Ngày 07 tháng 10
ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Lễ nhớ
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,26-38
Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”
Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng! “
Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.
II. SUY NIỆM
Mẹ Maria là kiệt tác của Thiên Chúa. Nhờ quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa mà Mẹ Maria được tạo thành với tất cả sự tinh tuyền và thanh khiết của tạo dựng nguyên thủy. Có thể nói, nếu mọi công trình tạo dựng của Thiên Chúa đều tốt đẹp, thì Mẹ Maria là thụ tạo hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa, vì mẹ là niềm vui, là sự mãn nguyện của Thiên Chúa khi nhìn đến con cái loài người. Nếu người Do-thái tin nhận tổ phụ Abraham là cha của mọi dân tộc được chúc phúc (x. St 22,17-18), thì các Kitô hữu cũng có quyền tự hào rằng, nhờ Mẹ Maria, phúc lành của Thiên Chúa được tuôn đổ chan hoà trên nhân loại (x. Lc 1,28), nhờ Mẹ Maria mà nhân loại được phúc đón nhận “Ánh Sáng” và “Bình An” của Thiên Chúa.
Mẹ Maria được Thiên Chúa ban tặng cho loài người như một hồng ân và như dấu chỉ của tình yêu mầu nhiệm nơi Thiên Chúa được mặc khải. Vì Tình Yêu Thiên Chúa cao cả vượt quá trí hiểu của loài người, tặng ân mà Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại nơi Mẹ Maria được bao trùm bởi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì lẽ đó, chỉ trong ý định niệm mầu của Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc, con người mới hiểu được phẩm tước và chức vị cao sang của Đức Trinh Nữ. Mọi đặc ân và phẩm vị của Mẹ Maria cũng được gắn liền với mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ, vì Mẹ Maria là mẹ Đấng Cứu Thế.
Các Tin Mừng vẽ lên một hình ảnh thực về Mẹ Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, hiện diện trong mọi thời khắc quyết định của lịch sử cứu độ, từ một cô thôn nữ Nazareth đến làm Mẹ loài người, từ biến cố Nhập Thể đến biến cố Hiện Xuống, từ việc sinh ra Đầu Hội Thánh nơi máng cỏ ở Bêlem đến việc sinh ra các chi thể Hội Thánh dưới chân thập giá tại đồi Calvê… Mẹ đồng hành và thông dự với Con Chí Thánh trong mọi biến cố “phục hồi” nhân loại, Mẹ đã sống trọn lời “xin vâng” để phục vụ công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.
Kinh Mân Côi được ví như bản Tin Mừng tóm lược, mà trong đó kể ra những thời khắc cả vui mừng lẫn đau thương của Mẹ Maria trong sự hiệp thông cứu độ. Trong đó, biến cố Truyền Tin là mầu nhiệm đầu tiên mà mọi người suy ngắm trong chuỗi Mân Côi. Vì thế, trong ngày mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi, chúng ta lại một lần nữa được nghe bài Tin Mừng về biến cố Truyền Tin, biến cố khai mở kỷ nguyên cứu độ khi con Thiên Chúa Nhập Thể trong cung lòng thánh khiết Mẹ Maria. Truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm Nhập Thể vào lúc khởi đầu việc thực hiện mầu nhiệm này trên trái đất. Việc Thiên Chúa ban tặng chính mình cho con người, đạt tới đỉnh cao trong mầu nhiệm Nhập Thể.
Qua bài Tin Mừng này, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm đức tính khiêm hạ của Mẹ, và chính nhờ sự khiêm hạ thẳm sâu mà Mẹ được nâng lên tận ngai Nữ Hoàng Thiên Quốc (Regina caeli):
“Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót đã muốn Đấng được tiền định làm mẹ phải nói lên sự ưng thuận của mình trươc khi mầu nhiệm nhập thể được thực hiện; để như một người nữ sẽ phục vụ cho sự chết, thì một người nữ sẽ phục vụ cho sự sống. Điều này lại càng thích ứng hơn nữa trong trường hợp của Mẹ Đức Giêsu: Mẹ sẽ sinh Sự Sống cho thế gian; Sự Sống này sẽ canh tân tất cả; vì thế Mẹ được Thiên Chúa tặng ban nhiều hồng ân để có thể đáp ứng cho một phận vụ cao trọng như thế” (GH 56).
