Thứ Sáu sau Lễ Mình và Máu Chúa Kitô
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU
Lễ trọng
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11,25-30
Vào lúc ấy, Đức Giê-su cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha.
“Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho.
“Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
II. SUY NIỆM
“HÃY MANG LẤY ÁCH CỦA TÔI”
Điều thật lạ lùng là trong sự độc ác của con người mà tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ – khi sự tàn nhẫn của loài người dùng lưỡi gươm đâm vào trái tim Chúa Giêsu là lúc dòng nước và máu cứu độ tuôn trào.
Hằng năm, ngày thứ sáu sau Lễ Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, Giáo hội tiếp tục mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu như là một tiếp nối mừng mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa trao ban cách tròn đầy và trào tràn cho nhân loại: trao ban cả chính Thân Mình và trao ban đến giọt máu cuối cùng.
Bài Tin Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay, chúng ta được nghe Chúa Giêsu dạy hãy đến với Người để được nâng đỡ bổ sức, hãy đến với người để học lấy sự khiêm nhường của những tâm hồn bé mọn:
1. Mầu nhiệm Thiên Chúa được mặc khải cho người bé mọn.
“Mặc khải” có nghĩa làm cho những gì đã giấu kín được tỏ lộ ra, mang ra ánh sáng những gì đang ở trong bóng tối, hay làm cho một người hiểu những gì họ chưa biết hay còn mù mờ.
Chúa Giêsu so sánh giữa những người khôn ngoan thông thái với kẻ bé mọn để dạy mọi người cần có thái độ của trẻ thơ: tin tưởng, khiêm nhường, ham học hỏi, để Người chuyển thông cho họ những kiến thức về Thiên Chúa. Bởi vì, thái độ kiêu hãnh và nghi ngờ sẽ ngăn cản người ta nhận ra những gì Chúa muốn mặc khải cho.
Để hiểu Mầu Nhiệm Nước Trời, chúng ta cần có thái độ khiêm nhường: trông cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa chứ không phải ỷ vào sức mình.
Đức tin ở một cấp độ cao hơn lý trí, không lệ thuộc vào lý trí, nhưng lý trí có thể làm sáng tỏ đức tin. Thay vì giản lược một Thiên Chúa khôn ngoan uy quyền vào lý trí hạn hẹp; con người phải ra sức cầu xin để Thiên Chúa ban cho hiểu được phần nào sự khôn ngoan vô cùng của Thiên Chúa. Chứ không phải biết được chút gì thì đã kiêu ngạo nhân danh khoa học để bác bỏ sự hiện hữu của Thiên Chúa, hoặc không hiểu được một vấn đề thì lại cho là vô lý mà không nhận ra cái giới hạn của mình.
2. Đến với Chúa để được nâng đỡ bổ sức cho
(Venite ad me omnes qui laboratis).
Có hai thứ gánh nặng: gánh nặng lề luật và gánh nặng cuộc đời:
Gánh nặng lề luật là: Thời Chúa Giêsu, là bộ luật phải giữ chi li hơn sáu trăm điều luật của biệt phái chất lên cổ dân. Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc, thì lại trở thành “những gánh nặng chất lên vai. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu mời gọi dân theo Người vượt qua tinh thần câu nệ lề luật, đặt niềm tin vào luật mới yêu thương, để tìm được “sabát’ đích thực là được nghỉ ngơi trong tâm hồn, được hưởng sự bình an sâu xa của người được cứu độ, để bắt đầu cuộc sống mới trong Thần Khí.
Gánh nặng cuộc đời là: Gánh nặng gắn liền với phận người, gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác; gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng của yếu đuối hiện tại, gánh nặng lo âu cho tương lai… Gánh nặng vì bi quan thất vọng và lo âu, gánh nặng của khó khăn chán chường và mệt mỏi. Gánh nặng của ham muốn vật chất, của đam mê xác thịt, của các tật xấu kìm hãm con người ta… Chúa mời gọi chúng ta hãy tìm về với Bí tích Giao Hoà, tìm về với giây phút lắng đọng bên Thánh Thể, tìm về với của ăn tinh thần là Mình Máu Chúa trong thánh lễ, để được người nâng đỡ và bổ sức cho.
