Thường huấn
Đề tài
CHÍ KHÍ
NGƯỜI THANH NIÊN
Tihamer Toth
Tổng hợp: Hil. Nguyễn Hữu Đào (Hiền Lâm)
Dẫn nhập:
– Giới thiệu về cuốn sách: CHÍ KHÍ NGƯỜI THANH NIÊN, do ĐGM Tihamer Toth, GM giáo phận Veszprém, Giáo sư Đại học Hungari, được dịch sang tiếng Việt do cha Giuse Nguyễn Thanh Khiết.
Nội dung: Đưa ra những phương pháp để khai thác những đức tính riêng của thanh niên, những cách thức tiễu trừ tật xấu, vạch rõ con đường chắc chắn phải đi, để tạo cho họ thành những người tốt cho Giáo hội và xã hội.
– Ý nghĩa của chí khí theo suy tư của ĐGM Tihamer:
Trong GLHTCG số 1749 – 1750: Hành vi nhân linh là việc làm đã được lựa chọn cách có ý thức và tự do theo phán đoán của lương tâm nên mang tính trách nhiệm luân lý.
Và khi nói về tội: “Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, để hành động hay không hành động, làm việc này hoặc làm việc khác, và như vậy, tự mình làm những hành động có ý thức trách nhiệm” (GLCG số 1731).
Theo định nghĩa: tự do là phạm trù triết học chỉ khả năng biểu hiện ý chí, làm theo ý muốn của mình, trên cơ sở nhận thức được quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội.
Như vậy: Để được gọi là hành vi nhân linh, để được gọi là tội nặng, phải bao gồm ý chí, lý trí và tự do. Trong đó, chính lý trí đưa ra quyền tự do quyết định chọn trái – phải, đúng – sai…
Với những dữ liệu trên, ĐGM cho rằng: ý chí hay chí khí là một hành động của chữ tín, nhưng chí khí mang tính quyết liệt và sống còn hơn. Dám hứa, dám làm thì dám chịu (x. câu chuyện về tướng Regulus trong sđd p. 8-9).
Và chí khí của người Công giáo chính là: Chí khí hoàn thiện, nghĩa là một sự khao khát chiến đấu để nên thánh, như thánh Phao-lô nói trong thư thứ nhất Cô-rin-tô: “Đó là một cuộc đua tất cả cùng chạy…” (x. 1Cr 9,24-27).
“Anh em chẳng biết sao: trong cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua, thì phải kiêng kỵ đủ điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát. Vậy tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại”.
Thánh Augustino nói: “Giá trị của con người nằm ở ý chí”. Nghĩa là chí khí phải là trách nhiệm, là bổn phận và là lý tưởng luôn vươn tới giá trị cao hơn, mà giá trị cuối cùng là mục đích tối thượng, mục đích đạt đến sự hoàn thiện Ki-tô giáo.
Schiller cũng nói: “Chỉ có ý chí mới làm cho con người thành vĩ nhân”. Còn J. Eotvos – Nam tước Hungari thì nói: “Giá trị của con người không phải bởi trí năng, mà chỉ bởi sức mạnh của chí khí. Những tài năng đối với người thiếu nghị lực chỉ làm cho họ hèn yếu: cái tư chất siêu việt của một người kém chí khí lại là người khốn nạn đáng khinh nhất”.
Thế nhưng, dù ý chí tạo nên nghị lực phấn đấu và nghị lực vượt qua khó khăn, nhưng nếu đẩy ý chí đến mức quá khích sẽ hình thành tính chủ quan quá đáng. Thế kỷ XIX đã hình thành nên thuyết (hay chủ nghĩa) duy ý chí của Mây-man (Mỹ), với thái độ quá đề cao vai trò của ý chí con người, cho rằng chỉ cần có ý chí và quyết tâm thì có thể làm được tất cả, bất chấp khách quan. Thật ra, không có một thuyết duy ý chí rõ ràng, mà là thời của triết học hiện sinh, phần lớn các triết gia người Đức, trong đó có A. Schopenhauer và F. Nietzsche đã đánh dấu bước chuyển từ triết học truyền thống sang triết học hiện đại, làm bùng nổ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa duy lý, chống tư duy tư biện chứng trong triết học của G.W.F. Hegel, yêu cầu xem xét lại vai trò của triết học và vấn đề cơ bản mà triết học cần giải quyết phải gắn với đời sống hiện thực của con người.
Tóm lại: Sống có chí khí thì mới thật là con người…
PHẦN I: QUAN NIỆM VỀ CHÍ KHÍ
- Thế nào là chí khí?
Ta thường hay nói: “Đó là một người chí khí”. Nghĩa là đưa ra một lý tưởng hay một nguyên tắc cao thượng hoặc một mục đích sự việc phải đạt tới, rồi quyết tâm rèn luyện với những phương pháp cụ thể và chắc chắn, với tất cả nghị lực của mình và chấp nhận với sự tự do và vui vẻ thực hiện.
- Hãy tự rèn luyện lấy mình.
Chúa Giê-su nói: “Cha Ta hằng làm việc, Ta cũng làm việc” (Ga 5,17). Giống như câu nói của nhà văn Exupéry: “Yêu nhau là hướng về với nhau và cùng nhìn về một hướng”, Ba Ngôi hướng về nhau đến độ trở thành Một và cùng hướng về con người trong sự sáng tạo – quan phòng, cứu độ và đổi mới nên là Ba.
Sự rèn luyện tâm hồn đúng với hình ảnh Thiên Chúa là công việc thiêng liêng mà ta gọi là tự rèn luyện mình.
“Bạn gieo tư tưởng, tư tưởng đó sẽ xảy ra ham muốn. Bạn gieo ham muốn, ham muốn đó sẽ nảy ra hành động. Bạn gieo hành động, hành động đó sẽ nảy ra tập quán. Bạn gieo tập quán, tập quán đó sẽ nảy ra chí khí. Bạn gieo chí khí, chí khí đó sẽ xảy ra VẬN MỆNH của bạn” (F. Kolesey).
- Một quả tim biết chịu đựng.
Người có chí khí là người dám làm, dám chịu, dám đi đến cùng, dám đứng lên sau thất bại, dám giữ lời đã hứa trong bất kỳ hoàn cảnh nào, dám đương đầu với những quyến rũ lôi kéo, những sức ép làm nhụt chí, những ngụy biện, những học thuyết làm lung lạc, những tổn thương, thậm chí là những đe dọa đến tính mạng. Tóm lại, người chí khí là người biết CHỊU ĐỰNG trước mọi áp lực.
- Lời nói của Epietète.
Chúa Giê-su nói: “Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá” (Mt 7,24-25).
Và Epietète, triết gia ngoại giáo Hi-lạp cũng nói: “… Tâm hồn giống như thành trì bị bao vậy bởi quân địch hằng tỉnh thức. Nếu nền móng của thành vững chắc, thành sẽ không bị chiếm…” (Đọc thêm sđd p. 25-27).
- Thế lực của một lý tưởng.
Tư tưởng và sự cố gắng như chim phượng hoàng cất cánh bay bổng lên đích cao siêu, thì dần dần cũng tới đích hơn là cứ bay là là trên mặt đất như con chim nhạn.
Cũng như những người tin vào Chúa, họ có một lý tưởng, nên mọi công việc họ làm đều hướng đến cùng đích và sống dưới chiều kích hiện diện; khác với kẻ vô thần thì không có lý tưởng thật sự nên chỉ tìm cái lợi để hưởng thụ trước mắt ngay đời này (tham nhũng, tham ô, lãng phí, quan liêu…)
- Nghị lực hoạt động
Can đảm và những nghị lực hoạt động là những đức tính dễ có của bạn trẻ. Nghị lực hoạt động không phải là một mơ mộng ảo huyền, cũng không phải là một sự liều lĩnh, càng không phải là dễ nản chí để rồi bỏ dở và thay đổi lý tưởng hay công việc. Nhưng nghị lực hoạt động của người có chí khí là “cân nhắc trước, rắp tâm làm sau”.
- Tự do.
Khác biệt nhất giữa loài người và loài vật tức là: con người có lý trí và con vật hành động theo bản năng. Con người dùng lý trí để điều khiển TỰ DO chọn lựa để làm hay không làm, còn con vật thì hành động theo bản năng (ví dụ: Con vật đến mùa giao phối thì tự tìm đến với nhau, con người thì dù bản năng ham muốn, nhưng tự do hành động hay không tùy thuộc vào lý trí và ý chí của mình). Tắt một lời: Tự do là tự chủ, không còn bị nô lệ.
Đôi khi chúng ta cảm thấy mất tự do trong việc này việc kia, thực ra đó là “đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”, nhìn trong cái toàn thể, luôn cần đến những luật lệ dù là tất định hay xã hội, để hướng tới sự trật tự vào kết quả tốt hơn.
Một tu sĩ đôi khi thấy “mất tự do”, nhưng thực ra, trước đó tu sĩ tự do chọn đời tu, chứ không ai bắt bớ kéo họ vào đời tu cả.
Đứng trước một quyến rũ nào đó, người tin vào Chúa phải dùng lý trí và ý chí để chọn lựa vì cái mục đích tối hậu, nghĩa là họ sẽ làm hay không làm vì Chúa và vì những luật lệ Giáo Hội. Cũng vậy, về mặt tích cực, họ chọn làm điều thiện vì họ là người tin Chúa.
- Những tâm hồn cao thượng.
