CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,1-23
Hôm ấy, Đức Giê-su từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.
Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe.”
Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? ” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.
“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.
“Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục.”
II. SUY NIỆM
“GIEO TRONG MỌI HOÀN CẢNH”
Dụ ngôn “người gieo giống” trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong số ít trường hợp khi kể dụ ngôn thì Chúa Giê-su cũng chú giải luôn sứ điệp Người muốn rao giảng.
Có thể nói được rằng, Chúa Giê-su đã giảng hết rồi và mọi người nghe xong cũng đã hiểu chi tiết về từng loại thửa đất đón nhận hạt giống ví như từng trường hợp tâm hồn đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, dụ ngôn về người gieo giống hôm nay cần được chúng ta dành nhiều thời gian trong ngày sống để suy niệm nhiều hơn, để lĩnh hội các ý nghĩa mà chính Chúa đã giải nghĩa có các môn đệ; chúng ta cũng cần đào sâu ý nghĩa sứ điệp Tin Mừng để ý thức hơn về chính mình đã đón nhận và sống Lời Chúa như thế nào.
Dụ ngôn về “người gieo giống” nói lên tầm quan trọng của thái độ đón nhận và thực hành Lời Thiên Chúa. Chúa Giê-su dùng mọi tình huống để thức tỉnh chúng ta lắng nghe và sống lời Người.
1. Hạt giống và người gieo giống.
Hạt giống là Lời Chúa và là chính Chúa Giê-su Ki-tô. Người đi gieo chính là Thiên Chúa hiện thân trong Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã gieo trong yêu thương. Yêu thương đến độ chính Người lại trở nên một hạt giống, chịu vùi chôn, chịu mục nát để biến cải những mảnh ruộng gai góc, sỏi đá thành màu mỡ phì nhiêu, mong một mùa gặt đầy những bông lúa chín vàng trĩu nặng.
Thiên Chúa đã luôn luôn gieo vãi lời Người khắp nơi, với mọi hạng người, với mọi hoàn cảnh. Người gieo vừa hào phóng vừa kiên trì, vừa hy vọng vừa yêu thương. Thiên Chúa muốn tỏ bày cho chúng ta thấy lòng quảng đại và hy vọng của Người đối với chúng ta. Người không tính toán hơn thiệt khi ban phát. Người không ngần ngại gieo hạt giống “Lời Chúa” và “Ân Sủng” vào tâm hồn mỗi người. Người gieo không loại trừ. Những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ nhận được hạt giống đã đành. Cả đến những mảnh đất sỏi đá, gai góc cũng được hưởng ơn mưa móc. Cả đến lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo không bỏ rơi một mảnh đất nào, một ngõ ngách nào. Người gieo muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn.
Công đồng Vaticano II, dùng một hình ảnh phong phú đã quyết định rằng: “Kho tàng Thánh Kinh đã khai mở cách dư thừa và phong phú để cung cấp cho các tín hữu” (PV 51).
Thiên Chúa là người đi gieo không biết mệt mỏi. Chúa Giê-su là người đi gieo say mê đến quên chính cả bản thân mình. Người muốn cho các môn đệ của Người tiếp tục công việc gieo Tin Mừng đi khắp mọi nơi.
2. Những thửa đất khác nhau – thái độ đón nhận.
Việc giải thích dụ ngôn nhấn mạnh đến tính chất khác biệt của các thửa đất và phẩm chất đón nhận hạt giống. Tin vào hiệu quả của Lời Chúa không được làm quên đi trách nhiệm của những kẻ nghe lời: Kết quả cụ thể của việc gieo hạt tuỳ thuộc vào thái độ đón nhận.
Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy. Đó là thái độ thờ ơ trước Lời Chúa, và vì không quan tâm đến Lời Chúa thì quỷ thần sẽ chiếm giữ linh hồn họ.
Kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay… Là hạng người nhiệt tình theo Đức Ki-tô khi mọi sự dễ dàng xuôi chảy, và bỏ Người khi khó khăn, thử thách, đau khổ, ngược đãi ập đến.
Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt khiến Lời không sinh hoa kết quả gì… Đây là “người tín hữu không đạt đến sự chín muồi của đức tin”… Bởi vì người ấy bị tinh thần của thế gian giữ lại, bị bối cảnh vô tín xung quanh bao vây. Chúng ta cảm thấy rõ ràng đối với Chúa Giê-su đức tin là một công việc phát triển lâu dài, và phải chiến đấu chống lại mọi thứ trở ngại, chống lại những ảnh hưởng của thế gian chiếm quá nhiều chỗ trong đời sống.
