1. Các nhân vật (những người phụ nữ trong Cựu Ước).
Nguyên tắc thần học đòi hỏi khi đọc lại các bản văn Kinh Thánh, đặc biệt phần Cựu Ước, không nên hiểu theo mặt chữ hoặc hiểu theo nghĩa đen về các nhân vật và các sự kiện, nhưng cần có một cái nhìn xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh và hiểu theo nghĩa tiên trưng nhiều hơn, đồng thời, ý nghĩa Thánh Kinh theo Kitô Giáo đã được nhìn theo cái nhìn đức tin và được đọc dưới ánh sáng Phục Sinh. Cũng thế, để hiểu các nhân vật Cựu Ước, cụ thể là các phụ nữ có tính tiên báo về Đức Maria, phải hiểu theo nghĩa tiên trưng, và được nhìn dưới ánh sáng Phục Sinh, cách riêng, dùng các bản văn Tân Ước để hiểu rõ hơn về Cựu Ước.
Công đồng Vaticano II dạy: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định là Mẹ Thiên Chúa, cùng một lúc với việc nhập thể của Con Người”[1].
Sách Giáo Lý Công Giáo số 489 bổ túc thêm: “Suốt thời Cựu Ước, sứ mạng của Đức Maria đã được chuẩn bị trước nơi vai trò của các phụ nữ thánh thiện. Khởi đầu là bà Eva, dù bà bất tuân phục, nhưng bà đã nhận lấy lời hứa rằng, một hậu duệ của bà sẽ chiến thắng ma quỷ (x. St 3, 15) và bà sẽ là mẹ của chúng sinh (x. St 3, 20). Kế đến là ơn sinh hạ khác thường cho Sara khi đã cao niên (x. St 18, 10-14; 21, 1-2). Rồi khác với dự đoán của loài người, Thiên Chúa đã chọn những gì bị coi là bất lực và yếu đuối (x. St 3, 15) để giúp Israel được giải thoát và chiến thắng, như trường hợp của bà Esther và Giuditha…”
a, Bà Eva: đặc trưng cộng tác sáng tạo (x. St 3,15// 2Cr 5, 17).
Những tìm hiểu ở đây chỉ tập chú đến chức năng làm mẹ nhân loại của Đức Maria. Bà Eva là mẹ của chúng sinh, là tổ tiên của nhân loại, tiên trưng cho một Đức Maria sinh ra một nhân loại mới dưới chân thập giá Chúa Kitô. Khi viết: dòng giống Eva sẽ đánh vào đầu con rắn (x. St 3, 15) cho thấy tác giả Thánh Kinh nghĩ tới cần nhiều thời gian của Dân Thiên Chúa chiến thắng trên sự ác: miêu duệ của người nữ luôn bị tổn thương, nhưng vẫn được Thiên Chúa dẫn dắt đến những hoài bão mới mẻ. Niềm hy vọng sẽ chiến thắng sự ác một lần dứt khoát là nguồn cảm hứng xuyên suốt Kinh Thánh. Bà Eva là người đầu tiên đón nhận lời hứa cứu độ, thì sau này, Đức Maria là người đón nhận và làm viên mãn lời hứa đó khi làm Mẹ Đấng Cứu Độ.
Người đàn bà (x. St 3, 15) trước hết là nhân loại, được Thiên Chúa cho sinh hạ Đấng Cứu Thế, vị cứu tinh của chính nhân loại (x. Is 45, 8). Hình ảnh này được gặp thấy nơi sách Khải Huyền chương 12, cũng được áp dụng cho Đức Maria cũng như cho Hội Thánh, bởi lẽ cả hai đều đã bước vào một hôn ước thần nhiệm. Chúa Giêsu sinh làm con Đức Maria; và Hội Thánh là mẹ tất cả những người đã được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần; do đó họ trở thành chi thể của Thân Thể Chúa Kitô, nhiệm thể này dần dần lớn lên và vươn tới tất cả mọi người[2].
Đức Maria là sự sáng tạo mới của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không tách rời Mẹ khỏi thế giới cũ kỹ như một báu vật có một không hai. Nói cách khác, cuộc tân sáng tạo không chỉ là một cá thể mang danh Maria, nhưng qua trung gian của một ngôi vị được tuyển chọn đặc biệt để tác động trên toàn thể. Thiên Chúa không cứu độ cách đơn lẻ, mà là cứu chuộc số đông bằng cách thiết lập một dòng dõi, một dân riêng, một cộng đồng…
Vì Đức Maria được đẹp lòng Thiên Chúa, nên từ Người, Thiên Chúa tác thành một nhân loại mới sống trong sự vâng phục Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa muốn Đức Maria là “Eva mới” của “nhân loại” mới, nhân loại mới này là những người “không do máu huyết hoặc ý muốn của nam nhân, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra” (x. Ga 1, 13).
Trong ý định của Thiên Chúa, sự đổi mới nhân loại bắt đầu bằng việc tuyển chọn Eva mới, để nhờ Eva mới này mà Con Thiên Chúa mang lấy xác thịt để trở nên Adam mới. Đây là một sự đổi mới kỳ diệu và thật phi thường vượt quá sự suy tưởng của con người[3]. Toàn thể nhân loại được đổi mới do sự tiếp nhận bản tính thần linh trong thể xác của mình. Điều này trước hết được thể hiện nơi Đức Maria, vì người đã tiếp nhận Lời Thiên Chúa trong lòng mình và “xin vâng” để cho Lời Thiên Chúa được hoá thành nhục thể trong dạ mình.
