CHÚA NHẬT X THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 9,9-13
Đức Giê-su đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! ” Ông đứng dậy đi theo Người.
Khi Đức Giê-su đang dùng bữa tại nhà ông ấy, có nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ. Thấy vậy, những người Pha-ri-sêu nói với các môn đệ Người rằng: “Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy? ” Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”
II. SUY NIỆM
« KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI »
Bài Tin Mừng hôm nay nhắc tới cách chọn gọi của Chúa Giê-su luôn xảy đến tại nơi người được gọi đang sinh sống và đồng bàn với những người tội lỗi để cứu độ họ. Chúa gọi các tông đồ nơi bờ biển, dưới cây vả… và hôm nay gọi Mát-thêu khi ông còn ngồi nơi bàn giấy thu thuế, rồi sau đó về nhà tiệc tùg với “tân môn đệ”:
1. Chúa gọi ta ngay nơi ta đang làm việc.
Một trong những tội bị ghét nhất từ cổ chí kim là “cõng rắn cắn gà nhà”, hay là “nối giáo cho giặc”, vì họ cộng tác với ngoại bang để làm khổ anh em đồng bào của mình. Là nhân viên thuế vụ, Mát-thêu làm việc cho Rô-ma đang cai trị dân tộc Do-thái, sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành và làm giàu trên mồ hôi nước mắt của dân. Người Do-thái thời ấy coi kẻ thu thuế là vừa phản đạo vừa phản quốc và coi họ đứng hàng ngang với gái điếm, nên phải bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông cách ly. Không ai thèm chơi với họ. Họ chỉ chơi với quân xâm lược La-mã và những tín đồ cặn bã của các hội đường. Mát-thêu biết tất cả những điều ấy nhưng ông vẫn bất chấp, vì đổi lại ông được chức vụ rất hấp dẫn, đem lại của cải giàu sang.
Thế rồi, một ngày đẹp trời hôm nay, Chúa Giê-su đi ngang qua, Người nhìn ông, ông đang lo đếm tiền, ngước mặt lên ông định nhắc Người là “vô gia cư và lang thang không nghề nghiệp thì miễn thuế”… Nhưng không, Chúa Giê-su nhìn thẳng vào ông và gọi cách dứt khoát: “Anh hãy theo tôi”. Bất ngờ quá, bỏ lại tất cả, không kịp bàn giao sổ sách, ông mời luôn cả nhóm về nhà “làm tiệc tạ ơn”.
Câu chuyện ơn gọi của Matthêu lại một lần nữa khẳng định, Chúa Giê-su gọi ai thì Người không quan trọng đến thời điểm nào, lý lịch ra sao mà trên hết tất cả là Người nhìn thấy nơi họ có dám sẵn sàng bỏ hết tất cả để theo Chúa không?
Ngày hôm nay, nếu bạn đang ngồi nơi bàn giấy quyền cao lương hậu, đang vui thích với công việc đầy lợi nhuận… nếu Chúa gọi bạn bước theo ơn gọi tu trì, bạn có dám bỏ lại để theo Người không?
Khi phải lựa chọn giữa một bên là đức tin và lề luật Công giáo và một bên là danh lợi vật chất, bạn có dám chọn Chúa không? Hay là đành “bỏ đạo” để không mất chức…?
Ngày hôm nay, Chúa cũng đang mời gọi bạn làm tông đồ cho Chúa. Thế nhưng, bạn có đáp lại lời mời gọi của Chúa cách thành tâm, thiện chí hay không, dám từ bỏ không, hay còn đang vướng víu bởi những của cải vật chất làm cho tâm hồn trở nên nặng trĩu trước lời kêu gọi?
Một số người được Chúa mời gọi khi còn niên thiếu, số khác được Chúa tỏ cho biết ơn gọi khi đã lớn khôn. Chúa dùng những đồng nghiệp, những liên hệ gia đình, hoặc các liên lạc xã hội để tỏ ra mục đích của Người. Chúa gọi thì không phân biệt quá khứ bạn là ai, nhưng chỉ thấy bạn từ lúc bạn bắt đầu bước theo. Cùng với ơn soi sáng cho bạn nhìn thấy ơn gọi, điều quan trọng là bạn không mặc cảm với quá khứ, mau mắn đáp trả, bỏ lại mọi sự và bước theo Chúa.
