CHÚA NHẬT
LỄ MÌNH VÀ MÁU THÁNH CHÚA
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,51-58
Đức Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? ” Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
II. SUY NIỆM
“CHÂN LÝ VỀ BÁNH HẰNG SỐNG”
Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của diễn từ về Bánh Hằng Sống, Chúa Giêsu không nói úp mở hay dùng biểu tượng, mà Người xác minh một cách rõ ràng rằng: Chính Thịt và Máu Người là của ăn và của uống trường sinh.
Tuy nhiên, với suy nghĩ của con người, khó có ai chấp nhận được khi một người tự xưng mình là bánh từ trời và thịt máu mình lại là của ăn của uống, nên chúng ta không lạ gì người Do-thái đã phản ứng rất sôi nổi khi nghe Chúa Giê-su nói như vậy.
Chính vì thế mà Chúa Giê-su đã phải giải thích rằng, để hiểu và chấp nhận được nhiệm thể Thánh Thể phải được ơn mặc khải từ Chúa Cha và được Chúa Cha lôi kéo. Đây là nội dung chính mà chúng ta cùng suy niệm sau đây:
1. Chân lý về bánh hằng sống.
Sự sống thể lý không phải là sự sống tự thân mà là sự sống lệ thuộc, nghĩa là nó cần đến lương thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, nên sẽ đến lúc sự sống đó không thể thâu nạp được lương thực nữa nó sẽ èo ọt yếu ớt và chết. Còn sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự Sống là Thánh Thể, mà Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Chúa Kitô thông truyền cho linh hồn chúng ta. Nhờ rước lấy Chúa Kitô mà Kitô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng, không sợ tội lỗi hay ma quỷ có thể xâm nhập và làm tổn hại linh hồn mình.
Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.” Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người chúng ta. Chúa Kitô biến đổi chúng ta, ban cho chúng ta sự sống của Người và kết hợp chúng ta vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho chúng ta sự sống ấy nhờ chúng ta ăn Mình Người, chúng ta cũng được thông phần cuộc sống đời đời.
“Làm sao ông này lấy Thịt cho chúng ta ăn được?” Những người Do-thái đa nghi đối với Thiên Chúa trong sa mạc xưa cũng có giọng điệu như thế (x. Ds 11,4.18). Tin Mừng Gioan vốn thích chơi chữ đã đưa vào trình thuật ở đây một ý nghĩa khác, là Chúa Giêsu muốn nói đến việc chia sẻ và thông ban sự sống phục sinh và đã được Thần Khí biến đổi.
Trong văn hóa Híp-ri, thịt và máu chỉ là con người trong thân phận xác đất vật hèn, có sinh có tử. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận toàn diện “chất người” của Chúa (trong thân phận xác đất vật hèn của nó) làm sở hữu của chúng ta, và “chất người” ấy thông ban cho ta thần tính của nó.
Qua những cử chỉ hữu hình, người tín hữu tham dự vào thực tại vô hình và sống kết hợp với Chúa Kitô Phục Sinh. Giáo hội định nghĩa Bí tích là một thứ hữu hình tượng trưng và sản sinh một thực tại thiêng liêng. Khi tín hữu lấy đức tin mà tham dự vào các Bí tích, họ gặp gỡ Chúa Kitô hằng sống đang đổi mới cuộc đời họ. Trong tiệc Thánh (thánh lễ) các tín hữu thật sự nhận lãnh Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô trong cái chỉ còn là hình thức của bánh và rượu. Chúa Kitô Phục Sinh tự biến mình thành thức ăn nuôi dưỡng cho các tín hữu được sống đời đời (CGKPV).
Lời khẳng định cách tỏ tường và quyết liệt của Chúa Giêsu: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”. Nói lên tầm quan trọng của việc rước Thánh Thể Chúa. Thân xác ăn thứ bánh man-na hữu hạn nên sự sống của thân xác chỉ có hạn; còn linh hồn ăn Thịt Chúa Kitô là sự sống vĩnh cửu nên đạt tới sự sống đời đời.
