Ngày 27 tháng 12
NGÀY BA TRONG TUẦN BN GIÁNG SINH.
Thánh Gioan Tông Đồ, Lễ kính.
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 20,2-8
Buổi sáng ngày phục sinh, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ.2 Bà liền chạy về gặp ông Si-môn Phê-rô và người môn đệ Đức Giê-su thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.”
Ông Phê-rô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phê-rô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Si-môn Phê-rô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin.
II. SUY NIỆM
Trong Tin Mừng thứ tư dưới tên gọi Gioan, chúng ta luôn gặp những từ ngữ biểu tượng. Có thể nói, Tin Mừng này được coi là khó giải thích nhất, lời lẽ cao siêu và kín ẩn nhất. Bản văn Tin Mừng vừa được coi là của thánh Gioan viết, nhưng cũng vừa là của nhóm Gioan, hay “trường phái Gioan” hoặc “văn chương Gioan”.
Cũng như trong sách Sáng Thế, khởi đầu của cuộc sáng tạo, tên của ông A-đam vừa là tên gọi, nhưng cũng có ý nghĩa là “người”, nói lên cả nhân loại.
Trong Tin Mừng Gioan, sự kiện Phục Sinh được nhìn như một cuộc “Tân Sáng Tạo”, mà tất cả những ai thuộc về cuộc Tân Sáng Tạo, nghĩa là được cứu chuộc này, được gọi là ‘môn đệ được Chúa yêu”.
Khi Tin Mừng Gioan dùng chữ “người môn đệ được Chúa yêu”, có thể để chỉ chính thánh Gioan, mà cũng có thể để nói về những người con của Hội Thánh.
Chúng ta gặp từ “môn đệ được Chúa Giêsu yêu” ít nhất 4 lần trong những biến cố rất quan trọng:
1. Đêm Tiệc Ly – “Tựa đầu vào ngực Chúa Giêsu” (x. Ga 13,23-25).
Hình ảnh tựa đầu vào ngực là hành động tình yêu của một cô gái nép vào ngực của bạn trai, cả hai cảm nhận tình yêu dành cho nhau, lắng nghe được sự rung cảm của hai con tim con tim và hơi thở…
Cũng thể, dưới ngòi bút của “Văn chương Gioan”, Giáo Hội được ví như Hiền Thê đang nép mình vào lòng Chúa Giêsu là Đức Lang Quân.
Như thế, với ngôn ngữ biểu tượng, hình ảnh Gioan tự đầu vào ngực Chúa trong lúc tâm hồn Chúa thổn thức và xao xuyến về sự phản bội của Giuđa, như là Giáo Hội hôm nay đang nép mình bên lòng Chúa vừa để cảm nhận tình yêu của Chúa, vừa để đền tạ sự bội nghĩa vong ân của con người.
2. Dưới chân thánh giá – “Đón nhận lời trăng trối” (x. Ga 19,26-2).
Hình ảnh “Người môn đệ được Chúa yêu” đón nhận lời trăng trối của Chúa Giêsu, là đón nhận Mẹ Maria về nhà. Đây là một hình ảnh mà hầu hết các nhà chú giải coi đây là việc Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội mẹ Maria.
Một số anh em Tin Lành bấy lâu nay vẫn cho rằng, sau khi sinh Chúa Giêsu, Đức Mẹ còn sinh thêm nhưng người con nữa, nên không còn đồng trinh. Họ đã dựa vào những bản văn nói về anh em của Chúa mà không chịu coi đó là anh em họ. Thì đây, xin hỏi người Tin Lành rằng, nếu Đức Mẹ còn những người con khác, thì với một chàng thanh niên với một phụ nữ khoảng hơn bốn mươi tuổi, liệu các đứa em của Chúa có chịu để cho Gioan đưa mẹ mình về nhà không?
