CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,44-52
“Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.
“Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy.
“Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.
“Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không? ” Họ đáp: “Thưa hiểu.” Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ Kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.”
II. SUY NIỆM
“ĐI TÌM KHO BÁU NƯỚC TRỜI”
Bài Tin Mừng hôm nay là ba dụ ngôn về mầu nhiệm Nước Trời: Nước Trời được ví như kho báu, viên ngọc và cái lưới. Trong đó kho báu hay ngọc quý nói lên giá trị cao quý của Nước Trời và cái lưới nói lên sự phân định cuối cùng trong ngày chung thẩm.
1. Sự cao quý của Nước Trời.
Trước hết, dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý muốn nói tới sự cao quý tột bực của Nước Trời mà không có thứ giá trị nào sánh bằng. Tựa như khi phát hiện ra kho báu hay tìm được viên ngọc đẹp, người ta bán hết tất cả những gì mình có để tậu cho được, thì khi những ai đã khám phá ra Nước Trời, mọi giá trị người ta từng theo đuổi từ trước đều phải nhường chỗ và họ sẵn sàng đánh đổi tất cả để dành cho được nước ấy.
Nhưng để đạt được Nước Trời không phải chỉ là một sự tình cờ, nhưng phải thao thức đi tìm, biết phân định chọn lựa, dám mạo hiểm dấn thân và từ bỏ tất cả để đổi lấy nó.
Thao thức đi tìm: Hình ảnh “kho báu” và “viên ngọc quý” vừa rõ ràng vừa huyền bí. Rõ ràng ở chỗ ai biết giá trị của chúng thì quý hóa, còn huyền bí ở chỗ có nhiều người không biết giá trị tiềm ẩn đó. Nước Trời có đó nhưng mấy ai khám phá ra và mấy ai nhận thấy được giá trị vĩnh cửu để đầu tư đời mình. Kho báu được chôn giấu nên phải tìm kiếm và đào bới, muốn có ngọc đẹp phải bôn ba đây đó tìm mua. Nước Trời là một thực tại siêu việt nên phải vất vả tìm kiếm với cả lòng khao khát và hy sinh.
Biết biện phân chọn lựa: Người nông dân biết giá trị của kho tàng dù nó còn đang bị chôn giấu dưới lòng đất sâu, thương gia kia biết giá trị của viên ngọc dù nó còn đang nằm giữa khối đá sù sì xấu xí và lẫn tạp trong chốn chợ đời. Cũng vậy, giữa đời sống đem đến cho ta đủ mọi loại giá trị, nên cần biết phân định đâu là giá trị vĩnh cửu và đâu là những giá trị chóng qua để đầu tư hay từ bỏ, từ đó nhận ra giá trị vĩnh cửu của Nước Trời, dù Nước Trời chưa tỏ hiện rõ ràng trên thế gian.
Dám mạo hiểm dấn thân: Người nông dân nọ, thương gia kia dám mạo hiểm dấn thân tậu cho được nơi có kho báu hay mua bằng được viên ngọc quý, thì người tìm kiếm Nước Trời cần một sự mạo hiểm đầu tư tất cả những gì mình có thể để được Nước Trời là quê hương đích thực. Khi nhận ra Chúa là gia nghiệp, Abraham dám mạo hiểm ra đi tới một nơi Chúa sẽ chỉ mà ông chưa hề hay biết. Người dám mạo hiểm dấn thân tìm kiếm Nước Trời cần một sự đức tin mãnh liệt, dám mạo hiểm và tín thác vào Lời Chúa hứa. Khi đã biết được giá trị Nước Trời, họ dấn thân theo đuổi đến cùng.
