Ngày 25 tháng 01
THÁNH PHAOLÔ TÔNG ĐỒ TRỞ LẠI
Lễ kính
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 16,15-18
Đức Giê-su nói với các Tông Đồ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
II. SUY NIỆM
Để có một người cộng tác vào một công việc đặc biệt trong chương trình cứu độ nhân loại, Thiên Chúa có nhiều cách chọn gọi và nhiều đối tượng được gọi khác nhau: Có những cách gọi bằng cách tác động từ nơi trái tim do lòng mộ mến, hoặc tác động lên ý thức tìm đến ơn gọi bằng sự nghiên cứu truy tầm về Thiên Chúa; cũng có cách gọi bằng cách làm cho nhiều lý do ngoại cảnh khác nhau tạo nên sự thích thú của đối tượng tìm đến ơn gọi (thậm chí có cả sự tiêu cực như thích được thế này thế kia…). Đối tượng được gọi cũng thật phong phú: có người được chuẩn bị từ trong lòng mẹ, có người được chuẩn bị từ nhỏ nơi gia đình, có người thậm chí đến từ một sự thất bại nơi tình cảm hay xã hội và có người được gọi bằng cả những cú ngã đau trên đường đời… Có người được gọi ngay trên ghế nhà trường, có người được gọi ngay trên bàn giấy hay nơi công sở làm việc, có người học thức hay sang giàu và cũng có người xuất thân từ nghèo khó quê mùa… Chúa có cách của Chúa, dù đến với ơn gọi thế nào hay đối tượng nào, thì khi đã gọi, Chúa có cách của Chúa và điều quan trọng là đối tượng được gọi dám cộng tác với ơn Chúa thì Chúa sẽ biến đổi họ nên khí cụ của Người.
Trường hợp của thánh Phao-lô hôm nay là một trong những cách chọn gọi của Chúa, nhưng thật đặc biệt và lạ lùng. Thánh nhân được gọi bằng một cú sốc, bằng một cú “quật ngã” làm cho sáng mắt ra và chấp nhận quy phục đức tin.
Phao-lô được gọi trong bối cảnh không ai có thể ngờ: Ngài xuất thân từ một gia đình thế giá với hộ khẩu “công dân mẫu quốc Rô-ma”, có bằng cấp ăn học đàng hoàng với tiến sĩ luật Gamalien nổi tiếng, thông thạo đạo lý Do-thái Giáo, nhiệt thành với đạo và đang “thi đua lập thành tích” đi làm “công an nằm vùng” truy bắt “những phần tử lạc đạo”. Đang hăng say thành công với con đường chọn lựa của mình, đùng một cái bị quật ngã và quay ngoắt 180o trở lại quy phục Đấng mà bấy lâu nay Phao-lô tìm cách triệt tiêu.
Sự trở lại của thánh Phao-lô có thể nói là “không thể tin được”. Thật vậy, đang ở chiến tuyến bên này, đùng một cái sang chiến tuyến bên kia và sống chết cho vị chỉ huy chiến tuyến mới này, nên cả trong đạo lẫn đời thời đó phải nghi ngờ. Chuyện lạ như thế thật khó tin, chỉ trừ khi đó là “một phép lạ”. Và phép lạ đó được chính Phao-lô kể lại là “biến cố té ngựa”.
Cụ thể là Phao-lô về thủ đô gặp các Tông Đồ để xin “giấy phép” đi giảng, thì các sếp ở Giê-ru-sa-lem nghi ngại (biết đâu “cờ sờ” cài vào thì nguy), cho đến khi Phao-lô kể ra phép lạ, và sau đó do tiếng Chúa Thánh Thần phán xác nhận chọn Phao-lô và Barnaba (x. Cv 13,2).