2. Kêu gọi người tội lỗi
Một bệnh viện mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì quả thật là một nhà thương không thể nào chấp nhận được; người khoẻ mạnh thì không cần đến bác sĩ… Cũng thế, Chúa Giê-su không còn là Ðấng Cứu Thế nữa, nếu Người chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa.
Luật Do-thái coi ai tiếp xúc với kẻ thu thuế là đồng loã với tội lỗi và bị nhiễm uế, Chúa Giê-su vượt trên tất cả, Người đến đồng bàn trong bữa tiệc “tạ ơn”, “giải nghệ” và “chia tay đồng nghiệp” của Mát-thêu.
Người Do-thái coi người thu thuế, một hạng người được coi là làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho ðế quốc La-mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người.
Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa nói với họ: « Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi và “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần “.
Đến với người thu thuế không có nghĩa là đồng loã với họ. Đến với họ, để mở cho họ con đường trở về.
Còn bạn, bạn hãy học theo Chúa với cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người. Để rồi bạn không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa…
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết nhìn người lầm lỡ bằng ánh mắt của Chúa, để yêu thương và giúp nhau đến với Chúa và hòa nhập với cộng đồng. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 3,20-35
Đức Giê-su trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Người và các môn đệ không sao ăn uống được. Thân nhân của Người hay tin ấy, liền đi bắt Người, vì họ nói rằng Người đã mất trí.
Còn các Kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”
Mẹ và anh em Đức Giê-su đến, đứng ở ngoài, cho gọi Người ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Người. Có kẻ nói với Người rằng: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! ” Nhưng Người đáp lại: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? ” Rồi Người rảo mắt nhìn những kẻ ngồi chung quanh và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”
II. SUY NIỆM
“ĐIÊN”
Bài hát “Mùa Đông Của Anh” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh có một câu lột tả sự thật của tình yêu đôi lứa là: “Em chỉ là người điên trong vòng tay tình ái”. Thật vậy, khi yêu nhau, người ta như một “kẻ điên” theo sự rung cảm của con tim hơn là lý trí; người ta biết đau khổ và rắc rối do chính sự lựa chọn đem lại, nhưng vẫn lao vào, thậm chí biết rằng có thể mất tất cả từ danh dự đến sự nghiệp, thậm chí mất cả mạng sống… chỉ vì yêu.
Khi yêu, một vị vua cao sang quyền thế không ngần ngại quỳ xuống cầu hôn một cô thôn nữ quê mùa, một ông chủ sẵn sàng đánh đổi tất cả để được yêu một người nô lệ… và một Đức Giê-su là Chúa đã bỏ ngai vàng trời cao xuống kết thân với con người, đến nỗi phải hy sinh cả mạng sống cho người mình yêu. Tắt một lời, khi yêu làm người ta lắm khi như người mất trí, như người điên.
Cùng với sự soi dẫn của ánh sáng Lời Chúa, chúng ta được mời gọi sống sự “điên rồ của thập giá”, đoàn kết xây dựng Hội thánh Chúa và trở nên như “mẹ và anh em của Chúa”.
1. Bước theo “sự điên rồ” của thập giá.
Bài Tin Mừng hôm nay trước hết kể chuyện thân nhân của Chúa Giê-su phải đi bắt Người về, vì nghĩ là Người bị “mất trí”. Chúa Giê-su như “điên” vì yêu nhân loại, hi sinh cho dân đặc biệt là cho các bệnh nhân, đến nỗi không còn thời giờ để ăn uống ngủ nghỉ.
Thánh sử Mác-cô kể rằng, khi nghe biết Chúa Giê-su và các môn đệ về nhà, dân chúng đã kéo đến đông đảo, làm cho Chúa Giê-su không dùng bữa được. Phải, Chúa luôn sẵn sàng đón nhận mọi người đến bất kỳ lúc nào để chữa lành cho họ.