Sự đổi mới nhân loại không thể chỉ là thay đổi cái vỏ bề ngoài, điều này con người có thể làm được và đang tiếp tục làm, nhưng những thay đổi bề ngoài không làm nên một nhân loại mới đúng nghĩa. Thật vậy, nhân loại mới phải được đổi mới từ bên trong, từ cội nguồn của nó, tức là phải đổi mới từ bản tính. Nhưng để có được sự đổi mới tận căn này, thì cần phải tiếp nhận Thiên Chúa vào trong chính hiện hữu, trong chính bản tính của con người và yếu tố thần linh sẽ dần dần giúp con người biến đổi nhân tính nên mới giống hình ảnh Thiên Chúa.
Nơi Đức Maria, sự sống và ân sủng của Thiên Chúa được triển nở cách trọn vẹn và phát huy ở mức độ tối đa đối với khả năng tiếp nhận của loài thụ tạo, đụng chạm với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là đỉnh cao của nhân loại mới. Đó là địa vị cao sang mà không ai trong loài người có thể mơ ước. Vì lẽ đó, Đức Maria đáng được gọi là Eva mới, mẹ của nhân loại mới (Saint Bernadus, De Maria Nunquam…, p. 57).
Việc so sánh Eva – Maria luôn xuất hiện trong các suy tư về gia sản đức tin được lãnh nhận từ mặc khải của Thiên Chúa. Bà Eva là “mẹ chúng sinh” (St 3, 20), nhân chứng của “khởi nguyên” theo Thánh Kinh, trong đó chứa chất chân lý về việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Đức Maria là chứng nhân của “khởi nguyên mới” và “sáng tạo mới” (x. 2Cr 5, 17)… sự so sánh giữa Eva và Đức Maria có thể hiểu theo nghĩa, Đức Maria là mầu nhiệm của “người phụ nữ” mà khởi điểm của mầu nhiệm này là bà Eva, “mẹ chúng sinh”; Đức Maria đón nhận mầu nhiệm này vào chính bản thân mình và đưa mầu nhiệm này vào trong mầu nhiệm của Đức Kitô là“Adam mới và cuối cùng”.
Trong truyền thống đức tin và suy tư Kitô Giáo qua mọi thời đại, việc so sánh Adam – Đức Kitô thường đi sóng đôi với việc so sánh Eva – Maria. Điều này chắc chắn có nhiều ý nghĩa, nhưng phải dừng lại ở ý nghĩa mặc khải gán cho Đức Maria những gì chứa đựng trong thuật ngữ “phụ nữ’ theo Thánh Kinh, một mặc khải sâu xa theo chiều kích mầu nhiệm cứu độ. Theo nghĩa này, Đức Maria vượt qua những ranh giới mà sách Sáng Thế nói đến (x. St 3, 16) và trở về “khởi điểm”, nơi chúng ta gặp được người phụ nữ trong công trình sáng tạo, có nghĩa là trong kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa, trong lòng Ba Ngôi Cực Thánh[4].
Như thế, hình ảnh mang tính truyền giáo của Đức Maria nơi bà Eva ở đây chính là chức năng làm mẹ và việc đón nhận lời hứa cứu độ, vì truyền giáo đồng nghĩa với việc sinh ra cho Thiên Chúa những người con mới trong Đức Kitô và cho họ được thông phần lời hứa cứu độ. Bà Eva là nguyên tố của nhân loại nói chung, còn Đức Maria sinh ra nhân loại mới trong Đức Kitô nói riêng. Bà Eva thuộc con người đầu tiên cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo loài người từ nguyên thuỷ, còn Đức Maria là người mẹ cộng tác với Thiên Chúa trong công trình “tân sáng tạo”, hay nói đúng hơn là trong công trình cứu độ. Sáng tạo và cứu độ không thể tách rời nhau, từ khởi đầu đến viên mãn. Bà Eva tuy là người đã bất tuân phục, nhưng cũng là người đầu tiên nhận lãnh lời hứa cứu độ cho loài người (x. St 3, 15), còn Đức Maria nhận lãnh sự viên mãn của lời hứa khi sinh ra Đấng là Lời Hứa. Đức Maria là thụ tạo hoàn hảo không thể tách rời khỏi Chúa Giêsu Kitô, Đấng “sinh làm Con một người phụ nữ”. Thiên Chúa đã đặt Mẹ giữa đám tội nhân, để Mẹ phù trì nâng đỡ họ.
Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ cách tiệm tiến, kéo dài trong lịch sử Israel, trong đó có bà Sara tiếp tục nhận lời hứa qua việc sinh hạ Isaac trong lúc cao niên:
Vấn đề cần thận trọng khi so sánh Đức Maria với bà Eva:
Điều cần mở ngoặc ở đây khi đem so sánh Đức Maria với bà Eva, đặc biệt trong cái nhìn ngày hôm nay, việc đặt đức Maria trong sự tương phản với bà Eva có thể đem lại một sự nguy hiểm đụng chạm đến nhân phẩm của người phụ nữ, vì thế, khi so sánh nên chỉ dừng lại ở việc bà Eva là hình bóng của đặc trưng làm mẹ (Mẹ chúng sinh – mẹ nhân loại) mà thôi).
Thật vậy, Khi đối chiếu Đức Maria>< Evà trong sự tương phản giữa tội lỗi và thánh thiện, cùng với những lối giải thích tiêu cực trong quá khứ của một số các Giáo Phụ và thậm chí cho đến ngày hôm nay cho thấy một sự nguy hiểm và dẫn tới sự hạ thấp người phụ nữ. Trong một vài chú giải của Đức Piô IX trong hiến chế Indffabilis Deus nhân dịp công bố tín điều vô nhiễm (8/12/1854) cũng phản ảnh điều này: Đức Piô IX đã so sánh Đức Maria với Evà trước khi Evà “sa ngã.” Tiếp đến ngài mô tả Mẹ như là một “hoa huệ giữa những bụi gai” và “gỗ không mục nát.” Mô tả Đức Maria như một “hoa huệ giữa những bụi gai” như Đức Giáo Hoàng thực hiện, không phải là để khẳng định gai góc, bởi vì gai góc bởi bản chất của chúng không bao giờ có thể trở thành bông huệ trắng. Và trong việc mô tả Mẹ như “gỗ không mục nát” ngài muốn ám chỉ rằng tất cả các loại gỗ khác phải mục nát.
