CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 21,33-43
Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi. Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta.” Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó! ” Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia? ” Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.” Đức Giê-su bảo họ: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.
Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.
II. SUY NIỆM
“NHỮNG TÁ ĐIỀN NGÀY NAY”
Dụ ngôn “các tá điền gian ác” mỗi lần được đọc lên thì có lẽ ai cũng hiểu ngay là Chúa Giê-su ám chỉ đến những nhà lãnh đạo Do-thái đã muốn tiếm quyền của Chúa trên dân Israel và đã ra tay giết các ngôn sứ mà Chúa đã gửi đến cảnh tỉnh họ, nhất là đã đóng đinh giết chết chính Chúa Giê-su là Con Một Thiên Chúa. Để rồi, Nước Thiên Chúa đã được dành cho ai biết sinh lợi cho Chúa.
Vì thế mà bài chia sẻ này sẽ không tập chú phân tích về điều mà ai cũng đã hiểu đó nữa, nhưng tìm đi tìm ý nghĩa thời sự mà dụ ngôn vẫn tiếp tục cảnh tỉnh chúng ta ngày hôm nay.
1. Ý nghĩa tá điền và vườn nho ngày nay.
Vườn nho Giáo hội: Cũng như dân Israel xưa được ví như là vườn nho do Đức Chúa trồng và canh giữ, Giáo hội Công giáo là “dân mới” của Thiên Chúa (có thể nói như là sự thay thế dân Do-thái xưa sau khi họ bất tuân phản bội giao ước). Giáo hội – trên danh nghĩa hoàn vũ hay địa phương – thì cũng đều là của Chúa Giê-su. Thế nhưng, không thiếu những đấng bậc lạm dụng chiếm làm của mình, rồi thao túng Giáo hội (cộng đoàn, giáo xứ) theo sự vụ lợi hoặc tham danh cho mình; bảo thủ và phớt lờ những tiếng nói ngôn sứ, thậm chí bịt miệng những ai dám lên tiếng chỉ ra những lạm dụng và sai trái, và cuối cùng “giết chết một Chúa Giê-su đích thực” trong Giáo hội, và chỉ còn lại là sự xuống cấp về niềm tin và luân lý. Chính vì thế, Lời Chúa trong dụ ngôn “tá điền sát nhân” vẫn luôn thức thời và mời gọi cách riêng những đấng bậc trong Giáo hội từ cấp Giáo hội địa phương đến các cộng đoàn giáo xứ hay tu trì luôn phải ý thức vai trò và cách thức mình đang phục vụ, có hợp với đường lối Chúa muốn hay không.
Vườn nho tâm hồn: Mỗi người cũng được ví như một vườn nho mà Chúa đã trồng và giao cho việc tự quản lý và sinh hoa lợi cho Người. Thế nhưng, lắm khi chúng ta đã coi thường tiếng nói của lương tâm, phớt lờ những lời dạy dỗ và sửa đổi của những người có trách nhiệm, bỏ qua lề luật Chúa và Hội thánh, hững hờ với việc nghe Lời Chúa, và cuối cùng là “giết chết” Chúa Giê-su hiện diện trong tâm hồn – bỏ đạo và hư đi đời đời… Lời Chúa mời gọi mỗi người luôn ý thức về mình để biết trông giữ tâm hồn và làm sinh lợi cho sự nghiệp nước Chúa.
2. Nước Thiên Chúa sẽ bị lấy đi và trao cho dân tộc xứng đáng…
“Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi” (Mt 21,43).
Người làm vườn không đạt mà còn quậy thì đương nhiên ông chủ sa thải và giao vườn cho những người khác làm tốt hơn. Cũng thế, khi Nước Thiên Chúa được trao cho cộng đoàn hay cá nhân mà không biết làm phát triển và sinh hoa kết quả cho Chúa, thì việc bị cất đi và dành cho dân tộc hay cá nhân xứng đáng hơn âu cũng là điều phải lẽ. Chức năng của cành nho không phải là trơ trụi hoặc ra lá, mà là phải sinh hoa trái, sinh hoa trái tốt chứ không phải hoa trái xấu, nếu không thì phải bị cắt bỏ để khỏi làm tổn hại đến cây và các cành khác.
Chúa ban cho chúng ta tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi.