Đánh đổi tất cả: Phải bán tất cả mới đủ tiền tậu thửa ruộng có kho báu hoặc mua viên ngọc quý. Có thể người kia đã phải bán cả nhà cửa và mọi tài sản, thậm chí phải mất cả gia đình họ hàng chỉ vì “cái tội” mê viên ngọc đẹp. Cũng thế, phải đầu tư trọn vẹn con người với tất cả tài năng trí tuệ, sức lực, thời giờ mới mong chiếm đoạt được Nước Trời. Muốn đón nhận giáo lý của Chúa Giê-su để đạt được hạnh phúc đời đời, đòi hỏi các môn đệ Chúa Giê-su phải từ bỏ tất cả và vượt lên trên những tiếc nuối truyền thống và luật cũ.
Như vậy, thực tại Nước Trời phải được khám phá ra và hiểu đúng. Tất cả các giá trị khác, như gia đình, nghề nghiệp, địa vị xã hội, của cải, tiện nghi, sức khỏe, lợi lộc, thú vui… không phải là những giá trị và tiêu chuẩn tối hậu, nhưng những tiêu chuẩn đó phải được thay thế và nhắm tới mục tiêu vĩnh cửu là Nước Trời. Nước Trời có đó, nhưng là một thực tại đang bị chôn giấu giữa thửa ruộng thế gian, sự sống vĩnh cữu đang ở ngay giữa chợ đời vàng thau lẫn lộn; nên để đạt được Nước Trời là sự sống vĩnh cửu đòi hỏi con người phải lên đường tìm kiếm, phải sáng suốt phân định, phải can đảm dấn thân và phải bỏ lại đàng sau những gì không còn thích hợp cho sự sống mai sau.
2. Sự phân định cuối cùng.
Dụ ngôn “cái lưới” có ý nghĩa tương tự như dụ ngôn “cỏ lùng”, nghĩa là giữa thế gian vàng thau lẫn lộn, giữa biển đời cá tốt cá xấu, giữa cuộc đời người lành kẻ dữ cùng chung sống với nhau và chỉ được Chúa phân định trong ngày ra trước tòa phán xét, để thương công hay luận phạt. Ngày đó, như nông dân gom lúa vào lẫm và đốt cỏ lùng, như ngư dân bỏ cá tốt vào rổ và cá xấu vứt đi, thì Thiên Chúa cũng thưởng công Nước Trời hạnh phúc cho kẻ lành và ném vào hỏa ngục những kẻ gian ác tội lỗi.
Số phận thật của những con cá khi mẻ lưới được kéo lên sẽ hoàn toàn tuỳ thuộc vào chất lượng của những con cá ấy. Những con cá xấu sẽ bị ném ra ngoài. Vì thế, trước khi tấm lưới được kéo lên trong ngày chung thẩm, con người cần phải trở thành những con cá tốt. Số phận đời đời của mỗi người tuỳ thuộc vào chất lượng của cuộc sống hiện tại này.
Dụ ngôn cái lưới có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Người chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như để cho cá tốt cá xấu sống chung trong biển cả, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt cá tốt ra khỏi cá xấu, người lành khỏi kẻ dữ.
Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.
Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng có một thế giới toàn thiện hay là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người tốt và thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay qua ba dụ ngôn: Kho báu, ngọc quý và cái lưới, Chúa Giê-su dạy chúng ta coi giá trị cao quý nhất và vĩnh cửu là Nước Trời, vượt trên mọi thứ giá trị trần thế vì nó sẽ qua đi. Đồng thời ý thức rằng cuộc sống con người ở trần gian còn đang ở trong tình trạng tranh tối tranh sáng, chỉ khi đến ngày phán xét, mọi sự sẽ trở nên sáng tỏ. Vậy, cứ lo tìm kiếm Nước Trời thì sẽ không bao giờ lầm, vì đó là một bảo đảm cho những ai dám đặt tất cả niềm tin vào Chúa Giê-su Ki-tô.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn biết hướng lòng lên những thực tại Nước Trời và lo tìm kiếm để đạt được sự sống vĩnh cửu trong nước ấy, nhờ đó chúng con dám từ bỏ tất cả và dấn thân theo Chúa cho đến ngày được hợp đoàn với các thánh chung hưởng tôn nhan Chúa trong Nước Trời. Amen
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,1-15
Đức Giê-su sang bên kia Biển Hồ Ga-li-lê, cũng gọi là Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Có đông đảo dân chúng đi theo Người, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Người đã làm cho những kẻ đau ốm. Đức Giê-su lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lúc ấy, sắp đến lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái.