Donal Flanagan cho thấy những hậu quả của việc đặt Đức Maria như là một Evà mới hoặc một người phụ nữ mới như sau:
Một cái giá phải trả cho việc so sánh này và cái giá là việc đồng hoá tất cả mọi phụ nữ khác với người đàn bà đầu tiên Evà: không kiên định, không đáng tin cậy, những hữu thể thấp kém về phương diện luân lý trong điều kiện tự nhiên của họ. Sự khác biệt rõ rệt này… tiến trình qua đó người đàn ông phân chia người phụ nữ bằng việc phóng chiếu hai biểu tượng tách biệt và mâu thuẫn về người phụ nữ, đã không bắt đầu với Kitô giáo. Đúng hơn truyền thống Kitô giáo về Đức Maria trong thời gian thích hợp đã phát sinh ra sự nhị nguyên của nó trong thuật ngữ Evà/Đức Maria. Điều này cho phép người đàn ông Kitô giáo phóng chiếu tất cả sự kính trọng, danh dự và tình yêu của anh ta về một người phụ nữ lý tưởng ở một thế giới khác, Đức Maria và vì đó xoa dịu lương tâm của anh ta đối với sự lệ thuộc thực tế và một đẳng cấp thấp anh ta cho phép với những người phụ nữ thật sự trong thế giới được thống trị bởi quyền nam giới của anh ta.
Chỉ một mình Đức Maria trong giới phụ nữ là độc nhất thánh thiện và trinh khiết và trở nên một ngoại lệ. Chính trong bối cảnh này mà sự trinh khiết được giải thích như là cuộc sống phục sinh của Tin Mừng nơi đó phụ nữ được giải phóng khỏi sự nguyền rủa hai mặt thuộc về Evà (x. St 3,16), những đau đớn của việc mang nặng đẻ đau, và sự thống trị của nam giới trên họ. Thậm chí có những quan niệm rằng trong việc chọn sống trinh khiết, phụ nữ trở thành những người đàn ông thiêng liêng và vượt trên tính phụ nữ của họ, thường là một biểu tượng của yếu điểm và nguy hiểm luân lý. Như thế, một cách nào đó coi thân xác phụ nữ là biểu tượng của tội lỗi và chỉ có sống trinh khiết mới là “đàn ông” và mới được giải thoát và đặc biệt vượt trên nữ tính. Đó là những lập luận rất nguy hiểm.
Phóng chiếu những chi tiết “quyến rũ” tiêu cực của Evà cho những phụ nữ khác, rõ ràng không giúp chúng ta nhấn mạnh về sự liên đới của toàn thể nhân loại, đàn ông cũng như đàn bà, trong tội lỗi và trong ân sủng. Elizabeth Johnson chú ý rằng “sự bôi nhọ về các phụ nữ đã trở thành một cái hình bóng che khuất vinh quang của Đức Maria trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội.” Một ví dụ điển hình của vấn đề này là “Madonna – hội chứng những người phụ nữ trụy lạc,” cho phép đàn ông “yêu và kính trọng người phụ nữ lý tưởng của họ trong Đức Maria, nhưng lại bỏ quên hoặc thống trị phụ nữ không bị trừng phạt và được miễn trừ, thậm chí từ những tìm kiếm về chính lương tâm của họ.”
Bởi vì một hệ thống cai trị đã định kiến toàn bộ phạm vi của những biểu tượng thần học, những biểu tượng truyền thống về Đức Maria như Đức Maria, một Evà Mới và khuôn mẫu Ađam Mới-Evà Mới đã hoạt động, một cách vô ý thức, trong việc kiềm chế phụ nữ trong sự đàn áp. Phụ nữ quan tâm về căn tính giới tính, sự tăng trưởng cá nhân, sự thành đạt xã hội và trí tuệ cần thiết phải khước từ những hình ảnh sai lầm như thế.
Nói cách tóm tắt, khi đặt Đức Maria trên bục và tương phản Mẹ với một Evà tội lỗi thì củng cố cho “Madonna-whore syndrome,” thuật ngữ mang tính huỷ diệt đối với phụ nữ, vì khi đó, đặc cách đặt Đức Maria ra ngoài như một ngoại lệ của người phụ nữ tốt lành và có quyền lợi, còn lại những người phụ nữ khác chỉ là những Evà, tôi lỗi và lệ thuộc.
Khuôn mẫu Evà-Đức Maria vẫn còn thấy đang hoạt động trong nền văn hoá của chúng ta, bóp méo hình ảnh của chúng ta có về phụ nữ nghiêng về một thái cực này hoặc một thái cực khác – người lừa dối quyến rũ hay hình ảnh kiêu căng về sự trinh khiết – và để lại cho chúng ta một ấn tượng, nói ra hay không nói ra, rằng phụ nữ không thể được tin tưởng làm những công việc như đàn ông có thể làm.
Thiết nghĩ, đây cũng là một sự cẩn trọng mà các thừa sai cần tìm hiểu để tránh được những sự hiểu lầm về giáo thuyết và tôn trọng bình đẳng trong mọi giới mà họ đem Tin Mừng đến.
b, Bà Sara: đặc trưng của niềm tin (x. St 18, 14 // Lc 1, 37).
