CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 15,21-28
Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn, thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm! ” Nhưng Người không đáp lại một lời.
Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi.” Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi! ” Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.”Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.
II. SUY NIỆM
“SỰ CHIẾN THẮNG CỦA ĐỨC TIN”
Bài Tin Mừng hôm nay kể việc Chúa Giê-su mở rộng việc truyền giáo xuống miền duyên hải – địa hạt Tyrô và Siđôn. Tại đây, Người gặp một người đàn bà ngoại giáo đến xin người trừ quỷ cho con gái của bà. Cuộc đối thoại và việc chữa lành trong câu chuyện làm nổi bật lên hai đặc tính: Niềm tin và ơn cứu độ phổ quát:
1. Sự thử thách niềm tin
Trước sự cầu xin của người đàn bà ngoại giáo (không thuộc Do-thái giáo), câu trả lời đầu tiên của Chúa Giê-su nghe có vẻ nặng nề và miệt thị, nhưng cũng qua đó cho thấy niềm tin của người đàn bà rất mạnh vượt lên trên mọi ngăn cách tôn giáo, sự kỳ thị và có thể cả sự khinh khi.
“Phải để cho con cái ăn no trước đã, vì không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con.” Câu nói này có vẻ mang dáng dấp của một sự khinh miệt và xúc phạm danh dự (điều này chúng ta sẽ bàn sau), nhưng thật không ngờ người đàn bà không nao núng theo tính tự ái mà còn thân thưa: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng chó con ở dưới gầm bàn lại được ăn những mảnh vụn của đám trẻ con.” Trước đức tin cao độ như thế, Chúa Giê-su đành chào thua mà ban cho bà điều bà xin. Bà tin lòng thương xót của Chúa bao la, chắc chắn cũng vượt ra bên ngoài dân Do-thái, nên bà có thể hưởng được những mảnh vụn lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa thương yêu mọi người, muốn cứu rỗi mọi người. Lòng tin khiêm tốn bền vững của con người càng chiếm được tình yêu và ơn cứu rỗi của Chúa.
Lại nữa, xác tín mạnh mẽ vào quyền năng và vào lòng tốt của Chúa Giê-su, cùng với tình yêu mãnh liệt đối với đứa con gái khốn khổ, chính là những yếu tố chính yếu làm cho người đàn bà ngoại giáo thành công trong lời cầu nguyện tha thiết của mình.
Chúng ta cũng thế, trong cầu nguyện, nhiều lần chúng ta cũng cảm nhận như Chúa từ chối, nên rất cần sự kiên trì tin tưởng và tu luyện đức tin mình được vững chắc. Càng gặp khó khăn đức tin của chúng ta càng lớn lên, càng sâu sắc và giàu kinh nghiệm. Càng gặp khó khăn trong đời sống, đức tin của chúng ta càng có giá trị khi ta một mực trung thành với Chúa, đức tin của chúng ta sẽ rạng rỡ trước mặt mọi người, và trước mặt Thiên Chúa.
2. Ơn cứu độ phổ quát.
Trở lại với vấn đề ở trên: Liệu câu nói của Chúa Giê-su có mang tính miệt thị không?
Sứ mạng của Chúa Giê-su được khẳng định từ đầu là ưu tiên tìm kiếm con chiên lạc nhà Israel trước: “Thầy chỉ được sai đến cứu những con chiên lạc nhà Israel mà thôi”. Cũng như Chúa đã chỉ thị khi sai nhóm mười hai “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Samaria. Tốt hơn, là hãy đến với các con chiên lạc nhà Israel” (Mt 10, 5-6). Mãi cho đến thời các Tông Đồ, chính thánh Phêrô vẫn không dám đến với dân ngoại sau khi nhận được thị kiến về cái khăn buộc túm bốn góc chứa đầy những rắn rết bọ cạp mà Chúa bảo thánh nhân làm thịt mà ăn (x. Tđcv 10,9-16). Thánh Phaolô và Barnaba cũng từng khẳng định sứ mạng này (x. Tđcv 13,46-47). Đây là chương trình của Thiên Chúa qui tụ dân Israel trước rồi mới đến muôn dân thiên hạ. Vì thế, câu nói của Chúa Giê-su: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho chó con” không thể giải thích đó là dấu biểu thi sự khinh miệt của Người đối với người khác đạo; đúng hơn, Chúa muốn mọi người đừng quên ưu thế của người Do-thái trong việc thừa hưởng ơn cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đã chọn cha ông họ và muốn tỏ lòng trung thành với cha ông họ. Người Do-thái được ưu tiên, chứ không phải là những người duy nhất được hưởng ơn cứu độ; vì thế, dù quan tâm săn sóc người Do-thái nhiều đến đâu, Chúa Giê-su cũng không để trở thành vật sở hữu độc quyền của họ, Người vẫn có tự do bày tỏ tình thương đối với người khác.