Ngay giây phút tượng thai, Mẹ Maria đã được Thiên Chúa trang điểm bằng sự thánh thiện cao vời; nên lúc truyền tin, Mẹ cũng được thiên thần chào kính là “Đấng đầy ân phúc”, và Mẹ đã đáp lời thiên sứ rằng: “Là nữ tỳ Thiên Chúa, tôi xin vâng”. Như thế, Mẹ Maria là con cháu Ađam, khi vâng nghe tiếng Chúa, đã trở thành Mẹ Đức Giêsu. Với trọn tâm hồn và không một tội lỗi nào ngăn cản, Mẹ đón nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa, tự nguyện làm nữ tỳ của Chúa để phục vụ cho con người và công trình của Thiên Chúa, tùy thuộc vào liên kết với Đức Kitô nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, để hoàn toàn phục vụ cho mầu nhiệm cứu độ. Trọn lịch sử cứu độ, và theo một nghĩa nào đó, trọn lịch sử loài người, đều được liên kết với biến cố truyền tin. Thật vậy, nếu kế hoạch của Thiên Chúa Cha là quy tụ tất cả trong Đức Kitô (x. Ep 1,10), thì cả vũ trụ đều được ân huệ thần linh tác động, với ân huệ này, Thiên Chúa Cha đã đoái nhìn đến Mẹ Maria để làm cho Mẹ trở thành Thân Mẫu Con của Người. Về phần mình, cả nhân loại như được gói trọn vào trong tiếng “xin vâng” (fiat), qua đó Mẹ Maria đã mau mắn nói lên sự ưng thuận của mình đối với ý định của Thiên Chúa.
Mẹ Maria được nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa và loài người, vì nhận biết mình là hư vô nhỏ bé, là nữ tỳ hèn mọn của Đấng Tối Cao (x. Lc 1,38.48). Mẹ được Thiên Chúa sủng ái vì đã hiến mình cho Thiên Chúa cách trọn vẹn để Thiên Chúa thực hiện ý định cứu độ. Đặc biệt Mẹ được coi là vô cùng thánh thiện trước mặt Thiên Chúa vì không lấy mình làm trung tâm, nhưng quy hướng tất cả về Thiên Chúa, Mẹ không phô trương chính mình, nhưng để cho Thiên Chúa lớn lên và vinh hiển qua cuộc sống của mình.
“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38a). Mẹ Maria muốn sống đúng ơn gọi của mình trước Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của người nữ tỳ như Mẹ đã đáp lại lời thiên sứ tuyền tin. Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Mẹ Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat). Bởi vì Thiên Chúa có một đường lối hành động rất đặc biệt. Đó là “hạ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng và suy tôn những người khiêm hạ” (x. Lc 1,48-52; Gc 4,6). Ơn gọi của “người nữ tỳ Thiên Chúa” đối ứng cách kỳ diệu với hình ảnh “người tôi tớ Yavê” vốn được ngôn sứ Isaia phác hoạ cách đầy đủ trong Cựu Ước (x. Is 42,1-4; 49,1-6; 50,4-9; 52,13; 53,12). Nếu Mẹ Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Mẹ Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.
Đức Giêsu nhận mình là Đấng thiên sai khiêm tốn, và sự khiêm tốn là châm ngôn sống của Người. Người đã dạy về vẻ đẹp của sự khiêm tốn chân thật. Người mời gọi các môn đệ “Hãy học cùng Ta” không phải là các phép lạ, hay những chuyện phi thường tạo dựng thế giới, mà là học “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29). Mẹ Maria đã học được bài học đó từ trời, linh hồn của Mẹ đã hít thở sự khiêm tốn đó bởi Thánh Thần của Thiên Chúa. Thánh Bernard nói: “Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa bởi đức trinh khiết của Mẹ, nhưng bởi sự khiêm nhường Mẹ đã thụ thai Người”. Sự khiêm tốn của Mẹ Maria đã kéo Ngôi Lời Thiên Chúa từ bên hữu của Chúa Cha xuống với vực sâu hư vô của nhân loại mà cứu vớt nhân loại.