Lòng nhiệt huyết của giới trẻ: muốn làm minh tinh nổi tiếng, muốn làm anh hùng, muốn tử đạo… Điều đó tốt, nhưng điều quan trọng là phải hành động để đạt được những mơ ước đó. (Thánh Tê-rê-xa nhỏ muốn làm cả giáo hoàng, muốn ra đi truyền giáo để được tử đạo… và chị đã hành động bằng những hi sinh nhỏ nhất như giặt giũ cho chị em, nhặt những chiếc lá rơi giữa đường, xem những giọt nước bẩn chị em bắn lên mình là những hoa hồng…).
“Không ai có thể cho cái gì mình không có”. Nhiều thầy muốn làm nhà truyền giáo, nhưng lại lười học hành… thì lấy gì để trao ban cho người mình gặp gỡ?
- Hãy cút đi, hỡi vị kỷ !
Vị kỷ là “vì mình”, chỉ biết có mình, chỉ lo cho mình và chỉ chăm lo lợi ích cho riêng mình.
Ngoài ra vị kỷ còn là những kẻ khoe khoang mình nhằm thể hiện sự hơn người khác. Điều này cũng cho thấy mình hạnh phúc là được còn kẻ khác mặc kệ (mackeno).
- “Không”, bạn đã nói được như thế chưa?
Nói không trước một vấn đề, mà đặc biệt vấn đề đó dễ xảy ra theo bản năng bộc phát, thì ít nhất dựa trên ý chí qua những bước sau:
– Bình tĩnh, Cha ông nói: “Uốn lưỡi 7 lần” (vua Cesar đếm 20 lần mới quyết định)
– Phòng bệnh hơn chữa bệnh: Phải có sự luyện tập trước, để khi xảy đến sự việc thì không ngỡ ngàng và không vội phản ứng nữa (Tập đến mức trở thành phản xạ).
– Chớ giảm thiểu vấn đề: Thấy thế giới nó vậy, nhiều người cũng làm thế… rồi tự cho phép mình, chẳng sao? Thật là nguy hiểm.
– Thay thế dùng tốt lấn át xấu: Cái xấu giống như những cây cỏ gấu đâm rễ sâu, không thể nhổ hết tận gốc được, thậm chí nhổ còn kích thích nó mọc mạnh hơn, nên chỉ bằng cách trồng khoai lang vào, cây khoai lang rất mạnh sẽ át chết cỏ gấu. Cũng vậy, tệ nạn xấu ảnh hưởng tới giới trẻ, các cha sở đã dùng những trò chơi lành mạnh như các môn thể thao, những đố vui giao lưu Thánh Kinh, sinh hoạt Giáo Lý… để làm cho giới trẻ để tâm lo việc này mà giảm bớt hoặc quên đi cái kia.
- Trích trong một cuốn nhật ký.
Câu chuyện nhật ký: Một người đến thăm bạn, anh bạn này là vô thần và chỉ trích tôn giáo, anh ta ngồi ngủ trong phòng, nhưng giả vờ như ngồi học bằng cách bày biện đủ thứ trên bàn, tay cầm cuốn văn phạm, đeo kính giả vờ học để qua mắt ông bố bắt anh chăm học. Gặp bạn, anh ta khoe chủ trương: “chỉ có trẻ con mới không dám làm điều cha mẹ cấm”. Kết thúc câu chuyện là người bạn đến thăm đã bỏ về trong thất vọng và ra ngồi bờ sông để than trách (x. sđd 47-50).
Vấn đề đặt ra, nếu là chúng ta đóng vai người đến thăm bạn trong câu chuyện trên, chúng ta sẽ làm gì? Ở căn chung cư, tầng sát dưới có người nói xấu mình, nhưng ở cách 2 tầng chúng ta chỉ nghe câu rõ câu mất nên tưởng là họ kể chuyện vui về mình, cách 3 tầng chúng ta chỉ nghe lâu lâu có nhắc tên mình nên tưởng họ ca ngợi mình, và ở tầng trên cùng chúng ta tưởng là họ đang hát. Nghĩa là, để không bị ảnh hưởng vì người khác chi phối mình (vì họ đâu có nuôi mình), thì hãy vượt lên trên trong vị thế của Chúa để nhìn họ.
- Cánh diều vướng trên dây điện thoại.
Tự chủ là nền tảng của tất cả các nhân đức, con người tự chủ mới là con người của tự do, vì không còn là nô lệ. Tự chủ tức là biết điều khiển mình trước mọi vấn đề, đặc biệt là trước những vấn đề thuộc bản năng lôi cuốn.
Đứa trẻ khóc vì con diều của em bị vướng và nát tả tơi trên dây điện, đã đổ sông đổ bể bao công sức của em làm con diều. Tâm hồn chúng ta với bao khát vọng bay bổng, nhưng lại bị vướng vào những thứ như tình dục, danh vọng, vật chất, lỗi lầm luân lý, yếu đuối… giữ lại hoặc đánh nát tả tơi. Vấn đề không phải là đứng khóc tuyệt vọng, mà là biết làm lại cái mới, hoặc làm cái khác tốt hơn.
- Ngược dòng.
Tự chủ là vượt lên trên những gì người ta nói về mình. Họ nói xấu ta, dư luận đàm tiếu về ta, thậm chí có kẻ hai mặt tỏ ra như giúp ta… nhưng họ đâu có nuôi ta một ngày, vậy mà ta rất dễ tự dằn vặt hoặc trốn chạy đau khổ vì họ, hoặc theo dư luận để sống.
Thời chiến tranh, cạnh bên phòng báo cáo về các trận đánh, luôn có một phòng biệt lập tuyệt đối thinh lặng dành cho Tham mưu trưởng, để trong phòng tham mưu này, vị tham mưu trưởng chú tâm vạch ra các kế hoạch nghiên cứu tỉ mỉ các bản đồ… Cũng vậy, cần có một căn phòng cho tâm hồn tĩnh lặng, để từ đó giúp chúng ta vượt lên trên dư luận và hoàn cảnh.
- Thắng địch và thắng mình.
Alexandre đại đế từng nói: “Thắng dễ ba quân nhưng khó thắng nổi chính mình”. Chính cái tôi quá lớn đã làm cho con người đôi khi mất tự chủ. Người ta thường nói: Muốn biết một người chân tu hay không, chỉ cần thử nói đụng đến họ coi cách họ phản ứng là biết ngay.
Tuy nhiên, tự chủ không phải là một sự nín lặng mơ hồ, cũng không phải là một nhịn nhục thụ động, mà là cần sự bình tĩnh đối thoại để đi đến sự hài hòa, công bằng và chân lý. Chính Chúa Giê-su khi bị vả mặt, Người cũng phải nói: “Nếu tôi nói sai thì hãy cho biết sai chỗ nào?”…
- Cột tháp hay chong chóng.
Ở các nước Châu Âu đến nay vẫn tồn tại những cột tháp và những cối xay gió, dù nó có niên đại đã rất lâu. Cột tháp là sự kiên cố, dù gió thổi vào nó theo hướng nào thì nó vẫn đứng im, dù xung quanh mọi sự thay đổi nhưng nó vẫn đứng vững một vị trí; còn chong chóng thì nó xoay theo hướng gió. Cột tháp là tượng trưng cho chí khí bền vững của người trượng phu, còn chong chóng là biểu trưng cho những kẻ dễ nhụt chí và dễ thay đổi.
Tựa như một thanh niên định đi xem bộ phim, nhưng lương tâm anh nhủ ngay: “Đừng xem, vì phim dâm ô có hại cho tinh thần”. Và anh dứt khoát không đi. Một thanh niên khác cũng nghĩ thế, nhưng khi thấy ngoài đường người ta đổ xô đi, nên anh chuyển suy nghĩ: “Tại sao người ta xem được mà mình lại không?” Thế là anh ta đi.
Cuối cùng, chúng ta đang nô lệ cho lương tâm hay nô lệ cho dư luận?
- Nô lệ cho lương tâm.
Ngày nay, người ta hài hước rằng: “Lương tâm không bằng lương tháng”. Chúng ta dễ bị cám dỗ khi thấy: những kẻ độc ác, tham nhũng, lười biếng, tội lỗi ngập đầu sống vô luật lệ… vẫn sống phây phây, nhưng những người sống thiện thì bị đè đầu cưỡi cổ, bị áp bức đủ đường…
Thật ra, đã là con người, thì khi đứng trước một sự bất chính nào, luôn có tiếng nói từ trong lương tâm (chứ không bao giờ có chuyện không có lương tâm hoặc lương tâm chai lì). Vấn đề là chúng ta có chịu nghe sự mách bảo của lương tâm không, hay là bị sự tham lam ích kỷ lấn át? Ngay cả khi hành động rồi, lương tâm sẽ ray rứt, dù có làm mọi cách để trốn chạy.
Lương tâm chính là tiếng nói ngôn sứ luôn xuất hiện đúng lúc, nhưng thường bị phớt lờ. Nô lệ cho lương tâm thì luôn đúng, và ngược lại là sự nô lệ cho dư luận.
PHẦN II:
NHỮNG TRỞ NGẠI TRONG VIỆC RÈN LUYỆN Ý CHÍ
- Những trở ngại.
Con đường rèn luyện chí khí đầy những trở ngại, một trong những trở ngại đầu tiên chính là vì sự cả nể, hoặc bị cuốn theo dư luận, hay dễ để bị tình cảm bạn bè mà chiều theo ý họ, hoặc để bản năng lôi cuốn làm những điều vấy bẩn tâm hồn; để rồi sau đó lại khóc và phàn nàn, cũng như bị lương tâm cắn rứt.
