THỨ HAI TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 5,1-20
Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người. Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm. Và không ai có thể kiềm chế anh được. Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình. Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi! ” Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này! ” Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì? ” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.” Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.” Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó. Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo -chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ. Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.” Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay là một câu chuyện khá dài về việc Chúa Giê-su đến miền đất dân ngoại, trừ quỷ cho một người đàn ông bị tà thần ô uế ám và cho phép quỷ xuất nhập vào bầy heo…
Không thiếu những người khi nghe bài Tin Mừng này có suy nghĩ tiêu cực về việc Chúa Giê-su cho phép một điều làm tổn hại rất lớn đến kinh tế của người chăn nuôi. Thật ra, đây là một vấn đề mang tính “bút chiến” hơn là tính lịch sử.
Thánh Marcô kể rằng, đây là miền đất của dân ngoại (miền Giênasa) và vùng nghĩa trang; nơi mà dưới cái nhìn của người Do-thái là vùng đất ô uế và đáng chúc dữ.
Lại nữa, người Do-thái coi heo là loài ô uế nhất, cấm ăn thịt heo, ăn thịt heo là bị nhiễm uế, nghề chăn heo là nghề xấu xa tội lỗi. Người bị quỷ ám kia cũng được gọi là do “thần ô uế” ám. Dân ngoại và vùng đất của họ bị người Do-thái coi như là miền đất của sự chúc dữ, của chết chóc và của sự ô uế, chỉ xứng với loài heo.
Chính vì thế, ý nghĩa của việc chữa lành của Chúa Giê-su dưới ngòi bút của thánh sử Marcô là nói lên việc Chúa Giê-su không xa lánh mà dấn thân vào nơi được coi là xấu xa nhất để cứu con người, Người đến tận cùng của sự uế nhơ tội lỗi và sào huyệt của ma quỷ để kéo con người ra khỏi đó. Trong Chúa Giê-su thì không còn sự phân biệt Do-thái hay dân ngoại, nô lệ hay tự do…
Một ý nghĩa rất quan trọng nữa là một mình Chúa Giê-su đối diện với cả một “cơ binh quỷ dữ” để dành lấy một con người. Chúa Giê-su không chỉ kéo một con người ra khỏi tội lỗi và đời sống xấu xa, mà còn nhấn chìm tận căn cả bè lũ Sa-tan cùng với sự ô uế tội lỗi, mà chuyện cả gần hai ngàn con heo từ “trên núi” lao “xuống biển” chết sạch là một biểu tượng.
Cả đàn heo đã lao từ trên núi xuống biển chết đuối nói lên ý nghĩa: Núi trong quan niệm Thánh Kinh của Do-thái là nơi hiện diện của thần linh và sự thánh thiện; biển là nơi ẩn náu của ma quỷ xấu xa tội lỗi. Chúa Giê-su đã tống xuống biển cả và dìm chết ma quỷ và sự ô uế, đòi lại chủ quyền cho Thiên Chúa, lấy lại sự thánh thiện và đời sống thiêng liêng trong sạch cho con người. Đó là nội dung Tin Mừng cần chuyển tải, chứ không phải tính lịch sử của câu chuyện.
Như vậy, trước ánh sáng thần hoá của Thiên Chúa thì mọi thứ nhơ uế bị quét sạch; có Chúa Giê-su ngự trong con người thì quỷ ma không thể làm gì được. Chúng ta là những Ki-tô hữu, chúng ta đang được ở trên “núi thánh” của Chúa, chúng ta hãy năng đến với Chúa Giê-su Thánh Thể để Người xua đuổi “bầy heo ma quỷ” ra khỏi tâm hồn chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su, xin hãy đến trên mỗi tâm hồn chúng con, để xua trừ tà thần ô uế là những đam mê thú tính ra khỏi chúng con. Và khi đã được Chúa chữa lành mọi thương tích tâm hồn, xin cho chúng con cũng biết bước theo Chúa, ca ngợi và rao truyền Lòng Thương Xót của Chúa cho tha nhân. Amen
Hiền Lâm
Chú giải về việc CHÚA GIÊ-SU CHO QUỶ NHẬP VÀO BẦY HEO (x. Mc 5,1-20).
Nhiều người thắc mắc về chuyện này là “Tại sao Chúa lại làm thiệt hại kinh tế?”
Để hiểu Thánh Kinh, chúng ta không chỉ dừng lại ở tính lịch sử của tường thuật, mà phải vận dụng nhiều phương pháp, nhiều nghĩa… trong đó có vấn đề bút chiến và chuyển tải sứ điệp.
a, Bút chiến.
Bút chiến là dùng ngòi bút văn chương để biện minh hay đả kích một vấn đề thuộc tín ngưỡng, văn hoá hay hoàn cảnh.
Chẳng hạn ở Việt Nam, trong thời chống Mỹ, các truyện dân gian thường dùng hình ảnh con thỏ và con hổ (thỏ thì thông minh, hổ thì to con nhưng dại dột) để nhằm chê lính Mỹ mang áo vằn như hổ to con và sức mạnh, nhưng thua cái trí của chiến sĩ nhỏ bé Việt Nam.
Trong Thánh Kinh, người Do-thái sử dụng nhiều lần “bút chiến” để đả phá niềm tin của dân ngoại, là cái cớ làm cho dân Israel bị sai lạc. Chẳng hạn chuyện sa ngã của ông bà nguyên tổ: Vùng xung quanh như dân Babilon và Ai Cập thờ thần Rắn, thì sách Sáng Thế của Do-thái lại nói đến con rắn chỉ là thụ tạo dưới quyền Chúa chứ không phải thần linh, và Rắn chỉ xứng đáng CHO NGƯỜI PHỤ NỮ (được xếp hàng thấp nhất trong Do-thái) ĐẠP LÊN ĐẦU.