Có thể nói, dù vô tội, nhưng Mẹ Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1,38).
Lạy Chúa Giêsu, khiêm tốn và xin vâng là một trong những đức tính căn bản mà Mẹ Maria đã nêu gương cho chúng con. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ là luôn biết khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Amen
Hiền Lâm
Sáng hôm đó dậy lúc 4h để đi đến cho kịp 5 giờ thì lễ, nhưng đến ngã năm Nguyễn Thị Tú với Vĩnh Lộc thì không biết rẽ thế nào, thấy có một bà mặc áo dài, mang cái áo mưa (vi trời mưa lâm thâm), liền dừng xe hỏi cụ:
Cụ ơi, đi đến nhà thờ Fatima Vĩnh Lộc còn khoảng bao xa ạ?
Bà trả lời: Cũng tầm hơn 5 chục nữa đó chú.
Trời ạ, gần giờ lễ rồi mà hơn 50 cây nữa thì chết con !
Thật ra là thông thường bà cụ đi lễ từ đó đến nhà thờ bà lần được trên năm chục hạt.
Vui thật, hỏi đường mà… lại liên liên quan đến lần hạt mân côi.
Hôm nay Giáo Hội cho chúng ta kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi (trong Chúa Nhật đầu tiên của tháng 10. Một năm PV có 2 lễ Kính Trọng Thể là lễ ĐM Mân Côi và lễ Các thánh TĐVN),
Kinh Mân Côi mở đầu bằng Năm Sự Vui
và Tin Mừng chúng ta vừa nghe lại là khởi đầu bằng niềm vui: Thiên thần chào Mẹ: Mừng Vui Lên hỡi bà đầy ơn phúc, mà kinh kính mừng chúng ta đọc là : Kính Mừng, nghĩa là vui.
Vậy thì suy niệm về lễ mân côi và việc đọc Kinh Mân Côi là một niềm vui. Và qua bài Tin Mừng về biến cố truyền tin hôm nay, chúng ta có ba niềm vui:
Vui vì đầy ân phúc
Vui vì Thánh Thần rợp bóng trên ta.
Vui vì cưu mang Chúa và đem Chúa đến cho tha nhân
Vui vì đầy ơn phúc
Cái phúc của chúng ta đó là sau khi mẹ xin vâng, Chúa Giê-su đã nhập thể đem lại cho chúng ta quyền làm Con Thiên Chúa và Con Giáo Hội. Con ở đây là con nghĩa tử được thừa kế và được Nước trời (được kêu lên Áp-ba), như trong bài đọc II thư Rm 8,5.12.
Vui vì có Thánh Thần rợp bóng trên ta.
Ngày chịu phép rửa tội, chúng ta nhận lấy tấm áo trắng, đó là chúng ta được mặc lấy Chúa, trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, được Chúa ở cùng và ở trong chúng ta. Nghĩa là luôn có Chúa.
Vui vì được cưu mang Chúa và mang Chúa đến cho tha nhân.
Chúa Giê-su từng nói: Kẻ lắng nghe và thực hành Lời Chúa là mẹ và là anh em ta.
Chúng ta trở thành Mẹ của Chúa khi chúng ta cưu mang Lời Chúa, và đặc biệt khi chúng ta rước Chúa vào lòng lúc Hiệp Lễ.
Và có Chúa thì mới mang được Chúa đến cho người khác, như Mẹ mang Chúa đến cho Gioan nhảy mừng khi viếng thăm bà I-s-ve.
Cả ba niềm vui trên đều nói lên một tâm hồn đầy Chúa khi chúng ta đọc kinh mân côi.
Và cuối cùng, khi chúng ta đọc kinh mân côi, là chúng ta đang được ơn hoán cải và cầu nguyện cho người tội lỗi được ơn trở lại.
Một vị thánh từng nói, sở dĩ anh trộm lành được ơn trở lại là vì đứng giữa thánh giá Chúa Giê-su và thập giá anh trộm lành, có Đức Mẹ ở giữa.