Vì thế, để rèn luyện chí khí loại bỏ những tật xấu, nên vạch ra một lập trình thứ tự chừa bỏ từng thứ một, chứ rất khó để cùng lúc chừa bỏ được cùng lúc nhiều tật xấu. Đôi khi từ bỏ một tật xấu không chỉ có ngày một ngày hai, nhưng là cả một thời gian. Có một sự thật là ít ai cả đời không ngã, nhưng điều quan trọng là đứng dậy và không quay lại đường cũ đã gây nên sự sa ngã đó. Tật xấu như là nguyên nhân gây phiến loạn trong tâm hồn, nên cần phải khử trừ dần, nếu không nó trở nên mạn tính thì hết thuốc chữa.
Vì thế, việc rèn luyện chí khí không chỉ là công việc của một ngày, mà là sự kiên nhẫn trường kỳ.
- Chiếc lá mùa thu trong cơn gió lốc.
Một cản trở mới, nhất là của thời đại này, trong việc rèn luyện chí khí, tức là trong cơn gió lốc điên cuồng của thời đại 4.0 này, đó chính là vì sự hâm mộ thần tượng ảo và những thứ tạp nham giật gân trên mạng xã hội. Rất nhiều bạn trẻ có thể lướt cả ngày trên tiktok hoặc 5 phút nhìn facebook một lần; nhưng lại khó có được một vài phút trong ngày để tĩnh lặng suy tư kiểm điểm về tình trạng của mình. Không ít bạn tên minh tinh ca nhạc điện ảnh hay cầu thủ nào cũng nhớ thậm chí nhớ cả ngày sinh nhật của họ, nhưng lại kêu là không có giờ học và làm bài…
Bao nhiêu thứ quyến rũ và “văn hóa” thời đại kia như là cơn gió lốc bủa vây và thổi tâm hồn bạn rụng xuống như chiếc lá mùa thu.
- Dấu thập ngoặc bằng sắt.
Thời thế chiến thứ hai, một tiểu đoàn Đức bị một đại dội Nga đông hơn gấp trăm lần bao vây và bắt tiểu đội Đức đầu hàng, nhưng những người Đức chấp tử trận vì họ mang trên người dấu chữ thập (Gọi là Swastika, biểu tượng của người Aryan có nghĩa: Sức mạnh, chủng tộc thượng đẳng, quyền lực tối cao, sức mạnh và chiến thắng).
Trên con đường rèn luyện chí khí, gặp giao tranh khó khăn, hãy nhớ đên cây thánh giá được đặt vào trái tim ta khi lãnh Bí tích Thánh Tẩy.
- Cây gai trong ruộng lúa mì.
Tâm hồn bạn giống như lúa tốt nằm giữa ruộng lúa thế gian bủa vây đầy những cây gai từ tính tình đến ngoại cảnh xấu tác động. Vì vậy, để làm cho cây lúa tâm hồn không chết, sống khỏe và lớn lên cần ít nhất 3 bước: chăm sóc cây, nhổ cỏ gai, canh tác đất.
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” (Ân sủng qua bí tích, nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, chuyên chăm cầu nguyện và luyện tập nhân đức).
- Cuộc chiến đấu của tâm hồn.
Tâm hồn là sân khấu của một cuộc tranh đấu không ngừng giữa điều trái và điều phải. Trước hết là từ hậu quả của tội nguyên tổ (như một sự di truyền) tạo nên khuynh hướng về sự xấu. Kế đến, cũng bởi vì là con người, có linh hồn và thể xác, cái bản năng của thể xác nó muốn được thỏa mãn. Tuy nhiên, sau tất cả sự ăn chơi thỏa mãn là một sự cảm nhận thấy trống rỗng vô vị và chán ngán.
Bản năng lôi kéo theo đường trái, chí khí là rèn luyện nhân đức và lương tâm là sự cảnh báo.
- Thầy dòng đầy mãnh thú.
Lắm bạn trẻ muốn như Võ Tòng giết hổ, nhưng khi gặp “hổ” thì trốn mất. Có một tu sĩ đã xem những giác quan và chi thể mình như là những mãnh thú: Chim ưng – mắt, nai – hai chân, diều hâu – bàn tay, cá sấu – cái lưỡi, gấu – trái tim, bệnh nhân – thân thể… ssd. p84). Chính chí khí phải chế ngự “những con mãnh thú” đó.
Không phải đam mê là xấu, nhưng điều quan trọng là biết điều khiển nó và có thể lợi dụng nó để tạo nên điều tốt (x. truyện thánh Columbano, sđd p.87).
- Bước chân trái.
Nếu không có chí khí thì linh hồn sẽ như thời tiết nắng mưa thất thường thay đổi. Linh hồn cần sự biến đổi dứt khoát, nhưng không phải dễ dàng (do phận người yếu đuối) mà là cần sự quyết tâm thay đổi thực sự. Sự tha thứ nơi các tòa cáo giải trên hết cần đến sự quyết tâm của hối nhân.
Người có chí khí không để mình cuốn theo chiều gió, hoặc phó mặc cho đời đưa đẩy, mà là dám vượt lên trên để không bị đè bẹp bởi số phận. Thay đổi là “con người đang sống”, dừng lại là đã thụt lùi và để nước đẩy theo dòng chảy.
- Tôi không có số.
Khác biệt lớn nhất của Nho Giáo với Phật Giáo có lẽ là “thiên mệnh” và “nhân quả”. Còn chúng ta không tin và số mệnh cũng không thực sự dựa vào nhân quả, dù ít nhiều thánh Phao-lô cũng nói: “Ai gieo giống nào thì gặt giống ấy” (Gl 6,7), tuy nhiên, chỉ hiểu trong ý kết quả của truyền giáo và sự thưởng phạt đời sau. Mọi sự sẽ thay đổi bởi chí khí quyết tâm làm, chứ không phải là “số tôi nó như vậy”, hay là “tôi không có số hưởng”. Thế gian không có chỗ cho người khoanh tay đợi số phận. Muốn làm chức này chức nọ mà không lo học hành phấn đấu thì chỉ có cái “nịt”.
- Tôi đã thử, nhưng không được.
Nhiều người dễ nản lòng nên mới nói “tôi đã thử mà không được”. Đó là sự khác nhau giữa “tôi sẽ muốn” và “tôi muốn”. Người nói “tôi sẽ muốn” thì chẳng bao giờ làm được, nhưng nói “tôi muốn” tức là quyết tâm làm ngay thì mới thành công. Columbo quyết tâm thử là vì ông tin rằng bên kia một đại dương lớn như vậy (Đại Tây Dương) phải có một lục địa nào đó chưa khám phá, và ông đã tìm ra Châu Mỹ, dù trải qua bao lần thất bại và bị cười chê.
- Muốn lắm.
Người ta không thể tập luyện chí khí bằng bằng những tiếng thở dài chán nản: “Tôi sẽ muốn” bằng những cố gắng yếu ớt, mà phải bằng một việc làm kiên nhẫn, một ý chí lúc nào cũng hướng về mục đích và bằng sự siêng năng của sức mạnh tinh thần và thiêng liêng. Đặc biệt phải có một sự tin tưởng mãnh liệt sẽ thành công.
- San bằng núi An-pơ.
Tựa đề là câu chuyện Napoleon đã quyết tâm làm con đường Simplon qua núi Alpes, mà trước đó có người can ngăn là ông không thể qua. Triều thiên thắng trận chỉ dành cho người anh hùng còn kẻ hèn nhát chỉ đội cái vành dành cho trò hề. Đi qua gian nan để tới hạnh phúc ! Đó là những con đường hẹp đi tới bậc cao siêu!
- Chống lại với số phận.
Lịch sử các bậc vĩ nhân đã ghi lại bao gương sáng để khích lệ chúng ta. Nhiều khi chính số phận hình như chống lại họ. Nhiều cản trở hiện ra trước dự định nhưng họ không bi quan mà luôn lạc quan để chống lại số phận và họ đã thắng. Biển cả dịu êm không bao giờ tạo ra được thủy thủ giỏi.
Đừng bao giờ nói hay nghĩ: “Tôi, tôi làm cũng vô ích, vì số tôi không làm được”.
- Mười ba người can đảm.
Đó là câu chuyện của ông Pidaz khi cùng đoàn thám hiểm trong khi chuẩn bị chiếm Pérou. Khi thấy vô cùng khó khăn, nhiều thủy thủ đòi trở về, nhưng chỉ có ông cùng 12 thủy thủ can đảm và đã thành công.
Đừng thất vọng khổ sở như trên đời này chẳng còn đường cho mình. Biết đâu ý Chúa muốn đổi công việc của bạn, đưa bạn đến một hoàn cảnh đúng hơn và một công việc hợp với bạn hơn? Edmond Campion một cận thần của nữ hoàng Elizabeth đã thất bại trong lần đua ngựa, nhưng qua việc bị sỉ nhục, ông đã vào dòng Tên và trở thành linh mục thừa sai sốt sắng và cuối cùng được phong thánh.
- Nguy hiểm của thành công.
Thế nhưng, thành công liên tiếp đôi khi cũng dẫn chúng ta đến tự kiêu. Những lời tán dương sớm quá cũng có thể là căn cứ cho sự lụn bại tài năng. Chúa ban cho tài năng thì phải trau dồi và tiếp thu thêm kinh nghiệm, phải sống châm ngôn “hôm nay hơn hôm qua và thua ngày mai”, chứ không phải tự mãn và rồi thất bại sẽ đến liền tay thôi. Đáng khen cho những bạn trẻ dù đã ổn định một công việc, nhưng vẫn đầu tư thêm nghề “tay trái’ để dự phòng.
