CHÚA NHẬT XXXII THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 25,1-13
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Nước trời giống như mười trinh nữ cầm đèn đi đón chàng rể. Trong số đó, có năm cô khờ dại và năm cô khôn ngoan. Năm cô khờ dại mang đèn mà không đem dầu theo. Còn những cô khôn ngoan đã mang đèn, lại đem dầu đầy bình. Vì chàng rể đến chậm, nên các cô đều thiếp đi và ngủ cả.
“Nửa đêm có tiếng hô to: Kìa, chàng rể đến, hãy ra đón người. Bấy giờ các trinh nữ đều chỗi dậy, sửa soạn đèn của mình. Những cô khờ dại nói với các cô khôn ngoan rằng: “Các chị cho chúng em chút dầu, vì đèn của chúng em đã tắt cả”. Các cô khôn ngoan đáp lại rằng: “E không đủ cho chúng em và các chị, các chị ra (nhà) hàng mà mua thì hơn”. Song khi họ đang đi mua, thì chàng rể đến. Những trinh nữ đã sẵn sàng, thì theo chàng rể cùng vào tiệc cưới, và cửa đóng lại. Sau cùng các trinh nữ kia cũng đến và nói: “Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi”. Nhưng người đáp lại: “Ta bảo thật các ngươi, ta không biết các ngươi”. Vậy hãy tỉnh thức, vì các con không biết ngày nào, giờ nào”.
II. SUY NIỆM.
“TỈNH THỨC”
Nước Thiên Chúa được ví như bữa tiệc cưới, mà trong đó chỉ những ai có thái độ tỉnh thức sẵn sàng mới có cơ hội được chú rể là Đức Giê-su dẫn vào đồng bàn với Người trong vương quốc vĩnh cửu.
Hình ảnh năm cô khôn năm cô khờ cùng cầm đèn đi đón chàng rể, nhưng khác nhau ở chỗ là cô khôn mang đèn mang thêm dầu, còn cô dại thì mang đèn không dầu, là hình ảnh tiêu biểu cho hai kiểu sống đạo của chúng ta hôm nay. Chúng ta cùng chung một đức tin (là cùng tin có Chúa và Chúa sẽ đến) như ai cũng mang theo đèn, nhưng khác nhau ở chỗ có thực hành đời sống đức tin hay không? Hay là tin nơi đầu môi chót lưỡi, còn cuộc sống thì vô thần, tựa như cái đèn rỗng ruột, không còn tỏa sáng mà đã tắt ngấm tối thui từ khi nào.
Về dụ ngôn, chúng ta chỉ biết rằng, phong tục Do-thái tính một ngày bắt đầu từ 6 giờ tối hôm trước và chọn thời gian đầu ngày mới để rước dâu nói lên ý nghĩa việc lập gia đình như là bước vào một khởi đầu mới, còn nhưng chi tiết khác vẫn chưa nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa nào đưa ra được câu trả lời. Tuy nhiên, dụ ngôn là một câu chuyện thường nhật và đôi khi giả tạo, người kể thường nhắm tới nội dung chuyển tải ý nghĩa, chứ không nhằm đến mọi chi tiết tỉ mỉ. Vì thế, chúng ta chỉ tìm hiểu sứ điệp mà Chúa Giê-su muốn nói qua dụ ngôn “năm cô khờ năm cô khôn” là: Chúa đến bất ngờ, thái độ sẵn sàng của chúng và sự phân định dứt khoát cuối cùng.
Chúa đến bất ngờ: Hình ảnh tiệc cưới diễn ra ban đêm và chú rể đến không báo trước, cho thấy tính bất ngờ của cái chết cá nhân và tính bất ngờ của ngày tận thế. Việc Chúa đến lạ lùng giống như ngày Chúa đưa Israel ra khỏi Ai-cập hay việc Đức Ki-tô phục sinh trong đêm. Thiên Chúa chọn hình ảnh đêm tối để nhấn mạnh đến tính cách đột xuất và nói lên ý nghĩa giải thoát cứu độ đem ánh sáng vào nơi tối tăm. Tiếng hô giữa đêm tối “kìa chàng rể đến” gợi lên tiếng hô cánh chung lay tất cả tạo vật đang mê ngủ phải tỉnh dậy. Chàng rể đứng ở cửa chờ (lúc các cô khờ đi mua dầu đến muộn) để nói thẳng: “Ta không biết các ngươi”. Điều này khẳng định Lời Chúa Giê-su từng quả quyết: “Không phải chỉ kêu “Lạy Chúa! Lạy Chúa!” mà được vào Nước Trời, nhưng chỉ những ai thi hành ý Thiên Chúa mới được vào mà thôi” (Mt 7,22-23; Lc 13,24-25).