Đặc biệt trong chuyện Giacop chạy trốn Laban cùng với hai người vợ của Giacop là con gái Laban, bà Rakhen vợ Giacop đã ăn cắp tượng (ephôt) thần Baal của cha mình. Khi Laban đuổi kịp đã đòi lục soát lấy lại tượng thần, thì Rakhen đã giấu dưới phản và ngồi lên trên rồi lấy lý do trong thời “khó ăn khó ở của đàn bà” không đứng lên được để khỏi bị Laban tìm thấy tượng thần. Một cách “bút chiến” khủng khiếp ở đây là tượng thần được cả dân Canaal phụng thờ và dùng để bói toán lại chỉ đáng cho một người đàn bà đang thời “ô uế” ngồi đè lên trên… (x. St 21,26-35). Nhưng tất cả nhằm chuyển tải một sứ điệp là chỉ có Thiên Chúa mới là Thần duy nhất và sự mê tín của dân ngoại là cạm bẫy cho dân Chúa, nên chỉ xứng đáng bị chà đạp và tránh xa.
Trở lại vấn đề của đoạn Tin Mừng kể về việc Chúa Giê-su trừ quỷ và cho phép nó nhập vào bầy heo, nói lên ý nghĩa:
– Heo là vật mà người Do-thái cho là dơ nhất, ai ăn thịt heo thì ô uế và lỗi luật nặng, thậm chí dân Do-thái thà chịu ‘tử đạo” chứ không ăn thịt heo (x. 2Mcb 6,18-19…)
– Nơi Chúa Giê-su đến trừ quỷ cho một người là miền Giêrasa, là vùng dân ngoại, nơi mà dân Do-thái kỳ thị xem đó là nơi bị chúc dữ, nơi của mồ mả – chết chóc.
– Ma quỷ (thần ô uế) chỉ xứng với loài heo, và dân ngoại là kẻ làm cái nghề chăn heo đáng ghê tởm và ô uế.
- Tuy nhiên, chủ đích của tác giả Tin Mừng lại nhắm đến việc Chúa Giê-su phá bỏ ranh giới kỳ thị giữa Do-thái và dân ngoại. “Muốn bắt cọp phải vào tận hang” – Chúa Giê-su đến tận cùng của sự ô uế tội lỗi để cứu độ con người.
- Đặc biệt, Ánh Sáng đến thì bóng tối mất, sự xuất hiện của triều đại Thiên Chúa thì thời gian tung hoành của ma quỷ phải chấm dứt, khi quỷ phải kêu lên: “Lạy ông Giê-su, sao ông đến diệt chúng tôi sớm vậy?” – Chúng ta đang sống của thời Cứu Độ, nếu chúng ta có Chúa thì ma quỷ không làm gì được chúng ta.
b, Sự chuyển tải sứ điệp Tin Mừng qua ý nghĩa biểu tượng.
Cả 4 Tin Mừng, thì Tin Mừng nào viết sớm nhất cũng bắt đầu từ khoảng năm 60, nghĩa là sau khi Chúa Giê-su chết – phục sinh – về trời gần 30 năm sau. Trước đó chỉ là sự lưu lại qua truyền khẩu và trong ký ức của các Tông Đồ và môn đệ. Đặc biệt, các thánh sử đọc lại sự nghiệp của Chúa Giê-su nhờ ánh sáng Phục Sinh, nên viết Tin Mừng theo hướng nội dung sứ điệp hơn là tính lịch sử của sự kiện. Chính vì thế, tìm hiểu chuyện Chúa Giê-su cho quỷ nhập vào bầy heo mang ý nghĩa biểu tượng hơn là lịch sử tính.
Cả đàn heo ăn trên sườn NÚI chừng 2000 con lao xuống BIỂN chết hết.
*Núi: trong Thánh Kinh là nơi tốt lành, nơi của sự thánh thiện, nơi của việc cầu nguyện gặp gỡ Thiên Chúa và là nơi ngự trị của “thần linh”. Thiên Chúa đàm đạo với Môisê và ban lề luật trên núi Sinai, gặp gỡ ngôn sứ Êlia trên núi Khoreb… Chúa Giê-su lập Hiến Chương Nước Trời trên núi Bát Phúc, hiển dung trên núi Tabo và thường xuyên lên núi cầu nguyện.
*Biển: theo quan niệm Thánh Kinh là nơi cư trú của thuỷ quái và quỷ dữ, là sào huyệt của Sa-tan, nơi của cuồng phong bão tố làm các môn đệ của Chúa Giê-su hoảng sợ và bị Chúa Giê-su dẹp tan.
– Ấy thế mà bầy heo ô uế lại ở trên “núi” – ma quỷ lại chiếm đoạt sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Nên đã bị Chúa Giê-su đẩy nhào xuống biển và bị tiêu diệt.
– Ma quỷ không xứng đáng được xâm phạm con người là hình ảnh Thiên Chúa, mà chỉ xứng đáng với bầy heo bẩn thỉu. Chúa phải cho xuất khỏi người và nhập vào heo.
– Một mình Chúa Giê-su đương đầu với “cơ binh quân đoàn quỷ dữ” để cứu lấy một con người về cho Thiên Chúa.
– Chúa Giê-su trừ tận căn gốc của quỷ dữ khi nhấn chìm nó xuống biển là nơi sào huyệt của nó, trả lại sự thánh thiêng cho “núi” là nơi hiện diện của Thiên Chúa. Nghĩa là, triều đại Ơn Cứu Độ đã đến, Chúa Giê-su đòi lại chủ quyền của Thiên Chúa trên con người, Thiên Chúa ngự vào con người và đẩy ma quỷ khỏi con người.
Discussion about this post