Hãy mang lấy ách của tôi và hãy học cùng tôi…
Ách của lề luật và cuộc đời đã đè nặng trên chúng ta, bây giờ chúng ta được mời gọi mang lấy chính Chúa. Chúa không vác thay chúng ta, nhưng cùng vác với chúng ta và nâng đỡ bổ sức cho chúng ta.
Hình ảnh cái ách, tức là cái được đặt lên trên cổ con bò, con trâu, con lừa hay con ngựa để nó kéo xe hoặc kéo cày. Nói lên một kiếp nô lệ và vất vả, nhưng cũng là đầu kéo mọi thứ tiến lên hoặc làm cho một thửa đất tơi xốp phát sinh nhiều hoa trái mới. Chúa Giêsu đã tự huỷ hạ mình xuống làm thân nô lệ (x. Pl 2,6-11). Chúa chấp nhận kiếp người để cùng mang lấy cái ách lề luật của xã hội với chúng ta và cùng mang lấy kiếp lầm than vất vả của chúng ta. Và Chúa cũng kéo chúng ta tiến về phía trước là Nước Trời, làm cho chúng ta phát sinh hoa trái trong Chúa Thánh Thần.
Học với Chúa sự khiêm tốn và hiền hậu, là vui lòng đón nhận gánh nặng của cuộc đời, nhưng kết hợp với Chúa Giêsu để được bổ sức và cùng Người vượt lên, chứ không phải tìm cách né tránh để rồi tuyệt vọng và hư mất.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn yếu đuối với mình, mà năng chạy đến nép mình vào Trái Tim yêu thương vô bờ bến của Chúa, để kín múc được nguồn tình yêu của Chúa mà sống yêu thương nhau như Ngài; xin cho chúng con cũng luôn biết rước Thánh Thể mỗi ngày, để tâm hồn chúng con được bổ dưỡng sức thần thiêng mà vượt thắng mọi khó khăn trên đường lữ thứ trần gian. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 19,31-37
Hôm đó là ngày áp lễ, người Do-thái không muốn để xác chết trên thập giá trong ngày sa-bát, mà ngày sa-bát đó lại là ngày lễ lớn. Vì thế họ xin ông Phi-la-tô cho đánh giập ống chân các người bị đóng đinh và lấy xác xuống. Quân lính đến, đánh giập ống chân người thứ nhất và người thứ hai cùng bị đóng đinh với Đức Giê-su. Khi đến gần Đức Giê-su và thấy Người đã chết, họ không đánh giập ống chân Người. Nhưng một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra. Người xem thấy việc này đã làm chứng, và lời chứng của người ấy xác thực; và người ấy biết mình nói sự thật để cho cả anh em nữa cũng tin. Các việc này đã xảy ra để ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Không một khúc xương nào của Người sẽ bị đánh giập. Lại có lời Kinh Thánh khác: Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu.
II. SUY NIỆM
“HỌ NHÌN LÊN ĐẤNG HỌ ĐÃ ĐÂM THÂU”
Hằng năm, ngày thứ sáu sau Lễ Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, Giáo hội tiếp tục mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu như là một tiếp nối mừng mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa trao ban cách tròn đầy và trào tràn cho nhân loại: trao ban cả chính Thân Mình và trao ban đến giọt máu cuối cùng.
Điều thật lạ lùng là trong sự độc ác của con người mà tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ – khi sự tàn nhẫn của loài người dùng lưỡi gươm đâm vào trái tim Chúa Giêsu là lúc dòng nước và máu cứu độ tuôn trào.
