- Các biểu tượng.
Sau khi lượt qua một số hình ảnh tiêu biểu mang tính truyền giáo nơi những nhân vật Cựu Ước, chúng ta tiếp tục tìm hiểu một số các biểu tượng mà các giáo phụ và Phụng Vụ áp dụng vào Đức Maria, như:[1]
Địa đàng (St 2, 8).
Tàu Nôê (St 6, 18-19).
Cầu vồng (St 9, 12-17).
Thang Giacob (St 28, 12).
Bụi gai bốc cháy (Xh 3, 2).
Bình vàng (Xh 16, 33-34).
Bàn xá tội (Xh 25, 17-18; Lv 16, 14).
Bàn dâng lễ vật (Xh 25, 23-30; Lv 24, 5-9).
Chân đèn bảy ngọn (Xh 25, 31-39).
Bàn thờ dâng hương (Xh 30, 1-10).
Sao mai (Ds 24, 17).
Vùng đất phì nhiêu (Đnl 8, 7; 33, 28; Tv 84, 13; Is 45, 8).
Da cừu Gédéon (Tl 6, 36-40; Is 45, 8).
Cây gậy nở hoa (Ds 17, 23; Is 11, 1).
Thành đô Thiên Chúa (Tv 77; 86, 3; 97).
Cây bá hương trên núi Liban (Hc 24).
Cửa niêm phong (Ed 44, 1-2
…
Dưới đây chỉ tập chú đến ba biểu tượng được kể là nổi bật nhất: Hòm bia giao ước, đền thờ và núi Sinai.
a, Hòm bia Thiên Chúa: Đặc trưng cưu mang Lời Thiên Chúa, hiện diện và đồng hành (x. Xh 40, 35 // Lc 1, 35).
Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Israel được biểi lộ bằng nhiều cách khác nhau, mà hòm bia là một dấu chỉ khả giác của sự hiện diện đó.
Được che chở dưới lều, hòm bia giống như một đền thờ lưu động đi theo dân Israel trong suốt hành trình trong sa mạc và giai đoạn đầu vào đất hứa, khởi sự từ Sinai cho đến lúc có đền thờ, và hòm bia chỉ được cố định khi có đền thờ. Chúng ta có thể thấy nơi hòm bia những đặc trưng sau đây;
– Hòm bia là vinh quang của Israel (1Sm 4, 22; Ac 2, 1).
– Hòm bia là sức mạnh của Đấng Uy Quyền (Tv 132, 8; 78, 61).
– Hòm bia là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người (Ds 10, 35; 1Sm 4, 7).
– Hòm bia đòi hỏi những ai đến gần phải sống thánh thiện (1Sm 6, 19; 2Sm 6, 1-11).
Các đặc trưng trên được áp dụng cho Đức Maria, khi mọi đời ca tụng Mẹ là vinh quang của những ai được cứu chuộc, là sức mạnh cho mọi người náu ẩn khi bị bách hại, là sự hiện diện của Thiên Chúa vì mẹ cưu mang chính Ngôi Lời Thiên Chúa và là mẫu gương của sự thánh thiện vẹn toàn.
Hòm Bia trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân: “Ta sẽ đặt ‘Nhà Tạm’ của Ta giữa các ngươi, và sẽ không chán ghét các ngươi” (Lv 26, 11). Sách Xuất Hành ghi lại việc Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê làm Hòm Bia và Lều Hội Ngộ. Khi làm xong, Thiên Chúa thần hiện một cách nhãn tiền: đám mây ngự xuống và rợp bóng trên lều. Chính Thiên Chúa hiện diện giữa dân qua Hòm Bia mà Người hướng dẫn cho họ (x. Xh 40, 34-38).
Nếu so sánh hai đoạn văn Xh 40, 35 và Lc 1, 35, chúng ta dễ dàng nhận thấy chủ ý của tác giả Luca viết theo ngôn ngữ xuất hành để áp dụng cho Đức Maria. Sách Xuất Hành cho thấy người Do Thái tin rằng “đám mây”, “rợp bóng” trên Hòm Bia Giao Ước là dấu chỉ vinh quang Thiên Chúa ngự đến bao phủ trên đó, thì khi miêu tả biến cố Truyền Tin, tác giả Luca đã ghi lại lời sứ thần Gabriel nói: “Quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên Bà”.