- Á Đông ở đâu?
Nhiều thanh niên lúc nào cũng khoe cái học vấn của mình. Thật không gì ngây thơ cho bằng những người mới 16, 17 tuổi đã muốn phóng đại cái học thức của mình như con ếch của La Fontaine.
Hãy nhớ: Người ta càng biết nhiều bao nhiêu lại càng khiêm nhường bấy nhiêu, càng học càng thấy mình ngu. Socrate nói: “Bậc hiểu biết cao nhất của con người là biết được rằng mình chưa biết gì cả”. Bạn đừng nghĩ bạn có nhiều kiến thức, nhà thông thái cũng chỉ có một hạt cát nhỏ của kho tàng mênh mông trong khoa học. Bạn đừng coi mình là trung tâm của vũ trụ, bạn chỉ là một cái chấm nhỏ trong các tạo vật.
- Anh có bằng lòng cho mượn không?
Cứ xem phương pháp làm tiền, để dành tiền và tiêu tiền của một người cũng đủ biết người đó có chí khí hay không?
Cố gắng đừng vay nợ, vay thì dễ trả mới khó. Con người bắt đầu sa sút từ khi vay nợ, tiền làm ra thì trân trọng và tiêu lâu hơn tiền vay. Vay nợ thì trở thành nô lệ, bán đi tự do, sợ khi gặp chủ nợ, phải tìm cách nói dối hoặc cúi đầu hạ giá mình… Từ chối cho vay đôi khi là đang làm ơn cho họ, lắm lúc cho vay lại trở thành kẻ thù của nhau.
Bao nhiêu vụ trộm cướp, gian lận, tự tử đều có thể tránh được, nếu trước đó biết dùng tiền cách khôn ngoan.
- Ma quỷ của tiền bạc.
Thánh Bernard nói: “Người ta kiếm tiền một cách vất vả, giữ nó một cách lo lắng, rồi người ta mất nó một cách đau đớn”.
Tiền bạc chỉ là phương tiện để tìm những thứ cần dùng cho cuộc sống, chứ không phải mục đích sống. Làm ra nhiều tiền là tốt và như là một ân huệ Chúa ban, nhưng điều quan trọng là biết cách sử dụng đồng tiền. Và nó sẽ tốt hơn khi biết dùng chính đồng tiền do mình làm ra cách chân chính mà làm việc bác ái.
Ma quỷ của tiền bạc tức là dùng mọi thủ đoạn và sự bất chính để có tiền, và còn ma quỷ hơn khi sử dụng tiền để làm điều dữ hoặc chơi bời và rồi dẫn đến bao hậu quả thương tâm. Bởi tâm hồn chết vì tiền bạc nhiều hơn những xác chết vì gươm giáo (x. Walter Scott).
- Người ta bắt khỉ như thế nào?
Người da đen bắt khỉ bằng cách cho cơm (thức ăn yêu thích của khỉ) vào miệng bao da hẹp. Khỉ thò tay vào bốc một nắm gạo, và vì nắm lại nên không kéo ra được, chỉ cần khỉ thả tay ra là nó rút tay ra được. Thế nhưng khi người ta đến bắt, khỉ giãy giụa nhưng vẫn khư khư giữ nắm cơm.
Người nô lệ cho tiền bạc cũng thế, giữ khư khư lấy tiền dù có đánh mất tự do của mình. Tiền như đầy tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu là vậy.
- Sống tùy lực.
Mỗi ngày đừng tiêu quá số tiền bạn kiếm được. Sự thành đạt khởi đi từ tiết kiệm, giàu đổ vách mà hoang phí rồi cũng sẽ trở về zéro. Tiết kiệm tăng sức mạnh cho tính khí và nuôi ý chí tự lập.
Dừng mua nhưng gì không thực sự cần, cũng đừng mua chỉ để làm đẹp mắt cho kẻ khác.
Tiêu tiền hoang phí thường là nguyên nhân của tệ nạn, nhưng tiết kiệm để giúp đỡ người khó khăn thì lại tốt biết bao.
- Vui trong việc làm.
Tìm được niềm vui trong công việc mới có thành công và tương lai, còn làm vì bất đắc dĩ chỉ đem đến kết cục thất vọng. Việc làm là một nhà giáo dục tốt cho chí khí, nó giúp ta quen tự chủ, hy sinh, kiên nhẫn và suy xét.
Làm việc mới thật là một con người, và mới đúng là hình ảnh của Đấng Tạo Thành, và còn là một sự cộng tác sáng tạo với Thiên Chúa: “Cha Ta làm việc, Ta cũng làm việc” (Ga 5,16).
“Ở nhưng là kẻ thù của linh hồn”.
- Thưa thầy, xin lỗi thầy con nhức đầu.
Kẻ lười biếng trong việc học thì bịa ra nói dối nhức đầu… Có những học sinh cố diễn bề ngoài cho đẹp, nhưng trong đầu thì rỗng tuếch khuyết não; bề ngoài đẹp như hàng Nhật, nhưng bên trong thì toàn linh kiện rởm Trung Cộng.
Thánh Phao-lô nói: “Ai không làm thì đừng ăn” (2Tx 3,10). Người lười biếng, cơm ăn thì dễ việc làm thì đau. Ở đời hay đi tu, ở đâu cũng phải làm việc, chứ không phải người ta chỉ nuôi một “con heo”, mà con heo còn trả lại bằng thịt nó. Dù được sinh ra ở “vạch đích”, nhưng nếu cứ ở nhưng thì dễ sinh ra trụy lạc tinh thần.
- Ong mật và ong đất.
Hai con ong này hình dáng khá giống nhau, cùng bay từ hoa này sang hoa khác, cũng có khi nghỉ ngơi trên tảng đá… Nhưng ong mật khi về tổ thì mang mật về, và nảy nở nhộng trên tầng lớp sáp ong sạch sẽ; còn ong đất thì kêu to hơn, tỏ vẻ nghiêm nghị hơn, nhưng bay về không mang gì và chỉ nảy nở trên đống phân.
Ong mật như những học sinh cần cù rèn luyện và chăm chỉ làm việc và thu góp, đồng thời phát triển tương lại trên sự trong sạch; còn ong đất tựa như kẻ lười biếng nhưng lại tài làm màu, có vẻ học thức, nhưng cái đầu trống rỗng, và tương lai đầy tệ nạn và ký sinh trên người khác.
Người lười thì thấy việc bình thường là khó, thấy một việc chút khó khăn trở thành nan giải gấp mười lần. Họ sợ nặng nhọc và hơi khó khăn một tí là bỏ cuộc.
- Con hạc mất đuôi.
Con hạc bị cụt đuôi bị bỏ lại phía sau không bay nổi là hình ảnh của những học sinh khi lên lớp vì bị cha mẹ bó buộc chứ không muốn học, họ lơ đãng khi nghe giảng bài nhưng tâm trí thì đang nghĩ về những trò tiêu khiển (tiktok…). Không ai có thể làm tốt cũng lúc hai việc được, làm sao có thể vừa nghe giảng lại vừa chơi game… Những học sinh kiểu như vậy là đã không thấy được công việc là một phận sự cần thiết, không ý thức được thời giờ là vàng bạc không thể bỏ phí, ỷ lại vào những người khác (cha mẹ giàu có và có công việc), ỷ lại để ngày mai hãy học hãy làm vẫn kịp…
- Ngọn lửa chập chờn của cây nến.
Có nhiều bạn trẻ làm việc cả ngày, việc gì cũng làm, nhưng lại thiếu ý chí. Bày ra đủ thứ, nhưng làm cái gì cũng không quá 10 phút lại bắt qua việc khác, soạn ra một số môn học, đang làm toán, ngó qua vật lý, tìm đọc văn, rồi lại quay lại toán… chẳng đâu đến đâu. Làm như vậy chỉ là che đậy sự lười biếng, thay đổi chập chờn như ngọn nến. Không phải luôn nhảy việc này qua việc khác là “người năng động” hay có “óc sáng kiến”, nhưng là làm việc phải có phương pháp, thứ tự và thích hợp. Trung thành với cả những việc nhỏ nhất.
Người ta thường nói: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Đừng pha mình vào công việc và cũng không nên chỉ làm một việc mà thôi. Nhưng khi đã bắt đầu làm một việc thì phải cố gắng tận tâm làm cho xong. “Việc gì bạn làm thì làm đến nơi đến chốn”.
- Con thỏ và con rùa.
Câu chuyện cuộc đua Rùa thắng Thỏ là một bài học của sự kiên nhẫn bền bỉ. Sự kiên nhẫn và chăm chỉ có thể vượt hẳn tài trí. Sự học hành dễ dàng cũng có thể nguy hiểm cho người thanh niên vì ỷ lại về tài năng.
Trong lịch sử, không thiếu những người vất vả lắm mới học được, mà điều kiện cũng không học được đến nơi đến chốn, nhưng họ nhiệt tâm chịu khó, nên đã trở thành tài giỏi.
- Thiên tài hay kiên nhẫn.
Công việc bền bỉ cũng giống như nước chảy rì rì từ thể kỷ này sang thế kỷ khác khoét thành dòng sông. Không phải ai cũng có được thiên tài, nhưng cần có cái đích cao thượng để theo đuổi một cách kiên nhẫn.
