hiến dự phần vào sứ vụ của Hội thánh, bằng việc tự hiến trọn vẹn cho Ðức Kitô và các anh em của Người, khi làm chứng cho niềm hy vọng về Nước Trời” (số 193).
Đời Sống Thánh Hiến không phải là mục đích nhắm tới để được chức cao vọng trọng, hay được làm cha này sơ nọ; Đời Sống Thánh Hiến cũng không phải như một nghề nghiệp để vụ lợi, nhưng là một lý tưởng dấn thân theo một linh đạo để phục vụ và là một con đường để nên thánh.
Liệu có những vị này vị kia sống phản chứng ư? Có thể, bởi có thể họ đã nhắm sai mục đích từ đầu, hoặc do phận người yếu đuối… nhưng không là tất cả để chúng ta bi quan. Lại nữa, liệu có nên có một vị như thầy Thích Minh Tuệ bên Phật giáo không? Không nhất thiết như thế, dù chúng ta vẫn có những vị như Phanxico Assisi hay Têrêsa Calcutta… vì mỗi người được Thiên Chúa tạo dựng một cách huyền nhiệm và độc đáo, không ai giống ai cả về thể xác lẫn tâm hồn, tính tình cũng như tài năng:“Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Chúa Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Eph 1, 11- 12). Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. Và, “Mỗi người tùy theo ơn Chúa ban mà phục vụ kẻ khác, như những người quản lý trung tín giữ mọi ân sủng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10).
Trong Tông huấn Vita Consecrata, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã viết: “Đời sống thánh hiến, bén rễ sâu trong gương sống và giáo huấn của Chúa Ki-tô, là một ân huệ Thiên Chúa Cha ban cho Giáo Hội Người qua trung gian của Thánh Thần. Nhờ việc tuyên giữ các lời khuyên Tin Mừng, các nét đặc trưng của Đức Giê-su – khiết tịnh, nghèo khó và vâng phục – trở thành hữu hình giữa lòng thế giới như một gương mẫu thường hằng, và các tín hữu được mời gọi hướng nhìn về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã tác động trong lịch sử, nhưng còn đang chờ đạt tới viên mãn ở trên trời.”
Một vị như Thích Minh Tuệ bên Phật giáo tìm kiếm được sự bình an và hoan lạc trong lối sống thanh bần buông bỏ, thì liệu người Sống Đời Thánh Hiến cần một cái tâm hoan lạc hay không? Xin thưa, rất cần. Thế nhưng, vẫn không đủ. Người Sống Đời Thánh Hiến sẽ không bao giờ có được một tâm hoan lạc đúng nghĩa khi không kết hợp với Chúa Giêsu. Cho nên, Đời Sống Thánh Hiến chính là việc bước theo Đức Kitô để tự hiến cho Thiên Chúa với một trái tim không phân chia. Điều này mới làm nên ý nghĩa đích thực của Đời Sống Thánh Hiến. Cần phân biệt rõ, tu nhà Phật là tự sức mình tìm giải thoát, trong khi tu Ki-tô giáo là kết hợp với Chúa Giê-su, nhờ ơn Chúa cùng với sự nỗ lực dấn thân của mình.
2. Mục đích của đời sống thánh hiến là nên thánh.
Trở lại với thao thức của bạn trẻ, chúng ta cần phân định mục đích của việc chọn lựa bước theo ơn gọi Sống Đời Thánh Hiến, để tránh đi những ngộ nhận tìm kiếm quyền lực, danh vọng hay nghề nghiệp, mà ít nhiều trong chúng ta đã từng nghĩ như thế, hoặc ít nhiều sự độc miệng đánh giá của những người không thiện cảm với thiểu số thành phần sai phạm trong đời tu.
Về vấn đề nên thánh đối với người trẻ, chúng ta có một bài chia sẻ rất hay của Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Văn Thiên đăng trên Website HĐGMVN ngày 19/04/2020, khi ngài nói người trẻ được mời gọi thực hiện ba điều sau để tiến thân trong hành trình nên thánh: Học – sống – làm chứng (Học giáo lý, sống đạo và nỗ lực làm chứng cho Chúa). Ở đây chúng ta sơ lược một vài nét liên quan đến mục đích của người chọn Đời Sống Thánh Hiến là nên thánh mà thôi.
