CHÚA NHẬT XXXIV THƯỜNG NIÊN
LỄ CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ VUA
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 25,31-46
“Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên phải rằng: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa.Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.”Bấy giờ những người công chính sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống;có bao giờ đã thấy Chúa là khách lạ mà tiếp rước; hoặc trần truồng mà cho mặc? Có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đau yếu hoặc ngồi tù, mà đến hỏi han đâu? “Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”Rồi Đức Vua sẽ phán cùng những người ở bên trái rằng: “Quân bị nguyền rủa kia, đi đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó.Vì xưa Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã không tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc; Ta đau yếu và ngồi tù, các ngươi đã chẳng thăm viếng.” Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: “Lạy Chúa, có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ Chúa đâu? ” Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.”
II. SUY NIỆM
“TÍNH LIÊN ĐỚI TRÁCH NHIỆM VỚI ĐỒNG LOẠI”
Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng Vụ, Giáo hội mừng lễ Chúa Ki-tô Vua, với ý nghĩa như một sự chuẩn bị cho dân Chúa vui mừng đón chờ ngày Chúa Giê-su Ki-tô vua hiển trị, ngày kết thúc cuộc đời và là ngày chung thẩm, khi Vị Vua Nhân Hậu và là Vua Tình Yêu xuất hiện trong vinh quang.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su gợi lên hình ảnh của toà phán xét cuối cùng, để dạy chúng ta sống tinh thần tương thân tương ái với hết mọi người. Tính liên đới trách nhiệm với đồng loại, hay còn gọi là làm phúc bố thí, là đòi hỏi căn bản để được thưởng hay phạt trong ngày chung thẩm mà Chúa Giê-su xác định ngay từ bây giờ cho chúng ta.
1. Một sự phân định dứt khoát
Được phân biệt ra hai hạng người lành và dữ, như chiên và dê; chứ không còn hâm hẩm nửa vời không nóng không lạnh, không chiên mà cũng chẳng dê.
Thánh Gio-an Tông Đồ từng nói về việc Chúa phán với hạng người sống kiểu nửa vời trong sách Khải Huyền rằng: “Ta biết các việc ngươi làm: ngươi chẳng lạnh mà cũng chẳng nóng. Phải chi ngươi lạnh hẳn hay nóng hẳn đi! Nhưng vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3,15-16).
Thái độ sống đạo của nhiều người ngày hôm nay cũng thế, chiên không ra chiên dê không ra dê, sống kiểu “hifi” nửa đời nửa đạo, Chúa cũng muốn mà thần tài cũng ham…
Chúa sẽ xét xử chúng ta cách dứt khoát trong ngày chung thẩm, và Chúa cũng muốn chúng ta cần một sự lựa chọn cho việc sống đạo ngày hôm nay.
2. Một thực tế sống chứ không phải trừu tượng.
Bác ái cần hành động chứ không phải lý thuyết. Chúa Giê-su kể ra sáu tình cảnh rất thực tế và là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống chứ không phải chuyện cao xa trừu tượng: Đói, khát, khách lạ, đau yếu, trần truồng, tù đày. Nghĩa là đối tượng chúng ta nhắm đến là những thân phận đang cần chúng ta hơn hết. Đó cũng là điều mà ngôn sứ Isaia đã nói đến: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục” (Is 58, 6-7).
Điều đặc biệt hơn cả là Chúa Giê-su đồng hoá mình trong những thân phận bất hạnh đó. Những tình cảnh của những con người đau khổ kia lại là hiện thân của Chúa Giê-su và là cơ hội cho chúng ta gặp Chúa: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.”
Đặt mình vào viễn cảnh phán xét chung, có lẽ những người lành hay dữ đều chung một suy nghĩ là Vua Giê-su sẽ hỏi: Con cháu ai? Làm nghề gì? Chức vụ gì? Học hành cao hay mù chữ…? Hay đọc bao nhiêu kinh, hành hương bao nhiêu lần, đóng góp hoặc xây bao nhà thờ…? Nhưng không ngờ Vua chỉ hỏi: Các ngươi có chia phần của các ngươi cho kẻ đói nghèo, rách rưới, khách lạ hoặc tù đày không? Và kết cuộc, các người “ăn thịt Chiên Con” cũng đâu có nhớ họ đã ăn bao nhiêu lần, mấy chục ký… nhưng Thần Khí soi sáng cho họ biết là họ chưa hề quên san sẻ cho tha nhân. “Bé cái lầm”, nhưng cái lầm của người bên hữu thật có phước.