Lại nữa, Chúa Giêsu dùng hỉnh ảnh sự sống Ba Ngôi để diễn tả sự kết hiệp của Kitô hữu với Người nhờ ăn Bánh Hằng Sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. Chúa Cha và Chúa Con vừa hiện hữu tự thân vừa hiện hữu hướng về nhau đến duy nhất. Thì đây, kẻ ăn thịt Chúa Giêsu thông phần vào sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa, khi hiện hữu hướng về Thiên Chúa và nên một với Người. Chúa Kitô sống, nên kẻ ăn Người cũng sống và sống viên mãn như Người.
2. Ơn huệ Chúa Cha mặc khải cho những người được tuyển chọn.
Chúa Giêsu: khẳng định: “Chẳng ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”. Đây cũng là lời mà Chúa Giêsu nói với Phêrô khi ông tuyên xưng Người là Đấng Kitô: “…không phải là xác thịt mà là do Chúa Cha đã mặc khải”. Thật vậy, nhận biết Chúa Giêsu Kitô là một ân ban yêu thương đến từ Thiên Chúa Cha.
Vì thế, đâu phải tất cả những ai tự hào được nằm trong số người theo chính đạo đều đến với Chúa Kitô. Ngay trong Hội Thánh có đủ hạng tín hữu, mà chỉ những ai được Chúa Cha ban ơn đức tin mới tìm được đến với Chúa Kitô. Mọi nỗ lực của con người không thể thay thế hồng ân Chúa Cha ban khi tuyển chọn họ, kêu gọi họ nhận biết Con của Người theo đúng chân lý. Nghĩa là, theo Chúa Kitô mà không tin tuyệt đối vào người, thì những nỗ lực không cò ý nghĩa; theo đạo trước hết phải tin đạo, sau đó mới kể đến những nỗ lực sống đạo.
Chúa Giêsu là Lời của Thiên Chúa. Nơi Người, Chúa Cha đã mặc khải tròn đầy và viên mãn cho con người, và kể từ nay, những mặc khải chân chính nhất cũng chỉ có thể làm một việc là dẫn chúng ta quay về với Người.
Lạy Chúa Giêsu, chỉ trong Ngài chúng con mới được sống và được hiện hữu. Xin cho chúng con luôn biết khao khát của ăn đích thực là Mình và Máu Chúa, để chúng con được nâng đỡ và bổ sức trên đường lữ hành trần thế và mai sau đạt tới sự sống muôn đời. Amen
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 14,12-16.22-26
Ngày thứ nhất trong tuần Bánh Không Men, là ngày sát tế chiên Vượt Qua, các môn đệ thưa với Đức Giê-su: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn lễ Vượt Qua ở đâu? “Người sai hai môn đệ đi, và dặn họ: “Các anh đi vào thành, và sẽ có một người mang vò nước đón gặp các anh. Cứ đi theo người đó. Người đó vào nhà nào, các anh hãy thưa với chủ nhà: Thầy nhắn: “Cái phòng dành cho tôi ăn lễ Vượt Qua với các môn đệ của tôi ở đâu? Và ông ấy sẽ chỉ cho các anh một phòng rộng rãi trên lầu, đã được chuẩn bị sẵn sàng: và ở đó, các anh hãy dọn tiệc cho chúng ta.” Hai môn đệ ra đi. Vào đến thành, các ông thấy mọi sự y như Người đã nói. Và các ông dọn tiệc Vượt Qua.
Cũng đang bữa ăn, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy.” Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra vì muôn người. Thầy bảo thật anh em: chẳng bao giờ Thầy còn uống sản phẩm của cây nho nữa, cho đến ngày Thầy uống thứ rượu mới trong Nước Thiên Chúa.”
II. SUY NIỆM
“TIN VÀ CẢM NHẬN”
Bài Tin Mừng của ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô hôm nay là bản văn tường thuật về bữa ăn cuối cùng của Chúa Giê-su và các môn đệ, trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Tại nhà Tiệc Ly này, Chúa Giê-su đã lập Bí tích Thánh Thể, để trở nên Bánh Hằng Sống cho nhân loại, khi Người trao ban chính Thân Mình là chính Sự Sống thần linh và vĩnh cửu.
Chúng ta cùng nhau suy niệm về hai điểm: Ý nghĩa Bánh Hằng Sống và ý nghĩa trao ban.
