CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 3,1-12
Hồi ấy, ông Gio-an Tẩy Giả đến rao giảng trong hoang địa miền Giu-đê rằng: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Ông chính là người đã được ngôn sứ I-sai-a nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn. Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan. Thấy nhiều người thuộc phái Pha-ri-sêu và phái Xa-đốc đến chịu phép rửa, ông nói với họ rằng: “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy? Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối. Đừng tưởng có thể bảo mình rằng: “Chúng ta đã có tổ phụ Áp-ra-ham.” Vì, tôi nói cho các anh hay, Thiên Chúa có thể làm cho những hòn đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham. Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa. Tôi, tôi làm phép rửa cho các anh trong nước để giục lòng các anh sám hối. Còn Đấng đến sau tôi thì quyền thế hơn tôi, tôi không đáng xách dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho các anh trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia, Người sẽ rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”
II. SUY NIỆM
“THANH TẨY”
Bài Tin Mừng hôm nay, giới thiệu cho chúng ta một nhân vật được ví như cầu nối giữa Cựu Ước và Tân Ước là thánh Gioan Tẩy Giả. Ngài là vị Tiền Hô dọn đường cho Chúa Giêsu đến bằng chính lời rao giảng và hành động chứng nhân của mình.
1. Làm chứng bằng lời rao giảng
Trích lại lời ngôn sứ Isaia, thánh sử Mátthêu xác định lời ngôn sứ Isaia đã ứng nghiệm nơi vị Tiền Hô của Chúa là thánh Gioan Tẩy Giả: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi…”. Với lời kêu gọi này, tâm hồn mọi người được ví như một “hoang địa”, với bao gồ ghề, quanh co, gò cao, hố sâu…
Bao nhiêu gò nổng gồ ghề của những lời nói độc ác, tàn nhẫn; gồ ghề vì sự lười biếng không chịu cố gắng thăng tiến bản thân; gồ ghề vì những phê bình chỉ trích thiếu tính cách xây dựng.
Bao nhiêu gò cao kiêu ngạo, luôn muốn khoe khoang nâng mình lên; những ngọn núi tự ái không biết nhận lỗi và không biết thứ tha.
Bao nhiêu hố sâu tham lam muốn chiếm đoạt tất cả, muốn thu vén tất cả vào túi riêng; những hố sâu chia rẽ, luôn gây ra bất hoà, luôn giận hờn, luôn ganh ghét, luôn nghi kỵ; những hố sâu đam mê chạy theo danh lợi thú.
Bao nhiêu khúc quanh co của sự dối trá, không thành thật với Chúa, với người khác và cả với chính mình; những khúc quanh co của sự trốn tránh bổn phận và của sự giả hình.
Với lời rao giảng trên, thánh Gioan Tẩy Giả không ngần ngại nói thẳng về hiện trạng của những người nghe ngài giảng và đến lãnh phép rửa.
Bằng lời rao giảng, thánh Gioan Tẩy Giả cho thấy tất cả những gồ ghề, quanh co, gò cao, hố sâu kia đã ngăn chặn Chúa đến với ta. Vì thế, phải bạt đi những thói kiêu căng tự ái, lấp đầy những hố sâu bất hoà, uốn thẳng lại những quanh co dối trá, san bằng những gồ ghề độc ác…. Để dọn tâm hồn đón chờ Chúa đến.
2. Làm chứng bằng việc làm.
Không những làm chứng cho Chúa Giêsu bằng lời nói, thánh Gioan Tẩy Giả còn làm chứng bằng việc làm, nghĩa là bằng đời sống đạo đức thánh thiện của mình. Thánh nhân là mẫu gương của sự khiêm tốn khi nhận mình không đáng xách dép cho Chúa Giêsu đến sau ngài.
Có thể nói, đời sống của thánh Gioan Tẩy Giả rất thánh thiện, đến nỗi dân chúng cho rằng chính ngài là Đấng Cứu Thế đã đến (x. Lc 3,15). Nhưng ngài đã khiêm tốn nói lên vai trò tiền hô của mình, tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, là kẻ dọn đường cho Chúa đến mà thôi.
