Ngày 24 tháng 11
CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Lễ trọng
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 9,23-26
Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?Ai xấu hổ vì tôi và những lời của tôi, thì Con Người cũng sẽ xấu hổ vì kẻ ấy, khi Người ngự đến trong vinh quang của mình, của Chúa Cha và các thánh thiên thần.
II. SUY NIỆM
« QUA THẬP GIÁ TỚI VINH QUANG »
“Qua Thập Giá mới vào được Vinh Quang”. Chúa Giêsu không những đã nói mà còn đi bước trước trong con đường thập giá đó. Lời Chúa đưa ra cho chúng ta từng bước trên con đường thập giá mà đạt đến ơn cứu độ bằng việc: Từ bỏ và vác thập giá theo chân Chúa Giêsu.
1. Từ bỏ
Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Người được. Cụ thể, việc chúng ta giữ đạo mà vẫn phải bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ, để đến được nhà thờ thì chỉ còn uể oải ngủ gật.
Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao. Bỏ mình tức là bỏ chính cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Alexande từng nói: “Thắng được vạn quân còn dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.
Bỏ được có thế là rất đau, nhưng đó là một đòi hỏi của Tin Mừng. Các thánh Tử Đạo đã thực hiện được điều này trong thời bách hại. Còn chúng ta hôm nay, một khi đã bước theo Chúa, đã trở thành một người con của Chúa trong Hội Thánh, chúng ta có để cho con người cũ chúng ta mục nát đi có cởi bỏ những gì không thích hợp với một Kitô hữu không, đặc biệt là hãy chết đi cho tội lỗi để được sống như Đức Kitô, nghĩa là hãy giết chết những gì thuộc về thế gian trong con người cũ của chúng ta không?
2. Vác thập giá theo Chúa Giêsu
Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa…
Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.
Các thánh Tử Đạo ngày xưa chấp nhận hy sinh, thay vì nghe lệnh vua quan mà chà đạp lên thập giá, các ngài đã chấp nhận ôm lấy thánh giá và vác đi, là hy sinh, chịu thử thách và chấp nhận bỏ mình tuyệt đối kể cả mạng sống để theo Chúa đến cùng. Chúng ta ngày hôm nay, dù không phải đổ máu và chết đi cách trực tiếp vì sự bách hại công khai không còn nữa, nhưng vẫn còn đó những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo hội mà giữ lễ luật Chúa, xứng đáng là con cháu của các đấng tử đạo.
3. Tuyên xưng hoặc chối Chúa
“Ai giữ mạng sống mình sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được mạng sống”. Nghe có vẻ thật nghịch lý, nhưng đó lại là chân lý Kitô Giáo, bởi vì cái đích đạt tới cuối cùng của chúng ta là sự sống đời đời (mạng sống siêu nhiên) chứ không phải bằng mọi giá phải giữ sự sống thể lý, để rồi chối Chúa.
Chúa Giêsu tuyên bố: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa”.
Xưa kia, các thánh Tử Đạo thường được vua chúa hứa nếu bỏ đạo sẽ được trọng thưởng cho hưởng chức tước vinh hoa bổng lộc (nghĩa là được trọng vọng và ca tụng), còn nếu không bỏ thì sẽ bị lăng nhục và giết chết. Dưới cái nhìn đức tin, chúng ta thấy các thánh đã chọn “cái phúc” là chịu bách hại và từ chối “cái khốn” là được ca tụng.
Những ai dám sống thật, dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống, cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
Ngày nay, không có chuyện bách hại nhãn tiền như thời các thánh tử đạo, nên chúng ta cũng không còn phải tuyên xưng đức tin cách trực tiếp như các chứng nhân xưa nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tuyên xưng hoặc chối Chúa qua những cách sống sau đây:
Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt công giáo, không tham dự các Bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm, hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội Thánh… Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức. Đó là chúng ta vừa không tuyên xưng Chúa, vừa gián tiếp chối đạo.
