MÙA VỌNG
Suy niệm Tin Mừng TUẦN III MÙA VỌNG, và Chúa Nhật IV Mùa Vọng
MÙA GIÁNG SINH
Suy niệm Tin Mừng TUẦN LỄ HIỂN LINH và LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA.
10 ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT VỀ MÙA VỌNG
- Mục đích của mùa Vọng là gì?
Mùa Vọng là một mùa trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội – chính xác hơn, thuộc niên lịch của Giáo Hội Latinh, là Giáo Hội lớn nhất hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.
Những Giáo Hội Công giáo khác – cũng như nhiều Giáo hội không phải Công giáo — có tổ chức Mùa Vọng nhưng theo cách thức riêng của họ.
Theo sách: “Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch”, Mùa Vọng có một đặc tính với hai khía cạnh:
– Là một mùa để chuẩn bị cho Giáng Sinh khi chúng ta tưởng niệm việc Đức Kitô đến lần thứ nhất.
– Như là một Mùa mà việc nhớ lại ấy hướng tâm trí của chúng ta tới sự chờ đợi cho lần trở lại của Đức Kitô trong ngày sau hết.
Do đó, Mùa Vọng là một thời kỳ sốt sắng và mong đợi trong hân hoan.
Chúng ta thường nghĩ về Mùa Vọng chỉ như là một mùa chuẩn bị cho Giáng sinh hay tưởng nhớ việc Đức Kitô đến lần thứ nhất, nhưng như sách: “Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch” chỉ ra, thật quan trọng để nhắc nhớ rằng Mùa Vọng còn là dịp để chúng ta hướng tới sự trở lại của Đức Kitô. Cho nên, có thể nói Mùa Vọng đưa tâm trí chúng ta hướng về hai lần đến thế gian của Đức Kitô.
- Những màu phụng vụ nào được sử dụng trong mùa Vọng?
Những ngày đặc biệt và những nghi thức cử hành nào đó có thể có những màu riêng (thí dụ, màu đỏ dành cho lễ kính các thánh tử đạo, màu đen hay trắng vào dịp lễ an táng), nhưng màu thông thường của Mùa Vọng là tím. Sách “Quy Chế Tổng quát Sách lễ Rôma” đưa ra: Màu tím hay đỏ tía được sử dụng trong Mùa Vọng và Mùa Chay. Các màu này cũng có thể được mặc trong những nghi thức và Thánh lễ an táng (346d).
Ở nhiều nơi, có một ngoại lệ đáng chú ý cho Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, được biết tới như là “Chúa Nhật vui” (Gaudete) : Màu hồng có thể được sử dụng trong ngày Chúa Nhật vui và Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay (Laetare). (GIRM 346f).
- Phải chăng Mùa Vọng là mùa thống hối?
Chúng ta thường nghĩ về Mùa Vọng như là mùa thống hối bởi vì màu tím trong phụng vụ, giống như màu của mùa Chay – màu dành cho mùa sám hối.
Tuy nhiên, sự thực là Mùa Vọng không phải là mùa thống hối. Thật ngạc nhiên!
Theo điều khoản của Giáo Luật: số 1250: những ngày và những lần sám hối trong Giáo Hội hoàn vũ là mọi thứ sáu trong cả năm và cả mùa Chay.
Mặc dầu các đấng bản quyền địa phương có thể thiết lập thêm những ngày sám hối, song, trên đây đã là một danh sách đầy đủ của những ngày và những lần thống hối trong Giáo Hội Latinh cũng như toàn thể Giáo Hội, và Mùa Vọng không phải là một trong số đó.
- Mùa Vọng bắt đầu và kết thúc khi nào?
Theo “Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch”: Mùa Vọng bắt đầu với giờ Kinh Chiều I của Chúa Nhật ngày hoặc gần ngày 30/11 nhất; Mùa Vọng sẽ kết thúc vào trước giờ Kinh Chiều I của lễ Giáng Sinh (số 40).
Chúa Nhật đúng vào hay gần với ngày 30.11 nhất có thể trong khoảng 27.11 – 3.12, tùy theo năm.
Trong trường hợp một Chúa Nhật, giờ Kinh Chiều I được xem như vào Kinh Chiều I trước đó (thứ 7). Theo hướng dẫn tổng quát của các giờ kinh phụng vụ: Được cử hành ngay trước Thánh lễ, giờ Kinh Chiều được gộp vào cùng một cách thức như Kinh Sáng. Giờ Kinh Chiều I của những lễ trọng, các Chúa Nhật hay lễ kính Chúa rơi vào ngày Chúa Nhật có thể không được cử hành cho tới sau Thánh lễ của ngày hôm trước hay thứ bảy.
