CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 20,1-16
“Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.”Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? ” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho! ” Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất. “Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức? ” Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
II. SUY NIỆM
“LÒNG TỐT CỦA THIÊN CHÚA”
Để hiểu được bài Tin Mừng này trước hết cần phân biệt: Sự CÔNG BÌNH theo cách nghĩ của con người và LÒNG TỐT của Thiên Chúa.
Phải, nếu theo suy nghĩ của chúng ta trong lãnh vực làm kinh tế thì sạt nghiệp vì cách trả lương kiểu không giống ai của ông chủ trong dụ ngôn và cũng chẳng còn công nhân nào dám bén mảng vào làm cho mình nữa.
Tuy nhiên, đây là một dụ ngôn (Parable) là một câu chuyện giả tạo có thể xảy ra trong thực tế, để chuyển đạt ý niệm về một thực tại cao siêu xuyên qua việc so sánh với một thực tại thường nhật. Chúa Giê-su dùng câu chuyện vườn nho để diễn tả về mầu nhiệm Nước Thiên Chúa.
Chúng ta là những người thợ vinh dự được Thiên Chúa mời gọi vào vườn nho Giáo hội. Có thể trong chúng ta, có những người được may mắn gia nhập vào vườn nho Chúa rất sớm, ngay từ khi ban mai của cuộc đời; cũng có những người vì hoàn cảnh hay lý do nào đó, họ chỉ được mời gọi vào vườn nho Giáo hội trong thời điểm của ngày tàn. Nhưng điều đó không quan trọng, điều quan trọng là chúng ta đã được Chúa yêu thương mời gọi vào vườn nho Giáo hội của Chúa, nên hãy ý thức cố gắng làm việc hết mình và hết tình trước tình yêu mời gọi của Người.
Mỗi người chúng ta được kết nạp vào Giáo hội, có người được vinh dự làm con Thiên Chúa ngay từ lúc cha mẹ đem đến rửa tội (buổi sáng), có người được tham gia lớp dự tòng hoặc trở lại khi xây dựng hôn nhân (giờ thứ 9 – trưa), có người trở lại lúc tuổi già bệnh tật (giờ thứ 11 – chập tối), nhưng có người được ơn trở lại lúc hấp hối (giờ phút chót)… nhưng phần thưởng chung cho mọi người là cùng một Đức Tin, cùng một Phép Rửa, một Thánh Thần, một ơn Cứu Rỗi, một Nước Trời. Người gia nhập đạo tin nhận Chúa từ lúc khởi đầu hay giờ lâm chung thì cùng chung một ơn Cứu Độ là Chúa Giê-su Ki-tô, cùng chung một Thiên Đàng và cùng chiêm ngưỡng một Thiên Chúa duy nhất. Đó là ý nghĩa “một đồng” cho mọi thành phần dân Chúa khi làm con Giáo hội, con dân Nước Trời.
Đã thương xót thì không còn đứng trong ranh giới công bình, người thu thuế, kẻ đàng điếm, kẻ sinh trước, người sinh sau, Thiên Chúa đều cho tự do chen nhau hưởng ơn cứu độ. Thiên Chúa thì rộng rãi và giàu lòng xót thương như thế, còn chúng ta?
Thiên Chúa đối xử với chúng ta không theo sự công bình của chúng ta, vì công trạng chúng ta chẳng là gì so với những tội lỗi xúc phạm đến sự chí thánh của Thiên Chúa. Trái lại, tất cả chúng ta được hưởng ơn cứu chuộc không phải do công trạng chúng ta giữ đạo mà là do Lòng Tốt của Người. Đây là cốt lõi của việc “công chính hóa” – con người không thể dựa vào điều được cho là công trạng của mình để buộc Thiên Chúa phải thưởng công và phân bì với người khác trước mặt Thiên Chúa, nhưng được ơn cứu độ là do bởi Thiên Chúa ban – Điều quan trọng là luôn biết chu toàn bổn phận của mình trước mặt Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn ý thức rằng, mọi ân huệ là đến từ lòng yêu thương của Chúa chứ không do công trạng của chúng con, để chúng con luôn biết tri ân cảm tạ Chúa và không kiêu căng tự phụ hay ganh tỵ với tha nhân. Amen
Hiền Lâm
Hoặc:
Các bài Lời Chúa hôm nay, cách riêng bài Tin Mừng,
nếu chúng ta ai cũng theo cách làm của Chúa (hiểu theo nghĩa đen thực tế), thì chắc sạt nghiệp hết.
