CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,1-12
Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở miệng dạy họ rằng:
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.
II. SUY NIỆM
PHÚC ĐÍCH THỰC
Bài giảng trên núi được coi là bản Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giê-su đưa ra tám mối phúc, mà mỗi mối phúc là một phương pháp ta có thể chọn để nên giống Chúa Giê-su và là một phương thế nên thánh. Những mối phúc này xem ra không hợp với những quan niệm của cuộc sống thông thường, nhưng đó lại là một nghịch lý mà không vô lý. Nghĩa là trong khi thế gian chạy theo mọi thứ có giá trị tạm thời, thì người theo Chúa dám đi ngược dòng, là tìm những giá trị vĩnh cửu ngay trong những thứ trần thế ấy:
– Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó: Là không lo tìm vật chất hưởng thụ và bị vật chất che khuất, để rồi lo chạy theo vì lòng tham và thủ đoạn mà lãng quên Nước Trời.
– Phúc thay ai hiền lành: Ngày nay sự ác đang tràn lan, đạo đức xuống cấp, dễ dàng giết người không nương tay, thì người theo Chúa biết khiêm nhu hiền hậu.
– Phúc thay ai sầu khổ: Biết kết hợp với đau khổ của Chúa Ki-tô và dâng hết cho Người.
– Phúc thay ai khát khao nên người công chính: Nên thánh là một cuộc chiến đấu trường kỳ, một ước muốn mãnh liệt, một ý chí cao; phải ước muốn mãnh liệt chứ không phải chỉ là mơ ước. Muốn nghĩa là phải tiến tới hành động, phải thành công mới thôi.
– Phúc thay ai xót thương người: Là biết vui với người vui, khóc với người khóc, cảm thông với nỗi đau của tha nhân. Thay vì lo thu vén gom góp cho mình, người theo Chúa biết sống trao ban và chia cơm sẻ áo cho nhau.
– Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: Giữa một thế giới xuống cấp về đạo đức luân lý, buông mình theo dục tính khoái lạc, thì người theo Chúa phải biết sống tiết chế, chừng mực và trong sạch.
– Phúc thay ai xây dựng hoà bình: Tránh sự gây gỗ hận thù và đem bình an đến cho nhau.
– Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Vì đức tin và lòng mến Chúa, dám làm chứng nhân trong mọi hoàn cảnh, dù đôi khi phải chịu thiệt thòi vì danh người có đạo.
Chúa Giê-su không chủ trương đói khát và cùng khốn, nhưng Chúa rất yêu thương những thân phận nghèo khó vì họ tin thác vào sự quan phòng của Người. Hơn nữa, trong kiếp sống nghèo, họ đã phải chịu thua thiệt nhiều hơn, nên Chúa sẽ bù đắp Nước Trời cho họ cũng là phải lẽ, dĩ nhiên cái nghèo này không do sự biếng nhác mà có thể vì thiếu may mắn, nhất là do bị áp bức vì dám sống thật và trung thực trong việc làm.
Đức Giê-su đang ám chỉ đến những người thiếu thốn, người thấp cổ bé miệng, những người không ai che chở, vì thế họ chỉ còn biết tin cậy vào Chúa. Như thế, người nghèo khó được chúc phúc mà Đức Giê-su muốn nói, chính là những người nhận thức được rằng họ không thể tìm được hạnh phúc cậy dựa vào của cải vật chất đời này. Và từ đó họ sẽ tìm kiếm hạnh phúc chỉ ở nơi Chúa.
Chúa Giê-su không dạy ta tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giê-su đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, và đã chết trần trụi trên Thập Giá để mang lại ơn cứu độ, hạnh phúc đời đời cho chúng ta.
Cái nghèo thì bao hàm những thiếu thốn chung, nhưng khi nói đến đói cái ăn thì chạm nay đến sự tồn tại, đến mạng sống. Thật vậy, có thể sống nghèo, nhưng không ai sống được nếu phải nhịn đói.
Hình ảnh đối lập giữa những người ăn chơi tiền tỉ bên cạnh những người thoi thóp cần miếng bánh lót dạ cho qua ngày vẫn hằng ngày đập vào mắt chúng ta. Chúa ở bên người đói khát nhưng cũng nhìn thấy kẻ xa xỉ ăn chơi. Chúa nhận ra nỗi đau của kẻ đói để an ủi họ trong ngày phán xét.