Phải, mục đích trên hết mọi mục đích của Đời Sống Thánh Hiến chính là nên thánh, mà không chỉ Đời Sống Thánh Hiến mà thôi, nhưng là ơn gọi chung của mọi Ki-tô hữu. Nên thánh vì Đấng mà Ki-tô hữu tin, yêu và trông cậy là Đấng Thánh; cách riêng Đấng mà những ai Sống Đời Thánh Hiến đã chọn làm “Tình Quân” hay “Hôn Phu” của họ là Đấng Thánh.
Nên thánh không phải là chuyện độc quyền. Nghĩa là ai cũng có thể nên thánh và được mời gọi nên thánh giữa đời. Đối với Đức Thánh Cha Phanxico, nên thánh rất đơn giản với hai chỉ dẫn cụ thể: Không nói hành nói xấu và chu toàn bổn phận mình. Công đồng Vaticanô II cũng đã khẳng định mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình và có nhiều con đường để nên trọn lành (x. LG 11, 42); nhưng cách riêng, người Sống Đời Thánh Hiến được tách riêng ra khỏi những gì là phàm tục để trở nên gần với Đấng Thánh, như Chúa Giê-su ước mong: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con” (Ga 17,24).Tắt một lời, khi tu sĩ càng dấn thân sâu vào mối tương quan với Thiên Chúa, đời sống của họ càng trở nên thánh thiện hơn.
Tông huấn “Đức Kitô đang sống” (của Đức Thánh Cha Phanxico) số 249, nói rằng: “Khi người trẻ sẵn sàng đáp lại tiếng Chúa gọi cũng chính là lúc họ sẵn sàng mở ra một mối tương quan với Đức Giêsu và sẵn sàng bước vào một tiến trình đào luyện chính mình cho phù hợp với mối tương quan ấy”. Đức Thánh Cha gọi đây là con đường nên thánh, nên thánh trong ý thức nỗ lực hoàn thiện mình. Tất nhiên, trên con đường này, người trẻ cần đến ơn Chúa và sự mạo hiểm của bản thân, bất chấp mọi rủi ro. Vì biết rằng con đường nên thánh của người trẻ không dễ dàng, họ luôn cần ơn Chúa và những nỗ lực không ngừng của bản thân, nên Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ hãy đan kết cuộc đời mình với cuộc đời của Đức Giêsu bằng con đường phục vụ. Nhờ việc phục vụ tha nhân, người trẻ đem lại niềm vui Tin Mừng đến cho những người họ có dịp gặp gỡ. Qua những công việc mà người trẻ dấn thân phục vụ, họ có dịp thể hiện hình ảnh của Đức Giêsu trong cung cách phục vụ, trong sự nhiệt huyết chu toàn trách nhiệm và trong sự xả thân giúp đỡ người khác.
Sống giữa thế giới ồn ào, người trẻ biết lắng nghe tiếng nói nội tâm, nghe những nhịp đập của trái tim để biết mình đang yêu thương hay thù hận? Nghe tiếng gọi sâu thẳm từ bên trong để nhận ra và phân biệt giữa tiếng Chúa hay lời mời gọi của thế gian? Nghe những khuynh hướng chiều theo hay khước từ? Tất cả cần đến ơn soi dẫn của Thần Khí Chúa và một lương tâm lành mạnh để phân định đúng đắn. Lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe con người (những người khôn ngoan) và lắng nghe chính thực tại quanh mình (những dấu chỉ của thời đại).
Tóm lại:
Trước ngưỡng cửa vào đời bao bỡ ngỡ
Giữa thế giới đầy cám dỗ bon chen
Đời thánh hiến, mời gọi: can đảm lên!
Sự dấn thân với Ơn Trời sẽ thắng…
Lời Chúa Giê-su nhiều lần khích lệ các bạn trong Tin Mừng: “Đừng sợ!” Phải, không có gì phải hoang mang hay lo sợ, dù thực trạng đời tu có phần đáng báo động, dù con số tu sĩ trên toàn thế giới đang giảm mạnh. Thay vì tiêu cực khi nhìn về tương lai, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn nhắc các tu sĩ sống vui đời hiện tại. Dù trong hoàn cảnh nào, Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt chờ đợi chúng ta. Vì thế, chúng ta cần can đảm đối diện và tái khám phá ý nghĩa cũng như chất lượng của Đời Sống Thánh Hiến.
