CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 22,34-40
Khi nghe tin Đức Giê-su đã làm cho nhóm Xa-đốc phải câm miệng, thì những người Pha-ri-sêu họp nhau lại. – Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Mô-sê, điều răn nào là điều răn trọng nhất? “ Đức Giê-su đáp: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Đó là điều răn quan trọng nhất và điều răn thứ nhất. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Mô-sê và các sách ngôn sứ đều tuỳ thuộc vào hai điều răn ấy.”
II. SUY NIỆM
“MẾN CHÚA – YÊU NGƯỜI”
Ngày kia, có hai bà “đạo đức” đi dự lễ Chúa Nhật sớm, không may có chuyện xích mích nhau và cự cãi nhau trước cổng nhà thờ, một lúc sau thấy cha xứ đi vào, một bà vội khoác áo dài đi vào nhà thờ nhưng không quên nói hẹn: “Cha đến rồi, mi đợi đấy, để tao vào tao đi lễ và rước lễ cái đã, rồi ra tao hay tội cho”.
Câu chuyện vui nhưng có thật trên đây phản ánh một thực trạng là không ít người đã tách rời hai giới luật Mến Chúa và Yêu Người thành hai và không có tương quan gì với nhau: Phần nhiều coi trọng việc giữ đạo nhà thờ nhưng lại không quan tâm đến đồng loại, và ngược lại, cũng không ít người lại chủ trương đạo ‘tại tâm” mà quên việc bổn phận dành cho Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định lại hai giới răn quan trọng nhất và liên hệ không thể tách rời nhau là Mến Chúa – Yêu Người được nói tới trongThập Điều. Thật vậy, Thập Điều được Chúa ban cho Môisen trên núi Sinai tóm gọn lại trong hai điều (mười điều răn ấy tóm lại hai điều này mà chớ…): ba điều trước tập chú về việc MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ và bảy điều sau nói đến bổn phận YÊU NGƯỜI NHƯ MÌNH TA VẬY.
1. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.
Hết lòng: Nghĩa là với cả tâm của mình, với cả trái tim của mình, nghĩa là với cả ý chí và tự do.
Hết linh hồn: Linh hồn luôn hướng lên Chúa trong cầu nguyện tâm sự với Chúa, tham dự Thánh Lễ và các Giờ Kinh cùng những bổn phận trong bổn đạo.
Hết trí khôn: Với cả tri thức và ý thức trong mọi việc mình làm thể hiện tình yêu với Chúa.
Tóm lại, tình mến dành cho Chúa là ưu tiên hàng đầu trong việc sống đạo, với tâm tình của một người con của Thiên Chúa.
Thế nhưng, như thánh Gio-an Tông Đồ nói: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” (1Ga 4, 20-21). Chính vì vậy mà ai đã yêu mến Chúa trên hết mọi sự thì cũng biết yêu thương tha nhân như chính mình.
2. Yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.
Yêu như chính mình là gì? Trong Cựu Ước, sách Tobia đã nói tới nhưng còn mang vẻ tiêu cực là: “Những gì con không muốn kẻ khác làm cho mình, thì cũng ĐỪNG LÀM điều đó cho người ta” (Tb 4, 14), nhưng sang Tân Ước, Chúa Giê-su dạy theo hướng tích cực: “Điều con muốn người khác làm cho mình thì hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12 // Lc 6,31).
Thế nhưng đó mới chỉ là yêu tha nhân bằng mình, mà chúng ta thực hành được đã là chu toàn lề luật rồi. Nhưng càng tốt hơn khi chúng ta dám yêu tha nhân hơn cả chính mình, mới thực sự nên giống Chúa Giê-su, Đấng đã dám thí mạng mình vì yêu, Đấng đã chịu đói khát cho chúng ta được giàu sang. Các thánh Tử Đạo cũng đã dám hy sinh chết đi cho chúng ta được đức tin vào Thiên Chúa. Đó là mức độ cao nhất trong tình yêu là agapê – vượt lên trên mọi so đo tính toán, chứ không như eros (chiếm hữu) hay philia (có qua có lại) theo cách phân tích của người Hy Lạp
Tình yêu không phải chỉ thương ở trong lòng hay là nói nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm (x. 1Ga 3,18). Làm sao ta có thể hiến mạng sống mình vì anh em, nếu như không tập từ những cái nho nhỏ như: mong muốn người khác được hạnh phúc, vui, sướng, “được sống và sống dồi dào hơn”. Vui với họ, buồn cùng họ. Chia sẻ từng miếng cơm, từng tấm áo, từng lời động viên, an ủi, cũng như không nói hành nói xấu người khác,… Làm được những điều nhỏ nhoi như thế, thì ta đã yêu thương họ cách chân thành, và khi cần thì cũng có thể hiến mạng sống vì họ (x. 1Ga 3, 17).