Theo Chúa thì luôn có thập giá trên vai mà vác, nghĩa là thử thách không thể thiếu trong cuộc đời Ki-tô hữu. Nhưng rồi chính Chúa sẽ lau khô dòng lệ cho những ai theo Người (x. Kh 21,3). Chính Chúa Giê-su cũng chảy nước mắt vì thành Giêrusalem sẽ sụp đổ, khóc thương Lazarô bạn Người chết và đổ mồ hôi máu khi nhìn thấy viễn cảnh thập giá dành cho Người. Cuộc đời Ki-tô hữu cũng sẽ phải khóc cho thế giới hư hoại, khóc cho nội đau của đồng loại và khóc vì thập giá nặng trên vai. Con Thiên Chúa đã khóc và chúng ta cũng khóc, nhưng sự khóc lóc đó sẽ biến thành niềm vui trong Chúa và Chúa Giê-su giúp chúng ta vượt qua đau khổ, biến nó thành nguồn mạch của niềm vui trong Nước Trời.
Ngày nay, để được vinh thân phì gia và có chức quyền giàu sang, không ít người Công giáo đã không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho “tà thần”(…). Nhẹ hơn, không ít người giấu diếm để khỏi người khác biết mình là người Công giáo vì sợ bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc… Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
Tóm lại, dù xem ra phải sống ngược đời và lội ngược dòng, nhưng nếu chúng ta thực thi với cái nhìn đức tin thì chúng ta sẽ tìm thấy hiệu quả đích thực trong cuộc sống. Nội dung của các mối phúc hướng chúng ta đến với Thiên Chúa và tha nhân, chứ không phải chỉ sống ích kỷ cho riêng mình. Nhờ sống vì Chúa và sống cho người khác mà chúng ta cảm nhận hạnh phúc thiêng liêng và đích thực.
Lạy Chúa Giê-su, lời kêu gọi của Ngài trong Bát Phúc đã trở nên lý tưởng phấn đấu cho chúng con. Xin cho chúng con biết vượt lên những khó khăn để sống một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,21-28
Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các Kinh sư.
Lập tức, trong hội đường của họ, có một người bị thần ô uế nhập, la lên rằng: “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! ” Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này! ” Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh! ” Lập tức danh tiếng Người đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Ga-li-lê.
II. SUY NIỆM
“LỜI CHỮA LÀNH”
Bài Tin Mừng hôm nay minh chứng sức thuyết phục của Lời Chúa, và sức mạnh của Lời có sức chữa lành bệnh tật và xua trừ ma quỷ ra khỏi con người.
Có ba ý chính để suy niệm:
1. Biết Chúa Giê-su.
Tôi biết anh A chị B, nhưng chắc gì tôi đã yêu mến họ, tôi tin có ông này bà nọ hiện hữu, nhưng chắc gì tôi yêu thích họ và tìm đến gặp họ?
Cũng vậy, người Do-thái biết rất rõ về nguồn gốc Chúa Giê-su và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin và không yêu mến… Ma quỷ cũng biết khi kêu lên: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa! “
Ma quỷ tin có Chúa Giê-su hiện diện, nó biết rất đúng về Chúa Giê-su, thậm chí còn tuyên xưng Người giữa đám đông, nhưng liệu nó có yêu Người không? Thưa không.
Chúng ta cũng cần tự vấn về mình, chúng ta vẫn cho rằng mình tin có Chúa, chúng ta tin Chúa Giê-su ngự trong Bí tích Thánh Thể… nhưng liệu chúng ta có yêu mến Người thật không? Tin là một chuyện, nhưng có yêu mến hay không lại là một chuyện khác.
Chúng ta tự hào là biết Thiên Chúa, qua học hỏi, qua nghiên cứu, qua những khảo luận thần học, chúng ta thậm chí tự hào về kiến thức đầy mình về Thiên Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện tâm sự với Người không? Có đến viếng Thánh Thể không?
