5. Tiệc cưới Cana (x. Ga 2, 1-12)[1].
Đức Giêsu, Mẹ Ngài là Đức Maria và các môn đệ đều hiện diện tại tiệc cưới Cana. Với sự kiện “Mẹ của Đức Giêsu” được đề cập đến ngay trong câu đầu tiên của tường thuật tiệc cưới Cana, điều này cung cấp bối cảnh cho phép lạ, và sự kiện Đức Maria đặt câu hỏi liên quan đến “rượu”, rõ ràng hướng sự chú ý của độc giả vào Mẹ. Tiệc cưới cũng như các bữa tiệc trong Kinh Thánh đều có tính biểu tượng về ngày Messia (Is 25, 6; Đn 5, 1; Mt 22, 2).
Khi rượu sắp hết, một sự bối rối cho mọi người trong phòng tiệc, Đức Maria đã đề cập đến vấn đề này và yêu cầu các người phục vụ “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Sứ điệp này cũng muốn nói với cộng đoàn Hội Thánh sơ khai, gồm những ai cần tham dự vào “rượu” của thời đại mới[2].
Tác giả Tin Mừng thứ tư mô tả sự đáp trả của Đức Maria đối với Đức Giêsu trong một cách thức cho thấy rằng đức tin của Mẹ không bao giờ có chút nghi ngờ. Dù chưa thấy phép lạ, nhưng đức tin cho Đức Maria biết điều Đức Giêsu sẽ làm. Mẹ cho thấy rằng mối tương quan của Mẹ đối với Đức Giêsu không chỉ là mối tương quan sinh học mà còn là một tương quan nền tảng đức tin. Vai trò nổi bật của Đức Maria trong tiệc cưới Cana này bao gồm sự cảm thông, sự chuyền cầu và hướng mọi người về với Đức Giêsu.
a, Đặc trưng về sự cảm thông.
Câu chuyện tiệc cưới Cana cho thấy hình ảnh thật đẹp của Đức Maria về sự cảm thông chia sẻ với hoàn cảnh của đôi tân hôn. Đức Maria đã nhạy bén thấu hiểu sự bối rối của chủ tiệc. Tiệc đang vui mà rượu hết giữa chừng là một tai nạn, làm cho chủ tiệc mất mặt và cô dâu chú rể bị chê cười, cảm thông với hoàn cảnh như vậy, Đức Maria đã “gợi ý” với Đức Giêsu.
Sự cảm thông được diễn tả như đôi cánh của đức ái, là y tá săn sóc cho bệnh nhân … Sự thông cảm còn tiên liệu trước cho những tâm trí chậm chạp, đó là thấy trước nhu cầu. Sự cảm thông là quảng đại tự bản chất, xuất phát từ một trái tim biết nhìn ra xung quanh. Chính sự cảm thông này là một nhân đức nổi bật nơi Đức Maria, với một trái tim mẫu tính quảng đại, Mẹ thấu hiểu trước những thiếu thốn của nhân loại và cảm thông trước những nỗi đau của nhân loại để khẩn cầu Đức Giêsu Con yêu dấu của Mẹ trợ giúp họ. Sự cảm thông với đôi tân hôn và chủ tiệc nơi tiệc cưới Cana là biểu trưng cho một sự cảm thông liên lỉ của Mẹ Thiên Chúa đối với những người con của Mẹ được sinh ra dưới chân thập giá Đức Kitô. Đức Maria không chỉ cảm thông với những ai chạy đến kêu xin Mẹ, mà còn đi bước trước cảm thông với những ai gặp đau khổ thiếu thốn cả khi họ chưa kịp cầu xin, tựa như việc Mẹ cảm thông với hoàn cảnh bi đát và quá tế nhị có thể làm mất danh dự của đôi tân hôn, và đã lo lắng cho họ trước khi họ xin được giúp đỡ[3].
b, Đặc trưng chuyển cầu:
Câu chuyện tiệc cưới Cana còn vọng lại âm vang về hình ảnh nữ thẩm phán Đơbôra trong Cựu Ước. Hình ảnh bà Đơbôra kêu gọi các “con cái” phải biết vâng nghe lời Thiên Chúa, được áp dụng cho Đức Maria “đề nghị” các gia nhân phục vụ vâng nghe lời Đức Giêsu dạy: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Điều này cũng cho thấy rõ ràng về vai trò đặc biệt của Đức Maria trong trình thuật về tiệc cưới Cana trong Tin Mừng thứ tư. Tuy nhiên, cần có một cái nhìn khách quan và đúng đắn về vai trò trung gian của Mẹ, để tránh những nhận xét thái quá như trước đây, vì không ít người từng cho rằng sẽ không có phép lạ Cana nếu như Đức Maria không can thiệp và như thế gián tiếp coi rằng Đức Giêsu không có một sự cảm thông trắc ẩn…
Chính vì thế, cần biết phối hợp giữa nhãn quan Kitô học và Thánh Mẫu Học. Thánh Mẫu học không thể đứng độc lập mà không có Kitô học. Ý nghĩa biểu trưng của Đức Maria trong tiệc cưới Cana như là dân Israel mới xin Đức Giêsu một dấu chứng. Xác nhận Người là Đấng Messia. Dù vậy, có một chi tiết đặc biệt cần lưu ý ở đây là Đức Maria can thiệp hơn là cầu xin, uy thế của một người mẹ gợi ý hoặc nhắc khéo với Đức Giêsu, chứ không phải van xin Người làm phép lạ. Điều đó cũng cho thấy uy thế trổi vượt của Mẹ trong việc chuyển cầu cho loài người trước mặt Thiên Chúa so với mọi sự chuyển cầu khác của các vị thánh và những người công chính.