Một ông chủ công ty xí nghiệp mà trả lương anh buổi mai như chị buổi chiều thì công nhân nào làm cho,
mở một quán cà phê mà trả lương cho đứa làm cả ngày bằng đứa làm một ca chiều thì ma nó đến làm.
Chúng ta cần biết, dụ ngôn thì không nhất thiết đó là chuyện thật.
Dụ ngôn là Parable, nghĩa là một câu chuyện được nói ra có thể có thật và cũng có thể không có thật,
nhằm chuyển tải một ý nghĩa tinh thần nằm sau câu chuyện đó.
Vì thế, câu chuyện dụ ngôn ông chủ thuê mướn nhân công làm vườn nho thỏa thuận trả một đồng,
không quan trọng ở chỗ nói lên sự CÔNG BẰNG theo kiểu con người,
mà là nói đến LÒNG TỐT của ông chủ là Thiên Chúa.
Ông chủ trả mỗi ngày một đồng, tương đương với một ngày công mà người Do-thái trả cho một người, để đủ ăn tiêu chi phí trong một ngày.
Mỗi người dù tìm được việc vào giờ nào, nhưng họ cần đủ sống với gia đình vợ con trong một ngày vì thế mà ông chủ thương mọi thân phận, nên ông quan trọng TÌNH THƯƠNG hơn là CÔNG BÌNH giao hoán.
Hơn nữa, ông đã ra giá là mỗi ngày 1 đồng, không hề nói ai làm trước hay làm sau hơn kém.
Đó là cách đối xử của Thiên Chúa dành cho chúng ta, nếu Chúa đòi hỏi ai cũng phải lập công cho Chúa bằng nhau thì mới được cứu độ, thì hỏi được mấy người?
Vậy thì, 1 đồng mà Chúa trả đây là gì? Công trạng của chúng ta thế nào?
Một đồng đây là: Mỗi người chúng ta được vào Giáo hội,
có người được vinh dự làm con Thiên Chúa ngay từ lúc cha mẹ đem đến rửa tội (buổi sáng),
có người được tham gia lớp dự tòng hoặc trở lại khi xây dựng hôn nhân (giờ thứ 9 – trưa),
có người trở lại lúc tuổi già bệnh tật (giờ thứ 11 – chập tối),
nhưng có người được ơn trở lại lúc hấp hối (giờ phút chót)…
nhưng phần thưởng chung cho mọi người là cùng một ĐỨC TIN,
cùng một PHÉP RỬA,
một THÁNH THẦN,
một ƠN CỨU RỖI,
một NƯỚC TRỜI.
Người gia nhập đạo tin nhận Chúa từ lúc khởi đầu hay giờ lâm chung thì cùng chung một ơn Cứu Độ là Chúa Giê-su Ki-tô,
cùng chung một Thiên Đàng và cùng chiêm ngưỡng một Thiên Chúa duy nhất.
Đó là ý nghĩa “một đồng” cho mọi thành phần dân Chúa khi làm con Giáo hội, con dân Nước Trời.
Chúng ta có được đòi công bình ư?
Ơn Cứu Độ là do Chúa ban, chứ sức chúng ta chẳng là gì.
Chúng ta lấy gì để so đo trước mặt Thiên Chúa?
Thiên Chúa đối xử với chúng ta không theo sự công bình của chúng ta,
vì công trạng chúng ta chẳng là gì so với những tội lỗi xúc phạm đến sự chí thánh của Thiên Chúa. Trái lại, tất cả chúng ta được hưởng ơn cứu chuộc không phải do công trạng chúng ta giữ đạo
mà là do Lòng Tốt của Người.
Đây là cốt lõi của việc “công chính hóa” –
con người không thể dựa vào điều được cho là công trạng của mình để buộc Thiên Chúa phải thưởng công và phân bì với người khác trước mặt Thiên Chúa,
nhưng được ơn cứu độ là do bởi Thiên Chúa ban –
Điều quan trọng là luôn biết chu toàn bổn phận của mình trước mặt Thiên Chúa.
Như vậy, hôm nay Chúa muốn nói với chúng ta 2 bài học:
Bài học thứ nhất: – Tư tưởng của chúng ta không phải là tư tưởng của Thiên Chúa:
Như trong bài đọc I sách ngôn sứ Isaia:
“Tư tưởng Ta không phải là tư tưởng các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta, Chúa phán như vậy. Như trời cao hơn đất thế nào, thì đường lối Ta vượt trên đường lối các ngươi, và tư tưởng Ta cũng vượt trên tư tưởng các ngươi thế ấy”. (Is 55, 7-9)
Nghĩa là, chúng ta hãy đối xử với mọi người theo tình thương, hơn là đòi hỏi họ phải như ý mình, đối xử với nhau bằng lòng thương xót hơn là đòi hỏi sự công bằng đáp trả có qua có lại. Chúng ta không thể đòi hỏi một người nghèo phải thế này thế kia như một người có khả năng đền đáp.
