CHÚA NHẬT TUẦN XXVIII THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 22,1-14
Đức Giê-su lại dùng dụ ngôn mà nói với họ rằng: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới! “Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” Đầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách.
“Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới? ” Người ấy câm miệng không nói được gì.Nhà vua liền bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng!Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.”
II. SUY NIỆM
“TIỆC CƯỚI THIÊN QUỐC”
Hôm nay, Chúa Giê-su ví Nước Trời giống như một bữa tiệc. Ban đầu Thiên Chúa đã sai các ngôn sứ mời gọi dân Do-thái vào hưởng ơn cứu độ của Đức Ki-tô là đón nhận Tin Mừng để được sống đời đời, nhưng họ đã khước từ; rồi đến các Tông Đồ cũng được sai trước hết phải rao giảng cho dân Do-thái, nhưng chính họ đã từ chối (họ đã không xứng đáng dự tiệc cưới). Cuối cùng, Tin Mừng đã được loan giảng cho bất kỳ ai khắp năm châu bốn bể (khắp ngã đường không phân biệt giàu nghèo tàn tật) mời gọi vào Hội thánh của Chúa và hưởng Nước Trời.
1. Bối cảnh xây dựng dụ ngôn
Không ít người thắc mắc rằng: Tại sao khi mời khách đủ hạng người, thậm chí là những người nghèo khổ tàn tật què mù vào, rồi lại đòi hỏi phải ăn mặc tử tế, và sau đó lại phạt họ?
Cần hiểu, phong tục Do-thái, khi tổ chức đám cưới, họ sắm hoặc thuê một số y phục đám cưới theo số người được mời tham dự (thường thì họ mời không nhiều) về sau được thay thế bằng một tấm vải choàng bên ngoài. Những người đến dự tiệc cưới trước khi vào bàn tiệc sẽ rửa tay chân rồi khoác áo dự tiệc vào. Vì thế, vào dự tiệc, có đồ dự tiệc cưới để sẵn đó mà không chịu mặc vào theo nghi lễ và phong tục cưới thì phải chịu phạt.
Nghĩa là một khi đã gia nhập vào Hội thánh Chúa, vào đạo của Chúa thì phải tuân theo những quy tắc luật lệ sống đạo (luật Thiên Chúa và Hội thánh) và mặc lấy sự thánh thiện (mặc y phục cưới), nếu không, sẽ bị loại ra ngoài, và phải chịu án phạt đời đời.
Dẫu biết rằng, khác với dân tộc Do-thái tự cho rằng họ là dòng giống đặc tuyển trên mọi dân tộc khác, còn Giáo hội Công giáo chúng ta là một sự bình đẳng không phân biệt thứ bậc hay giàu nghèo, bởi cùng chung một Ơn Cứu Độ và chung một Nước Thiên Chúa. Nhưng, tự bản chất Phép Rửa, ở trong Giáo hội, hay giữ vị trí nào trong Giáo hội (giáo sĩ hay giáo dân) không bảo đảm cho chúng ta đạt tới Nước Trời mai sau, mà là phải sống những gì mình đã cam kết khi gia nhập Giáo hội, như người dự tiệc cưới phải mang y phục lễ cưới vậy.
2. Một vài phân tích dụ ngôn.
Dụ ngôn nói về một vị vương sai lính đi mời thật nhiều khách cho tiệc cưới con trai mình, tuy nhiên những người được mời trước đã từ chối và thậm chí còn ngược đãi những sứ giả của vua. Cuối cùng vua đã nổi giận tru diệt bọn sát nhân rồi sai sứ giả ra khắp ngã đường gặp bất kỳ ai cũng mời vào dự tiệc.
Có nhiều cách để người ta từ chối dự tiệc cưới:
“Bận đi thăm nông trại”: Một ẩn dụ về vướng bận của cải vật chất. Tin Mừng được rao giảng cho chúng ta, Lời Chúa mời gọi chúng ta trở về với Giáo hội, nhưng chúng ta vì vướng bận chuyện đất đai nhà cửa, tài sản bóp nghẹt đức tin. Chọn của cải tiền tài hơn chọn Chúa.
