CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 21,28-32
Các ông nghĩ sao: Một người kia có hai con trai. Ông ta đến nói với người thứ nhất: “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho.” Nó đáp: “Con không muốn đâu! ” Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi. Ông đến gặp người thứ hai, và cũng bảo như vậy. Nó đáp: “Thưa ngài, con đây! ” nhưng rồi lại không đi. Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha? ” Họ trả lời: “Người thứ nhất.” Đức Giê-su nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại tin. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”
II. SUY NIỆM
“NÓI VÀ LÀM”
Tại một giáo xứ nọ, cha sở muốn mở khoá học Thánh Kinh vào mỗi buổi tối Chúa Nhật. Thánh lễ sáng hôm đó, sau khi cắt nghĩa về lợi ích của Thánh Kinh, Người hỏi giáo dân cho ý kiến, thì có hơn một nửa số người tham dự Thánh Lễ giơ tay đồng ý và tán thành ý tưởng đạo đức này, nhưng cũng trong Thánh Lễ tối hôm đó, cha xứ hỏi xem có bao người sẽ tham dự buổi học Thánh Kinh thì số người giơ tay đăng ký học chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Câu chuyện trên phản ảnh thái độ “ngôn hành bất nhất” mà Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su dạy mọi người qua dụ ngôn “người cha mời gọi hai đứa con đi làm vườn nho”. Cả hai người con đều không phải là người con ngoan thực sự. Người con thứ nhất tuy lúc đầu cãi lời cha nhưng sau hối hận lại đi làm; còn người con thứ hai dạ vâng rồi lại không làm.
Cũng cần phải nói ngay từ đầu là ở đây Chúa Giê-su không cổ võ sự cứng lòng từ chối rồi sau đó mới chịu hoán cải, nhưng Chúa trân trọng những ai lỡ lầm biết hối hận trở về. Mạc khải rằng Thiên Chúa không nhìn chúng ta “đông cứng” nhưng nhìn chúng ta “đang trở thành”.
Yếu tố cốt yếu chính là sự hoán cải của con người: nghĩa là hối hận về một thái độ sai lạc và sau khi đã ý thức, con người ước muốn thay đổi. Đây là điều thấy hiện rõ trong lời Chúa: “Rồi sau anh hối hận và đi làm”.
Dụ ngôn “hai người con” này còn nhấn mạnh đến sự tương phản giữa “nói” và ‘làm’ ‘giữa nói “có” trên môi miệng và nói “không” trong hành động’; kết luận này nhấn mạnh sự tương phản giữa ‘tin’ và ‘không tin’. Chúa Giê-su yêu cầu chúng ta nói tiếng ‘vâng’ bằng một đức tin ‘sống động’. Tiếng ‘vâng’ ấy của đức tin thường là một ‘sự hoán cải, một sự đổi mới cuộc đời’.
Dựa theo thái độ của hai người con trong dụ ngôn, chúng ta cùng suy tư về hai điểm:
“Ngôn hành bất nhất”
“Đánh người chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”.
1. Ngôn hành bất nhất.
Dụ ngôn trước hết nhắm tới các từng lớp lãnh đạo là các thượng tế và kỳ mục Do-thái, khi Chúa Giê-su mở đầu bằng câu: “Các ông nghĩ sao?” và kết thúc: “Tôi bảo thật các ông…”
Chúa Giê-su muốn nói về những điểm khác nhau giữa những người Biệt phái và luật sĩ với những người thu thuế và những kẻ khác. Những người lãnh đạo tinh thần của Israel sống mãi trong một thái độ vị kỷ, làm họ xa Thiên Chúa. Những người này được ví như người con thứ hai, nói làm nhưng lại không làm:
Trong xã hội thời Chúa Giê-su, hàng tư tế, đầu mục, nhóm Biệt phái và thông luật tuy đánh lừa được dư luận, nhưng thực ra, họ đã đánh mất chỗ của họ trong chương trình cứu chuộc của Thiên Chúa. Thế vào chỗ của họ lại là những người thu thuế, những gái điếm, những người mà ai cũng biết là đang vị phạm ý Chúa, được bày tỏ trong lề luật và trong giới răn của Người.
