Ngày 6 tháng 8
CHÚA GIÊSU HIỂN DUNG
Lễ kính
NĂM A
I. BÀI TIN MỪNG: Mt 17,1-9
Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người! ” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ! ” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi.
Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy.”
II. SUY NIỆM
“TA-BO VÀ Ô-LIU”
Biến cố Chúa Hiển Dung được coi là một biến cố then chốt trong hành trình cứu độ của Chúa Giêsu nhằm vừa khẳng định vừa nâng đỡ cho hành trình đức tin của các môn đệ và mỗi Kitô hữu chúng ta: Hiển Linh – Hiển Dung – Hiển Trị (tỏ mình bắt đầu sứ vụ, một sự mặc khải để nâng đỡ đức tin và tử nạn Phục Sinh).
1. Biến cố biến hình vừa mang tính khẳng định lời Thánh Kinh, vừa bắt đầu đi vào Tử Nạn.
Một chi tiết giàu tính biểu tượng là sự hiện diện của hai khuôn mặt lớn trong Cựu ước: Môsê và Êlia, là hai nhân vật tóm tắt tất cả Lề Luật Môsê) và các ngôn sứ (Êlia). Hai nhân vật này tượng trưng cho Luật và các ngôn sứ, hai cánh cửa chính của Thánh Kinh trong đó đã loan báo Chúa Kitô phải chịu khổ hình rồi mới vào trong vinh quang của Người. Sự hiện diện của các ngài là chứng cớ sống động rằng lời tiên báo của Đức Giêsu về tương lai của Người hoàn toàn phù hợp với Thánh Kinh. Môsê là con người của cuộc Xuất hành, của núi Si-nai và của cuộc vượt qua Biển Đỏ; còn Êlia tiên tri lớn đã phải chịu đau khổ vì Thiên Chúa và vì dân tộc trước khi được cất lên trong đám mây…
Như một Êlia mới, Đức Giêsu cũng được mời gọi chịu đau khổ trước khi được “cất lên” (9,51) trong vinh quang thiên quốc, Người cũng là Môsê mới trong cuộc Xuất hành mới, trong lễ Vượt Qua mới của một Giao ước mới, sẽ vượt qua biển sự chết để giải phóng dân Người và dẫn đưa họ đến Đất sự sống đời đời.
2. Một biến cố của đức tin và niềm hy vọng.
Việc Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabo hé lộ thần tính của Người để các môn đệ thêm niềm tin tưởng. Người cho các ngài nếm thấy trước vinh quang để chấp nhận con đường đau khổ của Người sắp trải qua.
Các môn đệ cần được nâng đỡ qua biến cố hiển dung này, vì sẽ đến một ngày và ở trên một ngọn đồi khác, lúc đó bầu trời sẽ trở nên tối tăm, khuôn mặt Đức Giêsu, sẽ đầm đìa mồ hôi và máu, quần áo của Người sẽ không còn chói sáng nữa, mà sẽ bị lột khỏi thân mình Người. Đức Giêsu sẽ có hai tên trộm cướp làm bạn đồng hành. Sẽ không có tiếng nói phát xuất từ trời nữa, nhưng chỉ có những giọng nói chế giễu và nhạo báng mà thôi. Các môn đệ sẽ bị tản mác, và không muốn tham dự vào những sự việc đang diễn ra.
Biến cố biến hình còn cho các môn đệ niềm hy vọng, là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc, cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục Sinh hân hoan. Tựa như học sinh kiên nhẫn và miệt mài đèn sách vì hy vọng vào kết quả mùa thi tốt đẹp, như nông phu thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa cấy cày vì hy vọng vào mùa gặt bội thu…
Niềm hy vọng vào vinh quang Phục Sinh sẽ giúp các môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy chí thánh.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa Nhật thứ II Mùa Chay thánh này, Chúa mời gọi chúng con nâng tâm hồn lên để được nên một với Chúa trong ánh sáng thần linh, đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng con dấn thân vào cuộc sống để sống trọn kiếp lữ hành trần thế trong ý Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe và thực thi ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, với niềm hy vọng cuộc hiển dung cuối cùng trong vương quốc hằng sống của Chúa. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 9,2-10
Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Và ba môn đệ thấy ông Ê-li-a cùng ông Mô-sê hiện ra đàm đạo với Đức Giê-su. Bấy giờ, ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng. Bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.” Các ông chợt nhìn quanh, thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giê-su với các ông mà thôi. Ở trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lệnh đó, nhưng vẫn bàn hỏi nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì.
II. SUY NIỆM
“LÊN NÚI – XUỐNG NÚI”
Biến cố Hiển Dung qua tường thuật Tin Mừng Mác-cô mà chúng ta vừa nghe, được coi là một biến cố then chốt trong hành trình cứu độ của Chúa Giêsu nhằm vừa khẳng định vừa nâng đỡ cho hành trình đức tin của mỗi Kitô hữu chúng ta. Hành trình đức tin có những lúc lên cao khi cảm thấy đầy an ủi và hạnh phúc, nhưng cũng có lúc xuống sâu trong thử thách đau thương, cho tới ngày được hiển trị với Chúa trong vinh quang đời đời.