“Bận đi buôn”: Một ẩn dụ về vướng bận nghề nghiệp. Nghề nghiệp và các phương tiện chi phối mọi suy nghĩ của chúng ta, không còn chỗ dành cho Chúa. Nghe theo đòi hỏi của Tin Mừng là không gian lận và bon chen, hoặc trở về với Chúa và với Hội thánh sẽ có thể làm chúng ta mất đi những cơ hội nghề nghiệp, nên chúng ta đã nhắm mắt đưa chân theo nghề hơn theo Chúa.
Đối chiếu với Lc 14,14-24 thì còn có thêm: “Bận cưới vợ”. Một ẩn dụ về vướng bận tình cảm, thú vui xác thịt. Tình cảm, đặc biệt là tình cảm trai gái lấn át hết cả lý trí, tình yêu chân thành và luân lý. Buông mình theo xác thịt, yêu vội, sống thử, hoặc sống hôn nhân bất hợp pháp… để rồi coi thường luật luân lý. Chọn tình đời hơn tình Chúa.
Ba thái độ của những người được kể trong dụ ngôn cũng là ba thái độ đã và đang xảy ra với mọi người chúng ta ngày hôm nay. Không ít người xin kiếu hoặc chần chừ trước lời Chúa mời gọi. Kiếu vì ham mê của cải hơn là chọn Chúa; kiếu vì bận rộn công việc không còn giờ cho Chúa; kiếu vì tình yêu dành cho thế gian, cho thú vui, cho đam mên nhục dục hơn là tình yêu Chúa. Chần chừ là ỷ lại chờ đến giờ chót của cuộc đời rồi mới theo Chúa và trở về với Hội thánh, nhưng nào có ai biết trước được đời mình.
Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở.
Qua việc ám chỉ dân Do-thái tự phụ là những người biết Thiên Chúa trước, nhưng rồi chính họ lại tự đánh mất cơ hội nhận ra Tin Mừng nơi Người. Chúa Giê-su muốn chúng ta đừng bao giờ ỷ lại, hay chểnh mảng trong nhiệm vụ, nhưng phải luôn hy sinh cố gắng và kiên trì trên bước đường theo Chúa. Ở đời tốt xấu như trở bàn tay. Có khi trước đây người ta là người tội lỗi xấu xa, nhưng giờ họ lại ăn năn hối lỗi và có đời sống đạo đức tốt lành. Trái lại có những người trước đây là tốt lành thánh thiện, nhưng giờ họ lại bê tha, tội lỗi, xấu xa.
Lạy Chúa Giê-su, lắm khi chúng con giữ đạo mà vẫn bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa. Xin cho chúng con khi nghe Lời Chúa nhắn nhủ qua dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, biết ý thức và sửa mình, để biết ưu tiên cho việc Chúa là trên hết mà năng đến với bàn tiệc thánh mỗi ngày, là bảo chứng cho bữa tiệc đời đời trong Nước Chúa mai sau. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 10,17-27
Đức Giê-su vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp? ” Đức Giê-su đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ cha kính mẹ.” Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ.” Đức Giê-su đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.
Đức Giê-su rảo mắt nhìn chung quanh, rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao! ” Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thật khó biết bao!Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu? ” Đức Giê-su nhìn thẳng vào các ông và nói: “Đối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được.”
Ông Phê-rô lên tiếng thưa với Chúa Giê-su: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy! ” Đức Giê-su đáp: “Thầy bảo thật anh em: Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau.
II. SUY NIỆM
“PHẦN THƯỞNG CHO NGƯỜI BIẾT TỪ BỎ”
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một chàng trai trẻ đạo đức truyền thống nhưng lại hơi tham của. Anh giữ luật lệ đàng hoàng, nhưng lại thiếu đi lòng bác ái để sống trao ban; anh muốn được trở nên hoàn thiện, nhưng ước muốn ấy đã bị của cải vật chất ngăn cản.