Hiền Lâm
NÓI VỚI NGƯỜI TRẺ ƠN GỌI NÊN THÁNH,
NÊN THÁNH LÀ ĐIỀU CÓ THỂ
Thời Trung Cổ trở về trước, người ta quan niệm rằng: Ngăn cách về trời tựa như một con sông lớn mênh mông, mà các giáo sĩ thì như những người đi trên cầu chắc chắn; các tu sĩ thì như những người vượt sông bằng thuyền cũng khá là an toàn dù ít nhiều bị sóng cuốn, trăm người may ra mất một; còn giáo dân thì như những người bơi lội lóp ngóp dưới sông, cheo leo lắm, mười người thì mất bảy mất tám… Nói như thể chỉ “con nhà Đức Chúa Trời” – các đấng các bậc và những ai đi tu thì mới được làm thánh, chứ giáo dân và “quân bên đời” thì khó lòng lắm mới được cứu. Tư tưởng này bây giờ tuy đã được loại bỏ, nhưng vẫn ít nhiều ảnh hưởng nơi chúng ta, như lần nọ có ông nói với tôi: “Chỉ có các cha các thầy các sơ đi tu mới thánh thiện, cứ như chúng con thì chỉ mong không mất linh hồn, chịu đền tội nơi luyện ngục chờ đợi là may lắm rồi”.
Không đâu, nên thánh thì đâu độc quyền của riêng ai, và cũng đâu phải phân cấp giáo sĩ giáo dân và “giáo nào…” mới làm thánh được? Nên thánh không phải là đặc ân dành cho một số người, nhưng nên thánh thuộc về ơn gọi Kitô hữu (x. Ep 1,4). Nên thánh không phải là một nỗ lực của con người nhưng là do sức hút của Thiên Chúa thánh thiện. Đóng góp của con người chỉ là để cho mình được Chúa cuốn hút vào thế giới thần linh của Ngài mà không cưỡng lại.
Chúng ta còn nhớ, tháng 8-2001 thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II đã phong Chân Phước cho cặp vợ chồng Luigi và Maria Beltrame Quattrocchi; hay ngày 18-10-2015 thì Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho hai ông bà cố của thánh Têrêsa Lisieux là Louis Martin và bà Zélie Guérin. Như thế, đâu phải cha linh hướng của thánh Têrêsa (giáo sĩ) được phong thánh, soeur bề trên của thánh Têrêsa (tu sĩ) được phong thánh, mà là ông bà cố thánh Têrêsa (giáo dân) sống bậc vợ chồng được phong thánh.
Đặc biệt thần đồng Internet là Carlo Acutis 15 tuổi, được phong chân phước ngày 10-10-2020 và sắp tới đây được phong hiển thánh như lời Đức Thánh Cha Phanxicô nói với Bộ Phong Thánh hôm 23-4-2024. Như thể thì đâu chỉ thánh là phải tu kín, giữ nhiệm nhặt, đổ máu tử đạo, suốt ngày phải chắp tay cao hơn lỗ mũi để cầu kinh… mà là lướt lướt mạng như Acutis cũng có thể làm thánh mà! Đâu phải đi tu mới làm thánh, mà bậc nào cũng có thể nên thánh và đâu phải phải ở trong dòng tu mà sống giữa đời cũng nên thánh được. Bởi vì, mỗi người được Thiên Chúa tạo dựng một cách huyền nhiệm và độc đáo, không ai giống ai cả về thể xác lẫn tâm hồn, tính tình cũng như tài năng: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Chúa Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1, 11- 12). Bởi đó, không có ơn gọi nào giống ơn gọi nào. Mỗi người là tác phẩm độc nhất vô nhị của Thiên Chúa. Và, “Mỗi người tùy theo ơn Chúa ban mà phục vụ kẻ khác, như những người quản lý trung tín giữ mọi ân sủng của Thiên Chúa” (1 Pr 4,10). Ơn gọi là lời mời để sống trong tình yêu với Thiên Chúa dù người đó sống bậc hôn nhân hay tu trì thánh hiến. Tài liệu đúc kết của Công đồng Vatican II đã cho thấy ơn gọi nên thánh là ơn gọi phổ quát, bởi “Mọi Kitô hữu đều được kêu gọi nên thánh trong bậc sống của mình…” (x. LG 11, 42).