Như các Biệt phái, có những hạng người tỏ ra ngoan đạo, công chính, siêng năng với các việc đạo đức; lời nói thì đầy vẻ thuần phục đối với các giáo huấn của Chúa, nhưng trong hành động lại chẳng có chút vẻ gì là ưng thuận đối với điều Chúa truyền dạy. Những người bề ngoài xem ra dễ bảo, nhưng thực chất lại là người khó dạy. Họ đã có thể đánh lừa được dư luận vì cái mau mắn bên ngoài của họ. Chúa Giê-su thấu suốt thâm tâm nhân loại. Một tội nhân ý thức về tội tính của mình và hối cải khi được ơn sủng đánh động, còn giá trị hơn một người mộ đạo chỉ muốn sống trong vẻ đạo đức của mình, và vì kiêu ngạo không nghe thấy tiếng gọi siêu nhiên. Hiểu như thế, dụ ngôn bày tỏ sự nghiêm trọng và thái độ cứng rắn đặc biệt đối với những ai ở bên trong…
Khi nói về các luật sĩ Do-thái, chúng ta thử nhìn lại chính mình, lắm khi chúng ta cũng chính là đứa con thứ hai trong dụ ngôn. Chúng ta cũng tiền hậu bất nhất. Có thể chúng ta nói theo Thiên Chúa bằng môi miệng nhưng không theo bằng hành động: Vẫn ngoại tình, trộm cắp, cờ bạc, rượu chè, sống thiếu công bình và bác ái trong lời nói lẫn hành động. Có những người nói rất hay nhưng lại không thực hiện những điều mình nói. Có những người bề ngoài rất đạo đức nhưng trong lòng lại chất chứa đầy tính gian tham, lừa đảo…
Tục ngữ có câu: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Chúa Giê-su nhấn mạnh đến đời sống đạo đức thực sự, lòng đạo đức được thể hiện qua việc làm cụ thể chứ không do lời nói suông, không qua hình thức bên ngoài. “Không phải những ai thưa lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, mà chỉ có những ai biết lắng nghe và thực thi lời Chúa mới xứng đáng hưởng Nước Trời”.
Những lời nói đẹp mà thôi không đủ. Chính những hành động của chúng ta mới đáng kể chứ không phải ý định của chúng ta. Dưới góc độ này, Đức Giê-su rất hợp với thời đại: Thế giới ngày nay thán phục tính hiệu quả. Người ta nghi ngờ những người nói hay -những kẻ đại ngôn- chỉ làm cho chúng ta say sưa bởi những lời tuyên bố trống rỗng. Nhưng ý thức hệ lý thuyết đều mất hết tín nhiệm. Người ta phán đoán những lời hứa dựa vào những kết quả có thực.
2. Đánh người chạy đi chứ ai đánh người chạy lại…
Ông bà ta thường nói: “Đánh người chạy đi chứ ai đánh người chạy lại”, nghĩa là con người có lầm lỗi to lớn thế nào đi nữa, nếu biết ăn năn hối hận thì được mọi người thương và tha thứ. Hơn nữa, ăn năn hối hận còn được có cơ hội để làm lại cuộc đời.
Hình ảnh người con thứ nhất nhằm đề phòng chống lại thái độ cứng lòng trong tâm hồn, sự kiêu hãnh tôn giáo, sự an bình giả tạo bên trong và đòi hỏi chúng ta phải nghe Thiên Chúa để theo tiếng gọi của Người.
Tiên tri Ê-dê-ki-en (trong bài đọc I) cũng cảnh báo những ai cho rằng mình đã đạo đức, đã tốt rồi không cố gắng sống tốt hơn, coi chừng ngày nào họ phạm tội thì họ cũng phải chết.