Hoặc để có được việc làm nơi công sở, giữ được “ghế” trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… chúng ta đã giấu diếm nguồn gốc Công Giáo của mình. Chúng ta muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ lương tâm, vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối… Ngay cả việc ‘làm dấu thánh giá trước bữa ăn’ khi ăn chung nơi công cộng chúng ta còn thẹn thùng che đậy… Đó là mặc nhiên chúng ta đang chối Chúa.
Hay khi chúng ta gặp thử thách thất bại, hoặc cầu nguyện chưa được nhận lời, đã thất vọng chê trách Chúa và nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa. Đó cũng là một hình thức chối đạo…
Lạy Chúa Giê-su, cuộc đời theo Chúa là một cuộc tử đạo trường kỳ với bao thử thách gian nan và bách hại, xin cho chúng con dám từ bỏ những gì không thích hợp với tinh thần Kitô Giáo, can đảm sống niềm tin trước mọi trái ý nghịch lòng và tự hào là người con Chúa trước mặt mọi người không ngại khó ngại khổ vì danh Chúa. Amen
BÀI GIẢNG LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM
Người Hàn Quốc thường dùng lại câu chuyện thời Liên Xô cũ để kể về tình trạng ở Triều Tiên hiện nay rằng:
“Ơ Triều Tiên, có 3 công nhân bị bắt giam, ngồi trong tù, anh thứ nhất cho biết:
– Tôi bị bắt tù vì tội hay đi làm trễ 10 phút, nên bị kết tội phá hoại công ty.
Anh thứ hai kể:
– Còn tôi thì bị bắt giam vì tội đi làm sớm hơn 10 phút, bị quy kết là gián điệp.
Anh công nhân thứ ba nói:
– Riêng tôi thì bị tù vì cái tội lúc nào cũng đi làm đúng giờ, bởi người ta cho rằng: Chỉ có xài đồng hồ Mỹ thì mới chạy chuẩn giờ như thế.
… sớm cũng chết, muộn cũng chết mà đúng giờ cũng chết…
Thưa quý ÔBACE !
Dựa vào Lời Chúa trong các bài đọc hôm nay soi về thời đại mà các thánh Tử Đạo Việt Nam sống, từ thế kỷ 17 đến TK 19, trải qua 261 năm tính từ sắc chỉ cấm đạo đầu tiên 1625 đến hết thời Văn Thân 1886, trải qua 6 đời vua chúa (Trịnh Doanh, Trịnh Sâm, Cảnh Thịnh, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức).
Đấy là một giai đoạn lịch sử đen tối khi dân chìm trong sự lầm than dưới sự cai trị tàn hại của các vua chúa; thời đại các vua quan khư khư bảo thủ trong sự lạc hậu về mọi mặt; thời đại yếu thế và bị xâm chiếm của các nước Phương Tây. Các vua chúa quan lại đã dùng các tín hữu như một tấm bình phong để đổ tội và che giấu cho sự tàn độc và yếu kém của mình.
Một trong những tội mà các vua quan thời bấy giờ thường hay gán cho các Kitô hữu cũng rất giống tội danh mà các nhà lãnh đạo Dothái đã kết án Đức Giêsu, đó là tội chống chính quyền, sách động dân chúng, phản lại dân tộc. Khi bị ghép cho tội tày trời như thế, thì chỉ còn nước nhừ đòn và chết mà thôi.
Đọc lại những trang Thiên Hùng Sử, phần lớn các bản án (nhất là do tổng đốc Trịnh Quang Khanh đề về với vua) đều khéo léo quy kết cho các vị tử đạo là tội chống lại các chuẩn mực gia đình và đi theo phương Tây tả đạo để chống lại vua. Các vị tử đạo đã chết vì sự vu khống quy kết đó, dù các ngài chỉ rao giảng và sống niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô.