Tuy vậy tấm lòng của Chúa Giê-su vẫn hằng rộng mở trước lời cầu xin của người dân ngoại như viên đại đội trưởng thành Caphanaum và người đàn bà ngoại giáo miền Tyrô. Họ là hoa quả đầu mùa sứ điệp của Người, sau đó các môn đệ Người sẽ tiếp nối để mở rộng cửa tiếp đón muôn dân nước vào Nước Trời. Có thể nói, khi người đàn bà ngoại giáo với niềm tin mãnh liệt vượt qua cả sự ngăn cách tôn giáo và sự kỳ thị dân tộc để đến với Chúa, thì Chúa Giê-su cũng sẵn sàng vượt qua sứ mạng ban đầu để đến với bà và chữa lành cho con gái bà.
Sự từ chối bên ngoài của Đức Giê-su đối với lời cầu xin của người đàn bà ngoại giáo mang ý nghĩa như là một sự mạc khải trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa: chính lòng tin làm cho con người trở thành “con cái” thay vì là “chó con” và đáng được hưởng tất cả những lời hứa dành cho Abraham và dòng dõi người. Chính sự xem ra từ chối của Chúa Giê-su lại là dịp để người đàn bà đi từ chỗ chấp nhận chỉ là “chó con” đến chỗ được hưởng ân huệ dành cho “con cái” nhờ lòng tin. Nay không chỉ có “Dân Chúa” được sinh ra từ dòng dõi Abraham theo huyết nhục nữa, mà có một “Dân Thiên Chúa” rộng lớn hơn nhiều được sinh ra bởi lòng tin vào Chúa Giê-su Ki-tô là tất cả mọi Ki-tô hữu trên toàn thế giới.
Trong thực tế cuộc sống, lắm lúc tưởng chừng như Thiên Chúa “phớt lờ” khi làm như “thinh lặng” không quan tâm gì đến lời van xin và tình cảnh bi đát của chúng ta. Nhưng có thể đó là vì Thiên Chúa đang muốn dẫn chúng ta đến một chân trời mới, lớn lao và thực chất có giá trị hơn hẳn những gì chúng ta xin mà chúng ta không thể hiểu được. Ước gì khi gặp những tình cảnh như vậy, chúng ta có được niềm tin như người đàn bà Canaan – ngoại giáo trong bài Tin Mừng hôm nay.
Lạy Chúa xin ban cho mọi người chúng con có một đức tin vững chắc, luôn trung thành với Chúa, luôn tin tưởng cậy trông vào Chúa là Đấng duy nhất có quyền năng làm được mọi sự, cho dù bất cứ hoàn cảnh nào xảy đến cho chúng con. Amen
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,51-58
Người Do-thái tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? ” Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
II. SUY NIỆM
“SỰ SỐNG”
Bài Tin Mừng hôm nay là cao điểm của diễn từ về Bánh Hằng Sống, Chúa Giê-su không nói úp mở hay dùng biểu tượng nữa, mà Người xác minh một cách rõ ràng rằng: Chính Thịt và Máu Người là của ăn và của uống trường sinh. Lời khẳng định này nếu hiểu theo nhãn quan con người thì khó lòng chấp nhận được, nên không lạ gì người Do-thái xưa đã xì xào phản đối. Thật vậy, cho đến hôm nay, sau khi truyền phép (bánh và rượu chuyển bản thể thành Mình Máu Thánh Chúa) linh mục đã tuyên bố: “Đây là mầu nhiệm đức tin”.
Phải, là mầu nhiệm đức tin, nên không dễ gì chúng ta hiểu được mà chỉ bằng sự chiêm ngắm và cảm nghiệm, chúng ta có thể dừng lại ở một số điểm sau đây để suy niệm.
1. Sự sống tự thân và sự sống lệ thuộc.
“Làm sao ông này lấy Thịt cho chúng ta ăn được?” Những người Do-thái đa nghi đối với Thiên Chúa trong sa mạc xưa cũng có giọng điệu như thế (x. Ds 11,4.18). Tin Mừng thứ tư vốn thích chơi chữ đã đưa vào trình thuật ở đây một ý nghĩa khác, là Chúa Giê-su muốn nói đến việc chia sẻ và thông ban sự sống phục sinh và đã được Thần Khí biến đổi.
Người Do-thái không thể hiểu nổi mầu nhiệm “chuyển bản thể”, Thịt Chúa trở thành bánh ăn và bánh miến thành Mình Thánh Chúa, sâu xa hơn là do họ không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể biến đổi và không tin được Đấng đang nói đó là một Thiên Chúa nhập thể – Thần Linh trong con người hữu hạn.