Có những vị thánh nổi tiếng, nhưng cũng không thiếu những vị thánh bình thường, vô danh. Đường lối nên thánh cũng không phải chỉ có một con đường độc điệu, mà là nhiều con đường khác nhau… Câu nói của thánh Augustino: “Ông này bà nọ hay anh ấy chị kia làm thánh được thì tôi cũng làm thánh được”. Vâng, các thánh không là ai xa lạ, mà là tất cả những ai minh nhiên hay mặc nhiên đón nhận ơn Cứu Độ của Chúa Giêsu Kitô. Họ là những tiền nhân, trong đó có ông bà cha mẹ anh chị em chúng ta đã ra đi trước chúng ta. Họ đã từng sống kiếp người như chúng ta trong từng thân phận, hoàn cảnh, địa vị… Từ vua quan đến nô lệ, từ hoàng tước đến bần cố nông, từ ông chủ xí nghiệp đến công nhân thợ thuyền; từ học sinh đến nhà giáo; từ giáo hoàng đến tín hữu, từ tu sĩ đến bậc sống gia đình, từ đồng trinh đến goá phụ… tất cả đã nên thánh ngay trong chính kiếp người và bậc sống của mình, biến những sự bình thường thành phi thường, thánh hoá đời sống thường nhật thành cuộc sống thiên thần qua các mối phúc (được gọi là “Hiến Chương Nước Trời”) mà Chúa Giêsu dạy.
Chúng ta ngưỡng mộ tài cao đức rộng, cuộc sống phi thường của các thánh hẳn không sai, nhưng không phải là tuyệt đối đúng, vì thực tế, trong số các thánh, nhiều đấng cũng không hơn gì chúng ta. Có khi các ngài cũng là nhưng người tội lỗi một thời như Maria Mađalêna, Phêrô, người trộm lành, Phaolô, Augustinô… Điều đáng nói ở đây chính là: các ngài thuộc những người đã trải qua kinh nghiệm về yếu đuối, sa ngã và tội lỗi, nhưng các ngài đã sám hối, ăn năm, canh tân đời sống theo ánh sáng Tin Mừng của Đức Giêsu Kitô. Các ngài có thể là những người 99 lần ngã, nhưng lần thứ 100 thì đứng dạy và đứng luôn trong ân sủng.
Đức Thánh Cha Phanxico trong tông huấn “Đức Ki-tô đang sống” đã liệt kê ra một tiến trình và là lời mời gọi người trẻ nên thánh, bao gồm: Mời gọi làm vinh danh Thiên Chúa, kết bạn với Chúa Giêsu và trở nên nhân chứng cho Chúa Giêsu.
Làm vinh danh Thiên Chúa là nên thánh trong ý thức nỗ lực hoàn thiện mình. Ý thức trở nên giống Chúa từng ngày trong những nỗ lực của bản thân là người trẻ làm vinh danh Chúa. Tất nhiên, trên con đường này, người trẻ cần đến ơn Chúa và sự mạo hiểm của bản thân. Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ hãy đan kết cuộc đời mình với cuộc đời của Đức Giêsu bằng con đường phục vụ. Nhờ việc phục vụ tha nhân, người trẻ đem lại niềm vui Tin Mừng đến cho những người họ có dịp gặp gỡ. Qua những công việc mà người trẻ dấn thân phục vụ, họ có dịp thể hiện hình ảnh của Đức Giêsu trong cung cách phục vụ, trong sự nhiệt huyết chu toàn trách nhiệm và trong sự xả thân giúp đỡ người khác. Chính vì tuổi trẻ đại diện cho một tầng lớp người có tiềm năng, nhiều người trong số họ luôn nuôi dưỡng những khao khát và ước mơ để có cơ hội cống hiến hết khả năng của mình, mang lại cho xã hội và Giáo Hội một tương lai tươi sáng hơn.