Sứ điệp của Chúa Giê-su là đi tìm con chiên lạc trước chứ không phải tìm con chiên tuy không lạc nhưng lại không ở với chủ. Chúa Giê-su ưa thích hiện diện giữa người tội lỗi để tha thứ và chữa lành hơn là những người tự cho mình đạo đức không cần thống hối. Chúa Giê-su nên Ánh Sáng cho những dân đang ngồi trong bóng tối nhưng qua ánh sao lạ đã tìm đến với Người, hơn là những kẻ tưởng là đang ngồi trong ánh sáng nhưng lại thờ ơ hoặc từ chối Người. Người đến với những nơi mà người ta đem đến cho Người đủ thứ bệnh tật để được Người chữa lành, hơn là đến với những kẻ tìm đến với Người để tìm cách bắt bẻ, gài bẫy và ganh tị…
Chúa Giê-su mạnh mẽ mời gọi những ai nghe theo tiếng Người phải thống hối, biến đổi, sẵn sàng thay đổi hay hoán cải cuộc sống theo lệnh Thiên Chúa. Chỉ có sám hối nhìn nhận mình tội lỗi thì mới được hưởng ơn tha thứ; khiêm tốn nhìn nhận mình bất toàn mới được đổ đầy ân sủng. Sám hối là điều kiện đầu tiên phải có để đón nhận Tin Mừng. Cái quan trọng không phải là khởi điểm, là những lần từ chối đã qua, là các tội dồn đống từng làm nên bao tiếng không với Chúa. Cái quan trọng là nhìn lại những tiếng “không” của mình để đổi thành tiếng “vâng”. Điều đó luôn có thể làm được với ân sủng của Thiên Chúa.
Như vậy, Chúa Giê-su đưa chúng ta về trách nhiệm của mình: Dù quá khứ của chúng ta là gì, dù trước đó chúng ta từ chối điều gì một sự thay đổi là luôn luôn có thể. Chúa Giê-su là Đấng không bao giờ giam hãm một người nào trong quá khứ, là Đấng cho mỗi người cơ hội của mình, dù đó là người tội lỗi nhất. Bởi “không có thánh nhân nào mà không có quá khứ, và không có tội nhân nào lại không có tương lai…” Con người có thể thay đổi từ “vâng” sang “không” và từ “không” sang “vâng”. Giá trị của lời nói “không” hay “vâng” không tùy vào lúc vừa được nói ra, mà tùy theo sau đó người ta có thực hiện hay không. Nói “vâng” mà không làm đâu có giá trị bằng nói “không” mà lại làm. Lời hứa không tạo nên uy tín cho con người; lời nói tốt không thể thay thế cho những việc làm tốt.
Lạy Chúa Giê-su, cả hai người con trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay đều có thể là bài học cho chúng con: nếu chúng con giống người con thứ nhất đã lỡ nói “không” với Chúa bấy lâu nay thì bây giờ xin giúp chúng con nói lại “xin vâng”; còn nếu chúng con giống người con thứ hai đã thưa “xin vâng” thì đừng để cho mình bị thay đổi mà sửa lại thành “không” với Chúa nữa. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 9,38-43.45.47-48
Ông Gio-an nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, chúng con thấy có người lấy danh Thầy mà trừ quỷ. Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta.” Đức Giê-su bảo: “Đừng ngăn cản người ta, vì không ai lấy danh nghĩa Thầy mà làm phép lạ, rồi ngay sau đó lại có thể nói xấu về Thầy. Quả thật, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.
“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.
“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn. Nếu tay anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một tay mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai tay mà phải sa hoả ngục, phải vào lửa không hề tắt. Nếu chân anh làm cớ cho anh sa ngã, thì chặt nó đi; thà cụt một chân mà được vào cõi sống còn hơn là có đủ hai chân mà bị ném vào hoả ngục. Nếu mắt anh làm cớ cho anh sa ngã, thì móc nó đi; thà chột mắt mà được vào Nước Thiên Chúa còn hơn là có đủ hai mắt mà bị ném vào hoả ngục, nơi giòi bọ không hề chết và lửa không hề tắt.
II. SUY NIỆM
“LÒNG BÁC ÁI”
Chủ đề Lời Chúa trong ngày Chúa Nhật XXVI Thường Niên năm B, nhấn mạnh đến “Lòng Bác Ái”. Cụ thể là: Trong Bài đọc I, sách Dân Số kể chuyện ông Giô-suê muốn ông Mô-sê ngăn cấm người khác nói tiên tri, cho thấy sự ganh tỵ độc quyền… còn Bài đọc II, thư thánh Gia-cô-bê đã lên án những ai để của cải cho mối mọt ten sét ăn mà không biết chia sẻ cho người nghèo khổ.