Hình ảnh một người lính đâm vào cạnh sườn Chúa Giê-su và máu cùng nước chảy ra: Máu nói lên sự sống và tình yêu, nước chảy đến đâu như muốn rửa sạch đến đó. Khi nói Máu và Nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giê-su, Tin Mừng Gioan muốn tỏ cho mọi người thấy Trái Tim Chúa đang đổ hết sức sống và tình yêu của Người ra nhằm rửa sạch tội lỗi con người, để họ trở thành tạo vật mới, thánh thiện, trong sạch đẹp lòng Chúa.
Nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giê-su là hình ảnh phát sinh các Bí tích và sinh ra Giáo hội. Chính khi ghi lại sự kiện này, Tin Mừng Gioan đã dùng câu kết “Họ đã nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”, nghĩa là mời gọi mọi người cùng ngước nhìn lên để chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu, chiêm ngắm Đấng là Vua Tình Yêu đã trao ban đến giọt máu cuối cùng.
1. Ý nghĩa các sự kiện
Theo tục lệ Do-thái, họ không để xác tử tội treo trên thập giá trong ngày Lễ Vượt Qua, vì thế, nếu tử tội chưa chết thì họ đáng gãy ống chân cho toàn thân xác khụy xuống, ngực sẽ bị ép lại và chết. Tường thuật của Tin Mừng Gioan ghi rõ, hai anh trộm chưa chết nên bị đánh gãy ống chân, còn Chúa Giê-su chết rồi, thì không đánh gãy ống chân nữa, nhưng tên lính đã dùng lưỡi đòng đâm vào cạnh sườn Chúa Giê-su (làm ứng nghiệm lời Thánh Kinh nói về chiên vượt qua xưa không bị đánh gãy xương: x. Xh 12,46). Việc này trả lời cho những lập luận viển vông của không ít người “cho rằng anh trộm lành lên thiên đàng trước nhất”, mà không biết rằng, khi Chúa Giê-su nói “mọi sự hoàn tất” và gục đầu tắt thở thì ơn cứu độ hoàn thành, và các “thánh tổ tông” đã được cứu qua hình ảnh biểu tượng là bức màn trong đền thờ bị xé và mồ mả mở tung, kẻ chết chỗi dậy hiện ra với nhiều người… theo như các Tin Mừng ghi lại. Trong khi hai anh trộm kia vẫn còn sống sờ sờ ra đó mà lại bảo lên thiên đàng trước thì thật là thiếu hiểu biết.
Một người lính đã cầm giáo chọc thủng cạnh sườn Người, nơi che giấu trái tim yêu thương của Người. Những giọt máu yêu thương cuối cùng chảy ra. Những giọt máu nói lên tình yêu thương nồng nàn ngay khi thân thể đã cứng lạnh. Những giọt máu hy sinh tế lễ để đền tội cho loài người. Gioan đã nhìn thấy cảnh tượng đó. Máu lại chảy ra, máu nói lên ý nghĩa hy tế tình yêu, Gioan bừng mắt nhận ra lời Thánh Kinh: khi làm thịt con chiên vượt qua, không được làm gãy một cái xương nào. Như vậy, trên thánh giá, Ðức Kitô thật là Con Chiên vượt qua của đạo mới. Và máu từ cạnh sườn đang chảy ra, đúng là máu cứu độ thay thế hẳn máu chiên vượt qua ngày xưa bôi trên cửa nhà người Do-thái để cứu họ khỏi bị sát hại.
Xưa kia, ngôn sứ Ê-dê-ki-en mơ thấy từ bên phải đền thờ Giê-ru-sa-lem mới sẽ có suối nước chảy ra: nước trong sạch và phong phú làm sao! Nước chảy đi đến đâu, tạo vật mới mọc lên, sinh ra đến đó. Nước ấy là nước sự sống trường sinh. Nay ở cạnh sườn Chúa Giê-su tử nạn, có nước chảy ra theo máu. Ðiều đó nói lên ý nghĩa rõ ràng: hy lễ của Ðức Kitô đang ban Nước Thánh Thần rửa sạch nhân loại, biến họ nên tạo vật mới và sống dồi dào.