Thánh Bênađô nói: “Mức độ của yêu thương là yêu thương không mức độ” và thánh Augustino cũng dạy: “Bạn hãy cứ yêu đi rồi làm gì hãy làm”. Nghĩa là lòng thương xót, yêu thương và bác ái chúng ta không đặt ra cho nó một giới hạn, nhưng là hãy làm những gì chúng ta có thể làm được, và dù làm việc lành gì đi nữa, mà trong việc làm đó không có sự yêu mến thì cũng vô ích mà thôi.
Chúng ta là thân cận của mọi mảnh đời trong xã hội, nhưng đã bao giờ chúng ta phớt lờ hoàn cảnh tang thương của họ, vì những lý do “được coi là thánh thiện và lề luật”…?
Lạy Chúa Giê-su, hành trình qua thập giá đến vinh quang mà chúng con đang bước theo Chúa không chỉ có tương quan hàng dọc với Chúa, mà còn phải được liên kết với thanh ngang của thập giá là tương quan với tha nhân, xin cho chúng con ý thức rằng chúng con chỉ thực sự yêu mến Chúa khi chúng con biết yêu thương tha nhân. Amen
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 10,46-52
Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Giê-ri-khô. Khi Đức Giê-su cùng với các môn đệ và một đám người khá đông ra khỏi thành Giê-ri-khô, thì có một người mù đang ngồi ăn xin bên vệ đường, tên anh ta là Ba-ti-mê, con ông Ti-mê. Vừa nghe nói đó là Đức Giê-su Na-da-rét, anh ta bắt đầu kêu lên rằng: “Lạy ông Giê-su, Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! ” Nhiều người quát nạt bảo anh ta im đi, nhưng anh ta càng kêu lớn tiếng: “Lạy Con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi! ” Đức Giê-su đứng lại và nói: “Gọi anh ta lại đây! ” Người ta gọi anh mù và bảo: “Cứ yên tâm, đứng dậy, Người gọi anh đấy! ” Anh mù liền vất áo choàng lại, đứng phắt dậy mà đến gần Đức Giê-su. Người hỏi: “Anh muốn tôi làm gì cho anh? ” Anh mù đáp: “Thưa Thầy, xin cho tôi nhìn thấy được.” Người nói: “Anh hãy đi, lòng tin của anh đã cứu anh! ” Tức khắc, anh ta nhìn thấy được và đi theo Người trên con đường Người đi.
II. SUY NIỆM
“ĐỨC TIN LÀ ĐIỀU KIỆN ĐẦU TIÊN ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH”
Bài Tin Mừng nay kể chuyện một anh mù được Chúa Giê-su thương chữa lành, nhờ lời kêu xin khẩn thiết và lòng tin của anh ta.
1. Sự khao khát của người mù.
Đám đông ban đầu là những người giúp anh mù biết được có Chúa Giê-su đi qua, nhưng cũng chính đám đông đó quát mắng bắt anh im lặng và ngăn cản anh gặp Chúa.
Tuy nhiên, lời kêu xin của anh mù vượt qua mọi rào cản, và càng bị ngăn cấm anh càng kêu xin lớn tiếng hơn, cho thấy lòng khao khát được gặp Chúa và được chữa lành.
Điều đáng nói là ở đây, toàn đám đông là những người sáng mắt, nhưng không ai trong họ nhận ra Đức Giê-su là Chúa, mà chỉ thấy một Đức Giê-su thành Nazareth, nghĩa là một Đức Giê-su trong bản tính nhân loại. Còn anh mù không thấy gì nhưng lại nhận ra một Đức Giê-su “Con Vua Đa-vít”, nghĩa là một vị Chúa, một Đức Giê-su trong bản tính thần linh.
Như vậy:
Trong cuộc sống, đôi khi có những người bảo cho ta biết có Chúa, nhưng cũng chính họ cản bước chúng ta đến với Người, qua lời nói và hành động của họ.
Nhưng dù thuận tiện hay không thuận tiện, để được gặp Chúa và được Chúa chữa lành bệnh tật thể xác hay tâm hồn, chúng ta cần phải có một sự khao khát mãnh liệt, dám vượt qua mọi chướng ngại, mọi khó khăn để đến với Chúa và hết lòng kêu xin Người.
