KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 28,16-20
Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
II. SUY NIỆM
“HÃY ĐI LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ”
Trách nhiệm của chúng ta là Ki-tô hữu thì phải truyền giáo. Cũng giống như trong một gia đình có người con đi lạc, thì cha mẹ rất lo lắng, cần đến những đứa con trong gia đình phải đi tìm đứa con bị lạc trở về. Chúng ta được vinh dự làm con Chúa trong lòng Giáo hội, chúng ta cũng có bổn phận trong tình bác ái yêu thương mà đi tìm về cho Chúa những đứa con và là anh chị em của ta đang lạc bước.
Có người có điều kiện để bôn ba đây đó rao giảng Tin Mừng, có khả năng kiến thức và lợi khẩu để truyền bá Lời Chúa… Nhưng cũng có người âm thầm bằng những hy sinh và những kinh nguyện trước mặt Chúa, hoặc ngày ngày với tràng chuỗi mân côi cầu xin cho người lạc bước trở về với Chúa…
Bài Tin Mừng Khánh Nhật truyền giáo hôm nay là trích đoạn của thánh Mát-thêu về lệnh truyền của Chúa Giê-su:
- Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ
- Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
- Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
- Lời hứa: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
1. Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ
Cũng như Chúa Giê-su đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giê-su cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Ki-tô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x. GKPV).
Cùng với các môn đệ Chúa Giê-su, mọi người cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên quê hương mình.
2. Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Nếu đem đối chiếu các trình thuật về làm Phép rửa trong sách Tông Đồ Công Vụ (x. Cv 19,5…) và các thư thánh Phaolô, có thể chúng ta không dám chắc là đã có một công thức đầy đủ về việc làm Phép rửa nhân danh Ba Ngôi như tường thuật Tin Mừng Mát-thêu, bởi ban đầu các Tông Đồ và môn đệ vẫn làm Phép rửa nhân danh Chúa Giê-su, còn việc nhân danh Ba Ngôi là sự tiến triển của thần học do Chúa Thánh Thần linh hứng về sau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là khi muốn làm môn đệ Chúa Giê-su (gia nhập đạo) thì phải lãnh Phép rửa. Phép rửa trở thành một điều kiện bắt buộc để được hưởng ơn cứu độ, vì qua Phép rửa, tín hữu được tái sinh trong Chúa Giê-su Ki-tô tử nạn và phục sinh.
Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Ki-tô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Ki-tô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Ki-tô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). Tóm lại, phải qua Phép rửa mới được cứu độ dù là minh nhiên hay mặc nhiên.
3. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em
Những huấn lệnh của Chúa Giê-su chiếm vị thế hàng đầu và trải dài trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ.
Và giờ đây, Chúa Giê-su truyền cho các môn đệ phải dạy cho muôn dân tuân giữ mọi điều mà Chúa Giê-su đã nói cho các môn đệ biết.
Như thế, sau khi bước theo Chúa và chịu Phép Rửa rồi, Ki-tô hữu không phải nhận Phép rửa gia nhập đạo rồi để đó, mà là phải tuân giữ lề luật của Chúa. Theo đạo thì phải giữ đạo và sống đạo, chứ không phải mang trên mình cái danh Ki-tô hữu vì đã chịu Phép rửa tội, mà sống như kẻ xa lạ.
4. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế
Chúng ta lại một lần nữa nghe xác quyết điều mà danh xưng Emmanuel diễn đạt (Mt 1,23). Nghĩa là khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thì nay, lời Chúa Giê-su hứa và cũng làm cho ứng nghiệm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b).
Thầy ở lại với anh em, nghĩa là sau khi Phục Sinh, trong một cách thế hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn bị giới hạn trong không gian hay thời gian nữa, mà ở trong niềm tin, lòng mến và sự trông cậy của các Tông Đồ: Rao giảng một niềm tin duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô, đặt tình yêu duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô và đặt tất cả niềm hi vọng vào Chúa Giê-su Ki-tô; bởi, “chính nhờ Người, với Người và trong Người, và mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Từ đây, mỗi khi làm dấu thánh giá, Ki-tô hữu tuyên xưng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chính mình.
Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen
Hiền Lâm
GIẢNG LỄ TRUYỀN GIÁO
Thưa QOBACE !
Hằng năm, Giáo Hội chọn Chúa Nhật áp cuối tháng 10 để mừng Khánh Nhật Truyền Giáo. Giáo phận SG chúng ta đã tổ chức cách rất long trọng tại nhà thờ Phao-lô – Bình Tân ngày hôm qua, có Đức Tổng GM Giu-se, ĐC phụ tá Giuse và gần như toàn bộ các cha trong GpSG về đồng tế.
Khẩu hiệu mà UBLBTM Giáo phận cúng ta chọn là: “LÒNG BỪNG CHÁY – CHÂN BƯỚC NHANH”.
Bài thuyết trình của Đức Tổng và các cha trong UBLBTM cùng những chia sẻ của một số đại diện Giáo xứ, dòng tu, hội đoàn… đề xoay quanh chủ đề “Đồng trách nhiệm truyền giáo”.
Đồng trách nhiệm truyền giáo là gì?
Thường thì khi nghe nói đến truyền giáo, chúng ta hay nghĩ rằng, đó là việc của các đấng các bậc, trách nhiệm của các linh mục, tu sĩ và những người được sai đi…
“Xưa rồi diễm ơi !”. Việc truyền giáo không độc quyền của ai cũng không dành cho riêng ai, mà là tất cả chúng ta “đồng trách nhiệm”, truyền giáo là bản chất của mọi Ki-tô hữu và là bản chất, trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận của những người con Chúa.
Tại sao vậy, thưa QOBACE ?
Thời Trung Cổ trở về trước, người ta quan niệm rằng:
Đi về Quê Trời (được cứu độ) như một con sông lớn và sâu.
Các Giáo hoàng, hồng y, giám mục, linh mục thì đi trên cầu, chắc chắn lắm,
Các tu sĩ thì chèo thuyền, tuy khá bấp bênh, nhưng cũng ít có người mất linh hồn,
Con giáo dân thì lóp ngóp bì bõm bơi, cheo leo lắm, mười người thì mảy may mất chừng bảy.
Ôi ! Xưa rồi, Giáo Hội hôm nay, trong bất cứ bậc sống nào cũng có thể nên thánh, và cũng có thể hư mất.
Và truyền giáo cũng thế !
Đôi khi một người giáo dân dân ít học lại đem được nhiều linh hồn về với Chúa hơn một vị giám mục tiến sĩ.
Quan trọng không phải là chức vụ mà là tinh thần truyền giáo.
Và như đã nói ở trên, truyền giáo là bản chất của Ki-tô hữu.
Bởi, khi chịu phép Rửa Tội, đã mang trên mình chức vụ và chức năng truyền giáo.
Đó là chức vụ ngôn sứ.
Thậm chí có thể nói, cả ba chức vụ: Ngôn sứ, tư tế, vương đế đều mang tính truyền giáo.
Vương đế là LÀM CHỦ. Vua thì có quyền làm chủ trên tất cả, Ki-tô hữu là vương đế, vừa là làm con Chúa, vừa là biết LÀM CHỦ bản thân, làm chủ trên tội lỗi, thế gian và đam mê xác thịt. Người biết làm chủ chính mình trước mọi điều thì trở nên chứng nhân sống động, và là một gương sáng giúp thu hút lương dân tin nhận Chúa. Có lương dân nói rằng, họ có ý theo đạo, nhưng thấy hai người công giáo đi lễ, quẹt xe nhẹ một tí mà xuống chửi nhau rồi đánh nhau sứt đầu mẻ trán…
Tư tế là LÀM LỄ. Trong việc sống đạo cho tốt, năng cầu nguyện và giữ kinh nguyện, sốt sắng tham dự lễ, trở thành của lễ dâng Chúa bằng việc bổn phận, niềm vui sống đức tin… có sức cảm hóa rất lớn đối với lương dân. Tôi từng giúp dạy cho một công nhân xin trở lại, mà họ được ơn trở lại vì được bạn mời đi tham dự lễ cưới của bạn, thích đến phát khóc và tìm đi học đạo…
Đặc biệt hơn cả là CHỨC VỤ NGÔN SỨ, là LÀM CHỨNG.
