CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 18,21-19,1
Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? “Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao! ” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.” Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? ” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
II. SUY NIỆM
“THA THỨ”
Thánh sử Mát-thêu trình bày một cách liên tục các Lời Giáo Huấn của Chúa Giê-su về mầu nhiệm đức ái trong tương quan giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người với nhau: Thiên Chúa luôn tha thứ cho tội nhân và đi bước trước tìm kiếm họ trở về qua hình ảnh mục tử đi tìm con chiên lạc (x. Mt 18,12-14), con người tự tìm đến giúp nhau sửa lỗi cách nhân bản và tha thứ cho nhau (x. Mt 18,15-17), sự yêu thương tha thứ giữa con người chính là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ (Mt 18,35).
Tương quan giữa người với người phản ảnh chính tương quan giữa con người với Thiên Chúa, khi con người biết tha thứ cho nhau thế nào thì Thiên Chúa cũng tha thứ cho con người như thế. Đó chính là nội dung của bài Tin Mừng hôm nay:
1. Tha thứ bao nhiêu lần là đủ?
Người ta vẫn thường nói: “Quá tam ba bận”. Nghĩa là thông thường người ta xem hạn định của sự tha thứ ba lần đã là tối đa. Trong Tin Mừng hôm nay, Phêrô còn đi xa hơn, hơn gấp đôi, ông lấy con số bảy là con số đủ của người Do-thái làm tiêu chuẩn và tưởng đó là một mức độ cao nhất, khi ông thưa với Chúa Giê-su: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? “. Đáp lại, Chúa Giê-su nói với Phêrô: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”
Bảy mươi lần bảy ở đây không phải là bốn trăm chín mươi hay là một con số lũy thừa của số bảy mươi, nhưng mang một ý nghĩa tượng trưng hàm ý là tha mãi mãi – tha không giới hạn. Thật vậy, con người thường đưa ra cho nhau những hạn định trong mọi tương quan xã hội, kể cả phương diện đức ái. Con người đưa ra số lần tha thứ, đưa ra điều kiện để tha thứ, đưa ra mức độ nặng nhẹ để tha thứ và phân loại đối tượng được tha thứ… Còn Thiên Chúa thì chỉ biết tha thứ không giới hạn, bao nhiêu lần tội nhân chạy đến với Người là bấy nhiêu lần được Người tha thứ.
Tình thương Thiên Chúa thì vô hạn như bản tính vô hạn của Người. Sự tha thứ của Người không tính đến số lần hay phân loại. Bằng chứng là chúng ta cứ xưng hoài một tội tái đi phạm lại dù lần trước hứa với Người nhưng lần sau lại phạm còn nặng hơn, nhưng Thiên Chúa chỉ biết lúc chúng ta đến với Người và tha thứ cho chúng ta.
Hôm nay, lời Chúa Giê-su nói với Phêrô rằng “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”, thì Người cũng đang mời gọi mọi người chúng chúng ta biết sẵn sàng để tha thứ cho nhau, như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.
2. Tha thứ là điều kiện để được thứ tha.
Liền sau lời mời gọi tha thứ không giới hạn là lời dạy của Chúa Giê-su về điều kiện để được Thiên Chúa thứ tha qua dụ ngôn “con nợ không biết thương xót”. Dụ ngôn phản ảnh bản tính của con người vốn muốn được tha thứ nhưng đến lượt mình lại khó tha thứ cho nhau.
Sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho con người được ân thưởng Nước Trời, vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau.
Khi không tha thứ cho nhau và mang trong mình sự hận thù, thì chính chúng ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi chúng ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản. Tha thứ thì chúng ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Có thể nói, tha thứ là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
Tha thứ, thật ra là rất khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang đời con cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy yếu đuối và giới hạn, để từ đó dễ cảm thông và không lên án tha nhân. Xin cũng cho chúng con luôn biết sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, để chúng con cũng được Chúa thứ tha tội lỗi. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 8,27-33
Đức Giê-su và các môn đệ của Người đi tới các làng xã vùng Xê-da-rê Phi-líp-phê. Dọc đường, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai? ” Các ông đáp: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Người lại hỏi các ông: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? ” Ông Phê-rô trả lời: “Thầy là Đấng Ki-tô.” Đức Giê-su liền cấm ngặt các ông không được nói với ai về Người.
Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng Kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng khi Đức Giê-su quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người trách ông Phê-rô: “Xa-tan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người.”
Rồi Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
II. SUY NIỆM
“THẦY LÀ AI?”