Riêng bài Tin Mừng, thì những lời dạy của Chúa Giê-su nói đến lòng bác ái cách cụ thể qua việc: không ganh tỵ bon chen, không gây cớ vấp phạn cho nhau, nhưng sẵn sàng giúp đỡ nhau trong khả năng của mình dù chỉ là một bát nước lã…
1. Sự ganh tỵ – độc quyền.
Mở đầu bài Tin Mừng là chuyện môn đệ Gio-an đến báo cáo với Chúa Giê-su là có người dám nhân danh Thầy mà trừ quỷ, chúng con đã can ngăn “vì họ làm như thế là mất quyền lợi tinh thần cũng như vật chất của chúng ta”. Nhưng Chúa Giê-su đã trả lời: “Ngăn làm gì, ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta”.
Việc nhân danh Chúa để xua trừ ma quỷ và cứu giúp người luôn luôn là việc tốt. Nhân danh Chúa chứ có phải nhân danh tà thần nào đâu mà phải ngăn cản?
Thế nhưng, nếu dám nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta sẽ thấy ngay một thực tế là:
Không thiếu vị giữ cho mình cái đặc quyền nhân danh Chúa để loan giảng Tin Mừng, sợ “mất quyền lợi” hoặc “nhỏ đi miếng bánh” hay “ảnh hưởng đến thế giá” và ganh tỵ với những người khác, dù ai cũng có quyền làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế mà không ngược với đức tin Ki-tô Giáo.
Đôi khi cộng đoàn này phản đối cộng đoàn kia, nhóm từ thiện này lên án nhóm từ thiện nọ, và ai cũng nhân danh Chúa để khiển trách các hoạt động của nhau.
Đành rằng Giáo hội là duy nhất và tông truyền rất cần đến cơ cấu phẩm trật, nhưng không vì thế mà làm hạn chế sứ vụ rao giảng Tin Mừng mà Chúa trao phó cho hết mọi người từ khi lãnh Bí tích Rửa tội. Mọi người đều có trách nhiệm làm cho Chúa được vinh danh nơi bậc sống của mình.
Vườn hoa Giáo hội Chúa thì muôn màu muôn vẻ, nhưng cùng góp chung tô điểm cho Nước Chúa thêm xinh đẹp rạng rỡ; cánh đồng truyền giáo bao la rất cần đến nhiều sáng kiến từ các cá nhân, hội đoàn và các linh đạo hoạt động mới.
Là người con Chúa trong lòng Giáo hội, chúng ta không ganh tỵ với việc thiện của người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa, nhưng tất cả đều được mời gọi có những sáng kiến làm chứng cho Chúa và giúp đỡ tha nhân. Đồng thời bằng sức mạnh của Lời Chúa và đời sống cầu nguyện, chúng ta cùng với Chúa Giê-su xua trừ những âm mưu ma quỷ ra khỏi bản thân, gia đình và giáo xứ chúng ta.
2. Hoa trái của lòng bác ái.
“Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Ki-tô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mc 9,41).
Trên một bia mộ kia có khắc dòng chữ:
“Tôi đã mất những gì tôi xài phí
Chỉ còn lại những gì đã cho đi”.
Cái kết khủng khiếp của phận người là không thể mang được bất cứ một thứ của cải vật chất nào theo mình về thế giới bên kia, bởi tất cả sẽ ở lại sau cái chết. Thế nhưng con người cứ lo vun vén và giữ khư khư nó, giữ lại đến mức dư thừa mà không chia sẻ cho người đói khát bất hạnh, lo thu tích để rồi lúc chết đi phải để lại cho người khác tận hưởng. Họ không ý thức được rằng, chỉ có lòng bác ái và những gì chia sẻ cho tha nhân vì tình yêu thương thì sẽ theo họ về cõi vĩnh hằng.