Ngước mắt lên, Đức Giê-su nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình. Người hỏi ông Phi-líp-phê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây? ” Người nói thế là để thử ông, chứ Người đã biết mình sắp làm gì rồi. Ông Phi-líp-phê đáp: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu! ” Đức Giê-su nói: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Chỗ ấy có nhiều cỏ. Người ta ngồi xuống, nguyên số đàn ông đã tới khoảng năm ngàn. Vậy, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó. Cá nhỏ, Người cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tuỳ ý. Khi họ đã no nê rồi, Người bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi.” Họ liền đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch người ta ăn còn lại, và chất đầy được mười hai thúng. Dân chúng thấy dấu lạ Đức Giê-su làm thì nói: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian! ” Nhưng Đức Giê-su biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Người lại lánh mặt, đi lên núi một mình.
II. SUY NIỆM
“CHỮA LÀNH VÀ NUÔI DƯỠNG”
Chắc chắn rằng, phép lạ “hóa bánh ra nhiều” là một sự kiện lịch sử. Bởi vì đây là sự kiện không chỉ được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm ghi lại, mà Tin Mừng thứ IV cũng đã tường thuật một cách rất chi tiết về địa danh, thời gian và những nhân vật cụ thể trong phép lạ này. Câu chuyện được xảy ra trên núi, gần bờ biển hồ Galilêa, nơi Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng và chọn gọi bốn môn đệ đầu tiên. Thời gian của sự kiện là gần dịp lễ vượt qua của người Do-thái, và đối tượng là dân chúng đi theo người rất đông chừng hơn năm ngàn người đàn ông. Hai môn đệ được nhắc đến trong sự kiện này là Philípphê và Anrê: một vị được Chúa Giê-su hỏi thử về việc lấy đâu đủ bánh cho dân ăn, một vị phát hiện ra một em bé mang mấy cái bánh và báo cáo với Chúa Giê-su.
Hành động của Chúa Giê-su trong sự kiện hóa bánh ra nhiều hôm nay, bao gồm cùng lúc hai công việc của Đấng Cứu Thế, là CHỮA LÀNH VÀ NUÔI DƯỠNG dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.
Chúa Giê-su ngước mắt lên và thấy đông đảo dân chúng đến với mình… Chúa Giê-su chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người). Chúng ta cũng được mời gọi ngước mắt lên để nhìn thấy hoàn cảnh của mọi người mà cảm thông với họ, chứ không phải ru rú cho mình mà bất biến với mọi người xung quanh đang cần đến chúng ta.
Chúa Giê-su không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Người muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới – cá). Phép lạ xảy ra khi biết đem chia sẻ cho nhau và cùng ngồi suống ăn chung với nhau, chứ phép lạ không thể xảy ra khi chúng ta giữ khư khư năm chiếc bánh và hai con cá để ăn một mình.
Vì thế, cần có tâm trạng “chạnh lòng thương” của Chúa Giê-su trước những người kém may mắn, những người đói khát cả tinh thần lẫn vật chất (nghèo tinh thần là đói khát Lời Chúa và Thánh Thể…, nghèo đói vật chất là thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống).