1. Lên núi.
Việc biến hình liên quan mật thiết với cuộc thương khó và biến cố Phục Sinh. Trong vài tuần nữa, Đức Giêsu lại đem ba môn đệ theo Người, ba người bạn này đến vườn Ghếtsêmani (Mt 26,37; Mc 14,33). Gương mặt của Đức Giêsu mà họ sắp thấy rạng ngời vinh quang, lúc đó họ lại thấy thấm đầy mồ hôi và máu đỏ (Lc 22,44) bị vả tát, rồi phỉ nhổ (Mt 25,67).
Việc Chúa Giêsu biến hình đã biến đổi cách nhìn của các môn đệ về con người và cuộc đời. Từ nay các ông sẽ không nhìn ở bề mặt mà biết nhìn vào bề sâu. Bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính Thiên Chúa. Bên trong cuộc khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh vinh quang. Cũng thế, bên trong mỗi thân xác có hiện diện của một linh hồn. Bên trong mỗi con người phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh.
Sứ điệp này cũng liên hệ đến cuộc đời chúng ta là giống như Đức Kitô, mỗi người chúng ta cũng có hai chiều kích, một thuộc về nhân tính, một thuộc về thiên tính. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một nét giống Ađam và một nét giống Thiên Chúa.
Chúa Giêsu trong trong kiếp phàm nhân đã cảm nhận những phút vinh quang biến hình thì cũng đồng thời sau đó cảm nhận sự thê thảm của sự tủi nhục, thì cuộc đời Kitô hữu chúng ta cũng thế. Những lúc đó, hãy nhìn lên Chúa để cùng hiệp thông với Người, như thánh Phaolô nói: Nếu chúng ta cùng cam chịu như Người, thì cũng sẽ chia sẻ vinh quang với Người.
2. Xuống núi.
Phêrô cứ muốn được ở lại trên núi. Ông muốn xây dựng một thiên đàng an toàn tại đó, cách xa khỏi tất cả những rắc rối và nguy hiểm. Nhưng mục đích của cuộc biến hình này không phải để khuyến khích họ trốn thoát thực tại, mà để khích lệ và củng cố Đức Giêsu và các Tông đồ nữa, để họ có khả năng quay trở lại, hầu đương đầu với những rắc rối và nguy hiểm mà họ đã để lại phía sau.
Phêrô muốn được ở lại trên đỉnh núi, muốn được khư khư giữ lấy ân sủng của cảm nghiệm này. Ông không muốn quay trở lại với cuộc sống hằng ngày và những thứ thông thường nữa, nhưng cứ muốn được mãi mãi ở lại trên vùng đất đầy niềm say mê phấn khích đó. Nhưng Đức Giêsu đã kêu gọi ông xuống núi, và đối diện với tương lai. Cảm nghiệm này không có ý tạo ra một sự trốn thoát khỏi cuộc đấu tranh đang nằm ở phía trước, nhưng là để giúp Người sẵn sàng đương đầu với cuộc đấu tranh đó. Giây phút đầy ánh sáng, là để giúp Người đương đầu với giây phút đầy bóng tối.
Cũng như Phêrô và các môn đệ trong biến cố biến hình hôm nay, mỗi người chúng ta ai cũng muốn được ở trên đỉnh vinh quang, nhưng lại không muốn đối diện với thực tế của cuộc đời, và muốn trốn tránh kiếp lữ hành trần thế, muốn trốn tránh thập giá là con đường duy nhất đưa đến sự phục sinh. Chúa Giêsu hôm nay vừa tỏ cho chúng ta thấy viễn cảnh Phục Sinh để nâng đỡ niềm tin cho chúng ta và cho chúng ta một niềm hy vọng chắc chắn về đời sống vĩnh hằng, nhưng Người mời gọi chúng ta phải xuống núi: xuống núi vừa để giúp những người khác thêm niềm tin và hy vọng, xuống núi để tiếp tục cuộc lữ hành trần thế tiến về quê Trời.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con nâng tâm hồn lên để được nên một với Chúa trong ánh sáng thần linh, đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng con dấn thân vào cuộc sống để sống trọn kiếp lữ hành trần thế trong ý Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe và thực thi ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, với niềm hy vọng cuộc hiển dung cuối cùng trong vương quốc hằng sống của Chúa. Amen.
Hiền Lâm
NĂM C
I. BÀI TIN MỪNG: Lc 9,28b-36
Khi ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem. Còn ông Phê-rô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Đức Giê-su, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này từ biệt Đức Giê-su, ông Phê-rô thưa với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay ! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a.” Ông không biết mình đang nói gì. Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng : “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người !” Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Đức Giê-su. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy.