Theo kế hoạch cứu độ, Đấng Messia xuất thân từ dòng dõi hai tổ phụ Abraham và Sara. Sách Sáng Thế thuật lại câu chuyện như sau: một hôm dưới cây sồi Mamrê, Thiên Chúa đã phán bảo ông Abraham và bà Sara[5] sẽ có con. Nghe được, bà Sara cười vì thấy ông Abraham và chính bà cũng đã già nua tuổi tác. Biết vậy, Thiên Chúa mới nói với ông Abraham rằng: “Tại sao Sara cười, vì đối với Thiên Chúa nào có điều gì mà không thể làm được?” (St 18, 14). Theo thánh Luca, đó là đặc trưng của Đức Maria suy nghĩ về sự việc vừa không biết đến việc vợ chồng lại vừa thụ thai sinh hạ (x. Lc 1, 31), thần sứ liền đáp: “Đối với Thiên Chúa, không có gì mà không thể làm được” (Lc 1, 37)[6].
Trong vấn đề sinh hạ Đấng Messia, Thiên Chúa sẽ cho Mẹ của Đấng này là Đức Maria khỏi quy luật tự nhiên. Để loài người dễ chấp nhận khi sự việc ấy đến, nên trước đó, Thiên Chúa cũng đã làm cho bà Sara thoát khỏi quy luật sinh lý tự nhiên và làm chứng cho quyền năng Thiên Chúa. Như vậy, trong trường hợp này, bà Sara là đặc trưng của Đức Maria[7].
Hình ảnh Đức Maria mang ý nghĩa truyền giáo từ nơi bà Sara – tổ mẫu của Israel, trước hết chính là lời xác định của Thiên Chúa về quyền năng của Người với bà Sara cũng như với Đức Maria: “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (St 18, 14 // Lc 1, 37). Việc truyền giáo trước hết là sự cộng tác của các sứ giả, còn mọi sự dù vượt qua trí hiểu và khả năng của loài người Thiên Chúa đều thực hiện được. Kế đến, Sara là mẹ của Isaac, là mẹ của đứa con tự do, là mẹ của đứa con được hưởng lời hứa, là mẹ của đứa con được sinh ra bởi lòng tin và là mẹ của dân tộc Israel sau này. Còn Đức Maria là Mẹ của Đức Kitô, Mẹ của Đấng mang lại tự do đích thực, Mẹ của Đấng là Lời Hứa, Mẹ là Đấng được sinh ra nhờ Mẹ đã tin lời Chúa hứa sẽ được thực hiện (x. Lc 1, 45) và là Mẹ của Dân Mới của Thiên Chúa và được hưởng gia nghiệp của Người.
c, Bà Giuditha: đặc trưng đầy ơn phúc (x. Gđt 13, 18 // Lc 1, 42)..
Giuditha có nghĩa là “cô gái Hípri”, câu chuyện về bà Giuditha phản ánh niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa, thực hiện kế hoạch của Người bằng cách dùng những người khiêm hạ để hạ bệ những người kiêu căng ngạo mạn, cụ thể là một phụ nữ đơn thường như Giuditha đã chiến thắng đại tướng Holopherne. Sau này trong bài Magnificat, Đức Maria cũng đã tuyên xưng: “Chúa dẹp tan phường lòng trí kiêu căng và hạ bệ những ai quyền thế” (Lc 1, 51-52a).
Khi bà Giuditha trở về từ trại quân ô hợp của vua Nabucodonosor, mang theo thủ cấp của đại tướng chỉ huy quân đội của vua là Holopherne, một đầu mục Do Thái đã nói với bà Giuditha: “Này trang nữ kiệt, bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này…”(Gđt 13, 18). Theo thánh Luca, đây là đặc trưng của Đức Maria sau này. Thực vậy, khi Đức Maria viếng thăm bà Elizabeth, bà Elizabeth cũng thốt lên lời ca ngợi: “Em là người có phúc nhất trong giới phụ nữ” (Lc 1, 42). Điều này cho thấy trong cuộc chiến thắng của bà Giuditha chặt đầu tướng giặc hình ảnh một cuộc chiến thắng khác, trong đó “Đức Maria đánh vào đầu con rắn” (x. St 3, 15) với vũ khí của Thiên Chúa, tức là tiếp đón toàn vẹn Con Thiên Chúa và công trình kiên trì của Người để giựt nhân loại ra khỏi tay quỷ dữ. Bài ca “bà làm cho Israel vinh hiển” (Gdt 15, 9tt) mà mọi người tặng cho bà Giuditha còn thích hợp hơn nhiều khi áp dụng cho Đức Maria[8].
Mặt khác, trong xã hội mà người phụ nữ chưa được đánh giá cao, thì làm sao họ hiểu nổi rằng một người phụ nữ sẽ làm Mẹ Thiên Chúa và bênh đỡ loài người khỏi Satan? Để giúp loài người hiểu được quyền năng Thiên Chúa và khả năng ban cho một phụ nữ trong công trình cứu độ, Thánh Thần đã linh hứng cho tác giả viết truyện Giuditha[9] như là một chuẩn bị tư tưởng cho thế hệ Tân Ước dễ đón nhận vai trò của Đức Maria, là người phụ nữ chiến thắng Satan và bênh đỡ loài người.
Như thế, chân dung bà Giuditha gợi lên hình ảnh về Đức Maria tin tưởng, chiến thắng và được đầy ơn phúc. Những đặc điểm này mang tính truyền giáo, vì truyền giáo là mang trên mình niềm tin xông pha vào trận chiến với thế lực ma quỷ, tràn đầy ơn phúc của Chúa và đem niềm vui Phục Sinh (chiến thắng) đến cho mọi người.
d, Bà Debora: đặc trưng tuân giữ Lời Chúa (x. Tl 3-4 // Ga 2, 5).