Linh mục Tanila Hoàng Đắc Ánh liệt kê một số so sánh song song như sau:[2]
* Đám mây che phủ Lề Hội Ngộ (x. Xh 40, 34) // “Quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên Bà” (Lc 1, 35).
* Vua David nói: “Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?” (2Sm 6, 9) // Bà Elizabeth nói với Đức Maria: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 43).
* Hòm Bia Đức Chúa lưu lại nhà ông Ô-vết Ê-đôm ba tháng trước khi được đem về lại thành Giêrusalem (x. 2Sm 6,10) // Đức Maria ở lại nhà bà Elizabeth độ ba tháng, rồi trở về nhà (x. Lc 1, 56).
* Vua David và toàn thể nhà Israel rước Hòm Bia Thiên Chúa giữa tiếng hò reo (x. 2Sm 6, 15) // Bà Elizabeth kêu lớn tiếng… (x. Lc 1, 42).
* Vua David nhảy múa trước (Hòm Bia) nhan Đức Chúa (x. 2Sm 6, 16) // Vừa nghe tiếng Đức Maria chào, thì đứa con trong bụng bà elizabeth nhảy lên vui sướng (Lc 1, 44)
…
Hòm Bia giao ước còn được gặp thấy trong Tân Ước: “Đền thờ Thiên Chúa mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong đền thờ…” (Kh 11, 19 – 12, 1). “Đây là nhà Tạm thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ giữa họ…” (Kh 21. 1-3).
Hòm Bia chứa “mười Lời Thiên Chúa”, còn khi cưu mang Đức Giêsu, Đức Maria cưu mang chính Thiên Chúa. Cũng như Hòm Bia trở thành dấu chỉ khả giác sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người, Đức Maria trở thành dấu chỉ Thiên Chúa đã đến với nhân loại, Đấng là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Hòm Bia trở thành nơi để con cái Israel tin tưởng và tìm đến thỉnh ý Thiên Chúa, Đức Maria là nơi nương nhờ để mọi người tìm đến gặp gỡ Ba Ngôi Thiên Chúa, Mẹ trở thành trung gian trong trung gian Đức Kitô con yêu dấu của Mẹ (quan niệm “qua Mẹ tới Chúa” được hiểu theo nghĩa này).
Như vậy, hình ảnh đẹp nhất mang tính truyền giáo biểu trưng cho Đức Maria mà các sứ giả Tin Mừng noi theo chính là mang Lời Thiên Chúa trong mình và dùng Lời Chúa để dưỡng nuôi dân Chúa trong hành trình đức tin của họ, tựa như Hòm Bia chứa đựng bia ghi khắc Lời Thiên Chúa và đồng hành với dân Israel suốt hành trình sa mạc. Người đi rao giảng Tin Mừng còn là nơi cho mọi người tin tưởng tìm đến để gặp gỡ Thiên Chúa và được hưởng nguồn ơn phúc của Người, tựa Hòm Bia trở thành nơi cực thánh để dân Israel tin tưởng hướng về để thỉnh ý và cầu xin Thiên Chúa để được Người ban ơn.
b, Đền thờ Giêrusalem: đặc trưng hiện diện và gặp gỡ (1V 8, 10 // 1Cr 6, 19).
Trong mọi tôn giáo, đền thờ là nơi thánh, là nơi quy tụ các tín đồ, như là chốn thần linh hiện diện với con người để tiếp nhận phụng tự của họ và cho họ thông phần vào các ân huệ và sự sống thần linh, chắc hẳn nơi cư ngụ thần linh không thuộc thế giới vật chất, nhưng có thể nói, đền thờ được đồng hoá với nơi cư ngụ ấy, đến độ nhờ đền thờ mà con người giao tiếp được với thế giới thần linh. Người ta gặp thấy tính cách biểu tượng này trong Cựu Ước, mà trong đó, đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ hữu hình sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Israel.[3]
Nếu Hòm Bia là nơi Thiên Chúa hiện diện, đi theo dân suốt cuộc hành trình trong sa mạc, thì khi đã an cư trong đất hứa, đền thờ là nơi Thiên Chúa sẽ hiện diện ở đó để dân Người đến đó mà cử hành phụng tự, lắng nghe Lời Thiên Chúa, cầu xin Thiên Chúa và được Người ban phúc lành.