II. SUY NIỆM
“VINH QUANG VÀ THẬP GIÁ”
Hiển Linh – Hiển Dung – Hiển Trị (tỏ mình bắt đầu sứ vụ, một sự mặc khải để nâng đỡ đức tin và tử nạn Phục Sinh) là ba biến cố then chốt trong nhiệm cục cứu độ. Trong đó, biến cố Hiển Dung nhằm nâng đỡ cho hành trình đức tin của mỗi Kitô hữu chúng ta. Hành trình đức tin có những lúc lên cao khi cảm thấy đầy an ủi và hạnh phúc, nhưng cũng có lúc xuống sâu trong thử thách đau thương, cho tới ngày được hiển trị với Chúa trong vinh quang đời đời.
1. Thiên tính và nhân tính
Việc biến hình liên quan mật thiết với cuộc thương khó và biến cố Phục Sinh. Trong vài tuần nữa, Đức Giêsu lại đem ba môn đệ theo Người, ba người bạn này đến vườn Ghếtsêmani (Mt 26,37; Mc 14,33). Gương mặt của Đức Giêsu mà họ sắp thấy rạng ngời vinh quang, lúc đó họ lại thấy thấm đầy mồ hôi và máu đỏ (Lc 22,44) bị vả tát, rồi phỉ nhổ (Mt 25,67).
Việc Chúa Giêsu biến hình đã biến đổi cách nhìn của các môn đệ về con người và cuộc đời. Từ nay các ông sẽ không nhìn ở bề mặt mà biết nhìn vào bề sâu. Bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giêsu có ẩn chứa bản tính Thiên Chúa. Bên trong cuộc khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh vinh quang. Cũng thế, bên trong mỗi thân xác có hiện diện của một linh hồn. Bên trong mỗi con người phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh.
Sứ điệp này cũng liên hệ đến cuộc đời chúng ta là giống như Đức Kitô, mỗi người chúng ta cũng có hai chiều kích, một thuộc về nhân tính, một thuộc về thiên tính. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một nét giống Ađam và một nét giống Thiên Chúa.
Chúa Giêsu trong trong kiếp phàm nhân đã cảm nhận những phút vinh quang biến hình thì cũng đồng thời sau đó cảm nhận sự thê thảm của sự tủi nhục, thì cuộc đời Kitô hữu chúng ta cũng thế. Những lúc đó, hãy nhìn lên Chúa để cùng hiệp thông với Người, như thánh Phaolô nói: Nếu chúng ta cùng cam chịu như người, thì cũng sẽ chia sẻ vinh quang với Người.
2. Củng cố đức tin và niềm hy vọng.
Việc Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabo hé lộ thần tính của Người để các môn đệ thêm niềm tin tưởng. Người cho các ngài nếm thấy trước vinh quang để chấp nhận con đường đau khổ của Người sắp trải qua.
Các môn đệ cần được nâng đỡ qua biến cố hiển dung này, vì sẽ đến một ngày và ở trên một ngọn đồi khác, lúc đó bầu trời sẽ trở nên tối tăm, khuôn mặt Đức Giêsu, sẽ đầm đìa mồ hôi và máu, quần áo của Người sẽ không còn chói sáng nữa, mà sẽ bị lột khỏi thân mình Người. Đức Giêsu sẽ có hai tên trộm cướp làm bạn đồng hành. Sẽ không có tiếng nói phát xuất từ trời nữa, nhưng chỉ có những giọng nói chế giễu và nhạo báng mà thôi. Các môn đệ sẽ bị tản mác, và không muốn tham dự vào những sự việc đang diễn ra.
Biến cố biến hình còn cho các môn đệ niềm hy vọng, là: con đường đau khổ sẽ dẫn đến hạnh phúc, cái chết tủi nhục sẽ dẫn đến ngày Phục Sinh hân hoan. Tựa như học sinh kiên nhẫn và miệt mài đèn sách vì hy vọng vào kết quả mùa thi tốt đẹp, như nông phu thức khuya dậy sớm, dãi nắng dầm mưa cấy cày vì hy vọng vào mùa gặt bội thu…
Niềm hy vọng vào vinh quang Phục Sinh sẽ giúp các môn đệ can đảm chấp nhận cuộc khổ nạn thương đau và cái chết tủi nhục của Thầy chí thánh.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa mời gọi chúng con nâng tâm hồn lên để được nên một với Chúa trong ánh sáng thần linh, đồng thời Chúa cũng mời gọi chúng con dấn thân vào cuộc sống để sống trọn kiếp lữ hành trần thế trong ý Chúa. Xin cho chúng con luôn biết lắng nghe và thực thi ý Chúa trong mọi biến cố của cuộc đời, với niềm hy vọng cuộc hiển dung cuối cùng trong vương quốc hằng sống của Chúa. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post