1. Ý nghĩa Bánh Hằng Sống
Tin vào mầu nhiệm Thánh Thể thật không dễ dàng chút nào. Nếu ngày xưa nhiều người không thể chấp nhận được thịt thầy Giêsu trở thành bánh đem lại sự sống đời đời, thì con người ngày nay cũng khó có thể tin được mầu nhiệm chuyển bản thể (conversionem substantiae) từ một tấm bánh vẫn còn màu và mùi vị đó lại là Thịt Chúa Kitô.
Nhiều người không thể hiểu nổi mầu nhiệm “chuyển bản thể”, Thịt Chúa trở thành bánh ăn và bánh miến thành Mình Thánh Chúa, sâu xa hơn là do họ không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể biến đổi và không tin được Đấng đang nói đó là một Thiên Chúa nhập thể – Thần Linh trong con người hữu hạn.
Trong văn hóa Híp-ri, thịt và máu chỉ là con người trong thân phận xác đất vật hèn, có sinh có tử. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận toàn diện “chất người” của Chúa (trong thân phận xác đất vật hèn của nó) làm sở hữu của chúng ta, và “chất người” ấy thông ban cho ta thần tính của nó.
Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người. Chúa Kitô biến đổi tín hữu, ban cho họ sự sống của Người và kết hợp họ vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho tín hữu sự sống ấy nhờ họ ăn Mình Người, họ cũng được thông phần cuộc sống đời đời.
Nơi Tin Mừng Gio-an (Ga 6,51-58) Chúa Giêsu khẳng định cách quyết liệt: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”, nói lên tầm quan trọng của việc rước Thánh Thể Chúa. Thân xác ăn thứ bánh man-na hữu hạn nên sự sống của thân xác chỉ có hạn; còn linh hồn ăn Thịt Chúa Kitô là sự sống vĩnh cửu nên đạt tới sự sống đời đời. Chúa Giêsu cũng dùng hỉnh ảnh sự sống Ba Ngôi để diễn tả sự kết hiệp của Kitô hữu với Người nhờ ăn Bánh Hằng Sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. Chúa Cha và Chúa Con vừa hiện hữu tự thân vừa hiện hữu hướng về nhau đến duy nhất. Thì đây, kẻ ăn thịt Chúa Giêsu thông phần vào sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa, khi hiện hữu hướng về Thiên Chúa và nên một với Người. Chúa Kitô sống, nên kẻ ăn Người cũng sống và sống viên mãn như Người.
2. Ý nghĩa trao ban.
Người ta thường đặt câu hỏi: “Tại sao Thiên Chúa đầy quyền năng lại không chọn phương thế khác dễ hơn, mà chọn nhập thể, sống kiếp khổ đau rồi chết nhục nhã như thế để cứu chuộc con người?”. Với lối trả lời theo thần học có lẽ cao siêu quá nên nhiều người khó chấp nhận, vì thần học trả lời rằng: “Chúa Giêsu chọn phương cách nhập thể là vì muốn cho con người biết rằng, con người có một giá trị rất cao quý mà Người không ngại mặc lấy thân xác con người, và cũng qua sự nhập thể Người nâng phẩm giá con người lên”. Chúng ta có thể đưa ra một lối giải thích bình dân qua ví dụ minh họa như sau: Cũng như một chàng trai muốn tìm kiếm bạn đời, mà cứ ở một chỗ, không đến nhà cô gái, không tìm gặp nàng, không trao đổi tìm hiểu nàng, mà cứ ở nhà gọi điện thoại, gửi tin nhắn, thư điện tử… để tỏ tình, thì làm sao cô gái kia nhận lời được. Hơn nữa, nhiều nơi còn có tục phải đi làm rể, thì mới có cơ hội cưới được nửa kia của đời mình. Chúa Giêsu cũng thế, nếu Người cứ ở trên trời nói vọng xuống: “Ta yêu các con, Ta sẵn sàng chết vì các con…” thì làm sao con người kiểm chứng được tình yêu đó và đáp lại được? Vì thế, Chúa Giêsu phải xuống với con người, cùng chấp nhận kiếp sống, cùng đồng hành chia sẻ và sẵn sàng hy sinh để cứu con người là đối tượng mà Người yêu. Đúng vậy, Người đã làm như thế, và bằng chứng hùng hồn nhất là “chết đi cho người mình yêu”.