Tóm lại, Chính việc thi ân làm phúc bố thí cho đồng loại lại chính là làm cho Chúa như Chúa Giê-su đã khẳng định qua bài Tin Mừng hôm nay. Thể hiện tình liên đới qua việc làm phúc đóng vai trò quyết định cho phần rỗi chúng ta khi ra trước toà phán xét.
Lạy Chúa Giê-su Ki-tô, Vua Tình Yêu,
Chúa đã đồng hoá mình nơi những người bé nhỏ bất hạnh trên mọi nẻo đường đang mong chờ sự tấm lòng quảng đại của mỗi người chúng con. Xin mở mắt tâm hồn chúng con để chúng con nhận ra Chúa nơi họ mà sẵn sàng chia sẻ trong khả năng của mình. Amen
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 18,33b-37
Ông Phi-la-tô hỏi Đức Giê-su: “Ông có phải là vua dân Do-thái không? ” Đức Giê-su đáp: “Ngài tự ý nói điều ấy, hay những người khác đã nói với ngài về tôi? ” Ông Phi-la-tô trả lời: “Tôi là người Do-thái sao? Chính dân của ông và các thượng tế đã nộp ông cho tôi. Ông đã làm gì? ” Đức Giê-su trả lời: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do-thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” Ông Phi-la-tô liền hỏi: “Vậy ông là vua sao? ” Đức Giê-su đáp: “Chính ngài nói rằng tôi là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: làm chứng cho sự thật. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.”
II. SUY NIỆM
“VUA TÌNH YÊU”
Khác với cách tường thuật của Tin Mừng Nhất Lãm, văn chương Gio-an có cái nhìn nhiệm ý về sự chủ động của Chúa Giê-su trong tư cách một vị vua đi vào cuộc khổ nạn, dù đó là một vị vua đội “vương miện” bằng gai:
Chúa Giê-su tuyên bố “Ta đây” trước những kẻ đến bắt, thẳng thắn xác định giáo lý và cách rao giảng công khai trước thượng tế Caipha, khẳng định tư các “vua” và tuyên bố vương quyền trước tổng trấn Philatô, và sau này chính Philatô đã ít nhất hai lần xác nhận “này là Người” khi đem ra giới thiệu trước đám đông, cuối cùng Philatô đã ghi tấm bảng treo trên đầu thập giá Chúa Giê-su khẳng định: “Giê-su Nazareth là vua Do-thái”.
Chúa Nhật cuối cùng của năm Phụng Vụ, chúng ta chiêm ngưỡng một vị vua chịu đóng đanh, một vị vua là Tình Yêu đã chết cho nhân loại và để giải phóng nhân loại.
Hình ảnh vị vua Giê-su không giống bất kỳ vị vua nào trên trái đất. Một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không quân đội, không thần dân và không vương quốc theo nghĩa thế gian. Một vị vua nghèo túng, khổ đau, bị lăng nhục, bị nguyền rủa, bị đóng đinh trên thập giá.
Nhưng tại sao lại là vua? Chính câu trả lời của Chúa Giê-su cho Philatô rằng: “Nước Tôi không thuộc thế gian này” đã giải đáp cho chúng ta.
Trước hết, khi tuyên xưng Chúa là vua, chúng ta cũng đương nhiên thừa nhận rằng, có một vương quốc Nước Trời và có một vị Vua trong tâm hồn chúng ta.
Điểm cốt yếu là:
Vị vua Giê-su chết ở giữa hai tử tội, nghĩa là người đã chết thay cho tội nhân là chúng ta.
Vị vua cầu xin ơn tha thứ cho người đã đóng đinh Người, nghĩa là vị vua đại diện cầu xin Thiên Chúa Cha tha thứ cho hết mọi người. Một vị vua nhân từ và yêu thương.
Một vị vua lo cứu dân chứ không phải cứu mình, như lời thách thức của các lãnh đạo và lính tráng. Nghĩa là vị vua dám chết thay cho dân chứ không phải dân chết thay mình.
