CHÚA NHẬT III THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 4,12-23
Khi Đức Giê-su nghe tin ông Gio-an đã bị nộp, Người lánh qua miền Ga-li-lê. Rồi Người bỏ Na-da-rét, đến ở Ca-phác-na-um, một thành ven biển hồ Ga-li-lê, thuộc địa hạt Dơ-vu-lun và Náp-ta-li, để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a nói: Này đất Dơ-vu-lun, và đất Náp-ta-li, hỡi con đường ven biển, và vùng tả ngạn sông Gio-đan, hỡi Ga-li-lê, miền đất của dân ngoại! Đoàn dân đang ngồi trong cảnh tối tăm đã thấy một ánh sáng huy hoàng, những kẻ đang ngồi trong vùng bóng tối của tử thần nay được ánh sáng bừng lên chiếu rọi.
Từ lúc đó, Đức Giê-su bắt đầu rao giảng và nói rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.”
Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy hai anh em kia, là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, và người anh là ông An-rê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi một quãng nữa, Người thấy hai anh em khác con ông Dê-bê-đê, là ông Gia-cô-bê và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang cùng với cha là ông Dê-bê-đê vá lưới ở trong thuyền. Người gọi các ông. Lập tức, các ông bỏ thuyền, bỏ cha lại mà theo Người.
Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân.
II. SUY NIỆM
“LỜI RAO GIẢNG ĐẦU TIÊN”
Tin Mừng hôm nay kể về việc Chúa Giê-su khởi sự rao giảng Tin Mừng, bắt đầu từ miền duyên hải thành Caphanaum (miền Galilea). Bắt đầu từ miền Galilea chứ không phải từ Giêrusalem. Chúa Giê-su không chọn Giuđêa làm khởi điểm truyền giáo, dù Giuđêa có Giêrusalem giữ vị trí đặc biệt trong đời sống tôn giáo, nơi có đền thờ và có tư tế; mà Người lại chọn Galilea, là nơi đời sống xã hội phức tạp, đa tạp dân sinh và đa tôn giáo. Điều này để nói lên tính phổ quát của việc rao giảng Tin Mừng, đồng thời nói lên việc Chúa không chọn nơi mà tưởng chừng như được “ưu tiên” vì có đền thờ, có các đấng bậc và có “người có đạo”.
Kế đến, Chúa gọi và chọn những cộng sự đầu tiên, cũng nói lên tính phổ quát của ơn gọi, Chúa không phân biệt xuất xứ sang hèn hay trình độ, nhưng điều quan trọng là dám bỏ tất cả để theo Người
1. Lời rao giảng đầu tiên (Κήρυγμα)
Bởi vì sứ điệp của Chúa Giê-su rao giảng là: “Hãy sám hối…”. Người đi tìm con chiên lạc trước chứ không phải tìm chín mươi chín con chiên tuy không lạc nhưng lại không ở với chủ. Người ưa thích hiện diện giữa người tội lỗi để tha thứ và chữa lành hơn là những người tự cho mình đạo đức không cần thống hối. Người nên Ánh Sáng cho những dân đang ngồi trong bóng tối nhưng qua ánh sao lạ đã tìm đến với Người, hơn là những kẻ tưởng là đang ngồi trong ánh sáng nhưng lại thờ ơ hoặc từ chối Người. Người đến với những nơi mà người ta đem đến cho Người đủ thứ bệnh tật để được Người chữa lành, hơn là đến với những kẻ tìm đến với Người để tìm cách bắt bẻ, gài bẫy và ghanh tị…
Lời rao giảng: “Hãy sám hối”. Đây là sứ điệp chung mà người rao giảng Tin Mừng cần phải sống và loan báo. bắt đầu từ lời rao giảng của thánh Gio-an Tiền Hô, qua Chúa Giê-su và đến các Tông Đồ… và trở thành tiên quyết cho việc thụ lãnh các Bí tích sau này.
Sám hối để nhận ra mình sai mà quay về, sám hối để rũ bỏ tất cả để được Chúa ngự vào…
Sứ điệp đầu tiên và điều kiện để đón nhận Tin Mừng chính là “Sám Hối”, mà Chúa Giê-su (dù vô tội) đã nêu gương cho chúng ta, khi để Gio-an làm phép rửa, đã minh chứng cho lời rao giảng đầu tiên của Chúa Giê-su là: “Hãy sám hối”.