Bài Tin Mừng hôm nay là một chấn vấn cho niềm tin của mọi người, qua việc Chúa chất vấn các môn đệ gọi Người là ai? Câu trả lời cho thấy sự hiểu biết khiếm khuyết của người ngoài và xác định cách sống niềm tin của Ki-tô hữu chúng ta:
1. Anh em gọi Thầy là ai?
Những ghi nhận của mọi người về Chúa Giê-su thật ra không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giê-su là Chúa:
– Là Êlia (một ngôn sứ quyền năng, làm phép lạ…)
– Là Giêrêmia (một ngôn sứ bị bắt bớ và đầy đau khổ)
– Là Gio-an Tẩy giả (rao giảng sự sám hối và sống khắc khổ)
– Là một ngôn sứ nào đó (đời sống chứng nhân và rao giảng).
Câu trả lời do mặc khải của Chúa Cha cho Phêrô là: Đức Giê-su – Con Thiên Chúa. Danh xưng Con Thiên Chúa bao gồm trọn vẹn mọi hình ảnh trên, một Đức Giê-su Ki-tô Tử Nạn và Phục Sinh.
“Thầy là Đấng Ki-tô”. Phải, chúng ta tuyên xưng một Đức Giê-su là Đấng được xức dầu (Christo) và là Chúa, nghĩa là Đức Giê-su quyền phép chữa lành bệnh tật và uy thế trước thế quyền (Êlia), một Chúa Giê-su đau khổ nơi người bất hạnh (Giêrêmia), một Đức Giê-su rao giảng ơn sám hối (Gio-an Tẩy giả), một Đức Giê-su chứng nhân và rao giảng (các ngôn sứ)…
Hôm nay Chúa chất vấn từng người: “Này anh, này em, này bạn, các anh chị gọi Tôi là ai”? Chúng ta ai cũng phải có câu trả lời thật cho chính mình. Chúng ta có còn tuyên xưng Chúa là Chúa trong cuộc đời chúng ta nữa không? hay là chỉ tuyên xưng ông thần tài…? Sự tuyên xưng đó được cụ thể bằng việc bước theo con đường thánh giá mà Chúa Giê-su đã đi, như Người đã báo trước cho các môn đệ.
2. Ngăn cản việc thực hiện ý Chúa là hành động của Sa-tan.
Trong Tin Mừng, chúng ta ít gặp Chúa Giê-su mắng các môn đệ, nhưng trong đoạn tường thuật này, Chúa đã mắng Phêrô cách hết sức nặng nề, ngang với việc Người từng mắng Tên Cám Dỗ (Sa-tan) trong sa mạc (x. Mt 4,8-9). Cũng giống như hành động của Tên Cám Dỗ, Chúa mắng Phêrô vì ông đã ngăn cản Người thực hiện ý Chúa Cha là chịu Tử Nạn để cứu độ. Dù trước đó, Phêrô đáng được điểm 10, nhưng sau đó lại vị điểm 0. Phêrô đáng khen vì tuyên xưng đúng bản tính và sứ vụ của Chúa Giê-su, nhưng lại bị chê là thoái thác tìm cách trốn tránh sự khó khăn trong Ý Chúa định. Chúng ta cũng thế, đi đạo và giữ đạo chỉ khi vui, nhưng khi gặp thử thách thất bại thì dễ phàn nàn trách mình thoái lui.
3. Từ bỏ chính mình và vác thập giá mình theo Chúa Giê-su
Ở đây, Chúa Giê-su nói rõ là “bỏ mình”. Bỏ mình tức là bỏ chính cái tôi của mình, đó là sự từ bỏ khó khăn nhất. Alexande từng nói: “Thắng được vạn quân còn dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.
Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Người được. Cụ thể, việc chúng ta giữ đạo mà vẫn phải bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung và để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ.
Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao.
Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không buộc vác giùm ai. Vác thập giá của mình, chính là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo hội trong đấng bậc mình. Vui nhận những trái ý nghịch lòng làm của lễ dâng Chúa. Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.
Ngày nay, có những cách bách hại rất tinh vi và thâm hiểm của chế độ, của chính thể, của những thứ văn hoá thời đại… Vì thế, đòi hỏi chúng ta phải chết đi mỗi ngày vì những thứ bách hại đó, nghĩa là hi sinh vâng phục theo sự hướng dẫn của Giáo hội mà giữ lề luật Chúa.
Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá. Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa…
“Ai giữ mạng sống mình sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được mạng sống”. Nghe có vẻ thật nghịch lý, nhưng đó lại là chân lý Ki-tô Giáo, bởi vì cái đích đạt tới cuối cùng của chúng ta là sự sống đời đời (mạng sống siêu nhiên) chứ không phải bằng mọi giá phải giữ sự sống thể lý, để rồi chối Chúa.