Nhưng vì đền thờ vật chất thì hữu hạn và bao lần bị tàn phá, nên người ta tìm hướng đến đền thờ thiêng liêng có tính vĩnh tồn, mà sau này nơi giáo huấn của thánh Phaolô, chính các tín hữu đã ý thức được rằng chính họ kết thành đền thờ mới, đền thờ thiêng liêng nối dài “đền thờ thân thể Đức Kitô”. Hội Thánh là đền thờ được thiết lập trên Đức Kitô, nền tảng, đầu và là đá góc tường (x. 1Cr 3, 10-17; 2Cr 6, 16tt; Ep 2, 20); đền thờ đặc biệt này là nơi cả người Do Thái lẫn lương dân đều có thể đến gần Chúa Cha trong cùng một Thánh Linh mà không phân biệt gì hết (x. Ep 2, 14-12).
Các Kitô hữu đều là đền thờ của Thiên Chúa với tư cách là chi thể của Thân Thể Đức Kitô (x. 1Cr 6, 15; 12, 27) và thân xác họ là đền thờ Chúa Thánh Linh (x. 1Cr 6, 19; Rm 8, 11). Hai khẳng định ấy liên kết với nhau: bởi thân xác sống lại của Đức Kitô, nơi thần tính ngự một cách hữu hình (x. Cl 2, 9), chính là đền thờ tuyệt hảo của Thiên Chúa, các Kitô hữu chi thể của thân xác ấy hợp với Người kết thành đền thờ thiêng liêng; họ phải cộng tác vào việc tăng triển thân xác ấy trong đức tin và đức ái (Ep 4, 1-10).[4]
Theo phương diện này, trổi vượt trên tất cả mọi Kitô hữu, Đức Maria là ‘Kitô hữu đầu tiên’ xứng đáng là đền thờ lộng lẫy xinh đẹp nhất của Thiên Chúa nơi trần gian, được bao quanh bởi các nhân đức. Cung lòng của Mẹ đã trở thành ngai toà Con Chúa nhập thể.
Đền thờ Giêrusalem là nhà ở tượng trưng của Thiên Chúa, Đấng sống giữa Israel dân Người. Các tiên tri thường ca ngợi: Đức Chúa. Vua của Israel đang ở giữa ngươi; Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ở nơi ngươi; hoặc: Ta đến để ở lại giữa ngươi… (Xp 3, 15-17; Dcr 2, 14). Giêrusalem chiếm đặc quyền làm “mẹ Thiên Chúa’ vì trong lòng nó, trong các bức tường của nó có chứa đựng sự hiện diện của Thiên Chúa, được gọi là “Shekinah”, nghĩa là “nơi ở của Chúa”, “nhà ở của Chúa”.[5] Hình ảnh này báo trước về Đức Maria, vì trong người Mẹ của Đức Giêsu, quả nhiên chúng ta thấy một Giêrusalem khác, nhưng được dựng lên cho một nhiệm cục cao hơn. Khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể trong Đức Maria, Thiên Chúa đã thực hiện một hình thức nhà ở tuyệt đối mới lạ ở giữa chúng ta, vì: “Ngôi Lời đã mặc xác phàm và cắm lều giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Bụng của các bức tường Giêrusalem được thay thế bởi cung lòng Mẹ Đồng Trinh, bao choàng Con Thiên Chúa bằng xác thịt mình (x. Lc 1, 30-31; Xp 3, 15. 17; Dcr 2, 14) và đền thờ bằng đá biến thành chính con người của Đức Kitô (x. Ga 2, 19-22), đã trở nên con của con người qua trung gian thừa tác vụ làm mẹ của Đức Maria.[6]
Với ánh sáng Phục Sinh, các tín hữu đã đọc lại Cựu Ước đã tìm thấy ý nghĩa tiên trưng cho Đức Giêsu và Thánh Mẫu của Người. Văn chương Gioan đặc biệt tiên phong cho sự tái giải thích này. Đức Giêsu, bằng cái chết đã tụ họp vào trong một khối duy nhất những người con sống tản mác của Thiên Chúa, nghĩa là toàn thể nhân loại (x. Ga 10, 16; 11, 51-52), quy tụ những ai đang bị phân tán do ác thần vào trong một Giêrusalem mới (x. Ga 10, 12; 16, 32).