Cuối cùng kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục… Sinh hoa kết quả là điều mong ước mà Chúa Giê-su muốn chúng ta thực hiện một đời sống tràn đầy, phong phú. Đối với Chúa Giê-su, điều kiện chủ yếu để đời sống chúng ta sinh hoa kết quả là Lời Thiên Chúa được lắng nghe và hiểu lâu dài.
Như vậy:
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su muốn “người gieo giống” hãy gieo một cách hào phóng, không sẻn so tính toán và không loại trừ. Hãy biết dùng mọi phương tiện có thể, để chuyên chở Tin Mừng, đem Tin Mừng tới mọi lãnh vực của đời sống và tới tất cả mọi hạng người không loại trừ một ai.
Chúa Giê-su cũng muốn chúng ta kiên trì gieo hạt Tin Mừng như thánh Phaolô “lúc thuận tiện hay không thuận tiện”. Hãy cứ gieo dù đá sỏi, chông gai, thất bại, nhọc nhằn. Hãy đi gieo yêu thương không chỉ những mảnh đất phì nhiêu mà cả những mảnh đất sỏi đá gai góc, vì có tình yêu thương mãnh liệt mới cảm hoá được cỏ gai, làm mềm được đá sỏi và biến tất cả thành màu mỡ phì nhiêu.
Thiên Chúa mời gọi ta hãy lắng nghe Chúa Giê-su chỉ dạy qua lời Thánh Kinh hằng ngày. Hãy tin tưởng và đón nhận Chúa như mảnh đất tốt đón nhận hạt giống tốt. Chúa Giê-su cũng mời gọi ta tự vấn chính mình: Có bao nhiêu hạt giống “Lời Chúa” đã được gieo vào lòng tôi? Số phận của những hạt giống ấy giờ này ra sao? Hạt giống ấy đang nằm ở đâu trong cuộc đời của tôi? Tôi đã đón nhận những hạt giống ấy như thế nào? Tôi đã làm gì để hạt giống ấy được phát triển và lớn lên.
Lạy Chúa Giê-su, xin làm cho tâm hồn mọi người chúng con nên thửa đất tốt, biết mở rộng lòng mình để đón nhận Lời Chúa và làm cho Lời Chúa được lớn lên trong chúng con, đồng thời làm cho Lời Chúa được lan tỏa đến mọi người nhờ đời sống đạo và những gì chúng con có thể làm được vì vinh quang Chúa. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 6,7-13
Đức Giê-su gọi Nhóm Mười Hai lại và bắt đầu sai đi từng hai người một. Người ban cho các ông quyền trừ quỷ. Người chỉ thị cho các ông không được mang gì đi đường, chỉ trừ cây gậy; không được mang lương thực, bao bị, tiền đồng để giắt lưng; được đi dép, nhưng không được mặc hai áo. Người bảo các ông: “Bất cứ ở đâu, khi anh em đã vào nhà nào, thì cứ ở lại đó cho đến lúc ra đi. Còn nơi nào người ta không đón tiếp và nghe lời anh em, thì khi ra khỏi đó, hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông đi rao giảng, kêu gọi người ta ăn năn sám hối. Các ông trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh.
II. SUY NIỆM
“CỨU RỖI VÀ PHÁT TRIỂN”
Bài Tin Mừng hôm nay đặc biệt họa lên chân dung của một vị Tông Đồ của Chúa Giê-su trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, là: Tinh thần khó nghèo, chữa lành và rao giảng sự sám hối.
1. Năng quyền rao giảng và chữa lành.
“Chúa Giê-su gọi mười hai Tông Đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật”.
Có thể hiểu đến năng quyền được ban cho các mục tử qua các Bí tích để sức mạnh của ma quỷ không thể cản trở được công việc loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, qua Bí tích Hòa Giải, các mục tử chữa lành bệnh tật và thương tích tâm linh cho các tâm hồn.
Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành.
Đời sống tôn giáo và sự phát triển xã hội là nét mới được khám phá nơi chủ đề Tin Mừng hôm nay: Khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Đồng thời, khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em.