Thật vậy, chỉ có sám hối nhìn nhận mình tội lỗi thì mới được hưởng ơn tha thứ; khiêm tốn nhìn nhận mình bất toàn mới được đổ đầy ân sủng.
2. Ơn gọi kế thừa Lời rao giảng.
Với sự khẩn thiết của việc rao giảng Chúa Giê-su chọn gọi một số cộng sự, bài Tin Mừng hôm nay giới thiệu hình ảnh những Tông Đồ đầu tiên.
Tại bờ biển hồ Galilê, là nơi diễn ra cuộc sống kinh tế của dân. Chúa đến cách cụ thể trong cuộc sống bình thường của con người. Chúa gọi trong hoàn cảnh cụ thể và trong bối cảnh xã hội đương thời. Chúa không phân biệt nghề nghiệp cao sang hay thấp kém, người trí thức hay bình thường. Điều này cho thấy, sứ vụ của người theo Chúa là rao giảng và sống chứng nhân cho Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Đồng thời, Tin Mừng được loan báo nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần chứ không phải ý riêng con người.
Chúa gọi cách trực tiếp, Chúa gọi từng cá nhân với một mệnh lệnh là: “Hãy theo Thầy”. “Theo” trong ngôn ngữ Do-thái là “ở với”, là “gắn bó” với Thầy. Chúa gọi theo tính cách là người trên truyền lệnh, ai tự do tin nhận Người là chủ đời mình thì bước theo. Như vậy, theo Chúa là gắn bó nên một với Người và ở với Người; giữ các huấn lệnh của Chúa, tin nhận và chọn Người làm chủ đời mình và sứ vụ được trao cho mình.
“Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người” Nghĩa là, phải lãnh lấy một sứ vụ, một công việc mới, công việc của Thầy chứ không còn là công việc của mình nữa. Phải, theo Chúa không phải để trốn tránh việc đời, để an thân và lẩn tránh trách nhiệm, nhưng là phải ra đi đem Tin Mừng cho thế giới và đem về cho Chúa các linh hồn.
“Ngay lập tức, các ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cha mình mà theo Chúa”. Hành động ngay lập tức (chứ không phải để từ từ và so đo tính toán nữa) nói lên một sự tín thác tuyệt đối vào Chúa. Đi sau sự đáp trả là từ bỏ tất cả, vật dụng làm nghề, bỏ cơ nghiệp, bỏ nghề nghiệp và bỏ cả liên hệ gia đình để đi theo Chúa. Điều này đòi hỏi một sự dứt khoát, không vương vấn và không để điều gì vướng bận cho sứ vụ mới. Theo Chúa là phải bỏ con người cũ để sống con người mới.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến trần gian để mang Tin Mừng đến cho mọi người, để những ai sám hối và tin nhận Tin Mừng sẽ được ơn cứu độ. Xin cho chúng con biết cộng tác với Chúa mà đem Tin Mừng cho thế giới bằng việc cảm hóa họ qua đời sống đạo đức của chúng con. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,14-20
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
Người đang đi dọc theo biển hồ Ga-li-lê, thì thấy ông Si-môn với người anh là ông An-rê, đang quăng lưới xuống biển, vì họ làm nghề đánh cá. Người bảo họ: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.
Đi xa hơn một chút, Người thấy ông Gia-cô-bê, con ông Dê-bê-đê, và người em là ông Gio-an. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các ông bỏ cha mình là ông Dê-bê-đê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi theo Người.
II. SUY NIỆM
“ƠN GỌI VÀ LỜI ĐÁP TRẢ”
Bài Tin Mừng Chúa Nhật III Thường Niên hôm nay tường thuật “Lời Rao Giảng Đầu Tiên” và việc Chúa Giê-su tuyển chọn bốn môn đệ đầu tiên để cộng tác với Người trong công cuộc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa.
Bốn Tông Đồ đầu tiên này là hai cặp đôi anh em ruột và cùng làm nghề đánh cá: Phêrô – Anrê và Giacôbê – Gio-an.
Qua cách thức gọi của Chúa Giê-su và lời đáp trả của các Tông Đồ, chúng ta cùng suy tư một vài điểm sau đây:
1. Chúa gọi các Tông Đồ ở đâu và trong hoàn cảnh nào?
Tại bờ biển hồ Galilê, là nơi diễn ra cuộc sống kinh tế của dân. Chúa đến cách cụ thể trong cuộc sống bình thường của con người. Chúa gọi trong hoàn cảnh cụ thể và trong bối cảnh xã hội đương thời. Chúa không phân biệt nghề nghiệp cao sang hay thấp kém, người trí thức hay bình thường. Điều này cho thấy, sứ vụ của người theo Chúa là rao giảng và sống chứng nhân cho Tin Mừng ngay trong hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống. Đồng thời, Tin Mừng được loan báo nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần chứ không phải ý riêng con người.