Ở đây, chúng ta không nhằm để tranh cãi, nhưng điều quan trọng là chúng ta lại một lần nữa gặp thấy ngôn ngữ biểu tượng “người môn đệ được Chúa yêu” là hình ảnh của Giáo Hội, đón nhận Đức Maria làm mẹ và làm Đấng bảo trợ.
3. Ngôi mộ trống – “ông đã thấy và đã tin” (x. Ga 20,8).
Đây là sự kiện mà bài Tin Mừng hôm nay mô tả, “người môn đệ được Chúa yêu” chạy ra mộ, thấy ngôi mộ trống và đã tin.
Nhiều người chú giải rằng, Gioan nhường Phêrô vào mộ trước là vì ông nhận quyền “bề trên” của Phêrô. Giải thích như thế có lẽ không chính xác lắm, bởi lẽ, lúc này Chúa Giêsu chưa trao quyền cho Phêrô, mà phải chờ lúc hiện ra sau này với các môn đệ (x. Ga 21,15-19).
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây không phải chuyện ai trước ai sau, mà là nền tảng đức tin của chúng ta, như “môn đệ được Chúa yêu đã thấy và ĐÃ TIN”. Sự kiện “Ngôi Mộ Trống” đều được cả bốn Tin Mừng kể lại, đặc biệt thánh Matthêu vạch mặt sự lừa đảo của “chính quyền Do Thái” đã cho lính canh tiền để họ nói dối rằng: “Đang đêm khi chúng tôi ngủ, môn đệ đã đến lấy trộm xác” (x. Mt 28,11-15). Câu hỏi được đặt ra là: “tại sao lính canh mà lại ngủ? ngủ thì làm sao biết được các môn đệ trộm xác để mà nói? Ăn trộm mà lại lo cuốn các băng vải và khăn xếp ngăn nắp…?” Nhất là luật thời đó, lính canh mà ngủ thì bị xử tử hết (x.Cv 12,19).
Như vậy, chủ đích của đoạn Tin Mừng hôm nay, trong ngôn ngữ biểu tượng, “người môn đệ Chúa yêu” là hình ảnh Giáo Hội chứng kiến sự kiện ngôi mộ trống, chứng kiến những chứng tích và ĐÃ TIN. Đó là đức tin muôn đời không lay chuyển của kitô hữu chúng ta.
4. Lập “Giáo Hoàng” – (x Ga 21,15-21…).
Khác với các Tin Mừng Nhất Lãm, Tin Mừng thứ tư kể chuyện thiết lập quyền bính cho Phêrô không phải bởi các lần tuyên xưng Đức Tin trước phục Sinh, mà là việc mời gọi thánh Phêrô tuyên xưng lòng mến sau Phục Sinh (trong cuộc Tân Sáng Tạo). Lúc này, dưới sự chứng kiến của “người môn đệ được Chúa yêu”. Ở đây một lần nữa chúng ta gặp lại hình ảnh của một Giáo Hội tin tưởng và phục tùng quyền bính chăn dắt của các Đấng kế vị thánh Phêrô.
Tóm lại:
Qua Bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần ý thức mỗi một kitô hữu chúng ta là “người môn đệ được Chúa yêu”.
Để rồi hãy biết đến nép mình bên lòng Chúa để cảm nhận tình yêu và phạt tạ Người.
Đón nhận mẹ Maria làm mẹ để được mẹ che chở ủi an.
Nhìn thấy Chúa qua các bí tích và tin tưởng tuyệt đối vào Đấng Phục Sinh.
Chân nhận, tin tưởng và phục tùng các đấng bản quyền mà Chúa đã đặt lên chăn dắt chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con đang sống giữa thế sự phong trần, với bao vui buồn của cuộc sống, cũng biết đến với Chúa, như thánh Gio-an đã tựa đầu vào ngực Ngài, để chúng con cùng cảm nhận được nhịp đập của trái tim yêu thương của Chúa dành cho chúng con, hầu chúng con xứng đáng là “những người được Chúa yêu”, và biết yêu như Chúa đã yêu. Amen
Discussion about this post