Sách Thủ Lãnh đưa vào gương mặt của Debora, một phụ nữ làm thủ lãnh Israel khoảng bốn mươi năm. Đó là một nữ ngôn sứ nhân danh Đức Chúa để thi hành công lý. Đây cũng là một trường hợp ngoại lệ, vì hồi đó trong Israel nam giới nắm mọi quyền hành. Ngoài hai chương ngắn ngủi trong sách Thủ Lãnh, chúng ta có thêm chất liệu để nghiên cứu từ tác phẩm “Les Antiquités bibliques” của sử gia Pseudo – Philon (cuối thế kỷ I sau công nguyên). Sách Thủ Lãnh ghi lại việc bà Debora trở thành thẩm phán và khơi mào cho cuộc nổi dậy chống Giavin vua Canaan, đồng thời tiêu diệt tướng Sisera chỉ huy quân đội của vua Giavin (x. Tl 4) và hát lên bài ca chiến thắng (x. Tl 5). Còn Pseudo – Philon trong tác phẩm “Les Antiquités bibliques” đã ghi lại nhiều chi tiết đặc biệt, trong đó có lời lẽ của bà như sau:
“Hãy nghe tôi, hỡi dân tôi! Đây, tôi khuyên nhủ các con với tư cách là phụ nữ của Thiên Chúa và tôi soi sáng cho các con với tư cách là đại diện của nữ giới… Các con hãy chỉ hướng tâm hồn các con lên Thiên Chúa mà thôi, bao lâu các con còn sống… Các con hãy hướng ý nghĩ của các con đến ánh sáng của lề luật. Hãy làm thế nào để tâm hồn không lệch bên phải cũng không lệch bên trái: đúng hơn là các con hãy ngày đêm chú tâm vào lề luật của Chúa[10].
Như thế, trong đặc quyền làm “mẹ” thiêng liêng các chi tộc, bà Debora tìm cách để cho các con (Israel) luôn luôn hướng bước đi của họ về con đường của Chúa.
Lời mời gọi mà bà Debora nói với con cái của mình để họ trung thành với lề luật của Chúa, làm cho chúng ta nhớ đến lời khuyên mà Đức Maria đưa ra cho các gia nhân của tiệc cưới Cana: “Người bảo gì anh em cứ làm theo” (Ga 2, 5). Mặt khác, dưới chân thập giá, Đức Maria chính thức trở thành Mẹ nhân loại khi nhận lời trối của Chúa Giêsu, nhận môn đệ thương mến thay mặt loài người làm con Mẹ. Từ đó, trong trách nhiệm làm Mẹ của Đức Maria đối với Hội Thánh, mẹ có nhiệm vụ luôn đánh thức các con trai con gái phải gắn bó, kiên vững tin vào lời của Con Mẹ[11].
Với tư cách là Mẹ của Hội Thánh, Đức Maria trình lên Thiên Chúa những dấu hiệu về sự bần cùng của nhân loại trong thân xác và tinh thần; và người đã can thiệp giúp để các con trai con gái của Người mở lòng ra đón nhận Lời Chúa Giêsu[12].
Ngày nay, nhiều lần trong các cuộc hiện ra, Mẹ Maria luôn nhắn nhủ và kêu gọi mọi người trung thành gìn giữ luật Chúa, tin tưởng vào Thiên Chúa và hứa ban cho tín hữu chiến thắng Satan.
Như vậy, hình ảnh mang tính truyền giáo rất nổi bật nơi nữ ngôn sứ Debora tiên trưng cho Đức Maria là khuyên nhủ con cái mình trung thành tuân giữ lề luật, và lòng dũng cảm đương đầu với kẻ thù trong niềm tin vào Thiên Chúa để chiến thắng. Đức Maria khi còn tại thế đã thể hiện tư cách đó tại tiệc cưới Cana, nay trên Thiên Quốc, Mẹ còn quan tâm hiện ra nhiều nơi để nhắn nhủ và kêu gọi con cái Hội Thánh và thế giới sống đạo đức và tin tưởng vào Thiên Chúa, đồng thời can đảm chống lại quyền lực sự dữ và mưu mô của vương quốc Satan. Đó cũng là tinh thần của các sứ giả truyền giáo, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn nêu cao niềm tin vào Thiên Chúa, khuyến khích mọi người giữ lề luật và can đảm chống lại sự quyến rũ của quyền lực sự ác.
e, Người mẹ anh hùng trong sách Macabe quyển thứ hai: đặc trưng can đảm và tử đạo (x. 2Mcb 7, 1-41 // Ga 19, 25-27).
Sách 2 Macabe để lại cho chúng ta tấm gương một người mẹ anh hùng trước quan quyền, can đảm an ủi khích lệ bảy người con thà chết chứ không lìa bỏ lề luật của Thiên Chúa (x. 2 Mcb 7, 1-41).
Lòng đạo đức Kitô Giáo thích nối kết hai bà mẹ, bà mẹ của anh em Macabe là người tham dự sự sát tế của bảy người con trai của mình, và người Mẹ của Chúa Giêsu hiện diện bên cạnh con mình trong thảm kịch đồi Calve.
Bà mẹ của anh em Macabe, bản văn Kinh Thánh xác định, chịu đựng tất cả với tinh thần cao thượng, đặt niềm hy vọng của mình vào Thiên Chúa. Đầy tình cảm hào hiệp, bà khích lệ từng người con bằng ngôn ngữ cha ông mình và tấm lòng phụ nữ của bà hoàn toàn được làm sống động bằng một sự hăng hái nam nhi (x. 2Mcb 7, 20-23)[13]. So sánh với hình ảnh Đức Maria hiện diện dưới chân thập giá (x. Ga 19, 25), Mẹ Maria cũng chứng kiến việc sát tế của Đức Giêsu trên thập giá, với tất cả tình cảm và niềm tin hiệp thông cứu chuộc.