Hành động như Chúa Giê-su là dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha rồi bẻ ra phân phát cho dân: Chia sẻ: Giúp đỡ người khô khan trở về với Chúa, san sẻ phần mình cho kẻ đói nghèo trong mức độ có thể. Tạ ơn: mỗi người dâng cho Chúa phần của mình, dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta lương thực hắng ngày. Bẻ ra: Mọi người đừng ăn một mình, nhưng hãy bẻ ra để chia cho những người khác thiếu may mắn hơn chúng ta. Trao cho: Nhạy bén trước nhu cầu của người đang đói mà đến trao cho họ, chứ không đợi họ phải xin rồi mới cho.
Chúa muốn các môn đệ phải lo cho dân no đủ chứ Chúa không bảo ông này bà kia cho họ ăn. Nghĩa là chính mỗi người chúng ta có liên đới trách nhiệm với mọi người xung quanh chúng ta (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần và vật chất.
Về tinh thần: Có trách nhiệm về đức tin và đạo đức với cận nhân. Đó không phải chỉ là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các giáo lý viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.
Về vật chất: Biết chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc của những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình.
Lưu ý, “cho” chứ không bảo họ phải mua của mình, không phải đưa ra lời khuyên bảo họ ra quán mà mua (như giải pháp của các môn đệ đưa ra).
Mọi người có tương quan liên đới và chịu trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ, trong một trường học, trong nơi mình sống và làm việc, liên đới với đồng loại. Khi một thành viên trong giáo xứ làm điều xấu, thì thiên hạ đàm tiếu rằng nó là người của xứ đó, người của lớp đó, người của trường đó, người thuộc sự dạy dỗ của cha xứ đó, giáo lý viên đó… Và ngược lại, một người làm điều tốt, thì cũng liên đới như vậy… Chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ nhau sống đạo và giúp đỡ nhau sống đời.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để không những có lòng cảm thương, mà còn biết cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xoá dần sự đói nghèo vật chất cũng như tinh thần của những người cần đến chúng con. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 11, 1-13.
Có một lần Đức Giê-su cầu nguyện ở nơi kia. Người cầu nguyện xong, thì có một người trong nhóm môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gio-an đã dạy môn đệ của ông.” Người bảo các ông: “Khi cầu nguyện, anh em hãy nói:
“Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,
Triều Đại Cha mau đến,
xin Cha cho chúng con
ngày nào có lương thực ngày ấy;
xin tha tội cho chúng con,
vì chính chúng con cũng tha
cho mọi người mắc lỗi với chúng con,
và xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.”
Người còn nói với các ông: “Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: “Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả”; mà người kia từ trong nhà lại đáp: “Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được.? Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.
“Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho.Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó? Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao? “
II. SUY NIỆM
“THIÊN CHÚA LÀ NGƯỜI CHA TỐT LÀNH”
Cầu nguyện được ví như hơi thở, là hoạt động căn bản của đời sống tâm linh. Cầu nguyện đối với người Công giáo là tâm tình con thảo với Cha trên trời, là thể hiện niềm tin và phó thác cho sự an bài quan phòng của Thiên Chúa.
Hôm nay, môn đệ đến xin với Thầy Giê-su dạy cách cầu nguyện, và Người đã dạy các môn đệ một mẫu cầu nguyện tuyệt hảo mà chúng ta gọi là Kinh Lạy Cha. So với bản văn Matthêu (6,9-13), bản tường thuật Kinh Lạy Cha của Luca ngắn hơn và ít hơn hai điều. Nhưng cả hai đều nhắm tới những điều căn bản nhất về tâm tình cầu nguyện là thao thức cho danh Cha hiển trị và sống tình hiệp thông tha thứ.
Chúa Giê-su cũng kể dụ ngôn “người bạn quấy rầy giữa đêm khuya” để nhắm đến thái độ của người cầu nguyện và tình thương của Đấng ban ơn: Thái độ cầu nguyện cần nhất sự kiên trì trong niềm tin và hi vọng. Tình thương của Đấng ban ơn là một Thiên Chúa như người Cha tốt lành.