Bài học thứ hai: Chúng ta sống và làm việc vì Chúa:
Thánh Phao-lô nói trong bài đọc II, thư gửi tín hữu Philipphe:
“Ðức Kitô sẽ được vẻ vang trong thân xác tôi. Vì đối với tôi, sống là Ðức Kitô, còn chết là một mối lợi” (Pl 1,20c).
Nghĩa là, chúng ta làm điều gì đó cho cuộc sống hay giúp đỡ ai, là làm vì danh Chúa
Thì chúng ta không đòi hỏi đền đáp 1 đồng hay là phân bì với người này người kia.
Bởi như đã chia sẻ ở trên:
Chúng ta dù trước dù sau, dù hơn dù kém, dù đủ dù thiếu…
Thì cũng chỉ chung 1 đồng
Là một Chúa, một Đức Tin, là con cùng một Cha trên trời và… một Nước Trời mai sau.
Amen.
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 9,30-37
Đức Giê-su và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.
Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? ” Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
II. SUY NIỆM
“AI MUỐN LÀM ĐẦU THÌ PHẢI HẦU THIÊN HẠ”
Từ ngày theo Chúa Giê-su, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giê-su lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ. Vì thế các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giê-su cho làm quan to nhất trong Nước Người. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giê-su sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là vương quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ.
1. Nước Trời dành cho những tâm hồn bé mọn.
“Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là phải biết sống tự hạ khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người.
Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán ki bo hay những toan tính nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn…
Hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng.
Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.
Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như trẻ nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.
2. Tinh thần tự hạ
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”
Cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…
Các môn đệ Chúa Giê-su trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giê-su lên ngôi để được chia sẻ tước này chức nọ. Vì thế các ngài hỏi khéoThầy Giê-su xem ai được làm quan to nhất trong Nước Người.
Chúa Giê-su không trả lời ai to ai nhỏ trong Nước Trời, mà chỉ đưa ra một “mẫu người” sẽ trở thành lớn nhất trong Nước Trời đó là nên như trẻ nhỏ, và Người nhấn mạnh rằng: “Ai muốn làm lớn thì phải có tự hạ nên như trẻ nhỏ”.
Noi gương Chúa Giê-su đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hi sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.
Lạy Chúa Chúa Giê-su, xin ban cho mọi người chúng con có tinh thần đơn sơ và tấm lòng trong trắng như trẻ thơ, để chúng con đến với mọi người bằng tinh thần khiêm nhu và hăng say phục vụ vô vị lợi, để trong mọi sự Chúa được vinh danh. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 16,1-13
Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: “Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa! Người quản gia liền nghĩ bụng: “Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!
“Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: “Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một trăm thùng dầu ô-liu. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi. Rồi anh ta hỏi người khác: “Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: “Một ngàn giạ lúa. Anh ta bảo: “Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.
“Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.
“Thầy bảo cho anh em biết: hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. Vậy nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng Tiền Của bất chính, thì ai sẽ tín nhiệm mà giao phó của cải chân thật cho anh em? Và nếu anh em không trung tín trong việc sử dụng của cải của người khác, thì ai sẽ ban cho anh em của cải dành riêng cho anh em?
“Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được.”
II. SUY NIỆM.
“KHÉO QUẢN LÝ”
Với dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, có thế nói dùng từ “khôn lanh” cho người quản lý có lẽ đúng hơn “khôn ngoan”. Tuy nhiên, ở đây chúng ta không đặt nặng vấn đề từng chi tiết của dụ ngôn, mà là dừng lại ở nghĩa chính mà dụ ngôn nhắm tới.
Thật vậy, câu chuyện cho thấy người quản lý này có vấn đề không minh bạch trong công việc của mình, bị ông chủ đòi thanh tra sổ sách và tước quyền quản lý của anh. Cái khôn là vì khi anh thấy nguy cơ bị tính sổ và mất chức, thì anh đã biết đặt vấn đề ngay cho tương lai của mình.
Chúa Giê-su không khen việc lỗi đức công bằng này, vì việc làm này là gian lận của chủ, đây là cái khôn lỏi. Tuy nhiên, Chúa khen anh vì biết tận dụng tất cả những khả năng và điều kiện, địa vị sẵn có, để có lợi cho về sau của mình. Anh khôn khéo vì biết tận dụng những ngày cuối cùng còn lại trong nhiệm vụ, để lấy lòng người khác, để tạo một ảnh hưởng và chỗ dựa sau này, biết tận dụng thời gian và những điều kiện có sẵn để lo cho số phận tương lai của mình.