Trên thập giá, khi thấy Mẹ Maria đứng bên cạnh (x. Ga 19, 26-27), nhân tính của Chúa Giêsu, bị xé nát bởi chấn thương tâm lý của một bi kịch như thế, chắc chắn Chúa Giêsu đã cảm thấy sự trợ lực không thể thay thế được của sự kiện Mẹ hiện diện, sự an ủi của Chúa Cha trên trời cũng xuyên qua tâm hồn của người Mẹ trần thế của Người (x. Ga 16, 32). Thánh Augustin khi nói về những đau thương của Đức Maria, đã miêu tả người như là “Nữ Vương các thánh tử đạo”, bởi sự tử đạo của Mẹ thì lâu dài và lớn lao hơn tất cả các vị tử đạo. Thánh Thomas d’Aquin nói rằng: “Để có vinh quang tử đạo, thì phải thực hành sự vâng phục trong cuộc tử đạo ở cấp độ cao nhất, hay nói cách khác là vâng phục cho đến chết” (2. 2; q. 124, a.3). Thánh Bernard cũng nói: “Mẹ Maria là một người tử đạo không bởi lưỡi gươm lý hình, nhưng bởi đau thương và cay đắng của trái tim”[14]. Trái tim Mẹ Maria trở thành một tấm gương phản chiếu sự thương khó của Con Mẹ – phản chiếu cách trung thực những vết thương mà Chúa Giêsu đã chịu. Thánh Bonaventura cũng gợi ý thêm rằng: “Những vết thương rải rác trên thân thể Chúa Giêsu đã hợp lại nơi trái tim đơn độc của Mẹ Maria” (Stim. Div, am. P.1, c.3)[15].
Như vậy, hình ảnh người mẹ chứng kiến sự sát tế của những đứa con vì sự dữ hoành hành và làm lễ dâng cho Thiên Chúa, cho thấy thảm kịch đau thương mà mọi nơi và mọi thời những chứng nhân truyền giáo phải đương đầu, không những phải luôn sẵn sàng hiến dâng cả mạng sống trong niềm tin Phục Sinh, mà còn phải sát tế hằng ngày trong tâm hồn vì nỗi đau của nhân loại, hiệp thông với nỗi đau trên thập giá của Chúa Giêsu để sinh ra nhân loại, noi gương người Mẹ anh hùng là Nữ Vương các thánh tử đạo đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu. Hình ảnh bà mẹ Macabe cũng như Mẹ Maria hiệp thông với Con mình trong đau khổ, cũng nói lên sự hãm mình đền tội cho thế giới, đồng thời cũng làm nổi bật lên mức độ yêu mến dành cho Thiên Chúa. Cũng thế, tình yêu thập giá là thước đo mức độ yêu mến và trao ban của những ai dấn thân cho việc truyền giáo, cùng với thái độ sẵn sàng chấp nhận những đau khổ để đền tội cho dân, noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu và Mẹ Maria.
Sự can đảm siêu nhiên là một trong những đặc tính tiêu chuẩn nơi Chúa Kitô và Mẹ Maria. Đó cũng là dấu hiệu của người môn đệ, những nười dấn thân rao giảng Tin Mừng. Đức can đảm siêu nhiên này giúp họ lướt thắng mọi đam mê, kiểm soát sự giận dữ, chu toàn bổn phận, chống lại sự buồn tẻ đơn điệu, hầu dấn bước cho một lý tưởng duy nhất là đem ơn cứu độ đến cho muôn người.
Mặt khác, như bà mẹ trong sách Macabe trở thành nguồn trợ lực cho các con tuẫn đạo khi tưởng chừng như Thiên Chúa đã bỏ rơi Israel, cũng tựa như Mẹ Maria hiện diện dưới chân thập giá trở thành nguồn an ủi cho Con Chí Thánh trong giờ hiến tế khi mà dường như Chúa Cha hoàn toàn im lặng, thì khi giữa dòng đời hôm nay đầy đau thương và mọi người tưởng như Thiên Chúa vắng bóng hoặc không có, thì những chứng nhân truyền giáo phải có mặt để tương trợ họ hầu mọi người thấy Thiên Chúa vẫn có đó và vẫn hiện diện nơi những con người sống bác ái yêu thương…
Ngoài những hình ảnh nêu trên, Cựu Ước còn cho thấy nhiều hình ảnh nổi bật nơi những người phụ nữ Do Thái khác, có vai trò đặc biệt trong lịch sử cứu độ, mà sau này truyền thống giáo phụ và phụng vụ xem là hình ảnh của Đức Maria như: Bà Anna là mẹ của Samuel (x. 1Sm 1), bà Esther (x. Et 5, 1-5; 14-15,9), bà Maria là chị của Môisê (x. Xh 15, 20-21), bà Noémi (x. R 1, 20-21), bà Respha (2Sm 21)…[16]
Đức Maria vượt trên tất cả những người khiêm hạ và khó nghèo của Thiên Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và được Thiên Chúa cứu độ. Sau thời mong đợi đằng đẵng chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa; thời gian đã nên trọn và nhiệm cục mới được thiết lập với Đức Maria, người “Thiếu Nữ Sion tuyệt vời”[17].
f. Thiếu nữ Sion: đặc trưng ưu tuyển và đại diện cho cộng đồng (x. Xp 3, 14-17 // Lc 1, 28-41).