2. Chúa gọi như thế nào và gọi để làm gì?
Chúa gọi cách trực tiếp, Chúa gọi từng cá nhân với một mệnh lệnh là: “Hãy theo Thầy”. “Theo” trong ngôn ngữ Do-thái là “ở với”, là “gắn bó” với Thầy. Chúa gọi theo tính cách là người trên truyền lệnh, ai tự do tin nhận Người là chủ đời mình thì bước theo. Như vậy, theo Chúa là gắn bó nên một với Người và ở với Người; giữ các huấn lệnh của Chúa, tin nhận và chọn Người làm chủ đời mình và sứ vụ được trao cho mình.
3. Sứ vụ của người được gọi.
“Hãy theo Tôi, Tôi sẽ làm cho các anh trở thành những kẻ chài lưới người”. Nghĩa là, phải lãnh lấy một sứ vụ, một công việc mới, công việc của Thầy chứ không còn là công việc của mình nữa. Thật vậy, theo Chúa không phải để trốn tránh việc đời, để an thân và lẩn tránh trách nhiệm, nhưng là phải ra đi đem Tin Mừng cho thế giới và đem về cho Chúa các linh hồn.
4. Sự đáp trả và tinh thần từ bỏ?
Ngay lập tức, các ông bỏ chài lưới, bỏ thuyền, bỏ cha mình mà theo Chúa. Hành động ngay lập tức (chứ không phải để từ từ và so đo tính toán nữa) nói lên một sự tín thác tuyệt đối vào Chúa. Đi sau sự đáp trả là từ bỏ tất cả, vật dụng làm nghề, bỏ cơ nghiệp, bỏ nghề nghiệp và bỏ cả liên hệ gia đình để đi theo Chúa. Điều này đòi hỏi một sự dứt khoát, không vương vấn và không để điều gì vướng bận cho sứ vụ mới. theo Chúa là phải bỏ con người cũ để sống con người mới.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con khi rao truyền lời Chúa, không ỷ lại vào kinh nghiệm và khả năng riêng mình, nhưng biết luôn xin ơn soi dẫn, để vâng lời Ngài, chúng con dám can đảm đối diện và dấn thân đến những mảnh đất tâm hồn chai đá và nơi khó khăn nhất, để đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,1-4; 4,14-21
Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.
Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.
Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.
Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”
II. SUY NIỆM
“KHAI MỞ NĂM HỒNG ÂN”
Ngày trước, thời “chưa có điện về làng”, ông bà ta thường nói với nhau về việc đi xem lễ: “Nhất sáng trăng, nhì cụ mới”. Đúng vậy, thời đó chưa có điện và cũng chưa có tivi để coi, chưa có đèn điện và nếu không có trăng sáng thì thường đốt đuốc để đi dự lễ, vì vậy mà những ngày có trăng sáng thì có nhiều người đi dự lễ. Lại nữa, vì ngày nào cũng cha xứ giảng quá quen rồi, nên nếu có cha mới về dâng lễ thì kéo nhau đi, đôi khi một số các bà các cô còn nhằm xem thử cha mới đẹp trai không, hay là giảng hay không…?
Hôm nay, “cha mới Giê-su” (sau khi được Chúa Cha xức dầu Thánh Thần phong chức), lần đầu tiên Người “vinh quy bái tổ” về quê, vào “nhà thờ Do-thái” giảng một bài hoành tráng.
Có lẽ là cha mới Giê-su giảng rất dài, không chừng mất cả tiếng, bởi vì đạt 5 điểm cơ mà (Nói chung là đủ điểm trung bình vượt qua kỳ thi thần học). Tin Mừng Luca ghi:
- Tin Mừng được loan báo cho kẻ nghèo hèn,
- Giải thoát cho kẻ giam cầm,
- Chữa lành mắt cho người mù,
- Trả tự do cho người bị áp bức.
- Khai mở một năm hồng ân.
