Dẫn nhập
Hội Thánh bước đi trong thế giới, song hành để chia sẻ “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” với nhân loại, hầu cho muôn người ý thức sự hiện hữu của Thiên Chúa và hướng mọi người về ơn cứu độ.
Hội Thánh khắc khoải ưu tư với thực trạng thế giới, nhập thế giữa lòng thế giới cùng với sự văn minh và suy thoái của nó, cách riêng là lời cảnh tính cho thế giới càng văn minh về vật chất càng suy thoái về những giá trị luân lý đạo đức tinh thần.
Thật vậy, thế giới ngày hôm nay tuy đang đạt tới đỉnh cao của khoa học kỹ thuật, nhưng cũng đang đạt tới “đỉnh điểm” của sự thực dụng, hưởng thụ dục vọng và tôn thờ vật chất; các tương giao giữa người với người và tương giao hữu nghị giữa các nước dựa trên kinh tế lợi nhuận và vũ khí chiến lược hơn là tương giao nhân ái, tương trợ và hoà bình. Giới trẻ học hỏi nhau phong cách hưởng thụ hơn là những kiến thức bổ ích cho xã hội, học hỏi các “mốt” thời trang và các trò tiêu khiển hơn là giá trị đạo đức và tinh thần. Đặc biệt tìm thoả mãn dục vọng và coi thường sự sống, mất dần ý thức về tội lỗi; sự dữ lan tràn và nhân loại sống như “Thiên Chúa không hiện hữu”.
Có thể nói, thảm kịch đồi Calvê ngày xưa khi Đức Giê-su gục đầu tắt thở (chết) thì lúc đó bóng đêm bao phủ địa cầu (x. Lc 23, 44-46) đang xảy ra nơi thế giới ngày hôm nay, khi mà bóng tối sự dữ và tội lỗi đang bao phủ, thì phải chăng Thiên Chúa đã vắng bóng hoặc Thiên Chúa chết rồi?
“Thiên Chúa vẫn sống và hằng sống” – Đó là chân lý mà mọi Kitô hữu phải trả lời và là câu trả lời cho thế giới biết. Tuy nhiên, có thể nói, Thiên Chúa dường như ẩn mặt và vắng bóng trên sự tự do của nhân loại và Thiên Chúa cần những chứng nhân làm cho nhân loại thấy Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và chờ đợi sự hoán cải của họ. Thiên Chúa muốn Hội Thánh và cách riêng các nhà truyền giáo, hơn lúc nào hết, hãy lên đường đi đến “Ninivê” để thức tỉnh con người hoán cải và cứu độ họ. Truyền giáo là bản chất và sứ mạng của Hội Thánh, nên Hội Thánh luôn phải lên đường để đến với muôn dân.
Hình ảnh của Đức Maria đứng dưới chân thập giá, khi bóng đêm bao trùm trời đất, Thiên Chúa Cha như im lặng và vắng bóng, thì còn đó một con người – một người Mẹ, Mẹ Maria – an ủi xoa dịu nỗi đau của Con mình (x. Ga 19, 25). Người Mẹ đó cũng là Hội Thánh hôm nay, cách riêng là các nhà truyền giáo hôm nay, noi gương Đức Maria như là “cột lửa” cho dân đi giữa đêm đen, là “ánh sáng muôn dân” phá tan bóng tối tội lỗi đang phủ ngập trên thế giới hôm nay.
Không chỉ hình ảnh Đức Maria đứng dưới chân thập giá mà thôi, mà mọi hình ảnh Thánh Kinh về Đức Maria đều ẩn chứa ý nghĩa truyền giáo, mọi mầu nhiệm về Đức Maria đều được liên kết với mầu nhiệm Chúa Kitô và mang ý nghĩa cứu độ. Đó là lý tưởng cho những ai dấn thân truyền giáo dõi theo, mà trước hết hãy học ở Mẹ những đức tính cần thiết mà qua những hình ảnh Thánh Kinh đã lần lượt vẽ lên bức chân dung tuyệt hảo của Mẹ.
Thật vậy, Đức Maria được Thiên Chúa ban tặng cho loài người như một hồng ân và như dấu chỉ của tình yêu mầu nhiệm nơi Thiên Chúa được mặc khải. Vì Tình Yêu Thiên Chúa cao cả vượt quá trí hiểu của loài người, tặng ân mà Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại nơi Đức Maria được bao trùm bởi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì lẽ đó, chỉ trong ý định niệm mầu của Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc, con người mới hiểu được phẩm tước và chức vị cao sang của Đức Trinh Nữ. Mọi đặc ân và phẩm vị của Đức Maria cũng được gắn liền với mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ, vì Đức Maria là mẹ Đấng Cứu Thế.
Mọi tương quan, đặc ân, phẩm tước và chức vị của Đức Maria được mọi đời suy tôn và ca tụng trong Hội Thánh Công Giáo Đông cũng như Tây từ cổ chí kim; từ những định tín giáo hôi tuyên xưng, các kinh nguyện phụng vụ Kitô Giáo, đến những suy tư của các thần học gia, các thi sĩ, các nhạc sĩ… Từ lời tuyên xưng đặc ân cao cả nhất của Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa” đến những danh hiệu bình dân nhất mà mọi người kêu cầu nơi các thánh địa và lời kinh sớm tối trong các gia đình.
Khi đọc và suy tư những phẩm chức của Mẹ Maria, đặc biệt chiêm nắm về đặc ân Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh và Mẹ nhân loại, cách riêng khi suy tư về tước hiệu “Maria- Nữ Vương các thánh Tông Đồ”, người viết thấy hiện lên nơi Mẹ một bức chân dung truyền giáo sáng chói trong việc trao ban, đem Chúa đến cho mọi người và tái sinh hạ loài người trong ơn cứu độ của Đức Kitô.
Ngay từ đầu được cưu mang Đấng Cứu Thế, Mẹ Maria đã hối hả lên đường mang Chúa đến cho người chị họ, mang ân sủng Chúa Thánh Linh đến cho Gioan Tiền Hô, mang tình yêu phục vụ đến cho gia đình Giacaria… Đó là hình ảnh rất đẹp về truyền giáo của Mẹ làm mẫu gương cho các vị truyền giáo của mọi thời đại. Mẫu gương của Mẹ Maria đang là một thôi thúc cho Hội Thánh hôm nay nói chung và các nhà truyền giáo nói riêng, mau mắn lên đường đem Chúa đến cho người khác trong sự dấn thân phục vụ và sống xin vâng theo ý Chúa trong việc gẫm suy và thực hành Lời Chúa, để Chúa tự do sử dụng như một khí cụ trao ban, đi tìm vinh quang cho Nước Chúa.
Chủ đề CHIỀU KÍCH TRUYỀN GIÁO NƠI ĐỨC MARIA TRONG THÁNH KINH không là một khám phá mới mẻ về Mẹ Maria, nhưng như là một cố gắng nhằm làm nổi bật lên hình ảnh tuyệt vời về truyền giáo của Mẹ, và như là một ước nguyện cho những ai truyền giáo biết noi gương Mẹ trên bước đường đem Chúa đến cho nhân loại.
Discussion about this post