Ngày 02 tháng 02
ĐỨC MẸ DÂNG CHÚA GIÊSU TRONG ĐỀN THÁNH
Lễ kính
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 2,22-32
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
II. SUY NIỆM
Biến cố Mẹ Maria và thánh Giuse đem Đức Giêsu vào đền thánh để dâng cho Thiên Chúa được Tin Mừng thánh Luca lồng ghép hai nghi thức thánh tẩy cho Mẹ Maria sau khi sinh và dâng Đức Giêsu (Con đầu lòng) cho Thiên Chúa thành một. Có người cho rằng đây là một cách thánh sử Luca dùng để ngầm ý làm nổi bật sự kết hợp giữa Đức Giêsu và Mẹ Người trong việc tiến dâng cho Thiên Chúa Cha. Thánh sử Luca muốn diễn tả biến cố này là một sự thánh tẩy đền thờ hơn là Mẹ Maria được thanh tẩy. Thật vậy, cách trích dẫn Cựu Ước ở đây, cho thấy thánh Luca chú ý đến tính thần học hơn là về phương diện lịch sử.
“Khi đã đến lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môisê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Thiên Chúa, như đã chép trong luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa; và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2,22-24).
Ở đây, chúng ta dễ nhận thấy có một sự trích dẫn không thống nhất khi áp dụng các nghi thức và bản văn lề luật. Trình thuật trên cho thấy của lễ để dâng con đầu lòng là một cặp chim gáy hoặc một cặp bồ câu non là của lễ của người nghèo (Lv 12,8). Thế nhưng, theo luật Môisê, của lễ dâng con đầu lòng (hay chuộc lại) là mười lăm chỉ bạc (x. Ds 18,15-16), còn đôi chim gáy hay cặp bồ câu non là lễ vật tạ tội của người phụ nữ sau sinh con khi đã mãn thời kỳ thanh tẩy (x. Lv 12). Có lẽ, như đã nói ở trên, thánh sử Luca không quan tâm lắm đến việc Mẹ Maria cần tẩy uế, vì Người không thể bị ô uế khi sinh ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh và thanh sạch, cũng như Mẹ là Đấng thanh sạch vì được tràn đầy ân sủng, nên lễ thanh tẩy ở đây có lẽ thánh sử Luca muốn ám chỉ đền thờ Giêrusalem. Vì từ khi Hòm Bia bị mất (vào 587), đền thờ đã trở nên trống rỗng và xem như Thiên Chúa không còn hiện diện nữa. Nay Đức Giêsu Cứu Thế đến, đền thờ lại được tràn đầy, Thiên Chúa lại hiện diện, và như thế, đền thờ được tẩy uế. Tuy nhiên, dù giải thích theo nghĩa nào, thì việc cha mẹ Đức Giêsu đem Người vào đến thánh để dâng cho Thiên Chúa, trước hết là để chu toàn lề luật (x. Lc 2,27).
Đọc lại sách Xuất Hành chương 13,1-2, cho thấy luật dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa xuất phát từ sau tai ương thứ mười, khi thần sứ Đức Chúa giết các con đầu lòng Ai Cập. Đức Chúa đã phán với ông Môisê: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay thú vật: nó thuộc về Ta” (Xh 13,1-2). Như thế, tất cả những con đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là có quyền phục vụ Lều Thánh. Tuy nhiên, từ khi xảy ra chuyện “con bò vàng” (x. Xh 32,1-6), đặc quyền dành cho “con đầu lòng” phục vụ Lều Thánh không còn nữa, mà việc phục vụ Lều Thánh được dành cho con cái Lêvi.
Như vậy, ban đầu những người được dâng vào phục vụ đền thánh phải là những con trai đầu lòng (x. Xh 13,1-2), nhưng về sau được thay thế bằng con cái dòng tộc Lêvi (x. Xh 32,1-6.25-29; Ds 3,11-12). Đây cũng là ý nghĩa của suy tư thần học về việc Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu vào đền thánh hay Mẹ Maria dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Như đã nói ở trên, không có chuyện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh nữa, vì Mẹ Maria không dâng Chúa Giêsu vào để Người phục vụ đền thờ, mặt khác, Mẹ Maria trước đó đã không khấn dâng Chúa Giêsu vào như trường hợp của bà Anna khấn dâng Samuel cho Thiên Chúa trước khi Samuel chào đời (x. 1Sm 1,11), hơn nữa, Đức Giêsu không thuộc dòng Lêvi. Và rõ ràng sau đó Mẹ Maria và thánh Giuse đã đưa Đức Giêsu về lại Nazareth (x. Lc 2,39- 40).