Thái độ sống đạo: Hình ảnh năm cô khờ năm cô khờ chỉ ra hai lối sống đạo của chúng ta. Cùng đi đón chàng rể, nhưng kẻ này mang đèn có dầu, kẻ kia mang cái đèn rỗng ruột. Chúng ta cũng thế, cùng “có đạo” và tin chắc chắn sẽ có ngày phải chết, tin có ngày tận thế và tin Chúa Giê-su sẽ quang lâm; nhưng có đức tin (đèn) mới chỉ là điều kiện cần, còn sống đức tin (dầu) nữa mới là điều kiện đủ để được Ơn Cứu Độ. Mang danh có đạo mà không sống đạo thì chỉ là một kẻ hữu danh vô thực và rỗng tuếch, có đèn đức tin đó, nhưng đèn không tỏa sáng mà đã tắt ngấm tự bao giờ. Đừng tưởng mình là người Công giáo mà yên tâm có chỗ trong Nước Thiên Chúa, bởi chỉ những ai tin và hành động theo những gì mình tin qua việc sống trọn bổn phận và thực thi đức ái Ki-tô Giáo mới được hưởng sự sống đời đời.
Một sự phân định dứt khoát: Đó là lúc chương trình của Thiên Chúa được hoàn tất, là ngày mà từng người đối mặt với vấn đề thiết yếu nhất của mình: được cứu độ hay không được cứu độ: “Ai sẽ được đem đi và ai bị bỏ lại”? Lúc này, những người cùng trong một hoàn cảnh, sẽ được đối xử bằng những cách đối nghịch nhau. Trong bối cảnh này, việc phân biệt đối xử giữa họ sẽ được dựa trên việc họ sẵn sàng như thế nào để đón chào Chúa đến. Cũng như mười trinh nữ khi chàng rể đến đón, kẻ vào phòng tiệc người bị từ chối, nói lên một sự phân định dứt khoát. Khi ngày cuối cùng của cuộc đời bất ngờ xảy đến, tự mình không còn cơ hội để chọn lựa nữa, nên ai nấy phải luôn sẵn sàng: Năm cô khôn cũng thiếp đi và họ có thể yên tâm mà ngủ, bởi họ đã cẩn thận chuẩn bị chu đáo là lo sẵn dầu đèn để đốt; còn năm cô khờ dù có tỉnh thức thì chàng rể đến họ vẫn ở “tình trạng ngủ” vì họ không sẵn sàng và không đủ điều kiện. Thật vậy, mọi người chịu trách nhiệm về chính mình, không ai sống đạo thay mình, không ai tin thay mình, không ai yêu mến thay mình và không ai chọn lựa và chuẩn bị thay mình được.
Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta ý thức về giờ của từng cá nhân mình phải ra trước tòa Chúa. Đó là lúc được phân định dứt khoát và vĩnh viễn, nên không còn cơ hội để lựa chọn về phần rỗi của mình nữa. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và sẵn sàng, bởi sự lỡ làng trong công ăn việc làm chúng ta còn có thể bắt đầu lại và có thể sửa chữa được, nhưng sự lỡ làng trong giờ cuối cùng của cuộc đời sẽ không còn cơ hội để làm lại và lúc đó sẽ hư mất đời đời
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết tỉnh thức trước những dấu chỉ của thời đại, nhận ra Chúa hiện diện trong mọi biến cố của cuộc sống và trong tha nhân; xin cũng giúp chúng con biết giao hòa với Chúa và anh em, để trong ngày chung thẩm, chúng con được Chúa ân thưởng hạnh phúc muôn đời. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 12,38-44
Trong lúc giảng dạy, Đức Giê-su nói rằng: “Anh em phải coi chừng những ông Kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.”
Đức Giê-su ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rô-ma Đức Giê-su liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”
II. SUY NIỆM
“NÓI VÀ LÀM”
Bài Tin Mừng hôm nay là những lời cảnh báo của Chúa Giê-su cho dân biết lối sống tự tôn và giả hình của các nhà thông luật Do-thái:
1. Giả hình và tự tôn
Các người Pharisiêu với áo vàng mũ miện đai nịt màu mè, nhưng trong tâm hồn đầy những đam mê và suy nghĩ xấu xa. Họ sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. Người Pharisiêu thích chiếm chỗ nhất nơi công cộng, họ bắt người ta bái chào kính trọng họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đại, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực. Chúng ta cũng dễ bị ảnh hưởng điều này, vì cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…
Đó cũng là thái độ của không ít người trong chúng ta, tìm cách che giấu sự thật về con người của mình khi không khiêm tốn đón nhận những khuyết điểm của mình, không đón nhận sự thật về con người của mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự.