Cái “điên” của Chúa là tất cả cho con người đến nỗi hy sinh cả mạng sống vì con người. Thánh Phaolô cũng đã nói về sự “điên rồ của thập giá”. Lòng Thương Xót của Chúa Giê-su dành cho con người, đó là yêu đến mức điên cuồng, yêu đến mức như mất trí, lo lắng giảng dạy và chữa lành cho con người đến mức không còn thời gian ăn uống và ngủ nghỉ. Tắt một lời, Chúa yêu con người hơn cả chính mình.
Để rồi từ đó, rất nhiều những tâm hồn bước theo Chúa Giê-su và “điên vì Chúa”…
Xưa cũng như nay, vẫn hàng hàng lớp lớp những chàng trai cô gái trẻ trung bước theo tiếng gọi dâng mình cho Chúa, tuyên giữ sống độc thân và bỏ lại tất cả những gì mà thế gian tìm kiếm. Phải, họ đã điên vì Nước Trời.
Và cũng vì “điên bởi tình yêu dành cho Chúa” mà các thánh tử đạo sẵn sàng đón nhận cái chết để minh chứng cho niềm tin và lòng yêu mến các linh hồn.
2. Chia rẽ sẽ tiêu tan, hiệp nhất nên bền vững.
Trong thời đại hôm nay nhiều giá trị, nhiều nguyên tắc đạo đức và luân lý đang bị đảo lộn trong khắp các tầng lớp xã hội. Nếu đưa mắt nhìn quanh, người ta sẽ thấy trong các tầng lớp xã hội, gia đình và tôn giáo đều có sự chia rẽ. Bao nhiêu giáo phái Ki-tô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy xuất hiện, phái nào cũng mạo nhân là theo gót chân Chúa một cách trung thực. Chính điều này đã làm cho nhiệm thể Chúa Ki-tô bị phân rẽ và tổn thương. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã cảnh báo điều đó khi trả lời cho người Do-thái kết án người là lấy quyền quỷ tướng để dẹp quỷ lính.
Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ai Cập hay nơi các tộc ít người, người ta biết cách bùa chú để yểm hại người khác, để trừ được bùa yểm cần phải có một thầy pháp cao tay hơn kẻ yểm bùa. Có lẽ cũng vì ảnh hưởng quan niệm này và vì sự ghen ghét mà một số người Do-thái đã độc miệng nói Chúa Giê-su dùng quyền của quỷ tướng để bắt nạt quỷ con.
Thế nhưng Chúa Giê-su lại nhân cơ hội này để dạy chúng ta bài học về sự đoàn kết, hay nói chính xác hơn là hiệp nhất.
Hình mẫu cho sự đoàn kết là tính hiệp nhất bởi Ba Ngôi Chí Thánh. Hội thánh Chúa từ khắp nơi trên thế giới đều hiệp thông và vâng phục một Đức Thánh Cha, cùng một cử hành phụng vụ, cùng một niềm tin, một Phép Rửa… Và có lẽ không tôn giáo nào có thể sánh được sự hiệp nhất đến mức duy nhất này. Và chính nhờ sự duy nhất này của Hội thánh mà sức mạnh hoả ngục đã không thắng được, dù Sa-tan đã dùng sự thù địch chia rẽ để chống lại.
Ngày nay, nơi này nơi kia trong Hội thánh đang bị những thế lực thù địch bách hại, hơn lúc nào hết, mọi người Công giáo trong tình liên đới, hãy đoàn kết với nhau, để cùng chung lời cầu nguyện…
Thế giới Ki-tô giáo ngày nay đã bị phân tán nhiều. Ngoài Giáo hội Công giáo, còn có Giáo hội Chính thống, các Giáo hội Đông phương và hàng trăm các giáo phái Tin lành khác nhau. Việc phân tán giữa thế giới Ki-tô giáo là một cớ vấp phạm cho những người không tin Chúa, hoặc chưa tin theo Chúa.Vì thế, sứ vụ của người Ki-tô giáo là cầu nguyện cho việc hiệp nhất giữa những người tin theo Chúa.