Những thanh niên trung bình cũng có thể làm được nhiều việc phi thường, nếu họ có ý chí hoạt động và kiên nhẫn. Cái khác nhau giữa bậc vĩ nhân và người người tầm thường chỉ là nghị lực và ý chí.
- Trong hầm trú ẩn.
Thời chiến tranh, thường thì kẻ lao ra khỏi hầm ngay để xông trận là thất bại, nhưng kẻ biết kiên nhẫn ở trong hầm suy nghĩ tính toán cách đánh và chờ thời cơ thì thắng trận. Sự cố gắng điều độ và liên tiếp là nền tảng của tiến bộ, chứ không phải cái nhiệt huyết sôi nổi một lúc như ngọn lửa rơm.
Thà rằng nói hay làm một việc gì còn hơn nhảy từ ý định này sang ý định khác, từ công việc này sang công việc khác.
- Rèn luyện ý chí.
Ba điều kiện ảnh hưởng đến ý chí đó là: Tình cảm, trí tưởng tượng và điều hòa tính khí.
Ba điều kiện này đan xen nhau, tình cảm dẫn ta đến một việc làm, nhưng trí tưởng tượng vẽ ra những thứ làm ta hăng hái hoặc nhụt chí khi gợi nhớ lại những điều làm ta thích hay sợ, hoặc vẽ ra bao khó khăn hay thêu dệt nên những ảo tưởng chi phối ta làm hay không; lúc này sự điều hòa tính khí là hết sức quan trọng giúp ta quyết định. Ai muốn thành người chí khí thì phải biết điều khiển tình cảm của mình trong mọi trường hợp. Điều khiển tình cảm giúp bình tĩnh và không vội vã phản ứng theo tự nhiên. Người có ý chí chẳng những cố gắng thắng tình cảm buồn rầu, đổi nó thành vui vẻ, mà còn giữ cho tâm hồn lúc nào cũng yên tĩnh.
Ví dụ: định làm một bài toán, trí tượng ra: “Ôi bài này khó không làm nổi đâu”, điều hòa tính khi giúp bạn nói ngược lại: “Đó chỉ là phóng đại ra thôi, tôi dư sức làm”.
PHẦN III: TẬP LUYỆN CHÍ KHÍ BẰNG CÁCH NÀO?
- Những phương pháp rèn luyện chí khí.
Phương pháp đầu tiên phải kể đến là: “TÔI MUỐN”. “Tôi muốn”, thật là một NGUỒN nghị lực phi thường dẫn đến chiến thắng, dám làm, dám đương đầu, dám vượt qua, dám đến cùng.
Bạn chỉ trông thấy việc có thể làm khi nào bạn bắt tay vào việc. Bạn hãy thử MUỐN ít là một lần xem nào!
- Tôi sẽ có thể làm được, nếu tôi muốn.
TÔI MUỐN khác NẾU TÔI MUỐN. “Tôi muốn” là quyết tâm đi vào việc làm, còn “nếu tôi muốn” thì chỉ là giả thiết mà thôi.
Ý chí không vững là cội rễ của hầu hết các tật xấu. Một ý chí vững chắc không tự có khi ta mới sinh ra, cũng không tự nhiên thành khi lớn lên, nhưng phải được rèn luyện gian khổ và chăm chỉ. Ý chí như hạt giống gieo vào linh hồn, nếu bạn chăm sóc ý chí, nó sẽ nên mạnh mẽ và chống lại được mọi bão táp của tội lỗi. Ngược lại, nếu để đó, những con kiến và mối mọt tật xấu sẽ đục khoét linh hồn. Vì thế, sau khi nói: “tôi muốn”, thì hãy nói tiếp: “tiến lên”.
- Người thanh niên có chí khí.
Một người có ý chí sắt đá đúng nghĩa phải:
– Ý chí bền vững. Là không thay đổi việc này qua việc khác liên tục.
– Ý chí kỷ luật. Ý chí được đặt trong khuôn khổ, chứ không phải làm đủ mọi cách không phân biệt phải – trái, cái cần – cái không cần.
– Ý chí chắc chắn. Là có sự suy xét cẩn thận, mục đích chắc chắn.
– Ý chí mạnh để nhớ. Loại bỏ được tính “dễ quên”, loại bỏ sự xem thường và dễ tha thứ cho cái quên. Phải quyết tâm thực sự.
- Gương ông Đê-mốt-ten.
Démosthène mồ côi lúc bảy tuổi, bị ngọng, bị giám hộ cướp hết tài sản, nhưng sau khi nghe được một bài hùng biện tài tình của một luật sư, ông đã quyết tâm trở thành nhà hùng biện. Ông đã trở thành nhà hùng biện đại tài, dù trước đó ông đã thất bại rất nhiều lần, nhưng không bỏ cuộc.
Điều đó cho thấy, trong tâm hồn con người tiềm ẩn biết bao mãnh lực kỳ lạ, và nhiều khi chính những đau đớn thê thảm, chứng tỏ con người có sức chịu đựng và vượt lên. Vì thế, đừng bao giờ để nỗi buồn xâm nhập tâm hồn.
Đôi khi, chúng ta vẫn cảm thấy tủi thân và buông xuôi vì sự kém may mắn về thể xác, nhưng liệu có ai còn tệ hơn Nick Vujicic…?.
- Bài học thể thao.
Người ta thường nói: “Văn ôn võ luyện”. Phương pháp đầu tiên để rèn luyện ý chí phải kể đến là phải tập luyện từ những cái nhỏ nhất, rèn luyện hằng ngày và tiệm tiến kiên trì theo thời gian, chứ không phải đốt giai đoạn. Chẳng hạn trong thể thao, vận động viên đạt được thành tích đã phải khổ luyện rất khắt khe và trường kỳ.
Một ví dụ về các tài xế, những tài xế giỏi không phải là lý thuyết học lái giỏi, mà là kinh nghiệm luyện tập nhiều ở thực tế.
- Người Ấn-độ trẻ tuổi và bài học săn bắn.
Dễ giận dữ, đánh nhau, cãi cọ là dấu của những người có ý chí hèn yếu.
Một số dân tộc Ấn-độ đã thử thách thanh niên đến tuổi kết hôn, bằng cách đưa họ đến nơi rừng có nhiều thú để săn bắn và ở đó hai tuần. Các thanh niên được giao cho một cây cung và một số mũi tên, nhưng cấm bắn. Nai thỏ đầy dẫy chạy qua, họ thèm muốn bắn nhưng phải kìm lại. Sau cùng chỉ những thanh niên nào không bắn mới được gọi là người lớn. Điều này cho thấy, một người được kể là trưởng thành khi biết tự chủ.
- Khốn nạn, tôi không có ý chí.
Những người được sinh ra từ “vạch đích”, những kẻ được nuông chiều, những ai tự mãn… đều là kẻ thù của việc luyện ý chí.
Việc rèn luyện ý chí cũng có ba cách phù hợp cho từng hạng người, đó là:
– Tự chủ: Cho những ai quá nhanh nhẹn, vui vẻ, nóng nảy, bộc trực. Cần bình tĩnh và từ tốn.
– Kiên tâm: Cho ai dễ thay đổi, cái gì cũng nhúng vào. Cần tự bó buộc mình, biết nhẫn nại.
– Hành động: những người mơ mộng thì chỉ có làm việc mới làm vững chắc ý chí được.
- Tự chủ.
Thứ nhất là TỰ CHỦ: Thường thì các lớp nhỏ rất đạo đức và học giỏi, càng lớn bắt đầu càng sa sút. Nguyên nhân đến bởi dục vọng, các trò tiêu khiển và lười biếng. Để vượt qua được sự nô lệ cho nhục dục, chơi bời, biếng nhác thì phải biết kiềm chế giác quan và giữ luật. Nghĩa là, phương pháp của mọi phương pháp lúc này là tự chủ và khắc kỷ.
- Những quả nho của vị khổ tu.
Câu chuyện chùm nho của một người làm vườn biếu vị bề trên khổ tu, được luân chuyển từ vị này sang vị khác, ai cũng có lý do để cho người cần dùng hơn mình, và nó xoay vòng trở lại người đầu tiên. Đó là sức mạnh của ý chí, là một tinh thần xả kỷ, lo cho người khác hơn mình.
- Tôi đã mất một ngày.
Một ngày mà không làm được ít nhất một việc tốt: Tôi đã mất một ngày.
Tôi đặt ra sẽ làm điều này, nhưng tôi ngủ không chịu dậy làm: Tôi đã mất một ngày.
Tôi hứa sẽ giữ một điều, nhưng hôm nay tôi chưa thực hiện: Tôi đã mất một ngày.
Tôi quyết tâm bỏ một điều xấu, mà ngày hôm nay tôi quên: Tôi đã mất một ngày.
- Con gà trống của họa sĩ Nhật-bản.
Câu chuyện họa sĩ Nhật-bản vẽ một con gà chỉ mất 15 phút, nhưng phải mất 3 năm trước đó vẽ nháp hàng đống giấy, để rồi mới có thể vẽ được bức kê họa danh tác trong 15 phút. Điều đó cho thấy ý chí rèn luyện trường kỳ sau hàng nghìn những sự luyện tập bền bỉ bất chấp khó khăn.
Cái thành công sau khi bạn hoàn thành một công việc không phải là tiền công, mà là thành quả mình đã hoàn thành, còn hơn thế nữa, ban tặng cho bạn một khả năng. Họa sĩ Nhật-bản kia, lúc này không phải vẽ cách khó khăn nữa, mà cứ cầm cọ là vẽ xong ngay.