Điều này có nghĩa rằng, Mùa Vọng bắt đầu vào buổi chiều của thứ 7 giữa 26/11 – 2/12; kết thúc vào chiều ngày 24.12, lúc cử hành Kinh Chiều I lễ Giáng Sinh (25/12).
- Vai trò của các Chúa Nhật trong Mùa Vọng?
Có 4 Chúa Nhật trong Mùa Vọng. “Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch” tuyên bố: Các Chúa Nhật của mùa này được gọi là Chúa Nhật thứ nhất, thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư của Mùa Vọng (số 41)
Chúng ta đã đề cập trước đó về Chúa Nhật thứ ba có tên đặc biệt là Gaudete – từ Latinh có nghĩa là “niềm vui” là từ đầu tiên trong ca nhập lễ của Thánh lễ trong ngày này.
Giáo Hội gán cho các Chúa Nhật này có tầm quan trọng đặc biệt, những ngày ưu tiên hơn tất cả những cử hành phụng vụ khác. Vì thế, “Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch” tuyên bố: bởi vì tầm quan trọng đặc biệt của ngày này, cử hành Chúa Nhật chỉ dành cho lễ trọng hay lễ kính Chúa. Các Chúa nhật của Mùa Vọng, Mùa Chay và Phục Sinh được ưu tiên trên tất cả các lễ trọng và lễ kính Chúa. Các dịp lễ trên nếu rơi vào những Chúa Nhật này sẽ được cử hành trong các ngày thứ 7 trước đó (số 5).
- Những gì diễn ra với các ngày trong tuần?
Các bài giảng dành cho các ngày trong tuần của Mùa Vọng được khuyến khích đặc biệt. “Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch” cũng chỉ ra vai trò đặc biệt các ngày trong tuần của tuần lễ trước Giáng sinh: các ngày trong tuần từ 17-24/12 hướng tới việc phục vụ chuẩn bị trực tiếp hơn dành cho sinh nhật của Đức Kitô. (số 41).
Vai trò đặc biệt ấy được minh chứng trong các bài đọc Kinh Thánh được sử dụng trong phụng vụ trong những ngày này.
- Các nhà thờ được trang hoàng như thế nào trong suốt Mùa Vọng?
Trong Mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa cách vừa phải, thích hợp với đặc tính của mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của ngày Sinh Nhật Chúa. (x. GIRM 305).
- Âm nhạc được sử dụng như thế nào trong suốt Mùa Vọng?
Trong Mùa Vọng được phép đánh phong cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh. (x GIRM 313).
- Kinh Vinh danh có được đọc hay hát trong suốt Mùa Vọng không?
Kinh Vinh danh không được đọc hay hát trong Mùa Vọng, trừ gặp Lễ Trọng và Lễ Kính QCTQSLRM số 53).
- Những việc đạo đức riêng nào chúng ta nên thực hiện để trở nên thiết thân với Thiên Chúa hơn trong suốt Mùa Vọng?
Có nhiều việc đạo đức khác nhau mà Giáo Hội đã chấp nhận cho sử dụng trong suốt Mùa Vọng. Phổ biến hơn cả là Vòng hoa mùa Vọng.
TĨNH TÂM MÙA VỌNG
(Dành cho các sinh viên)
Chủ đề: SÁM HỐI
– Hát: Chúa Thánh Thần.
– Đọc Lời Chúa: Rm 13, 11-14
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Đã đến lúc anh em phải thức dậy, vì hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng.
– Lời nguyện tự phát
– Chia sẻ:
Tĩnh tâm là gì thưa các em?
Là “ôn cố, tri tân”, là dịp chúng ta ngồi lại hồi tâm, chia sẻ và cầu nguyện, để duyệt xét lại thấy cái gì đã, đang xảy ra trong cuộc đời mình:
nhận ra được cái xấu, cái sai, cái dở để từ bỏ;
cái chưa được để điều chỉnh và hoàn thành;
cái được, cái hay, cái tốt, cái đẹp để phát huy.
Và vừa mới mở đầu thánh Phao-lô trong thư Rô-ma (các em vừa nghe đọc mở đầu) đã nói cho chúng ta giật mình luôn phải không?
Thánh Phao-lô nói: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng”.