Kết bạn với Đức Giêsu để nên thánh: Sự chân thành và thân tình luôn là những yếu tố đặc trưng để tạo nên một tình bạn lý tưởng. Đức Thánh Cha mời gọi người trẻ đừng ngần ngại kết bạn với Đức Giêsu để có cơ hội đáp lại tiếng gọi của Ngài với trọn niềm hạnh phúc và bình an. Tình bạn mà Chúa Giêsu mở ra không phải là mối tương quan ích kỷ hay chiếm hữu mà là mối tương quan mở ra những chia sẻ và trao ban. Thế nhưng, ngày nay khá nhiều người trẻ dễ có khuynh hướng chọn lựa theo những lợi ích trước mắt mà không thể lường trước những hậu quả về sau. Giữa những lời mời thực dụng, người trẻ như bị lấn át khiến họ không còn thời gian và không gian dành cho Chúa. Để tránh rơi vào những vòng xoáy nguy hiểm này, Đức Thánh Cha nói đến tính dứt khoát trong sự chọn lựa và tính triệt để trong sự từ bỏ, là cách người trẻ mạnh dạn nói “không” với những mối tương quan không mang lại niềm hạnh phúc đích thực. Chính khi mở ra một tình bạn với Đức Giêsu, người trẻ như đang mở ra một kế hoạch, một định hướng, một lý tưởng và một cuộc sống có mục đích, hướng cuộc sống của cá nhân mình trở nên nguồn cảm hứng cho tha nhân, minh chứng sự trẻ trung đầy nhiệt huyết và đầy năng lượng bằng những mối tương quang lành mạnh theo mẫu tương quan tình bạn mà họ đã mở ra với Đức Giêsu.
Trở nên nhân chứng cho Đức Giêsu là con đường nên thánh: Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục chỉ ra cho người trẻ một con đường nên thánh căn bản mà ai cũng cần phải đi qua, đó là nên thánh bằng cách chọn cho mình một công việc để tìm kế mưu sinh và bằng con đường xây dựng một gia đình để đi tìm hạnh phúc. Ý thức sống tinh thần trách nhiệm nhằm mang lại hoa trái phong phú thiêng liêng nơi gia đình và nơi môi trường làm việc chính là cách mà người trẻ biến cuộc đời mình thành những nhân chứng sống động của Thiên Chúa giữa trần gian này. Tuy nhiên, khi sinh ra và lớn lên trong một xã hội như hôm nay, người trẻ đã phải nhìn thấy không ít những hình ảnh bất hạnh từ đời sống gia đình, chứng kiến không ít những bạo lực, những bế tắc xảy ra để lại hậu quả là sự đổ vỡ và ly tán đem lại bất hạnh và đau khổ. Thảm cảnh này khiến người trẻ không còn dám tự tin tạo lập một gia đình cho riêng mình, vì thế, mời gọi người trẻ chiếu tỏa niềm hạnh phúc gia đình bằng những đức tính nhẫn nại, khoan dung, đối thoại, tha thứ giúp họ trở nên điểm tựa vững chắc cho gia đình.
Tóm lại: Nên thánh là điều nằm trong tầm tay của chúng ta, vì Chúa muốn ban cho ta đủ ơn để nên thánh, bởi từ khi được rửa tội, được xức dầu thánh, chúng ta đã thuộc trọn về Thiên Chúa rồi, nên đã là thánh rồi. Điều cần và đủ bây giờ là chúng ta làm cho ơn gọi nên thánh nên triển nở và sống động. Phải, nên thánh không phải là việc ngày một ngày hai là xong, nhưng là một tiến trình từ từ tiệm tiến. Nên thánh không phải là phải có được những điều vĩ đại, mà là từ việc tập sống những điều nho nhỏ hàng ngày với nhiều tình yêu, khiêm tốn, vâng lời và thanh thoát. Đặc biệt có long khao khát nên thánh mãnh liệt, biết mình và chiến thắng chính mình. Tắt một lời, là trong tất cả mọi sự làm chỉ vì yêu mến Chúa.
Hiền Lâm
Discussion about this post