LỄ CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI
(Một số nơi mừng Lễ Chúa Giê-su lên trời vào Thứ Năm Tuần VI Phục Sinh).
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 28,16-20
Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
II. SUY NIỆM
“LÊN TRỜI LÀ MỘT CÁCH THẾ HIỆN DIỆN MỚI”
Sự kiện Chúa Giêsu lên trời là một sự hiện diện theo cách thế mới. Nếu khi ở trong thân xác phàm nhân, Chúa Giêsu như bị giới hạn về sự hiện diện; thì nay, trong thân xác Phục Sinh, người hiện diện mọi nơi mọi lúc với các môn đệ, mà không còn bị lệ thuộc không gian hay thời gian vật lý nữa. Sự hiện diện của Chúa Giêsu với chúng ta sau khi Người lên trời, biểu trưng nơi cõi trời cao xa có thể quan sát thấy mọi đường đi nước bước của các chứng nhân, để đồng hành, hướng dẫn, an ủi, khích lệ và ban ơn phúc.
Mỗi sách Tin Mừng tường thuật sự kiện Chúa Giêsu lên trời theo cách riêng của mình, nhưng tất cả đều kết thúc bằng một lời sai đi, đưa các môn đệ lên đường thi hành sứ vụ. Mừng lễ Chúa Giêsu lên trời hôm nay, qua tường thuật kết thúc Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu cũng kể cách chi tiết về lệnh truyền của Chúa Giêsu là:
– Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ
– Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
– Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
– Lời hứa: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
1. Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Cũng như Chúa Giêsu đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x.GKPV).
2. Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Nếu đem đối chiếu các trình thuật về làm phép rửa trong sách Tông Đồ Công Vụ (x. Cv 19,5…) và các thư thánh Phaolô, có thể chúng ta không dám chắc là đã có một công thức đầy đủ về việc làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi như tường thuật Tin Mừng Mát-thêu, bởi ban đầu các tông đồ và môn đệ vẫn làm phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, còn việc nhân danh Ba Ngôi là sự tiến triển của thần học do Chúa Thánh Thần linh hứng về sau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là khi muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (gia nhập đạo) thì phải lãnh phép rửa. Phép rửa trở thành một điều kiện bắt buộc để được hưởng ơn cứu độ, vì qua Phép Rửa, tín hữu được tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.
Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”).
Tóm lại, phải qua phép rửa mới được cứu độ dù là minh nhiên hay mặc nhiên.
3. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Những huấn lệnh của Chúa Giêsu chiếm vị thế hàng đầu và trải dài trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ.
Và giờ đây, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải dạy cho muôn dân tuân giữ mọi điều mà Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ biết.
Như thế, sau khi bước theo Chúa và chịu phép rửa rồi, Kitô hữu không phải nhận phép rửa gia nhập đạo rồi để đó, mà là phải tuân giữ lề luật của Chúa. Theo đạo thì phải giữ đạo và sống đạo, chứ không phải mang trên mình cái danh Kitô hữu vì đã chịu phép rửa tội, mà sống như kẻ xa lạ.
4. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Chúng ta lại một lần nữa nghe xác quyết điều mà danh xưng Emmanuel diễn đạt (Mt 1,23). Nghĩa là khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thì nay, lời Chúa Giêsu hứa và cũng làm cho ứng nghiệm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b).
Tóm lại, mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, Kitô hữu được mời gọi hướng lòng lên với Chúa, hướng vọng về cõi trời là cùng đích của đời sống đạo, tin tưởng và hy vọng mai ngày được trở về quê trời là quê hương đích thực và vĩnh cửu bên Đấng họ yêu mến, là Đức Giêsu Kitô. Nhưng ai muốn đạt tới quê trời vinh phúc phải ghi nhớ và sống lệnh truyền của Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay là: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lên trời vinh hiển sau khi đã vượt qua khổ ải trần gian. Xin cho chúng con luôn biết hướng lòng lên những thực tại trên trời, để can đảm vượt qua những khổ ải dương gian, trung thành với lề luật Chúa trong đời sống đức tin và bác ái, hầu mai ngày chúng con cũng được về quê trời vinh hiển với Chúa. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 16,15-20
Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”
Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
II. SUY NIỆM
“HÃY ĐI LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ”
Truyền thống và Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo mừng lễ Chúa Giêsu thăng thiên sau 40 ngày kể từ ngày Người phục sinh (vì nhu cầu mục vụ, tại Việt Nam, các Giáo phận phía Nam đã mừng lễ Chúa Thăng Thiên vào Chúa Nhật VII Phục Sinh, khác với chính ngày là thứ năm tuần VI Phục Sinh).