2. Ý nghĩa tái sinh
Theo truyền thống các Do-thái, thân xác con người có máu và nước; hai yếu tố này tràn ra khỏi con người: đó là dấu con người đã thật sự chết. Tác giả Tin Mừng Gio-an có một cái nhìn sâu xa về hiện tượng này. Như chiên lễ Vượt Qua Do-thái chịu sát tế vào chiều ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su cũng đổ máu mình ra vào chiều ngày áp lễ. Như thế, Người trở thành Chiên lễ Vượt Qua mới, nghĩa là lễ vật trong hy lễ thập giá nhờ cái chết của Người. Nước đem lại sự sống cho con người; trong Cựu Ước, nước và Thần Khí thường đi đôi với nhau. Theo Gioan 7,38-39, nước tượng trưng cho Thần Khí do Đức Giê-su ban sau ngày được tôn vinh. Máu là biểu tượng của hy tế, là dấu hiệu có mặt trong mọi giao ước. Còn nước biểu trưng sự sống, như dòng nước vọt ra từ tảng đá trong sa mạc (Xh 17,6), suối nước từ bên phải Đền thờ chảy ra (Ed 47,1-12)
Ở đây, máu và nước được liên kết chặt chẽ với nhau: thân xác Đức Giê-su đã chết (máu) và được tôn vinh (7,38-39) trở nên nguồn mọi ân huệ thiên liêng của Thánh Thần đem lại sự sống mới cho tất cả những ai tin. Việc máu và nước chảy ra từ cạnh sườn Chúa cho thấy Đức Giê-su đã chết thật về thể lý nhưng từ cõi chết Người đã phục sinh vinh hiển, để tuôn trào sự sống mới cho nhân loại (Rm 6,4; 1Cr 11,25…).
Cử chỉ của người lính mang tính ngôn sứ, mặc khải mầu nhiệm Thiên Chúa. Máu chuộc tội đã đổ ra, không phải trên bàn thờ trong đền thánh nữa, mà trên miền đất đã được tái sinh, chứa chan sức sống. Trong cái nhìn này, chúng ta thấy Giáo hội đã được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Giê-su, như E-va đã sinh ra nhờ khúc xương sườn của A-đam. Giáo hội cũng được sinh ra từ cạnh sườn Chúa Giê-su Ki-tô và Giáo hội là thân thể của Người, Người sẽ yêu thương Giáo hội và mỗi chúng ta như thân thể của Người.
3. Lời mời gọi
Vết thương mở rộng nơi cạnh sườn Chúa Giê-su, mời gọi chúng ta khám phá mối tình mãnh liệt và nhiệm mầu đã nung nấu Trái Tim Chúa. Không có một lời, một cử chỉ nào, hay một khoảng thinh lặng nào của Chúa Giê-su lại không nói lên tình yêu mãnh liệt và vĩnh cửu. Chính từ trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu mà phát sinh nơi chúng ta lòng sung kính Trái Tim Chúa Giê-su. Hãy chiêm ngắm tình yêu Chúa và tình yêu Chúa sẽ biến đổi chúng ta.
Mọi Kitô hữu được mời gọi nhìn lên thập giá, chiêm ngắm cạnh sườn bị đâm thâu, chảy ra đến giọt máu cuối cùng vì tình yêu dành cho nhân loại. Nơi đó, Chúa Giêsu là một vị vua không thống trị bằng sức mạnh, nhưng Người phục vụ trong yêu thương. Cho đến ngày tận thế, Người vẫn thu hút mọi người đến với Người. Thập giá là nơi vương quyền của Người được tỏ lộ mà không sợ bị hiểu lầm.