Vấn đề được Thiên Chúa ân thưởng không hệ tại ở giàu hay nghèo, cũng không hệ tại ở việc cho hàng tỷ đồng hay chỉ là một bát nước lã, nhưng là biết sống tương quan đức ái với tha nhân, giúp đỡ nhau vì lòng mến Chúa và yêu đồng loại. Người cho nhau một ly nước vì Chúa thì có giá trị hơn gấp bội so với người cho cả gia tài chỉ vì được ca tụng đời này.
3. Đừng làm cớ cho người khác vấp ngã.
“Ai làm cớ cho một trong những kẻ bé mọn đang tin đây phải sa ngã, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà ném xuống biển còn hơn” (Mc 9,42).
Sống trong thế giới, vàng thau lẫn lộn, gương tốt thì ít và gương xấu lại quá nhiều. Ngày nay, phương tiện truyền thông là con dao hai lưỡi khiến những gương mù gương xấu dễ tràn lan và đầu độc con người, đặc biệt là giới trẻ. Nhưng cái xấu xem ra hấp dẫn hơn, mạnh mẽ hơn và dễ bắt chước hơn.
Chúa Giê-su tỏ ra thái độ dứt khoát và nghiêm khắc đối với những người gây cớ làm cho người khác phạm tội, đặc biệt là ngăn cản người khác đến với Thiên Chúa: “Khốn cho kẻ làm cớ cho người ta vấp ngã, thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà quăng xuống biển thì hơn”. Chúa Giê-su răn đe cương quyết kẻ làm người khác sa ngã vì đó là tiếp tay với ma quỷ, làm gương xấu cho anh em, cho người khác.
Vì thế, mọi người con Chúa cần phải cẩn trọng giữ mình, biết biện phân trước mọi thông tin và hình ảnh tốt xấu, biết tránh nên cớ vấp phạm cho tha nhân, và đặc biệt làm cho gương sáng và cái tốt được nhân rộng để lấn át bớt sự dữ đang hoành hành.
Giống như đám cỏ gấu không thể diệt sạch được vì nó có rễ sâu, nhưng chúng sẽ bị lấn át khi chúng ta trồng khoai lang vào. Cũng thế, gương xấu tự nó không thể nhổ sạch, nhưng nhân đức sẽ lấn át nó dần dần làm cho sự xấu chết hẳn. Điều đáng ghi nhận là hiện nay nhiều người đã biết dùng những sinh hoạt và trò chơi lành mạnh để thay thế và giúp giới trẻ quên dần những tệ nạn. “Không ai làm tôi hai chủ” nếu chúng ta lo tìm kiếm những điều tốt, thì tự nó cái xấu sẽ lụi tàn.
Việc Chúa Giê-su nói cái gì trở nên dịp tội thì hãy lo cắt đi, chấp nhận mất một bộ phận mà tránh được hoả ngục. Ở đây không hiểu theo nghĩa đen là phải chặt tay móc mắt, vì nếu thế thì không còn ai toàn vẹn vì bản năng yếu đuối của con người. Điều Chúa muốn nói ở đây là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, phải cất đi và xa lánh những nguy cơ có thể đẩy chúng ta đến phạm tội, dù phải chấp nhận phần thiệt về mình, như lánh xa những ấn phẩm đen, không đến những nơi chốn không thích hợp, tránh dùng những thức uống làm mình mất kiểm soát…
Lạy Chúa Giê-su, xin cho mọi người chúng con ý thức về tinh thần bác ái Ki-tô Giáo mà luôn sẵn lòng đóng góp phần mình trong khả năng có thể, để giúp đỡ những ai nghèo khổ và bất hạnh. Xin cũng cho chúng con biết xa lánh những dịp tội, cũng như không làm cớ cho ai vấp phạm mà xa lìa danh Chúa. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 16,19-31
“Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là La-da-rô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Áp-ra-ham. Ông nhà giàu cũng chết, và người ta đem chôn.
“Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Áp-ra-ham ở tận đàng xa, và thấy anh La-da-rô trong lòng tổ phụ. Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Áp-ra-ham, xin thương xót con, và sai anh La-da-rô nhúng đầu ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm! Ông Áp-ra-ham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi; còn La-da-rô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, La-da-rô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được.
“Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh La-da-rô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này! Ông Áp-ra-ham đáp: “Chúng đã có Mô-sê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó. Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Áp-ra-ham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối. Ông Áp-ra-ham đáp: “Mô-sê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin.”
II. SUY NIỆM
“KHOẢNG CÁCH VÔ HẠN”
Khi kể dụ ngôn về người giàu và Lazarô, trước hết Chúa Giê-su ám chỉ đến quan niệm sai lầm của các Biệt phái, vì họ coi thịnh vượng đời này là dấu chỉ ơn lành của Thiên Chúa và nghèo nàn là dấu chỉ bị ruồng bỏ. Cái nhìn tôn giáo của họ xác tín rằng ở trần gian này người lành sẽ được thịnh vượng, kẻ ác gặp bất hạnh.
Thế nhưng, đối với Chúa Giê-su, thịnh vượng trần thế không minh chứng giá trị đạo đức và sự hậu đãi của Thiên Chúa; cũng như nghèo khó không minh chứng sự bại hoại luân lý và việc Thiên Chúa ruồng bỏ. Tất cả nằm trong chương trình của Thiên Chúa, điều mà Thiên Chúa muốn không ở tại ở chuyện giàu nghèo mà là sự tương quan giữa người với người.
Vì thế, qua dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng suy niệm ba ý chính:
1. Vô cảm trước đồng loại.
Hai hình ảnh của hai con người trái ngược nhau ngay trong một căn nhà: kẻ ăn không hết người lần không ra. Một bức tranh tương phản, một khoảng cách rất gần mà lại rất xa, hai con người với hai cuộc đời, hai hoàn cảnh trái ngược nhau. Từ trong nhà ông phú hộ đến chỗ người ăn mày Lazarô nằm ngoài hiên chỉ cách dăm ba bước, gần nhau về thể lý, nhưng tình liên đới thì ngàn trùng xa.
Chúng ta không thấy ông phú hộ có những chuyện bóc lột, đàn áp, hay có lối sống bất chính; dụ ngôn không nói về bất cứ lỗi nào ông ta phạm, chỉ đưa ra hai hình ảnh trái ngược nhau khi sống và lúc chết. Như vậy, tội của nhà phú hộ kia chính là sự vô cảm và dửng dưng với người nghèo. Chúa không phạt nhà phú hộ vì ông ta giàu. Chúa cũng không cổ súy cho sự nghèo nàn của Ladarô. Nhưng Chúa mời gọi hãy sống có sự liên đới với nhau để người giàu không dư, người nghèo không đói.
Điều này nhắm tới mọi người chúng ta là: Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu chết. Khi ta mở cửa lòng mình ra là lúc ta bắt đầu sống. Khi chỉ biết tìm kiếm sao cho có thật nhiều tiền, cặp mắt người ta sẽ bị che mờ đến nỗi không còn nhìn thấy Thiên Chúa và tha nhân nữa.
Cái tội Chúa cảnh tỉnh chúng ta hôm nay chính là tội thiếu sót, không chu toàn bổn phận yêu người, bàng quang trước những người bất hạnh xung quanh chúng ta. Không phải chỉ có làm điều xấu mới là tội, nhưng tránh không làm điều tốt cũng là tự đưa mình xa rời Thiên Chúa và ngăn cách với anh em. Có người lại yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình thì khó.
Tiền bạc cũng như vật chất là những ơn huệ Chúa tặng ban. Chúng ta được phép sử dụng để bảo đảm cho cuộc sống và phẩm giá bản thân, đồng thời còn có bổn phận phải chia sẻ và giúp đỡ những người chung quanh, nhất là những kẻ bần hàn túng thiếu. Chính những hành động bác ái yêu thương này sẽ có một giá trị vô song tạo cho chúng ta một kho tàng ở đời sau.