Con số 40 là con số quan trọng trong Thánh Kinh, gợi nhớ con số 40 năm trong sa mạc của dân Israel trước khi vào Đất Hứa (biểu trưng cuộc lữ hành của Dân Mới của Thiên Chúa bước vào Nước Trời).
Đặc biệt, con số 40 có tính biểu trưng này, khởi hứng từ thực tại 40 tuần lễ đứa trẻ nằm trong bụng mẹ, gợi nhớ thời gian thai sinh, thời gian thử thách, cũng như thời gian tăng trưởng và chín muồi; đó là thời gian đợi chờ của một cuộc sinh nở mới.
40 ngày trong hoang địa, Chúa Giêsu dọn mình chuẩn bị sứ mạng cứu thế. Cũng 40 ngày sau khi Chúa phục sinh, các Tông Đồ và môn đệ cũng dọn mình sẵn sàng ra đi làm chứng cho Thầy Giêsu.
1. Lệnh truyền rao giảng Tin Mừng.
Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x. CGKPV).
Trước khi về trời, lời trối cuối cùng của Chúa Giêsu là: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà rao giảng Tin Mừng cho mọi lời thọ tạo”.
- Hãy đi: Đây là một mệnh lệnh mang tính trách nhiệm, chứ không phải một lời khuyên. Vì thế, đã là môn đệ Chúa, thì mọi người đều mang trong mình trách nhiệm truyền giáo.
- Đi: Nghĩa là lên đường, đến với nơi mình làm việc, nơi mình sinh sống, nơi mình tham gia các sinh hoạt… Truyền giáo là một hành động cụ thể qua lời nói và đời sống chứng nhân, chứ không phải “đạo tại tâm”.
- Khắp tứ phương thiên hạ: Nghĩa là, việc rao giảng và làm chứng cho Chúa không hệ tại ở một không gian nhất định, nhưng bất kỳ nơi nào mình đến và trong bất cứ hoàn cảnh nào.
- Rao giảng Tin Mừng: Rao giảng Tin Mừng là rao giảng “Lời Chúa”, việc Chúa, và làm chứng cho Chúa, chứ không phải rao giảng “lời hay ý đẹp của mình bịa ra”, làm công việc của mình hoặc ngầm ý vinh danh mình.
- Cho mọi loài thọ tạo: Lệnh truyền không giới hạn mình phải làm chứng cho Chúa trước một tôn giáo nào hay một tầng lớp xã hội nào, mà là cho bất cứ ai mình gặp gỡ.
2. Điều kiện để được cứu độ.
Tiếp theo lệnh truyền là lời khằng định của Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án”.
- Điều kiện bắt buộc để được cứu độ là tin và chịu phép rửa. Nên dù mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”).
- Cần phân biệt giữa việc được rao giảng mà không tin và chịu phép rửa, khác hẳn với việc không được nghe rao giảng. Ơn cứu độ trước việc người ta cứng lòng không tin khác với việc người ta lầm lạc không được nghe biết Tin Mừng. Vì thế, việc truyền giáo luôn là một trách nhiệm khẩn thiết của mỗi chúng ta.
Cũng cần lưu ý, những phép lạ chỉ là “kèm theo”, chỉ đóng vai trò phụ trong việc minh hoạ cho Lời Rao Giảng, nâng đỡ niềm tin người đón nhận và xoa dịu bớt phần nào nỗi đau khổ của kiếp nhân sinh; Lời Rao Giảng mới đóng vai trò chính trong niềm tin và ơn cứu độ. Chính vì thế, mà chính Chúa Giêsu cũng nhiều lần từ chối làm phép lạ, vì người ta đòi hỏi Người. Niềm tin mà chỉ dựa trên phép lạ thì không còn là niềm tin nữa.
