30 TẾT
LỄ TẤT NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 1,39-55
Hồi ấy, bà Ma-ri-a vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa. Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói:
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
Phận nữ tỳ hèn mọn,
Người đoái thương nhìn tới;
từ nay, hết mọi đời
sẽ khen tôi diễm phúc.
Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi
biết bao điều cao cả,
danh Người thật chí thánh chí tôn!
Đời nọ tới đời kia,
Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người,
như đã hứa cùng cha ông chúng ta,
vì Người nhớ lại lòng thương xót
dành cho tổ phụ Áp-ra-ham
và cho con cháu đến muôn đời.”
II. SUY NIỆM
Bài hát “Nhật Ký Đời Tôi” của nhạc sĩ Thanh Sơn có đoạn nói về phút chạnh lòng nhìn lại cuộc đời: “Ngược thời gian trở về quá khứ phút giây chạnh lòng. Bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình chỉ còn lại con số 0. Ai thương ai rồi và ai quên nhau rồi? Trong suốt cuộc đời tương lai trả lời thôi…”
Trong bối cảnh của ngày cuối năm Âm Lịch, chúng ta cũng có dịp nhìn lại suốt một năm qua với bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu ân tình, giờ còn lại điều gì? Chúng ta đã thương ai và đã quên ai, chúng ta đã làm được gì cho Chúa và cho nhau, hay tất cả chỉ còn là con số 0 ?
Chúng ta nhìn lại, không phải để thất vọng và nuối tiếc, nhưng nhìn lại để tạ ơn Thiên Chúa vì một năm đã trải qua đủ vui buồn sướng khổ, nhưng tất cả đều trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cùng Mẹ Maria cất cao lời tạ ơn Thiên Chúa qua bài Magnificat mà bài Tin Mừng hôm nay ghi lại:
Xuất xứ của lời kinh Magnificat cho đến nay vẫn chưa hết những tranh luận của nhiều nhà thần học, nhưng dựa theo chính những lời được thốt ra trong lời kinh “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” mà đặc ân “đầy ơn phúc” lúc này chỉ có nơi Mẹ Maria và được khẳng định qua sứ thần Gabriel cũng như của bà Elisabeth, nên ta không nghi ngờ gì nữa mà chắc chắn lời kinh này được hát lên từ môi miệng Mẹ Maria, ca ngợi lòng thương xót của Chúa đã thực hiện lời hứa cứu chuộc dân Người. Tuy lời kinh hoạ lại tâm tình của bà Anna mẹ của Samuel (x. 1Sm 2,1-10) cùng với những chắt lọc ý nguyện của các lời kinh Cựu Ước đương thời, nhưng quan trọng hơn cả là được đọc trong một tâm tình của một người nữ tỳ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa và cộng tác trực tiếp trong chương trình cứu độ.
Kinh Magnificat được khởi đầu bằng niềm vui của một con người được cứu độ (x. Lc 1,47), kế đến nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những ai hèn mọn (x. Lc 1,48-53). Đặc biệt, điều được nói đến nhiều nhất là sự đối nghịch giữa thế lực giàu và người nghèo bị áp bức, và Thiên Chúa đã yêu thương cứu giúp người nghèo khó khiêm hạ.
Có thể nói, Mẹ Maria đã cất lên bài ca của những người bị áp bức, mà trong đó Mẹ và bà Elisabeth diễn tả mối bận tâm của mình dành cho dân Israel. Mẹ Maria đã nhận vào trong con người của Mẹ một cảm thức và mối bận tâm của bà Anna sau khi bà này sinh hạ Samuel, và ca ngợi về tất cả những điều này vào trong một bài ca biết ơn. Luca giữ lấy cảm thức này cho chúng ta trong kinh Magnificat mà ngài đặt như là một lời dẫn cho việc công bố của Đức Giêsu về sứ mạng của Người là giải phóng người nghèo và những kẻ bị bỏ rơi (Lc 4,18-19).
Cụm từ tapeinoi hoặc anawim theo ngôn ngữ Hy Lạp muốn nói về một người nghèo bình thường, không quyền hành, không ảnh hưởng. Khi hát lên lời này, Đức Maria như muốn tuyên bố, Thiên Chúa không đánh giá con người theo tiêu chuẩn trần thế. Những con người thành đạt, giàu sang và leo lên đỉnh cao quyền lực, có lẽ sẽ làm cho mọi người kính nể và sợ sệt, nhưng đối với Thiên Chúa thì không. Giàu sang và quyền lực trần thế chỉ là thứ chóng qua như “con người chóng qua như cỏ”. Thiên Chúa chú tâm đến người góa bụa, trẻ mồ côi, người hèn mọn, những con người không có chút quyền hành gì, những con người vô tích sự trước mắt người đời. Kẻ giàu sang quyền thế thường thoả mãn về mình; người nghèo hèn chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Kinh Magnificat là tuyên ngôn: Thiên Chúa là Thiên Chúa của người nghèo và người bị áp bức; phúc cho người nghèo vì có Thiên Chúa là Đấng luôn chăm sóc họ. Mẹ Maria là mẫu gương sự nghèo khó và lời kinh Magnificat mà Mẹ hát lên phản ánh việc Mẹ đứng về phía những người bị áp bức. Điều này làm cho lời kinh này mang một tính cách mạng vĩ đại: cần phải thay đổi vị trí xã hội để mọi người được bình đẳng trước mặt Thiên Chúa.
Như thế, ngày cuối năm, chúng ta cùng hát lời kinh Magnificat của mẹ và với Mẹ tạ ơn Thiên Chúa, vì Người nhớ lại long thương xót dành cho tổ tiên và con cháu đến muôn đời.
Lạy Mẹ Maria, xin mời Mẹ cùng vào nhà chúng con, cùng đến gia đình chúng con để cùng “ăn tất niên” và ca ngợi Thiên Chúa với chúng con. Amen
Discussion about this post