Nào là không ăn chè trà sữa, vì chè chén say sưa công an thổi nồng độ cồn mất 7 lít… nói vui thôi, chứ thánh Phao-lô khuyên chúng ta nghiêm túc: Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, không cãi cọ ghen tương; mặc lấy Chúa Ki-tô, đừng chiều theo tính xác thịt, không thỏa mãn dục vọng.
Những điều khuyên này tương đương với 3 tuần mà chúng ta chuẩn bị cho Mùa Vọng:
Tuần 1: Tỉnh thức và sẵn sàng (ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày, đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng).
Tuần 2: Sửa lối, dọn đường, điều chỉnh đời sống (không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương).
Tuần 3: Vui mừng vì sắp được gặp Chúa Hài Đồng (hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô).
(có thể nói thêm tuần IV khi ngắn khi dài, ý nghĩa mang tâm tình của Mẹ Maria, thánh Giu-se, Giacaria, Elizabeth đón chờ Chúa).
Vậy thì tĩnh tâm đợt này, chúng ta cần nhấn mạnh đến điều gì nhất, nhất là nay đã tuần III Mùa Vọng và đặc biệt chuẩn bị cho các em nhận lãnh bí tích giao giao hòa?
Mà điều kiện đầu tiên và cần thiết nhất của một Người Công Giáo để xưng tội và được tha thứ là gì thưa các em? Đó là sám hối.
Vì vậy mà chủ đề mà tôi chọn để nói với các em hôm nay chính là: SÁM HỐI
Thế nhưng, chúng ta cũng cần phân biệt sự Sám Hối trong Mùa Vọng khác với sự Sám Hối trong Mùa Chay.
– Sám hối trong Mùa Chay là sự ăn năn hối hận để trở về cùng Thiên Chúa, giống như đứa con hoang đàng bỏ nhà ra đi nay ăn năn trở về, như đứa phản bội quay lại xin tha thứ… Như trong Thánh Kinh dân Do-thái hiểu rằng mình đã ký giao ước với Thiên Chúa và giao ước đã bị vi phạm do tội lỗi của dân, cần phải nối lại giao ước ấy. Để nối lại giao ước ấy người ta đã khẩn nài Thiên Chúa tha thứ bằng cách thực hành những việc khổ chế và những phụng vụ sám hối: chay tịnh (Tl 20,26 ; 1V 21,8tt), xé áo mình ra và mặc áo nhặm (1V 20,31t ; Is 22,12 ; x. Ga 3,5-8), nằm trên tro (Is 58,5 ; Sm 12,16). Trong các buổi cử hành phụng vụ, người ta rên siết (Tl 2,4 ; Gl 1,13).
– Còn Sám hối trong Mùa Vọng là mà một sự chuẩn bị gặp Chúa. Như dân Do-thái phải thanh tẩy mình để chuẩn bị đón nhận giao ước Si-nai… Như người ta chuẩn bị đón một vị vua hay một V.I.P, môt Giám mục hay vị chức sắc nào đó quan trọng… thì người ta phải lo dọn quét sửa đường cho đàng hoàng, cờ xí băng rôn biểu ngữ, quần áo chỉnh tề, trang hoàng nơi gặp gỡ, tập tành nghi lễ… Đặc biệt, như tâm tình người chuẩn bị đi gặp người yêu, háo hứng suốt đêm không ngủ mong ngóng đến giờ gặp nhau (Bài hát: Hoa Mười Giờ), lo trang điểm, chọn đồ, cứ phải làm sao để khi ra mắt người mình yêu phải là phiên bản hoàn hảo nhất… đúng không các anh chị?
Sự Sám Hối trong Mùa Vọng mà tôi muốn các anh các chị phải có là như vậy đó ! Là anh em phải chuẩn bị cả bề trong lẫn bề ngoài sao cho tốt đẹp nhất để đến lễ Chúa Giáng Sinh, chúng ta xứng đáng gặp Hài Nhi Giê-su của chúng ta.
Sự Sám Hối – Chuẩn Bị của Mùa Vọng chính là những điều chúng ta đã lược ra từ đầu:
Tuần 1: Tỉnh thức và sẵn sàng (ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày, đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng).
Tuần 2: Thanh tẩy – Sửa lối, dọn đường, điều chỉnh đời sống (không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương).
Tuần 3: Vui mừng vì sắp được gặp Chúa Hài Đồng (hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô).