Sự kiện Chúa Giêsu lên trời là một sự hiện diện theo cách thế mới. Nếu khi ở trong thân xác phàm nhân, Chúa Giêsu như bị giới hạn về sự hiện diện; thì nay, trong thân xác Phục Sinh, người hiện diện mọi nơi mọi lúc với các môn đệ, mà không còn bị lệ thuộc không gian hay thời gian vật lý nữa. Sự hiện diện của Chúa Giêsu với chúng ta sau khi Người lên trời, biểu trưng nơi cõi trời cao xa có thể quan sát thấy mọi đường đi nước bước của các chứng nhân, để đồng hành, hướng dẫn, an ủi, khích lệ và ban ơn phúc.
Tóm lại, mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, Kitô hữu được mời gọi hướng lòng lên với Chúa, hướng vọng về cõi trời là cùng đích của đời sống đạo, tin tưởng và hy vọng mai ngày được trở về quê trời là quê hương đích thực và vĩnh cửu bên Đấng họ yêu mến, là Đức Giêsu Kitô. Nhưng ai muốn đạt tới quê trời vinh phúc phải ghi nhớ và sống lệnh truyền của Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay là: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lên trời để dọn chỗ cho chúng con mai ngày. Xin cho chúng con luôn biết hướng lòng lên những thực tại trên trời, để can đảm vượt qua những khổ ải dương gian, trung thành với lề luật Chúa trong đời sống đức tin và bác ái, hầu mai ngày chúng con cũng được về quê trời vinh hiển với Chúa. Amen.
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 24,46-53
Đức Giêsu nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng nhân về những điều này. “Phần Thầy, Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống.”
Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.
II.SUY NIỆM
“HƯỚNG VỀ CÕI TRỜI”
Tin có một cõi trời vinh phúc là cùng đích của niềm tin Kitô giáo, nhưng cõi trời đó như thế nào thật khó diễn tả bằng ngôn ngữ nhân loại. Bởi cõi trời vinh phúc vượt ra ngoài những gì thuộc thời gian và không gian vật lý, nên không thể quan sát bằng con mắt xác thịt, cũng như không thể thực nghiệm nhờ các dữ liệu khoa học.
Đơn cử ví dụ là:
Năm 1961, phi hành gia Gagarin của Liên Xô, được cho là đã bay vào vũ trụ trên chiếc phi thuyền Vostok. Trở về trái đất, ông tuyên bố: “Tôi đã bay khắp nơi, mà chẳng thấy Chúa ở đâu cả”.
Năm 1966, phi hành gia Armstrong của Mỹ cũng bay vào không gian, và đến năm 1969 thì Armstrong là người đầu tiên đặt chân lên mặt trăng bằng phi thuyền Apollo 11. Armstrong đã cảm nhận rằng: “Tôi đã cảm nhận thấy sự hiện diện của Chúa”.
Cùng bay vào vũ trụ, nhưng hai con người có những nhìn nhận về niềm tin của mình khác nhau, lý do là vì hai phi hành gia này có quan niệm khác nhau về một “cõi trời” nơi Thiên Chúa hiện diện.
Vậy, hôm nay chúng ta mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời, vậy thì phải hiểu “lên trời” là thế nào đây? Cõi trời mà Chúa Giêsu đi vào có phải là một nơi chốn không? Hay chỉ là một trạng thái như không ít người đã từng giải thích như thế?
Xưa nay nhiều người trong chúng ta vẫn quan niệm (theo cách hiểu bình dân), “thiên đàng” thì ở trên trời và “hỏa ngục” thì ở dưới lòng đất. Nếu tin như thế, thiết nghĩ một ngày nào đó lòng đất sẽ không còn đủ chỗ để chứa hỏa ngục nữa, vì hỏa ngục đời đời cứ lớn ra mãi, trong khi trái đất thì không sinh; còn nếu thiên đàng là lên trên như đi từ hành tinh trái đất đến một hành tinh khác, thì liệu hành tinh vật chất đó có mãi đủ chỗ để chứa cái thiên đàng đời đời đó không.
Nghĩ như thế, là chúng ta cũng như phi hành gia vô thần Gagarin, dùng con mắt hữu hạn để quan sát cái vô hạn, dùng cái giới hạn vật lý để nắm bắt cái thiêng liêng vĩnh cửu.