Lại nữa, sự nghèo khó đơn sơ thanh đạm của người rao giảng trở nên một bằng chứng sống động, dù được dân chúng coi như Đấng Cứu Thế, vâng nghe lời và cúi đầu nhận phép rửa dưới tay ngài, nhưng thánh nhân đã không áo dài tua gấm mũ cao kiểu các “thầy dạy” Do Thái, mà chỉ khiêm nhượng, áo thì mặc lông lạc đà, của ăn là châu chấu và mật ong rừng.
Bằng lời nói và bằng việc làm, thánh Gioan Tẩy Giả đã làm tròn sứ mạng chứng nhân cho Chúa Cứu Thế.
Như vậy, qua đời sống và lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả, sứ điệp Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta rằng: Để chuẩn bị đón Chúa đến với tâm hồn chúng ta riêng từng người, nhất là được hưởng trọn niềm vui Đại Lễ Giáng Sinh sắp đến, chúng ta cần biết: nâng tâm hồn lên và sống thánh thiện xứng đáng với địa vị cao sang của người con của Chúa, khiêm tốn nhìn nhận con người thật của mình, liêm chính trong mọi việc mình làm. Hãy lánh xa những trở ngại làm chúng ta xa Chúa, như danh vọng, tiền tài và sắc dục. Đặc biệt, mọi người trở nên “Tiền Hô” cho Chúa Cứu Thế, nghĩa là qua cách sống chúng ta mà mọi người nhận ra Chúa để trở về với Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết nâng tâm hồn lên và sống thánh thiện, đồng thời cũng biết khiêm tốn nhìn nhận con người thật của mình mà liêm chính trong mọi việc mình làm, để chúng con trở thành “những tiền hô” đích thực của Chúa, là chuẩn bị tâm hồn mọi người đón chờ Chúa đến cứu độ nhân loại. Amen
Hiền Lâm
***
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,1-8
Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Ki-tô, Con Thiên Chúa:
Trong sách ngôn sứ I-sai-a có chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con. Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi.
Đúng theo lời đó, ông Gio-an Tẩy Giả đã xuất hiện trong hoang địa, rao giảng kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội. Mọi người từ khắp miền Giu-đê và thành Giê-ru-sa-lem kéo đến với ông. Họ thú tội, và ông làm phép rửa cho họ trong sông Gio-đan.
Ông Gio-an mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, ăn châu chấu và mật ong rừng. Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”
iI. SUY NIỆM
“KHIÊM TỐN”
Bài Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Vọng (năm B) hôm nay là “Lời Tựa” của Tin Mừng thánh Máccô, trong đó, thánh sử bắt đầu bằng việc giới thiệu cho chúng ta vắn tắt về cuộc đời và lời rao giảng của vị Tiền Hô của Chúa là thánh Gioan Tẩy Giả.
1. Cuộc đời và sứ vụ của thánh Gioan Tẩy Giả.
Bức tranh được các tác giả Tin mừng vẽ lên là hồi ấy từ cấp lớn đến dân bé Do-thái đều coi Gioan Tẩy giả là Đấng Cứu Thế. Nhưng thánh Gioan đã không háo danh nhận lấy cái vinh quang không thuộc về mình. Sự khiêm tốn của thánh nhân không phải là việc ngài không nhận cái mình có, mà là xác định rõ mình là ai trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa mới là Đấng Cứu Thế mà thánh nhân làm chứng, chứ không phải làm chứng mình cái chỉ thuộc quyền của Chúa.
Thánh Gioan khiêm tốn nhận mình không đáng cởi quai dép cho Chúa Giêsu đến sau ngài. Tưởng cũng cần biết rằng, theo phong tục thời ấy, người làm phép rửa cởi dép cho người sắp lãnh phép rửa trước khi giúp cho người này cởi áo. Vì thế, khi nói “tôi không đáng cởi quai dép” thì có nghĩa là cảm thấy mình không xứng đáng rửa cho một vị trong sạch và uy thế hơn mình.