- Tỉnh thức:
Thánh Phao-lô dặn: “Ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày…, đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13,13.14)
Thưa anh chị ! nói như thánh Phao-lô là “Đã đến lúc”, vâng, lúc này đây, ngay bây giờ này, chúng ta phải sống như người đang sống giữa ban ngày – ban ngày thì tỉnh chứ không phải ngủ – tỉnh (dĩ nhiên không phải tỉnh ngủ như em kia đang say kìa…).
Vâng, phải tỉnh, vì xã hội ngày nay đủ thứ ranh ma lừa đảo, nhất là trên mạng xã hội, chúng ta thầy đủ trò lừa đảo [1] (lược ra trong foonote, nếu có giờ cha kể cho họ nghe). Dĩ nhiên, đây là còn là điều đặt chúng ta phải chọn lựa mỗi ngày, sự chọn lựa này có khi thật sự là một cuộc chiến đấu. Hiện nay chúng ta không thiếu gì những mẫu gương: trước những vấn đề trong xã hội, giữa những vấn đề khác, chọn lựa cách hành xử theo Tin Mừng có thể đặt chúng ta hoàn toàn ngược dòng với những người chung quanh ta, có khi là những thân nhân nữa. Còn việc chọn lựa phải tha thứ, chúng ta biết rằng trong vài trường hợp là cả một cuộc đấu tranh nội tâm. Từ chối thoả hiệp, lo lót… cũng là bao nhiêu sự đấu tranh với chính mình, đối với những thói quen dễ dãi của xã hội chúng ta.
Ngoài cái “lừa tiền” ra thì có lẽ “lừa tình” là tinh vi hơn hết, bởi vì khi anh – chị – trai – gái gặp nhau là tự nguyện và tình cảm xác thịt che mờ lý trí.
Xã hội này nó tinh vi lắm, nó ma mị lắm, nó che dấu cái tội lỗi trong cái vỏ xinh đẹp, nó đanh tráo khái niệm và quan niệm sai về tình yêu để biện minh cho thỏa mạn dục tính, thậm chí nó vẽ ra bao lý lẽ chính đáng để biện minh làm cho chúng ta mất cảm thức về tội. Ví dụ, yêu thật lòng thì phải cho quan hệ, muốn chắc ăn chắc chắn tương lai phải sống thử làm thử, hay việc ăn ở trai gái là điều tự nhiên và chính đáng… Từ đó, đến một lúc làm chúng ta mất cảm thức về tội, thấy như là điều bình thường, chuyện đương nhiên, rồi thỏa hiệp với mọi điều xấu xa tội lỗi, nhất là những tội liên quan đến nam nữ phái tính. Chúng ta dính bẫy ma quỷ, thế gian và xác thịt lúc nào không hay. Tội lớn nhất của chúng ta như thánh Giáo hoàng Phao-lô VI nói: “Con người ngày nay mất cảm thức về tội”.
Vậy thì phải tỉnh thức thôi các anh các chị ! Tỉnh để không rơi vào cái bẫy như thánh Phao-lô dặn: đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng. Những hệ lụy và hậu quả của nó thì chính anh em đã thấy bao người đi trước mắt phải rồi, điều này được dạy ơ lớp “hôn nhân”, ở đây tôi không cần phải nhắc tới nữa.
Điều quan trọng là ngay lúc này, giờ này đây các anh các chị hãy TỈNH THỨC trước muôn vàn cám dỗ đó: “Hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13,12). Đó là điều sám hối đầu tiên của Mùa Vọng.
- Thanh tẩy:
Sửa lối, dọn đường, điều chỉnh đời sống (không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương).
Như chúng ta đã giới thiệu ở trên, sữ Sám Hối – Chuẩn Bị thứ hai trong Mùa Vọng chính là Dọn Đường, là THANH TẨY.
Chúng ta chuẩn bị đón ai gặp ai thì thời gian trước khi gặp chúng ta đều phải chuẩn bị cả. Gặp một bậc vị vọng, chúng ta phải chuẩn bị từ dọn dẹp nhà cửa, sạch sẽ đường sá, trang hoàng trang trọng, ăn mặc trang nghiêm, chuẩn bị cả lời ăn tiếng nói…
Đặc biệt, khi gặp người mình yêu nữa thì ối dồi ôi, phải nói là nó hồi hộp, nóng lòng và chuẩn bị chu đáo cỡ nào ! Tắm rửa sạch sẽ, xức nước hoa, tô son đánh phấn, chọn đồ ngắm cả trăm lần qua gương đã hợp chưa, phải nói thế này, phải ra vẻ thế kia, phải làm cái gì…v.v…
Cũng thế, tinh thần đến gặp chúa Giê-su Hài Đồng trong ngày Chúa Giáng Sinh phải là tâm tình của việc gặp Người là “Người Yêu Vĩnh Cửu”, người yêu không bao giờ phản bội của chúng ta. Vậy nên, chúng ta phải chuẩn bị cả tâm hồn lẫn thể xác sao cho tốt đẹp xứng đáng với sự trông đợi của Người.