1. Thao thức cho Nước Chúa hiển trị.
Chúa Giê-su dạy trước khi cầu xin bất cứ điều gì cho chính mình, chúng ta phải đặt Thiên Chúa, sự vinh hiển và tôn trọng của Người lên hàng đầu, và đặc biệt vâng theo Thánh Ý Người và thao thức cho nhiều người nhận biết Chúa. Chỉ sau khi dành cho Chúa chỗ của Người, bấy giờ các điều khác mới có chỗ xứng hợp.
Lời cầu nguyện bắt đầu bằng xưng nhận Thiên Chúa là Cha. Đó là đặc tính của mọi lời Ki-tô hữu thưa với Chúa.
Chúng ta không đọc: Lạy Cha của con, mà đọc Lạy Cha chúng con. Như thế lời kinh tuyệt vời này không phải chỉ nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với Thiên Chúa, mà còn nói lên mối liên hệ giữa chúng ta đối với nhau. Thiên Chúa là Cha, cho nên tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Như thế lời kinh này không phải chỉ tỏ lộ cho chúng ta tình phụ tử, mà còn tỏ lộ cho chúng ta tình huynh đệ.
Nước Cha được hình dung là vương quyền tối cao của Thiên Chúa, nên ý Cha phải được thể hiện khắp mọi nơi, vì ý Cha là khôn ngoan và yêu thương. Nơi nào ý Cha hiển trị thì tràn ngập tình yêu Người. Đó là một vương quốc hoà bình và đầy tình thương.
2. Xin cho những nhu cầu vật chất và tinh thần.
Nhu cầu vật chất: Chúa Giê-su dạy chúng ta cầu xin lương thực mỗi ngày dùng đủ. Người không bảo chúng ta xin cho có dư thừa. Lời cầu nguyện Người dạy cũng không thu hẹp lại theo kiểu ích kỷ, Người dạy xin cho “chúng con”, tức là tất cả những ai đang cầu nguyện.
Nhu cầu tha thứ: Khi cầu nguyện chúng ta không thể làm gì hơn là xin ơn tha thứ, vì dù con người tốt nhất trong chúng ta cũng chỉ là một tội nhân trước sự thánh thiện của Thiên Chúa. Và điều kiện được Chúa tha thứ cho mình là chính mình cũng phải tha thứ cho anh em. Khi gọi Chúa là Cha chúng con, thì cũng đồng nghĩa mọi người là anh em với nhau con cùng một Cha trên trời. Đã là anh em thì chúng ta có bổn phận phải yêu thương, phải tha thứ, phải hoà giải cùng nhau.
Nhu cầu ơn thánh: Thiên Chúa không đẩy chúng ta vào cám dỗ với mục đích làm cho chúng ta rơi vào tội lỗi. Nhưng Người có thể thử thách chúng ta, có thể thử sự bền vững và chắc chắn của chúng ta. Cám dỗ không chỉ là sự quyến rũ phạm tội mà còn bao gồm mọi hoàn cảnh khiến con người bị thử thách về đức độ, thanh liêm, lòng tín trung. Chúng ta không thể trốn tránh những hoàn cảnh đó, nhưng chúng ta có thể thắng nó nhờ ơn Chúa ban.
3. Kiên trì cầu nguyện và tin tưởng vào người Cha tốt lành.
Trong xứ Palestine, tiếp khách là một bổn phận thiêng liêng. Vị khách nói trên đã đến quá muộn khiến chủ nhà bối rối, vì thức ăn đã hết, ông đã đi tới nhà bạn vay bánh. Cửa nhà người bạn đã đóng và họ đã an giấc, nên không muốn ai quấy rầy. Tuy nhiên, người vay bánh quyết tâm cứ gõ mãi, cho đến khi người bạn kia đành phải dậy lấy bánh cho ông.