“Thân Mẫu Người nói với tha nhân: “Người bảo gì anh, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5). Đây được xem như lời trối tinh thần vì đây là lời nói cuối cùng mà Đức Maria nói được Tin Mừng thuật lại. Những lời này như là lời mời gọi sẵn sàng vâng phục Lời của Đức Giêsu, nghĩa là tin vào Người (x. Ga 2, 11; 1, 12). Chữ “diakonoi” (diakonoi)ở đây, Gioan dùng để gọi những người phục vụ, biểu trưng cho các môn đệ tiên khởi của Đức Giêsu, những kẻ trở thành những người phục vụ Lời và mang trách nhiệm phân phát “rượu ngon” của Đức Khôn Ngoan (x. 1Cr 3, 5; 2Cr 3, 6; 6, 4; Ep 3, 7; Cl 1, 7.23.25). Trong cái nhìn như thế, Đức Maria chính là người mẹ tinh thần của những kẻ tin, luôn luôn khuyến khích các môn đệ của Đức Giêsu thực hiện Lời của Người. Chính Mẹ là người khuyến khích những kẻ tin trở thành cộng đoàn của giao ước mới, luôn vâng phục Lời của Đức Kitô. Ngay trong tiệc cưới Cana, tức là ngay lúc Đức Giêsu Nazareth khai mạc cuộc đời công khai, trong việc rao giảng Nước Trời, Đức Maria đã thực thi chức năng là người mẹ tinh thần của cộng đoàn[4].
Việc “hết rượu rồi” là một khía cạnh cụ thể sự nghèo túng của nhân loại, điều này cũng mang một giá trị tượng trưng: đoán trước những nhu cầu con người, cũng đồng thời đưa chúng vào chiều kích sứ mạng thiên sai và sức mạnh cứu độ của Đức Kitô. Vậy cần phải có một sự trung gian: Đức Maria đứng giữa con mình và loài người trong hoàn cảnh đầy thiếu thốn, nghèo túng và khổ đau của họ. Mẹ đứng “ở giữa”, nghĩa là hoạt động trong vai trò trung gian, không phải bên ngoài, nhưng với tư cách là Mẹ, và ý thức mình có thể trình bày cho Con các nhu cầu của nhân loại, hay đúng hơn là “có quyền làm điều đó”. Sự trung gian của Đức Maria là cầu bầu cho loài người. Không những thế, với tư cách là Thân Mẫu, Mẹ cũng muốn quyền năng thiên sai của con mình được biểu lộ, nghĩa là quyền năng cứu độ của Người nhằm cứu giúp nhân loại bất hạnh, giải thoát họ khỏi sự dữ dưới mọi hình thức và mọi mức độ đang đè nặng trên cuộc sống của họ.
Một khía cạnh thiết yếu khác trong vai trò làm Mẹ của Đức Maria được tỏ hiện qua điều Mẹ nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Thân Mẫu của Đức Kitô xuất hiện trước nhân loại như người phát ngôn ý muốn của Chúa Con; Mẹ đưa ra một số đòi hỏi phải làm để quyền năng cứu độ của Đấng Thiên Sai được thể hiện… ở Cana, nhờ sự can thiệp của Đức Maria và sự tuân phục của các gia nhân mà Đức Giêsu đã bắt đầu “giờ” của Người. Cũng như ở Cana, Đức Maria xuất hiện như một kẻ tin vào Đức Giêsu: lòng tin của Mẹ làm phát sinh “dấu lạ” đầu tiên của Đức Giêsu và góp phần khơi dậy đức tin nơi các môn đệ (x. Ga 2, 11)[5].
Bản văn Tin Mừng thứ tư về tiệc cưới Cana cho thấy dấu chứng đầu tiên về sự chăm sóc đầy tình mẫu tử của Đức Maria. Công Đồng Vaticanô II đã làm nổi bật chân lý này trong giáo lý của mình và long trọng xác định rằng trách nhiệm mẫu tử của Đức Maria được liên kết với vai trò trung gian của Đức Kitô:
“Vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt chút nào vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian đó, vì chỉ có “một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô” (1Tm 2, 5). “Từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, vai trò trung gian của Mẹ Đức Giêsu bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Sự trung gian của Đức Maria hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn mạch mọi quyền lực của trung gian đó”[6].