1. Theo Chúa phải biết từ bỏ và cho đi.
Nhìn lại cuộc sống của người thanh niên trong Tin Mừng hôm nay, xem ra anh ta quả là một người đạo hạnh, vì tuân giữ các giới luật của Thiên Chúa từ lúc còn nhỏ. Thái độ sống của anh khiến chúng ta phải kính nể, bởi thật là khó để sống được như thế. Do đó, ước muốn trở nên hoàn thiện của anh là một điều chính đáng. Tuy nhiên, khát vọng trở nên hoàn thiện không chỉ là những điều phải tuân giữ như anh ta nghĩ, mà còn phải thể hiện một cách mạnh mẽ hơn và triệt để hơn, đó là dám đánh đổi tất cả để được sự hoàn thiện. Chúa Giê-su đã “đánh” vào điểm yếu của người thanh niên, khi Người đưa ra một cuộc “trao đổi” cho anh: bán tất cả tài sản để có một kho tàng khác; đổi cả một gia tài cả đời dành dụm để được một sự hoàn thiện, và đổi cái có trong tay để lấy cái không thấy được. Kết quả, anh ta đã không dám đánh đổi. Anh đành rút lui. Vâng, tiền bạc có thể mua được nhiều thứ nhưng không thể mua được sự thánh thiện.
Phương tiện Chúa Giê-su chỉ cho người thanh niên hôm nay đạt đến mục đích không phải là tiền bạc, của cải, cũng không chỉ là tuân giữ cứng nhắc những luật lệ, nhưng phải là những việc làm thể hiện tình mến Chúa và yêu người.
Là Ki-tô hữu, chúng ta chỉ chăm chăm giữ những điều luật mà thôi chưa đủ, vì như thế chỉ là mang tính hình thức và tiêu cực, và tự bản chất giữ luật như thế chỉ nhằm cho xong bổn phận, đôi khi để được khen và chọn luật làm cứu cánh cho đời mình như Biệt phái Pharisiêu, cho rằng cứ giữ từng câu chữ lề luật là tự cứu độ mình, tự sức mình… Trong khi để đạt tới sự hoàn thiện cần có ơn Chúa, và trên hết cần giữ luật với một lòng mến Chúa và thương yêu tha nhân thật lòng thì mới xứng đáng đạt tới sự hoàn thiện. Bởi vì nếu chúng ta ăn chay, đi lễ, đọc kinh nhiều… mà chúng ta không quan tâm chia sẻ với những anh em bất hạnh, thì mọi sự chỉ là hư không.
Cách riêng đối với những ai sống đời thánh hiến, việc chọn đời tu để nên hoàn thiện, đòi hỏi một sự dứt khoát từ bỏ của cải vật chất để được siêu thoát khỏi mọi vướng bận, hầu được hoàn toàn cho Chúa qua lời khấn khó nghèo. Đó cũng là điều mà bài Tin Mừng hôm nay nhắc nhở mọi anh chị em tu sĩ ý thức mỗi ngày về điều mình đã chọn.
2. Tại sao người giàu có lại khó vào nước Thiên Chúa?
Nghèo tự nó không phải là một cái tội, nhưng sẽ là cái tội khi chúng ta chọn vật chất làm cứu cánh cho cuộc đời, để rồi lao vào “làm mọi cách” (vì nhu cầu hưởng thụ vật chất mà ngày nay con người có thể dùng mọi hình thức để kiếm tiền, bất kể việc làm đó đúng hay sai, tốt hay xấu, chính đáng hay bất chính) để được giàu sang đời này mà không còn đếm xỉa đến sự sống vĩnh cửu, như dụ ngôn hạt giống rơi vào bụi gai đã bị bóp nghẹt không thể phát triển được.