2. Nói mà không làm
Lời nhận xét dành riêng cho người thông luật là: “Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào”. Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do-thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, dân chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Thật ra, điều này không xa lạ gì với chúng ta hôm nay, vẫn còn đó đây những vị này vị nọ thuyết thì hay nhưng lại tự chuẩn cho mình; dạy dỗ người ta nhưng chính mình lại không giữ, thậm chí còn tệ hơn – ngôn hành bất nhất. Lại nữa, chỉ thấy người khác phạm luật và trách mắng họ, nhưng thực tế thì “suy bụng ta ra bụng người” – chính mình còn bê bối hơn cả những gì mình trách người… Xin Chúa giúp chúng ta, biết dùng chính hành động làm cho lời nói có giá trị, nghĩa là khi muốn ai giữ luật, thì mình phải biết làm gương trước – ngôn hành như nhất.
Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết khiêm tốn trong bậc sống và trách nhiệm Chúa giao phó, để chúng con không tìm vinh quang cho riêng mình mà là Chúa được vinh danh trong chính cuộc sống của mọi người chúng con. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 20,27-38
Có mấy người thuộc nhóm Xa-đốc đến gặp Đức Giê-su. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Mấy người ấy hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ông Mô-sê có viết cho chúng ta điều luật này: Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình. Vậy nhà kia có bảy anh em trai. Người anh cả lấy vợ, nhưng chưa có con thì đã chết. Người thứ hai, rồi người thứ ba đã lấy người vợ goá ấy. Cứ như vậy, bảy anh em đều chết đi mà không để lại đứa con nào. Cuối cùng, người đàn bà ấy cũng chết. Vậy trong ngày sống lại, người đàn bà ấy sẽ là vợ ai, vì cả bảy đều đã lấy nàng làm vợ? “
Đức Giê-su đáp: “Con cái đời này cưới vợ lấy chồng, chứ những ai được xét là đáng hưởng phúc đời sau và sống lại từ cõi chết, thì không cưới vợ cũng chẳng lấy chồng. Quả thật, họ không thể chết nữa, vì được ngang hàng với các thiên thần. Họ là con cái Thiên Chúa, vì là con cái sự sống lại. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, thì chính ông Mô-sê cũng đã cho thấy trong đoạn văn nói về bụi gai, khi ông gọi Đức Chúa là Thiên Chúa của tổ phụ Áp-ra-ham, Thiên Chúa của tổ phụ I-xa-ác, và Thiên Chúa của tổ phụ Gia-cóp. Mà Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống, vì đối với Người, tất cả đều đang sống.”
II. SUY NIỆM
“THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG”
Trong thời đại Chúa Giê-su, dân tộc Do-thái tồn tại hai “đảng phái” xem ra luôn đối lập nhau và có ảnh hưởng nhất cả về tôn giáo lẫn chính trị. Đó là nhóm Pha-ri-siêu và nhóm Sa-đốc (ngoài ra còn một vài nhóm nhỏ như Essenien và Jelos không đáng kể).
Nhóm Pha-ri-siêu có tiền thân là những người Has-si-đim, đã hình thành nên phongtrào Ma-ca-bê. Nhóm này chủ trương giữ lề luật, thậm chí sẵn sàng chết vì giữ luật như trong sách 2 Ma-ca-bê tường thuật việc có bảy mẹ con chết vì tuân giữ lề luật Môi-sê. Họ tin có sự sống lại và Thiên Chúa sẽ thưởng công xứng đáng cho những ai trung thành và dám chết vì lề luật của Người.
Còn nhóm Sa-đốc là của những người theo thượng tế Sa-đốc. Họ chủ trương không có sự sống lại, nên chỉ tìm kiếm những sự đời này; họ thoả hiệp với ngoại bang để được chức tước và bổng lộc. Họ chỉ minh nhiên chân nhận bộ Ngũ Kinh là Thánh Kinh, còn những sách Giáo Huấn và sách Ngôn Sứ chỉ là phụ thuộc.
Chúa Giê-su không theo một đảng phái nào cả, Người chỉ trích phái Sa-đốc tham quyền cố vị và trách người Pha-ri-siêu giữ luật giả hình. Chính vì thế mà cả hai nhóm này đều tìm cách bắt bẻ gài bẫy Chúa Giê-su. Nhóm Pha-ri-siêu thường hỏi Chúa Giê-su về những gì liên quan đến luật và nộp thuế, còn nhóm Sa-đốc lại thắc mắc liên quan đến quyền bính và vấn đề kẻ chết sống lại.
Hôm nay nhóm Sa-đốc đến hỏi Chúa Giê-su. Họ trích đoạn Thánh Kinh trong sách Đệ Nhị Luật (Đnl 25,5): “Nếu anh hay em của người nào chết đi, đã có vợ mà không có con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình”. Rồi bịa ra một câu chuyện “sát phu” là có bảy người anh em trai thay thế nhau lấy một cô gái, nhưng “tướng sát phu” của cô này làm chết cả, cuối cùng cô ta cũng chết. Vậy khi sống lại, cô ta là vợ của ai trong bảy người kia?