Các đầu mục Do-thái và lính tráng và cả tên kẻ trộm bên trái đã thách thức: “Nếu ông là vua thì hãy cứu mình đi…” Họ biết Ðức Giê-su đã cứu chữa nhiều người, nhưng họ muốn Người cứu chính mình nữa và coi hành vi này mới có giá trị quyết định vì họ theo lẽ thế gian xét mọi việc không ở dưới khía cạnh bác ái và cứu thế nhưng theo mức độ ích kỷ và vinh thân. Để rồi họ cũng muốn cho vị vua của dân Chúa cũng phải như họ là ích kỷ và trước hết phải lo cho bản thân mình, phải nghĩ đến mình trước rồi mới đến người khác. Nếu như thế thì còn đâu ý nghĩa phục vụ? Còn đâu “mục tử tốt thí mạng vì đàn chiên?”
Vì vậy, mọi Ki-tô hữu chúng ta, khi suy tôn Chúa Giê-su là Vua, thì chúng ta cũng phải tìm cho vinh quang Chúa, chứ không phải cho vinh quang mình; hy sinh cho mọi người, chứ không phải lo vinh thân. Khi chúng ta chỉ biết lo cho mình và mặc kệ với kẻ khác, thì là lúc chúng ta đang chọn vật chất làm vua thay vua Giê-su trong tâm hồn chúng ta.
Chúa Giê-su là một vị vua không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Người phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Người vẫn thu hút chúng ta đến với Người. Thập giá là nơi vương quyền của Người được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm.
Chúng ta cần ngắm nhìn Người trên thập giá để biết cách chinh phục thế giới. Bởi vì thế giới hôm nay xúc động trước lòng yêu thương và tha thứ. Xin Chúa Giê-su là Vua Tình yêu ngự trị trong trái tim nhân hậu của chúng ta khi đến với tha nhân.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn biết nhìn lên thập giá Chúa là dấu chứng của tình yêu hi sinh, để chúng con cũng biết hiến thận phục vụ tha nhân trong phận mình, hầu được chính Chúa thánh hóa tâm hồn và đời sống, xứng đáng là công dân của Nước Trời, nơi đó có Chúa là Vua Tình Yêu đang chào đón chúng con. Amen.
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 23,35-43
Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn! ” Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi! ” Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”
Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với! ” Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái! ” Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! ” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”
II. SUY NIỆM
“VỊ VUA CHẾT THAY CHO THẦN DÂN”
Hôm nay, Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ, Giáo hội mừng lễ Chúa Ki-tô Vua, với ý nghĩa như một sự chuẩn bị cho dân Chúa vui mừng đón chờ ngày Chúa Giê-su Ki-tô vua hiển trị. Mừng Chúa Nhật cuối năm Phụng Vụ mà tưởng nhớ Ngày Của Chúa (Dies Domini) khi kết thúc cuộc đời và ngày chung thẩm, khi Vị Vua Nhân Hậu và là Vua Tình Yêu xuất hiện trong vinh quang.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng chiêm ngắm hai hình ảnh:
– Vị vua trên thánh giá chết thay cho dân.
– Thần dân trên khổ giá.
1. Chúa Giê-su, một vị Vua chết thay cho dân sống.
Hình ảnh vị vua Giê-su không giống bất kỳ vị vua nào trên trái đất. Một vị vua không ngai vàng, không cung điện, không quân đội, không thần dân và không vương quốc theo nghĩa thế gian. Một vị vua nghèo túng, khổ đau, bị lăng nhục, bị nguyền rủa, bị đóng đinh trên thập giá.
Nhưng tại sao lại là vua? Chính câu trả lời của Chúa Giê-su cho Philatô rằng: “Nước Tôi không thuộc thế gian này” đã giải đáp cho chúng ta.
Trước hết, khi tuyên xưng Chúa là vua, chúng ta cũng đương nhiên thừa nhận rằng, có một vương quốc Nước Trời và có một vị vua trong tâm hồn chúng ta.
Vị vua Giê-su chấp nhận thách thức của các đầu mục Do-thái và lính tráng và cả tên kẻ trộm bên trái: “Nếu ông là vua thì hãy cứu mình đi…” Họ biết Chúa Giê-su đã cứu chữa nhiều người, nhưng họ muốn Người cứu chính mình nữa và coi hành vi này mới có giá trị quyết định vì họ theo lẽ thế gian xét mọi việc không ở dưới khía cạnh bác ái và cứu thế nhưng theo mức độ ích kỷ và vinh thân. Để rồi họ cũng muốn cho vị vua của dân Chúa cũng phải như họ là ích kỷ và trước hết phải lo cho bản thân mình, phải nghĩ đến mình trước rồi mới đến người khác.