Tội phạm đến Chúa Thánh Thần.
Chúa Giê-su nói: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha” (Mc 3,28). Đây là một vấn nạn rất khó giải thích.
Có hai cách hiểu:
– Thứ nhất, theo đoạn Tin Mừng vừa nghe, thì đang khi Chúa Giê-su dùng quyền năng Chúa Thánh Thần để trừ quỷ, thì các Biệt phái lại nói ngài dùng quyền “Tướng Quỷ – Thần Ô Uế” để trừ quỷ. Nghĩa là đã cố tình coi việc của Chúa là việc ma quỷ. Có thể nói, việc này đang xảy ra nơi một số người hiện nay, khi theo những nhóm này nhóm nọ, trong đó có nhóm “sứ điệp từ trời” coi Đức Thánh Cha do công nghị Hồng Y bầu lên là giả, coi công đồng Vatican II là do ma quỷ bày ra…. Mong là mọi người ý thức điều này để đừng bị Sa-tan lừa gạt đi theo nó mà chống lại Giáo hội do Chúa Ki-tô lập.
– Thứ hai: Chúa Thánh Thần là nguồn của bảy ân sủng, là Đấng được ban để tha tội qua công ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô. Vì vậy, phạm đến Chúa Thánh Thần, nghĩa là khước từ ơn thánh và khước từ được cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nhờ đón nhận, còn khước từ thì Chúa cũng không thể cứu vì sự tự do Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta từ chối thì chúng ta mất linh hồn, không phải là Chúa không tha, mà là chúng ta khước từ sự tha thứ đó. Thánh Augustino từng dạy: “Chúa dựng nên ta không cần ta, nhưng Chúa muốn cứu chuộc ta thì cần có ta cộng tác”. Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, mà ta xúc phạm đẩy Người ra để chỗ cho tà thần, thì làm sao được cứu độ?
Tội nguyên tổ đã cắt đứt con đường giữa ta đến với Chúa, Chúa Giê-su đã nối lại con đường bằng cây cầu thập giá, nhưng nếu ta không chịu bước trên cây cầu thập giá ấy thì vẫn xa lìa Chúa; giống như một người bị giam giữ bởi kẻ thù, có vị tướng đến mở cửa ngục dẫn ra, nhưng tù nhân cứ an than trong đó không chịu ra khỏi ngục thì vị tướng đến giải thoát kia cũng đành chịu thôi.
3. Là mẹ và anh em của Chúa.
Có người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ nghĩ rằng, Chúa Giê-su xem nhẹ sự hiện diện của Mẹ Người chăng? Không phải thế, Người còn đề cao mẹ Maria nữa là khác, vì trong việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa thì có ai bằng Mẹ được, bởi : “Đức Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng”.
Chúa Giê-su coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Người, như thế thật phúc cho ai sống và thực hành Lời Chúa.
Thật vậy, chúng ta trờ thành mẹ Chúa – bởi vì đã gián tiếp sinh ra Đức Ki-tô nơi anh em. Như thánh Phaolô đã chia sẻ cảm nghiệm của mình: “Trong Đức Ki-tô Giê-su, nhờ Tin Mừng, chính tôi đã sinh ra anh em” (1Cr 4:15)
Tuy nhiên, muốn làm mẹ Đức Ki-tô thì điều kiện đầu tiên là phải cưu mang Chúa trong tâm mình: Muốn cưu mang Chúa trong tâm mình thì phải cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa sống động thực sự bằng tâm của mình, chứ không phải bằng lý thuyết suông. Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong chúng ta và đang lớn lên. Khi có Chúa trong mình, thì chúng ta sẽ sống và hành động như Chúa Giê-su và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết yêu thương nhau như Chúa đã yêu, là biết hy sinh nhiều, không đắn đo tính toán, không chọn lựa phẩm chất của bạn đời, nhưng yêu cả con người, yêu cả đức hay tính dở của họ. Amen.