2. Khoảng cách vô hạn.
Vì xa khi còn sống, nên chết rồi xa lại ngàn trùng xa. Vực thẳm chia cách giữa người được hưởng phúc trong lòng Abraham và kẻ phải chịu cực hình dưới địa ngục, thực ra chỉ là sự nối dài của vực thẳm đã được đào sâu giữa bàn ăn nhà phú hộ với chỗ hiên mà Lazarô nằm khi còn sống, một ranh giới ngày càng được đào sâu một cách vô hình cho tới một lúc tấm màn cái chết buông xuống với cả hai.
Khoảng các sau cái chết là vô hạn, không còn có chuyện qua lại giữa thiên đàng và hoả ngục. Vực thẳm lớn không thể vượt qua, biểu tượng cho tính dứt khoát của số phận của những người được hưởng hạnh phúc hay sẽ phải chịu đau khổ trong thế giới kẻ chết.
Khi sống, ông phú hộ đã không chịu bước vài bước đó, để cảm thương và giúp đỡ người hành khất, để khi chết rồi, vài bước vô tâm kia đã đưa tới cực hình vô tận. Khi còn sống ở trần thế, giữa hai người có một khoảng cách rất gần. Trong thế giới mai sau, khoảng cách giữa hai bên xa vời vợi. Hai thứ khoảng cách đó liên hệ mật thiết với nhau. Đắp con đường liên đới tới tha nhân đời này là xây cây cầu tới thiên quốc mai sau.
Vì thế, ngay từ khi còn sống trên trần gian này, chúng ta hãy gấp rút sửa mình để kẻo quá trễ như nhà phú hộ. Mọi chuyện sẽ có ngày phân định. Cái chết chính là lúc phân minh.
Hãy hoán cải ngay từ bây giờ bởi vì giây phút hiện tại mới thực là quan trọng, nó chính là thời điểm duy nhất chúng ta có thể sống như chúng ta muốn và xây dựng cho tương lai vĩnh cửu một cách hữu hiệu nhất, vì ngày mai phải được bắt đầu từ ngày hôm nay. Tình liên đới nếu không tạo lập ở thế gian thì khi chết rồi sẽ không còn cơ hội nữa.
3. Sự cứng lòng.
Qua câu trả lời của Abraham cho người phú hộ trong dụ ngôn, cho thấy sự cảnh báo về việc sử dụng của cải đã hàm chứa trong Luật pháp Mô-sê và Lời Chúa do các ngôn sứ rao truyền, đủ thuyết phục mọi người sửa đổi thói ích kỷ và biết quảng đại với tha nhân. Vì thế nếu đã không hồi tâm sám hối, không phải vì họ đã không có đủ các phương thế giúp ăn năn hối cải, nhưng chỉ vì họ đã cố tình từ chối thi hành các phương thế ấy mà thôi. Bởi hoán cải là mở lòng đón nhận, tin vào Thiên Chúa và thay đổi cuộc sống. Do đó, nếu không nghe lời Môsê và các ngôn sứ, để hoán cải được thì việc người chết có hiện ra chỉ vô ích.
Không ít trong chúng ta cũng xem thường việc nghe Lời Chúa và tuân giữ lề luật Chúa và Giáo hội, mà thích đòi hỏi những phép lạ rồi mới tin và hoán cải. Mỗi ngày chúng ta có nhiều cơ hội và nhiều phương thế để hoán cải, qua Lời Chúa, qua lề luật, qua Bí tích và qua những dấu chỉ của cuộc sống; nếu chúng ta không quan tâm, thì đến ngày ra trước mặt Chúa chúng ta không có cớ để biện minh nữa.
Con đường chân chính duy nhất đến với đức tin không phải là một phép lạ nhãn tiền nhất mà là sự khiêm nhường lắng nghe Lời Chúa. Nếu con tim đã trở nên đui mù và chai cứng vì ích kỷ, không mở lòng ra đón nhận Lời Chúa, không quan tâm đến người thân cận, thì các phép lạ và các sứ giả từ bên kia thế giới trở về cũng chẳng giúp lay tỉnh được.
Lạy Chúa Giê-su, xin mở lòng con để đừng vô cảm trước những mảnh đời khổ đau, xin mở rộng bàn tay chúng con, để chúng con luôn biết san sẻ giúp đỡ những người bất hạnh… Amen
Discussion about this post