Chúa ban cho chúng ta niềm tin, cần sự thanh luyện và trau dồi để niềm tin lớn lên. Nếu không, vì không sống niềm tin thì một ngày nào đó, chính niềm tin ban đầu cũng sẽ nguội lạnh và mất đi…
Lại nữa, như vườn nho vẫn hút nhựa sống từ “đất”, nhưng lại chỉ ra lá. Đó là tình trạng của những con người ích kỷ chỉ lo cho mình, được hưởng bao ân huệ của Chúa nhưng lại không chia sẻ cho tha nhân, nhất là thiếu đi tinh thần truyền giáo. Việc yêu mến Thiên Chúa thật tự nó sinh hoa trái, người luôn có sự sống thân tình với Thiên Chúa thì cũng đương nhiên có đời sống tương quan đức ái với mọi người.
Có vườn nho lại sinh hoa trái xấu, có thể vì không hút được đủ dinh dưỡng từ “đất”, cũng có thể do bị sâu bọ cắn phá. Đó là những ai hời hợt với ơn Chúa, hoặc để cho những thứ tác động bên ngoài xâm nhập đục khoét tâm hồn, nên đời sống họ không thể sinh hoa trái công phúc việc lành cho Giáo hội.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ban cho chúng con ơn đức tin và được làm con cái Chúa, xin cho chúng con biết dùng khả năng và thời giờ Chúa ban để làm cho đức tin được triển nở qua đời sống đạo đức hằng ngày, để khi Chúa trở lại, chúng con xứng đáng được Chúa ân thưởng phúc trường sinh. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 10,2-12
Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su và hỏi rằng: “Thưa Thầy, chồng có được phép rẫy vợ không? ” Họ hỏi thế là để thử Người. Người đáp: ” Thế ông Mô-sê đã truyền dạy các ông điều gì? ” Họ trả lời: “Ông Mô-sê đã cho phép viết giấy ly dị mà rẫy vợ.” Đức Giê-su nói với họ: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng, Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Khi về đến nhà, các môn đệ lại hỏi Người về điều ấy. Người nói: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng để lấy chồng khác, thì cũng phạm tội ngoại tình.”
II. SUY NIỆM
“SỰ GÌ THIÊN CHÚA KẾT HỢP
LOÀI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY”.
Xã hội loài người thời đại nào và bất cứ nơi đâu, từ những tộc người sơ khai cho đến những xã hội văn minh, cũng đều có luật về hôn nhân gia đình. Đặc biệt nơi nhiều tôn giáo còn tâm linh hóa hôn nhân thành một định chế của niềm tin và nghi lễ.
Bộ luật Do-thái cũng đưa ra quy định về hôn nhân cách chi tiết, trong đó có cả việc cho phép ly dị (Đnl 24). Tuy nhiên, việc đặt ra quy định về ly dị của Do-thái Giáo đã để lại một sự bất công và hạ thấp nhân phẩm của người phụ nữ, và qua đó xem nhẹ tình yêu và sự trung tín trong hôn nhân.
Sách Đệ Nhị Luật chương 24,1-3 ghi:
“Nếu một người đàn ông đã lấy vợ và đã ăn ở với nàng rồi, mà sau đó nàng không đẹp lòng người ấy nữa, vì người ấy thấy nơi nàng có điều gì chướng, thì sẽ viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà. Ra khỏi nhà người ấy, nếu nàng đi lấy chồng khác, mà người chồng sau lại ghét bỏ nàng, viết cho nàng một chứng thư ly dị, trao tận tay và đuổi ra khỏi nhà, hoặc nếu người chồng sau đã lấy nàng làm vợ mà chết, thì người chồng đầu tiên đã đuổi nàng đi không thể lấy nàng làm vợ một lần nữa, sau khi nàng đã ra ô uế”.
Thật ra, sách Đệ Nhị Luật chỉ biên tập lần cuối và đầy đủ như ngày nay là từ sau năm -587, nên không loại trừ chuyện người ta đã thêm vào những điều có lợi cho họ, nhưng đã gán cho Môisê đã mất trước đó rất lâu. Chế độ trọng nam khinh nữ và phân biệt đối xử không chỉ có nơi Do-thái, mà là cả vùng Trung Đông, đặc biệt nơi các nước Hồi Giáo vẫn tồn tại việc bất bình đẳng này cho đến hôm nay. Người Do-thái coi người nữ đứng hàng thứ sáu trong nhà, xếp sau cả vật nuôi của họ. Họ xem người nữ như một món đồ để thỏa mãn và lưu truyền nòi giống, thích thì giữ và chán thì bỏ. Không có hôn nhân đích thực vì không có được sự cao cả của tình yêu và lòng trung tín.
