BÀI HỌC VỀ SÁCH XUẤT HÀNH:
Có thể trình bày sách Xuất Hành vừa như một sự kiện lịch sử, vừa như một bài học cho cuộc đời:
1. Xuất hành như một sự kiện lịch sử:
Người ta thường đặt biến cố xuất hành này vào thế kỷ –XV, nhưng ngày nay người ta nghĩ phải là khoảng thế kỷ –XIII, nghĩa là vào khoảng năm -1290 – -1225. từ Ai Cập, dân Israel có thể đi qua 3 ngả: Con đường ngắn nhất là đi dọc the bờ Địa Trung Hải; hoặc qua ngả đường trung hướng Bersêba và Hebron (Môsê đã dẫn dân Israel qua con đường này một thời gian rồi bỏ cuộc); cuối cùng Môsê chọn con đường dài, tức con đường buôn bán, nối liền giữa Ai Cập và Arabia. Có thể hiểu Thiên Chúa khiến Môsê chọn con đường dài, để qua 40 năm Người giáo dục họ.
2. Xuất hành như một bài học:
Biến cố xuất hành được biến thành đề tài suy niệm không những cho các tác giả các sách Cựu Ước mà cả cho Tân Ước nữa. Điều này minh chứng tính quan trọng của bài học xuất hành:
* Bài học được đưa ra từ các sách Cựu Ước:
– Khi đọc kỹ bản văn, ta khám phá ngay trong đó 2 bài học: Bài học về sự hiện diện của Thiên Chúa và bài học về sự giáo dục ý chí tự do. Chúa hiện diện như cột lửa, cột mây và qua nhà tạm; Chúa giáo dục dân Chúa một cách tiệm tiến, nghiêm khắc và toàn diện.
– Sách Đệ Nhị Luật và các tiên tri như Amos, Hôsê, Isaia đã triển khai ý nghĩa của biến cố xuất hành; Các vị coi đời sống trong sa mạc và du mục như yếu tố để củng cố sự trung thành đối với Giavê (x. Đnl 8,3; Hs 12,10; 2,6; Is 43,2.52,12…).
* Tân Ước suy niệm về xuất hành:
– Các Tin Mừng Nhất Lãm, khi nêu sự kiện Đức Giêsu vào sa mạc 40 ngày đêm, hẳn muốn so sánh với việc dân Israel ở 40 năm trong sa mạc. Thật vậy, như dân Israel được cột lửa hướng dẫn, Đức Giêsu cũng được Thánh Thần đưa đi. Dân Israel đã bị thử thách thì Đức Giêsu cũng chịu ma quỷ cám dỗ. Nhưng có sự khác biệt này là dân Israel đã sa ngã vì họ chỉ biết tìm miếng ăn, còn Đức Giêsu đặt Lời Chúa lên trên hết; trong khi dân Israel đòi điềm lạ, thì Đức Giêsu không muốn thử thách Thiên Chúa; trong khi dân Israel thờ bò vàng thì Đức Giêsu tuyên xưng: “Ngươi phải bái lạy Thiên Chúa của ngươi và chỉ thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4, 1-11).
Trong thư thánh Phaolô: Thánh Phaolô nêu biến cố xuất hành như bài học cho các tín hữu: “Thưa anh em, tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Mô-sê. Tất cả cùng ăn một thức ăn linh thiêng, tất cả cùng uống một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Ki-tô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc. Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta” (1Cr 10, 1-7). Qua đoạn văn này, thánh Phaolô đã nêu lên ý nghĩa thần học của các biến cố xuất hành, như việc vượt qua biển Đỏ tượng trưng cho phép Rửa Tội, manna tượng trưng cho Thánh Thể, còn nước từ tảng đá tượng trưng cho ân huệ và sự sống Đức Kitô.
Trường phái Gioan: Gioan cũng nhìn thấy ý nghĩa của các mầu nhiệm qua biến cố xuất hành: sự kiện vượt qua biển Đỏ, đối với Gioan, báo trước sự tái sinh trong nước và Thánh Thần, nước từ tảng đá ám chỉ sự sống vĩnh cửu mà Đức Kitô hứa ban cho người phụ nữ Samaria (chương 4), manna tượng trưng cho Thánh Thể (ch.6), cột lửa tượng trưng cho ánh sáng mà Đức Kitô ban cho người mù bẩm sinh (ch.7), con rắn đồng được so sánh với Đức Kitô trên thập giá (ch.3), chiên vượt qua báo trước Tiệc Ly…
Công đồng Vaticano II viết: “Ơn cứu độ của Giáo Hội đã được ám chỉ cách huyền nhiệm trong cuộc xuất hành của dân ưu tuyển khi họ ra khỏi miền đất nô lệ. Nếu ơn cứu độ của Giáo Hội được ám chỉ bởi biến cố xuất hành thì ơn cứu độ của mỗi người chúng ta cũng không đi ra khỏi đường lối mà Thiên Chúa vạch ra cho dân Do Thái. Cũng như dân Do Thái từ miền nô lệ Ai Cập trở về, ta cũng từ thân phận nô lệ tội lỗi được đưa vào Giáo Hội, đất hứa của Thiên Chúa ở trần gian. Bởi vì Chúa Giêsu đã nói: “Ai phạm tội ấy là kẻ nô lệ” (Ga 8,34)[1].
Discussion about this post