Bài học trong dụ ngôn này không phải dạy chúng ta cứ mãi mãi nài xin ép buộc được Chúa cực chẳng đã mà đành ban cho chúng ta điều chúng ta muốn, nhưng nhắm tới một sự kiên trì cầu nguyện. Bởi vì cầu nguyện phải cần đến niềm tin và hi vọng, mà niềm tin cần đến sự thử thách và niềm hi vọng cần đến sự vững vàng kiên nhẫn.
Thiên Chúa là Cha hiểu thấu chúng ta cần gì và điều gì tốt cho chúng ta, Người sẵn sàng ban những ân huệ cần thiết, nhưng Người cần sự khao khát, phó thác và tâm tình của một người con thân thưa với Người. Khẩn cầu liên lỉ liên kết con người với Thiên Chúa cách khắng khít hơn, khiến con người phải ý thức hơn về tình trạng bất lực riêng mình, nhận rõ hơn việc phải hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Chúng ta lắm khi hiểu sai cốt lõi của lời cầu nguyện và thất vọng vì không thấy Chúa nhận lời. Xin hãy đọc kỹ lời của Chúa Giê-su: “Huống hồ Cha các ngươi tự trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những ai xin Người”. Chúng ta thường xin với nhu cầu thể xác, mục tiêu vật chất, của cải phù vân, thậm chí còn xin cả những cái gây lầm lạc cho mình nữa.
Chúa Giê-su lặp lại, dù là kẻ xấu mà còn biết đem “của tốt” cho con cái, thì Thiên Chúa là Cha biết ban cái gì là “tốt” cho sự sống đời đời của chúng ta. Mà món quà tốt nhất mà Chúa Cha ban cho chúng ta, chính là Thánh Thần. Thánh Thần là sự khôn ngoan thượng trí của Thiên Chúa biết điều gì là tốt cho linh hồn chúng ta. Khi con người nhận lấy Thánh Thần thì nhận được những sự phong phú rất cao quý chứ không phải chỉ những của cải vật chất. Vì vậy, càng cầu xin kiên trì và tín thác bao nhiêu, thì càng chất chứa đầy Thánh Thần nơi tâm hồn bấy nhiêu.
Như vậy, đức tin cho chúng ta một bảo đảm: Thiên Chúa là người Cha nhân hậu, nên Người chỉ ban những điều tốt lành thật sự mang lại hạnh phúc đích thực cho chúng ta. Lắm khi chúng ta xin những điều không tốt lành thực sự, những hạnh phúc không vững bền, và lúc đó, Thiên Chúa có quyền đáp ứng điều chúng ta xin theo cách Người muốn và theo cách tốt nhất cho chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su, chúng con thường đến cầu nguyện với Chúa theo ý mình, chứ ít khi mong cho ý Chúa được thể hiện, nghĩa là chúng con thường đến cầu xin với những gì có lợi ngay trước mắt, nhưng Chúa thấu suốt cả cuộc đời và biết điều gì lợi ích cho ơn cứu độ của chúng con. Xin cho chúng con một khi biết năng cầu nguyện thì cũng biết thuận theo ý Chúa, để chúng con luôn được an bình nội tâm và không bao giờ thất vọng. Amen
Hiền Lâm
GIẢNG LỄ CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN, NĂM C
Thưa Qôbace.
Lời Chúa ngày Chúa Nhật hôm nay tường thuật cho chúng ta lời kinh tuyệt hảo nhất mà chính Chúa Giê-su soạn ra. Con muốn khẳng định lời kinh này là tuyệt hảo trên mọi sự tuyệt hảo là vì chính Chúa soạn, khác với các kinh cầu nguyện còn lại là do con người soạn (nói thế có lẽ có người thắc mắc thế kinh mười điều răn thì sao? Không, Kinh mười điều răn không phải là lời cầu nguyện, mà là các lề luật).