Các danh gọi trong Thánh Kinh, đặc biệt những nhân vật nổi bật được nhắc tới trong bộ Ngũ Kinh, thường gắn liền với một vai trò quan trọng như: Adam (con người), Eva (mẹ chúng sinh); hay gắn liền với những sự kiện như: Isaac (nó đã cười), Môisê (vớt lên từ nước); hoặc phản ánh cá tính của một ai đó như: Phêrô (đá), Giacôbê (con của sấm sét)… Theo cách đó, nhiều cô gái Do Thái được phụ mẫu đặt tên là “Myriam” hay “Maria”, như phản ảnh một sự xinh đẹp và quý phái. Tiếng “Myriam” theo tiếng Aram có nghĩa là “công chúa” hoặc “lệnh bà”[18]. Danh gọi này được khởi hứng từ từ sự kính trọng đối với người chị của Môisê là Myriam, một gương mặt thân ái đối với dân Israel. Thật vậy, cho đến một thời kỳ gần kỷ nguyên Kitô Giáo của Tân Ước, sự tưởng nớ đến bà Myriam được trở nên danh tiếng thêm bằng những truyền thống biểu dương vai trò của bà đã góp phần cứu sống vị đại ngôn sứ Môisê là lãnh tụ cứu dân Israel thoát cảnh nô lệ Aicập. Thiết nghĩ, Mẹ của Đức Giêsu cũng được những người trong dòng họ Người gọi là Maria, trước hết để bày tỏ lòng kính trọng thân thương dành cho bà Myriam thời xuất hành.
Dựa trên truyền thống Palestin, thánh sử Luca cho thấy Đức Maria là một phụ nữ Do thái đạo hạnh, trung thành tuân giữ lề luật (x. Lc 2, 22. 27. 39), biết lấy chính những từ ngữ Cựu Ước để diễn tả những lời Người đáp lại sứ điệp của Thiên Chúa (x. Lc 1, 38). Đặc biệt kinh Magnificat của Người là một bài ca ghép nối nhiều câu Thánh Vịnh và lấy từ cảm hứng bài ca vãn của bà Anna (x. 1Sm 2, 1-10 // Lc 1, 46-55). Như vậy, có thể nói, từ danh gọi, đời sống đạo hạnh và vai trò đại diện cộng đồng để dâng lời lời kinh ca ngợi, và hơn nữa góp phần cộng tác trong công cuộc giải phóng nhân loại, Đức Maria xứng đáng và hơn thế nữa đối với tước hiệu được dành tặng cho Người là “Thiếu Nữ Sion”.
Thần học gia Franz Mussner đề tặng trong tác phẩm “Thiếu Nữ Sion” như sau: “Cô thiếu nữ Do Thái Myriam, được các Kitô hữu biết dưới cái tên là “Maria’, nghĩa là Mẹ Đức Giêsu, trong thái độ đức tin, đã luôn luôn tỏ ra mình là con gái của Abraham”[19]. David Flusser, một Rabi nổi tiếng của Do Thái cũng khẳng định: “Về phương diện lịch sử, Đức Maria dưới con mắt mọi người, là chiếc vòng nối kết một cách vững chắc Đức Giêsu và dân Do Thái. Đấng cứu chuộc đức tin Kitô Giáo đã được sinh ra từ một phụ nữ Do Thái tên là Maria”[20]. Trong khi đó, công đồng Vaticano II cũng xác định dựa theo những lời như thánh tông đồ Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma (Rm 9, 4-5): “Maria đã được Thiên Chúa nhận là con, được Người cho thấy vinh quang, được ban tặng giao ước lề luật, nền phụng tự và các lời hứa của con cháu các tổ phụ; và sau hết chính Đức Kitô, Con của Đức Trinh Nữ Maria, xét theo huyết thống cũng cùng một nòi giống với Ngài”[21].
Như vậy, Maria thành Nazareth là một người cụ thể, hoà nhập vào trong một bối cảnh lịch sử và xã hội nhất định ở Palestin ở thế kỷ đầu. Maria là một phụ nữ Do Thái, từ ý nghĩa danh gọi (Myriam – Maria) đến dòng giống huyết thống là một “thiếu nữ Sion”.
Cũng trong văn chương Do Thái, với kiểu nói ví von, thường một thành phố quan trọng được ví như một thiếu nữ, chẳng hạn: thiếu nữ Babilon (Tv 137, 8), thiếu nữ Ai Cập (Gr 46, 11); thiếu nữ Êđôm (Ac 4, 21). .. Sion là quả đồi nơi David chiếm của địch để xây dựng thủ đô và sau đó Salomon đã xây cất đền thờ Giêrusalem. Vì thế, thiếu nữ Sion cũng đồng nghĩa với thiếu nữ Giêrusalem (x. Is 1, 8; 2, 3; 4, 3-5; 30, 19tt). Các ngôn sứ thường dùng cách nói “thiếu nữ Sion” để chỉ thành phố Giêrusalem, chỉ đền thờ, nhưng đôi khi chỉ cả dân tộc Israel – một danh xưng của dân Thiên Chúa. Như ngôn sứ Sophonia tuyên sấm: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi…” (Xp 3, 14-15); ngôn sứ Dacaria cũng viết: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi” (Dcr 9, 9).
Theo thánh sử Luca, cho thấy khi áp dụng lời ngôn sứ Sophonia và Dacaria trong các biến cố Truyền Tin và Thăm Viếng (x. Lc 1, 26-56), thì Đức Maria không phải chỉ là mnột phụ nữ Do thái, mà là một “thiếu nữ Sion”. Luca đã trình bày Đức Maria như là “thiếu nữ Sion” theo nghĩa của thành ngữ Cựu Ước dùng để nhân cách hoá dân Chúa. Lời thiên thần chào “hãy vui lên!” không phải là một lời chào thông thường, nhưng nó gợi lên những lời hứa về ngày Chúa viếng thăm thành thánh của Người (x. Xp 3, 14-15 và Dcr 9, 9). Tước hiệu “đầy ân sủng”, đối tượng tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa, có thể gợi lên hình ảnh người hôn thê trong Diễm Tình Ca, một trong những hình ảnh cổ truyền kỳ cựu nhất về dân riêng Chúa.