Còn chuẩn bị như thế nào? Chúng ta hãy theo cách của thánh Gioan Tẩy Giả, làm ứng nghiệm lời ngôn sứ: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,3-5).
Có bao lối nghĩ quanh co, bao tính toán lệch lạc.
Có những lũng sâu tăm tối, thiếu vắng ánh sáng tình yêu.
Có những núi đồi ngạo nghễ của tự kiêu, tự mãn.
Có những chỗ mấp mô, lồi lõm giữa người với người.
– “Thung lũng, phải lấp cho đầy”, nghĩa là phải nâng tâm hồn lên và sống thánh thiện xứng đáng với địa vị cao sang của người con của Chúa;
– “Núi đồi, phải bạt cho thấp”, nghĩa là phải sống khiêm tốn nhìn nhận yếu đuối của mình.
– “Khúc quanh co, phải uốn cho ngay”, nghĩa là phải sống ngay thẳng, công minh và chính trực. Phải có ý ngay lành trong mọi việc mình làm.
– “Đường lồi lõm, phải san cho phẳng”, nghĩa là hãy lánh xa những trở ngại làm chúng ta xa Chúa, như danh vọng, tiền tài và sắc dục.
- Vui mừng:
Vui vì sắp được gặp Chúa Hài Đồng (hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô). Vui là đúng thôi, chuẩn bị được gặp người mình yêu mà, đi gặp người yêu mà mặt như đưa đám ai coi?
Bao thời gian hồi hộp chờ đợi, chuẩn bị từ trong lẫn ngoài, giờ thời gian sát tới. Truyền thống Người Công Giáo trên thế giới bắt đầu vào tháng 12 là khắp nơi lo làm máng cỏ – hang đá trang hoàng thật đẹp, sau này ăn theo ra cả khách sạn, siệu thị, nhà hàng, quán café, công viên, đường phố, điểm du lịch…
Riêng các anh các chị, cái niềm vui của mọi niềm vui, ấy chính là được gặp Chúa, được mặc lấy Chúa như thánh Phao-lô nói với chúng ta trong bài Lời Chúa đọc đầu giờ. Phải, khi hai người yêu nhau những thứ quà cáp, thư từ, thăm gặp chỉ là phụ thuộc; cái đích cuối cùng mà anh hay chị nhắm tới là muốn được thuộc về nhau, “mặc lấy nhau”, trở thành của nhau. Chúa Giê-su yêu chúng ta, mọi ơn lành, lời dạy chỉ là phụ, cái cao quý nhất chính là kết hiệp với chúng ta qua Thân Thể của người là Bí tích Thánh Thể, trở thành Chúa ở trong ta và ta ở trong Chúa. Nên một với Chúa. Vui mừng vì được gặp nhau và kết hợp với nhau.
Trong Chúa nhật III Mùa Vọng [2], Giáo hội cho đọc thứ thánh Phao-lô gửi Giáo đoàn Phi-líp và được chọn làm Ca Nhập Lễ: “Anh em thân mến, anh em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi nhắc lại một lần nữa: anh em hãy vui lên! Ðức ôn hoà của anh em phải sáng tỏ trước mặt mọi người, vì Chúa đã gần đến. Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô” (Pl 4,4-7).
Gặp Chúa thì vui, niềm vui thì lan tỏa, để mọi người nhìn thấy anh em vui mà được vui lây. Và niềm vui làm cho đời đáng sống, đạo đáng theo, người đáng yêu, hồn đáng thánh.
Kết:
Tóm lại, thưa các anh các chị !
Để chuẩn bị cho Giáng Sinh tới được tràn đầy viên mãn, mời gọi chúng ta có một sự Sám Hối – Chuẩn Bị qua ba tinh thần: Phải TỈNH, phải TẨY và phải VUI. Tỉnh trước mọi cạm bẫy của thế gian, Tẩy rửa mọi điều không thích hợp để đón Chúa và Vui vì được Chúa đến ở cùng chúng ta – Emmanuel.