Đền thờ mới là chính con người của Đức Kitô mà trong đó Chúa Cha và Chúa Con là sự hiệp nhất hoàn hảo (x. Ga 10, 30) và thành Giêrusalem – mẹ mới là Hội Thánh (x. Ga 10, 16), được tượng trưng trong con người của Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu dưới chân thập giá. Nếu ngôn sứ nói đến Giêrusalem xưa, mẹ của những kẻ sống tản mác: “Con cái của Người được tập họp tất cả” (Is 60, 4), thì bây giờ Đức Giêsu nói với Mẹ Người: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19, 26). Người con này là môn đệ thương mến của Đức Giêsu, đại diện cho toàn thể nhân loại bị phân tán và được hiệp nhất nhờ cái chết của Đức Kitô. Nói cách khác, chúng ta có một sự chuyển dịch hình ảnh, từ Giêrusalem đến Mẹ của Đức Giêsu. Giêrusalem là mẹ của những người sống tản mác trở về (x. Er 6, 19-21), được tập họp lại trong đền thờ mọc lên ở bên trong các bức tường của nó, mẹ Đức Giêsu là Mẹ của các con cái Thiên Chúa bị phân tán, được hiệp nhất trong con người của Đức Giêsu Kitô.[7]
Tóm lại, đền thờ Giêrusalem là hình ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa và hiện diện của đền thờ giữa dân Chúa, Giêrusalem như hiện thân của một “người mẹ cưu mang Thiên Chúa để Người ở cùng nhân loại” và đặc biệt đền thờ là nơi quy tụ mọi con cái Israel và cả các dân tộc lưu lạc trở về. Khi ví Đức Maria như là đền thờ Giêrusalem, chúng ta thấy toát lên hình ảnh truyền giáo nơi Mẹ là sự hiện diện của Thiên Chúa trong Mẹ, đồng thời sự hiện diện của Mẹ giữa những người tin Chúa, đặc biệt Mẹ trở nên mối hiệp nhất cho mọi người, khởi đi từ biến cố nơi núi Ôliu trở về sau khi Chúa Thăng Thiên để cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh thần ngự xuống (x. Cv 1, 14). Tấm gương của Mẹ Maria là một lời mời gọi những ai đi rao giảng Tin Mừng, luôn cưu mang Chúa trong mình, luôn hiện diện đồng hành với đoàn chiên và trở nên dấu chỉ hiệp nhất cho mọi người.
c, Núi Sinai: đặc trưng giao ước (Xh 19-21 // Lc 1, 26-38).
So với các biểu tượng khác mà Jean Fournée kể ra và sau này đã hình thành nên ‘kinh cầu đức Bà’, có lẽ hình ảnh núi Sinai ít được mọi người biết đến nhất và hầu như hiếm thấy dùng hình ảnh núi Sinai để áp dụng cho Đức Maria. Thế nhưng, Sinai lại là một hình ảnh rất đẹp khi so sánh với Đức Maria trong biến cố truyền tin qua việc thần hiện, lời đáp trả và sự khiêm tốn. Tất cả các yếu tố này hình thành nên một sự ký kết giao ước và “tân giao ước” giữa Thiên Chúa với Israel và toàn nhân loại.
Giao ước Sinai trước hết là một hôn ước thần nhiệm của Israel với Thiên Chúa. Tại đây, tác giả của biến cố vĩ đại này là ba nhân vật: Thiên Chúa, ông Môisê và dân Israel. Qua trung gian Môisê làm phát ngôn viên nói với dân lời Thiên Chúa về những dự định thiết lập mối dây ràng buộc rất đặc biệt qua sự tiếp nhận lề luật; dân Israel được giải thích, hiểu và đã nhất trí đáp lại, và sau đó họ được ban cho lề luật qua hai bia đá ở với họ, rồi giao ước đã được ký kết. Kể từ đó Thiên Chúa đã trở thành Phu Quân của Israel và Israel là hiền thê của Người (x. Ed 16, 18). Hình ảnh đó được lặp lại trong cuộc truyền tin, tại đây ba diễn viên: Thiên Chúa, thiên thần Gabriel và Đức Maria. Qua trung gian thiên sứ Gabriel là phát ngôn viên của Thiên Chúa giải thích rõ ý định công trình của Thiên chúa về giao ước mới cho Đức Maria, vừa là ‘thiếu nữ Sion’ – ‘con gái Abraham’ – và của dân Israel, đặc biệt đại diện cho nhân loại đáp trả lời “xin vâng” (fiat), để đón lấy chính Thiên Chúa nhập thể và “giao ước vĩnh cửu” được thiết lập từ đây, Đức Giêsu trở thành Tân Lang mà Tân Nương là Hội Thánh.