Qua cách thắc mắc, ta dễ nhận thấy rằng quan niệm và niềm tin của nhiều nước, nhiều tôn giáo trên thế giới vẫn tin rằng thế giới “bên kia” cũng tổ chức và sinh hoạt như thế giới chúng ta đang sống, và cụ thể là vẫn cưới vợ gả chồng. Tuy nhiên, cái chủ đích mà người Sa-đốc nhắm tới để gài bẫy ở đây là nhằm phủ nhận sự sống lại. Chúa Giê-su đã trả lời cách khẳng định cho họ hai điểm chính yếu sau đây:
1. Có sự sống lại thật.
Chính vì nhóm Sa-đốc chỉ nhận bộ Ngũ Kinh là Thánh Kinh, nên Chúa Giê-su trích chính sách Xuất Hành là một trong Ngũ Kinh đó để trả lời: “Ta là Thiên Chúa của Áp-ra-ham, Thiên Chúa của I-sa-ác, Thiên Chúa của Gia-cóp” (Xh 3,1-6) và không thể nào Thiên Chúa lại là Thiên Chúa của kẻ chết, cho nên Áp-ra-ham, I-sa-ác, Gia-cóp vẫn đang sống.
Sự sống lại và sự sống đời đời là chân lý quan trọng cho đời sống đức tin. Nếu không có sự sống lại và sự sống đời đời thì đức tin của chúng ta là vô ích, và công việc nhập thể cứu chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, không còn ý nghĩa nữa. Ðây là chân lý quan trọng nhưng khó tin bởi lý trí con người lập luận theo đường lối tự nhiên không thể lĩnh hội được. Niềm tin vào sự sống lại được xây dựng trên nền tảng sự sống lại của Đức Giê-su, mà các tông đồ là những người đã thấy tận mắt, đã sẵn sàng chịu đau khổ và chết để làm chứng. «Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng» (Cv 2,32; x. Cv 10,41). Đây là một trong những niềm tin căn bản nhất của người Ki-tô hữu, bởi ai không tin vào sự sống lại thì không phải là người Ki-tô hữu.
2. Đời sống thiên thần (vita angelica)
Câu trả lời của Chúa Giê-su cho ta biết trật tự, cách tổ chức, sinh hoạt, cách thế hiện hữu trong cuộc sống mai hậu không giống như cuộc sống đời này. Không thể lấy kinh nghiệm hiện hữu của cuộc sống này để áp dụng vào việc suy đoán cách hiện hữu của cuộc sống mai hậu. Đời này có lấy vợ gả chồng chỉ là chuyện sinh, lão, bệnh, tử, nên cần phải có người giúp đỡ, phục vụ và nối dõi. Khi con người đã trở thành bất tử, họ không còn sống phụ thuộc vào không gian và thời gian nữa, vì thế, họ cũng không cần phải lấy vợ gả chồng. Họ sẽ bước vào cuộc sống thần thiêng như các thiên thần, cuộc sống của họ lúc này là trường sinh bất tử, sung mãn, trọn vẹn và tồn tại muôn đời với Đấng Hằng Hữu. Công việc của họ chính là ca ngợi Chúa trong vinh quang Nước Trời như các thiên thần, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa.
Chúa Giê-su nhắc đến đời sống đến thiên thần, nghĩa là bậc mà lẽ sống là thờ lạy, chúc tụng và vâng lời Thiên Chúa. Ở đời sau con người sẽ hoàn toàn sống cho Thiên Chúa và quy hướng về Người. Và theo quan niệm Do-thái, sự sống của Thiên Chúa và con cái Người thì khác; còn sự sống của loài người và con cái thế gian thì khác. Một đàng vĩnh cửu nên không cần truyền sinh, đàng kia vắn vỏi nên cần cưới vợ lấy chồng. Những kẻ có phần trong sự sống lại này “sẽ giống như các thiên thần”, không phải về mọi phương diện mà về trạng thái bất tử của họ. Trong một ý nghĩa rộng rãi hơn, họ sẽ là “con cái Thiên Chúa” và là “con cái của sự sống lại, vì sự chết đã mất uy lực trên họ.”
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con khao khát đời sống vĩnh cửu, để chúng con biết lo giữ mình trong sạch, sống phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân, ngày đêm ca ngợi Chúa và sống dưới sự hiện diện của Chúa như các thiên thần. Nhờ đó, chúng con đã nếm hưởng niềm vui thiên quốc ngay ở cuộc sống trần gian này. Amen
Discussion about this post