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 7,11-17
Đức Giê-su đi đến thành kia gọi là Na-in, có các môn đệ và một đám rất đông cùng đi với Người. Khi Đức Giê-su đến gần cửa thành, thì đang lúc người ta khiêng một người chết đi chôn, người này là con trai duy nhất, và mẹ anh ta lại là một bà goá. Có một đám đông trong thành cùng đi với bà. Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói: “Bà đừng khóc nữa! ” Rồi Người lại gần, sờ vào quan tài. Các người khiêng dừng lại. Đức Giê-su nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy! ” Người chết liền ngồi lên và bắt đầu nói. Đức Giê-su trao anh ta cho bà mẹ. Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người”. Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận.
II. SUY NIỆM
TIẾNG KHÓC THAN CHẠM ĐẾN “LÒNG THƯƠNG XÓT” CỦA CHÚA
Lời Chúa hôm nay đặc biệt nói đến quyền năng của Thiên Chúa trên sự sống của con người. Chỉ có Thiên Chúa mới là Đấng làm chủ sự sống và sự chết: Thiên Chúa đã dùng ngôn sứ Ê-li-a mà cho đứa bé con của bà góa ở Xa-rép-ta sống lại (Bài đọc I, sách 1V 17,17-24), đặc biệt, chính Chúa Giê-su đã phục sinh người con trai duy nhất của bà góa thành Na-im (bài Tin Mừng Lc 7,11-17).
Có một chi tiết trùng hợp là cả hai đều là bà góa, và cả hai cũng chỉ có một người con trai duy nhất. Bà góa theo Thánh Kinh là thuộc thành phần “người nghèo của Gia-vê”, và “người con trai duy nhất” là niềm hi vọng duy nhất về sự sống còn của bà góa khốn khổ. Một điều đặc biệt nữa là, phép lạ xảy ra ở đây không hề có một lời cầu xin của chính người khốn khổ kia, mà chính là những lời tưởng như than trách và tiếng khóc ai oán đã chạm đến “Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa. Đó là những ý tưởng chủ đạo mà chúng ta cùng chia sẻ với nhau hôm nay.
1. Thiên Chúa là chủ của sự sống.
Kiếp nhân sinh ai cũng phải qua “sinh, lão, bệnh, tử”. Từ cổ chí kim, con người tìm mọi cách để kéo dài sự sống, từ “luyện đan tiên dược” đến y khoa bào chế các loại thuốc thần dược, nhưng cùng lắm cũng chỉ có thể kéo dài sự sống thể lý được dăm ba năm, và rồi chết cũng đành phải chết. Và khi đã chết, thì không ai trong loài người có thể làm cho sống lại được. Điều này chỉ có quyền năng của Thiên Chúa mới làm cho sống, dù phục hồi sự sống thể lý hay ban cho sự sống đời đời. Ngôn sứ Ê-li-a đã dùng quyền năng của Chúa ban mà cho con trai bà góa thành Xa-rép-ta sống lại, hay như chính Chúa Giê-su đã truyền lệnh cho người con trai bà góa thành Na-im chỗi dậy. Tất cả đều chứng minh một điều, chỉ có Thiên Chúa mới là chủ của sự sống.
Sự sống thể lý là sự sống lệ thuộc, chứ không tự thân, nên nó phải nạp thức ăn và các chất dinh dưỡng để tồn tại, và đến một lúc nó không thể thâu nạp được nữa, nó sẽ chết. Sự sống thể lý này lệ thuộc vào không gian và thời gian, nên nó có thể mất đi bất cứ lúc nào, khi một trong các cơ quan trên thân thể bị tổn thương không thể hoạt động được nữa. Khác với sự sống siêu nhiên đến từ nơi Thiên Chúa, là sự sống của Chúa Ba Ngôi. Sự sống siêu nhiên là tự thân chứ không lệ thuộc, nên không phụ thuộc thời gian hay không gian và không thể mất đi. Con trai bà góa thành Xa-rép-ta hay con trai bà góa thành Na-im được phục hồi sự sống, nhưng cũng là sự sống tự nhiên, nên một mai mấy chục năm họ lại già đi và chết. Khác với Chúa Giê-su Phục Sinh là làm cho thân xác được sống đời đời.