2. Tinh thần khó nghèo.
Chúa Giê-su không bảo vô sản, không chủ trương tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh rằng, đừng để cho vật chất, danh vọng, tình cảm làm chủ và chi phối mình.
Chúa muốn nhà truyền giáo phải dựa vào ơn Chúa trước khi dựa vào tiền bạc, dựa vào sự trợ giúp của Chúa hơn là sự trợ giúp của phương tiện vật chất. Chính ơn Chúa mới đem lại sự bình an thanh thoát trong tâm hồn. Sự từ bỏ, quên mình hoàn toàn mới chu toàn được sứ vụ rao giảng. Đi truyền giáo mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà toàn tâm toàn ý lo cho sứ vụ, bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa.
Hơn nữa, loan Tin Mừng cốt yếu là làm chứng cho Chúa Giê-su, mà Chúa Giê-su đó đã sinh ra trong khó nghèo, sống kiếp nghèo và chết trong sự trần trụi trên Thập Giá. Vì thế, nếu đời sống của người rao giảng không thể hiện được tinh thần nghèo sẽ tự nó trở nên phản chứng.
3. Sứ điệp rao giảng.
Sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giê-su dạy các Tông Đồ đi rao giảng là: “Hãy sám hối…”. Đi tìm con chiên lạc trước chứ không phải tìm con chiên tuy không lạc nhưng lại không ở với chủ. Thiên Chúa ưa thích hiện diện giữa người tội lỗi để tha thứ và chữa lành hơn là những người tự cho mình đạo đức không cần thống hối; nên Ánh Sáng cho những dân đang ngồi trong bóng tối, hơn là những kẻ tưởng là đang ngồi trong ánh sáng nhưng lại thờ ơ hoặc từ chối Tin Mừng của Chúa; đến với những nơi mà người ta đem đến cho Chúa đủ thứ bệnh tật để được chữa lành, hơn là đến với những kẻ tìm đến để tìm cách bắt bẻ, gài bẫy và ghanh tị…
Như vậy, sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giê-su rao giảng là kêu mời mọi người “hãy sám hối”. Bởi chỉ có sám hối nhìn nhận mình tội lỗi thì mới được hưởng ơn tha thứ; khiêm tốn nhìn nhận mình bất toàn mới được đổ đầy ân sủng. Sám hối là điều kiện đầu tiên phải có để đón nhận Tin Mừng. Sám hối để nhận ra mình sai mà quay về, sám hối để rũ bỏ tất cả để được Chúa ngự vào…
Lạy Chúa Giê-su, mọi người chúng con hôm nay cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng trong ơn gọi Ki-tô hữu. Xin cho chúng con hăng say làm chứng cho Chúa bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10, 25-37
Có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp”?
Người đáp: “Trong Luật đã viết gì? Ông đọc thế nào? “ Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”
Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? “ Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết. Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc.Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.” Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp? “ Người thông luật trả lời: “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”
II. SUY NIỆM
“MẾN CHÚA và YÊU NGƯỜI”
Thập điều được Chúa ban cho Môisen trên núi Sinai tóm gọn lại trong hai điều (mười răn ấy tóm lại hai điều này mà chớ…): ba điều trước tập chú về việc MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ và bảy điều sau nói đến bổn phận YÊU NGƯỜI NHƯ MÌNH TA VẬY.
1. Mến Chúa – yêu người
Mến Chúa hết lòng: Nghĩa là với cả tâm của mình, với cả trái tim của mình, nghĩa là với cả Ý CHÍ và TỰ DO. Hết linh hồn: Linh hồn luôn hướng lên Chúa trong CẦU NGUYỆN tâm sự với Chúa, tham dự Thánh Lễ và các Giờ Kinh cùng những BỔN PHẬN trong bổn đạo. Hết trí khôn: Với cả TRI THỨC và Ý THỨC trong mọi việc mình làm thể hiện tình yêu với Chúa.
Tình mến dành cho Chúa là ưu tiên hàng đầu trong việc sống đạo, với tâm tình của một người con của Thiên Chúa. Giới luật này không phải là điều quá khó hay một chuyện xa vời, nhưng như sách Đệ Nhị Luật, Môi-sê nói: “Mệnh lệnh tôi truyền cho anh (em) hôm nay đây, không vượt quá sức lực hay ngoài tầm tay anh (em). Mệnh lệnh đó không ở trên trời, khiến anh (em) phải nói: “Ai sẽ lên trời lấy xuống cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Mệnh lệnh đó cũng không ở bên kia biển, khiến anh (em) phải nói: “Ai sẽ sang bên kia biển lấy về cho chúng tôi và nói cho chúng tôi nghe, để chúng tôi đem ra thực hành? Thật vậy, lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành” (Đnl 30,11-14).