Chúng ta cần ngắm nhìn Ngài trên thập giá để biết cách chinh phục thế giới. Bởi vì thế giới hôm nay xúc động trước lòng yêu thương và tha thứ. Xin Chúa Giêsu là Vua Tình yêu ngự trị trong trái tim nhân hậu của chúng ta khi đến với tha nhân.
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con biết khiêm tốn nhận ra những giới hạn yếu đuối với mình, mà năng chạy đến nép mình vào trái tim yêu thương vô bờ bến của Chúa để kín múc được nguồn tình yêu của Chúa mà sống yêu thương nhau như Ngài. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 15,3-7
Khi ấy, Đức Giê-su nói cùng các kinh sư và người Pha-ri-sêu rằng: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.
II. SUY NIỆM
Hằng năm, ngày thứ sáu sau Lễ Mình và Máu Chúa Giêsu Kitô, Giáo hội tiếp tục mừng Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu như là một tiếp nối mừng mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa trao ban cách tròn đầy và trào tràn cho nhân loại: trao ban cả chính Thân Mình và trao ban đến giọt máu cuối cùng từ Thánh Tâm đầy yêu thương.
Các bài đọc Lời Chúa ngày hôm nay xoay quanh chủ đề Tình yêu của Thiên Chúa dành cho tội nhân, qua hình ảnh “người mục tử đi tìm con chiên lạc và đưa chiên trở về”.
Trái ngược với cái nhìn loại trừ của các kinh sư Do-thái, khi họ bàn tán xầm xì với nhau về việc Chúa Giêsu đã đón nhận và đồng bàn với những người thu thuế và tội lỗi, Chúa Giêsu trả lời các kinh sư bằng loạt dụ ngôn: Con chiên lạc, đồng bạc mất, và người cha nhân hậu (người con phung phá).
Cách riêng, trong bài Tin Mừng hôm nay, dừng lại ở dụ ngôn “con chiên lạc”. Hình ảnh con chiên lạc ở đây là nó lạc bước không có chủ ý, mà do đam mê cỏ ngon suối ngọt mà nó bị lạc, nên nó vẫn muốn tìm về, nhưng nó không tìm được đường về, hoặc bị sa xuống hố, hay đang bị cầm giữ, nên chủ nó mới đi tìm về, cho nó được nhập lại đàn và băng bó chữa trị cho nó. Cũng thế, không ít người trong chúng ta cũng lạc lối bơ vơ trong những đam mê, sa lầy trong tội lỗi, bị mọi thứ thế gian che khuất không tìm thấy lối trở về nẻo chính đường ngay. Chúa vẫn đã, đang và sẽ mãi đi tìm chúng ta để chữa lành và đưa về với Hội Thánh. Đó là điều làm cho chúng ta an tâm và ngoan ngoãn cho Chúa đưa về. Chúng ta đừng thất vọng, Chúa sẽ đi tìm chúng ta, dù chúng ta đã xa lìa Giáo hội, nhưng Chúa vẫn không bỏ ta, Giáo hội vẫn mở rộng cửa đón chờ.
Tình yêu Chúa Giê-su dành cho con người được chính Người ví như người mục tử với đàn chiên, biết từng con chiên và lo lắng đi tìm con chiên lạc trở về. Thật vậy, người mục tử thường phải hiện diện với bầy chiên của mình suốt khoảng thời gian ngày lẫn đêm. Người mục tử ấy phải biết rõ chiên mình: con nào đau, con nào mạnh, con nào còn, con nào bỏ bầy đi lạc.
Ngày xưa, Thiên Chúa nói với dân riêng của Người qua môi miệng tiên tri Isaia: “Đừng sợ, Ta đã gọi ngươi bằng tên riêng của ngươi”. Cũng thế, như người mục tử, Chúa Giêsu cũng biết rõ mỗi người chúng ta một cách vừa thân mật lại vừa sâu xa. Người biết ai trong chúng ta đang yếu kém về đức tin, ai trong chúng ta thường ngã lòng, ai trong chúng ta hay bỏ bầy để đi hoang. Người không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Trái lại, Người luôn ở cạnh chúng ta để nâng đỡ, phù trợ. Và nếu như chúng ta có lầm đường lạc lối, thì chính Người sẽ tìm kiếm chúng ta, vì Người ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế.