Có thể liệt kê ra một vài đối chiếu như sau:
Sinai | Truyền tin | |
Nhân vật | – Thiên Chúa là chủ giao ước.
– Môisê là phát ngôn viên.
– Dân Israel. |
– Thiên Chúa là chủ tân giao ước.
– Thần sứ Gabriel là phát ngôn viên. – Đức Maria (đại diện cho dân mới). |
Lời đối đáp | – Thiên Chúa qua Môisê nói về ý định lập giao ước (x. Xh 19, 5-6).
– Dân Israel được Môisê giải thích, hiểu, và đáp lại lời hứa: “Mọi lời Đức Chúa phán, chúng tôi xin thi hành” (Xh 19, 8). |
– Thiên Chúa qua thần sứ Gabriel nói về ý định cứu độ (lập tân giao ước. Lc 1, 26-33).
– Đức Maria, được Thần sứ Gabriel giải thích, hiểu và thưa “xin vâng” (x. Lc 1, 38). |
Ký giao ước | – Thiên Chúa ban lề luật và Thiên Chúa hiện diện nơi bia đá theo dân Israel suốt hành trình…
– Hôn ước giữa Thiên Chúa và Israel: Thiên Chúa là Phu Quân và Israel là hiền thê. |
– Con Thiên Chúa nhập thể vào cung lòng Trinh Nữ Maria và ở cùng nhân loại.
– Hôn ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và loài người: Đức Kitô là Tân Lang và Hội Thánh là Tân Nương. |
Như vậy, tại biến cố truyền tin giao ước mới đã bắt đầu. Giao ước mới này trổi vượt hơn hẳn giao ước Sinai về phẩm chất, vì Thiên Chúa sắp thực hiện công trình của Người đã dự định từ thuở đời đời, mà trong đó giao ước Sinai chỉ đóng vai trò chuẩn bị. Thiên Chúa muốn gần chúng ta hơn nữa, khi lặp lại sự sáng tạo trước kia “Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh giống như Thiên Chúa” (St 1, 26-27) và bây giờ không những con người giống hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thành người thật, khi Con Thiên Chúa mặc lấy nhân tính, mặc lấy xác thịt, mặc lấy khuôn mặt của con người, vì “Ngôi Lời đã thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Để thực hiện dự định tuyệt vời vượt quá sự mong đợi của loài người, Thiên Chúa đã cần đến sự cộng tác của một phụ nữ, và người phụ nữ được tuyển chọn cho sứ mệnh này là Maria thành Nazareth.[8]
Chúng ta lần lượt tìm hiểu một số yếu tố trong việc ký kết giao ước và “tân giao ước”:
* Thần hiện.
Thánh Kinh Cựu Ước nhắc đến việc Thiên Chúa chọn núi Sinai làm nơi hiển ngự (Shekinad: chỗ ở): “Hỡi rặng núi ngất cao, cớ sao mi lườm nguýt ngọn núi được Chúa Trời dành làm nơi ngự trị” (Tv 68, 17). Còn Đức Maria trở thành nơi được ‘Thiên Chúa yêu thích ở giữa dân Người’, Thiên Chúa đã tuyển chọn cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria để được là Emmanuel.
Mây bao phủ dày đặc và vinh quang bao trùm núi Sinai khi Thiên Chúa ngự xuống (x. Xh 19, 16), Đức Maria cũng được bao quanh bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần sẽ đến trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên Bà” (Lc 1, 35).
Dân Israel đã thanh tẩy mình trong sạch, cụ thể là không gần gũi việc vợ chồng, để xứng đáng đón nhận giao ước và lề luật (x. Xh 19, 14-15). Đức Maria được chuẩn bị hoàn toàn trinh khiết, thánh thiện và thái độ sẵn sàng khi nhận lấy Ngôi Lời Thiên Chúa đến trong cung lòng mình (“vì tôi không biết đến việc vợ chồng” Lc 1, 34).