Hôm nay khi người Pha-ri-sêu đến hỏi Chúa Giê-su xem họ có được phép ly dị không? Thay vì trả lời “có” hay “không” – vì Chúa Giê-su biết họ có ý gài bẫy Người sẽ phạm một trong hai tội: vi phạm Lề Luật hoặc đối đầu với Hêrôđê – thì Chúa Giê-su lại nhắc cho họ điều căn bản là từ thuở ban đầu là Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ, chúc phúc cho họ để nên một với nhau “bất khả phân ly”.
“Thuở ban đầu” – có nghĩa là từ ngàn đời trong ý định của Thiên Chúa đã muốn người nam và nữ kết hợp với nhau trong việc cộng tác sáng tạo và bất khả phân ly. Thế nhưng, vì ích kỷ mà con người phản bội dối gian nhau, thiếu tình yêu thương và tha thứ cho nhau… dẫn đến đổ vỡ. Chính vì thế mà Môsê cho phép ly dị như một chọn lựa ngoài ý muốn để giải gỡ cho họ. Chúng ta cần dừng lại ở lời này của Chúa Giê-su: ông Môisê cho phép chứ không phải Thiên Chúa đã ban bố điều đó, và ông Môisê cho phép là vì lòng chai dạ đá của họ.
Như vậy, Chúa Giê-su xác định rõ ràng về ý định của Thiên Chúa và nâng hôn nhân lên hàng Bí tích. Người khẳng định khi hôn nhân thành sự là cả hai đã nên một xương một thịt và do Thiên Chúa kết hợp nên loài người không ai có quyền phân ly. Và hôn nhân là sự bình đẳng, bổ trợ cho nhau để cùng hướng tới sự cộng tác sáng tạo của Thiên Chúa.
Ngày hôm nay, Giáo hội Công giáo vẫn trung thành với luật Chúa là duy trì sự bất khả phân ly, nghĩa là khi một cuộc hôn nhân đã thành sự thì Hội thánh không thể chấp nhận cho ly dị, trừ những trường hợp chứng minh được tiêu hôn, hoặc một số trường hợp được ly thân mà thôi.
Lạy Chúa, giữa xã hội hôm nay khi mọi giá trị luân lý, nhất là hôn nhân bị đảo lộn. Xin cho chúng con biết hy sinh và vị tha, để xây dựng hôn nhân Ki-tô Giáo vững chắc, từ đó giúp nhau thắng vượt được mọi khó khăn có thể làm tan vỡ gia đình. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 17, 5-10
Các Tông Đồ thưa với Chúa Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúa đáp: “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em.
“Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi”, chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau! ?Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
II. SUY NIỆM
“TIN và PHỤC VỤ”
Sống đức tin là sống phục vụ. Có làm được điều gì tốt lành thì đó là việc phải làm chứ chẳng có gì để mà vênh vang tự đắc hay có quyền đòi Chúa hay mọi người biết ơn. Do đó, mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ, mỗi người phải khiêm tốn tự nhận mình chỉ là “người tôi tớ tầm thường, vì đã làm việc bổn phận đấy thôi.” Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su muốn các môn đệ đề cao cảnh giác trước tính kiêu ngạo của những người Biệt phái và luật sĩ. Họ quan niệm Thiên Chúa như một ông chủ hà khắc, chi li, thưởng phạt tùy theo công đức của mỗi người. Chính vì thế mà họ coi những việc lành phúc đức như ăn chay, cầu nguyện, hãm mình, bố thí… là những việc lành mà Thiên Chúa buộc phải ân thưởng bội hậu cho họ.
1. Sống đức tin.
Nhờ đức tin, mọi người đều lấy mình làm tôi tớ lẫn nhau, chắc chắn đức tin ấy sẽ làm được những việc phi thường. Đó là phép lạ của đức tin có hành động. Và cũng chính hành động nầy sẽ kiểm tra chất lượng đức tin của chúng ta xem nó bằng bao nhiêu sánh với hạt cải bé nhỏ.