- Kiên tâm.
Thứ hai là KIÊN TÂM: “Ai bền chí đến cùng sẽ được cứu rỗi” (Mt 10,22b). điều này không chỉ đúng về mặt tinh thần, mà trong mọi hoạt động đều thế. Phát nhanh thì tàn nhanh, giống như nạp pin điện thoại vậy. Người leo núi leo từ từ thì có sức đến nơi, nhưng kẻ chạy hấp tấp thì mệt nghỉ và bỏ cuộc.
- Chịu đau khổ mà không phàn nàn.
Đời người, phận người, sống trên cõi nhân gian này, với cái thân xác hữu hạn này… thì phần lớn là gian lao đau khổ. Đau khổ đến từ tự nhiên, từ hậu quả của tội, từ bệnh tật, từ tai nạn, từ lầm lỡ, từ hoàn cảnh và từ người khác gây ra.
Với anh em Phật Giáo thì cho rằng đau khổ do vô minh chấp ngã của bản thân. “Tứ khổ” và “khổ đế” là tổng hợp những cái khổ triền miên nếu không “diệt khổ”[1]. Thật vậy, đôi khi do chúng ta ghen tuông, kiêu ngạo, ảo tưởng chính mình, muốn hơn người… nên khổ.
Câu chuyện người tầm đạo: Alla cất đi đau khổ, Phật đưa ra cách diệt khổ, Chúa Giê-su đón nhận đau khổ để biến nó thành niềm vui. Người tầm đạo đã chọn Chúa Giê-su vì không thể cất đi hay diệt được khổ, mà chỉ có đón nhận nó kiên tâm rèn luyện ý chí nên người thánh thiện.
- Vâng lời mà không cằn nhằn.
Nhà tu đức Thomas Merton người Mỹ nói: “Không ai là một hòn đảo”. Sống là sống với, sống cùng và sống cho người khác. Thật vậy, không thể có ai độc lập hoàn toàn: Chẳng lẽ tự sinh ra, tự đặt mình trong nôi, tự ăn và tự lớn theo ý muốn, tự hiểu biết, tự chui vào hòm, tự đào huyệt chôn mình?
Vì thế, sự vâng lời không phải là mất tự do, mà là có những đối tượng mà ta phải vâng lời: cha mẹ, thầy cô, kinh nghiệm người đi trước, những luật lệ gìn giữ ta khỏi sai lầm… Có một sự thật là chưa có ai lớn tuổi mà ngồi phàn nàn vì sự nghiêm khắc của cha mẹ khi còn trẻ, nhưng lại nhiều người cảm thấy hối hận cay đắng vì lúc nhỏ đã không biết vâng lời cha mẹ.
- Không bao giờ nói dối.
Chúa Giê-su dạy: “Có nói có, không nói không, còn gian dối là do ma quỷ” (Mt 5,37).
Giáo hội dạy: Không bao giờ được phép nói dối, dù để chữa mình hay bênh vực ai (x. GLCG 2464).
Người có chí khí là giữ mình khỏi sự dối trá, và kiên quyết không nói dối.
- Tại sao nói dối?
Có nhiều điều khiến người ta nói dối: Để che đậy lỗi phạm (vì xấu hổ và tránh bị phạt), vì ghen tuông mà nói xấu người khác (nói hành người khác để vinh danh mình), để có lợi cho mình (cầu thủ bóng chạm tay vẫn cãi), để khoe khoang (như làm oai dựa dẫm đồ vật người nổi tiếng), ăn cắp công người khác (như: chép bài bạn khi đi thi)…
Tất cả những gì trái với sự thật thà và ngay thẳng đều là dối. Không phải chỉ nói dối mới là man trá, nhiều khi im lặng, cử chỉ giả hình cũng là nói dối.
Ngày nay có thể nói tràn ngập sự dối trá, nhất là trong làm ăn buôn bán kinh doanh, đến nỗi cái gì người ta cũng không còn dám chắc hay dám ăn.
Nhưng, người có chí khí là dám làm dám chịu.
- Việc gì phải nói dối.
“Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết” (Lc 12,2). “Trước mặt Chúa, những người nói dối trông rất ghê sợ” (Cn 12,22).
Đã nói dối thì khó dừng lại, vì những lần sau phải nói cho hợp với lần trước và cứ thể dối mãi… rồi thành một con người giả dối. Người nói dối chẳng bao giờ được bình an, phần thì sợ bị lộ, phần do lương tâm cắn rứt ăn không ngon ngủ không yên.
- Lúc nào cũng nói thật.
Nghĩa là cả những lời nói dối chơi được coi như vô hại cũng không được nói. Dù nói dối chơi không là một tội nặng, nhưng vẫn có hậu quả của nó là thành thói quen dẫn đến mất niềm tin vào kẻ nói. Giống như anh hề thường đem trống đánh lừa dân làng cháy nhà, làm mọi người hốt hoảng để gây cười, đến khi nhà cháy thật thì anh hề đánh trống kêu hết hơi cũng chẳng còn ai tin.
Gặp điều khó nói thì thà im lặng, chứ cũng không nên nói lấp lửng kiểu hai ý. Người có chí khí là người can đảm và danh dự, xem việc nói thật là một đức tính anh hùng.
- Thề xem nào.
Thường thì kẻ hay nói dối mới cứ đòi thề, vì lâu lâu được một lần nói thật thì sợ người ta không tin. Hoặc nghĩ người khác cũng dối như mình nên cứ bắt họ thề.
Còn hứa lại càng phải cân nhắc, chứ đừng dễ hứa mà không thực hiện sẽ làm mất danh dự.
Đừng bình phẩm hay xét đoán cái bạn chưa biết hoặc không chắc chắn.
- Hành động.
Thứ ba là HÀNH ĐỘNG: Người có chí khí không chỉ tự chủ và kiên tâm, nhưng phải hành động cách can đảm với ý chí tích cực nữa mới được. Một chuỗi hành động nhỏ lớn giống như một mắt xích, nếu coi một hành động là “không đâu vào đâu” thì giống như làm hỏng một mắt xích và máy hết hoạt động.
Hành động dù nhỏ mà tốt, thì nhiều hành động đó dần dần nên một tập quán tốt và hoàn thiện thành con người tốt, và ngược lại.
- Hiệu lực của những cái nhỏ.
Nhiều việc nhỏ hợp lại thành tập quán, sau khi làm nhiều việc đạo đức thì ta ăn ở đạo đức dễ dàng. Ngược lại, quen với tội lỗi thì dần mất ý thức về tội và dễ phạm tội.
Trong việc thờ phượng, không ít người cứ nghĩ phải làm cái gì to tát, chứ chuyện lần chuỗi, đọc kinh, đi đường thánh giá là cái chuyện của đàn bà nhàn rỗi. Nhưng các bậc thánh lớn trong Giáo Hội đã nên thánh bằng những việc “nhỏ” ấy đấy!
- Gulivais bị trói.
Câu chuyện Gulivais khổng lồ bị những người lùn Lipipus trói bằng hàng ngàn sợi dây nhỏ, Gulivais đã vùng dậy làm đứt hết.
Trong căn phòng mà để bừa bãi lộn xộn đủ thứ sách, vở, bút, mực, thước, cặp, kem đánh răng, bàn chải… Đến lúc chuông reo lên lớp, bạn không thể biết cuốn sách nọ nằm chỗ nào, rồi lo bới tìm, rồi đến học chậm, không hiểu bài, bị kiểm điểm, bị thi rớt.
Thứ tự bên ngoài biểu thị thứ tự bên trong. Nên cần phải như Gulivais bứt bỏ hết sợi dây, đừng để chí khí bị trói buộc bởi những sợi dây của tập quán xấu, của trễ nải, của nhẹ dạ.
- Cái then cửa bị hư.
Đừng coi công việc nào là nhỏ, là thường. Giống như một cái then cửa chuồng gà bị hư mà không quan tâm sửa lại, dù chỉ mất dăm ba phút, nhưng hậu quả là sự hỗn loạn của cả trang trại và bao người bị ảnh hưởng cũng như nhiều tài sản hư hại.
- Bộ tóc của Áp-sa-lon.
Câu truyện bộ tóc quấn lên cây của Salomon cho thấy vì khinh thường cái điều tưởng như nhỏ mọn nhưng lại làm cho mất mạng. Chỉ có những người biết dùng những phút ngắn ngủi mới có thể làm chủ được thời giờ. Có ai coi khinh những việc nhỏ mà làm được những điều phi thường đâu.
Chúa dạy: “Ai trung thành trong việc nhỏ mới trung thành trong việc lớn” (Lc 16,10). Thánh Augustino cũng nói: “Việc nhỏ vẫn là việc nhỏ, nhưng làm được những việc nhỏ mới đáng kể”. Như một người muốn trở thành một kiếm thuật, thì không được bỏ qua mọi chi tiết nhỏ từ miếng đánh thế thủ thế công. Một lương tâm bị nhụt đi vì ta chịu nhượng bộ từ những việc nhỏ mọn.
- Đèn chầu nhà thờ Pi-dơ.
Nhìn người dọn đồ lễ đổ dầu vào đèn treo lủng lẳng trong nhà thờ Pise, khi bàn tay đụng nhẹ vào sợi dây dài treo đèn, làm đung đưa đều đặn của đèn, ông Galilée đã chú ý, đã dùng bộ óc để nhận xét và sau 50 năm ông đã tìm ra quy luật của đồng hồ. Trước ông đã bao nhiêu thế kỷ cũng có đèn và đổ dầu như thế, nhưng chẳng ai khám phá ra.