Cũng may mà cha mới Giê-su giảng hay và hấp dẫn, nên mọi người khoái chí và vì thế nó không dài hay gây buồn ngủ. Đúng vậy, chính thành sử Luca làm chứng: “Mọi người đều thán phục những lời hay ý đẹp Người đã nói” (Lc 4,22).
“Đúng là cụ mới, nên cái chi cũng mới…!!!”.
Tuy nhiên, cũng như cha mới về xứ, ít nhiều xảy ra những trường hợp:
– Người thích thì “thấy sang bắt quàng làm họ”
– Người ganh tị thì gièm pha: Ối giời, lão đó mình biết con ai mà, gia đình ra gì đâu, học hành bao nhiêu…?
– Người thiện chí vô tư thì lấy làm thích thú vì được nghe những lời bổ ích.
– Kẻ “nô lệ cho tà thần” thì phản đối ra mặt (như trường hợp quỷ ám la lên).
Ở đây, chúng ta đặc biệt nhấn mạnh đến việc khai mở năm toàn xá, thiết nghĩ đây là ý tưởng hiện sinh nhất cho chúng ta hôm nay: “Bắt đầu một năm hồng ân của Chúa”.
Đối với dân Do-thái, trong sách Xuất hành 21,2 và sách Lê-vi 25,1-7, thì năm toàn xá đã được Thiên Chúa thiết lập. Cuối một chu kỳ bảy năm là năm Sa-bát, thì phải để cho đất đai được nghỉ ngơi, không canh tác. Các nô lệ cũng được trả tự do… Cuối chu kỳ bảy lần bảy năm và bắt đầu ngày mồng mười tháng bảy năm thứ bốn mươi chín thì khởi đầu một năm toàn xá (x. Lv 25,8-54). Trong năm này đặc biệt cần phải thực thi ân tình cách khoáng đạt với người nô lệ, người nghèo, khách ngụ cư… như tha nợ, trả tự do, trả lại đồ cầm cố… Những quy định của năm toàn xá nói lên lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa, đặc biệt dành cho những người nghèo hèn, bé mọn, cô thân và yếu thế.
Bài đọc I, ngôn sứ Esdra đọc cho dân nghe lề luật Thiên Chúa, trong đó, ông đọc: “Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của Đức Chúa là thành trì bảo vệ anh em.” (Chúng ta để ý đến điều: gửi phần cho cho những người không sẵn của ăn).
Bài đọc II, trong thư Côrintô, thánh Phaolô cho thấy, Chúa Giê-su đã đến để thiết lập một thời đại mới, thời đại của tình thương và ân sủng. Qua đó, mỗi chúng ta được hưởng tình thương của Thiên Chúa nhờ Đức Giê-su, được trở thành thành viên trong đại gia đình của Thiên Chúa, thành công dân trong vương quốc của Chúa, từ đây không còn kỳ thị hay phân biệt màu da, sắc tộc, tất cả được tháp nhập vào thân thể Người, được tham dự vào sự sống thần linh của Người và làm nên chi thể của Người.
Tin Mừng Luca đề cập đến lời ngôn sứ Isaia mà Chúa Giê-su đọc lên: ‘Trả tự do cho kẻ bị áp bức’. Nói lên rằng, Đức Ki-tô đứng về phía những người yếu, phía kẻ cô thế, bị bóc lột, áp bức. Sứ điệp của Người có tính cách xã hội.
Chung quy lại, điều mà năm hồng ân nhắm tới, chính là sự giải thoát cho chính mình và cho nhau, từ những tha thứ tinh thần đến những xóa nợ vật chất cho nhau.
Sống thời kỳ cứu độ mà Chúa Giê-su mở ra, thời điểm hồng ân, năm thánh đại phúc, là vượt qua những ganh ghét hận thù của quá khứ và bắt đầu một chu kỳ mới của yêu thương hiệp nhất.
Những Kinh sư Do-thái đã không vượt qua được thành kiến và ganh tỵ, nên họ đã lên án Chúa Giê-su. Sự ganh tỵ này trong bản chất của mỗi người tổ chức hay cộng đoàn nào cũng có và thời đại nào cũng có.