Trong văn hóa Híp-ri, thịt và máu chỉ là con người trong thân phận xác đất vật hèn, có sinh có tử. Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận toàn diện “chất người” của Chúa (trong thân phận xác đất vật hèn của nó) làm sở hữu của chúng ta, và “chất người” ấy thông ban cho ta thần tính của nó.
Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giêsu Kitô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người. Chúa Kitô biến đổi tín hữu, ban cho họ sự sống của Người và kết hợp họ vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho tín hữu sự sống ấy nhờ họ ăn Mình Người, họ cũng được thông phần cuộc sống đời đời.
Qua những cử chỉ hữu hình, người tín hữu tham dự vào thực tại vô hình và sống kết hợp với Chúa Kitô Phục Sinh. Giáo hội định nghĩa Bí tích là một thứ hữu hình tượng trưng và sản sinh một thực tại thiêng liêng. Khi tín hữu lấy đức tin mà tham dự vào các Bí tích, họ gặp gỡ Chúa Kitô hằng sống đang đổi mới cuộc đời họ. Trong tiệc Thánh (thánh lễ) các tín hữu thật sự nhận lãnh Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô trong cái chỉ còn là hình thức của bánh và rượu. Chúa Kitô Phục Sinh tự biến mình thành thức ăn nuôi dưỡng cho các tín hữu được sống đời đời (CGKPV).
Lời khẳng định cách tỏ tường và quyết liệt của Chúa Giêsu: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết”, nói lên tầm quan trọng của việc rước Thánh Thể Chúa. Thân xác ăn thứ bánh man-na hữu hạn nên sự sống của thân xác chỉ có hạn; còn linh hồn ăn Thịt Chúa Kitô là sự sống vĩnh cửu nên đạt tới sự sống đời đời.
2. Sự sống Thiên Chúa Ba Ngôi.
Trong mầu nhiệm Ba Ngôi: Chúa Cha yêu Chúa Con đã nhiệm xuy ra Thánh Thần Tình Yêu, tình yêu giữa Ba Ngôi liên kết với nhau khi hướng về nhau đến nỗi trở nên một với nhau. Chúa Giê-su cũng yêu các môn đệ bằng cách luôn hướng các môn đệ, và muốn các môn đệ cũng đáp lại tình yêu đó là luôn hướng về Người, kết hiệp với Người và ở lại trong Người, để cùng nên một với Người, như Người ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Người vậy.
Hôm nay, Chúa Giê-su dùng hình ảnh sự sống Ba Ngôi để diễn tả sự kết hiệp của Ki-tô hữu với Người nhờ ăn Bánh Hằng Sống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy”. Chúa Cha và Chúa Con vừa hiện hữu tự thân vừa hiện hữu hướng về nhau đến duy nhất. Thì đây, kẻ ăn thịt Chúa Giê-su thông phần vào sự sống Ba Ngôi Thiên Chúa, khi hiện hữu hướng về Thiên Chúa và nên một với Người. Chúa Ki-tô sống, nên kẻ ăn Người cũng sống và sống viên mãn như Người.
“Ki-tô hữu” có nghĩa là “người thuộc về Chúa Ki-tô”, nên cuộc sống Ki-tô hữu đương nhiên phải là cuộc sống trong Chúa Ki-tô và sống bằng sức sống của Người bằng việc rước Mình Máu Thánh Người. Hình ảnh các Ki-tô hữu cùng ăn chung một tấm bánh (là Mình Thánh Chúa Giê-su) và cùng uống chung một chén (là Máu Thánh Chúa Giê-su) trở thành duy nhất trong một thân thể huyền nhiệm Chúa Ki-tô. Như thế, chính Thánh Thể là sự sống, là hơi thở, là mối dây liên kết và làm cho thân thể huyền nhiệm (Chúa Ki-tô là đầu và các ki-tô hữu là chi thể) được sống viên mãn.
Tóm lại: Sự sống thể lý không phải là sự sống tự thân mà là sự sống lệ thuộc, nghĩa là nó cần đến lương thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, nên sẽ đến lúc sự sống đó không thể thâu nạp được lương thực nữa nó sẽ èo ọt yếu ớt và chết. Còn sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự Sống là Thánh Thể, mà Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Chúa Ki-tô và là sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi thông truyền cho linh hồn. Nhờ rước lấy Chúa Ki-tô mà Ki-tô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng.
Lạy Chúa Giê-su, chỉ trong Ngài chúng con mới được sống và được hiện hữu. Xin cho chúng con luôn biết khao khát của ăn đích thực là Mình và Máu Chúa, để chúng con được nâng đỡ và bổ sức trên đường lữ hành trần thế và mai sau đạt tới sự sống muôn đời. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 12, 49-53
“Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!