Cũng như sao mai báo hiệu cho Vầng Đông xuất hiện, khi Vầng Đông mọc lên thì sao mai tự động biến mất. Một người lính đến thông báo cho dân biết Vua sắp đi qua để họ chuẩn bị, khi vua đến thì Vua mới là đối tượng chính mà dân đón chứ không còn là anh lính kia nữa. Thánh Gioan Tẩy Giả khiêm tốn nhìn nhận mình chỉ là Đấng dọn đường cho Chúa Giêsu đến, và khi Chúa Giêsu đến thì vai trò của Tiền Hô cũng hoàn tất. Tuy nhiên, thật đáng cảm phục sự “thánh thiện và cao cả” của ngài. Bởi vì dân chúng cúi đầu lắng nghe và chịu phép rửa của ngài, có các môn sinh theo ngài, và ngay Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa dưới tay ngài. Nên ngài có lý do để khẳng định mình, có lý do để bảo vệ vị thế của mình… Nhưng không, ngài rất bình tĩnh biết ơn gọi của mình, khiêm tốn đón nhận và chu toàn bổn phận của mình.
2. Sứ điệp rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả.
Chúa Giê-su, Đấng được Thiên Chúa sai đến thì nay thánh Gioan Tẩy Giả loan báo Người đã xuất hiện. Chính Người là Đấng đã được các chứng nhân lớn trong Cựu Ước loan báo và chuẩn bị. Trong Người và nhờ Người, ơn cứu độ của Thiên Chúa sẽ được thực hiện.
Lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả làm ứng nghiệm lời tiên báo của ngôn sứ Isaia: “Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Is 40,3-5).
Lời rao giảng làm nổi bật lên ý nghĩa, là khiêm tốn nhận ra vị thế của mình và sống đúng với ơn gọi mà Chúa mời gọi mình làm chứng nhân, khi:
Có bao lối nghĩ quanh co, bao tính toán lệch lạc. Có những lũng sâu tăm tối, thiếu vắng ánh sáng tình yêu. Có những núi đồi ngạo nghễ của tự kiêu, tự mãn. Có những chỗ mấp mô, lồi lõm giữa người với người.
– “Thung lũng, phải lấp cho đầy”, nghĩa là phải nâng tâm hồn lên và sống thánh thiện xứng đáng với địa vị cao sang của người con của Chúa;
– “Núi đồi, phải bạt cho thấp”, nghĩa là phải sống khiêm tốn nhìn nhận yếu đuối của mình.
– “Khúc quanh co, phải uốn cho ngay”, nghĩa là phải sống ngay thẳng, công minh và chính trực. Phải có ý ngay lành trong mọi việc mình làm.
– “Đường lồi lõm, phải san cho phẳng”, nghĩa là hãy lánh xa những trở ngại làm chúng ta xa Chúa, như danh vọng, tiền tài và sắc dục.
Tóm lại, sứ điệp Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta sống tinh thần Mùa Vọng là noi theo gương vị Tiền Hô của Chúa để làm chứng Chúa bằng lời nói và bằng việc làm của mình.
Mọi người được Chúa trao cho những sứ vụ khác nhau, ơn gọi khác nhau tuỳ khả năng và bậc sống của mình, tuỳ theo thời gian và hoàn cảnh, mỗi người có một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa. Vì thế, cần khiêm tốn ý thức chỗ đứng của mình trong chương trình của Chúa, để Chúa được vinh danh trong công việc của chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su, xin Chúa dẹp đi những cao ngạo, ngổn ngang và mọi thứ đam mê ước vọng vật chất đang phình to lấp đầy tâm hồn chúng con, để khi cá tính và đam mê của chúng con nhỏ lại, thì Chúa mới lớn lên được trong tâm hồn chúng con. Amen
Hiền Lâm
***
CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG, NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 3,1-6
Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Ti-bê-ri-ô, thời Phong-xi-ô Phi-la-tô làm tổng trấn miền Giu-đê, Hê-rô-đê làm tiểu vương miền Ga-li-lê, người em là Phi-líp-phê làm tiểu vương miền I-tu-rê và Tra-khô-nít, Ly-xa-ni-a làm tiểu vương miền A-bi-lên, Kha-nan và Cai-pha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Da-ca-ri-a là ông Gio-an trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Gio-đan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ I-sai-a rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng. Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.