Chúa Giêsu đưa ra khuôn mẫu mục tử nhân lành là chính Chúa. Cả cuộc đời không tìm an nhàn cho bản thân. Người dong duổi gió bụi để tìm từng con chiên lạc đưa về ràn. Vì sự sống của đàn chiên, Người sẵn sàng đối phó với sự dữ để bảo vệ đàn chiên. Người đã chấp nhận cái chết để đàn chiên được sống.
Chúa Giêsu luôn yêu thương đàn chiên, và yêu từng con chiên một. Chính Người yêu thương chăm sóc đàn chiên nên các con chiên mới được ăn trên đồng cỏ xanh, uống bên dòng suối mát. Chính Người lưu tâm bảo vệ đàn chiên, nên các con chiên mới an toàn khỏi kẻ bắt trộm, khỏi nanh sói dữ.
Hình ảnh Chúa Giêsu nơi người mục tử là biết từng con chiên và gọi tên từng con chiên… Nghĩa là vì yêu thương và trách nhiệm, chứ không phải bàng quang mặc kệ nó. Thật vậy, người mục tử thường phải hiện diện với bầy chiên của mình suốt khoảng thời gian ngày lẫn đêm. Người mục tử ấy phải biết rõ chiên mình: con nào đau, con nào mạnh, con nào còn, con nào bỏ bầy đi lạc.
“Biết chiên”. Ở đây không chỉ hiểu là nhận biết, mà còn là một sự liên kết thân thiết với nhau, yêu mến nhau như ngang hàng chứ không phải chủ tớ. Biết từng con chiên không phải là chỉ lưu tâm đến những con béo mập đem lại lợi ích cho mình, mà là thấu hiểu tình trạng của từng con chiên để chăm sóc kịp thời, lo đi tìm kiếm chiên lạc khi thấy thiều vắng trong đàn mà đưa nó về.
Mỗi người chúng ta đều là mục tử của Chúa khi chúng ta có nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ anh em mình. Mỗi người chúng ta đều phải có trách nhiệm trước sự an nguy của đồng loại. Mỗi người chúng ta đều có bổn phận đẩy lùi sự dữ đang hoành hành trong môi trường sống của chúng ta. Không ai được phép bàng quan trước sự dữ đang bủa vây gia đình, xóm làng của mình. Không ai được phép vô trách nhiệm trước bữa no bữa đói của cha mẹ, con cái hay hàng xóm láng giềng. Nếu mỗi người chúng ta đều biết sống có trách nhiệm với anh em thì dòng đời này sẽ bớt đi những trái ngang, sẽ vơi đi những giọt nước mắt buồn đau, tủi hờn. Nếu mỗi người chúng ta đều biết đưa vai gánh đỡ gánh nặng cho anh em, và biết dùng đôi vai làm điểm tựa nâng đỡ anh em, thì cuộc đời này sẽ là một thiên đàng mà con người đang hưởng nếm những giây phút ngọt ngào nhất của tình người, của hạnh phúc yêu thương.
Tóm lại, ngày lễ kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, đặc biệt nói lên tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa luôn sẵn sàng tha thứ, đi tìm, chữa lành và đón nhận tội nhân trở về. Nếu lúc này còn những ai đang lạc bước trong tội, chúng ta đừng tuyệt vọng, hãy tin tưởng vào Chúa và đưa tay cho Người dắt về. Cả triều thần thiên quốc và Hội Thánh vui mừng vì chúng ta bỏ đường lối xấu mà cải thiện đời sống.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình của Chúa, biết học nơi Chúa cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người, để chúng con không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa. Amen
Discussion about this post