Những sự chuẩn bị này của chúng ta không chỉ là sự chuẩn bị kỷ niệm việc Chúa Giê-su đến làn thứ nhất này, mà còn là một sự chuẩn bị trong sự tỉnh thức sẵn sàng đón chờ Chúa đến trong Vinh Quang Tái Lâm.
Để Tỉnh, Tẩy và Vui được thể hiện cách cụ thể, mời gọi quý anh chị chuẩn bị đón bí tích giao hòa.
– Đọc Kinh Sáng Danh hoặc hát bài về tạ ơn, kết thúc.
[1] – Giả danh cơ quan pháp luật yêu cầu nạn nhân chuyển khoản tiền vào số tài khoản do đối tượng cung cấp để điểu tra phục vụ.
– Giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn cung cấp phần mềm rồi lấy thông tin và chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.
– Lừa nâng cấp sim 4G: Nếu nạn nhân làm theo hướng dẫn sẽ mất số điện thoại và tài khoản ngân hàng đăng ký theo số điện thoại đó.
– Lừa đảo trúng thưởng: Gọi điện thông báo trúng thưởng (xe, điện thoại,…). Yêu cầu đóng phí để nhận thưởng rồi chiếm đoạt tiền.
– Bẫy tình trên mạng xã hội: Giả là người nước ngoài gửi quà về, sau đó giả làm nhân viên hải quan yêu cầu đóng phí mới nhận quà.
– Tuyển cộng tác viên đặt mua đơn hàng trên mạng, nhận tiền % 1-2 lần đầu, đến đơn hàng lớn hơn sẽ bị lỗi, không nhận được tiền.
– Mạo danh bảo hiểm xã hội thông báo nạn nhân đang nợ tiền hoặc trục lợi quỹ bảo hiểm xã hội, yêu cầu đóng phí để chiếm đoạt.
– Chuyển tiền làm từ thiện: Lừa gửi tiền về làm từ thiện, bạn được hưởng 30-40%, sau đó giả làm hải quan yêu cầu đóng phí.
– Cho số lô, số đề để đánh: Để nhận được số phải đóng phí, không trúng thì mất phí. Nếu trúng phải chia hoa hồng cho đối phương.
– Hack facebook, zalo,…: Chiếm quyền đăng nhập vào tài khoản facebook, zalo…., nhắn tin cho bạn bè người thân hỏi mượn tiền.
– Giả danh nhân viên y tế gọi điện thoại thông báo người thân đang nằm viện cấp cứu trong bệnh viện, yêu cầu chuyển tiền ngay để mổ gấp.
– Tìm người làm việc ở nhà: Quảng cáo lợi nhuận thu hút người chơi, khi nạp số tiền lớn vào sàn thì sàn sập, không rút được tiền.
– Lập sàn giao dịch ảo: Gửi link để thanh toán trực tuyến. Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
– Mua bán hàng trực tuyến: Gửi link để thanh toán trực tuyến. Yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước đặt cọc rồi chiếm đoạt toàn bộ số tiền.
– Chuyển tiền nhầm để ép vay: chuyển tiền vào tài khoản nạn nhân, sau một thời thì yêu cầu trả tiền như một khoản vay và đóng lãi.
– Mạo danh công ty tài chính: Cung cấp khoản vay tiền lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, yêu cầu nạn nhân đóng phí vay rồi chiếm đoạt.
– Giả danh cán bộ xử lí giao thông thông báo nạn nhân từng vi phạm lỗi giao thông và liên quan đến đường dây tội phạm, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra.
– Gọi điện thoại khủng bố đòi nợ người vay và cả bạn bè, người thân của người vay.
Giả danh lãnh đạo lập facebook, zalo… rồi sử dụng hình ảnh, uy tín của lãnh đạo nhắn tin cho cấp dưới để vay tiền.
– Giả danh cán bộ viễn thông thông báo nạn nhân nợ cước hoặc tín dụng, sau đó giả làm công an yêu cầu đóng tiền để phục vụ kiểm tra.
– Trả lời nđiện thoại, tắt máy mất tài khoản, mất tiền…
[2] Gọi là “Chúa Nhật áo hồng Gaudete”. Gaudete là chữ đầu trong bài Ca nhập lễ : “hãy vui luôn”.
Discussion about this post