II. SUY NIỆM
“LỜI MỜI GỌI SÁM HỐI”
Các tác giả Tin Mừng đều kể về cuộc đời và sứ vụ của vị Tiền Hô của Chúa, nhưng chỉ riêng thánh Luca chú thích cặn kẽ về bối cảnh chính trị và tôn giáo thời thánh Gioan Tẩy Giả khi ngài khởi đầu sứ vụ “tiền hô” của mình.
Khoảng năm 27, lúc bấy giờ người do-thái đã mất quyền tự trị và xứ sở họ bị chia làm bốn xứ nhỏ. Với cách ghi lại dữ kiện, thánh sử Luca cho thấy Đất Thánh bị chia năm sẻ bảy như một thách thức đối lại với lời Thiên Chúa hứa, bởi vì lòng người từ giới tư tế đến con dân đã đi sai đường lối của Thiên Chúa. Chính vì thế, sự xuất hiện của thánh Gioan Tẩy Giả với một sứ điệp rõ ràng là: “Hãy sám hối” để được Thiên Chúa từ chốn cao vời viếng thăm và cho xuất hiện Đấng Cứu Thế.
Thánh Gioan Tẩy Giả trong bài Tin Mừng hôm nay lớn tiếng nhắc lại cho mọi thành phần dân Do-thái đang bị cám dỗ bỏ quên Thiên Chúa, hoặc làm méo mó dung mạo Thiên Chúa mà họ đã được mời gọi làm chứng giữa muôn dân. Bí quyết đó là việc ăn năn thống hối và thay đổi nội tâm.
Lời kêu gọi sám hối này không xuất hiện từ đền thờ lộng lẫy hay trên các đường phố, nhưng đến từ hoang địa, như là một phản ảnh về tâm hồn mọi người đã xa vắng Thiên Chúa và trở nên như hoang mạc khô cằn.
1. Tiếng kêu từ sa mạc
Một khuôn mặt quen thuộc của Mùa Vọng đó là khuôn mặt của thánh Gioan tiền hô. Thánh Luca trong bài Tin Mừng hôm nay đã viết: “Có tiếng người kêu trong hoang địa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng”.
Tiếng người kêu trong hoang địa ấy là của thánh Gioan tiền hô. Và con đường mà ngài nhắc tới không phải là một con đường trong không gian, nhưng là con đường nội tâm của mỗi người. Sửa con đường nội tâm là thay đổi cõi lòng, thay đổi cuộc sống để xứng đáng đón tiếp Con Thiên Chúa làm người.
Là tiếng kêu trong sa mạc, đời sống của thánh Gioan đã gắn liền với đời sống của Chúa Cứu Thế như “tiếng kêu” gắn liền với Đấng là “Lời của Thiên Chúa”. Đàng khác, đời sống của vị Tiền Hô chỉ có lý do khi có Đấng Cứu Thế xuất hiện phía sau; và đời sống của vị Tẩy Giả làm phép rửa sám hối chỉ có ý nghĩa khi có Chúa Giêsu, Đấng thiết lập Bí tích Thánh Tẩy để tha tội.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã làm xuất phát những tiếng kêu qua các ngôn sứ để tiên báo Đấng Cứu Thế sẽ đến. Là ngôn sứ cuối cùng của Cựu Ước, tiếng kêu của thánh Gioan Tẩy Giả được coi như đúc kết mọi tiếng kêu của các ngôn sứ khác, như tiếng kêu của Isaia, tiếng kêu của Êlia, tiếng kêu của Giêrêmia…
Ngày nay, khi nói “Tiếng kêu trong sa mạc”, người ta thường hiểu là tiếng kêu vô ích, lời hô hào không được hưởng ứng, không được đón nghe. Nhưng tiếng Gioan đã kêu lên trong sa mạc thì khác, tiếng kêu ấy đã lôi kéo đủ thứ mọi hạng người khắp xứ Palestine đến với Gioan trên bờ sông Giođan. Tiếng ấy mặc dù kêu lên trong sa mạc nhưng đã vang vọng tới tận thủ đô Giêrusalem đến nỗi một phái đoàn chính thức đã được các vị lãnh đạo tôn giáo sai đến để chất vấn Gioan tận nơi sa mạc.