Ngày 02/10/2023: ĐỨC MẸ FATIMA
Lc 11,27-28
Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca
Khi Đức Giê-su đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người : “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !” Nhưng Người đáp lại : “Đúng hơn phải nói rằng : Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”
Chúng ta thường nói và đọc vào các ngày Chúa Nhật về 8 cái phúc – Phúc thật tám mối. Nhưng hôm nay, cái phúc thứ 9 mà chúng ta vừa nghe trong Tin Mừng, tóm lại hết mọi mối phúc, là “phúc cho ai lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa”.
Cái phúc này nó lớn đến nỗi, biến người Lắng Nghe và Thực Hành Lời Chúa trở thành Mẹ và Anh Em của Chúa.
Trước hết và trên hết, Đức Mẹ là người có trọn vẹn mối phúc này: Nhất mẹ Maria luôn, chẳng ai lắng nghe Lời Chúa hơn Mẹ, chẳng ai tuân giữ Lời Chúa hơn Mẹ… và Mẹ là người phụ nữ duy nhất làm Mẹ Thiên Chúa trong bản tính nhân loại. Mẹ có đặc ân Theotokos. Trước khi Mẹ Cưu Mang Thiên Chúa Nhập Thể, thì Mẹ đã cưu mang Lời Thiên Chúa khi Mẹ đã lắng nghe và thực hành Lời Chúa, Mẹ đã ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.
Vậy thì mừng Kỷ niệm Me Fatima, và với sự hướng dẫn của Lời Chúa, chúng ta cùng suy tư về việc LẮNG NGHE, TUÂN GIỮ để TRỞ THÀNH MẸ CỦA CHÚA của Mẹ Maria và cũng là của chúng ta.
Đây này: Mẹ của Chúa đây này, anh của Chúa đây này, em của Chúa đây này. Nói vậy là vì ông, bà, anh, chị, em… đang sốt sắng ngồi đây để LẮNG NGHE Lời Chúa, để rồi từ nơi đây, ACE ra đi đem Lời Chúa vừa nghe đi vào trong cuộc sống chúng ta !!!
Câu chuyện ba bức tượng:
Hồi trạng Quỳnh đi sứ nhà Thanh. Nhà Thanh muốn thử tài sứ giả nước Việt đã bày ra ba pho tượng tiểu đồng giống hệt nhau và bảo Trạng Quỳnh phải tìm ra pho tượng nào giá trị nhất.
Trạng Quỳnh quan sát ba pho tượng tiểu đồng, kích thước bằng nhau, đúc chất liệu như nhau, sơn màu giống nhau, cân nặng như nhau, nói chung là không có gì khác bọt cả. Trạng Quỳnh liền lấy một sợi dây xỏ vào tai: pho tượng thứ nhất xỏ vào tai này xuyên qua tai kia, pho tượng thứ hai sợi dây đi từ tai xuống miệng ra ngoài, còn pho tượng thứ ba sợi dây xuyên từ tai xuống bụng và dừng lại. Trạng Quỳnh chọn pho tượng thứ ba là quý giá nhất.
Thưa ACE, kể xong không cần giải thích thì mọi người cũng đã hiểu rồi.
Nghe mà vào tai này ra tai kia thì vứt, như nước đổ lá môn – đầu vịt. Những kẻ như hạt hạt giống bên vệ đường, bị giẫm đạp hoặc chim trời ăn mất. Nghe đọc Lời Chúa, nghe giảng dạy, nghe nhắc nhở đều bỏ ngoài tai, như không !!!
Nghe vào tai nhưng liền lum loa lét phét nói ra liền, thậm chí thêm mắm thêm muối, buôn chuyện, nghe chưa đầu đuôi và chưa hiểu đã vác đi nói, chưa nắm bắt được rõ ràng đã phản ứng… sợ nhất là “con nghe nói” nhưng chẳng chắc chắn gì đã mang đi mách lẻo tám chuyện. Lời Chúa chẳng sinh hoa kết quả gì với loại này, chỉ thêm tội.
Nghe và để cho thấm xuống tim, xuống bụng. Nghĩa là phải biết suy đi nghĩ lại trong lòng, rồi đem ra thực hành mới là đáng quý nhất.