Bạn hãy tập dùng giác quan, đưa mắt chăm chú nhìn những hiện tượng đời sống, để tập cho mình khoa nhận xét này.
Chúa Giê-su từng dạy điều này khi trách người Do-thái biết các hiện tượng trời đất, nhưng những dấu chỉ thời đại ngay trước mắt thì không. (x. Lc 12,54-59).
- Làm việc một cách vui vẻ.
Một trong những phương pháp hữu hiệu để rèn luyện chí khí chính à VIỆC LÀM: làm việc hằng ngày cách vui vẻ và tận lực. Công việc làm cho ta lành mạnh và thư thái cả hồn lẫn xác. Trái lại, sự nhàn rỗi và thiếu hoạt động làm cho ta ươn lười. Công việc điều độ và đều đặn đúc thành những con người đứng đắn, lương thiện và nhẫn nại.
Đặc biệt, muốn làm được việt cách vui vẻ thì phải yêu việc và tìm được niềm vui trong công việc, hoặc tìm được động lực giúp đam mê công việc mình theo đuổi. Lại nữa, niềm vui của người có niềm tin là dù cho không ai thấy nhưng có Thiên Chúa thấy.
Cũng cần phác cho mình một chương trình làm việc (dĩ nhiên là không ra ngoài trong thời khắc biểu chung), đặt ra một nguyên tắc cho bản thân, và quyết tâm hoàn thành. Ví dụ: Quyết viết một cuốn sách, và vạch ra mỗi ngày dù bận cũng phải viết xong một mục rồi mới nghỉ.
- Bổn phận.
Một sức mạnh ẩn chứa phi thường ẩn trong sự trung thành với bổn phận. Bạn hãy làm việc bổn phận và nhất là cả những việc bạn không cảm thấy cảm hứng. Giá trị của đời sống không phải là sự thỏa mãn của ham muốn mà ở việc bổn phận được làm đầy đủ.
Mỗi người đều được Chúa trao cho một bổn phận trong thế giới này. Vì vậy, chu toàn bổn phận chính là bước đầu tiên của mọi sự rèn luyện đi đến hoàn thiện. Sao nhãng việc bổn phận là căn nguyên của mọi thất bại.
- Hôm nay tôi khó chịu.
Việc học tập và thành công cốt nhất ở ý chí chứ không phải lúc cao hứng. Đừng để cho việc bổn phận phải tùy ở cảm hứng, kiểu “nay hơi khó chịu để ngày mai làm”. Nguyên tắc làm xong hãy chơi, làm việc đã lãnh nhận xong rồi làm việc không do bổn phận làm sau. Có nợ thì càng trả được sớm càng hay…
Chúa Giê-su nói: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Cha Thầy” (Ga 4,34). Sống trên đời không chỉ để hưởng sung sướng để thỏa mãn sự vui thích mà là để làm việc bổn phận, hoàn thành công việc Thượng Đế đã trao ban.
- Sinh muộn năm phút.
Đúng là có nhiều anh em như “sinh muộn năm phút” vậy, thời khắc biểu là vậy, nhưng thức dậy cũng chậm, làm gì cũng đến chậm và hầu như chậm mọi thứ, chậm cả đời…
Ý chí và nghị lực có thể thắng được tất cả các cản trở; còn uể oải vươn vai ngáp dài thì sinh chán nản và tạo nên không khí bất lợi cho công việc không trôi chảy được.
Việc làm có khoa học, được sắp xếp chương trình và cách làm cẩn thận sẽ nhanh hơn gấp đôi và hiệu quả hơn.
- Đồng hồ tôi chậm.
Cái kiểu cứ nghe báo thức, hiệu lệnh, nhưng vẫn nghĩ “nằm thêm năm phút cũng chẳng sao” thành một thói quen rồi sẽ nên chậm trễ cả đời, và nhiều lần vuột mất những cơ hội quý.
Có thể nói, người biết giữ đúng giờ là trân trọng thời giờ quý giá và mới làm được những việc trọng đại. Cũng không ai dám tin tưởng giao những công việc cho những người chuyên chậm trễ.
Người không đúng giờ thì cũng thường là người hay nói dối, vì luôn tìm cớ để chữa mình có lý do chậm (đồng hồ tôi bị chậm, xe có sự cố, có chút việc đột xuất…).
- Người học trò nghèo.
Ở VN trước đây, ở CĐCS Miền Bắc, những đứa trẻ chăn trâu mặc một cái quần đùi vá đi vá lại hàng chục miếng vá, hay nhiều sinh viên sau 1975 đi học ở trọ chỉ có một quả trứng chia đôi làm hai bữa trộn trứng với muối để ăn cơm, rồi sau giờ học đi làm thêm đủ thứ nghề như bưng bê cho các quán ăn, phát tờ rơi, dạy thêm… mới có đủ tiền trang trải. Thế nhưng, những đứa trẻ khó khăn xưa, những sinh viên nghèo ngày nào phần lớn lại đang thành công hơn những đứa trẻ hay sinh viên được sinh ra ở vạch đích.
Vấn đề giàu hay nghèo không phải nguyên nhân của thành công, mặc dù người có đủ điều kiện thì khởi nghiệp dễ dàng hơn, nhưng điều quan trọng chính là ý chí rèn luyện cố gắng phấn đấu. Và điều này những sinh viên nghèo đã biết dùng sự khó khăn làm động lực thúc đẩy đạt dược thành công hơn. Vì vậy, mọi sự bắt đầu bằng ý chí cố gắng làm và thành công khi sự cố gắng một cách liên lỉ.
- Những thanh niên nghèo trở nên vĩ nhân.
Rất rất nhiều các vĩ nhân (tiến sĩ, bác học, tổng thổng, doanh nhân tỉ phú, thánh nhân…) xuất thân từ gia đình nghèo khó. Chẳng hạn, tổng thống Abraham Lincohn 10 năm làm nghề kiếm củi và làm thợ mộc.
(Liệt kê những người nghèo thành vĩ nhân trong sđd từ trang 252 – 254).
- Giá trị của thời giờ.
Tục ngữ Anh: “Times is money”, còn chúng ta vẫn thường nói “thì giờ là vàng”. Đúng ra phải thừa nhận: “thì giờ quý hơn vàng”, vì mọi thứ, kể cả vàng bạc chúng ta đều có thể tìm được, nhưng thời gian thì không, vì thời gian trôi đi không bao giờ trở lại, và một cơ hội chỉ xảy ra một lần trong đời. Một năm chỉ có 365 ngày, một đời người trong ngoài bảy chục… (x. Tv 90,10).
Mọi người cũng đều dùng 1 giờ có 60 phút như nhau, nhưng thời giờ có thể mang đến tất cả và cũng mang đi tất cả tùy vào những ai biết dùng thời giờ hiện tại, chứ không phải “cứ để ngày mai làm”.
- 20 phút – 12 triệu Mỹ kim.
20 phút 12 triệu Mỹ kim rất đáng giá, khi con đường Buffalo đi New York rất xa đã được rút ngắn xuống còn 20 phút nhờ bắc cây cầu 12 triệu Mỹ kim.
Thời giờ trong thời niên thiếu hết sức đáng giá, vì nó rút ngắn con đường thành công trong tương lai, nó đáng để đầu tư. Những năm thiếu niên cần phải học, vì nó đang sửa soạn con đường sống và dự trữ vốn liếng tinh thần cho tương lai.
Trẻ không học, lớn đừng mong thành công. Giống như trong thể thao, trừ năng khiếu, ai tập từ nhỏ chắc chắn sẽ hơn người lớn rồi mới tập, điều này càng đúng với vấn đề sức khỏe.
- Thời giờ thấm thoát thoi đưa.
Chúng ta thường nghe câu thơ: “Thời giờ thấm thoắt thoi đưa, nó đi đi mãi không chờ đợi ai”. Thấm thoát hay thấm thoát đều có nghĩa là nhanh chóng, thời giờ thấm thoát cho thấy sự trôi đi nhanh chóng và không bao giờ trở lại.
Vì vậy, thời giờ phải là trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ không được bỏ qua, và người để cho thời gian trôi đi vô ích thì thật là vô trách nhiệm với chính bản thân, với xã hội và với công trình của Thiên Chúa.
- Khi dĩ vãng trở lại.
Dù có vặn ngược kim đồng hồ, thì dĩ vãng cũng không trở lại. Thế nhưng, phần lớn sống như đang nghĩ rằng: “Còn lâu mới chết”, hay “mình còn trẻ mà”, hoặc “lúc đó hẵng tính”. Ngay cả nhiều người Công giáo vẫn có cái suy nghĩ cứ đến lúc sắp chết hãy đi xưng tội. Mẹ thánh Teresa Calcutta nhắc nhở các linh mục hãy dâng thánh lễ với tâm tình như là thánh lễ cuối cùng của đời mình.
Ở Rôma có một bức họa mang tên “tiếng chuông thần chết”: Vẽ một đứa trẻ đang trên tay mẹ, một chàng trai đi nhận văn bằng, một cô dâu trên xe hoa về nhà chồng đều bị thần gọi đi; trong khi một bà già còng lưng vẫy tay thì thần chết lại bỏ qua.
- Thời gian không thể tính được.