Chúa Giê-su đã nói: “Nếu anh em có lòng tin nhỏ xíu bằng hạt cải thôi, anh em có thể truyền lệnh cho cây dâu nầy bật gốc lên, xuống mọc dưới biển kia cũng được”. Nói như thế, Chúa Giê-su không muốn nói rằng đức tin có khả năng làm phép lạ như một sức mạnh phù phép, bùa chú, hiểu theo nghĩa đen là “chuyển núi dời non”. Nhưng Người muốn nói: đức tin là một động lực thúc đẩy chúng ta dám nghĩ, dám làm những việc to lớn, phi thường mà nếu không có lòng tin, chúng ta không dám hành động. Bởi vì, người có lòng tin thì hành động bằng quyền năng của Thiên Chúa, chứ không phải bằng khả năng giới hạn của mình.
Nhờ đức tin thúc đẩy, chúng ta dám khởi công bắt tay vào việc xây dựng cuộc sống cho mình, cho anh chị em mình, rồi Chúa sẽ tiếp tay giúp sức chúng ta bằng quyền năng vô biên của Người, để hướng dẫn và biến đổi công việc nhỏ bé của chúng ta trở thành công trình to lớn, vĩ đại, phi thường. Một ví dụ cụ thể là: Hiệu quả đức tin của các Tông Đồ không cân xứng với khả năng nghèo nàn của con người họ. Vốn là những người không có ảnh hưởng, quyền lực, phương tiện tài chính, tổ chức, báo chí, truyền hình… thế mà các Tông Đồ đã thay đổi dòng lịch sử.
2. Đức tin và phục vụ.
Tin Chúa, theo Chúa là đem cả cuộc đời mình hiến thân phục vụ anh em như một chuyện đương nhiên, không đòi hỏi được đền ơn, đáp nghĩa, được biểu dương hay khen thưởng. Tin Chúa, theo Chúa không để chi lo cho phận riêng mình cách ích kỷ, không chạy theo lợi lộc, không tìm thăng quan tiến chức, nhưng để phục vụ mọi người như lẽ sống đời mình. Thái độ phục vụ không kể công, không vụ lợi là một yếu tố quan trọng đối với đời sống cộng đồng Giáo hội cũng như xã hội. Sự đòi hỏi người khác biết ơn và đền ơn, đó là hành động của ước muốn thống trị và là bước đầu đưa tới thống trị trên người khác. Muốn cho tương quan trong cộng đồng xã hội mãi mãi trong sáng là tương quan huynh đệ, Chúa Giê-su đã dạy cách phục vụ không vụ lợi, không kể công.
Hình ảnh của người đầy tớ tự cho mình là người vô dụng mà Chúa Giê-su sử dụng trong mạch văn này có ý nói rằng, con người không có bất cứ quyền nại đến công nghiệp nào của mình để buộc Thiên Chúa ban ơn cho mình. Thiên Chúa ban ơn cho con người một cách nhưng không, và để đáp lại ân huệ của Người, con người chỉ có thể nói lên lòng tri ân và phó thác mà thôi. Tất cả cuộc sống của mình, tất cả những gì mình làm được, con người chỉ có thể và dâng lên Thiên Chúa như một đáp đền và phó thác.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh lại quan niệm về Thiên Chúa mà chúng ta đang có, cũng như cách diễn tả niềm tin của chúng ta:
Liệu chúng ta đã tính toán so đo với Chúa trên cách sống đạo của chúng ta?
Liệu chúng ta đã giơ tay cầu nguyện, xin lễ, ăn chay, hãm mình và làm bao nhiêu những việc lành phúc đức khác để cốt Thiên Chúa trả công và chúc lành cho những công việc làm ăn và cuộc sống của chúng ta?
Liệu có những lúc chúng ta tự phụ rằng, những thành công và may mắn chúng ta đang có là một ân thưởng mà Thiên Chúa đã ban tặng vì công nghiệp và hy sinh của chúng ta…?
Lạy Chúa Giê-su, là tín hữu, chúng con có phận vụ phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, xin cho chúng con lo chu toàn nghĩa vụ của một người con Chúa mà không so đo tính toán hay tìm vinh danh cho mình, nhưng tất cả theo ý Chúa và cho vinh quang Chúa. Amen
Discussion about this post