Hình ảnh con lạc đà chui qua lỗ kim là một ví dụ cường điệu (lỗ kim là một cái lỗ hình tròn vào đền thờ Giêrusalem chỉ vừa cho một người chui vào và những con vật người đó cưỡi như lừa, ngựa, lạc đà không thể chui qua được, để tránh phạm sự thánh, mọi người đến đó phải xuống ngựa để một mình chui qua), dù sao cũng cho thấy sự khó khăn để đạt được nước Thiên Chúa của người ham mê thế sự và bị của cải lấn át cả lý trí và lương tâm, khi chiếm đoạt bất chính và thiếu san sẻ cho đồng loại.
3. Phần thưởng cho người dám từ bỏ.
Khi nói tới hai chữ “từ bỏ” tức là không còn hoặc mất đi một cái gì đó mà trước đây mình đã có hay đã sở hữu. Tâm lý con người thường không chịu thua thiệt, luôn luôn đòi hỏi sự cân xứng, hoặc là “có qua có lại mới toại lòng nhau”. Thánh Phêrô đã hỏi thay cho chúng ta: Từ bỏ mọi sự, theo Chúa chúng con sẽ được gì?
Nhìn chung khi làm bất cứ việc gì có thể là tốt, có thể là xấu thì điều đầu tiên mà ai cũng nhắm đến, đó là phải có lợi, có lời.
Sau khi đưa ra một loạt những việc từ bỏ: cha mẹ, anh em, ruộng vườn, nhà cửa… Chúa Giê-su khẳng định sẽ trọng thưởng gấp trăm ngay ở đời này cộng với sự ngược đãi, nhất là được sự sống đời đời mai ngày.
Phần thưởng gấp trăm ở đây không có nghĩa là về số lượng con số. Nhưng phải hiểu theo nghĩa là sẽ nhận được những giá trị khác quý giá gấp trăm lần. Phần thưởng sự sống đời đời mai sau là phần thưởng vô cùng to lớn, không gì có thể đánh đổi được giá trị của sự sống hạnh phúc đời sau.
Nếu hiểu theo nghĩa đen, thì việc bỏ cha mẹ, anh chị em, hay con cái, hoặc nhà cửa và ruộng đất mà theo Chúa xem ra không bình thường, thậm chí còn mất tính nhân bản, hay đi ngược lại với nền giáo dục gia đình nữa. Thực ra, phải hiểu là Chúa Giê-su mời gọi chúng ta luôn biết chọn Chúa làm ưu tiên số một, những điều khác là thứ yếu. Những gì ở đời này chỉ là tạm bợ, chóng qua, chỉ có Chúa mới là vĩnh cửu. Chúa Giê-su không muốn chúng ta quá bám víu vào vật chất và tiền bạc để rồi khước từ Nước Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức rằng, khi chọn bước theo Chúa trong ơn gọi làm Ki-tô hữu, chúng con không chỉ lo tuân giữ những điều luật bắt buộc, mà còn biết dùng những của cải vật chất Chúa ban mà san sẻ cho nhưng anh chị em thiếu may mắn, để chúng con được nên hoàn thiện như lòng Chúa ước mong. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 17,11-19
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi! ” Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri. Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này? “. Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.”
II. SUY NIỆM
“NIỀM TIN và LÒNG BIẾT ƠN”
Bài Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe, rất nhiều người dễ cho rằng, chín người Do-thái vô ơn còn người Samaria lại tỏ ra biết ơn hơn.
Xin được đưa ra vài gợi ý:
Trong sách Lv 13,18-23 quy định rằng, để được chứng nhận là hết bệnh, phải đến tư tế khám (chúng ta không biết trình độ y khoa của tư tế đến mức nào), và tư tế cô lập con bệnh trong bảy ngày để cho chắc ăn rồi khám lại, rồi mới tuyên bố là đã khỏi hay chưa.