Dụ ngôn chỉ dừng lại ở ý nghĩa là, tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban và là của Chúa, điều quan trọng là chúng ta biết dùng những ơn huệ Chúa ban để giúp đỡ tha nhân, và chính điều này sinh lợi cho chúng ta khi chúng ta không còn được quyền quản lý thân xác và những ân huệ đó nữa.
Mọi sự trần thế không thể theo chúng ta về đời sau! Chính vì thế, Chúa Giê-su dạy chúng ta một điều vô cùng khôn ngoan, là hãy “dùng tiền bạc và những giá trị trần thế để mua lấy bạn hữu để sau này họ sẽ đưa chúng ta về nơi an nghỉ đời đời”.
Kho Tàng Nước Trời của mỗi người chúng ta tuỳ thuộc việc chúng ta sử dụng kho tàng trần thế của mỗi người chúng ta như thế nào: Khi chúng ta tiêu xài cho riêng mình thì Kho Tàng Nước Trời của chúng ta trống rỗng. Trái lại, khi chúng ta cho đi, cho những người bất hạnh, tàn tật, khổ đau là lúc Kho Tàng Nước Trời của chúng ta tăng gấp bội.
Tất cả mọi người đều là những người thủ quỹ của Thiên Chúa. Mọi khả năng, sức khoẻ, thời giờ, địa vị… tất cả đều của Chúa trao ban, chúng ta hãy trở thành các người quản lý tốt, để đời sống chúng ta đem lại vinh quang.
Việc nghĩa mà ta làm sẽ theo ta mãi đến cả khi ta lìa đời. Chúa Giê-su dạy ta biết nhanh chóng tính toán cho cuộc sống mai sau của mình, vì mỗi người chúng ta đều chỉ là những người quản lý được Thiên Chúa trao cho trông coi chính cuộc đời của mình. Chắc chắn chúng ta sẽ không mãi mãi ở thế gian này, mà ai cũng đều có ngày phải trình lại cho Chúa tất cả sổ sách cuộc đời, giải trình cho Người tất cả những gì chúng ta đã làm.
Sự khôn ngoan của chúng ta không phải hệ tại ở sự giàu sang thành đạt, mà là biết dùng những gì mình có chuẩn bị thật tốt cho ngày cuối cùng của mình, vì dù được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì chẳng có ích gì.
Người khôn ngoan là người biết làm giàu ân sủng trước mặt Thiên Chúa và làm giàu tình anh em.
Ngay từ bây giờ, đừng chỉ lo xây cất sắm sửa cho riêng mình, mà còn phải lo sắm sửa cho ngôi nhà của mỗi người ở thế giới mai sau.
Đừng chần chừ đợi đến ngày mai sẽ sắp xếp lại cuộc sống, đừng khất đến hôm sau mới yêu thương, mà hãy bắt đầu ngay từ hôm nay, từ lúc này, vì có thể ngày mai chúng ta sẽ không còn cơ hội nữa.
Dù trong địa vị nào, con người vẫn muốn “bắt cá hai tay”, Chúa cũng muốn mà “xa hoa” cũng muốn. Thật ra, tiền của không có gì là xấu mà là rất cần thiết cho cuộc sống, nhưng nó sẽ xấu khi ta trở thành nô lệ chúng, để rồi vì tiền mà chúng ta không ngại bất cứ thủ đoạn nào phạm đến Chúa và tha nhân. Nhất là vì lo chạy theo tiền bạc mà quên hết việc đạo đức rồi dần dần tiền của lấn át dần Thiên Chúa, ngự trị trong tâm hồn chúng ta thay cho Thiên Chúa.
Sứ điệp trung tâm của đoạn Tin Mừng: “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ” Chỉ có một chủ chứ không có hai chủ. Ai làm đầy tớ cho tiền bạc, người ấy đương nhiên không có quyền làm ông chủ; người ấy mang trên mình cái ách nô lệ này. Quả thật, đồng tiền đúng ra không có quyền, nó là tên nô lệ bất chính… Sự giàu có không sinh ra với chúng ta, không theo chúng ta đến cùng đích của cuộc đời. Chỉ có Đức Ki-tô, ở với chúng ta vì Người là sự sống trường tồn, là Người Chủ duy nhất đưa chúng ta đến hạnh phúc viên mãn.
Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con biết dùng những của cải đời này sao cho ích lợi cho kho tàng mai sau trong nơi vĩnh cửu, để không bị nô lệ cho những của cải thế gian, nhưng biết chọn Chúa là chủ đời mình. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post