Có người kể rằng, có một vị sư phụ kia truyền cho hai đệ tử đi hoằng hóa kinh Phật cứu độ chúng sinh. Sau một tháng trở về, hai đệ tử đến gặp sư phụ để báo cáo. Đệ tử A đem được ít người quy y Phật Pháp hơn đệ tử B. Sư phụ khen cả hai đều làm rất tốt và đáng thưởng. Tuy nhiên, vì B làm tốt hơn A, nên sư phụ đề nghị sẽ ban tặng một điều theo ý họ xin, nhưng A xin điều gì thì B được gấp đôi điều đó. Thế rồi, đệ tử A đã xin sư phụ làm cho y chột đi một mắt…
Đức cố Hồng Y FX. Nguyễn Văn Thuận từng kể câu chuyện hài hước về ganh tị rằng, ngày nọ, các hồng y thân cận ngồi dùng bữa với Đức Thánh Cha, trong lúc vui, các hồng y hỏi riêng Đức Thánh Cha là, nghe nói ĐTC có bí mật Fatima thì bật mí cho chúng con một chút coi. ĐTC bảo đã bí mật mà bật mí thì còn gì là bí mật. Thế rồi, các HY hứa giữ bí mật và nài nỉ, nên ĐTC bảo: “Đức Mẹ Fatima bảo dẹp Đức Mẹ Lộ Đức đi”.
Con người là thế, sự ganh tỵ không tha cho bất kỳ ai, nếu họ không học được sự giải thoát chính mình khỏi nô lệ cho xác thịt.
Có người từng thề rằng, tôi sống để trong bụng, chết mang ra mộ chứ không thể bỏ qua cho tên đó được ??? Ôi, một sự nô lệ cho cá tính khủng khiếp…!!!
Phải, là những người con của Chúa, đòi hỏi phải vượt qua những ganh ghét hận thù của quá khứ và bắt đầu một chu kỳ mới của yêu thương hiệp nhất.
Lời Chúa mời gọi chúng ta sống chu kỳ mới của Năm Hồng Ân, ngay từ hôm nay, ngay lúc này.
Để ý một chút, chúng ta thấy cái khác, khác nhất, khác hoàn toàn giữa Chúa Giê-su giảng và các Kinh sư Do-thái giảng qua bài Tin Mừng hôm nay là, chỉ có Chúa Giê-su mới dám nói: “Hôm nay, ứng nghiệm điều quý vị vừa nghe”.
Thật vậy, các ngôn sứ khi tiên báo Năm Hồng Ân, thì chỉ dùng từ “ngày ấy…” hoặc “sẽ có một ngày sấm ngôn của Đức Chúa”… Còn Chúa Giê-su thì dùng từ “hôm nay”. Nghĩa là không còn là hứa nữa, mà là thực hiện. Chính Chúa Giê-su là Đấng “hôm nay” đến để cứu chuộc nhân loại, khai mạc mùa hồng ân cứu rỗi. Ơn cứu chuộc đó, mỗi người chúng ta đã được lãnh nhận, thì trong bài đọc II, Thánh Phaolô dạy chúng ta phải ăn ở xứng đáng vì “chúng ta là chi thể của Người.” Mỗi người trong thân phận của mình hãy làm sáng danh Chúa.
Trải suốt Tin Mừng Luca, từ “hôm nay” xuất hiện tại những đoạn then chốt. Trong ngày Lễ Giáng Sinh, chúng ta đã nghe các thiên thần loan báo “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra” (2,11). Khi Chúa Giê-su gặp ông Giakêu, Người nói với ông “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này” (19,9). Chúa Giê-su hứa với người trộm bị đóng đinh bên phải rằng “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (23,43).
Tắt một lời, là ngay lúc này này, ngay hôm nay này, chúng ta không trừ ai, hãy tự vấn nhìn lại mình, chúng ta có còn ghen ghét ai, còn mắc nợ ai không và còn chưa tha thứ cho ai không? Lời Chúa bảo ta: “Nếu con đi dâng của lễ mà sực nhớ còn bất hòa với ai thì hãy để của lễ lại đi làm hòa với người đó, rồi trở lại dâng của lễ…”.
Sống năm hồng ân là thế, là hoàn trả, tha thứ và tương trợ lẫn nhau, để không ai phải đau khổ thiếu thốn.
Kết lại, xin mượn lời của Đức Thánh Cha Phanxicô khi nói về việc sống năm thánh Lòng Thương Xót, là: “Các nước giàu xóa nợ cho các nước nghèo. Xin cho chúng con cũng biết xóa nợ cho nhau, không chỉ xóa nợ tiền bạc mà còn xóa đi những bất bình, nghi kỵ, thành kiến, hiểu lầm nhau…, để mọi người chung quanh chúng con được nhẹ nhàng hơn, thanh thoát hơn, vui tươi hơn”. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post