Lại có một số chú giải cho rằng “thiên đàng” hay “hỏa ngục” không phải là một “nơi chốn” mà chỉ là một trạng thái, nghĩa là con người sẽ đạt tới trạng thái hạnh phúc hay đau khổ, trạng thái nhìn thấy Thiên Chúa hay xa lìa Thiên Chúa. Điều này cũng không chỉnh lắm, vì trạng thái chỉ là một phạm trù tinh thần, và trạng thái có thể thay đổi, mất đi và lệ thuộc hoàn cảnh tự nhiên. Điều này vô hình chung chối bỏ niềm tin rằng có một nơi Thiên Chúa dành sẵn để thưởng phạt người lành kẻ dữ.
Vì thế, dựa theo lời mặc khải của Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng Mt 25,34-41: “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa…”. Chúng ta khẳng định có một “cõi trời vinh phúc”, là một nơi chốn thực sự Chúa dành cho những ai yêu mến Người. Nơi đó, có hạnh phúc viên mãn và không còn đau khổ (x. Kh 21,1-4).
Cõi trời vinh phúc này thuộc thế giới thần linh, một nơi chốn vĩnh cửu, và đã là nơi chốn vĩnh cửu nên nó không còn lệ thuộc sự lớn nhỏ như không gian vật lý hữu hạn của chúng ta, cũng như không lệ thuộc vào thời gian giờ giấc ngày đêm năm tháng vật lý hay có khởi đầu và kết thúc nữa.
Hôm nay, Chúa Giêsu đi vào nơi cõi trời vinh phúc đó bằng chính “thân xác đã phục sinh” của Người. Đó là căn bản của đức tin và niềm hy vọng của chúng ta, để một mai cũng được phục sinh và đi vào cõi vinh quang ấy.
Sự kiện Chúa Giêsu lên trời là một sự hiện diện theo cách thế mới. Nếu khi ở trong thân xác phàm nhân, Chúa Giêsu như bị giới hạn về sự hiện diện; thì nay, trong thân xác Phục Sinh, người hiện diện mọi nơi mọi lúc với các môn đệ, mà không còn bị lệ thuộc không gian hay thời gian vật lý nữa. Sự hiện diện của Chúa Giêsu với chúng ta sau khi Người lên trời, biểu trưng nơi cõi trời cao xa có thể quan sát thấy mọi đường đi nước bước của các chứng nhân, để đồng hành, hướng dẫn, an ủi, khích lệ và ban ơn phúc.
Tuy nhiên, đang khi hướng vọng về cõi trời mai sau với Chúa, chúng ta được mời gọi sống giây phút hiện tại nơi cuộc sống thế gian này.
Nghĩa là không đứng mãi đó mà ngóng trông, như lời hai thiên sứ áo trắng nói (mà chúng ta nghe trong bài đọc I, sách Tông đồ Công vụ: “Hỡi những người Ga-li-lê, sao còn đứng nhìn lên trời” (Cv 1,11a). Nhưng, phải thực hiện Lời của Chúa Giêsu trối lại: “Hãy đi mà làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19).
Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, là niềm vui Nước Trời không dành cho những con người ích kỷ chỉ biết tìm kiếm hạnh phúc cho mình, mà là niềm vui trao ban và chia sẻ, để thêm nhiều người cùng hợp hoan trong nhà Cha trên trời và trở thành anh em với nhau.
Cũng như Chúa Giêsu đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giêsu cũng muốn chúng ta chia sẻ giữa những con người với nhau và loan báo Tin Mừng cho mọi người. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng. Để ngày sau, cùng chung hưởng niềm vui với nhau trên quê trời vinh phúc.
Tóm lại, mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, chúng ta được mời gọi hướng lòng lên với Chúa, hướng vọng về cõi trời là cùng đích của đời sống đạo, tin tưởng và hy vọng mai ngày được trở về quê trời là quê hương đích thực và vĩnh cửu bên Đấng chúng ta yêu mến, là Đức Giêsu Kitô. Nhưng để đạt tới quê trời vinh phúc chúng ta phải ghi nhớ và sống lệnh truyền của Chúa là: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã lên trời vinh hiển sau khi đã vượt qua khổ ải trần gian. Xin cho chúng con luôn biết hướng lòng lên những thực tại trên trời, mà trung thành với lề luật Chúa trong đời sống đức tin và bác ái, hầu mai ngày chúng con cũng được về quê trời vinh hiển với Chúa. Amen
Discussion about this post