Vì vậy, mọi Ki-tô hữu chúng ta, khi tuyên xưng Chúa là vua, thì chúng ta cũng phải tìm cho vinh quang Chúa, chứ không phải cho vinh quang mình; hy sinh cho mọi người, chứ không phải lo vinh thân. Khi chúng ta chỉ biết lo cho mình và mặc kệ với kẻ khác, thì là lúc chúng ta đang chọn vật chất làm vua thay vua Giê-su trong tâm hồn chúng ta.
2. Thần dân “được coi là đầu tiên”của Vua Giê-su.
Không ít người đến nay vẫn cho rằng, “người trộm lành” này là người trần thế vào thiên đàng đầu tiên. Tuy nhiên, cũng cần phải nhớ rằng, theo Tin Mừng thì Chúa Giê-su đã tắt thở trước hai tên trộm và không còn bị đập gãy ống chân. Mà khi Chúa kêu lên: “Mọi sự đã hoàn tất” rồi gục đầu tắt thở thì Ơn Cứu Độ đã thành toàn và các vị tổ phụ hay tiên tri đã được cứu, nên đừng vội kết luận như thế. Nhưng ở đây, không phải bàn luận ai đầu ai cuối, mà là cùng suy nghĩ về ơn cứu độ dành cho vị “công dân nước trời” đặc biệt này.
Vị công dân nước trời này, không phải là những tư tế hay quan chức đang ngạo nghễ đắc thắng kia, không phải là dân chúng đang đứng từ xa thương tiếc, nhưng là một anh tử tội đang bị hành hình. Thế nhưng, anh xứng đáng được làm người tiên phong đi vào Nước Trời của cuộc sáng tạo mới bắt đầu từ cái chết của Chúa Giê-su là vì:
Anh nhận ra con người tội lỗi của mình.
Ở Nga, người ta vẫn coi anh chàng “trộm lành” có tên là Dismat này là một vị thánh và là bổn mạng của các tội nhân mang án tử. Anh đã nên thánh ngay phút chót của cuộc đời trần thế, chỉ vì anh đã thống hối và tin vào Chúa Giê-su.
Người trộm lành đã ý thức tội lỗi của mình và đáng chịu phạt xứng với tội lỗi anh đã gây ra.
Anh tin và cầu xin với Chúa Giê-su Ki-tô.
Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở sám hối mà thôi thì chưa đủ để được vào Nước Thiên Chúa, người trộm lành cần đến niềm tin nơi Đấng bị đóng đinh kia là Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ. Đây là một đặc điềm của đạo Công giáo chúng ta. Chúng ta không chỉ sám hối mà còn phải tin vào Tin Mừng là tin vào Chúa Giê-su Ki-tô (khác với Phật Giáo), không phải tự cứu mình bằng nỗ lực bản thân mà là cần kết hợp với ơn Chúa, hoàn thiện bản thân trong sự kết hợp với ơn Cứu Độ của Chúa Giê-su Ki-tô. Cũng không phải chỉ tin là đủ, mà phải hành động cụ thể là sám hối và tin và Tin Mừng.
Tóm lại: Chúa Giê-su là một vị vua không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Người phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Người vẫn thu hút chúng ta đến với Người. Thập giá là nơi vương quyền của Người được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm. Chúng ta cần ngắm nhìn Người trên thập giá để biết cách chinh phục thế giới. Bởi vì thế giới hôm nay xúc động trước lòng yêu thương và tha thứ. Xin Chúa Giê-su là Vua Tình yêu ngự trị trong trái tim nhân hậu của chúng ta khi đến với tha nhân.
Đồng thời, chúng ta cần có lòng thống hối ăn năn và cầu xin tin tưởng như “người trộm lành”, để được ân sủng của Chúa, được chính Người thánh hóa tâm hồn và đời sống, xứng đáng là công dân của Nước Trời, nơi đó có Chúa Giê-su là Vua Tình Yêu đang chào đón chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là vua không phải để thống trị bằng sức mạnh, nhưng là Vua Tình Yêu thống trị mọi tâm hồn cháy lửa bác ái yêu thương. Xin cho chúng con trở nên thần dân đích thực của Chúa khi thực thi giới luật trọn hảo Chúa ban là mến Chúa yêu người, hầu mai ngày chúng con được vào hưởng vương quốc mà Chúa đã dọn sẵn cho chúng con trên trời. Amen
Discussion about this post