Sách Công Vụ Tông Đồ cũng nói đến việc khi Phao-lô giảng thì các tín hữu nghi ngờ, người Do-thái cũng nghi ngờ, và thậm chí cả những quan chức nhà nước như đại đội trưởng Claudio, tổng trấn Phê-lích và Phê-tô, rồi tiểu vương Ác-gíp-pa cũng nghi ngờ lý lịch của Phao-lô. Và tất cả đều được Phao-lô biện luận bằng câu chuyện “phép lạ ngã ngựa” trên đường Đa-mát.
Có thể nói, bối cảnh diễn ra câu chuyện và những nghi ngờ xảy ra sau đó, và chính việc kể lại câu chuyện “phép lạ” đã giúp xóa tan nghi ngờ (x. Cv 9; 22; 26), chúng ta thấy có vẻ mang dáng dấp huyền thoại “bảy thực ba hư” trong một sự kiện có thật.
Chẳng hạn, người Việt chúng ta có giai thoại về Lý Công Uẩn, Lê Lợi, Mai Thúc Loan…:
Tương truyền rằng, từ sau khi pháp sư Cao Biền của bọn Phương Bắc yểm bùa chặt đứt long mạch, thì ở Nước Nam không thể phát vương được nữa, và dân tin rằng họ sẽ mãi mãi làm nô lệ cho phương Bắc. Vì thế, để kêu gọi quân sĩ và dân ủng hộ, Lê Công Uẩn đã bày ra câu chuyện ông thấy một con rồng bay từ dưới sông Hồng lên trời, ý nói rồng vẫn ở Việt Nam, dân đã tin theo và Lý Công uẩn đã thắng Tàu, tuyên bố chủ quyền và lấy niên hiệu là Lý Thái Tổ, rồi ông đặt tên nơi thấy rồng là Thăng Long và tồn tại cho đến ngày nay.
Rồi chuyện rùa thần trao bảo kiếm cho Lê Lợi…
Hay chuyện Mai Thúc Loan từ anh nông phu đen trùng trục trở thành vua Mai Hắc Đế cũng vậy với truyền thuyết về con trâu đằm dưới kênh lên húc chết con hổ…
Chúng ta không loại trừ một chút huyền thoại trong câu chuyện “té ngựa” giữa trưa hè nóng bức, trên sa mạc khô cháy, khát nước hoa mắt xỉu té nhào, được mấy “bà phước” đưa vào chăm sóc làm tỉnh lại và ba ngày sau ăn uống khỏe mạnh… Rồi để thuyết phục mọi người về ơn gọi, Phao-lô cần sự kiện này được lồng trong một dấu chỉ phép lạ.
Tuy nhiên, điều quan trọng không phải là nội dung câu chuyện, mà là ý nghĩa câu chuyện được ơn trở lại của Phao-lô. Câu chuyện ơn gọi của ngài để lại cho chúng ta những bài học:
Phao-lô bị Chúa quật ngã khi đang bon bon trên đà danh vọng với những dự án toan tính của mình. Qua biến cố ngã ngựa, Phao-lô đã “mở mắt ra” khi cái vảy rơi khỏi mắt, và ngài đã thấy được cái sai quá khứ, mà bước theo ý Chúa muốn mình phải làm gì trong tương lai. Chúng ta cũng thế, khi đang tưởng chừng như thành công với những toan tính danh vọng, rất cần một cú sốc và cần đến những “Anania” giúp để mở mắt ra thấy mình đã sai và mau mắn trở lại.
Và một khi đã được ơn trở lại, thánh Phao-lô đã để cho Chúa biến đổi nên Tông Đồ của Người và nhiệt thành làm chứng cho Chúa. Cũng thế, một khi chúng ta đã được Chúa gọi hay sau những vấp ngã, chúng ta biết đứng lên và ngoan ngoãn để cho Chúa hướng dẫn và cộng tác với Chúa để loan báo lòng thương xót của Người.
Lạy Chúa, xin cho mọi người chúng con khi đã được Chúa mời gọi vào Giáo hội Chúa, thì cũng biết như thánh Phao-lô là hăng say làm chứng cho Chúa, để danh Chúa ngày càng được nhiều người nhận biết và tin theo. Amen
Discussion about this post