Khi chúng ta chỉ tìm cái sung sướng cho thân xác đời này, thì sự sống tâm linh của chúng ta èo ọt, nhưng khi chúng ta chịu khó hy sinh, tuy làm cho đời sống thể lý có chút thua thiệt, nhưng sự sống vĩnh cửu của chúng ta đang triển nở.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết tuyên xưng Ngài là Chúa của cuộc đời mỗi người chúng con, được cụ thể bằng sự phó thác và chấp nhận hy sinh, sẵn sàng và vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, hầu cộng tác với Chúa cứu độ các linh hồn. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 15,1-10 (bài dài)
Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các Kinh sư bèn xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này:
“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
“Hoặc người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được? Tìm được rồi, bà ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được đồng quan tôi đã đánh mất. Cũng thế, tôi nói cho các ông hay: giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.”
“Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng: “Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng. Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.
“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ: “Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy. Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.
Bấy giờ người con nói rằng: “Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng: “Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy. Và họ bắt đầu ăn mừng.
“Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời: “Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ. Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha: “Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng!
“Nhưng người cha nói với anh ta: “Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.”
II. SUY NIỆM
« LÒNG THƯƠNG XÓT »
Chủ đề chính của bài Tin Mừng hôm nay là Thiên Chúa yêu thương, tha thứ, đi tìm và đón nhận tội nhân trở về.
Trái ngược với cái nhìn loại trừ của các Kinh sư Do-thái, khi họ bàn tán xầm xì với nhau về việc Chúa Giê-su đã đón nhận và đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi, Chúa Giê-su trả lời các Kinh sư bằng loạt dụ ngôn: Con chiên lạc, đồng bạc mất, và người cha nhân hậu (người con phung phá).
Chỉ có Tin Mừng Luca mới có loạt dụ ngôn đặc biệt này, tác giả đã trình bày sự “lạc lối” của con người theo từng cấp độ khác nhau.
1. Sự lạc lối của tội nhân theo từng cấp độ.
Con chiên lạc: Đây là một sự lạc lối không có chủ ý bỏ đàn và bỏ mục tử mà đi, nhưng vì nó đam mê tìm hoa thơm cỏ lạ nước mát suối ngon, để rồi dần dần bị lạc đàn xa chủ mà không tìm được hướng đi lối về… bơ vơ. Ám chỉ hình ảnh con người dù ban đầu không bỏ Chúa hay bỏ đạo và không sa lầy vào tội, nhưng vì đam mê của cải, thế tục và đi tìm những thứ mới lạ, đắm mình trong những sở thích cho thân xác… để rồi đánh mất Chúa và lạc lối lúc nào không hay.
Đồng bạc mất: Người phụ nữ Do-thái có chồng thì có một chuỗi xâu mười đồng bạc mang ở cổ, khi mất đi một đồng, phần thì bị thiếu không mang được, phần thì do không còn bằng chứng để chứng minh mình đã có chồng và khí tiết với chồng, nên cần phải tìm cho thấy đồng bạc mất. Ở đây, có ý nói, đồng bạc trong một xâu chuỗi bị mất, là bị đứt dây liên kết, tách lìa hoàn toàn với xâu chuỗi và rời khỏi cổ chủ hoàn toàn. Nghĩa là, hình ảnh một người hoàn toàn cắt đứt với Giáo hội và xa lìa khỏi sự cưu mang của Chúa.
Người con phung phá: Là một người con quyết ra đi có chủ ý, dù không từ nhận cha mình, không cắt đứt với anh mình, nhưng nó muốn bỏ nhà cha và xa anh để ra đi khẳng định mình bằng những gì mình mang theo (dù đó là của cha cho), muốn tự lập và tự do thoải mải ngoài luân thường đạo lý. Đây là mẫu người dù không từ chối Chúa và Hội thánh, nhưng muốn tự mình giải thoát, tin vào khả năng mình (mặc dù khả năng đó là do Chúa ban), muốn vượt ra ngoài giáo huấn Tin Mừng và lề luật Hội thánh để được tự do phóng khoáng và giữ “đạo tại tâm”.
2. Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót.
Hình ảnh con chiên lạc như đã nói trên là vì nó lạc bước không có chủ ý, mà do đam mê cỏ ngon suối ngọt mà nó bị lạc, nên nó vẫn muốn tìm về, nhưng nó không tìm được đường về, hoặc bị sa xuống hố, hay đang bị cầm giữ, nên chủ nó mới đi tìm về, cho nó được nhập lại đàn và băng bó chữa trị cho nó. Cũng thế, không ít người trong chúng ta cũng lạc lối bơ vơ trong những đam mê, sa lầy trong tội lỗi, bị mọi thứ thế gian che khuất không tìm thấy lối trở về nẻo chính đường ngay. Chúa vẫn đã, đang và sẽ mãi đi tìm chúng ta để chữa lành và đưa về với Hội thánh. Đó là điều làm cho chúng ta an tâm và ngoan ngoãn cho Chúa đưa về.