“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu chống lại mẹ chồng.”
II. SUY NIỆM
“NGỌN LỬA THẦN KHÍ, ĐỨC TIN VÀ LÒNG MẾN”
Sự xuất hiện của Chúa Giê-su đã làm lộ ra những vết đen trong đời sống con người bằng ánh sáng Lời Chúa. Ánh sáng ấy làm chói mắt những kẻ quen bóng tối và chỉ muốn an thân, nhưng ánh sáng ấy lại cần thiết để khởi sự việc thăng tiến con người. Nhờ đó, con người thấy chỗ sai của mình. Mà có biết sai thì mới biết sửa sai cho đúng.
Đó chính nội dung sứ điệp bài Tin Mừng hôm nay nhắm tới, khi Chúa Giê-su khẳng định sứ mạng của Người là đem lửa đến thế gian và tạo nên một sự đối kháng giữa những người chọn Chúa và những người theo thế tục.
1. Sứ mạng của Chúa Giê-su
* Đem lửa xuống trần gian và mong lửa cháy bùng lên.
Theo Thánh Kinh, lửa ở đây có thể hiểu là: Sự phán xét, Thần Khí, đức tin và lòng mến.
Sự phán xét: Sự xuất hiện của Đức Giê-su tự bản chất nói lên một sự phán xét thế giới giữa công và tội, giữa thiện và ác. Điều này cũng nói lên việc thanh luyện những kẻ hiếu trung với Chúa (x. Lv 10,2 và Lc 3,9).
Thần Khí: Thánh hoá và ban sức mạnh cho môn đệ cũng như mọi tín hữu, để họ mạnh dạn rao giảng Tin Mừng (x. Cv 2,3-19).
Đức Tin: Ngọn lửa Đức Tin cần được thắp lên trong mọi người và chiếu sáng trước mặt thiên hạ.
Lòng Mến: Ngọn lửa yêu mến hay lửa tình yêu, đó là Tình Yêu nơi Thánh Tâm Chúa được trào tràn trên chúng ta và từ đó chúng ta cũng biết sống yêu thương bác ái với mọi người.
Tóm lại: Chúa mong cho ngọn lửa Thần Khí, Đức Tin và lòng yêu mến được lan toả trên trần gian.
* Phép rửa Chúa Giê-su chịu.
Phép Rửa mà Chúa phải chịu và những mong hoàn tất, chính là Cuộc Tử Nạn của Chúa Giê-su, vì đây là đỉnh cao của sứ mạng cứu độ. Mọi người tín hữu chúng ta khi chịu Phép Rửa Tội là được dìm mình trong sự chết của Đức Ki-tô, có nghĩa là phải chết đi cho tội lỗi, để cùng với Đức Ki-tô mặc lấy con người mới – con người Phục Sinh. Nghĩa là bỏ đi mọi hành vi tội lỗi và sống cuộc đời công chính.
2. Sự chọn lựa của người môn đệ theo Chúa
“Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ…”
Nghe có vẻ ngược đời, vì từ ngày truyền tin, Thiên Thần Chúa ca hát: “Bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, bình an ở đây là sự bình an nội tâm và những người thiện tâm thì luôn tìm được bình an nội tâm nơi Chúa. Còn sự chia rẽ ở đây nói lên một sự lựa chọn cho người môn đệ. Những ai dám sống và hành động theo con đường Chúa Giê-su, thì thường bị người đời coi là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, thậm chí còn bị ghen ghét hoặc bị bách hại đủ kiểu.
Môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ mà Chúa Giê-su phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ từ trong các gia đình: trong cùng một nhà mà có những người tin Chúa và có kẻ lại không tin, có kẻ ủng hộ và người phản đối. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được ơn cứu độ
Sự giằng co chia rẽ xảy ra trong nội tâm từng người và cả tập thể xã hội. Có những người sẽ đứng lên chống báng một sự cứu rỗi mà họ cho là tiêu cực, là hạ đẳng, là ‘thuốc phiện của quần chúng’. Tin Mừng do đó không cho phép tồn tại một sự yên ổn bình thân.
Hoà bình theo đường lối Đức Giê-su là sự hiệp nhất có được do mọi người thuận theo thánh ý duy nhất của Chúa. Để có được thứ hoà bình này, con người phải can đảm cùng bước ra khỏi bóng tối sự dữ để đến với anh em, dám dứt khoát nói “không” với cám dỗ, dám lội ngược dòng với khuynh hướng thấp hèn. Đức Giê-su đến như ngọn lửa tạo ra vùng trời ánh sáng đó chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su, để theo Chúa, chúng con bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực. Xin giúp chúng con sẵn sàng vượt lên tất cả để chọn Chúa là gia nghiệp. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post