Kinh Lạy Cha là lời kinh tuyệt hảo nữa là vì gọi Thiên Chúa là Cha, ôi thật thân thương gần gũi làm sao, không còn là một khoảng cách xa vời giữa thần linh và thụ tạo nữa, mà là tình cha con “tình Cha ấm áp như vầng thái dương, ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn”. Vâng, không có một tôn giáo nào gọi thần linh hay thượng đế là cha cả (Ala – Hồi Giáo, Yave – Do-thái Giáo, Trời – Khổng Giáo… Tất cả thường chỉ “kính nhi viễn chi” hoặc sợ sự nghiêm khắc trừng phạt, xa lạ và đáng sợ), chỉ có Ki-tô Giáo chúng ta mới có vinh dự con người hữu hạn gọi Thiên Chúa vô biên là Cha, và được Cha yêu thương săn sóc giữ gìn và cho thừa hưởng gia nghiệp, nhờ ơn cứu độ và sự mạc khải của Chúa Giê-su Ki-tô.
Tưởng cũng xin chú giải một chút về ý nghĩa tương quan Cha – con của chúng ta trước khi có tội nguyên tổ và sau khi được Chúa Giê-su cứu độ khác nhau thế nào.
Theo Thánh Kinh, từ ban đầu, Thiên Chúa dựng nên con người, nhưng đây là sự sáng tạo, dùng Lời quyền năng dựng nên, và có thể cùng với hành động nắn ra con người từ bụi đất, chứ không phải là một sự sinh hạ như theo tử hệ sự đản sinh ra Chúa Giê-su. Và con người nguyên tổ đầu tiên đó cũng có một sự tương giao thân tình như cha con và hàng ngày Thiên Chúa đi lại nói chuyện với con người “trong gió chiều hiu hiu thổi”. Nhưng rồi, tội nguyên tổ là sự kiêu ngạo giống như một quả bom rơi xuống cắt đứt con đường giữa Thiên Chúa và A-đam, tạo nên một hố sâu ngân cách. Nghĩa là con người mất “quyền làm con Thiên chúa, mất đặc ân siêu nhiên” (Và vì thế mà sau này Bí tích Rửa Tội là phục hồi quyền làm con Chúa, chứ không hiểu theo nghĩa tiêu cực là tha tội nguyên tổ. Chúng ta có thể giải thích: Tội là… mất đi rồi… ơn cứu độ là trả lại…). Ơn Cứu Độ là Chúa Giê-su dùng thánh giá khiêm nhường bắc qua hố sâu ngăn cách kia, nối lại con giữa con người với Thiên Chúa, nghĩa là phục hồi quyền làm Con Thiên Chúa cho chúng ta, như trong Bài đọc II, thư Colose chương II, thánh Phao-lô nói: “Nhờ Bí tích rửa tội chúng ta bước vào đời sống mới”. Cái khác và cái hơn chúng ta về tình Cha-con với Thiên Chúa trước và sau khi phạm tội tổ tông và được cứu chuộc là: trước là tình cha-con theo sự tạo dựng nên, còn sau khi được cứu chuộc thì không những được phục hồi quyền là con, mà còn là trở thành em của Chúa Giê-su Trưởng Tử và quyền được thừa kế Nước Thiên Chúa.
Thưa Qôbace.
Ý thức được ý nghĩa tương quan thân tình Cha-con này, thì Kinh Lạy cha mới trở nên tuyệt hảo cho chúng ta khi cầu nguyện, mà điều tuyệt hảo cần được áp dụng nhất đó là cầu nguyện trong tâm tình Cha-con. Phải có tâm tình Cha-con thì lời cầu xin mới là vô cầu và ý nghĩa.
Thật vậy, chúng ta và hầu như bất cứ ai trong mọi tôn giáo, cứ cầu nguyện là chỉ xin cho nhu cầu của mình và của ai đó, xin cho được cái này cái kia (như một kẻ ăn xin với thần linh), chứ hiếm có ai cầu nguyện theo ý Chúa và cầu nguyện cho dah Chúa được cả sáng.
