THỨ BA TUẦN II PHỤC SINH
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 3,7b-15
Khi ấy, Đức Giê-su nói với ông Ni-cô-đê-mô rằng: “Các ông cần phải được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên. Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”
Ông Ni-cô-đê-mô hỏi Người: “Làm sao những chuyện ấy có thể xảy ra được? ” Đức Giê-su đáp: “Ông là bậc thầy trong dân Ít-ra-en, mà lại không biết những chuyện ấy! Thật, tôi bảo thật ông: chúng tôi nói những điều chúng tôi biết, chúng tôi làm chứng về những điều chúng tôi đã thấy, nhưng các ông không nhận lời chứng của chúng tôi. Nếu tôi nói với các ông về những chuyện dưới đất mà các ông còn không tin, thì giả như tôi nói với các ông về những chuyện trên trời, làm sao các ông tin được? ” Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống. Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.
II. SUY NIỆM
Triết học cổ đại Hi-lạp, đặc biệt Socrate, Platon và Aristote, thường sử dụng lối văn đối thoại để chuyển tải tư tưởng. Tin Mừng thứ IV cũng từng sử dụng lối văn đối thoại này, khi kể lại cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, hầu chuyển tải ý nghĩa về ơn cứu độ.
Mở đầu bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra một ví dụ minh họa về đặc tính của Thần Khí Thiên Chúa, được ví như gió: Gió tuy không ai thấy được nhưng không có nghĩa là không có, gió tự do thổi đâu thì thổi, không ai biết gió đến từ đâu và đi đâu. Thần Khí Thiên Chúa vốn thiêng liêng không ai thấy được, nhưng mọi người biết được nhờ kết quả của Thần Khí tác động và biến đổi trên những con người đã được tái sinh.
Nicôđêmô không thể hiểu được nên ông đã thắc mắc làm sao có thể xảy ra. Xét theo mạch văn, có lẽ ông vẫn chưa hiểu được về ý nghĩa Tân Sáng Tạo, nghĩa là nhờ Ơn Cứu Độ là cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Kitô, con người được sinh ra lần nữa không phải theo huyết nhục mà là qua Phép Rửa con người trở thành thụ tạo mới nhờ nước và Thần Khí.
Điều này không riêng gì Nicôđêmô, mà hết mọi người, kể cả các môn đệ Chúa Giêsu, chỉ khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, Người dùng Thánh Thần mở trí cho mới hiểu được ơn tái sinh này. Ơn tái sinh trong nước và Thần Khí xuất phát từ trời mà không ai đã lên trời để có thể thấu hiểu, mà chỉ có Đấng đến từ trời xuống mặc khải cho.
Điều Chúa Giêsu mặc khải thật rõ ràng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời”.
Có lẽ đây là nét độc đáo nhất chỉ gặp thấy nơi Tin Mừng thứ IV, con đường linh đạo này có một mức độ quyết liệt hơn, vì trong khi ba Tin Mừng Nhất Lãm nói đến việc muốn đạt đến Ơn Cứu Độ phải vác lấy thập giá, còn đối với Tin Mừng thứ IV đòi phải được “giương cao lên” nghĩa là không chỉ vác mà còn phải bị treo lên, chịu đóng đinh vào khổ giá.
Khác với ba lần nơi các Tin Mừng Nhất Lãm tiên báo cái chết một cách rõ ràng là Chúa Giêsu sẽ lên Giêrusalem chịu khổ nạn, thì Tin Mừng Thứ IV cũng tiên báo ba lần với cách nói: “Con Người được giương cao lên” (x. Ga 3,14; 8,28; 12,32).
Con Người được giương cao lên, nghĩa là Chúa Giêsu sẽ phải bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người.
Theo chiều ngang, với cách nói nơi Tin Mừng Nhất Lãm rằng ai muốn theo Chúa thì hãy bỏ mình, vác thập giá mà theo. Còn theo chiều dọc, Tin Mừng Thứ IV lại nói theo chiều đi lên, không chỉ vác mà còn phải được treo lên, nghĩa là phải cùng đóng đinh chính mình vào thập giá như Chúa Giêsu.
Như vậy, dù “đi theo” hay “treo lên”, thì Kitô hữu cũng chung một phương thế duy nhất là phải qua thập giá mới đạt đến Ơn Cứu Độ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chấp nhận được giương cao lên, là chấp nhận đóng con người tội lỗi của mình vào thập giá Chúa, để sau khi chết đi cho tội lỗi, chúng con được trở nên con người mới. Xin cho chúng con cũng biết “giương cao lên” là vượt lên trên mọi sự thấp hèn xấu xa của thế gian, để sống cho Chúa và cho mọi người. Amen.
Hiền Lâm
Discussion about this post