Chỉ phút hiện tại mới thuộc về ta, quá khứ qua đi rồi, tương lai thì chưa đến. Vấn đề không phải thời gian bạn sống bao nhiêu năm, mà là bạn đã làm được gì trong thời gian bạn sống? Thánh Teresa nhỏ chỉ có 24 năm trên cõi đời, nhưng lại đã làm được bao việc phi thường (từ những việc được coi là nhỏ), hơn hẳn bao người sống thọ trăm năm nhưng không biết dùng thời giờ cho đúng.
Hãy thắp lên một ngọn đèn sáng chứ đừng ngồi than khóc bóng tối, hãy bắt đầu ngay để khỏi sau này ngồi tiếc nuối hối hận.
- Đời sống ngắn ngủi nhưng cũng đủ học tập lâu dài.
Các trường phái võ thuật đều tìm cách khai thác khả năng tiềm ẩn trong con người, đặc biệt là những gì thuộc chưởng khí và tạo ra năng lượng ngã lực (một võ sư có thể đánh ngã đối phương bằng phóng chưởng, hoặc ra thế tạo nên những miến đòn đánh nặng cả trăm cân).
Có thể nói khả năng của con người hầu như vô tận, điều này chứng minh qua thời gian, con người càng phát minh ra những thứ mà trước đó người ta cho là giả tưởng.
Ngoài ra, việc biết tận dụng thời giờ sẽ tạo ra nhiều điều hữu ích. Kể cả những thời gian ít ỏi, như lúc ngồi trên tàu cũng có thể đọc được vài đoạn sách có ích.
- Để nghỉ chứ không phải không làm gì.
Ngủ và nghỉ khác nhau. Cũng như để nghỉ chứ không phải không làm gì. Người ta tìm thời gian để nghỉ chứ không phải chỉ để đi ngủ.
Nghỉ là nghỉ việc này vừa xong là làm cái khác, chứ không phải xong một mốc thời gian buổi làm việc là xong luôn, nghỉ. Nghỉ học để nghỉ hè, không có nghĩa là thời gian nghỉ hè bạn không làm gì.
Nghỉ ngơi không phải là lười biếng, thời gian nghỉ ngơi là để thêm năng lực cho công việc tới.
Về tâm linh, làm việc thì không có giờ cho ma quỷ tấn công linh hồn mình. Có những người đặt ra cho mình một việc phải hoàn thành trong một thời gian nhất định, nên họ tranh thủ những giờ rảnh để làm, và khi mệt thì lăn ra ngủ và ngủ ngon mà không phải trằn trọc suy nghĩ tơ tưởng lung tung. Có người lên giường ngủ là lần hạt, thằng quỷ nó làm cho buồn ngủ ngay, có lẽ vì nó sợ người đó sốt sắng làm việc lành.
- Việc khó nhất đời.
Một thợ máy giỏi là thợ máy phải biết từ những cái ốc nhỏ nhất của cái máy. Tiếc là không ít người biết cả hỏa tinh xa xôi có gì, nhưng chính cái con người mình như thế nào lại không biết.
Trên cửa đền Delphes ghi:“Connais-toi, toi même!” (Socrates) – Hãy hiểu chính mình – Muốn làm chủ được mình thì phải biết rõ mình đã. Thánh Bernard khi vào nhà dòng đã đặt ra câu tự vấn viết trên cửa: “Bernard, ngươi đến đây làm gì?” Và bao nhiêu vị thánh sau một ngày đều xét mình: “Hôm nay tôi đã làm được gì?”. Hãy xét mình để biết mình.
Nhà thông thái Thales khẳng định: “Việc khó nhất đời là tự biết mình, và nói xấu người khác là việc dễ nhất”.
Biết mình là biết tài năng, sức khỏe, khuynh hướng và cả chỗ đứng của mình để hoạch định và lựa chọn nghề nghiệp cách kỹ lưỡng và phù hợp. Người không biết rõ tâm trạng mình thì hay đổ lỗi cho hoàn hoàn cảnh hay do trường hợp này căn cớ khác. Một học sinh thi trượt thì thay vì biết mình lười ôn thi, thì lại đổ lỗi cho thiếu thời giờ để học hoặc đổ cho giáo viên dạy dở.
- Bình yên cả.
Phải gạt bỏ những gì vướng bận và ngăn chặn như tình cảm hoặc những trò chơi bủa vây xung quanh, mới có thể “bình yên” làm việc đến nơi đến chốn.
Người ta dễ đánh lừa chính mình hơn lừa người khác, nhưng thực sự khi tự trấn an và lừa dối mình thì lương tâm khó để cho tâm hồn mình bình yên, nhất là lúc đêm về. Chính việc cố gắng làm và sự thành thực kiểm điểm mới đem lại “bình yên cả”. Xét mình cũng giúp tránh được “mất cảm thức về tội”.
Không soi thấy vết bẩn thì không thể lau sạch, không thấy động cơ bị lỗi thì không thể sửa chữa, cũng vậy, không thấy điều sai thì không thể khắc phục. Vì vậy, sau một ngày, nên suy xét lại xem trong một ngày hôm nay mình đã làm gì, đã bỏ qua điều gì mà bổn phận phải làm? Từ đó thực hiện một quyết tâm cho ngày mai.
- Dưới chân Chúa.
Muốn thành công, muốn rèn luyện chí khí, phải có một thần tượng hay một lý tưởng.
Kẻ vô thần, hay giới trẻ ngày nay dễ thất bại là vì họ không biết chọn thần tượng, thất bại là vì một cái thần tượng “tư tưởng hcm nào đổ sụp đổ” khi họ khám phá ra sự thật không như tuyên truyền. Nhà mẫu giáo của các soeur yêu thương trẻ, săn sóc chu đáo và giáo dục nhân bản đến nơi đến chốn, là vì các soeur tin vào Chúa nhìn thấy công việc của các soeur, và làm vì yêu Chúa. Ngược lại, đó đây xảy ra những nhà mẫu giáo ở ngoài xảy ra chuyện bạo lực với trẻ cách tàn bạo, vì có tiền thì họ làm tốt, thiếu thì họ đày đọa con trẻ.
Mỗi ngày bạn tiến được bao nhiêu trên đường chí khí, bạn sẽ đưa linh hồn bạn gần gương cao quý của tất cả mọi chí khí là Chúa Ki-tô.
- Chúng ta hãy vui mừng vì tuổi trẻ.
Sự vui vẻ cao thượng làm mất những bản năng thấp hèn muốn đưa ta đến tội lỗi. Chúng ta vui mừng vì tuổi trẻ luôn vui tươi trong sạch, vì đó là phương tiện để tăng ý chí, là nguồn lực cho hoạt động và một cách phòng ngừa tội lỗi.
Thế nhưng không nhầm lẫn “vui vẻ” với “khoái lạc”. Kẻ tìm “khoái lạc” thì chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và sau đó là tràn ngập sự trống vắng mệt mỏi; còn sự “vui vẻ” đích thực sẽ kéo dài mãi, tạo nên sự lạc quan yêu đời và vui sống.
- Hỡi tuổi thanh niên, hãy trở lại !
Những người già thường hay nhớ lại thời tuổi trẻ, cái tuổi trăng tròn mộng mơ, cái tuổi vô tư hồn nhiên, cái tuổi đầy nhiệt huyết… Thế nhưng để không tiếc nuối và hối hận khi về già, thì hãy sống tốt và trong sạch của tuổi trẻ.
- Bạn muốn thành người thế nào?
Điều quan hệ nhất của bạn chính là bạn thành một người và bạn làm đầy đủ bổn phận, chứ không phải buộc phải là thương gia, kỹ sư, linh mục… Cũng không đòi hỏi bạn phải có tài năng, thiện mệnh, địa vị trong xã hội.
Cái mục đích tối hậu của Người Công Giáo chính là trở về với Thiên Chúa, và cái đích của người tu trì không phải là được chức này chức nọ mà là nên thánh.
Vì thế, rèn luyện chí khí là dù trong hoàn cảnh nào, bạn cũng phải có bổn phận chứng minh mình là ai, giữa một thế giới gian tà sa đọa, bạn phải là nhân chứng mình là người Công Giáo, là tu sĩ thì phải sống đúng bổn phận Chúa trao.
- Một đêm thanh vắng.
Mục này cũng như là một LỜI KẾT cho cả cuốn sách mà ta vừa học hỏi. Trong tư cách Người Hướng Dẫn bài học, xin đặt ra cho bạn một tự vấn:
– Khi màn đêm buông xuống mỗi ngày, trong thinh lặng, bạn sẽ thấy bạn đã làm được gì cho Chúa và cho tha nhân, và bạn đã để trôi qua những điều hữu ích nào, cũng như bạn đã phạm sai lầm nào?
– Rồi một chặng đường từ khi lớn lên, hoặc từ khi chọn vào đời tu, hay qua những chặng tiến lên trong đời tu (vào dòng, nhà tập, khấn, linh mục), bạn đã làm được gì và đã bỏ phí điều gì, thiếu sót điều gì và lầm lỗi điều gì? Là người có chí khí, bạn hãy có một sự quyết tâm từ lúc này, ngay và luôn từ giây phút này.
– Cuối cùng, nếu đặt mình vào một đêm thanh vắng cuối cùng, bạn có thật sự thanh thản và sẵn sàng không?
[1] (Tứ khổ: Ái biệt ly khổ, oán tằng hợp khổ, cầu bất đắc khổ, ngũ uẩn thịnh khổ; khổ đế: sinh, lão, bệnh, tử).
Discussion about this post