Đã có trên 300.000 tín hữu bị giết (có khi bị đốt cháy cả một làng nhỏ – như thời Văn Thân), trong đó con số thống kê được là 130.000 tín hữu. Con số 117 vị đã được phong hiển thánh và 1 vị được phong Chân Phước như là đại diện cho hàng hàng lớp cha ông chúng ta đã hi sinh vì đức tin. Con số 117, bao gồm…
Như câu chuyện mở đầu, những câu chuyện bị bắt không phải vì sớm, muộn hay đúng giờ, mà cái sâu xa của nó phản ảnh một cái công ty mờ ám và lo sợ bị bại lộ và mất vị thế trong kinh doanh. Sâu xa của việc bắt bớ đạo Công Giáo của các chúa thời Trịnh và các vua triều Nguyễn không hẳn ở chỗ thù ghét các Kitô hữu, mà vì đạo Công Giáo dạy chỉ tôn thờ Thiên Chúa và bình đẳng mọi người như anh em, đã đụng chạm đến vai trò tự tôn “thiên tử” của các vua chúa, đồng thời vì sự yếu thế trong việc cai trị nên các vua chúa lúc bấy giờ nhìn đâu cũng thấy thù. Chính vì thế mà các án lệnh đưa ra bắt người Công Giáo phải bỏ đạo. Ai không chịu bỏ đạo thì phải chịu những cực hình mà các vua chúa quan quyền thời bấy giờ đưa ra hết sức man rợ: trảm, giảo, lăng trì, bá đao…
Thưa quý ÔBACE !
Có thế nói, Chúng ta cũng đang sống trong một thời đại không khác thời các thánh tử đạo là mấy, sự bách hại vẫn xảy ra nhưng tinh vi hơn rất nhiều:
Người Công Giáo chúng ta đang chịu khống chế và chịu thiệt thòi đủ đường, trong mọi lãnh vực: từ cái thẻ căn cước đến nghề nghiệp (trên CMND cũng bị ghi cách chung chung về mục Tôn giáo).
– Người Công Giáo bị thua thiệt từ học đường đến nơi công sở.
– Một số trường đại học mặc nhiên đánh rớt các thí sinh là Người Công Giáo (an ninh, truyền thông, chính trị…).
– Người Công Giáo thì không được mở trường hay dạy học các lớp từ cơ sở trở lên, dù có bằng cấp chuyên môndanh tiếng từ nước ngoài chứ không kiểu tiến sĩ rởm quốc nội.
– Người Công Giáo bị nhà nước hạn chế trong các vấn đề phúc lợi và an sinh xã hội.
– Một sự bách hại tinh vi hơn cả chính là dùng chính những thứ văn hóa thế tục để lôi kéo tín hữu xa dần với những sinh hoạt đạo đức…
Ba cách tấn mà các vua chúa xưa sử dụng:
– Viên đạn bọc đường: Dùng bổng lộc để dụ dỗ bỏ đạo.
– Sống kiểu 2 mặt: Giả vờ bước qua thập giá để được tha.
– Tra tấn: Dùng nhục hình để ép bỏ đạo.
Ngày nay cũng thế:
– Dùng danh lợi, quyền lực và nghề nghiệp để lôi kéo
– Đánh lộn con đen, sống giả nai giả vờ theo bề ngoài, sống hai mang nửa đạo nửa đảng…
– Bị đàn áp, người sống thật và dám lên tiếng rất dễ bị quy chụp là “phản động” và bị kết án.
Tóm lại: Trong tất cả mọi sự, đó là một cuộc chiến trường kỳ cho những ai theo Chúa, cuộc chiến từ khởi thủy cho đến tận thế, cuộc chiến giữ vương quốc nước trời và vương quốc sự dữ, cuộc chiến giữa Kitô hữu và thế gian…
Vì thế, chúng ta cần cẩn thận trước những kiểu dụ dỗ danh vọng lợi lộc chức quyền mà bỏ Chúa để tiến thân; chúng ta không sống giả hình kiểu hai lòng bên nào cũng muốn; và cuối cùng sẵn sàng chấp nhận những thiệt thòi để trung thành với Chúa. Amen.
Hiền Lâm.
Discussion about this post