* Fiat.
Các Rabbi Do Thái đã dùng một số câu đặc biệt trong sách Diễm Ca để áp dụng cho mặc khải của Thiên Chúa ở núi Sinai như một cuộc hôn nhân:
Thiên Chúa – Phu Quân ôm hôn Israel – hiền thê nơi giao ước Sinai (x. Dc 1, 2).
Lời đáp trả của Israel như cam tùng thơm mát bay lên trước núi Sinai (x. Dc 1, 12).
Sau khi phán dạy những điều ghi trong lề luật, Thiên Chúa muốn được nghe tiếng Israel đáp trả tựa như mong muốn người yêu lên tiếng và được nghe tiếng người yêu nói (x. Dc 2, 14).
Tất cả những so sánh này sẽ càng thích hợp hơn khi nói về Đức Maria nơi biến cố truyền tin, Mẹ xứng đáng là hiền thê được Thiên Chúa ôm hôn lúc Ngôi Lời nhập thể, Mẹ là hương thơm thánh thiện bay lên trước toà Thiên Chúa, đặc biệt, theo thánh Bernard thì lúc truyền tin, Ba Ngôi Thiên Chúa hồi hộp và vũ trụ lặng im chờ Đức Maria thưa tiếng “xin vâng”[9].
* Khiêm tốn.
Để ban lề luật, Thiên Chúa chọn núi Sinai, ngọn núi được xem là thấp bé so với sự hùng vĩ của các ngọn núi khác như núi Basan, Thabor, Carmel… Thánh vịnh 68, 16-17 đã cho thấy điều đó: “Hỡi basan rặng núi ngất cao, cớ sao mi lườm nguýt ngọn núi được Chúa Trời dành làm nơi ngự trị”, đọc lại các câu trước đó (c. 3-15) ta biết ngọn núi được Chúa chọn làm nơi ngự trị đó chính là núi Sinai mà các rặng núi cao khác đã ganh tị. Việc Thiên Chúa Tối Cao chọn ngọn núi thấp bé Sinai mà không chọn những ngọn núi hùng vĩ khác để hiển ngự, cho ta liên tưởng đến sự khiêm tốn của “nữ tỳ Maria”, đặc biệt trong bài Magnificat mà Đức Maria đã hát lên tán tụng Thiên Chúa vì “Người đã đoái thương nhìn đến tỳ nữ hèn mọn… dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, hạ bệ người quyền thế và nâng cao kẻ khiêm nhường” (x. Lc1, 48. 51-53). Thật vậy, cũng giống như chọn núi Sinai thấp bé để thực hiện giao ước, Thiên Chúa đã dùng cùng một cách đó khi chọn Đức Maria khiêm tốn để thực hiện Giao Ước Mới. Thiên Chúa đã đảo lộn những sự tự phụ của những người tin là mình vững mạnh nhờ khả năng riêng của mình.
Tóm lại, đặc tính chủ đạo mang tính truyền giáo của Đức Maria khi đối chiếu với Sinai, chính là nơi để Thiên Chúa thiết lập một giao ước vĩnh cửu là đến ở với nhân loại. Đó cũng là tâm tình của những ai lo việc thông truyền đức tin Kitô giáo, biết dẫn đưa mọi người vào hôn ước thần nhiệm với Đức Kitô, chính họ cũng phải luôn xứng đáng để Thiên Chúa hiển ngự nhờ sự vâng phục và khiêm tốn.
[1] x. Jean Fournée, LAVIERGE AUX QUINZE SYBOLES, Téqui, Paris Vie, 1990.
[2] x. Lm Tanila Hoàng Đắc Ánh, THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA, tr. 52.
[3] x. Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, mục Maria.
[4] x. Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, mục Đền Thờ.
[5] x. Tài liệu Thánh Mẫu Học, MYRIAM – THIẾU NỮ SION, năm 2003, tr. 266.
[6] x. A. Serra, MARIA SECONDO IL VANGELO, p. 35-40.
[7] x. Tài liệu Thánh Mẫu Học, MYRIAM – THIẾU NỮ SION, năm 2003, tr. 268-269.
[8] Tham khảo Tài liệu Thánh Mẫu Học, MYRIAM – THIẾU NỮ SION, năm 2003, tr. 242.
[9] x. Sancti Bernardi opera . q. VIII.
Discussion about this post