Có thể chúng ta cũng như đám đông kia, tuy chúng ta sáng mắt, nhưng con mắt tâm linh chúng ta mù tối. Không thấy Chúa hiện diện trong Thánh Thể, trong các Bí tích, trong tha nhân và trong mọi biến cố của cuộc sống. Đến với anh em, chúng ta chỉ nhìn thấy toàn những sự thấp hèn nhân loại mà không thấy Chúa hoạt động trong họ. Đôi mắt tâm hồn chúng ta vẫn mù nên không thấy được những lần Chúa đi qua đời ta trong những biến cố của cuộc đời.
Vậy, chúng ta cầu xin Chúa cho con mắt đức tin chúng ta được sáng, để chúng ta thấy Chúa hiện diện khắp mọi nơi.
2. Lòng tin của anh đã cứu anh.
Hầu như mọi lần chữa lành bệnh tật cho ai, Chúa Giê-su đều nói đến lòng tin đã cứu họ. Đức Tin là điều kiện đầu tiên để được chữa lành và phép lạ xảy ra khi thụ nhân tin vào Đấng chữa lành.
Niềm tin của anh mù là tin nơi con người Đức Giê-su là một “Con Vua Đa-vít”, là Đấng có khả năng chữa lành. Niềm tin của anh là chỉ có Thiên Chúa mới chữa lành được cho anh sáng mắt mà thôi.
Có lẽ trong đám đông đi với Chúa Giê-su hôm đó không thiếu những người mắc bệnh này bệnh kia, nhưng không có ai trong họ được chữa lành, vì như bài Tin Mừng ghi lại, họ nói là “có Đức Giê-su Nazareth đi qua”, nghĩa là trong mắt họ, chỉ là một con người Giê-su và như một lang y mà thôi.
Như vậy:
Như thánh Augustino từng nói: “Chúa sáng tạo nên con không cần con, nhưng để cứu chuộc con thì cần có con cộng tác”. Chính đức tin là sự cộng tác với ơn Chúa và phép lạ chữa lành mới diễn ra, ơn cứu độ mới được thực hiện. Chúng ta được cứu độ nhờ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, chứ không phải nhờ ỷ thế vào sức mình tuân giữ lề luật.
Nhờ đức tin mà chúng ta được chữa lành mọi vết thương thiêng liêng trong tâm hồn, và cũng nhờ đức tin mà chúng ta có thể vượt thắng những bệnh tật thể xác.
Nhờ đức tin thúc đẩy, chúng ta dám khởi công bắt tay vào việc xây dựng cuộc sống cho mình, cho anh chị em mình, rồi Chúa sẽ tiếp tay giúp sức chúng ta bằng quyền năng vô biên của Người, để hướng dẫn và biến đổi công việc nhỏ bé của chúng ta trở thành công trình to lớn, vĩ đại và phi thường.
Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con và xin mở con mắt tâm hồn đang mù lòa của chúng con, để chúng con nhận ra Chúa nơi mọi người, hầu sống tình tương thân tương ái với họ. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 18,9-14
Đức Giê-su còn kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pha-ri-sêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pha-ri-sêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
II. SUY NIỆM
“VỖ NGỰC và ĐẤM NGỰC”
Bài Tin Mừng hôm nay nói về tinh thần khiêm tốn khi cầu nguyện:
Lời cầu nguyện của người Pharisêu nhằm đề cao “cái tôi”, trong khi lời cầu nguyện của người thu thuế nhắm đến “Thiên Chúa”.
1. Tự tôn
Người Pha-ri-sêu phô trương công đức của mình. Ông tự cho mình thánh thiện, đạo đức và tự đặt mình lên trên những người khác: “…vì không như tên thu thuế kia!”. Lời kinh của ông còn tồi tệ hơn khi tự hào cho mình là công chính để so sánh mình với đời sống bên ngoài của những người khác.
“Đứng thẳng” kênh kiệu và ảo tưởng, khẳng định mình bằng cách phủ định kẻ khác, bằng cách dèm pha nói xấu bôi nhọ khinh chê người ta thì quả thật là trơ trẽn. Nội dung lời cầu nguyện của ông chỉ là những lời khoe khoang với Chúa và gây chia rẽ. Đó là những lời kết tội anh em, lỗi đức ái, không có chút gì tích cực xây dựng cộng đoàn và tôn vinh lòng nhân từ của Thiên Chúa.