Ngôn sứ là Làm Chứng.
Làm chứng cho Chúa thì ai cũng làm được và làm được bất cứ nơi đâu.
Hôm qua Đức Tổng Giuse, chủ chăn Giáo phận chúng ta nói rằng:
Các bà truyền giáo ngay ngoài chợ, nơi siêu thị, chỗ bán hàng, nơi sản xuất… đó.
Các ông truyền giáo trong các cuộc trao đổi làm ăn, gặp gỡ, giao lưu, nơi làm việc…
Các công nhân truyền giáo nơi công ty, xí nghiệp…
Các sinh viên học sinh truyền giáo nơi trường học…
Những nơi đó, chúng ta làm gương sáng, một con người hiền lành trung thực, một con người chứng tỏ mình có đạo chứ không phải che dấu, một con người luôn vui tươi bình an vì có Chúa trong mình, và một con người không ngại nói về Chúa cho đồng nghiệp khi có thể. Tôi từng biết nhiều sinh viên được ơn trở lại vì ở chung lưu xá với các bạn công giáo, nhiều công nhân xin theo đạo khi ở cùng dãy trọ với các bạn công giáo…
Và thưa QOBACE !
Có lẽ đang hot hơn cả, đang cute hơn cả trong thời đại kỹ thuật số 4.0 này,
Đó là dùng TRUYỀN THÔNG ĐỂ TRUYỀN GIÁO
Truyền giáo nhờ Internet, có thể ngồi một chỗ, nhưng lại lan phủ rộng nhất.
Bởi một gia đình có 5 người thì có tới 4 người dùng smartphone
Cách đây 3 năm, Đức Thánh Cha Phanxico đã phong Chân Phước cho một bạn trẻ là Carlo Arcutis,
Cho thấy viết trên Internet cũng là con đường để nên thánh.
Thượng Hội Đồng GM đang diễn ra tại Vatican cũng khẳng định:
“INTERNET LÀ VÙNG ĐẤT TRUYỀN GIÁO MỚI VÀ GIỚI TRẺ SẼ MỞ ĐƯỜNG”
Thế nhưng chúng ta thì sao?
Lên fb, zalo, twitter, tiktok, telegram…
Ai đăng một cái ảnh cô gái xinh, hay một tin giật gân nào đó thì đưa nhau like ầm ầm, chia sẻ vô tội vạ.
Nhưng đăng những bài suy niệm, những suy tư đạo đức, những đoạn Kinh Thánh… thì vắng teo không ai quan tâm.
Buồn…
Internet và mạng xã hội lan tỏa nhanh nhất và phủ rộng nhất, và dễ thực hiện chuyển tải sứ điệp truyền giáo nhất, sao chúng ta không biết tận dụng?
Tóm lại, mừng Khánh Nhật Truyền Giáo hôm nay, chúng ta hãy ý thức mình đã nhận lấy vai trò truyền giáo từ ngày được Rửa Tội. Hãy sống chức vụ vương đế, tư tế và ngôn sứ – làm chủ, làm lễ và làm chứng.
Hãy như lời Đức Tổng Giu-se, chủ chăn giáo phận chúng ta nhắn nhủ:
Ước gì mỗi chúng ta có thể thu phục được một người theo Chúa,
Thì 500 ngàn giáo dân giáo phận chúng ta năm tới sẽ có thêm 500 ngàn tân tín hữu.
Amen.
Discussion about this post