Như thế, nếu đặt vào bối cảnh câu chuyện Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể hiểu như sau: Đang khi trên đường đi trình diện tư tế (ĐANG KHI ĐI, chứ không phải SAU KHI ĐI), thì mười người phong hủi đã được khỏi bệnh. Người Do-thái thì phải lo thủ tục đi trình diện tư tế, chờ khám nghiệm đủ ngày, rồi mới được hoà nhập cộng đồng chiếu theo luật, vì lâu này họ phải sống cách ly với xã hội. Còn người Samari là dân ngoại, nên không phải lo chuyện trình diện, và khi vừa thấy khỏi bệnh liền vui mừng chạy quay lại để cám ơn.
Chúng ta có thể đặt vấn đề:
– Nếu Chúa Giê-su chữa lành ngay lúc họ xin, mà không bảo đi dọc đường rồi mới được khỏi thì có lẽ cả mười người đều đã cám ơn như nhau
– Tại sao Chúa Giê-su khi đã biết luật Do-thái quy định cho người cùi phải trình diện tư tế và có thời gian kiểm nghiệm, Người lại ngạc nhiên vì họ không trở lại tạ ơn Thiên Chúa (hơn nữa chín người kia phải về đền thờ để gặp tư tế bằng bộ hành thì rất lâu, vì Chúa Giê-su đang ở ranh giới miền Galilê và Samaria, cách xa Giêrusalem)?
– Chúa Giê-su đâu cần đến lòng biết ơn…?
Chúng ta chỉ tìm được câu trả lời cho những vấn đề trên nơi câu kết của bài Tin Mừng khi Chúa nói với người Samari: LÒNG TIN CỦA CON ĐÃ CHỮA CON
Cả mười người khi chưa được chữa lành mà vẫn vâng lời đi trình diện tư tế thì đã là một thái độ của vâng phục và tin tưởng rồi. Vì luật buộc họ xa cách cộng đồng, lại nữa, chưa được chữa lành thì đến tư tế để khám làm gì, lại phải mang thêm tội.
Nhưng cái khác ở đây là, một người vừa được chữa lành, đã vội quay lại tạ ơn Thiên Chúa vì không nghi ngờ gì nữa (dù cũng có thể hiểu là người này không bị buộc theo luật phải trình diện tư tế, và anh cũng không có chỗ để đi dâng hy lễ tạ ơn).
Còn chín người kia dù đã được khỏi, nhưng lo đi trình diện và khám nghiệm cho chắc ăn (NGHI NGỜ), rồi mới lo sửa soạn lễ vật để dâng lễ.
Những người kia được lành lo đi lo chuyện gia nhập cộng đồng, nghĩa là lo cho mình trước mà quên mất rằng được ơn thì phải biết tạ ơn Chúa.
Như vậy, có thể đi đến một kết luận:
Chúa Giê-su trách sự kém lòng tin của chín người Do-thái bị phong hủi được Chúa chữa lành.
Chúa Giê-su ca ngợi lòng biết ơn của người Samari.
Khi hỏi “những người kia đâu?” Một cách nào đó, Chúa Giê-su trách sự câu nệ lề luật của Do-thái Giáo, đã đóng khung con người trong một hệ thống lề luật khắt khe, mà làm mất đi tình người.
Chúa trách chín người Do-thái kia lo chuyện gia nhập cộng đồng (cho mình) hơn là tạ ơn Chúa.
Bài học:
Nhờ đức tin mà chúng ta được chữa lành mọi vết thương thiêng liêng trong tâm hồn, và cũng nhờ đức tin mà chúng ta có thể vượt thắng những bệnh tật thể xác. Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta.
Chúng ta được cứu độ nhờ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, chứ không phải chúng ta được cứu độ nhờ ỷ thế vào sức mình tuân giữ lề luật. Xin cho chúng ta không câu nệ vào lề luật mà bỏ quên luật yêu thương…
– Khi nhận được ơn lành, chúng ta cần biết tạ ơn Chúa, trước khi lo cho những việc ra mắt “vinh quy”… ưu tiên việc Chúa trên hết.
Lạy Chúa, “Những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Chúa, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời”. Vì vậy, xin Chúa cho chúng con luôn biết tạ ơn Chúa, đồng thời cũng biết cám ơn nhau. Amen
Discussion about this post