Ông phô trương thành tích đạo đức của mình: “ăn chay mỗi tuần hai lần, dâng cho Chúa một phần mười thu nhập”. Ông tự cho rằng việc ông ta giữ luật là điều kiện buộc Chúa phải ban ơn, nhưng thực ra việc Chúa ban ơn hay không là quyền của Chúa.
Ông đến cầu nguyện mà tự cho mình đầy dẫy nhân đức, nên chẳng còn chỗ cho Chúa đổ ân huệ vào. Lời kinh của ông khởi đầu bằng tâm tình tạ ơn rất đẹp, nhưng đã nhanh chóng trở nên xấu bởi có ý đồ níu kéo Thiên Chúa thỏa hiệp với lối sống chọn luật làm cứu cánh của ông.
2. Tự hạ
Người thu thuế ý thức thân phận tội lỗi của mình quá lem luốc theo mắt nhìn thành kiến của người đương thời, ông chỉ có thể đợi chờ một sự gột rửa trong mắt nhìn của Thiên Chúa, bởi thấy mình đã bất chính trong vòng quay nghiệt ngã của nghề nghiệp bị coi là tội lỗi phản quốc hại dân.
Ông đến với lòng thống hối và khao khát Chúa.
Ông khiêm tốn cầu xin ơn tha thứ, xin Chúa hướng dẫn mình trở về với tình thương của Chúa, trở về với anh em mà mình đã xúc phạm.
“Nâng lên” chính là muốn khẳng định mình; tự coi mình là nhất. Đây là hành vi của những kẻ kiêu ngạo, là thái độ ham danh và ham quyền lực muốn được ở trên mọi người. Còn “hạ xuống” là thái độ của người khiêm nhường. Khiêm nhường là nhìn nhận mình còn thiếu, còn bất toàn để vươn lên, còn yếu đuối để sám hối.
Tóm lại, Chúa dạy ta:
Luật lệ là khuôn vàng thước ngọc cho đời sống, nếu qua lề luật người ta nhận ra bàn tay và tấm lòng của Thiên Chúa luôn dẫn đưa và giáo hóa con người. Giữ luật thì luật giữ mình, chứ không phải giữ “đạo tại tâm”, miễn là không coi luật là cứu cánh, mà là phương tiện giúp chúng ta đến với Chúa.
Chúng ta giữ luật là vì yêu mến Chúa, chúng ta ăn chay, bố thí, dâng công đức… là vì bổn phận đối với Chúa và phục vụ tha nhân cũng như lợi ích chung, chứ không phải giữ để kể công và tỏ ra hơn người.
Không ỷ vào địa vị mà vênh vang tự hào, không tự cho mình công chính hơn người vì giữ luật, nhưng quy về vinh quang Chúa, và nhìn nhận mình có là gì đều do ân huệ Chúa ban. Bởi trước mặt Chúa không phân biệt người có quyền cao chức trọng hay kể bần hàn cố nông, nhưng người cao trọng trong nước Chúa chính là hãy trở nên bé nhỏ, nghĩa là khiêm tốn.
Đạo đức đích thực chính là dung hòa giữa nỗ lực và cậy trông. Nghĩa là vừa nỗ lực hoàn thiện vừa biết cộng tác với ơn Chúa, chứ không phải muốn tự mình khẳng định mình và bắt Chúa và mọi người công nhận mình là công chính.
Không “đứng thẳng” vỗ ngực ta đây như ông Pha-ri-sêu. Con người chúng ta dễ phân biệt sang hèn, so sánh tài năng và thiểu trí… để rồi dễ bề khinh thường người thiếu may mắn. Nhất là khi chúng ta có điều gì đó hơn người, rất dễ tỏ ra kênh kiệu lên mặt và coi thường người khác dở hơn mình. Giàu thì chê nghèo, giỏi thì khinh dốt, đẹp thì khinh xấu… Chúa mời gọi chúng ta biết tôn trọng mọi người trong tinh thần của Chúa, là một Thiên Chúa tối cao đã không khinh chê con người tội lỗi thấp hèn.
Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết học lấy sự khiêm hạ thẳm sâu, là biết nhận ra sự yếu đuối bất toàn của mình, và rất cần đến lòng bao dung trắc ẩn của Chúa tha thứ. Xin cho chúng con cũng đừng quy mình là trung tâm và tự tôn mình là đạo đức, để rồi xét đoán và chê xấu anh em. Amen
Discussion about this post