THỨ SÁU TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 21,1-14
Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.
Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư? ” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó! ” Vừa nghe nói “Chúa đó! “, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.
Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây! ” Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn! ” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai? “, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.
II. SUY NIỆM
Theo trình thuật của tác giả Tin Mừng thứ IV, cuộc hiện ra của Đấng Phục Sinh hôm nay với các môn đệ là lần hiện ra thứ ba (số đông) sau khi từ cõi chết sống lại. Cuộc hiện ra với nhiều môn đệ lần thứ ba này không còn ở Giêrusalem nữa, mà là về miền Bắc nơi có biển hồ Galilê, theo như những gì Người đã báo trước.
Galilê là nơi Chúa Giêsu khởi sự rao giảng Tin Mừng và chọn các môn đệ, thì nay sau khi sống lại, Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ bắt đầu từ đây mà làm chứng cho Người “bắt đầu từ Galilê cho đến tận cùng trái đất”.
Theo tường thuật của tác giả Tin Mừng, chúng ta gặp thấy một số chi tiết mang tính biểu tượng sau đây:
Trước hết, điều chắc chắn là hôm nay các môn đệ đã tụ tập về đây theo cuộc hẹn trước của Thầy. Thầy đã nói điều này trước khi bước vào cuộc Tử Nạn và sau khi Phục Sinh cũng đã nhắc đi nhắc lại để hẹn các ông về gặp nhau ở Galilê (Mt 26,32; 28,7.10; Mc 14,28; 16,7). Và có lẽ chờ Thầy chưa đến, các ông rủ nhau làm một chuyến đánh cá hồi nhớ nghề cũ và kiếm cái để ăn. Tin Mừng kể rằng các môn đệ vất vả suốt đêm mà không bắt được gì, cho tới sáng Chúa hiện ra và bảo hãy thả lưới vào bên phải mạn thuyền. “Thả lưới vào bên phải thuyền” thiết nghĩ không có gì mới, và những tay nghề như Phêrô hay Anrê có lẽ cả đêm cũng đã thả lưới đủ các kiểu bên trái hay bên phải rồi. Thực ra, những chi tiết như “vất vả suốt đêm”, “trời sáng Chúa Giêsu đến” và “thả bên phải mạn thuyền” mang ý nghĩa biểu tượng. Đặc biệt hình ảnh “bên phải mạn thuyền” gợi nhớ sự kiện một tên lính đã dùng giáo đâm vào cạnh sườn phải Chúa Giêsu làm máu và nước chảy ra. Với sức riêng ỷ lại vào khả năng mình và mò mẫm trong bóng tối, công việc truyền giáo (bắt cá) của các môn đệ hoàn toàn thất bại, cho tới khi có ánh sáng Đấng Phục Sinh đến, và khi bắt đầu truyền giáo bằng Tình Yêu từ cạnh sườn của Đấng Phục Sinh thì kết quả mới bội thu.
Chi tiết khi các môn đệ bước lên bờ, thì đã có cá nướng sẵn, nhưng Chúa Giêsu bảo đem cá các ông vừa mới bắt được đến nữa cũng mang một ý nghĩa biểu tượng. Đấng Phục Sinh không dọn sẵn cho các môn đệ tất cả, nhưng cần sự cộng tác của các ông. Thiên Chúa ghi nhận công lao vất vả của con người, để cùng kết hợp trong hy tế của Chúa Giêsu đem lại ơn cứu độ cho muôn dân.
Lưới đầy những CÁ LỚN, được 153 con mà lưới không bị rách: Các nhà chú giải vẫn xem con số 153 là tượng trưng cho 153 loài cá dưới biển. Cũng cần phải nói thêm rằng, chi tiết “lưới nhiều cá thế mà không bị rách, thuyền chở nặng gần chìm mà không chìm” cũng là một ý nghĩa biểu tượng mà tác giả Tin Mừng muốn chuyển tải. Giáo Hội quy tụ muôn dân nhưng vẫn đủ chỗ, không bao giờ thiếu chỗ cho các công dân gia nhập Nước Trời, và ân sủng của Thiên Chúa mà các chứng nhân mang đến cho mọi người không bao giờ bị vơi.
Cuối cùng, hình ảnh tông đồ trưởng Phêrô khoác áo vào và nhảy xuống biển, cũng gợi lại hình ảnh Chúa Giêsu mang lấy chiếc khăn để quỳ xuống rửa chân, nhiệm ý diễn tả các sứ giả Tin Mừng là phải mang lấy sự phục vụ của Chúa để đến với mọi người giữa biển đời bao la.
Tóm lại, rao giảng về Đấng Phục Sinh phải khởi đi từ Tình Yêu nơi trái tim (cạnh sườn) Chúa chứ không phải từ sức riêng mình; rao giảng bằng sự cộng tác chính mình với ân sủng Chúa chứ không ỷ lại vào Chúa. Đặc biệt, rao giảng bằng phục vụ chứ không phải để được phục vụ.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin dạy chúng con biết làm cho ánh sáng phục sinh của Chúa chiếu toả trên mọi người bằng chính đời sống phục vụ của chúng con. Amen.
Hiền Lâm
Discussion about this post