Có nhiều thứ sa mạc ở nơi chính cõi lòng con người:
Sa mạc của sự lãnh đạm, thờ ơ. Rất nhiều người đã sống như thể không có Chúa và không cần Chúa. Đối với những người này thì sống như vậy sẽ thoải mái hơn nhiều, bởi họ có thể tự do làm mọi sự theo ý mình, theo sự thúc đẩy của bản năng mà không có gì khuấy động lương tâm làm họ phải day dứt cả. Tin Chúa chỉ bận lòng thêm thôi.
Sa mạc của sự vô cảm về mặt tâm linh và luân lý. Đối với nhiều người, Thiên Chúa của họ là cái bụng, là tiền bạc, là danh vọng, là lạc thú xác thịt. Bận tâm duy nhất của họ là làm sao kiếm cho thật nhiều tiền bằng bất cứ cách nào. Và khi đã có tiền trong tay thì họ tìm cách để hưởng thụ, hưởng thụ trong vấn đề ăn uống, hưởng thụ trong vấn đề nhục dục… Ngoài ra không còn gì nữa cả. Không còn niềm tin, không còn luân thường đạo lý, không còn lương thiện, không còn đạo đức, không còn nhân phẩm, không còn nhân ái, không còn vị tha, không còn công bình, không còn trung tín…
Mỗi Mùa Vọng, tiếng kêu của Gioan trong sa mạc lại lay động, thức tỉnh chúng ta, đặt chúng ta đối diện trước một số vấn đề thuộc phạm vi lương tâm và công bình xã hội, để chúng ta xét mình, kiểm điểm nếp sống, để cải thiện đời sống mỗi ngày thêm trọn hảo, để dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa Cứu Thế ngự đến.
Có nghe được tiếng Chúa nói qua tiếng kêu của Gioan Tiền Hô hôm nay, chúng ta mới bắt tay vào việc dọn đường tâm hồn chúng ta cho Chúa ngự đến.
2. Lời mời gọi sám hối
Đón tiếp một vị khách phàm trần, người ta chỉ cần chưng diện treo hoa đèn, biểu ngữ, chào đón, chúc tụng và hô to những khẩu hiệu ngoài môi miệng cho qua lượt, nhưng để đón Chúa đến và họa lại chân dung của Chúa trong chính đời sống của mình thì con người phải thay đổi thực sự tâm hồn, phải thực hiện cuộc canh tân thay đổi nội tâm khỏi những tâm tình xấu xa tội lỗi.
Lời rao giảng của thánh Gioan Tẩy Giả nhắc lại cách thức sám hối là: “Dọn đường cho Chúa và sửa lối cho thẳng”, như lời loan báo của ngôn sứ Isaia: “Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Is 40,4).
Phải lấp cho đầy những hố sâu tham lam ích kỷ hẹp hòi, uốn cho ngay những lối nghĩ quanh co lệch lạc, san cho phẳng những núi đồi ngạo nghễ của tự mãn, bạt cho thấp những gồ ghề lồi lõm của bất công… Mọi gồ ghề ngăn trở các quan hệ tốt đẹp với Thiên Chúa, với tha nhân, phải bạt xuống và san phẳng đi, để tình Chúa, tình người chan hòa đến với hết mọi người. Có như vậy, xã hội mới dần dần trở thành huynh đệ hơn, tốt đẹp hơn, sẵn sàng cho Chúa đến, và cuối cùng để đón nhận ơn cứu độ từ chính Đấng Cứu Độ như Gioan loan báo: “Hết mọi người phàm sẽ thấy ơn Thiên Chúa cứu độ”.
Thiên Chúa chỉ có thể đến gặp con người trên những con đường ngay thẳng, phẳng phiu. Và ơn cứu độ của Người cũng chỉ ban cho những ai rộng tay đón nhận.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho chúng con ơn sám hối, dám đi đến những hành động cụ thể, và can đảm chấp nhận cắt tỉa đớn đau, để chúng con xứng đáng đón rước Chúa đến, mang nguồn vui ơn cứu độ. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post