Đối chiếu bản văn Sophonia: “Mừng vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi” (Xp 3, 14-15) với bản văn Luca: “Mừng vui lên, hỡi bà đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28), có thể thấy rõ ràng là thiên sứ Gabriel nhìn nhận Đức Maria là thiếu nữ Sion, nói đúng hơn, Đức Maria là hiện thân hoàn hảo của dân Chúa. Vì người Do Thái quen chào nhau mở đầu bằng từ “Shalom!” nghĩa là “bình an”, trong khi sứ thần Gabriel lại dùng từ “Kaire!” nghĩa là “Hãy vui lên” để chào Đức Maria, phải chăng đó là một sự tuyên nhận Đức Maria là “thiếu nữ Sion đích thực”[22].
Các chứng cứ văn chương ấy tương xứng với vai trò của Đức Maria trong những bối cảnh đó: một mình Mẹ nhân danh cả “nhà Giacob” tiếp nhận Tin Mừng Cứu Rỗi; Người đón nhận và làm cho sự cứu rỗi có thể hoàn tất. Sau cùng, trong bài ca Magnificat, ngoài lòng biết ơn riêng tư (x. Lc 46-49), Người còn mau mắn nói lên niềm tri ân và vui sướng thay cho dòng dõi Abraham (x. Lc1, 50-55)[23]. Như thế, khi áp dụng cho Đức Maria danh hiệu “thiếu nữ Sion” thì vừa mang tính cá nhân, vừa đại diện cho Israel mới, đồng thời vừa đại diện cho nhân loại mới đón Tin Mừng thời điểm cứu độ bắt đầu. Chính trong nhãn quan này, người ta nhìn Đức Maria là Hội Thánh và là nhân loại mới…[24]
Công đồng Vaticano II trong hiến chế Lumen Gentium, số 55 cũng gọi Đức Maria là “thiếu nữ Sion cao sang” khi xác nhận: “Cuối cùng, sau đêm dài mong đợi lời hứa được thực hiện, với Đức Maria, người thiếu nữ Sion cao sang, thời gian đã nên trọn, đã viên mãn”. Thông điệp Redemptoris Mater cũng viết: “Trong tâm hồn của người thiếu nữ Sion này, một cách nào đó đã hiện lên tất cả vinh quang của ân sủng mà Thiên Chúa Cha quyết định rộng ban cho chúng ta nơi Con yêu dấu”[25].
Như vậy, khi áp dụng cho Đức Maria tước hiệu “Thiếu Nữ Sion” vừa mang tính cá nhân, vừa đại diện cho Israel mới, đồng thời đại diện cho nhân loại mới đón nhận Tin Mừng, cho thấy tính truyền giáo ở đây là vai trò của sứ giả Tin Mừng không chỉ mang tính cá nhân, nhưng còn là đại diện cho nhân loại, đại diện cho Hội Thánh đón nhận và trao ban ân sủng, lãnh nhận ơn cứu độ và đem ơn cứu độ đến cho mọi người.
[1] Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 61.
[2] x. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, LỜI CHÚA CHO MỌI NGƯỜI, phần chú thích, tr. 39
[3] x. Saint Bernadus, DE MARIA NUNQUAM SATIS…, p. 56.
[4] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, TÔNG THƯ MULIERIS DIGNITATEM, số 11.
[5] Isaac tiếng Hípri có nghĩa là “nó đã cười”.
[6] x. Lm. Hoàng Đắc Ánh, THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA, tr. 43.
[7] x. Lm. Hoàng Đắc Ánh, THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA, tr. 47.
[8] x. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, LỜI CHÚA CHO MỌI NGƯỜI, phần chú thích, tr. 699.
[9] x. Lm Tanila Hoàng Đắc Ánh, THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA, tr. 48.
[10] x. Pseudo – Philon, LES ANTIQUITEUS BIBLIQUES, p. 255 – 256 ; 268 – 271.
[11] x. Tài liệu Thánh Mẫu Học, MYRIAM – THIẾU NỮ SION, năm 2003, tr. 116.
[12] x. A. Sera, MARIA À CANA. MARIE AU PIES DE LA CROIX, Cerf, Paris, 1983, p. 22-26 ; 62-72.
[13] x. Tài liệu Thánh Mẫu Học, MYRIAM – THIẾU NỮ SION, năm 2003, tr. 124-125.
[14] x. Saint Bernard, DE SERM. D. IN COENG. s, 4.
[15] x. Terence Cooke, MENDITATIONS ON MARY, p.73.
[16] Xem thêm: Jean fournée, LA VIERGE AUX QUINZE SIMBOLES, Téqui, Paris Vie, 1990.
[17] Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 55.
[18] Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, mục Maria.
[19] Franz Mussner, Il Popolo, p. 5, 123.
[20] David Flusser, Il Cristianesimo. Una religioneebraica. Edizioni Paoline, Cinisello Balsamo Milan, 1992, p. 26.
[21] Notra eatate 4, dans Concile Oecuménique Vatica II, centurion, Paris 1967, p. 697.
[22] … trong Cựu Ước chỉ có 3 chỗ khởi đầu lời ngôn sứ bằng từ “Kaire”: Xp 3, 14-17; Ge 2, 21-27 và Dcr 2, 14-15.
[23] Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, mục Maria.
[24] x. Lm Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr. 95.
[25] Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 8.
Discussion about this post