Chính trong nghĩa này mà biến cố Cana miền Galilê được xem như lời tiên báo đầu tiên về sự trung gian của Đức Maria, hoàn toàn hướng về Đức Kitô và hướng về mạc khải quyền năng cứu độ của Người. Nói cách khác, xét trên bình diện thần học, chỉ cần Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất để cứu độ nhân loại, nhưng đứng về khía cạnh nhân loại, thì đến với Chúa Giêsu, nhờ Đức Maria, là một điều rất thích hợp. Ơn cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho toàn thể nhân loại, trên phương diện khách quan, đã hoàn tất đầy đủ, nhưng trên phương diện chủ quan, con người tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa Giêsu, qua sự trợ giúp của Đức Maria. Với tấm lòng từ mẫu của Đức Maria, ơn cứu độ mà Đức Giêsu đem đến cho thế gian, sẽ mang đến một hình ảnh khoan dung nhân ái[7].
Như vậy, vai trò trung gian của Đức Maria tự bản chất không thay thế Đức Kitô, vì chỉ mình Đức Kitô là Đấng Trung Gian cần thiết, sung mãn và hoàn hảo, nhưng đức Maria qua cái nhìn của nhân loại về Chúa Kitô, Mẹ có tất cả quyền thế của một Nữ Trạng Sư: vì do sự lôi cuốn hiền mẫu mãnh liệt mà Người thực hiện trên bất cứ người nào chiêm ngưỡng Người trong sự đơn sơ của con tim, thì Người chiếm lấy linh hồn họ để dẫn dắt về tới Chúa Kitô một cách hữu hiệu. Kinh nghiệm cho biết: ai được bàn tay của Nữ Trạng Sư dẫn dắt thì những người ấy tới gần Đấng trung gian duy nhất của họ hơn và với một niềm cây trông và yêu mến nhất[8].
Để giúp độc giả dễ hiểu về vai trò trung gian chuyển cầu của Đức Maria, Vieyra nhà thuyết giáo lỗi lạc người Bồ Đào Nha đã dùng hình ảnh sau đây thật sống động:
… “Đây là vận may của một trong hai tên trộm đang ở trên đồi Calvê, còn tên kia thất sủng. Chúa Giêsu Kitô ở giữa hai người; nhưng giữa thánh giá Chúa Giêsu Kitô và thập giá kẻ trộm lành có Đức Mẹ đứng đó, còn giữa thánh giá Chúa Giêsu Kitô và thập giá kẻ trộm dữ không có Đức Mẹ ở đó. Nơi đâu giữa tội nhân và Thiên Chúa có Mẹ Thiên Chúa, thì tội nhân được cưú thoát; nơi đâu không có Mẹ, tội nhân bị đẩy lùi lại”[9].
Tóm lại, tường thuật tiệc cưới Canan trong Tin Mừng Gioan đã làm nổi bật hai đặc trưng mang tính truyền giáo của Đức Maria là lòng cảm thông trắc ẩn trước nhu cầu cũng như đau khổ của người khác, và vai trò trung gian chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho nhân loại và cách riêng cho các tâm hồn. Đây là tinh thần mà mọi thành phần dân Chúa, cách riêng đối với các chứng nhân rao giảng Tin Mừng phải mặc lấy. Đặc biệt giữa thế giới hôm nay, biết bao người đang chìm đắm trong đau khổ thể xác và lầm than tội lỗi, rất cần lòng cảm thông chia sẻ tình tương thân tương ái và nhiệt thành ra đi để giúp mọi người đón nhận Tin Mừng hầu được giải phóng khỏi lầm than tội lỗi. Đồng thời, các con cái Mẹ Maria hãy học lấy gương Người để ngày đêm cầu xin ơn Thiên Chúa thương xót và ban ơn cứu độ cho các tâm hồn và cho thế giới thoát cảnh chiến tranh và nghèo đói.
[1] Xem thêm: LG 58; RM 21-22; Giáo Lý Công Giáo 2618.
[2] Kathleen Coyle, MARY IN THE CHRISTIAN TRADITION: From a Contemporary penspefective.
[3] Xem thêm THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER số 21.
[4] x. Lm. Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr 139- 140.
[5] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 21.
[6] x. Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 60.
[7] Xem thêm A. Serra, MARIE À CANA MARIE AU PIED DE LA CROIX, Cerf, Paris 1983, p. 22-26, 37-53, 62-72.
[8] x. Neubert, ĐỨC MARIA TRONG TÍN LÝ, tr 206- 207.
[9] Tường thuật của Raoul Plus, S.J. trong cuốn “ĐỨC MARIA TRONG LỊCH SỬ THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ”, tr. 157.
Discussion about this post