2. Chuyện của tôi can gì đến ông.
Một căn phòng tối sẽ trở thành sáng khi có một ngọn nến thắp lên. Bóng tối sẽ biến mất khi mặt trời xuất hiện. Ma quỷ tự nó không thể tồn tại được khi đối diện với Chúa Giê-su. Ma quỷ đã chiếm nhập một con người và điều khiển anh ta đến nơi tối tăm và chết chóc, ma quỷ tự do hoành hành làm khổ con người vì thời gian đang dành cho nó, nhưng khi Đức Giê-su xuất hiện, thì cũng đồng nghĩa với thời gian dành cho quỷ chấm dứt.
Ma quỷ đã kêu lên: “Này ông Giê-su, chuyện chúng tôi can gì đến ông…?” Đây là một thực trạng mà rất nhiều người mắc phải: những ai ưa thích sống trong tội, vui vẻ buông mình trong mọi đam mê, an thân trong cuộc sống vô đạo đức… Họ dửng dưng trước Lời Chúa, vô can trước lề luật, sống tách mình ra khỏi cộng đoàn và Giáo hội, nguỵ biện chủ trương “đạo tại tâm”… Nếu ai đó nhắc nhở họ thì họ phản ứng là: “chuyện tôi can gì đến anh?” hoặc “hồn ai nấy giữ, tôi là thế đấy”.
3. Lời chữa lành.
Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!”
Lời Chúa có một uy quyền đặc biệt là xua trừ được ma quỷ ra khỏi con người, chữa lành bệnh tật linh hồn và biến đổi nên con người mới trong Chúa Ki-tô.
Chính Chúa Giê-su trong khi vào sa mạc chịu cám dỗ, Người cùng dùng Thánh Kinh để chống trả ma quỷ và Người đã chiến thắng.
Tự vấn lại chính mình, chúng ta có yêu mến Lời Chúa, và dùng Lời Chúa để chống lại những cám dỗ và thói quen, đam mê và ước muốn xấu không?
Lời Chúa có quyền năng xua trừ thế lực ma quỷ đang ngày đêm rình rập xui khiến chúng ta phạm tội, vì thế mong mọi người biết năng đọc và suy gẫm Lời Chúa mỗi ngày.
Lời Chúa còn có sức thánh hoá và tăng sức mạnh cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, vì thế, nếu chúng ta biết yêu mến, đọc, suy niệm và cầu nguyện bằng Lời Chúa, thì Lời Chúa sẽ biến đổi chúng ta ngày một nên hoàn thiện.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con không chỉ biết Chúa bằng lý thuyết, mà còn biết kết hiệp với Ngài bằng cả con tim yêu mến, và sự yêu mến Chúa trước hết được thể hiện bằng việc chuyên chăm lắng nghe và suy niệm Lời Chúa mỗi ngày. Amen.
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 4,21-30
Hôm ấy, tại hội đường Na-da-rét, sau khi đọc sách ngôn sứ I-sai-a, Đức Giê-su bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.
Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào! ” Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.
“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”
Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.
II. SUY NIỆM
LỜI UY QUYỀN
Bài Tin Mừng Chúa nhật IV Thường Niên (năm C) hôm nay, là câu chuyện Chúa Giê-su về thăm quê. Sau khi được xức dầu Thánh Thần và lãnh nhận sứ vụ rao giảng Tin Mừng, cùng với một số thành công nhất định ở Ga-li-lê-a, Chúa Giê-su về thăm gia đình và nhân tiện cũng “ra mắt quê hương” bằng việc vào hội đường đọc Sách Thánh và giảng một bài trọng thể, cuốn hút và hấp dẫn, làm cho mọi người trầm trồ khen ngợi.
Thế nhưng, trong khi thán phục với sự cao cả của Lời rao giảng có uy quyền, thì liền sau đó lại bị sự thành kiến làm ngăn cản những người quê hương nhận ra Đấng đang nói với họ chính là Đấng Cứu Thế mà họ mong đợi.
1. Sự cao cả của Lời Chúa
“Mọi người tán thành lời hay ý đẹp Chúa Giê-su đã nói”. Khác với lời hay ý đẹp trong các danh ngôn, vì các danh ngôn chỉ là những lời phàm trần, chỉ dừng lại ở mức kinh nghiệm sống và giúp người ta tập tành theo một mức độ nhất định. Trong khi lời phát ra từ miệng Chúa Giê-su, là Lời Thiên Chúa, là Tin Mừng, lời này có sức biến đổi, thánh hoá và cứu độ con người.