Hình ảnh đồng bạc mất, nói lên một hành động đã cắt “đứt” mối dây tương quan trong Hội thánh và “rời khỏi cổ” là sự ôm ấp của Chúa; đồng bạc có thể đang nằm trong xó tối hay bị người ta chà đạp lên… Chúng ta đừng thất vọng, Chúa sẽ đi tìm chúng ta, dù chúng ta đã xa lìa Giáo hội, nhưng Chúa vẫn không bỏ ta, Giáo hội vẫn mở rộng cửa đón chờ.
Đặc biệt, dụ ngôn “Người cha nhân hậu”, làm nổi bật lên hình ảnh một Thiên Chúa giàu Lòng Thương Xót, chờ đợi người con tội lỗi trở về để tha thứ và cho được giao hòa với Thiên Chúa và giao hòa với cộng đồng. Đồng thời, mời gọi người anh em đồng loại cùng tha thứ và giao hòa với nhau:
Hình ảnh người cha nhân hậu luôn ra đứng trước cửa chờ đợi và chuẩn bị đầy đủ đồ đẹp và bê béo, đằng đẵng đợi chờ đứa con trở về để phục hồi nhân phẩm cho con. Người cha là là hiện thân một Thiên Chúa giàu lòng thương xót, luôn kiên nhẫn chờ đợi tội nhân trở về để tha thứ và phục hồi lại quyền làm con cho họ.
Hình ảnh người con thứ là mẫu người dù không từ chối Chúa và Hội thánh, nhưng muốn tự mình giải thoát, tin vào khả năng mình, muốn vượt ra ngoài giáo huấn Tin Mừng và lề luật Hội thánh để được tự do phóng khoáng và giữ “đạo tại tâm”.
Riêng người con cả, tưởng là anh gần gũi cha nhất nhưng lòng anh thực sự rất xa cha. Đây là hình ảnh phản diện nhất về sự giao hòa mà chúng ta cần quan tâm suy nghĩ hơn:
Trong khi người cha tha thứ và vui mừng vì con mình trở về, thì anh lại giận dỗi loại trừ em mình.
Trong khi người cha mở tiệc ăn mừng và phục hồi quyền thừa tự cho đứa con lầm lạc, thì anh ruột lại từ chối vào ăn uống với em và không nhận em.
Trong khi người cha tha thứ và quên hết chuyện quá khứ, thì anh cả nhắc lại và phân bì…
Người cha sống yêu thương con, nhưng đứa con cả lại sống như một người nô lệ (hầu hạ cha…).
Người cha hạ mình để đến với từng đứa con, chạy ra ôm đứa con thứ, chạy đến mời con cả vào nhà. Trong khi người anh lại ganh tị và lấy mình làm chuẩn để phân bì. Người anh tự cho mình là tốt để rồi lên án em và trách cha không công bằng.
3. Đến lượt chúng ta…
Chúa sẵn sàng quên hết quá khứ của người tội lỗi, còn chúng ta thì bới móc lên, mang lấy thành kiến – yên trí cả đời.
Chúa đón nhận, tha thứ và tạo cơ hội cho tội nhân trở về, còn chúng ta kết án và loại trừ người anh em, con cùng một cha trên trời
Có thể chúng ta cũng đang mang tâm trạng như người con cả, chúng ta vẫn đi nhà thờ đi lễ, vẫn chu toàn các giới răn lề luật, không hề trái bao giờ, nhưng chúng ta lại không hiểu được lòng Cha, không cảm nhận được tình yêu của Người, lòng chúng ta đã xa Người, và điều khiến người cha đau khổ hơn nữa là khi thấy những người con không hòa thuận với nhau.
– Có thể chúng ta cũng giống như người con cả khi chúng ta trách móc Thiên Chúa không công bằng, khi chúng ta nhìn anh em xung quanh như là người xa lạ với mình như là người dưng nước lã và ganh tỵ với những thành công của người anh em…
Cũng có thể, chúng ta như người con phung phá, dù không từ chối Chúa và Hội thánh, nhưng muốn tự mình giải thoát, tin vào khả năng mình (mặc dù khả năng đó là do Chúa ban), muốn vượt ra ngoài giáo huấn Tin Mừng và lề luật Hội thánh để được tự do phóng khoáng và giữ “đạo tại tâm”.
Tóm lại, bài Tin Mừng hôm nay đặc biệt nói lên tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, đi tìm, chữa lành và đón nhận tội nhân trở về. Nếu lúc này còn những ai đang lạc bước trong tội, chúng ta đừng tuyệt vọng, hãy tin tưởng vào Chúa và đưa tay cho Người dắt về. Lại nữa, để được Thiên Chúa tha thứ, chúng ta cần biết bao dung, đón nhận và tạo cơ hội cho tội nhân trở về. Cả triều thần thiên quốc và Hội thánh vui mừng vì chúng ta bỏ đường lối xấu mà cải thiện đời sống.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa, biết học nơi Chúa cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người, để chúng con không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post