Yêu như chính mình: Trong Cựu Ước, sách Tobia đã nói tới nhưng còn mang vẻ tiêu cực là: “Những gì con KHÔNG MUỐN kẻ khác làm cho mình, thì cũng ĐỪNG LÀM điều đó cho người ta” (Tb 4, 14), nhưng sang Tân Ước, Chúa Giê-su dạy theo hướng tích cực: “Điều con MUỐN người khác làm cho mình thì HÃY LÀM cho người ta” (Mt 7, 12 // Lc 6,31).
Thế nhưng đó mới chỉ là yêu tha nhân bằng mình, mà chúng ta thực hành được đã là chu toàn lề luật rồi. Nhưng càng tốt hơn khi chúng ta dám yêu tha nhân hơn cả chính mình, mới thực sự nên giống Chúa Giê-su, Đấng đã dám thí mạng mình vì yêu, Đấng đã chịu đói khát cho chúng ta được giàu sang. Các thánh Tử Đạo cũng đã dám hy sinh chết đi cho chúng ta được đức tin vào Thiên Chúa. Đó là mức độ cao nhất trong tình yêu là agapê – vượt lên trên mọi so đo tính toán, chứ không như eros (chiếm hữu) hay philia (có qua có lại) theo cách phân tích của người Hy Lạp
2. Nhưng đâu là tha nhân của tôi?
Khi người thông luật hỏi điều này, Chúa Giê-su không trả lời trực tiếp, mà chỉ kể câu chuyện về “Người Samaritanô nhân hậu”.
Có người kể một câu chuyện tương tự: “Sáng Chúa Nhật kia, có một người đi vào Sài Gòn bị tai nạn xe, nằm thoi thóp bên vệ đường. Có một thầy “tư tế” chạy ô tô qua, thấy nạn nhân nằm đó, nhưng nhìn đồng hồ đến giờ dâng lễ rồi, nên vội vù ga chạy. Một lát sau, có một giáo dân chạy xe máy qua, cũng nhìn thấy nạn nhân, nhưng vì chuông nhà thờ báo đã đến giờ lễ, nên anh vội phóng xe đi cho kịp. Cuối cùng, có một bà bán vé số đạp xe đạp đi qua, thấy nạn nhân thì động lòng thương, vội dìu lên xe, đẩy vào bệnh viện…”
Chúng ta là thân cận của mọi mảnh đời trong xã hội, nhưng không thiếu những lần, chúng ta đã phớt lờ hoàn cảnh tang thương của họ, vì những lý do “được coi là thánh thiện và lề luật”. Giống như thầy tư tế và thầy Lê-vi kia, vì sợ chậm giờ lễ, sợ nhiễm uế, sợ rắc rối liên lụy… và đặc biệt là sợ phạm luật về sự thánh thiện, luật giữ ngày sabát…
Không hẳn là chúng ta tiếc công hay của để giúp người gặp hoạn nạn, nhưng có lẽ lắm khi chúng ta đã bỏ đi vì sự hững hờ vô cảm trước nỗi đau của tha nhân, hoặc né tránh giúp đỡ chỉ vì sợ liên lụy rắc rối hoặc dè chừng sợ bị lừa dối mắc bẫy….
Nhưng dù trong trường hợp nào, dù có thể đôi lần chấp nhận phần thiệt về mình, là người con Chúa, chúng ta vẫn được mời gọi phải hành động ngay với khả năng có thể trước cảnh hoạn nạn của tha nhân.
Phải, mến Chúa không phải chỉ biểu lộ bằng lời kinh tiếng hát nơi nhà thờ, mà cần sống tình yêu đó khi biết thi ân cho tha nhân.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết “yêu như Chúa đã yêu” là yêu thương tha nhân cách vô vị lợi, không so đo tính toán hay mong muốn được đáp trả, để chúng con mỗi ngày nên giống Chúa hơn và xứng đáng là con thảo của Cha trên trời. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post