Một lần kia trong dịp sinh hoạt học trò, một giáo lý viên đặt câu hỏi: “Khi yêu nhau người ta cần gì nhất?” một số ít học trò cho rằng: Cần thông cảm, cần có tài chánh ổn định, cần những món quà kỷ niệm, cần những lá thư tỏ tình…. Nhưng phần lớn đồng ý với câu trả lời: “Khi yêu nhau người ta cần nhau”. Vâng, đó là một sự cảm nhận đúng đắn nhất của các tình nhân. Khi họ yêu nhau, những thứ thư từ, quà cáp, tiền bạc, lời nói… chỉ là những thứ phụ thuộc, điều họ cần chính là con người của nhau, cần hiến dâng hoàn toàn cho nhau, cần được kết hợp với nhau tuy hai mà một…, và đó cũng là chất thể của Bí tích Hôn Nhân. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu, Người quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Người. Những lời nói, hành động của Người để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Người cho con người? Và Thánh Thể khi được trao ban cho con người mang một ý nghĩa tròn đầy của một sự kết hiệp, vừa mang tính thể chất vừa mang tính thần thiêng. Thật vậy, Chúa Kitô đã chứng minh tình yêu của Người đối với nhân loại bằng sự trao ban tuyệt đỉnh là thân mình chí thánh của Người. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất và là ý nghĩa nhất của trao ban. Trao ban cả mạng sống, trao ban đến giọt máu cuối cùng. Trao ban vượt trên tất cả mọi sự trao ban là cho đi tất cả, không so đo tính toán. Trao ban bằng chính tình yêu đích thật.
Tóm lại, như trong bài “Tantum ego – Đây Nhiệm Tích” mà chúng ta luôn hát trong khi Chầu Thánh Thể, có câu: “Ta hãy lấy đức tin bù lại, dẫu giác quan không cảm thấy gì” nói lên rằng Thánh Thể là một huyền nhiệm không thể quan sát sự biến đổi bằng mắt phàm, nhưng bằng con mắt của niềm tin và sự cảm nhận của trái tim được Chúa Giêsu yêu và chúng ta yêu mến Người.
Lạy Chúa Giêsu, mắt phàm chúng con không thể nhận ra Chúa nơi tấm bánh, nhưng đức tin Chúa ban cho chúng con nhận ra bánh miến và rượu nho được dâng trên bàn thờ chính là Thịt và Máu Chúa đã hiến mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con một niềm tin kiên vững, để không bao giờ nghi ngờ sự hiện diện của Chúa mà thoái lui xa lìa Chúa. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 9,11b-17
Đám đông dân chúng đi theo Đức Giê-su. Người tiếp đón họ, nói với họ về Nước Thiên Chúa và chữa lành những ai cần được chữa.
Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây, tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng.” Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá, trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này.” Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngồi thành từng nhóm khoảng năm mươi người một.” Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngồi xuống. Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông. Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.
II. SUY NIỆM
“SỰ SỐNG TRƯỜNG SINH”
Liền sau Chúa Nhật lễ Chúa Ba Ngôi, Giáo hội cho chúng ta cử hành Lễ Mình và Máu Chúa Ki-tô, như là một lời khẳng định về Bánh Hằng Sống, bởi từ lương thực thiêng liêng này mà con người mới có sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, sự sống thần linh, sự sống vĩnh cửu.
Khác với sự sống siêu nhiên mà Thịt và Máu Chúa Giê-su mang lại là sự sống tự thân nên vĩnh cửu, sự sống tự nhiên nơi con người là sự sống lệ thuộc, nên cần được thâu nạp của ăn vào để duy trì, và một khi thân thể không thể thâu nạp được nữa thì sự sống tự nhiên sẽ chấm dứt. Vì thế, khi đang sống nơi đời tạm này, của ăn vật chất trở thành nhu cầu cần thiết, cũng như thể hiện đức ái cách thiết thực trong tương giao giữa đồng loại với nhau. Lời Chúa ngày hôm nay phản ánh rõ nét nhu cầu và tương giao đó; chính Chúa Giê-su thấu hiểu nhu cầu của con người nên đã hóa bánh ra nhiều để nuôi họ, đồng thời cũng qua hình ảnh bánh vật chất, Người hướng mọi người đến một thực tại lớn hơn là Bánh đem lại sự sống đời đời.