Lời Chúa vừa hiện sinh nhưng cũng rất mầu nhiệm, vừa đơn giản nhưng cũng rất phong phú. Có thể nói, trong Lời Chúa mọi điều căn bản nhất cho đời người đều có, đều đúng cho mọi trường hợp và thích hợp cho mọi cảm nhận riêng tư nhất của từng người.
Vì thế, cần dành cho Lời Chúa ưu tiên trong khoa học thánh mà Ki-tô hữu phải học và sống. Khi đánh mất sự mộ mến Lời Chúa thì Lời Chúa không còn là “Bí tích” giúp ta sống cùng Chúa và tha nhân nữa.
Sự cao cả của Lời Chúa làm cho mọi người thán phục và có sức biến đổi, nhưng đôi khi chính sự kiêu ngạo và thành kiến đã làm cản trở Lời Chúa không thể sinh hoa kết quả được, như trường hợp của những người thuộc quê hương Đức Giê-su.
Người Do-thái ở Na-da-rét tự hào biết rất rõ về nguồn gốc Chúa Giê-su và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin vì sự thành kiến và ganh tỵ.
Chúng ta cũng cần tự vấn về mình, chúng ta vẫn cho rằng mình tin có Chúa, chúng ta tin Chúa Giê-su ngự trong Bí tích Thánh Thể… nhưng liệu chúng ta có yêu mến Người thật không? Tin là một chuyện, nhưng có yêu mến hay không lại là một chuyện khác. Chúng ta tự hào là biết Thiên Chúa, qua học hỏi, qua nghiên cứu, qua những khảo luận thần học, chúng ta thậm chí tự hào về kiến thức đầy mình về Thiên Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện tâm sự với Người không? Có đến viếng Thánh Thể không?
2. Ngôn sứ thường bị rẻ rúng tại quê hương.
Những người ở quê hương Chúa Giê-su trong cái nhìn đầy thành kiến, vì họ biết quá rõ nguồn gốc nhân loại của Người, là con một bác thợ mộc Giuse nghèo nàn ở Nazareth, học hành chỉ ở trường làng, nhất là trong thâm tâm họ, Đấng “Ki-tô” phải là con cái trong hoàng tộc, sống nơi thành phố hoa lệ và được học hành nơi các bậc thầy danh giá… Chính vì thế, khi thấy Chúa Giê-su nổi tiếng giảng dạy thì bắt đầu họ gièm pha chê bai.
Đây cũng là một thực trạng nơi mỗi quê hương chúng ta, chúng ta thường khinh miệt, yên trí và gièm pha những người con nơi quê hương chúng ta thành công trở về, vì trong chúng ta luôn bị cái tính thành kiến cha này, thầy nọ, soeur kia con ông này bà nọ không ra gì… Ngược lại, một vị nào đó từ nơi khác đến, dù xét về tài năng, về đạo đức, về giảng dạy đôi khi còn thua kém xa một người trong quê hương, thì chúng ta lại rất hồ hởi tung hô vì chúng ta không yên trí – thành kiến gì về họ.
Nhưng đó là một thực trạng mà Chúa Giê-su từng trải qua, thì những người môn đệ của Người cũng thế, hãy biết vui vẻ chấp nhận. Là cha, là thầy, là dì, là giáo lý viên hay các cử nhân đại học… chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận và luyện tập đức khiêm tốn…
Lại nữa, “gần chùa kêu bụt bằng anh”, khi người Nazareth quá gần gũi nên đã sinh ra lơ là và coi thường. Chúng ta cũng thế, thích đi hành hương nơi này, cầu xin nơi nọ, nhưng ngay nơi giáo xứ mình, chúng ta lại bê trễ việc đến gặp Chúa trong các Thánh Lễ và Giờ Kinh…
Lạy Chúa Giê-su, trò không thể hơn thầy, nhưng nếu được bằng thầy thì đã là có phúc. Xin cho chúng con, nếu có phải nếm trải những sự thành kiến, kỳ thị và ghen ghét mà Chúa đã từng trải qua, thì cũng biết vui vẻ khiêm tốn đón nhận, để trong tất cả mọi sự Chúa được vinh danh. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post