Tuy nhiên, dù những người con đầu lòng không phải phục vụ đền thờ nữa, nhưng vẫn thuộc về Thiên Chúa, nên phải chuộc lại bằng lễ vật (x. Ds 18,15-16) và Mẹ Maria đã chu toàn điều luật đó. Vì vậy, biến cố dâng Chúa trong đền thánh cho thấy Mẹ Maria vừa chu toàn luật thanh tẩy, luật dâng con đầu lòng vừa chu toàn luật chuộc lại con đầu lòng bằng lễ vật.
Cách kể chuyện của thánh sử Luca còn cho thấy việc dâng Chúa Giêsu trong đền thánh như là một cuộc gặp gỡ giữa Cựu Ước và Tân Ước (giữa Simêon và Anna đại diện cho Cựu Ước với Đức Giêsu là Đấng khai mở Tân Ước). Trong khi thánh sử Matthêu cố minh chứng Đức Giêsu chính là Môisê mới, thì có vẻ như thánh sử Luca lại thích áp dụng Đức Giêsu như là vị ngôn sứ Samuel mới. Thực ra thánh sử Luca thấm nhuần hình ảnh của Samuel từ bài ca của bà mẹ hiếm muộn Anna, cho đến việc Samuel được bà Anna dâng vào đền thờ để phục vụ Thiên Chúa (x. 1Sm 1,22-28); còn “cha mẹ Đức Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người” (Lc 2,27). Điều này cho thấy thánh Giuse và Mẹ Maria tuân giữ lề luật rất kỹ càng, làm cho việc “sống dưới lề luật” của Đức Giêsu càng nổi bật.
Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa muốn dạy chúng ta ba bài học:
Noi gương Mẹ Maria tuân giữ lề luật.
Mẹ Maria tuân giữ lề luật Thiên Chúa và những qui định tôn giáo rất đầy đủ, ngoài ra, còn chấp hành cả những gì thế quyền qui định nữa. Điều này được chứng minh qua việc Mẹ Maria dù đang thời kỳ thai nghén và sắp đến ngày sinh nở cũng đã cùng với Giuse vượt đường xa về nguyên quán để khai sinh, rồi sau đó dâng lễ thanh tẩy, dâng con đầu lòng và cử hành việc chuộc lại con đầu lòng theo như những gì luật tôn giáo qui định. Đây là một trong những ưu điểm nổi bật của Mẹ Maria, vì hơn ai hết, các ki-tô hữu phải là người gương mẫu trong việc tuân giữ lề luật Thiên Chúa và biết vâng phục Hội Thánh, vâng phục các vị chủ chăn trong Hội Thánh là những người đại diện Chúa Kitô, đồng thời cũng biết tôn trọng thế quyền cách chính đáng nơi mình đang sống.
Ai sống thánh thiện và khao khát Chúa thì Chúa sẽ cho gặp.
Cũng như cụ già Simêon, nữ ngôn sứ Anna ngày đêm ăn chay cầu nguyện, và bà đã được gặp Chúa và chúc tụng Người. Điều này cho thấy, muốn được gặp Chúa và được biến đổi đời sống, chúng ta cần có một đời sống thánh thiện và khao khát thật sự.
Muốn con cái lớn lên trong ơn nghĩa thánh, cha mẹ cần biết dâng con cho Chúa.
Tin Mừng kể sau sự kiện được cha mẹ dâng mình cho Thiên Chúa, trẻ Giêsu lớn lên đầy khôn ngoan và trong ơn nghĩa Chúa. Điều này mang ý nghĩa việc dâng trẻ Giêsu vừa để chu toàn lề luật, vừa ký thác cuộc đời cho Thiên Chúa hướng dẫn. Cũng vậy, các bậc làm cha làm mẹ hãy biết dâng con mình cho Thiên Chúa (dâng ở đây không có nghĩa là đi tu), nhưng là phải biết ký thác cho Chúa, xin Chúa soi sáng, ban sức mạnh và hướng dẫn con cái mình biết sống đẹp lòng Chúa và có ích cho Giáo hội cũng như xã hội.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trở thành trẻ thơ cho người ta nâng niu và ôm ẵm. Chúa đã cảm nhận tình yêu chia sẻ của con người. Xin cho chúng con biết mở rộng vòng tay đón nhận và tôn trọng mọi người, nhất là các trẻ thơ vô tội. Xin cũng giúp chúng con biết noi gương Mẹ Maria mà cộng tác với Chúa trong việc cứu độ nhân trần. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post