Và hơn ai hết, Mẹ Maria của chúng ta đã được Tin Mừng thánh Luca 2,16-21 viết: “Đức Maria hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Chúng ta không nghe được là vì chúng ta bận rộn với đủ thứ ồn ào, đặc biệt với thời đại công nghệ hôm nay: Tối vệ đã mất đi bữa cơm thân mật của ngày xưa, ông một iphone, bà một ipad, con một galaxy… mỗi người mỗi góc nhà. Ngay cả việc đến nhà thờ, vẫn chia trí vì cái smartphone chụp choẹt hay xem tin nhắn facebook, zalo, telegram, tiktok.
Và thưa anh chị em !
Ngày này năm xưa cách đây 106 năm, tại Fatima Bồ Đào Nha, Đức Mẹ dặn chúng ta điều gì?
Ba mệnh lệnh Fatima, chúng ta nghe nhiều nhiều lần lắm rồi đúng không?
Có ai không nhớ không?
Ăn năn đền tội,
Tôn sùng mẫu tâm,
Lần chuỗi mân côi,
Chúng ta đã giữ được đến đâu? Và thực hành như thế nào?
Ăn năn đền tội là luôn noi gương Mẹ để luyện tập nhân đức, sống thánh thiện xứng đáng là con cái Mẹ.
Tôn sùng trái Tim Mẹ, là nên giống Mẹ với một con tim nồng nàn mến Chúa và biết yêu thương phục vụ tha nhân.
Lần chuỗi mân côi trong bất cứ lúc nào có thể, chứ không phải 5 phút xem smartphone một lần tiktok, zalo, messenger.
Lắng nghe và thực hành Lời Chúa, chính là biết làm những điều mà Mẹ Fatima nhắn nhủ chúng ta: “Mẹ nhắn nhủ người đời, hãy mau ăn năn đền tội, hãy tôn sùng mẫu tâm, hãy năng lần hạt mân côi”.
Chính vì thực thi ba mệnh lệnh này mà Đức Mẹ đã ban lại hòa bình cho thế giới và nước Nga trở lại.
Hôm nay, trên thế giới đang xảy ra bao nhiêu cuộc chiến tranh: Nga-Ukraina; Hamas-Israel… Chúng ta hãy năng lần hạt mân côi, xin mẹ thương chấm dứt chiến tranh, để mọi người được sống an bình.
Xin cám ơn QOBACE !
+++++++++++++++++++++++++
LỄ KÍNH TRỌNG THỂ LÀ GÌ?
– Mỗi năm ở Việt Nam có 2 thánh lễ kính trọng thể là:
LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI và LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM.
– Giải thích:
Lễ Kính Trọng Thể tương đương với bậc lễ trọng, nhưng vì nhu cầu mục vụ, Giáo Hội cho Kính Trọng Thể vào một ngày Chúa Nhật gần nhất với ngày lễ.
Khác với các lễ trọng, khi trùng với một lễ trọng khác cao hơn thì dịch sang ngày sau đó (bao gồm cả giờ Kinh Phụng Vụ và Thánh Lễ), còn Lễ Kính Trọng Thể dù được đem Thánh Lễ (trừ Giờ Kinh Phụng Vụ) về Chúa Nhật gần nhất để mừng, thì chính ngày lễ vẫn mừng đầy đủ (bao gồm cả Kinh Phụng Vụ và Thánh Lễ) theo bậc lễ.
– Vì vậy, tại Việt Nam có:
1. LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI là bậc Lễ Nhớ mừng chính ngày vào 7/10, nhưng vẫn có thêm LỄ KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI vào Chúa Nhật (thường là trước ngày 7/10)
2. LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM là bậc lễ trọng của Giáo Hội Việt Nam mừng chính ngày 24/11, nhưng vẫn thêm LỄ KÍNH TRỌNG THỂ CÁC THÁNH TĐVN vào Chúa Nhật trước đó, nhưng khoảng thời gian này Chúa Nhật gần nhất thường là Chúa Nhật 34 Thường Niên là lễ trọng Chúa Kitô Vua, nên lễ kính trọng thể phải dịch lên xa hơn (và có thể là Chúa Nhật 33 Thường Niên).
Discussion about this post