Trong đời sống thiêng liêng, hình ảnh người thanh niên con bà góa thành Na-im là tình trạng của những ai đã bị chôn vùi trong dục vọng và đã chết trong tội lỗi, cho tới khi Chúa Giê-su đụng đến “quan tài tâm hồn” và phục hồi lại tình trạng ân sủng, giúp họ bước từ cõi chết sang cõi sống. Chính với tư cách là “Chúa” có quyền trở nên sự sống và sự chết mà Chúa Giê-su hành động. Lời nói của Người tái lập liên hệ giữa chàng thanh niên với đám người chung quanh, đã bị cắt đứt do cái chết: anh bắt đầu nói. Cần ghi nhận rằng việc anh được trả lại cho mẹ anh ta nhắc ta nhớ chính vì cảm thương bà mà Chúa Giê-su đã làm như thế.
2. “Lòng Thương Xót” của Thiên Chúa.
Hình ảnh bà goá thành Na-im, đứa con trai duy nhất là niềm hy vọng duy nhất của bà, là sự sống và tương lai của bà. Thật vậy, một người đàn bà đã chết chồng và chỉ có một đứa con trai duy nhất, bao tình yêu còn lại bà dành duy nhất cho nó, bao hy vọng bà đặt nơi nó, vì nó là sự sống và tương lai tuổi già bà trông cậy vào nó. Đùng một cái, người con trai duy nhất chết, bà mất hết tất cả: Tình yêu, sự sống, hy vọng, tương lai… Tình trạng của bà bây giờ là tuyệt vọng của mọi tuyệt vọng. Và Chúa đã đến trong sự tuyệt vọng tận cùng ấy, Chúa không đợi bà phải cầu xin, nhưng tiếng khóc và nỗi đau tận cùng ấy là lời cầu xin thẳm sâu nhất đụng chạm vào “Lòng Thương Xót” của Chúa. Chúa chạnh lòng thương bảo bà đừng khóc nữa, rồi phục sinh người con và trao lại cho bà.
Lắm khi trong cuộc đời mỗi chúng ta, cũng cảm thấy mất hết tất cả: Tình yêu bị phản bội, sống cũng như chết, không còn gì để hy vọng, tương lai mù mịt và tuyệt vọng chán chường buông xuôi. Xin hãy nhớ rằng, trong khi ta tuyệt vọng nhất, Chúa vẫn đang ở đó. Liệu chúng ta còn nhớ đến Chúa không? Chúng ta có buông xuôi? Hay là cứ tự sức mình một cách vô vọng? Cũng không ít lần tưởng chừng như Chúa vắng mặt trước đau khổ của chúng ta, chúng ta vẫn tín thác vào chương trình của Chúa như ông Gióp, hay là trách móc, chán chường thất vọng và tuyệt vọng?
Trong huyền nhiệm đau khổ, có khi Chúa xuất hiện giải cứu như trường hợp của bà góa thành Na-im được Chúa cho đứa con duy nhất sống lại, nhưng cũng có lúc Thiên Chúa dường như im lặng trước nỗi đau như trường hợp Mẹ Maria ôm thân xác Người Con Duy Nhất đã chết và mai táng vào mộ. Nhưng trong tất cả, Thiên Chúa có lý do trong chương trình của Người mà mãi mãi vẫn là một huyền nhiệm trước mọi suy tưởng của con người đôi lúc xem ra thật bất công.
Tận cùng của nỗi đau kiếp người chính là cái chết, là tuyệt vọng ghê gớm nhất của những kẻ chỉ bám víu vào sự sống mau qua này, mà không thể làm gì để giữ lại được nó. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền trên sự sống và sự chết của con người.
Lạy Chúa Giê-su, lắm lúc chúng con cảm thấy như mất tất cả, Mất cả điều chúng con yêu quý nhất vì như chẳng còn gì để hi vọng, tình yêu, sự sống, tương lai… đã bị đem đi chôn. Xin Chúa đừng bỏ rơi, nhưng đến trong sự tận cùng tuyệt vọng của chúng con mà phục hồi tâm hồn chúng con, ban lại cho chúng con niềm vui và hi vọng. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post