Một người con đến với người cha cứ đến gặp cha là xin xỏ lợi dụng, và một người con đến tâm sự với cha vì lợi ích của gia đình cha con, vì sự phát triển và nở mày nở mặt của gia đình cha con… hỏi thì điều nào cha thích hơn và đứa nào yêu mến cha hơn? Chắc chắn cái đứa con đến tâm sự vì cái nhu cầu chung của “gia đình cha con” rồi.
Cũng vậy, Kinh Lạy Cha được mở đầu với ba điều cầu nguyện nói với Cha trên trời về danh Cha, Nước Cha và Ý Cha. Ôi, tuyệt hảo làm sao. Chúa ta cầu nguyện thế thì Cha chúng ta trên trời vui lắm, vui ơi là vui luôn.
Nhìn đứa con nó tâm sự dễ thương như thế mà Cha không ban mới lạ, chưa nói là ông anh Giê-su bày ra những lời này dành cho em út mình nói với Cha cũng vui và nói giùm Cha nữa.
Thưa qôbace.
Tiếp đến, điều mà tương quan Cha-con gần gũi đến mức có thể nói mặc cả với nhau, thậm chí ra điều kiện không cân xứng thứ bậc với nhau, kiểu như: “Xin tha tội cho chúng con, nhưng chúng con cũng tha…” Thật không cân xứng để mặc cả, vì tất cả đều có lợi cho người xin còn Cha đâu có được gì…
Chúng ta trở lại với bài đọc I, sách Sáng Thế ghi lại câu chuyện mặc cả của Áp-ra-ham:
Cái thành Sơ-đôm và Gô-đô-ma nó tội lỗi đến mức mà tính trên con số phần trăm có lẽ không thể tìm ra được khoảng 0,5 % người công chính nữa. Bởi vì ông Áp-ra-ham cứ mặc cả hạ dần mãi từ 50,45,40,30,30,20,10… người công chính mà cũng không có. Và thực tế là còn được mỗi ông Lót và 2 đứa con gái, còn bà Lót thì ra đến giữa đường thì chết đứng vì còn ngó lại với tội lỗi.
Câu chuyện cho chúng ta thấy tình thương của Chúa thật là bao la, Ngài tìm trong hàng ngàn người mà không kiếm ra được 5 người tốt để mà tha. Câu chuyện cũng cho chúng ta thấy người có ơn nghĩa với Chúa thì có thể mặc cả với Chúa để cứu người khác, như Áp-ra-ham đã trở nên trung gian chuyển cầu cho ông Lót và hai thành Sơ-đôm và Gô-mô-ra. Điều này cho chúng ta ý thức hơn, khi sống cái tấm chân tình Cha-con ấy, chúng ta đây này, quý thầy, quý sơ, quý ôbace công giáo đây này, chúng ta trở nên trung gian chuyển cầu cho mọi người và cho thế giới.
Còn nữa, thưa Qôbace!
Có lẽ không có một đoạn Thánh Kinh nào cho chúng ta một niềm hi vọng tín thác vào Cha chúng ta ở trên trời như câu chuyện Áp-ra-ham mặc cả với Chúa mà chúng ta vừa nghe:
– Lạy Cha, nếu trong cộng đoàn chúng con chỉ có 10 người được coi là công chính, thì Cha có thương cộng đoàn chúng con không? Thương chứ, thương lắm luôn.
– Lạy Cha, nếu giáo xứ, giáo họ chúng con Cha chỉ tìm được tầm 5 người tốt thôi, Cha có cứu giáo xứ chúng con không? Cứu chứ, cứu và làm cho nên nhiều người tốt hơn.
– Và lạy Cha, nếu cả cuộc đời từng người chúng con đây chỉ có một tháng công chính, hay cả một tháng chúng con có được một giờ công chính, hoặc cả một ngày con chỉ có một phút dành cho Cha, liệc Cha có tha cho con không? Cha tha và tha mãi.
Ôi tình Cha-con vĩ đại !
Discussion about this post