1. Trao cho nhau nhu cầu bánh ăn vật chất.
Hành động của Chúa Giêsu trong sự kiện hóa bánh ra nhiều bao gồm cùng lúc hai công việc của Đấng Cứu Thế, là chữa lành và nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.
Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đông đảo dân chúng đến với mình… Chúa Giêsu chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người). Chúng ta cũng được mời gọi ngước mắt lên để nhìn thấy hoàn cảnh của mọi người mà cảm thông với họ, chứ không phải ru rú cho mình mà bất biết với mọi người xung quanh đang cần đến chúng ta.
Chúa Giêsu không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Người muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới – cá). Phép lạ xảy ra khi biết đem chia sẻ cho nhau và cùng ngồi xuống ăn chung với nhau, chứ phép lạ không thể xảy ra khi chúng ta giữ khư khư năm chiếc bánh và hai con cá để ăn một mình.
Vì thế, cần có tâm trạng “chạnh lòng thương” của Chúa Giêsu trước những người kém may mắn, những người đói khát cả tinh thần lẫn vật chất (nghèo tinh thần là đói khát Lời Chúa và Thánh Thể…, nghèo đói vật chất là thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống).
Chúa muốn các môn đệ phải lo cho dân no đủ chứ Chúa không bảo ông này bà kia cho họ ăn. Nghĩa là chính mỗi người chúng ta có liên đới trách nhiệm với mọi người xung quanh chúng ta (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần và vật chất. Chúa muốn chúng ta “cho” chứ không bảo họ phải mua của mình, không phải đưa ra lời khuyên bảo họ ra quán mà mua (như giải pháp của các môn đệ đưa ra).
2. Hướng đến Bánh trường sinh.
Chúa Giê-su cũng muốn chúng ta không chỉ lo nuôi cái xác mà còn quan tâm đến cái hồn, không dừng lại ở của ăn vật chất mà còn phải hướng đến lương thực đem lại sự sống vĩnh cửu. Nghĩa là, cần phải ăn Bánh Trường Sinh chính là Thánh Thể.
Trong văn hóa Híp-ri, thịt và máu chỉ là con người trong thân phận xác đất vật hèn, có sinh có tử. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận toàn diện “chất người” của Chúa (trong thân phận xác đất vật hèn của nó) làm sở hữu của chúng ta, và “chất người” ấy thông ban cho ta thần tính của nó.
Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người. Chúa Kitô biến đổi tín hữu, ban cho họ sự sống của Người và kết hợp họ vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho tín hữu sự sống ấy nhờ họ ăn Mình Người, họ cũng được thông phần cuộc sống đời đời.
Qua những cử chỉ hữu hình, người tín hữu tham dự vào thực tại vô hình và sống kết hợp với Chúa Kitô Phục Sinh. Giáo hội định nghĩa Bí tích là một thứ hữu hình tượng trưng và sản sinh một thực tại thiêng liêng. Khi tín hữu lấy đức tin mà tham dự vào các Bí tích, họ gặp gỡ Chúa Kitô hằng sống đang đổi mới cuộc đời họ. Trong tiệc Thánh (thánh lễ) các tín hữu thật sự nhận lãnh Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô trong cái chỉ còn là hình thức của bánh và rượu. Chúa Kitô Phục Sinh tự biến mình thành thức ăn nuôi dưỡng cho các tín hữu được sống đời đời (CGKPV).
Lại nữa, Chúa Giêsu dùng hỉnh ảnh sự sống Ba Ngôi để diễn tả sự kết hiệp của Kitô hữu với Người nhờ ăn Bánh Hằng Sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. Chúa Cha và Chúa Con vừa hiện hữu tự thân vừa hiện hữu hướng về nhau đến duy nhất. Thì đây, kẻ ăn thịt Chúa Giêsu thông phần vào sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa, khi hiện hữu hướng về Thiên Chúa và nên một với Người. Chúa Kitô sống, nên kẻ ăn Người cũng sống và sống viên mãn như Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con một niềm tin kiên vững nơi Mầu nhiệm Thánh Thể, để không bao giờ nghi ngờ sự hiện diện của Chúa mà thoái lui xa lìa Chúa. Xin cũng cho chúng con luôn biết khao khát của ăn đích thực là Mình và Máu Chúa, để chúng con được nâng đỡ và bổ sức trên đường lữ hành trần thế và mai sau đạt tới sự sống muôn đời. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post